Điểm tham quan tại An Giang

I. Du lịch văn hóa - Di tích lịch sử An Giang



1. Miếu Bà Chúa Xứ

Miếu Bà Chúa Xứ

Địa chỉ: , Phường Núi Sam, Thành phố Châu Đốc, An Giang

Vị trí: Miếu Bà Chúa Xứ thuộc xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Ðốc, tỉnh An Giang.

Đặc điểm: Ðược lập vào năm 1820, kiến trúc theo kiểu chữ "quốc". Trong miếu thờ tượng Bà Chúa được tạc bằng đá xanh.

Miếu Bà Chúa Xứ nằm dưới chân núi Sam, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay thuộc phường Núi Sam,, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang. Lễ hội Bà Chúa Xứ (còn gọi là lễ Vía Bà) được tổ chức hàng năm bắt đầu từ đêm 23/4 âm lịch đến 27/4 âm lịch.

Theo truyền thuyết, miếu Bà do dân xây dựng để cúng bái vì tin vào sự linh thiêng của Bà. Lại có truyền thuyết cho rằng, Thoại Ngọc Hầu đã đứng ra xây dựng theo lời trăn trối của vợ (bà Châu Vĩnh Tế).

Lúc đầu miếu cất bằng tre, lá. Năm 1962, miếu lợp ngói âm dương. Ðến năm 1972, ngôi miếu được xây lại, năm 1976 công trình mới hoàn thành.

Miếu Bà Chúa Xứ kiến trúc theo kiểu chữ "quốc", có 4 mái hình vuông, nóc lợp bằng ngói ống màu xanh. Nhà để tượng cũng 4 mái hình vuông. Trong miếu thờ tượng Bà Chúa được tạc bằng đá xanh có giá trị nghệ thuật cao. Tượng tạc vào thế kỷ 6, theo mô típ tượng thần Vinus thường thấy ở các nước Lào, Cam-pu-chia, Ấn Độ. Hội Bà Chúa Xứ được tổ chức hằng năm rất lớn vào các ngày cuối tháng 4 âm lịch. Hàng vạn người đổ về đây dự lễ tắm tượng Bà, lễ dâng hương cầu phúc lành...


2. Lăng Thoại Ngọc Hầu

Lăng Thoại Ngọc Hầu

Địa chỉ: xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Ðốc, tỉnh An Giang.

Vị trí: Lăng Thoại Ngọc Hầu thuộc xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Ðốc, tỉnh An Giang.

Đặc điểm: Lăng Thoại Ngọc Hầu là một trong số nhiều di tích ở chân núi Sam. Tại đây có đền thờ ông Thoại Ngọc Hầu, mộ ông cùng hai phu nhân được xây vào thập niên 30 của thế kỷ 20.

Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại, một danh tướng nổi tiếng của triều Nguyễn. Ông sinh ngày 25/11/1761 tại Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, được phong tước Ngọc Hầu. Ông mất ngày 06/6/1829.

Khung cảnh uy nghiêm của lăng Thoại Ngọc Hầu gợi cho du khách những hoài cảm về người xưa, về công đức của những bậc tiền bối, gây ấn tượng sâu xa, luyến tiếc cho những gì không thể tìm lại được của quá khứ.Phía trước lăng là khoảng sân rộng. Hai bà vợ của ông được chôn cất tại đây. Bà Nhất phẩm Châu Vĩnh Tế chôn phía tay phải, bà Nhị phẩm Trương Thị Miệt chôn phía tay trái, mộ ông nằm chính giữa.

Trong Long Đình là bản sao bia "Thoại Sơn", bia "Vĩnh Tế Sơn". Trước Long Đình là hai con nai đắp bằng xi măng. Hai cửa lớn vào lăng rộng, hình bán nguyệt, kiến trúc theo lối cổ, liền với bức tường kiên cố dày 1m, cao 3m. Sau lăng là đền thờ trên nền cao hơn. Sau lưng đền thờ là sườn núi Sam tạo thành thế vững chắc kiên cố, tôn lên nét cổ kính uy nghi. Vào lăng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tượng Thoại Ngọc Hầu cao khoảng hai mét cùng những áng văn chương lộng lẫy, với liễn đối, hoành phi, văn bia, văn tế... gợi lại hình ảnh nước non một thời oanh liệt.


3. Di tích Cột Dây Thép

Di tích Cột Dây Thép

Địa chỉ: huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang

Vị trí: Di tích Cột Dây Thép là một hệ thống gồm hai cột dây thép đứng đối xứng nhau qua con sông Tiền, thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang

Đặc điểm: Đây là nơi được chọn treo lá cờ Đảng đầu tiên tại An Giang.

Được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, nhiều sợi dây thép to được giăng từ cột bên này qua cột bên kia sông để tạo thành một mạng lưới dây thép vượt sông Tiền. Và đấy chính là mạng lưới thông tin được chính quyền thực dân Pháp lúc ấy dùng để thông tin liên lạc giữa các xã ở hai bên bờ sông.

Mỗi cột dây thép được làm từ bốn trụ cột bằng thép gắn kết tạo thành hình tháp, chóp vuông, có chiều cao 30m với bốn chân trụ xiên theo bốn hướng. Mỗi chân trụ cách nhau khoảng 1,5m. Các chân trụ đều được làm bằng những thanh thép có hình chữ L nối kết không đều nhau để tạo thêm sức tải lực cho toàn khối cột.

Cột Dây Thép phản ánh giá trị rất cao về lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Chợ Mới nói riêng và tỉnh An Giang nói chung trong những ngày đầu thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, là một dấu ấn trong lòng mọi người dân An Giang khi tìm hiểu về lịch sử của tỉnh.


4. Khu di tích lịch sử Tức Dụp

Khu di tích lịch sử Tức Dụp

Địa chỉ: , Thị trấn Tri Tôn, Huyện Tri Tôn, An Giang

Vị trí: Khu di tích lịch sử Tức Dụp thuộc địa phận thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đặc điểm: Tức Dụp là căn cứ địa vững chắc của quân và dân An Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đặc điểm: Tức Dụp là căn cứ địa vững chắc của quân và dân An Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Tây Nam Bộ là vùng đất mầu mỡ phù sa, lắm tôm nhiều cá, mọi thứ ở đây đều được thiên nhiên ưu đãi. Ðồi Tức Dụp được trời đất ban tặng cho một hệ thống hang động chi chít như tổ ong vĩ đại, thông nhau bởi muôn vàn ngõ ngách và kẹt đá. Từ những năm 1940, Tức Dụp đã là nơi ẩn náu của các chiến sỹ cộng sản. Khi bị ruồng bố nhân dân đem bánh trái đến trước cửa hang cúng Trời Phật, nhưng thực ra là tiếp tế cho cách mạng.

Từ năm 1960, Tức Dụp là căn cứ của huyện uỷ Tri Tôn và tỉnh uỷ An Giang, là chiếc cầu quan trọng đưa các binh đoàn miền Bắc vượt Trường Sơn qua Cam-pu-chia toả xuống khắp chiến trường Tây Nam Bộ. Nhiều đám cưới của bộ đội và du kích đã được tổ chức tại đây.

Phát hiện ra Tức Dụp - đầu não của căn cứ cách mạng, Mỹ nguỵ đã tập trung đánh phá liên tục như muốn san bằng cả ngọn đồi. Bom đạn không chỉ trút xuống Cô Tô mà còn lan rộng đến nhiều vùng phụ cận, biến cả vùng "trắng" sơ xác tang thương. Dưới những trận bom bi, bom cay, bom râu, bom bướm, bom dầu, bom xăng... đến pháo bầy, pháo chụp, Tức Dụp không còn một mảng rong rêu hay một sợi dây leo chùm gửi; không còn loài thú hay côn trùng nào sống nổi. Tức Dụp như là đất chết. Vậy mà các chiến sỹ cách mạng vẫn kiên trì bám trụ giữ lấy địa bàn.


5. Khu di chỉ Óc Eo

Khu di chỉ Óc Eo

Địa chỉ: , Huyện Thoại Sơn, An Giang

Vị trí: Khu di chỉ Óc Eo thuộc vùng núi Sập - Ba Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Đặc điểm: Thành cổ Óc Eo là một thương cảng thời trung cổ bị chìm dưới đất, được phát hiện khi nhân dân đào kênh xáng Ba Thê.

Là một khu di tích cổ rộng lớn, gắn liền với vết tích vật chất của vương quốc Phù Nam, một quốc gia hùng mạnh ở vùng Đông Nam Á cách nay khoảng hai nghìn năm.

Ngoài khu vực được xem là “thành phố Óc Eo” có diện tích 4.500ha, còn có một vài vùng ở miền Tây Nam Bộ như: Đồng Tháp Mười, Châu Đốc, Kiên Giang… mà cho đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu, khảo cổ.

Khu di chỉ Óc Eo không những đón được rất nhiều nhà sưu tầm, khảo cổ đến nghiên cứu, tìm hiểu mà còn hấp dẫn được rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây để xem di vật, vết tích được phát hiện để biết thêm về một thời kỳ phát triển rực rỡ của vùng đất An Giang ngày xưa nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.


6. Chùa Tây An

Chùa Tây An

Địa chỉ: , Xã Vĩnh Tế, Thành phố Châu Đốc, An Giang

Vị trí: Chùa Tây An thuộc xã Vĩnh Tế, thanh phố Châu Ðốc, tỉnh An Giang.

Đặc điểm: Chùa Tây An mang dáng dấp của những ngôi chùa Ấn Ðộ, có kiến trúc hài hoà với cảnh trí thiên nhiên, tạo một vẻ đẹp lộng lẫy. Chùa là một trong cụm di tích ở chân núi Sam.

Chùa Tây An (Tây An cổ tự) do một vị quan triều Nguyễn đời Minh Mạng (1820) là Tổng đốc Nguyễn Nhật An xây dựng theo lời nguyện của ông khi được triều đình phái đi Cao Miên. Theo lời nguyện này, nếu ông đi thành công, khi về sẽ dựng một ngôi chùa thờ Phật tại chân núi Sam. Cất chùa xong bằng tre, ông thỉnh vị Hoà thượng đầu tiên là Nguyễn Văn Giác, pháp hiệu là Hải Tịnh đến trụ trì. Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), chùa lại thỉnh thêm một vị Hoà thượng nữa tên là Ðoàn Minh Huyền, pháp hiệu là Pháp Tang đến trụ trì. Vị Hoà thượng sau này ngoài việc tu hành còn có tài làm thuốc trị bệnh cho nhân dân rất hiệu quả nên sau khi ông mất, đồng bào suy tôn hoà thượng với danh hiệu là Phật thầy Tây An và danh hiệu này vẫn được nhân dân gọi đến ngày nay.


7. Cụm di tích núi Sam

Cụm di tích núi Sam

Địa chỉ: , Xã Vĩnh Tế, Thành phố Châu Đốc, An Giang

Vị trí: Di tích núi Sam thuộc xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Ðốc, tỉnh An Giang. Đặc điểm: Núi Sam không chỉ là cảnh đẹp thiên nhiên, tại đây có nhiều di tích kiến trúc, văn hóa đã khắc sâu vào tâm linh người dân đồng bằng Nam Bộ.

Đặc điểm: Núi Sam không chỉ là cảnh đẹp thiên nhiên, tại đây có nhiều di tích kiến trúc, văn hóa đã khắc sâu vào tâm linh người dân đồng bằng Nam Bộ.

Núi Sam cao 284m nằm ở vùng đồng bằng, có đường nhựa dài khoảng 5km cho xe chạy vòng quanh lên tận đỉnh núi. Núi Sam cùng các ngọn núi khác vùng Bảy Núi là những điểm nhấn tạo nên cảnh quan tự nhiên rất thơ mộng ở miền tây nam của Việt Nam, giáp với biên giới Cam-pu-chia.

Núi thấp có nhiều đường mòn, nhiều ngả lên xuống, ít cây cổ thụ. Theo truyền thuyết, núi có nhiều linh hiển, nên có nhiều chùa thờ Phật đã dựng lên tại đây gần 2 thế kỷ. Ðồng bào khắp nơi hành hương về đây cúng lễ rất đông. Có đến 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác ở chân núi, sườn núi và cả trên đỉnh. Trên đỉnh núi có một pháo đài được xây dựng từ thời Pháp.

Dưới chân núi có Lăng Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại), một tướng triều Nguyễn có nhiều công đức với nhân dân địa phương trong việc tổ chức đào hai con kênh quan trọng ở An Giang: kênh Vĩnh Tế dài 90km nối sông Hậu với Hương Thành (Hà Tiên) và ra vịnh Thái Lan; kênh Chỉnh An nối sông Hậu qua sông Tiền; đắp lộ lớn Châu Ðốc - Long Xuyên. Tất cả những công trình quan trọng ấy đều hoàn tất trước khi Thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ (1858). Tại đây còn có miếu bà Chúa Xứ, chùa Tây An, vườn Tao Ngộ, đồi Bạch Vân...


8. Thành phố Long Xuyên

Thành phố Long Xuyên

Diện tích: 3.406 km²

Dân số: 350.000 người (năm 2007)

Dân tộc: Việt (Kinh), Khmer, Chăm, Hoa.

Di tích và thắng cảnh

    • Chợ nổi Long Xuyên

    • Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng

    • Đình Mỹ Phước

    • Di tích chùa Ông Bắc

Đến với Tp. Long Xuyên du khách còn có thể tham quan chợ nổi Long Xuyên là nơi tập trung hàng trăm xuồng, ghe từ khắp nơi đến để mua bán hàng hóa (chủ yếu là hàng nông sản). Ai bán loại nào sẽ treo hàng ("bẹo" hàng) trên cây sào cao để người mua dễ nhận biết. Chợ nổi chỉ hoạt động từ khoảng 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều mỗi ngày.Ở Long Xuyên có ba di tích được xếp hạng cấp quốc gia, đó là: Ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (nằm ở Cù lao Ông Hổ), Đình Mỹ Phước và Bắc Đế miếu (tức chùa Ông Bắc).

Ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng nằm ở Cù lao Ông Hổ thuộc xã Mỹ Hoà Hưng cách thành phố Long Xuyên 20 phút đi đò. Đến đây, du khách được thăm ngôi nhà sàn kỷ niệm của Bác Tôn lúc sinh thời, đền thờ Bác Tôn, nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn… Ngoài ra du khách còn được nghỉ tại nhà dân (Homestay) để thưởng thức các loại trái cây, món ăn đặc sản và nghe đàn ca tài tử, làm quen với cuộc sống của người dân Nam Bộ, thăm các bè cá ven bờ cù lao.

Đình Mỹ Phước là một ngôi đình khang trang, bề thế và là một di tích kiến trúc nghệ thuật của tỉnh An Giang. Nơi đây còn thờ thần Thị, tức ông Nguyễn Văn Võ, người có công lập chợ Long Xuyên.

Di tích chùa Ông Bắc (Quảng Đông Tỉnh Hội quán) tuy không to lớn, nhưng là một di tích kiến trúc chính thống của dân tộc Hoa.

Đến thăm chợ du khách còn được thưởng thức những món ăn, nước uống hết sức là bình dị trên chiếc xuồng chèo của những cô gái miệt vườn như: Bánh canh ngọt, lạt, bánh tầm, bánh bò, hủ tiếu, chè đậu đỏ, cà phê


9. Pháo Đài trên núi Sam

Pháo Đài trên núi Sam

Địa chỉ: núi Sam, thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang

Vị trí: Pháo Đài nằm trên đỉnh núi Sam, thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang

Đặc điểm: Đây là một địa điểm khá độc đáo vừa có thể đón gió vừa được ngắm toàn cảnh hữu tình vùng đồng quê sông nước.

Tại đỉnh núi Sam vào khoảng năm 1896, Chánh tham biện Pháp đã cho xây dựng một ngôi biệt thự kiên cố làm nơi nghỉ mát, vui chơi. Tầng trên cùng là ngôi tháp cao hình trôn ốc để hóng gió. Trong thời kỳ chiến tranh, giặc đã sử dụng ngôi biệt thự này làm căn cứ pháo binh nên từ đó nó được gọi là Pháo Đài. Năm 1969, anh hùng Hoàng Đạo Cật đánh sập Pháo Đài nên ngày nay nó đã bị hư hỏng nhiều

Muốn lên Pháo Đài có hai con đường chính. Đường ở sau lăng Thoại Ngọc Hầu gần hơn, nhưng dốc đứng phải đi theo gộp đá hoặc nấc thang nên chỉ dành cho người đi bộ. Dọc hai bên đường có rất nhiều chùa chiền, am cốc… Vào mùa hè, hàng phượng bên đường trổ bông đỏ rực, thắp theo dòng người lên núi một màu hoa lửa thật đẹp. Gần tới Pháo Đài là ngôi chùa cổ Giác Hương có hậu cảnh rộng, là điểm nghỉ ngơi, ngắm cảnh thú vị.

Ngã thứ hai từ Châu Đốc đến ngã ba Đầu Bờ rồi rẽ trái dọc theo đường vòng chân núi, qua khu trường học và nghĩa trang là đường lên núi với hai trụ cổng có lối kiến trúc cổ. Đây là con đường trải nhựa dài hơn 2km, gọi là đường Tháp, dành cho các loại xe ôtô và xe máy. Dọc theo con đường này có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: vườn Tao Ngộ, nhà bác sĩ Nu, bệ đá nơi phát hiện tượng Bà Chúa Xứ...


10. Nhà mồ Ba Chúc

Nhà mồ Ba Chúc

Địa chỉ: xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang,

Vị trí: Nhà mồ Ba Chúc nằm tại xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, cách biên giới Việt Nam - Campuchia 7km

Đặc điểm: Đây là một địa điểm ghi dấu tội ác man rợ của bọn diệt chủng Pôn Pốt đã xâm lược và sát hại hàng ngàn người dân Ba Chúc.

Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, bọn diệt chủng Pôn Pốt đã tập trung đánh vào xã Ba Chúc, đốt phá nhà cửa, cướp bóc tài sản, giết người hàng loạt. Qua 11 ngày lấn chiếm (từ 18/4/1978 đến 29/4/1978), giặc đã giết hại hơn 3.000 dân lành. Nhà mồ Ba Chúc được xây dựng trên một khoảng đất giữa hai chùa Phi Lai và Tam Bửu, cách núi Tượng (Liên Hoa Sơn) 100m về hướng đông để ghi dấu tội ác man rợ của bọn diệt chủng Pôn Pốt.

Nhà mồ có hình lục giác, mỗi trụ cột đỡ mái nhà được kiến trúc hình tượng như bày tay đẫm máu đang vươn thẳng lên. Bên trong nhà mồ là một khung hộp kính tám cạnh, chứa đựng 1.159 bộ hài cốt gom được của người dân vô tội bị bọn diệt chủng Pôn Pốt thảm sát.


11. Bia Thoại Sơn

Bia Thoại Sơn

Địa chỉ: thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang,

Vị trí: Bia Thoại Sơn nằm dưới chân núi Sập, trong đình Thoại Sơn thuộc thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cách thành phố Long Xuyên khoảng 28km.

Đặc điểm: Bia Thoại Sơn do Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) dựng năm 1822 và là một trong hai công trình di tích lịch sử và bia ký nổi tiếng ở Việt Nam dưới chế độ phong kiến còn lưu lại đến ngày nay

Bia đá có chiều cao 3m, ngang 1,2m, bề dầy 0,2m. Mặt bia chạm 629 chữ mô tả công trình đào kênh Thoại Hà và nói lên tình cảm của Thoại Ngọc Hầu với triều đình, với nhân dân.

Vào đầu thế kỷ 19, vùng Thoại Sơn rất hoang vu, mịt mù cây rừng cỏ dại. Lạch nước tuy có sẵn nhưng nhỏ hẹp, bùn đọng, cỏ lấp, thuyền qua lại không nổi. Con sông Đông Xuyên (nay là Long Xuyên) chỉ kéo dài đến Ba Bần, mọi giao thông của tàu thuyền từ Long Xuyên và đồng bằng sông Cửu Long muốn sang Rạch Giá, Hà Tiên hay ngược lại đều phải đi đường biển vòng xuống Cà Mau.

Năm 1817 khi Thoại Ngọc Hầu về trấn thủ Vĩnh Thanh, sau khi khảo sát thực tế, nghiên cứu địa hình vùng tứ giác Long Xuyên, ông chủ trương đào kênh Đông Xuyên - Rạch Giá, đầu kênh tại Ba Bần (Ba Dầu hiện nay). Chủ trương đào kênh của ông được vua Gia Long chấp thuận và vào mùa xuân 1818, việc đào kênh được khởi công. Kênh đào theo lạch nước cũ nên sau một tháng đã hoàn thành. Bề ngang kênh 61m, chiều dài tới Rạch Giá là trên 30km và là con kênh đào sớm nhất ở miền Nam. Nó có vị trí quan trọng cho giao thông vận tải đường sông và phát triển nông nghiệp của huyện Thoại Sơn.

Khi công trình đào kênh hoàn tất, vua Gia Long rất khen ngợi ra lệnh lấy tên Thoại Ngọc Hầu đặt tên cho sông là Thoại Hà (Sông Thoại). Trên bờ phía đông của Thoại Hà có một ngọn núi, tục gọi là núi Sập, vua liền cho đổi tên là Thoại Sơn (Núi Thoại) để tặng thưởng công lao khó nhọc của Thoại Ngọc Hầu.

Để ghi dấu một kỷ niệm trọng đại trong cuộc đời mình, Thoại Ngọc Hầu soạn một bài văn khắc vào bia đá. Năm Minh Mạng thứ ba (1822), Thoại Ngọc Hầu long trọng làm lễ dựng bia tại miếu thờ Sơn thần (nay là ngôi đình thờ ông làm Thành Hoàng) bên triền núi Sập.


12. Cù Lao Giêng

Cù Lao Giêng

Địa chỉ: xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Vị trí: Cù Lao Giêng thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Đặc điểm: Cù Lao Giêng (hay Diên, Riêng, Den, Ven) mà người Khmer gọi “Koh-Teng” có một bề dày lịch sử rất tự hào, nơi đã ghi lại dấu son lịch sử của phong trào cách mạng từ những năm 1930 với lá cờ đỏ búa liềm trên cột dây thép xã Long Điền

Cù Lao Giêng còn là quê hương của người nữ anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng - một "Võ Thị Sáu" kiên cường của An Giang. Trên đất này còn có di tích nhà thờ Cù Lao Giêng (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới) được xây cất từ năm 1877, lớn nhất ở Việt Nam và có trước nhà thờ Ðức Bà ở Sài Gòn chừng vài tháng.

Cù Lao Giêng đã từng là cứ địa của Xứ Uỷ Nam Kỳ, nơi phát đi những tín hiệu và mệnh lệnh đấu tranh giành quyền sống cho nhân dân ngay từ thời thuộc Pháp. Và cũng chính nơi đây đã sản sinh ra không ít những người con anh hùng trung dũng của quê hương An Giang. Phải chăng từ những di tích và di sản truyền thống quí báu tự ngàn xưa còn để lại cùng những cảnh quan nên thơ hữu tình ấy đã vẫy gọi khách du lịch hành hương từ mọi miền đổ về đây tham quan, thưởng ngoạn.


13. Di tích Quản cơ Trần Văn Thành

Di tích Quản cơ Trần Văn Thành

Địa chỉ: xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, .

Vị trí: Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành nằm giữa đồng lúa Lạng Vinh, bên bờ kênh Xáng Vinh Tre (kênh Tri Tôn), thuộc xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, .

Đặc điểm: Đền thờ do ông Trần Văn Nhu, con trai cả ông Trần Văn Thành đứng ra xây dựng năm 1897 để tưởng nhớ cha.

Quản cơ Trần Văn Thành là người có công chỉ huy đánh giặc Xiêm quấy nhiễu biên giới phía tây ở thế kỷ 19. Sau này, ông gia nhập đạo Phật, vừa lập trại giúp tín đồ sản xuất, sinh sống và vừa xây dựng các căn cứ hiểm yếu chống giặc sau này.

Khi thực dân Pháp chiếm các tỉnh miền Tây, trong đó có An Giang, ông cùng các tín đồ ấp Láng Linh chiêu mộ thêm nông dân, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp (1867-1873) và đặt căn cứ trong rừng Bẩy Thưa, giữa vùng Láng Linh lầy lội, hiểm trở.

Lễ vía ông hàng năm được tổ chức long trọng vào ngày 21 và 22 tháng 2 âm lịch theo nghi thức cổ truyền để tưởng niệm và ôn lại một thời chiến đấu oanh liệt của Đức cổ quản và nghĩa quân.


14. Chùa Xà Tón (Xvay-ton)

Chùa Xà Tón (Xvay-ton)

Địa chỉ: thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Vị trí: Chùa Xà Tón nằm ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Đặc điểm: Chùa Xà Tón (Xvay-ton) là một ngôi chùa thờ Phật nổi tiếng (theo phái tiểu thừa), tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc chùa tháp của đồng bào Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Bộ.

Đối với đồng bào Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long và An Giang, chùa là nơi thờ Phật, là trung tâm văn hóa, nơi gìn giữ những phong tục, tập quán, kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật dân tộc cổ truyền; nơi thanh niên và bà con dân tộc Khmer đến tu học để trở thành người có tri thức, đức hạnh và chăm chỉ lao động.

Các vị cao niên người Khmer và các vị sư sãi ở đây cho biết, chùa Xà Tón đã được xây dựng cách đây hơn 200 năm. Lúc đầu, chùa được dựng bằng gỗ, lợp lá, nền đất. Ngày xưa vùng Tri Tôn còn hoang vu, rậm rạp, dân cư rất thưa thớt. Trên những ngọn cây to cao nhiều cành, nhiều lá có từng đàn khỉ (Xvay) đu vào nhau, nối đuôi nhau mà chuyền đi (ton). Bà con Khmer dựng chùa thờ Phật ở đây và đặt tên chùa là Xvay-ton (biến âm thành Xà Tón cho dễ đọc).

Năm 1896 và 1933, chùa Xà Tón được xây dựng lại bằng gạch ngói, cột bằng gỗ câm-xe, nền chùa đắp cao 1,8m được xây bằng đá xanh. Giống như các chùa Khmer khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, chùa Xà Tón cũng theo cùng một quy cách bố cục và kiến trúc thống nhất. Chính điện chùa Xà Tón nằm ở trung tâm khu đất của chùa, được xây theo hướng đông tây có nóc nhọn và hai mái cong gợi hình ảnh nằm dài uốn cong của rắn thần Naga, tượng trưng cho sự bất diệt, dũng mãnh. Mái chính điện được dựng cao dần theo tam cấp, lợp ngói đỏ, xanh, vàng, trông rực rỡ dưới nắng.

Hằng năm ở chùa Xà Tón có 5 ngày hội lớn: Lễ hội Chol Chhnam Thmay là lễ năm mới vào tháng Tư; lễ Pisát Bôchia là lễ nhớ ơn Phật, lễ Phật sinh vào rằm tháng Tư âm lịch; lễ Chol Neasa là lễ cấm ba tháng sư không ra khỏi chùa (từ rằm tháng Sáu đến rằm tháng Chín âm lịch); lễ Pha Chum Bênh, còn gọi là Đôlta là lễ thanh minh cúng ông bà, lễ tỏ lòng biết ơn tổ tiên; lễ Kà Thận là lễ sắm quần áo cho sư sãi, sắm vật dụng cho chùa hay cho trường làng. Vào những ngày đó, bà con Khmer đến chùa lễ Phật rất đông vui.


15. Thánh đường Mubarak

Thánh đường Mubarak

Địa chỉ: xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang,

Vị trí: Thánh đường nằm ở xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, cách thành phố Long Xuyên khoảng 62km.

Đặc điểm: Mubarak được xem là một thánh đường tiêu biểu có lối kiến trúc hết sức độc đáo mang đậm tính tôn giáo của cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi.

Được thiết kế bởi kiến trúc sư Mohamet Amin, thánh đường Mubarak nhìn từ xa giống như các đền thờ cổ của Ba Tư, Ấn Độ với cổng chính hình vòng cung, uy nghi trước khoảng sân rộng. Trên nóc thánh đường có một tháp lớn hai tầng hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, tượng trưng cho đạo Hồi. Bốn góc trên nóc thánh đường đều có bốn tháp nhỏ, giữa nóc có hai tháp bầu tròn nhô cao.

Hàng năm, thánh đường tổ chức 3 kỳ lễ lớn: lễ sinh nhật giáo chủ Muhammed ((người sáng lập đạo Hồi) vào ngày 12/3 Hồi lịch, lễ Roja (lễ hành hương đến thánh địa La Mecque) vào ngày 10/12 Hồi lịch, lễ Ramadan (tháng ăn chay) kéo dài từ ngày 1 đến 30/9 Hồi lịch. Trong những ngày lễ lớn này, người Chăm tề tựu về hành lễ tại thánh đường rất đông, tạo thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống hết sức độc đáo và thú vị của cộng đồng người Chăm ở đây.

Với những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mang đậm màu sắc tôn giáo của người Chăm và những lễ hội truyền thống mang tính đặc trưng của đạo Hồi mà thánh đường Mubarak đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là kiến trúc nghệ thuật vào ngày 5/12/1989.


16. Chùa Ông Bắc

Chùa Ông Bắc

Địa chỉ: đường Phạm Hồng Thái thuộc phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang

Vị trí: Chùa Ông Bắc nằm trên đường Phạm Hồng Thái thuộc phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang

Đặc điểm: Chùa Ông Bắc còn được gọi là Quảng Đông Tỉnh Hội Quán là một di tích kiến trúc chính thống của người Việt gốc Hoa với các di vật cổ có giá trị cao.

Chùa được xây dựng cách đây trên 100 năm bởi những người Hoa từ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) để làm nơi hội họp, sinh hoạt. Đến năm Giáp Ngọ 1887, ông Quảng Thành Lợi và Hòa Mậu Xương là hai người Hoa giàu có trong vùng, đứng ra vận động đồng hương và người dân tín ngưỡng đóng góp tiền của khởi công sửa chữa. Qua 4 năm xây dựng, đến năm Mậu Tuất 1891, chùa được hoàn thành và trở thành một công trình kiến trúc nghệ thuật đẹp và tiêu biểu của thành phố Long Xuyên.

Chùa có diện tích 400m², kiến trúc theo hình chữ Quốc (国). Mái chùa lợp ngói đại ống tráng men xanh, trên cạnh nóc chùa chạm khắc hình bát tiên, voi, rồng, phượng, cá... cùng những bức phù điêu, hoa văn cổ mang sắc thái nghệ thuật nhà Nguyễn pha lẫn kiến trúc nghệ thuật Trung Quốc. Khung bao cửa chính ra vào chùa được xây bằng những tảng đá xanh chạm khắc tinh xảo, tường gạch trát vôi, nền lát gạch hoa. Nội thất chùa có cấu trúc phong thủy, thoáng mát, trên đỉnh cao tứ giác có nhiều bức chạm trổ đẹp, hình tam cấp tượng trưng cho ba cõi: Thiên, Địa, Nhân.


17. Chùa Hang

Chùa Hang

Địa chỉ: núi Sam, thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Vị trí: Chùa nằm trên triền phía tây núi Sam, thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Đặc điểm: Chùa Hang là tên gọi dân gian của Phước Điền Tự, một trong bốn di tích văn hóa lịch sử của núi Sam.

Người sáng lập Phước Điền Tự là bà Lê Thị Thơ, sinh năm Mậu Dần (1818), làm nghề thợ may nên thường gọi là bà Thợ. Sau khi gặp cảnh đời ngang trái, bà đã từ bỏ cuộc sống đời thường tìm đến núi Sam vào chùa Tây An xin qui y với pháp danh Diệu Thiện. Tu được một thời gian, nhận thấy chùa Tây An đông người lui tới và bị chính quyền bấy giờ theo dõi nên bà đi lần về hướng tây gặp cái hang sâu yên tĩnh, vắng người, rậm rạp cây cối nên ở lại dựng am tu hành. Sau đó ít lâu, dân sùng đạo địa phương mến mộ công đức của bà nên góp công, góp của xây dựng thành ngôi chùa rộng lớn hơn và từ đó trở thành Phước Điền Tự, nhưng người ta vẫn thường gọi là chùa Hang.

Tương truyền trong hang sâu có cặp rắn rất lớn. Con xanh tên Thanh xà, con trắng tên Bạch xà. Nghe tiếng kinh kệ, hai con rắn bò lên và sau đó được bà Thợ thuần phục. Chúng không hại người mà đêm đêm còn đến nằm khoanh tròn sau lưng bà nghe kinh, ăn đồ chay cúng Phật và trông chừng thú dữ, kẻ gian, bảo vệ yên tĩnh chốn tu hành.


18. Chùa Giồng Thành (Long Hương Tự)

Chùa Giồng Thành (Long Hương Tự)

Địa chỉ: xã Long Sơn, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang

Vị trí: Chùa Giồng Thành thuộc xã Long Sơn, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, cách trung tâm tỉnh khoảng 75km về hướng Châu Đốc, cách thị xã Tân Châu 3km.

Đặc điểm: Chùa Giồng Thành là một trong những di tích ở An Giang được Nhà nước công nhận, xếp hạng quốc gia vào năm 1986.

Chùa được hòa thượng Trần Minh Lý xây dựng lần đầu vào năm 1875 bằng vật liệu tre lá đơn sơ, đến nay trải qua 4 lần tu sửa lớn, lần sửa chữa gần nhất là vào năm 1970 nhưng vẫn tọa lạc trên nền cũ thuộc xã Long Sơn anh hùng (Phú Tân - An Giang).

Nhìn từ bên ngoài, chùa mang dáng dấp kiến trúc Ấn Độ với mái tháp có hai tầng hình phễu, trang trí nhiều họa tiết hoa văn trang nhã nhưng về đại thể, chùa Giồng Thành là khối kiến trúc hài hòa theo phong cách Á - Âu với lối xây dựng theo hình chữ “song hỷ”, gồm 3 gian, mái lợp bằng ngói móc, trên cột chánh điện có vẽ hình rồng. Về tên gọi chùa Giồng Thành, theo một số tài liệu cho biết là xuất phát từ chỗ chùa được xây trên nền đất của hào thành triều Nguyễn.


19. Khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Địa chỉ: xã Mỹ Hoà Hưng, Tp. Long Xuyên, tỉnh An Giang,

Vị trí: Khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng thuộc xã Mỹ Hoà Hưng, Tp. Long Xuyên, tỉnh An Giang, trên cù lao Ông Hổ.

Đặc điểm: Tại đây có đền thờ, nhà lưu niệm và ngôi nhà gỗ cổ là nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã sống thời thơ ấu.

Khu tưởng niệm xây dựng 5/1997, hoàn thành 8/1998 nhân ngày sinh thứ 110 của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trên khuôn viên 1.600m², cạnh ngôi nhà cổ của gia đình Bác. Đền thờ kiến trúc cổ lầu tam cấp, các chi tiết bằng gỗ đều là gỗ quý. Vị trí trang trọng có tượng bán thân Chủ tịch Tôn Đức Thắng, phía trên bao lam là rồng cuốn thư mang dòng chữ vàng "Chủ tịch Tôn Đức Thắng", hai bên bao lam chạm hình cây trúc, phía dưới là cá chép đỡ bao lam. Xung quanh đền trang trí biểu tượng ngũ phúc (phúc, lộc, thọ, khang, ninh).

Ngôi nhà cổ là nơi Chủ tịch đã sống thời thơ ấu, do thân sinh của Bác là cụ Tôn Văn Đề xây dựng năm 1887, kiến trúc hình chữ "Quốc", khung cột sàn nhà bằng gỗ, mái lợp ngói ống, ngang 12m, dài 13m. Phía sau ngôi nhà này có 4 ngôi mộ của thân phụ, thân mẫu và vợ chồng người em trai của Bác Tôn. Ngôi nhà này được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích tháng 12/1984.

Đối diện với đền thờ là nhà lưu niệm, trưng bày hiện vật, tư liệu hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn. Bước qua cửa có hai câu đối: "Tựa lưng Bảy Núi, uống nước Cửu Long, Mỹ Hòa Hưng ngời danh sứ sở/ Khơi lửa Ba Son, kéo cờ Bắc hải, Tôn Đức Thắng dạng tiếng non sông".


20. Nhà bảo tàng tỉnh An Giang

Nhà bảo tàng tỉnh An Giang

Địa chỉ: đường Thoại Ngọc Hầu, phường Mỹ Long, Tp. Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Vị trí: Nhà bảo tàng tỉnh An Giang toạ lạc bên đường Thoại Ngọc Hầu, phường Mỹ Long, Tp. Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Đặc điểm: Nhà bảo tàng tỉnh An Giang là nơi trưng bày các tài liệu, hiện vật và hình ảnh phản ánh lịch sử, văn hoá và quá trình phát triển của tỉnh An Giang.

Tại đây với khoảng sân rộng được trồng nhiều loại hoa kiểng và đặc biệt với hương thơm thoang thoảng của loài hoa sứ, sẽ tạo cho quý khách một sự sảng khoái dễ chịu. Khi đến đây, du khách sẽ được giới thiệu các phòng trưng bày theo từng chủ đề:

Phòng 1, trưng bày gần 200 hình ảnh và hiện vật về thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người chiến sĩ kiên cường đấu tranh quên mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giai cấp.

Phòng 2, trưng bày những di vật, khảo cổ như: mộ táng, tượng, công cụ lao động, sản xuất… của nền văn hoá Óc Eo từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 7, được khai quật tại khu di tích Ba Thê - Óc Eo. Tại phòng này, trưng bày khoảng 300 hình ảnh và hiện vật cùng với tài liệu, từ đó quý khách có thể hình dung ra một trung tâm văn hoá lớn của một đô thị hoành tráng cổ xưa.

Phòng 3: khi du khách tới đây, sẽ được ôn lại các giai đoạn lịch sử cách mạng của người dân An Giang anh dũng, kiên cường.

Phòng 4, trưng bày với chủ đề “Thành tựu xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa của tỉnh An Giang”


21. Làng dệt thổ cẩm Văn Giáo

Làng dệt thổ cẩm Văn Giáo

Địa chỉ: xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

Vị trí: Làng dệt thổ cẩm Văn Giáo thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

Đặc điểm: Thổ cẩm Văn Giáo mang nét đẹp và chiều sâu văn hoá giàu bản sắc của thổ cẩm dân tộc Khmer.

Thổ cẩm Văn Giáo rất đa dạng và phong phú, màu sắc hài hòa, hoa văn sắc sảo. Được vậy là do các nghệ nhân biết kết hợp giữa phong cách truyền thống và kỹ thuật hiện đại. Nét độc đáo về kỹ thuật nhuộm của làng nghề Văn Giáo là dùng các loại thuốc nhuộm theo phương pháp cổ truyền có nguồn gốc từ thiên nhiên giúp cho lụa óng ả, mượt mà, trang nhã và bền, không bị sùi lông.

Quy trình nhuộm tơ đã phức tạp như vậy, sang quy trình dệt còn rắc rối hơn nhiều. Dệt lụa thổ cẩm để làm xà rông hoặc khăn choàng, người Khmer thường sử dụng kỹ thuật dệt 3 lớp sợi tơ với 3 màu khác nhau. Loại thổ cẩm này nếu nhìn ngang sẽ thấy màu xanh, nhìn nghiêng bên trái thấy màu cam, nghiêng bên phải thấy màu đỏ. Còn loại thổ cẩm làm bức hoạ hoặc khăn trải bàn, do mẫu hoa văn thường phỏng theo các tích truyện cổ (tuồng cổ) nên kỹ thuật dệt phức tạp hơn. Người giỏi nghề cũng phải làm cả năm trời mới hoàn thành được tấm thổ cẩm có cốt truyện sinh động

Phụ nữ Khmer dùng thổ cẩm để may áo cưới, mặc đi chùa, trang trí nơi thờ phượng và làm khăn đội đầu. Các cô gái khoác tấm lụa lên mình không những vẻ đẹp tôn được lên mà còn cảm giác như có đức Phật che chở và được hưởng phước lành.


22. Làng nổi trên sông

Làng nổi trên sông

Địa chỉ: thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang

Vị trí: Làng nổi quy tụ trên dòng sông Hậu Giang, thuộc địa phận thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang

Đặc điểm: Mỗi ngôi nhà trong làng vừa được dùng làm nơi ở vừa để nuôi cá tạo nên một nét đẹp độc đáo về văn hóa, đặc thù về kinh tế, hấp dẫn du khách và những nhà kinh doanh đến tham quan, nghiên cứu.

Nếu lấy thành phố Châu Đốc làm tâm điểm, thì ngược lên đầu nguồn sông Hậu hay xuôi trở xuống, làng nổi đều trải dài hơn 3km, rẽ về hướng huyện Châu Phú thì trải dài 4-5km rồi sau đó thưa thớt dần.

Đến đây du khách sẽ được tận mắt thấy những ngôi nhà gỗ sơn nhạt trên sông, trần lợp simili hoa văn với đầy đủ tiện nghi, có đáy sâu 5m được cấu tạo bằng gỗ sao, chung quanh bọc lưới inox để nuôi cá Basa và một số loại cá khác. Ngoài việc chứng kiến quy trình chế biến thức ăn cho cá, du khách sẽ còn thấy thích thú hơn khi thả mồi xuống để hàng ngàn con cá vẫy đuôi tranh nhau đớp, làm nước bắn tung tóe ướt sũng cả mặt sàn.

Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc làng nổi trên sông bắt đầu lên đèn. Ánh sáng từ các ngôi nhà phản chiếu xuống nước trông giống như thành phố về đêm nổi trên sông


23. Làng dệt thổ cẩm Châu Giang

Làng dệt thổ cẩm Châu Giang

Địa chỉ: Làng Châu Giang, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.

Vị trí: Làng dệt thổ cẩm Châu Giang ở thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.

Đặc điểm: Làng Châu Giang nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm.

Thổ cẩm Châu Giang không những mang nét đẹp truyền thống của thổ cẩm mà còn mang nét đặc sắc của văn hoá Chăm với các đường nét lạ độc đáo với nhiều loại sản phẩm thổ cẩm đa dạng như: xàrông, khăn choàng, nón, áo khoác… Thổ cẩm Châu Giang là sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, hấp dẫn người tiêu dùng trong và ngoài nước.



Điểm tham quan du lịch khác tại An Giang



Cẩm Nang Du Lịch An Giang