Hà Nam



Điểm tham quan tại Hà Nam


1. Chùa Long Đọi Sơn

Chùa Long Đọi Sơn

Địa chỉ: , Xã Đọi Sơn, Huyện Duy Tiên, Hà Nam

Vị trí: Chùa Long Đọi Sơn tọa lạc trên đỉnh núi Long Đọi, thuộc địa phận xã Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, cách thị trấn Đồng Văn 15km (qua thị trấn Hoà Mạc), cách quốc lộ 1A chừng 6km.

Đặc điểm: Chùa Long Đọi Sơn có tên chữ là Sùng Thiên Diên Linh. Chùa được tạo dựng thời nhà Lý (khoảng năm 1121), hiện còn giữ được nhiều di vật quý.

Mặt bằng chùa rất rộng, lưng tựa vào núi Ðiệp với ba dòng sông uốn khúc bao quanh. Ngôi chùa đã được trùng tu nhiều lần, hiện nay chùa còn giữ được nhiều di vật quý như tượng Phật Di Lặc bằng đồng ở chính điện; 6 pho tượng Kim Cương bằng đá, cao 1,60m; bia đá Diên Linh (dựng năm 1121), cao 2,88m, rộng 1,40m và dày 0,29m, đặt trên đế đá chạm rồng, hình chạm khắc và hoa văn trang trí trên bia mang đậm phong cách thời Lý; 4 pho tượng hình người có cánh cao 40cm, bề ngang 30cm.


2. Đền Trúc - Ngũ Động Sơn

Đền Trúc - Ngũ Động Sơn

Địa chỉ: Thôn Quyển Sơn, Xã Thi Sơn, Huyện Kim Bảng, Hà Nam

Vị trí: Đền Trúc - Ngũ Động Sơn thuộc thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Đặc điểm: Đền Trúc - Ngũ Động Sơn thờ người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Khu danh thắng này có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, núi non trùng điệp, có đền Trúc nằm giữa rừng Trúc nên thơ, có hệ thống hang động độc đáo.

Cách thị xã Phủ Lý 8km, ngay bên đường 21A, có quả núi nhỏ hình dáng con sư tử, mang tên Núi Cấm.

Ngọn núi chứa đựng một huyền tích nên đã trở thành địa danh được nhiều người biết đến. Xưa kia nơi đây bạt ngàn trúc mọc: Trúc xanh như tóc, trĩu xuống khắp miền. Năm 1089, đoàn chiến thuyền của Lý Thường Kiệt khi chinh phạt phương nam đi qua thôn Quyển Sơn. Bỗng một trận gió lớn ào ào thổi tới, bẻ gãy cả cột buồm rồi cuốn lá cờ lớn của đoàn quân lên đỉnh núi.

Lý Thường Kiệt bèn cho thuyền dừng lại, cùng quân sĩ lên bờ sửa lễ tế trời đất cầu đại thắng. Lần đó, thắng lớn trở về, Lý Thường Kiệt đã cùng đoàn quân lên đây làm lễ tạ ơn, khao thưởng ba quân và mở hội cho dân làng mừng chiến thắng. Lễ hội kéo dài hàng tháng với đủ mọi trò vui. Sự kiện lá cờ bị gió cuốn đã khiến Lý Thường Kiệt đặt tên cho ngọn núi là Cuốn Sơn. Về sau, để tưởng nhớ công lao của vị tướng tài, dân làng Cuốn Sơn đã lập đền thờ Lý Thường Kiệt ở chính nơi ông đã mở hội.

Ngôi đền được dựng giữa khu rừng trúc rộng hàng chục mẫu, nên mang tên đền Trúc. Sau ngót ngàn năm, rừng trúc giờ không còn nguyên như xưa nữa, nhưng xung quanh đền, vẫn muôn ngàn bóng trúc. Những cây trúc thân vàng óng, thướt tha trong gió càng tôn cho phong cảnh nơi đây thêm thơ mộng. Với sự biến đổi của thời gian ngôi đền chỉ còn giữ được một số nét căn bản.

Ngôi đền được dựng bằng gỗ lim, cao trên 6m. Nhà tiền đường là một công trình 5 gian. Hệ thống vì kèo biến thể kiểu giá chiêng đồng rường con nhị xuất hiện vào cuối thế kỷ 17 và phổ biến vào cuối thế kỷ 19. Ba gian hậu cung được xây dựng cùng một phong cách với nhà tiễn đường, có 2 đầu bịt đốc, lợp ngói nam, xây bằng gạch thất, bắt mạch để trần. Trên hệ thống cửa có trạm trổ theo các đề tài tứ quí.

Về thăm đền Trúc, bạn đừng quên ghé vào Cuốn Sơn (nay gọi là núi Cấm) kề bên. Có lẽ vì gắn bó với điềm linh ứng năm xưa nên ngọn núi có ý nghĩa tâm linh với dân trong vùng. Cũng vì thế mà núi Cấm vẫn giữ được nhiều nét nguyên sơ với hệ sinh thái phong phú. Trên đỉnh núi Cấm có một bàn cờ thiên tạo bằng đá- nơi các vị tiên thường rủ nhau về mở hội, uống rượu chơi cờ và ngắm cảnh trần thế. Ngay cạnh bàn cờ còn có một ô vuông được gọi là huyệt đế vương.

Núi Cấm còn có hệ thống hang động độc đáo: 5 hang nối liền nhau, tạo thành động liên hoàn, gọi là Ngũ Động sơn. Cấu trúc các động vô cùng đa dạng với nhiều loại thạch nhũ muôn hình vạn trạng, gợi cho du khách sức tưởng tượng phong phú: hình bầu sữa mẹ, nồi cơm mở vung, hình con voi, con rùa... Màu sắc, độ xốp, da nhũ... cũng khác nhau. Có nhũ ẩn sâu trong bóng tối, gặp ánh đuốc rọi vào bỗng rực lên như châu ngọc. Có nhũ mang hình chiếc trống nằm, trống treo, dàn mõ, mà thật đặc biệt, khi đánh lên, âm vang như thật.

Phong cảnh nên thơ, đặc sắc của núi Cấm đã từng làm nao lòng bao mặc khách tao nhân để làm nên sự lưu luyến bằng những bài thơ hay để lại cho đời. Ngày nay, đến thăm đền Trúc, ghé Ngũ Động Sơn, du khách sẽ như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh để sang năm, lại muốn lạc bước tìm về.


3. Chùa Bà Đanh- Núi Ngọc

Chùa Bà Đanh- Núi Ngọc

Địa chỉ: Thôn Đanh Xá, Xã Ngọc Sơn, Huyện Kim Bảng, Hà Nam

Vị trí: Nằm bên bờ sông Đáy, thuộc thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách TP. Phủ Lý hơn 10km về phía tây bắc.

Đặc điểm: Chùa Bà Đanh gắn liền với câu thành ngữ dân gian “Vắng như chùa Bà Đanh”.

Từ Hà Nội, theo Quốc lộ 1 hoặc cao tốc Pháp Vân khoảng 60km đến thành phố Phủ Lý rồi rẽ phải qua cầu Hồng Phú vào Quốc lộ 21 khoảng 10km, du khách sẽ thấy cầu treo Cấm Sơn. Đi qua cầu Cấm Sơn rồi vòng lên một đoạn đường đê là đến chùa Bà Đanh với bến nước nằm thoai thoải bên bờ sông Đáy hiền hòa. Hai bên đường dẫn vào chùa là những hàng cây cổ thụ rợp bóng.

Ban đầu, chùa Bà Đanh (tên chữ là Bảo Sơn Tự) được dựng bằng tre, nứa đơn sơ để thờ Bà Chúa đã có công phù trợ cho vùng đất này được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, trù phú. Vì vậy, chùa có tên gọi là Đức Bà làng Đanh, gọi tắt thành chùa Bà Đanh. Do chùa Bà Đanh nằm ở vị trí xa dân cư, núi sông cách trở, giao thông đi lại khó khăn nên lượng khách hành hương thưa thớt. Vì vậy, dân gian hay truyền tụng câu «Vắng như chùa Bà Đanh». Đến đời Vua Lê Hy Tông (1675-1705), chùa được xây dựng lại to đẹp, khang trang hơn. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Bà Đanh là địa điểm tập kết lực lượng, lương thực trọng yếu để phục vụ cho cuộc kháng chiến của quân dân trong vùng.

Các công trình của chùa hiện nay đều được xây dựng từ thế kỉ 19, bao gồm các hạng mục chính như: Tiền đường, Trung đường, Thượng điện, phủ thờ Mẫu, nhà Tổ… Trong đó, Tiền đường có 3 gian hai chái, hai đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói nam, nóc mái có tượng lưỡng long chầu nguyệt. Hệ thống vì kèo ở Tiền đường được chạm trổ tinh xảo các họa tiết mang đề tài tứ linh, ngũ phúc, tứ quý, bát quả, mai điểu, tùng mã, bát bảo… Trung đường 3 gian 2 chái có hệ thống cửa bức màn, chấn song con tiện chắc chắn. Hệ thống vì kèo ở Trung đường là biến thể của dạng vì kèo giả chiên chồng rường con nhị, với tất cả các trụ, con rường đều được chế tác đơn giản, vuông thành sắc cạnh.

Nhà Thượng điện là nơi thờ Tam thế Phật, Ngọc Hoàng, Thái Thượng Lão Quân. Phủ Mẫu thờ Tứ pháp (Pháp Vân - thần mây, Pháp Vũ - thần mưa, Pháp Lôi - thần sấm và Pháp Điện - thần chớp) và Bà Chúa Đanh. Trong đó, tượng bà Chúa Đanh được tạc ở tư thế toạ thiền trên chiếc ngai đen bóng với khuôn mặt hiền từ.

Khuôn viên chùa trồng nhiều loại cây như cau, hoàng lan, sứ, bưởi, đào tiên… cùng nhiều chậu cảnh được bố trí hài hòa, tạo không gian thanh tịnh và yên tĩnh.

Cách chùa Bà Đanh 100m về phía bắc là núi Ngọc. Trên núi có cây si cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đứng từ đỉnh núi có thể quan sát, chiêm ngưỡng một vùng non nước sơn thủy hữu tình.

Chùa Bà Đanh- Núi Ngọc được công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia năm 1994.


4. Đền Lảnh Giang

Đền Lảnh Giang

Địa chỉ: Thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Vị trí: Từ thị trấn Đồng Văn (huyện Duy Tiên), theo quốc lộ 38 khoảng 8km đến thị trấn Hòa Mạc, đi tiếp 3,5km đến cầu Yên Lệnh rồi rẽ trái theo bờ đê sông Hồng 2km, du khách sẽ tới đền Lảnh Giang.

Đặc điểm: Đền thờ 3 vị tướng thời Hùng Vương thứ 18.

Ðền Lảnh Giang tọa lạc trong khuôn viên có diện tích gần 3.000m­2, bao quanh là không gian xanh của vườn nhãn, đầm sen, bến nước. Cửa đền hướng ra dòng sông Hồng mênh mông sóng nước.

Sau nhiều lần tu sửa, kiến trúc đền hiện nay gồm các công trình: hồ bán nguyệt, tam quan và đền chính. Hồ bán nguyệt được trồng hoa súng đỏ, giữa hồ là ngọn bảo tháp 2 tầng và cây cầu cong tạc hình “lưỡi long hướng địa” nối bảo tháp với tam quan. Tam quan đền xây theo kiểu chồng diêm tám mái với các đầu đao cong vút đắp nổi hình đầu rồng, đan xen là mặt nguyệt, lá lật cách điệu mềm mại. Ðền chính có kiến trúc theo kiểu nội công, ngoại quốc bao gồm 3 tòa với 14 gian lớn, nhỏ. Trong đó, nổi bật nhất là tòa Trung đường được dựng theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái cong.

Ngoài kiến trúc bề thế, đền Lảnh Giang lưu giữ nhiều đồ thờ giá trị như: khám long đình, khám đặt tượng 3 vị tướng thời Hùng Vương thứ 18, kiệu bát cống long đình, sập thờ và nhiều hoành phi câu đối, nhang án…

Đền còn là trung tâm của các phong trào cách mạng ở Mộc Nam. Tháng 7/1945, nhân dân trong vùng tập trung ở sân đền nghe cán bộ cách mạng tuyên truyền chủ trương khởi nghĩa. Tháng 10/1940, đây cũng là căn cứ địa tin cậy để cán bộ, đảng viên huyện về nằm vùng hoạt động trong kháng chiến chống thực dân Pháp…

Hàng năm, đền Lảnh Giang tổ chức hai kỳ lễ hội, từ ngày 2 đến 5 tháng 6 âm lịch và 20 tháng 8 âm lịch. Bên cạnh các nghi thức tế lễ, rước thánh, còn có phần hội gồm nhiều hoạt động hấp dẫn như: chọi gà, đánh gậy, đấu cờ người, tổ tôm điếm, múa sư tử, thi thổi cơm trên quang gánh, diễn tập trận giả, hát chầu văn, thi bơi chải trên sông Hồng...

Ngày 5/11/1996, đền đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.


5. Đền Trần Thương

Đền Trần Thương

Địa chỉ: Thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Vị trí: Từ TP. Phủ Lý, theo tỉnh lộ 483 về phía đông khoảng 20km, du khách sẽ đến đền Trần Thương.

Đặc điểm: Đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ 13.

Đền tọa lạc trên gò Miễu với thế “Hình nhân bái Tướng” (ở giữa là một gò nổi tựa mai rùa, hai bên tạo thành hai tay ngai), thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo). Trần Thương là miền đất trù phú như câu thơ tả cảnh được khắc trên bức châm tại đền: “Đất Trần Thương dư phúc địa, trà thảo tứ thời xuân” (đất Trần Thương lắm phúc, hoa trái nở bốn mùa). Nơi đây còn là điểm giao của “Lục đầu khê” (6 con mương) nên rất thuận lợi về giao thông đường thủy, có thể ra sông Châu (Hà Nam), ra sông Hồng rồi qua Phố Hiến (Hưng Yên) để ngược lên Thăng Long (Hà Nội ngày nay) hoặc xuống cửa Tuần Vường (ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý) ra biển.

Năm 1989, đền đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.



Cẩm Nang Du Lịch Hà Nam