Điểm tham quan tại Thanh Hóa

II. Du lịch tự nhiên sinh thái & biển đảo Thanh Hóa



1. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Địa chỉ: , Xã Lâm Sa, Huyện Bá Thước, Thanh Hóa

Vị trí: Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nằm về phía tây bắc tỉnh Thanh Hoá, thuộc địa bàn 2 huyện Quan Hoá và Bá Thước.

Đặc điểm: Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được thành lập năm 1999, hiện đang giữ trong mình những giá trị cảnh quan thiên nhiên phong phú với sự đa dạng về các loại động thực vật sinh sống.

Từ đường 15C lịch sử qua thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước đến cuối xã Phú Lệ, huyện Quan Hoá nối với đường 47 đi về bản Lác, huyện Mai Châu tỉnh Hoà Bình đã chia cắt Pù Luông thành hai hệ sinh thái khác biệt với một bên là hệ sinh thái núi đá vôi và một bên là hệ sinh thái núi đất.

Diện tích 17.662ha, khu bảo tồn có hệ sinh thái rừng, hệ động thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại với 598 loài động vật thuộc 130 họ động vật có xương sống, trong đó có 51 loài quý hiếm (gồm 26 loài thú, 5 loài dơi, 6 loài chim, 5 loài cá nước ngọt, 6 loài bò sát)...

Đặc biệt tại đây hiện là nơi cư trú của Báo gấm, Beo lửa, Hươu sao, Gấu ngựa và Sơn Dương, hàng chục đàn Voọc quần đùi trắng - một loài linh trưởng quý hiếm với số lượng lên đến hàng trăm cá thể. Hệ thống đá Kast của hệ sinh thái núi đá vôi còn lưu giữ nhiều hang động với dáng vẻ huyền bí của tự nhiên. Các khu, hệ thực vật với các loài phong lan quý hiếm đã tạo ra cho các khu rừng những cảnh sắc mà không phải khu rừng nào cũng cũng có được.


2. Động Từ Thức

Động Từ Thức

Địa chỉ: , Xã Nga Thiện, Huyện Nga Sơn, Thanh Hóa

Vị trí: Thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách TP. Thanh Hóa khoảng 50km về phía đông bắc.

Đặc điểm: Động là danh thắng đẹp nổi tiếng của Thanh Hóa, gắn liền với truyền thuyết “Từ Thức lấy vợ tiên”.

Thuộc hệ thống núi đá vôi kéo dài từ Tam Điệp (Ninh Bình) đến cửa Thần Phù - Nga Sơn (Thanh Hoá), động Từ Thức trước kia được gọi là động Bích Đào. Động gắn với câu chuyện "Từ Thức lấy vợ tiên" được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.

Ngay lối vào động Từ Thức có khắc hai bài thơ chữ Hán ca ngợi vẻ đẹp thần tiên của động – một khắc trên phiến đá đặt dưới nền động của chúa Trịnh Sâm với bút danh Nhật Nam Nguyên, một khắc trên vách đá cao của Lê Quý Đôn. Ngoài cửa động còn có một miếu nhỏ gọi là miếu Sơn Thần. Bên trong động Từ Thức được chia làm hai phần: động trong và động ngoài. Động ngoài rộng rãi, sáng sủa. Trần động hình vòng cung giống như một chiếc bát úp khổng lồ, trên trần có một nhũ đá hình trái đào tiên rất đẹp. Dưới nền động còn lưu lại vết tích đền thờ Từ Thức và các nhũ thạch lấp lánh được ví như kho vàng, kho bạc… của nhân gian.

Từ động ngoài, đi theo một hành lang hẹp, du khách sẽ vào tới động trong. Khắp trong động là những thạch nhũ muôn hình vạn trạng, lóng lánh sắc màu gợi lên những hình ảnh gắn liền với tình yêu của Giáng Hương và Từ Thức như: buồng tắm của Giáng Hương và thư phòng của Từ Thức, bàn cờ tiên, đôi chim thạch nhũ, mâm ngũ quả, dàn nhạc cụ… Cuối động có hai ngã rẽ, một ngã có những bậc đá đều nhau, theo truyền thuyết là đường lên cõi tiên; một ngã rẽ ăn sâu xuống lòng núi theo đường xoáy ốc là đường xuống địa ngục.

Năm 1992, động Từ Thức đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia.


3. Núi Vọng Phu

Núi Vọng Phu

Địa chỉ: xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa,

Vị trí: Núi Vọng Phu thuộc xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hoá 3 km về phía tây nam.

Đặc điểm: Hình tượng này gắn với truyền thuyết người đàn bà chung thủy chờ chồng đến hoá đá. Vì vậy mà ngọn núi có tên gọi là Vọng Phu.

Trước kia núi này gọi là núi Khế - Nhuệ Sơn (thôn Nhuệ), chu vi khoảng 4.000m, là một ngọn núi đá vôi được thiên nhiên tạo nên hình một người phụ nữ đang quay mặt về phía biển Đông.

Người dân địa phương gọi đây là hòn Vọng Phu. Núi Vọng Phu thuộc xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hoá 3km về phía Tây Nam, hình tượng này gắn với truyền thuyết người đàn bà chung thủy chờ chồng đến hoá đá.

Theo truyền thuyết kể rằng: ngày xưa có một "chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt " yêu một cô gái nết na, xinh đẹp nhất vùng. Họ kết duyên với nhau và sống quấn quít bên nhau rất hạnh phúc, nàng dệt cửi quay tơ, chàng dùi mài kinh sử chờ ngày ra kinh đô ứng thí. Khi nàng sanh được 1 đứa con gái xinh xắn thì quân giặc tràn đến xâm lấn cõi bờ. Chàng trai đành xếp bút nghiên, từ tạ người vợ trẻ lên đường ra biên ải rồi hy sinh ngoài chiến địa. Ở quê nhà nàng chinh phụ ôm con đợi chờ rồi hóa đá thành núi Vọng Phu, những giọt lệ của nàng rơi xuống hóa thành sông, có tên là sông Cái chảy vào sông Dinh để ra biển.


4. Hang cá Cẩm Lương

Hang cá Cẩm Lương

Địa chỉ: , Xã Cẩm Lương, Huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa

Vị trí: Hang cá Cẩm Lương thuộc xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa gần 80km.

Đặc điểm: Ở đây có đàn cá đông tới hàng ngàn con bơi lội tung tăng dưới lòng suối. Người dân địa phương coi đây là đàn cá “thần”, không bao giờ đánh bắt mà luôn tự nguyện bảo vệ đàn cá với mong ước thần linh ban cho mưa thuận gió hòa.

Trải qua đoạn đường dài gần 80km từ thành phố Thanh Hóa đến huyện Cẩm Thủy, một con đò sẽ đưa du khách sang tả ngạn sông Mã để đến thăm hang cá Cẩm Lương (hay còn gọi là suối Cá "thần"), một trong những thắng cảnh thiên nhiên có vẻ đẹp độc đáo của vùng đất xứ Thanh.

Hang cá là một hồ nước thật rộng lớn nằm trong lòng dãy núi Trường Sinh. Ðàn cá "thần" đông hàng ngàn con, tung tăng bơi lội dưới suối đổ dồn về phía bờ như để chào đón du khách đến thăm. Cá "thần" trông thật đẹp mắt, da cá óng mượt sắc vàng lẫn đen như khoác lên mình một lớp gấm quý; vây và môi cá hồng tươi rực rỡ, mỗi con nặng khoảng 20kg. Cá "thần" loại lớn chỉ ra khỏi hang vào những ngày nước lên. Cá sinh sản ở trong hang, cá con lớn đến tầm 2kg thì theo đường cửa hang bơi ra suối Ngọc. Ðàn cá chỉ bơi lội ở suối Ngọc chứ không mấy khi bơi ra khỏi ngã ba suối, nơi có đền thờ Tứ phủ Long vương.


5. Động Trường Lâm

Động Trường Lâm

Địa chỉ: huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Vị trí: tọa lạc trong lòng dãy núi Gộp Cua, thuộc địa phận 2 xã Trường Lâm và Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Đặc điểm: là quần thể gồm 10 hang động mang vẻ đẹp kì vĩ, trong đó 3 động Ngọc Hoàng, Ngọc Long và động Tiên đã được khảo sát và đưa vào phục vụ du lịch.

Từ TP. Thanh Hóa, theo quốc lộ 1A về phía nam khoảng 70km đến địa phận xã Trường Lâm, rẽ phải đi thêm 4km nữa, du khách sẽ đến chân núi Gộp Cua. Từ đây, tiếp tục leo qua một đoạn dốc dài khoảng 1km, du khách sẽ thấy hiện ra trước mắt quần thể các tảng đá đồ sộ tựa lưng vào nhau theo kiểu lắp ghép. Trong đó nổi bật nhất là tảng đá nằm ở phía bắc mang tên Ngọc Nữ có hình dáng như một thiếu nữ với đôi mắt đang hướng về động Ngọc Hoàng – hang động lớn và đẹp nhất trong 3 động.

Động Ngọc Hoàng có chiều dài gần 500m, trần động cao, bên trên có nhiều nhũ đá hình những đám mây trắng đang trôi. Nền động bằng phẳng, có nhiều sỏi và cát mịn. Động gồm 2 tầng với tên gọi Trần gian và Thượng giới. Tầng Trần gian được kiến tạo như cung vua với hình rồng chầu hai bên ngai vàng, phía trước ngai là hình các quan đại thần đang ngự triều. Từ tầng Trần gian bước lên các bậc đá sẽ đến tầng Thượng giới với khối đá khổng lồ giống hình ông tiên râu tóc bạc phơ đứng giữa bầy trẻ nhỏ. Đi vào phía trong sẽ đến cung Vương Mẫu gắn với sự tích hội bàn Đào và thần tiên. Khu vực này còn có nhiều khối đá hình thù kì thú như: chú voi đang cong vòi hút nước suối, con công đang múa, ngựa, sư tử, Lã Vọng ngồi câu cá, cây đa, cây sung... Từ cung Vương Mẫu lên cao hơn, du khách sẽ đến cung Ngọc Hoàng. Nơi đây có phiến đá to màu nâu nhạt in hình Ngọc Hoàng đội mũ bình thiên nhìn xuống động Trần gian, đứng xung quanh là các quan đại thần.

Rời động Ngọc Hoàng, du khách vào thăm động Ngọc Long. Trong động có nhiều khối đá, nhũ đá hình rồng: rồng lớn đang vặn mình hay rồng chầu quanh ban thờ... Trên vách động có hình ảnh Phật Bà Quan Âm chắp tay nhìn xuống.

Cùng với động Ngọc Hoàng và Ngọc Long, động Tiên được đánh giá là nơi mang vẻ đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Nơi đây có nhiều khối nhũ đá hình voi chầu, hổ phục, nụ hoa, bầu sữa mẹ... Đặc biệt, tại một khu vực trong động còn có một đám thạch nhũ dài vài chục mét, bao gồm những hạt thạch nhũ kích thước như viên bi, bên trong có lớp nhân trong suốt. Bên cạnh đám thạch nhũ là khối đá hình chim đại bàng đang dang rộng đôi cánh, cúi đầu lấy mỏ gắp viên bi. Đi qua khu vực này, du khách sẽ đến ao tiên với những khối đá hình rồng và rùa. Dưới chân khối đá hình rồng, nền ao chũng xuống tạo thành một cái hố, bên trong có nhiều thạch nhũ hình quả na gợi liên tưởng đây là những quả trứng rồng.

Đến với quần thể hang động Trường Lâm, du khách có cơ hội khám phá nét đẹp hoang sơ, huyền bí mà tạo hóa ban tặng cho vùng đất này. Việc đưa quần thể hang động Trường Lâm vào phục vụ du lịch sẽ góp phần thu hút du khách đến Thanh Hóa ngày càng nhiều.


6. Hòn Trống Mái

Hòn Trống Mái

Địa chỉ: , thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Vị trí: Hòn Trống Mái thuộc địa phận thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Đặc điểm: Các khối đá có hình dáng đẹp, thế chênh vênh được gắn với truyền thuyết về một mối tình chung thủy.

Đó là ba phiến đá lớn được xếp đặt tự nhiên đứng ở đó từ bao đời nay. Một hòn lớn bằng phẳng nằm phía dưới như một cái bệ. Một hòn có đầu nhọn nằm chồng lên trên trông giống hình dáng con gà trống. Một hòn đối diện nhỏ hơn, có dáng tựa con gà mái.


7. Hang Con Moong

Hang Con Moong

Địa chỉ: xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa

Vị trí: thuộc địa phận bản Mọ, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa

Đặc điểm: là một di chỉ khảo cổ học độc đáo ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á

Con Moong theo tiếng địa phương nghĩa là con thú. Hang Con Moong được phát hiện vào năm 1974 và khai quật lần đầu vào năm 1976. Hang có hình tang trống, hai cửa thông nhau, chiều dài khoảng 40m, chỗ rộng nhất lòng hang đạt 9m. Phần nền trước cửa hang tương đối bằng phẳng, khô ráo, có nhiều khối đá lớn từ vòm rơi xuống.

Hang Con Moong trải qua 4 giai đoạn phát triển văn hóa, gồm giai đoạn trước Sơn Vi sang Sơn Vi đến văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn và Đa Bút. Kết quả nghiên cứu carbon và phóng xạ các lớp trên, độ từ cảm, tập trầm tích ở hang Con Moong và so sánh tương thích văn hóa với các di chỉ khảo cổ học khác cho thấy niên đại sớm nhất của hang Con Moong được dự đoán từ khoảng 40.000 - 60.000 năm trước.


8. Vườn Quốc gia Bến En

Vườn Quốc gia Bến En

Địa chỉ: , Huyện Như Xuân, Thanh Hóa

Vị trí: Vườn quốc gia Bến En thuộc địa phận huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hoá 36km về phía tây nam.

Đặc điểm: Tổng diện tích rừng tự nhiên là 16.634 ha, trong đó diện tích rừng nguyên sinh là 8.544 ha với một quần thể nhiều núi non, sông suối, vùng hồ trên núi với nhiều tên gọi và huyền tích về các địa danh.

Vườn quốc gia Bến En có nhiều sinh vật quí. Tại đây có tới 462 loài cây thuộc 125 họ thực vật, gồm những giống loài quí như lim xanh, lát hoa, chò chỉ, trai lý, bù hương... Có các loại thú quí hiếm như sói đỏ, gấu ngựa, vượn đen, phượng hoàng đất, gà tiền mặt vàng...

Phong cảnh của vườn quốc gia Bến En đầy thơ mộng. Hồ sông Mực rộng 3.000 ha với hơn 20 hòn đảo lớn nhỏ. Nhiều hang động nhũ đá lung linh huyền ảo.

Đến với vườn quốc gia Bến En, du khách có dịp tìm hiểu, nghiên cứu về các loài động thực vật quí hiếm ở đây, sống giữa rừng đại ngàn nghe chim kêu vượn hú thâu đêm, nướng cá bên khe suối... thật thú vị. Trong tương lai Bến En sẽ trở thành một khu du lịch rất hấp dẫn.


9. Bãi biển Sầm Sơn

Bãi biển Sầm Sơn

Địa chỉ: , Thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa

Vị trí: Bãi biển Sầm Sơn thuộc thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 16km.

Đặc điểm: Bờ biển dài, bằng phẳng, phong cảnh hùng vĩ, đã được người Pháp khai thác từ năm 1906.

Bãi biển Sầm Sơn là nơi tắm biển rất tốt mà người Pháp đã biết khai thác từ năm 1906 và Sầm Sơn nhanh chóng trở thành nơi nghỉ mát nổi tiếng của Ðông Dương. Từ những thập kỷ trước, đã có nhiều biệt thự nghỉ mát mọc lên ở đây. Vua Bảo Ðại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng xây biệt thự riêng ở Sầm Sơn. Sầm Sơn có nhiều cảnh đẹp: hòn Trống Mái, đền Ðộc Cước, núi Cô Tiên...

Bờ biển Sầm Sơn dài 10km bằng phẳng và nhiều hải sản quý như tôm he, cá thu, mực... Sầm Sơn có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, vùng biển bao la với những thắng tích và huyền thoại mang đậm chất nhân văn và lòng mến khách. Bãi biển Sầm Sơn là một trong những bãi biển rộng và đẹp ở phía bắc.



Điểm tham quan du lịch khác tại Thanh Hóa



Cẩm Nang Du Lịch Thanh Hóa