Điểm tham quan tại Đà Nẵng

II. Du lịch bảo tàng, khu di tích lịch sử Đà Nẵng



1. Bảo tàng điêu khắc Chămpa

Bảo tàng điêu khắc Chămpa

Địa chỉ: 02, đường 2 tháng 9, Phường Bình Hiên, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng

Vị trí: Bảo tàng nằm ở điểm tiếp giáp của hai con đường Trưng Nữ Vương và Bạch Ðằng, thành phố Ðà Nẵng.

Đặc điểm: Ðây là bộ sưu tập cuối cùng về nghệ thuật điêu khắc Chămpa trên thế giới được đặt tại Ðà Nẵng, trung tâm cũ của vương quốc Chămpa.

Bảo tàng điêu khắc Chămpa được xây dựng từ năm 1915 dưới sự bảo trợ của Viện nghiên cứu Viễn Ðông Pháp tại Việt Nam. Năm 1936, Bảo tàng được mở rộng thêm và chính thức khánh thành vào năm 1939.

Bảo tàng điêu khắc Chămpa xây phỏng theo mô típ của các kiến trúc Chămpa, khối nhà trưng bày màu trắng có đường nét trang trí tuy nhỏ nhưng đơn giản và duyên dáng.

Hiện nay bảo tàng trưng bày khoảng 300 tác phẩm điêu khắc nguyên bản bằng chất liệu sa thạch, số ít là đất nung được sưu tập từ các đền, tháp Chàm nằm rải rác ở miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Ðấy là những đài thờ và các phù điêu trang trí trên các kiến trúc. Chúng được trưng bày trong 10 phòng mang tên các địa phương có hiện vật được phát hiện. Kiến trúc có niên đại từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 15 theo chế độ mẫu hệ "Mother of the country".


2. Bảo tàng Hồ Chí Minh

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 01 đường Duy Tân, Phường Hòa Thuận Đông, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng

Vị trí: Số 01 đường Duy Tân, thành phố Đà Nẵng.

Giờ mở cửa: Mở cửa các ngày trong tuần: Sáng: 7:30 đến 11:00 Chiều: 13:30 đến 16:00

Bảo tàng Hồ Chí Minh gồm 2 phần: Khu mô hình nhà sàn Hồ Chí Minh Năm 1975, Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ngày 12/9/1976 thể theo nguyện vọng và tình cảm của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Khu 5 đối với Bác Hồ kính yêu, mô hình nhà sàn được xây dựng theo đúng tỉ lệ 1/1 (giống như nhà sàn Hồ Chí Minh ở Hà Nội) tại trung tâm thành phố Đà Nẵng. Bên ngoài là vườn cây, ao cá... tạo nên một khuôn viên thoáng mát, đẹp, thu hút nhiều du khách khi đến thăm thành phố.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Có 4 phòng trưng bày, giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh. Đặc biệt Bảo tàng có trưng bày nhiều hiện vật quý hiếm thể hiện tấm lòng son sắt, thuỷ chung của đồng bào, cán bộ và chiến sĩ Khu 5 đối với Bác Hồ và tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đối với đồng bào, chiến sĩ Khu 5.


3. Bảo tàng Đà Nẵng

Bảo tàng Đà Nẵng

Địa chỉ: 24 Trần Phú, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Vị trí: 24 Trần Phú, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Đặc điểm: trưng bày di sản văn hóa, bằng chứng về thiên nhiên và môi trường sống của con người trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Bảo tàng Đà Nẵng được xây dựng từ tháng 4/2005 đến tháng 4/2011 trên tổng diện tích khoảng 6.000m² bao gồm nhiều hạng mục công trình. Trong đó, nhà trưng bày cao 3 tầng với không gian trưng bày có diện tích 3.000m², là nơi giới thiệu khoảng 2.500 tư liệu, hình ảnh và hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, tự nhiên ở TP. Đà Nẵng và vùng phụ cận. Hơn 1.900 hiện vật trong số đó là hiện vật gốc được sưu tầm từ sau năm 1975.

Đặc biệt, bảo tàng còn phối hợp với nhiều trường học trong cả nước tổ chức các chương trình học tập ngoại khóa, vui chơi giải trí, trồng cây lưu niệm trong khuôn viên bảo tàng, qua đó giáo dục cho các thế hệ học sinh về ý thức, trách nhiệm gìn giữ giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Ngoài ra, bảo tàng Đà Nẵng còn được đầu tư lắp đặt các thiết bị nghe nhìn, hệ thống chiếu sáng hiện đại và bố trí đội ngũ thuyết minh viên được đào tạo bài bản. Bảo tàng Đà Nẵng trở thành địa điểm tham quan, nghiên cứu không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến với thành phố biển Đà Nẵng.


Thông tin thêm:

Giờ mở cửa: 8h00 - 17h00 (tất cả các ngày trong tuần).

Giá vé: 20.000 đồng/lần/người lớn (áp dụng cả khách trong nước và nước ngoài).

Miễn phí:

• Trẻ em, học sinh, sinh viên.

• Công dân thường trú tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

• Người từ 60 tuổi trở lên theo Luật người cao tuổi.

• Người khuyết tật theo quy định của Luật người khuyết tật.

• Đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi thụ hưởng văn hóa quy định tại Điều 2, Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng chính phủ về “Chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa”.


4. Bảo tàng Khu 5

Bảo tàng Khu 5

Địa chỉ: Số 01 đường Duy Tân, thành phố Đà Nẵng

Vị trí: Số 01 đường Duy Tân, thành phố Đà Nẵng

Giờ mở cửa:

Mở cửa các ngày trong tuần:

Sáng: 7:30 đến 11:00

Chiều: 13:30 đến 16:00

Bảo tàng Khu 5 được khánh thành đưa vào sử dụng ngày 7/1/1982 với diện tích trưng bày 8.819m². Năm 1995, Bảo tàng Khu 5 được Nhà nước xếp hạng là Bảo tàng Quốc gia hạng hai. Bảo tàng gồm 2 phần:

  • Khu trưng bày ngoài trời rộng 5.451m²

Có các vũ khí thể khối lớn như: máy bay, xe tăng, xe bọc thép, các pháo từ 75mm đến 175mm..., các loại vũ khí của quân đội Pháp, Mỹ bị bộ đội Khu 5 thu được và sử dụng đánh địch trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

  • 12 phòng trưng bày bên trong rộng 3.368m²

Trưng bày hàng ngàn hình ảnh, hiện vật về sự ra đời, chiến đấu và chiến thắng của các lực lượng vũ trang Khu 5 trong 56 năm qua (1945-2001). Đặc biệt có nhiều hình ảnh, hiện vật quý hiếm được trưng bày thể hiện sự sáng tạo, độc đáo, hiệu quả của sức mạnh chiến tranh nhân dân địa phương Khu 5 trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.


5. Di tích K20

Di tích K20

Địa chỉ: phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng

Vị trí: Khu di tích nằm trên địa bàn khối phố Đa Mặn, phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, trên tuyến đường từ trung tâm thành phố đến khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và phố cổ Hội An.

Đặc điểm: Với hơn 3 nghìn dân, rộng 3km², K20 là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong chiến tranh.

Khu Di tích lịch sử cách mạng K20 là tên gọi do Quận ủy Quận III đặt để làm mật hiệu liên lạc thời chống Mỹ. Sau khi chiếm giữ Đà Nẵng năm 1954, Mỹ Ngụy đã xây dựng nhiều đồn bót quanh Đa Mặn, hình thành bộ máy kìm kẹp nhân dân, ngăn cản lực lượng cách mạng ngay từ bên ngoài vào thành phố. Chính trong điều kiện đó chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân Đa Mặn đã được phát huy cao độ, trở thành bài học quý báu cho phong trào cách mạng địa phương.

Nhà truyền thống được xây dựng khang trang, hiện đang lưu giữ tương đối đầy đủ các hiện vật của một thời đấu tranh ngoan cường, bất khuất. Những địa chỉ đỏ, hầm bí mật, chiến hào xưa đang được đưa vào các chương trình tham quan, giáo dục truyền thống. Mỗi hiện vật, mỗi sự tích đều gắn liền những con người có thật, trong đó có người đang còn sống, đang xây dựng cuộc sống mới ngay tại mảnh đất lịch sử này.


6. Thành Điện Hải

Thành Điện Hải

Địa chỉ: , phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Vị trí: Di tích thành Điện Hải tọa lạc tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Đặc điểm: Thành Điện Hải là một dấu ấn ghi nhớ truyền thống đấu tranh chống Pháp của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước, quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ lãnh thổ.

Thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải, xây dựng năm 1813 (Gia Long thứ 12) gần cửa biển Đà Nẵng. Năm 1823 (Minh Mạng thứ 4) cho dời đồn Điện Hải vào bên trong đất liền, trên một gò đất cao và đến năm 1835 (Minh Mạng thứ 15) đồn được đổi tên là thành Điện Hải.

Năm 1840, Tham tri Bộ công Nguyễn Công Trứ vào xem xét hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng, sau đó có đề nghị tăng cường phòng thủ các thành Điện Hải, An Hải. Năm 1847 (Thiệu Trị thứ 7), thành Điện Hải được mở rộng có chu vi 556m, thành cao hơn 5m, chung quanh là hào sâu 3m. Thành có 2 cửa, một cửa mở về phía nam (cửa chính), một cửa mở về phía đông.

Thành Điện Hải là đồn lũy quan trọng góp phần đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đà Nẵng những năm 1858 - 1860. Ngày 16/11/1988 thành đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia và được gắn bia di tích ngày 25/8/1998.


7. Mộ Ông Ích Khiêm

Mộ Ông Ích Khiêm

Địa chỉ: , Huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng

Vị trí: Toạ lạc tại nghĩa trang xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố 10km về phía tây - nam.

Đặc điểm: Mộ Ông Ích Khiêm được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích quốc gia vào ngày 12/7/2001

Ông Ích Khiêm, tự là Mục Chi, sinh ngày 21/12/1829 tại làng Phong Lệ Bắc, xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang. Ông thi đậu cử nhân năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) và làm quan dưới triều vua Tự Đức. Nổi tiếng là người thông minh, chính trực, là một vị tướng khẳng khái và mưu lược, ông có công trong việc cầm quân bảo vệ Đà Nẵng khi thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược nước ta.

Ông Ích Khiêm mất ngày 19/ 7/ 1884 tại Bình Thuận. Con trai ông là Ông Ích Thiện đã đưa thi hài ông về quê và mai táng tại làng Phong Lệ.

Ngôi mộ được xây theo hình bát giác, có chiều dài từ cổng vào là 13,8m; chiều rộng 6,1m; tường bao xung quanh mộ cao 0,72m. Nấm mộ có chiều dài 4,75m; rộng 3,5m; cao 0,35m. Phía trước mộ có nhà bia, bên trong đặt một tấm bia bằng đá cẩm thạch cao 0,83m; rộng 0,54m được trang trí hình rồng, phụng và hoa lá.



8. Nghĩa trang Khuê Trung

Nghĩa trang Khuê Trung

Địa chỉ: , Bình Hòa 1, phường Khuê Trung, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Vị trí: Thuộc khu vực Bình Hòa 1, phường Khuê Trung, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Đặc điểm: Nghĩa trang Khuê Trung được lập theo sắc tứ vua ban để qui tụ hài cốt tướng sĩ vị quốc vong thân trong cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược năm 1858.

Nghĩa trang nằm quay mặt về hướng đông, được bài thiết theo mô hình tam ban: chính diện và tả hữu. Ngay cổng vào chính diện có tấm bia bằng đá sa thạch khắc 4 chữ Hán "Hòa Vang Nghĩa Trang" cùng với năm lập bia Tự Đức Thập Cửu Niên (1866) và hai trụ đá cao khoảng 2m.

Sau tấm bia là đài chiến sĩ bằng xi-măng cao khoảng 3m. Tai trung tâm nghĩa trang có một ngôi mộ lớn, trên bia xi-măng cẩn hàng chữ “tiền triều đại tướng quí công mộ”. Có người cho rằng đây là mộ của ông Nguyễn Trọng Ân - tướng trấn giữ Đồn Tuyên Hóa (phường Hòa Cường hiện nay). Lại có người nói đó là mộ ông Lê Đình Lý, cũng là một tướng lĩnh tài ba dưới quyền chỉ huy của khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương.

Phía cuối nghĩa trang nhìn từ ngoài vào là các am thờ, các bàn hương án dùng cho việc cúng tế lễ. Hai bên tả hữu nghĩa trang có hơn 1.000 ngôi mộ. Ngay sau lưng nghĩa trang là nhà thờ Tiền Hiền và miếu Bà.

Nghĩa trang Khuê Trung được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích quốc gia vào ngày 4/1/1999.



Điểm tham quan du lịch khác tại Đà Nẵng



Cẩm Nang Du Lịch Đà Nẵng