Điểm tham quan tại Nghệ An

I. Du lịch văn hóa - Di tích lịch sử Nghệ An



1. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Địa chỉ: thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Vị trí: Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh nằm ở trong khu nội thành thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Đặc điểm: Bảo tàng trưng bày các di vật và tài liệu trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Đây là công trình văn hoá độc đáo lưu giữ trên 5.000 hiện vật gốc và các tư liệu thể hiện tinh thần cách mạng kiên cường bất khuất của nhân dân Nghệ Tĩnh trong cao trào Xô Viết 1930 - 1931. Bảo tàng được dựng năm 1960 trên một khuôn viên rộng, đẹp. Bảo tàng thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước.


2. Thành cổ Nghệ An

Thành cổ Nghệ An

Địa chỉ: thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Vị trí: Thành Nghệ An thuộc địa phận ba phường Cửa Nam, Đội Cung và Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Đặc điểm: Thành Nghệ An được xây dựng năm 1804 và đã tu tạo, nâng cấp nhiều lần.

Thành có sáu cạnh, ba cửa; chu vi khoảng 2.400m; tường cao 4,4m; diện tích chừng 420.000m²; bao quanh là hào nước sâu chừng 3m. Trong thành phía đông có dinh tổng đốc, phía nam có dinh bố chánh, án sát, lãnh binh, đốc học; phía bắc là trại lính và nhà ngục. Toà thành là chứng tích của nhiều sự kiện lịch sử thời nhà Nguyễn và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.


3. Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh

Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh

Địa chỉ: xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Vị trí: Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Từ thành phố Vinh theo quốc lộ 46 đến cây số 13 rẽ vào con đường đất đỏ rợp bóng cây bạch đàn và phi lao, đến làng Sen, tên chữ là Kim Liên (bông sen vàng).

Đặc điểm: Là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời và sống những năm tháng niên thiếu cùng bà con nội ngoại thân thiết.

Làng có những hồ sen hai bên đường làng. Ngôi nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh sống thuở nhỏ dựng bằng tre và gỗ, 5 gian, lợp tranh. Trong nhà có những đồ dùng giống như các gia đình nông dân: phản gỗ, chõng tre, cái võng gai, bàn thờ... Nhà được dựng năm 1901 do công sức và tiền của dân làng góp lại làm tặng ông Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ông Sắc đỗ Phó Bảng - sự kiện mang lại niềm tự hào cho dân làng.

Làng Chùa (quê ngoại)

Cách làng Sen 2km, là một làng quê bình dị như bao làng quê của Việt Nam, nhưng lại nổi tiếng ở trong và ngoài nước vì đây là quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi người cất tiếng khóc chào đời và được mẹ nuôi dạy trong những năm ấu thơ. Sau cánh cổng tre rộng mở, du khách bước giữa hai bờ mận hảo vào thăm hai ngôi nhà lợp tranh bình dị.

Ngôi nhà thờ

Ngôi nhà thờ nhỏ ba gian ở phía sau nhà ở của cụ Hoàng Đường (ông ngoại của Bác) được cụ Hoàng Đường lập ra từ năm 1881 để thờ cúng cố nội, ông nội và thân phụ. Nhà được tu sửa và lợp ngói từ 1930 như ta thấy hiên nay. Bàn thờ được bài trí giản dị, trang nghiêm. Trên đôi quyết trước nhà thờ có đôi câu đối về uy danh của dòng họ.

Ngôi nhà cụ Hoàng Đường

Ngôi nhà của cụ Hoàng Đường có 5 gian và hai chái,trong đó ba gian ngoài thông với nhà thờ rất thoáng mát. Bộ phản kê ở gian thứ nhất là nơi cụ Đường dạy học; gian thứ hai có bộ tràng kỷ bằng tre, chiếc án thư với những dụng cụ dạy học như bút lông, nghiên mực... Gian thứ ba kê bộ phản là nơi nghỉ ngơi của thày và trò. Hai gian còn lại là nơi nghỉ của cụ bà và nơi sinh hoạt chung của gia đình.


4. Đền Cờn

Đền Cờn

Địa chỉ: thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Vị trí: thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Đặc điểm: là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng của xứ Nghệ

Di tích đền Cờn gồm hai đền là đền Cờn Trong và đền Cờn Ngoài. Nơi đây còn gắn liền với sự nghiệp bình Chiêm của hai bậc minh quân là Vua Trần Anh Tông (năm 1311) và Lê Thánh Tông (năm 1470) khi đều được sự phù hộ, linh báo của các vị thần đền Cờn. Sau khi thắng giặc trở về, vua đã cho xây dựng mở rộng đền, thờ Tứ vị Thánh Nương, trở thành trung tâm tín ngưỡng của cư dân vùng biển.

Lễ hội đền Cờn diễn ra từ ngày 20 – 21 tháng Giêng âm lịch hàng năm và là dịp để người dân trong vùng cũng như du khách thập phương đến chiêm bái, tưởng nhớ công ơn của Tứ vị Thánh Nương. Các hoạt động văn hóa được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội như: chạy ói, diễn trận thủy chiến giả gắn với truyền thuyết dựng đền, đu tiên, đấu vật, đánh cờ người, đua thuyền rồng, hát tuồng, chèo, chầu văn... luôn đem lại nhiều điều thú vị cho du khách.

Ngày 29/1/1993, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận đền Cờn là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.


5. Đền Hồng Sơn

Đền Hồng Sơn

Địa chỉ: đường Hồng Sơn, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Vị trí: Đền Hồng Sơn toạ lạc trên mảnh đất đẹp, trên đường Hồng Sơn, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Đặc điểm: Đền được xây dựng năm 1839, thờ Quan Vân Trường. Đền đã được trùng tu nhiều lần.

Hiện tại có 19 hạng mục kiến trúc khá hoàn hảo: tường rào; cổng hồ bán nguyệt; tam quan bắc môn; nhà bia; trụ biểu; sân ngự uyển; gác chuông; lầu trống; tháp miếu; tả vu; hữu vu; 2 cung hậu hiền và hạ hiền; hạ điện; sân giữa; trung và thượng điện. Trong đền còn lưu giữ 383 hiện vật quý như tượng, câu đối, chuông, bia đá...

Đền Hồng Sơn là một trong số công trình kiến trúc nghệ thuật và là chốn linh thiêng quý hiếm còn lại trên địa bàn tỉnh Nghệ An.


6. Di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu

Di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu

Địa chỉ: thị trấn Nam Đàn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Vị trí: Di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu nằm ở thôn Sa Nam, xã Đông Liệt, thị trấn Nam Đàn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Đặc điểm: Khu lưu niệm trên diện tích gần 2000m². Tại đây có ngôi nhà mà cụ Phan Bội Châu đã sinh ra và sống tới năm 38 tuổi.

Công trình đã được tôn tạo để trở thành khu lưu niệm đón khách trong và ngoài nước đến thăm từ tháng 10/1990. Công trình với ngôi nhà đơn sơ ấy nhưng đã góp phần làm nên cốt cách nhà văn hoá, nhà yêu nước, nhà thơ Phan Bội Châu.


7. Chùa Sư Nữ (chùa Cần Linh)

Chùa Sư Nữ (chùa Cần Linh)

Địa chỉ: phường Cửa Nam, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Vị trí: Chùa Sư Nữ toạ lạc tại phường Cửa Nam, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Đặc điểm: Ngôi chùa đều do các vị sư là nữ trông coi nên có tên chùa Sư Nữ, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 19.

Đây là một ngôi chùa đẹp, với gần 100 pho tượng thể hiện nghệ thuật điêu khắc tài ba của nghệ nhân đương thời, trong đó có bức tượng quý là Phật Thích Ca đặt tại trung tâm thượng điện.

Nhiều du khách khi đến Nghệ An ghé thăm vãn cảnh ngôi chùa độc đáo đã được nhà nước quyết định xếp hạng di tích tháng 1/1992.


8. Đền chín gian

Đền chín gian

Địa chỉ: huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Vị trí: Đền chín gian tọa lạc trên đỉnh Pú Pỏm (cao gần 200m), thuộc địa phận Mường Tôn xưa, nay là 2 xã Châu Kim và Mường Noọc, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Đặc điểm: Đến đây, du khách sẽ hiểu thêm về tín ngưỡng và lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc - Nghệ An.

Đền chín gian được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 14, theo lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc xứ Nghệ. Ban đầu, ngôi đền được thiết kế theo kiểu nhà sàn cột gỗ lợp tranh và có 9 gian - tượng trưng cho 9 mường trong vùng. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đền đã bị xuống cấp nhiều.

Cho đến nay, ngôi đền đã được trùng tu hai lần: Lần 1 vào năm Đinh Mão (1927). Lần 2 vào năm 2004. Hiện ngôi đền đã được trùng tu theo lối kiến trúc cũ nhưng nguyên vật liệu xây dựng ngôi đền bây giờ không phải bằng gỗ mà bằng xi măng, cốt thép

Theo tín ngưỡng dân tộc Thái, gian chính giữa của ngôi đền là thờ cúng Then Pà (Ngọc Hoàng), Náng Xỉ Đà (con gái của Ngọc hoàng) và Tạo Ló Ỳ - người đầu tiên tạo lập ra Mường Tôn xưa. Tám gian còn lại thờ 8 vị có công khai mở ra 8 mường trước tiên.


9. Thành phố Vinh

Thành phố Vinh

Thành phố Vinh là trung tâm kinh tế, chính trị và là nơihội tụ tiềm lực nhân văn, thiên nhiên cũng như tinh hoa xứ Nghệ. Thành phố Vinh cách thủ đô Hà Nội 291 km, thành phố Hồ Chí Minh 1.418 km và thành phố Đà Nẵng 452 km.

Thành phố Vinh là một trong những trung tâm du lịch của tỉnh Nghệ An và là một điểm đến quan trọng trong tour du lịch con đường di sản miền Trung. Thành phố có nhiều di tích, danh thắng trong đó có tới 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 16 di tích được xếp hạng của tỉnh Nghệ An.

Thành phố Vinh có lịch sử từ lâu đời, trải qua bao thế kỷ từ Kẻ Vạn (tiếng Nôm), Kẻ Vịnh (tiếng Hán) rồi Vĩnh Giang, Vĩnh Doanh sau chuyển thành Vĩnh Thị. Và sau đó người Tây Âu gọi là Vinh (Vĩnh gọi không có dấu) và kể từ năm 1789 đến nay từ Vinh được đặt tên cho thành phố này.

Đến Vinh du khách có thể thưởng thức đặc sản như cam Vinh và cháo lươn và tham quan các điểm du lịch hấp dẫn trong thành phố như: Thành cổ Nghệ An, Lâm viên Núi Quyết, chùa Cần Linh, đền Hồng Sơn, chợ Vinh, các bảo tàng (bảo tàng tổng hợp Nghệ An, bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, bảo tàng Quân khu IV), công viên (công viên Hồ Cửa Nam, công viên Nguyễn Tất Thành, công viên trung tâm thành phố với tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh)... và tham gia lễ hội đền Hồng Sơn, tổ chức vào ngày 3 tháng 3 và ngày 20 tháng 8 âm lịch.

Giao thông: Thành phố Vinh có vị trí địa lý rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế - văn hoá trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Đường không: Sân bay Vinh có các chuyến bay đi Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và đang được nâng cấp để mở rộng các chuyến bay quốc tế. Sân bay nằm cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 15 km.

Đường bộ: Quốc lộ 1A chạy xuyên qua trung tâm thành phố theo hướng Bắc - Nam với chiều dài 10km. Vinh là đầu mối của các tuyến đường đi các huyện trong tỉnh, đi Lào và đông bắc Thái Lan. Đường sắt: Ga Vinh là một trong những ga lớn và quan trọng trên tuyến đường sắt Bắc Nam của Việt Nam. Tất cả các chuyến tàu xuyên Việt đều dừng đón và trả khách tại đây.

Đường thuỷ: Hệ thống sông ngòi bao quanh phía tây đông và phía nam thành phố là điều kiện thuận lợi cho giao lưu với các huyện trong tỉnh.


10. Mộ bà Hoàng Thị Loan

Mộ bà Hoàng Thị Loan

Địa chỉ: huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Vị trí: Mộ bà Hoàng Thị Loan nằm trên núi Động Tranh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Đặc điểm: Mộ bà được xây năm 1985, nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 95 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901) là người mẹ Việt Nam tiêu biểu có công nuôi dạy nên những người con yêu nước, trong đó có cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ chân núi Động Tranh, lối lên phần mộ Bà nằm ở bên trái phần mộ có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm cậu Khiêm;đưa hài cốt mẹ về đây - 1942). Trước phần mộ xuống sân bia 33 bậc, con số 33 là tuổi đời của Bà. Phía trên mộ là dàn hoa cách điệu hình khung cửi. Hai cụm cây hoa giấy che mát phần mộ Bà được lấy giống từ Huế - nơi bà mất và khu lăng mộ của ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp. Khe trước phần mộ trồng nhiều cây quí từ nhiều miền đất nước.


11. Chợ vùng biên Nậm Cắn

Chợ vùng biên Nậm Cắn

Địa chỉ: , Nghệ An

Vị trí: Chợ nằm ở phía tây tỉnh Nghệ An, giáp biên giới Việt - Lào, bên kia là đất nước Triệu Voi.

Đặc điểm: Chợ nằm ở khu đất bằng phẳng hình bán nguyệt bao quanh là dòng suối Nậm Cắn. Chợ phiên họp vào đầu và giữa tháng. Đặc biệt nếu đến đây vào mùa xuân, du khách sẽ được tham dự một phiên chợ độc đáo, thắm tình hữu nghị Việt - Lào.

Từ chiều hôm trước phiên chợ, từ hai ngả biên giới, từng đoàn xe chở người và hàng hoá lũ lượt kéo tới tập kết trước đồn biên phòng Nậm Cắn để xuống chợ. Quang cảnh đường biên nhộn nhịp, náo động lạ thường. Họ dựng lều, quán để chuẩn bị cho phiên chợ ngày mai. Sang ngày họp chợ, từ sáng sớm tiếng người mua kẻ bán xôn xao. Hàng hoá không xếp như ở trong quầy mà được bày trên mặt đất hay trên cỏ nhưng rất gọn gàng ngăn nắp. Hàng hoá tại đây rất phong phú: hàng Lào, hàng Việt, hàng Thái Lan đều có mặt. Các thiếu nữ H'Mông, thiếu nữ Lào duyên dáng trong các bộ váy dân tộc. Du khách có thể chọn mua những mặt hàng ưa thích, trả bằng tiền Lào hoặc Việt đều được. Phiên chợ cứ đông vui như vậy cho tới khi mặt trời sấp bóng.


12. Đền Quả Sơn

Đền Quả Sơn

Địa chỉ: , Xã Bồi Sơn, Huyện Đô Lương, Nghệ An

Vị trí: Đền Quả Sơn nằm tại chân núi Quả, bên bờ sông Lam, thuộc địa phận làng Miếu Đường, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh hơn 70km về phía tây bắc.

Đặc điểm: Đây là ngôi đền thiêng thứ hai trong 4 ngôi đền thiêng ở tỉnh Nghệ An: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”.

Từ Tp. Vinh, theo quốc lộ 46 (hướng Tp. Vinh – trị trấn Đô Lương) khoảng 54km sẽ tới thị trấn Đô Lương, ngược lên phía bắc theo đường 15 khoảng 3km, rẽ trái khoảng 2km sẽ tới Đền Quả Sơn.

Đền Quả Sơn – một công trình kiến trúc cổ, đồ sộ bao gồm nhiều hạng mục, điển hình như: tòa nhà hình chữ công gồm Thượng điện, Trung điện và Hạ điện nối liên tiếp với nhau – thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Tả vu thờ Đông Chinh Vương Lý Lực, Hữu vu thờ Dực Thánh Vương, phần mộ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, nhà bia, nhà ngựa và ông ngựa…

Đền Quả Sơn được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1998.


13. Đền Cuông

Đền Cuông

Địa chỉ: , Xã Diễn An, Huyện Diễn Châu, Nghệ An

Vị trí: Đền Cuông nằm ở núi Mộ Dạ, thuộc địa phận xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Từ Tp. Vinh, theo quốc lộ 1A khoảng 30km về phía bắc sẽ tới Đền Cuông.

Đặc điểm: Đây là ngôi đền thiêng, thờ Thục An Dương Vương – vua của nước Âu Lạc (250 – 208 trước Công nguyên).

Để tưởng nhớ Thục An Dương Vương, sau khi ông mất, nhân dân vùng này đã lập miếu thờ ông ở Cửa Hiền. Dù đã có miếu thờ, nhưng mỗi khi màn đêm buông xuống, trên sườn núi Mộ Dạ xuất hiện đốm lửa lập loè, người dân ở đây nghĩ rằng đó chính là linh hồn của Thục An Dương Vương nên họ đã lập đền thờ ông tại đây và gọi là Đền Cuông.

Đền Cuông là một công trình kiến trúc đẹp, vững chắc, phù hợp với điều kiện thiên nhiên ở miền Trung, xung quanh có trồng nhiều cây xanh đan xen. Đền có kiến trúc theo kiểu chữ Tam, bao gồm tam quan, ba tòa Thượng, Trung và Hạ điện.

Lễ hội đền Cuông diễn ra từ ngày 14 - 16/2 âm lịch hàng năm là dịp để người dân trong vùng cũng như du khách thập phương đến Đền chiêm bái và tưởng nhớ công ơn Thục An Dương Vương. Với các hoạt động như: tế thần, rước kiệu thần, hát ví, hát phường vải, hát tuồng, chèo, đốt pháo bông, thả đèn hoa…. chắc chắn sẽ đem lại nhiều điều thú vị cho du khách.


14. Khu di tích lịch sử Truông Bồn

Khu di tích lịch sử Truông Bồn

Địa chỉ: Xóm 10, Xã Mỹ Sơn, Huyện Đô Lương, Nghệ An

Vị trí: xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh khoảng 40km về phía tây.

Đặc điểm: nơi ghi dấu những chiến công và sự hi sinh oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Truông Bồn là một đoạn đèo dốc dài khoảng 5km, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30 đi qua địa phận xã Mỹ Sơn. Nhờ địa hình hiểm trở với nhiều dãy núi nằm dọc hai bên đường như núi Voi, Mồng Gà, Cột Cờ... nên con đường qua Truông Bồn, luôn đảm bảo sự kín đáo, an toàn và là nơi lý tưởng để trú chân, ẩn náu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là “tuyến đường độc đạo”, nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Trong khu di tích còn có nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh ở Truông Bồn; nhà trưng bày truyền thống tái hiện những hình ảnh chân thực, sống động về cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của quân và dân tại Truông Bồn; hồ điều hòa cảnh quan - môi trường; sân lễ hội với nhiều công trình và hiện vật ghi nhớ công ơn của những chiến sĩ trẻ đã hy sinh tại Truông Bồn. Bên cạnh đó, khu di tích còn phục hồi 03 hố bom gần khu mộ, tháp chuông; bức phù điêu lớn với nhiều họa tiết được chạm khắc tinh xảo, tái hiện hình ảnh cuộc sống, quá trình lao động, chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong trên tuyến đường; đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ với ba cây hương được làm từ đá xanh nguyên khối cao 27m, đường kính hơn 1m. Xung quanh đài tưởng niệm là hai nhóm tượng, 6 trụ huyền thoại biểu tượng cho tinh thần chiến đấu, hi sinh anh dũng của lực lượng thanh niên xung phong.

Khu di tích lịch sử Truông Bồn là một trong những “địa chỉ đỏ” thu hút đông đảo nhân dân và du khách mỗi khi có dịp về với xứ Nghệ.



Điểm tham quan du lịch khác tại Nghệ An



Cẩm Nang Du Lịch Nghệ An