Nam Định



Điểm tham quan tại Nam Định


1. Chùa Cổ Lễ

Chùa Cổ Lễ

Địa chỉ: , Thị trấn Cổ Lễ, Huyện Trực Ninh, Nam Định

Vị trí: Chùa Cổ Lễ thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Ðịnh.

Đặc điểm: Chùa có từ lâu đời. Chùa còn có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa 12 tầng được xây dựng vào năm 1926 - 1927.

Từ thành phố Nam Ðịnh, qua cầu treo trên sông Ðào, đi theo đường 21 khoảng 15km là tới thị trấn Cổ Lễ, qua một cây cầu nhỏ rẽ phải khoảng 200m là đến chùa.

Chùa Cổ Lễ vốn có từ rất lâu đời. Tương truyền chùa do thiền sư Nguyễn Minh Không thời Lý sáng lập. Ngôi chùa hiện nay do hoà thượng Phạm Quang Tuyên xây dựng vào tháng 11 năm 1920. Trước chùa có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa 12 tầng được xây dựng vào năm 1926 - 1927. Tầng đế tháp có 8 mặt, đặt trên lưng một con rùa lớn hướng vào chùa. Trong lòng tháp có một cột trụ rất lớn, có 60 bậc thang từ đế tháp lên đỉnh tháp theo đường xoáy trôn ốc. Từ đây du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ phong cảnh vùng này.

Qua một cây cầu cong là tới khu "Phật giáo hội quán" xây dựng năm 1936. Từ khu này qua hai cầu giữa núi là tới chùa chính. Giữa sân chùa có chuông lớn nặng 9 tấn, cao 3,2m được đúc vào năm 1936. Trên thượng điện có tượng Phật Thích Ca cao 4m, rộng 3,5m, bằng gỗ sơn son thiếp vàng. Nhà Tổ có pho tượng Phạm Quang Tuyên.

Chùa Cổ Lễ ngoài thờ Phật, còn thờ thần sư Nguyễn Minh Không. Chùa Cổ Lễ còn nhiều di vật văn hoá quí hiếm như đại hồng chung, một trống đồng thời Lý và một túi đựng đồng. Chùa Cổ Lễ đã được nhà nước công nhận là di tích kiến trúc văn hoá.


2. Chùa Phổ Minh

Chùa Phổ Minh

Địa chỉ: , Phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định, Nam Định

Vị trí: Chùa Phổ Minh ở thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng ngoại thành Nam Ðịnh, cách Hà Nội khoảng 94 km, cách trung tâm thành phố Nam Ðịnh 4 km về phía tây bắc.

Đặc điểm: Ðây là nơi lễ bái tụng niệm của các quan lại, quý tộc cao cấp nhà Trần, được bố trí theo kiểu nội công ngoại quốc và thể hiện rất rõ dấu ấn sự hoà đồng của ba tôn giáo Nho - Phật - Lão, tam giáo đồng nguyên.

Ngôi chùa nguyên được xây dựng từ thời Lý đã được vương triều Trần mở rộng vào năm 1262. Trong chùa có nhà Thuỷ Tạ, có hồ sen, có nhiều cây cổ thụ sum sê. Trước cửa chùa có đỉnh đồng nặng trên 7 tấn, có chuông lớn khắc chữ "Phổ Minh đỉnh tự". Chùa vốn có một vạc lớn ở trước cửa (vạc Phổ Minh), là một trong bốn báu vật "An Nam tứ đại khí", nay không còn nữa. Trong chùa có tượng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, tượng Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) và gần 60 tượng Phật, Thánh khác được sơn son thếp vàng rất đẹp. Qua nhiều lần tu sửa đến nay quy mô của chùa đã bị thu hẹp nhiều so với trước. Tuy vậy kiến trúc đời Trần ở đây còn lại khá nhiều: 96 chân tảng đá chạm hoa sen, nhiều đôi sóc đá, hai đôi rồng chạm đá trước bái đường.

Ðặc biệt còn có cây tháp được xây dựng trước cửa bái đường vào năm 1305. Ðây là loại tháp hình hoa sen có 13 tầng cao 21 mét. Bệ và tầng một xây bằng các phiến đá xanh trang trí tinh vi, các tầng trên xây bằng gạch, trên cùng là bút tháp bằng đá. Tháp có hình chóp, đáy vuông, mỗi cạnh dài 5,2 mét. Các tầng tháp đều có mái cong ở 4 phía. Trọng lượng tháp nặng khoảng 700 tấn trên một tiết diện nhỏ 30m² tại vùng chiêm trũng nhưng vẫn đững vững suốt 7 thế kỷ qua.


3. Vườn quốc gia Xuân Thủy

Vườn quốc gia Xuân Thủy

Địa chỉ: , Xã Giao Thiện, Huyện Giao Thủy, Nam Định

Vị trí: Xã Giao Thiện, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định

Đặc điểm: Vườn quốc gia Xuân Thủy là một điểm du lịch sinh thái lý thú cho những ai thích tìm hiểu đời sống những loài chim di trú và sống với thiên nhiên hoang dã.

Vườn quốc gia Xuân Thủy, với tổng diện tích là 12.000 ha thuộc vùng cửa sông Hồng, nằm hầu hết ở địa phận xã Giao Thiện, huyện Giao Thuỷ, Nam Định, trải dài qua Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Xanh. Là khu quản lý theo Công ước Ramsar đầu tiên của Việt Nam.

Xuân Thủy được chọn làm trạm dừng chân của hàng ngàn con chim di trú với rất nhiều giống, loài trên đường tìm về phương nam khi mùa đông về cuối tháng 11 âm lịch và khi chúng từ phương nam quay lại vào khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 hàng năm.

Rừng sú vẹt Xuân Thủy là nơi cư ngụ của nhiều loài chim, mèo biển, cáo biển, rái cá... Dưới nước là các loại tôm, cá, cua, rắn, ngao, sò... là nguồn thức ăn phong phú của các loài chim. Vào mùa hoa sú vẹt, hương thơm tỏa mát là dịp hội tụ của những đàn ong mật.

Đến Xuân Thủy du khách được sống trong không gian bao la của đất trời, mây nước; hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn giang sơn của những đàn chim trời: sếu, cò, giang, bồ nông, ngỗng, vịt trời và nhiều loài chim khác đang cần mẫn kiếm mồi hoặc bay lượn tung tăng.

Xuân Thuỷ cách Hà Nội khoảng 160km, một điểm du lịch sinh thái lý thú cho những ai thích tìm hiểu đời sống những loài chim di trú và sống với thiên nhiên hoang dã.


4. Bãi biển Thịnh Long

Bãi biển Thịnh Long

Địa chỉ: thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Vị trí: Biển Thịnh Long thuộc thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Từ thành phố Nam Định theo đường 21 đến thị trấn Thịnh Long thuộc là đến bãi tắm Thịnh Long.

Đặc điểm: Là bãi biển đẹp với những hàng phi lao trên bờ biển xa ngút tầm mắt.

Thịnh Long là một bãi tắm mới đưa vào khai thác du lịch vài năm nay. Bãi tắm Thịnh Long có cát mịn, thoải dài hàng cây số. Nước biển có độ mặn cao, sóng lớn hấp dẫn nhiều du khách trong mùa hè oi bức. Du khách đến với biển Thịnh Long là đến với vẻ đẹp nguyên sơ, môi trường chưa bị ô nhiễm. Những hàng phi lao trên bờ biển xa ngút tầm mắt tô điểm cho biển Thịnh Long một vẻ đẹp thuần khiết, khoáng đạt. Các loại đặc sản biển ở đây nhiều, ngon và rẻ. Bãi tắm Thịnh Long hiện nay đang đông dần. Trong tương lai lượng khách đến với Thịnh Long sẽ không thua kém các bãi tắm khác.


5. Làng nghề La Xuyên

Làng nghề La Xuyên

Địa chỉ: xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Vị trí: xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. cách Hà Nội 70km,

Đặc điểm: Là làng nghề nổi tiếng về nghề chạm khảm gỗ có từ lâu đời.

Làng La Xuyên ở cách Hà Nội 70km, nổi tiếng về nghề chạm khảm gỗ có từ lâu đời. Các hoành phi, câu đối, sập gụ, tủ chè được trang trí rồng bay, phượng múa, lân chầu… rất đẹp và tinh xảo. Chỉ trên một lá lèo, người ta có thể thấy lễ cưới xin, ăn hỏi hay những trò chơi trẻ con rất ngộ nghĩnh được chạm tỉ mỉ, chau chuốt. Đây là một làng nghề chạm khảm cổ truyền. Sản phẩm của La Xuyên từ lâu đã được du khách trong và ngoài nước rất ưa chuộng.


6. Hội chợ Viềng

Hội chợ Viềng

Địa chỉ: Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Thời gian: 8 tháng giêng âm lịch.

Địa điểm: Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Đặc điểm: Là phiên chợ "Cầu May". Sản phẩm mua và bán ở chợ rất độc đáo.

Chợ Viềng dù chỉ một ngày phiên nhưng hàng hóa thì ngàn vạn, quán ăn hàng quà rải suối ba cây số. Dân trong vùng và xung quanh mang các thứ cần dùng cho đời sống, công việc và học tập của con cháu hàng ngày để mua, bán, trao đổi. Từ các loại cuốc, xẻng đến bát, đĩa, rổ, rá, áo quần, giầy dép cho tới quyển sách, cái bút tồi cây kim, sợi chỉ càng có mặt trong ngày phiên chợ. Trong chợ còn có bán cả các sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng của từng vùng như rau cần Thiệu Vịnh, bồ, đó Văn Tập, vó lưới Bồng Làng. Chợ còn l2 nơi bán các loại đồ dùng cũ, ai đến chợ cũng phải mang một vài thứ gì đó, từ một chiếc nồi cũ hay một chiếc cuốc để mòn đều có thể đem bày bán.

Muốn đi được cả hai chợ Viềng thì phải từ Viềng Phủ ra đi vào giữa đêm. Trời tối như mực. Ðường sang Viềng Nam Trực phải đi qua hai quãng đồng rộng mênh mông, gió thổi ù ù lạnh buốt. Viềng Nam Trực cách Viềng Phủ 30km nhưng dân chơi đồ cổ đã chực sẵn ở đó từ chập tối hôm trước. Viềng Nam Trực còn được gọi là Viềng Chùa vì chợ phiên nằm sát chùa Ðại Bi, thậm chí cái đuôi chợ còn ăn lấn cả vào sân chùa và cái đuôi ấy cũng chính là phần hấp dẫn nhất của Viềng Chùa: đồ cổ thứ thiệt nằm lẫn trong vô số đồ gia dụng cũ kỹ.


7. Di tích nhà Trần

Di tích nhà Trần

Địa chỉ: phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định,

Vị trí: Di tích Nhà Trần thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, cách trung tâm thành phố 3km.

Đặc điểm: Đây là quê hương của nhà Trần, nơi sinh ra Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc. Khu di tích rộng tới hàng chục héc ta với đền Thiên Trường, Cố Trạch thờ các vua Trần và Trần Hưng Đạo, chùa tháp Phổ Minh…

Sử cũ cho biết, vào năm 1239, nhà vua cho xây hành cung ở làng quê mình để lúc thư nhàn về thăm. Đến năm 1262, Thượng Hoàng đến chơi hành cung ở Tức Mặc, ban yến tiệc cho dân và thăng làng Tức Mặc lên là phủ Thiên Trường, dựng tiếp cung Trùng Quang để cho các vua đã nhường ngôi (Thái Thượng hoàng) về ở. Phía tây cung đình là chùa Phổ Minh, lại dựng một cung riêng cho các vua đương triều mỗi khi về thăm Thái Thượng hoàng thì về nghỉ tại đó.

700 năm trôi qua, cung điện cũ không còn nữa, nay có ngôi đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần, đền Cố Trạch thờ Trần Hưng Đạo, chùa Phổ Minh với tháp Phổ Minh nổi tiếng.


8. Đình Cát Đằng

Đình Cát Đằng

Địa chỉ: Thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Vị trí: Thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Đặc điểm: Đình thờ ông tổ nghề sơn mài Ngô Đức Dũng.

Theo cuốn ngọc phả do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572), Ngô Đức Dũng là người ở thôn Cát Đằng, đã từng được bổ nhiệm là quan Tri huyện huyện Từ Sơn, lộ Bắc Giang (nay là huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) vào năm 1390. Trong thời gian làm quan, ông học được nghề sơn mài và đã truyền dạy lại nghề cho người dân thôn Cát Đằng khi về quê hương sinh sống lúc tuổi già. Sau khi ông mất, người dân thôn Cát Đằng đã lập đình thờ tri ân công ơn của ông.

Đình Cát Đằng được khởi dựng vào khoảng thế kỷ thứ 15, tuy đã trải qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ.

Đình tọa lạc trong khuôn viên có diện tích gần 4.000m2, mặt quay hướng đông nam. Kiến trúc đầu tiên trong khuôn viên đình là hệ thống nghi môn cột lớn và hai nhà bia được thiết kế theo kiểu chồng diêm hai tầng, mái giả ngói ống với các đầu đao uốn cong có trang trí tứ linh, tứ quý và nhiều họa tiết sinh động. Tiếp tục đi qua một khoảng sân rộng, du khách sẽ tới đình Cát Đằng với kiến trúc kiểu "tiền chữ nhất, hậu chữ đinh", gồm ba tòa Tiền đường, Trung đường và hậu cung.

Đình Cát Đằng đã được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1992.


9. Khu di tích Phủ Dày

Khu di tích Phủ Dày

Địa chỉ: xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Vị trí: Khu di tích thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. gần quốc lộ 10, quốc lộ 37B và quốc lộ 38B từ thành phố Nam Định đi thành phố Ninh Bình.

Đặc điểm: Thờ bà chúa Liễu Hạnh, một trong Tứ Bất Tử của điện thần Việt Nam (Thánh Tản Viên, Thánh Dóng, Chử Đồng Tử, bà chúa Liễu Hạnh). Phủ Dày là một quần thể di tích gồm ba di tích chính: phủ Tiên Hương (phủ chính), phủ Vân Cát và lăng bà Chúa Liễu.

Phủ Dầy (Phủ Giầy, Phủ Giày) là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt trải rộng trên địa bàn xã Kim Thái huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, gần quốc lộ 10, quốc lộ 37B và quốc lộ 38B từ thành phố Nam Định đi thành phố Ninh Bình.

Phủ Dầy có ý nghĩa là "đền lớn ở làng Kẻ Dầy". Năm 1557 triều vua Lê Anh Tông, làng Kẻ Dầy mới lấy tên chữ là xã An Thái, chia làm bốn thôn: Vân Cát, Vân Đình, Vân Cầu, Nham Miếu. Vì hai quan tiến sĩ Trần Ngọc Kỳ và Trần Bích Hoành cùng xã An Thái bất bình với nhau về chức Tiên chỉ, không ai nhường ai nên dân sở tại xin chia xã An Thái làm hai xã nhỏ: một xã lấy tên là Tiên Hương và một xã là Vân Cát, cách nhau 2 km. Mỗi nơi có phủ thờ Liễu Hạnh riêng.

Hội Phủ Dầy được tổ chức hàng năm vào ngày 3 tháng 3 âm lịch. Lễ hội nhằm tổ chức nghi lễ, thắp hương biết ơn Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Cùng thời điểm này, bà Chúa Liễu Hạnh cũng được thờ tại nhiều lễ hội khác trên Việt Nam, nhưng hội Phủ Dầy thuộc vào loại long trọng nhất, với sự tham gia của đông đảo dân chúng.



Cẩm Nang Du Lịch Nam Định