Điểm tham quan tại Lào Cai

I. Du lịch văn hóa - Di tích lịch sử Lào Cai



1. Đá vợ đá chồng

Đá vợ đá chồng

Địa chỉ: xã Hầu Thào, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Vị trí: Đá vợ đá chồng nằm trong khu di tích Bãi đá cổ Sa Pa, thuộc thung lũng Mường Hoa, xã Hầu Thào, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Ðặc điểm: Đá vợ đá chồng là một cặp đá có tư thế đang hướng về nhau, đang tìm đến nhau. Hai tảng đá có liên quan đến truyền thuyết về mối tình thủy chung của đôi trai gái vượt lên mọi gian nan, thử thách, mong tìm đến với nhau và được sống hạnh phúc, nhưng khi sắp sửa gặp nhau thì họ đều đã bị hóa đá.

Phía đầu bãi đá khắc cổ cạnh con đường trục chính liên xã (cũ) có một tảng đá nằm dưới vùng sình lầy. Hòn đá có hình người nằm phủ phục, đầu quay xuống phía hạ huyện. Ở cuối bãi đá đó, cách chừng 2km, có tảng đá lớn cũng hình người nằm phủ phục, đầu quay lên, hai tảng đá có hình dáng giống nhau.

Đồng bào H’Mông ở quanh vùng Hầu Thào - Tả Van có kể lại: Từ lâu lắm rồi, ở mãi phương Bắc xa xôi đã xảy ra một cuộc chiến thảm khốc giữa hai bộ tộc. Kẻ chiến thắng là một tộc trưởng tàn ác, hắn còn có một tên phù thủy gian manh làm quân sư. Tên quân sư gian manh rắp tâm chiếm đoạt người con gái độc nhất của tộc trưởng.

Nàng tiểu thư xinh đẹp - con gái tộc trưởng lại đem lòng yêu chàng trai con tộc trưởng chiến bại trong cuộc chiến tranh vừa qua. Những ngày hai bộ tộc còn chung sống hòa bình thì tình yêu của đôi trai gái đẹp biết bao. Nghe lời xúc xiểm của tên quân sư, chiến tranh giữa hai bộ tộc đã xảy ra. Dù vậy, đôi trai gái vẫn quyết tâm bảo vệ hạnh phúc và họ đã cùng nhau trốn chạy về hướng nam mong rằng sẽ tìm được hạnh phúc ở nơi xa lạ.

Được tin, tộc trưởng huy động quân lính đuổi theo. Tên phù thủy quân sư uất ức nguyện rằng: “Nếu hai đứa trẻ đến suối Kim Hoa mà thoát vào đêm thứ mười thì hắn sẽ chọn thất bại. Nếu ngày mười một mà chưa qua suối Kim Hoa thì đôi trẻ sẽ hóa đá”

Đêm thứ mười đôi trai gái đến thượng nguồn suối Kim Hoa (nay là đất Tả Van - Hầu Thào) thì cô gái không may sa xuống bãi sình lầy còn chàng trai đã vượt qua bãi sình lầy, không thấy cô gái, chàng trai liền quay lại để tìm, chạy được một quãng, mệt quá, chàng gục xuống. Trời sáng, chàng hóa đá đầu vẫn quay về phương Bắc - nơi người vợ còn ở đó. Còn cô gái cũng đã hóa đá đầu quay về hướng nam như cố chạy theo chồng. Vì thế, tảng đá chồng lớn hơn tảng đá vợ và chúng có hình dạng giống nhau.

Người già trong vùng nói rằng hai tảng đá hình như vẫn lần tìm đến nhau. Ở phía phải và trái của hai tảng đá vẫn tồn tại hai cánh rừng nhỏ, cả hai cánh rừng đều có những cây cổ thụ và có hai miếu thờ, một của đồng bào Giáy, một của đồng bào H'Mông thờ mối tình chung thủy của chàng trai, cô gái.


2. Bãi đá cổ Sa Pa

Bãi đá cổ Sa Pa

Địa chỉ: xã Hầu Thào, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai,

Vị trí: Bãi đá cổ Sa Pa nằm trong thung lũng Mường Hoa, xã Hầu Thào, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách thị trấn Sa Pa khoảng 8km về phía đông nam.

Ðặc điểm: Đây là di sản của cư dân người Việt cổ, gồm những khối đá với các hình chạm khắc từ xa xưa, nằm rải rác trên những thửa ruộng bậc thang của người dân bản Pho.

Bãi đá cổ Sa Pa được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga Glubev của trường Viễn Đông Bắc Cổ phát hiện vào năm 1925. Bãi đá trải rộng 8km² với gần 200 khối đá có kích thước, hình khắc khác nhau như: tranh vẽ tả thực, hoa văn trang trí, hình người đang toả hào quang, hình người cách điệu và một số mô tuýp khác về hình người, hình kiểu bản đồ mô tả thung lũng Mường Hoa... Đặc biệt, có các tảng đá được khắc trên đó những khối chữ vuông giống với chữ Nôm Dao.

Các nhà khoa học giả thiết đó là hình bản đồ cổ của người Mông hoặc gần như là cuốn sách cổ giới thiệu về những trận đánh ngày xưa... Có rất nhiều cách giải mã khác nhau của các nhà khoa học khi đến nghiên cứu Bãi đá cổ Sa Pa. Tuy nhiên, tất cả những cách giải mã đó mới chỉ dừng lại ở giả thiết. Bãi đá cổ Sa Pa vẫn nằm đó ẩn dấu những bí ẩn của người cổ xưa, thách thức các nhà khoa học. Từ tháng 10/1994, Bãi đá cổ Sa Pa được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Hiện nay, di tích này đang được nhà nước đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.


3. Nhà thờ đá Sa Pa

Nhà thờ đá Sa Pa

Địa chỉ: thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Vị trí: thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Đặc điểm: là công trình kiến trúc cổ mang dấu ấn của người Pháp

Tọa lạc ngay trung tâm thị trấn Sa Pa, phía sau có núi Hàm Rồng che chắn, nhà thờ đá Sa Pa được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp tại đây. Cùng với hai công trình khác cũng do người Pháp xây dựng là biệt thự Chủ Cầu (nay là khách sạn Hoàng Liên) và khu huyện ủy cũ (nay là trụ sở của Trung tâm Thông tin du lịch Sa Pa) tạo thành một tam giác kiến trúc cân đối, hài hòa giữa không gian trầm mặc của thị trấn Sa Pa. Được xây dựng từ năm 1895 với dáng vẻ cổ kính, rêu phong, nhà thờ đá Sa Pa trở thành hình ảnh điểm nhấn mà bất cứ ai đến thị trấn Sa Pa đều muốn ghé thăm.

Tọa lạc trên một khu đất rộng với diện tích khoảng 6.000m2, nhà thờ đá Sa Pa mô phỏng hình thập giá, được xây theo lối kiến trúc Gothique La Mã. Mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn... đều là hình chóp, tạo cho công trình nét vững chãi mà bay bổng, thanh thoát. Toàn bộ nhà thờ (tường, nền nhà, tháp chuông, sân, bờ kè xung quanh) được xây bằng đá đẽo, liên kết với nhau bằng hỗn hợp của cát, vôi và mật mía. Mái lợp ngói, trần bằng vôi rơm, các cửa sổ bằng khung kính màu mô tả cuộc đời của Đức Chúa. Phần tường của cánh thánh giá bên phải được tạo nhám như nhũ đá chảy xuống làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên cho không gian bên trong nhà thờ.


4. Đền Bảo Hà

Đền Bảo Hà

Địa chỉ: xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai;

Vị trí: Đền Bảo Hà - khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia, được xây dựng dưới chân đồi Cấm, bên cạnh dòng sông Hồng chảy vào miền đất Việt, thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai; cách Tp. Lào Cai khoảng 60km về phía nam; cách ga xe lửa Bảo Hà khoảng 800m.

Đặc điểm: Đền thờ thần vệ quốc Hoàng Bẩy, một anh hùng miền sơn cước đánh giặc phương Bắc bảo vệ bản làng. Đây là địa chỉ thu hút du khách thập phương đông nhất của huyện Bảo Yên.

Đền Bảo Hà có lưng tựa vào núi, mặt hướng theo dòng nước sông Hồng và nơi đây còn có sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên với kiến trúc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam theo thuyết phong thủy.

Hội chính đền Bảo Hà được tổ chức vào ngày 17 tháng 7 âm lịch hàng năm (ngày giỗ tướng Hoàng Bảy), thu hút đông đảo du khách trong và ngoài vùng đến dự. Trong lễ hội có tổ chức rước kiệu, tế thần, dâng hương tưởng niệm, cùng các hoạt động văn hoá - thể thao khác. Ngoài những ngày lễ hội, những ngày thường (đặc biệt là vào mùa xuân) khách thập phương trong cả nước vẫn thường xuyên tụ họp tại đây để thắp hương tưởng niệm, cầu an, cầu lộc.


5. Thành cổ Trung Đô

Thành cổ Trung Đô

Địa chỉ: xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Vị trí: Thành cổ Trung Đô thuộc xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Ðặc điểm: Thành cổ Trung Đô có những nhũ đá hình tháp cổ lấp lánh như lân tinh.

Dòng sông Chảy tại đây thắt lại thành dòng sâu, hai bên là cánh rừng nguyên sinh. Những dòng suối nhỏ từ trên cao đổ xuống như dải lụa, mờ ảo. Đây chính là suối Tiên. Qua suối Tiên 200m, du khách sẽ bắt gặp một hang đá có sức chứa cả trăm người, tạo thành một mê cung kỳ vĩ. Sau khi du ngoạn, du khách sẽ được tắm mình trong ánh nắng của đảo Hoa, một hòn đảo nhỏ đầy hoa thơm cỏ lạ.


6. Tả Van Giáy

Tả Van Giáy

Địa chỉ: xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Vị trí: Thôn Tả Van Giáy thuộc xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Đặc điểm: Đến đây, du khách sẽ có dịp được tìm hiểu thêm về phong cách, lối sống của người Giáy vừa truyền thống vừa hiện đại.

Từ thị trấn Sa Pa, xuôi theo con đường mòn uốn lượn trên lưng chừng núi khoảng 10km, du khách sẽ đến xã Tả Van. Tiếp tục rong ruổi trên con đường vòng vèo, dốc xuống tận chân núi Hoàng Liên Sơn, du khách sẽ đến với thung lũng Mường Hoa. Tại đây, hướng tầm mắt ra phía xa xa, du khách thấy thấp thoáng trong làn sương mỏng một chiếc cầu treo vắt vẻo bắc qua suối Mường Hoa - đường vào thôn Tả Van Giáy, với hai bên đầu cầu là những bụi lau, sậy; những vạt hoa đỗ quyên... đang đu đưa trong gió và điểm đáng chú ý là ngôi miếu thờ 3 gian - nơi mà người Giáy tổ chức lễ hội “Nào Cống”, được dựng ngay ở đầu cầu treo; pha lẫn trong khung cảnh thiên nhiên đó, du khách sẽ thấy thoang thoảng bên tai mình tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim rừng đang gọi bạn tìm nhau...

Đường vào thôn Tả Van Giáy nhỏ, hẹp và là đường đất. Hai bên đường là những thửa ruộng bậc thang màu mỡ được tổ điểm bởi màu xanh của ngô và lúa non. Khi tới thôn Tả Van Giáy, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp bình dị, mộc mạc pha lẫn vẻ khang trang, lịch sự của những ngôi nhà trong thôn.


7. Làng thổ cẩm Tả Phìn

Làng thổ cẩm Tả Phìn

Địa chỉ: huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Vị trí: Làng thổ cẩm Tả Phìn thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 17km về hướng đông.

Ðặc điểm: Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc thông qua các lễ hội như tết nhảy của người Dao đỏ, lễ ăn thề, lễ mừng nhà mới của đồng bào các dân tộc, Tả Phìn còn được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến bởi ở đó có một làng nghề thổ cẩm nổi tiếng.

Sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Tả Phìn đủ kiểu dáng và sắc màu trông thật bắt mắt. Một vài sản phẩm chính có thể kể đến là: những chiếc ba lô, túi khoác du lịch, những chiếc khăn, túi xách tay, ví đựng tiền, các tấm áo choàng thổ cẩm... với đủ sắc màu rực rỡ. Những sản phẩm này hoàn toàn do bàn tay khéo léo tài hoa của các chị em người Mông, người Dao tạo nên với những đường nét hoa văn được thể hiện qua các họa tiết cây cỏ hoa lá, chim muông thật tinh tế luôn gây được sự tò mò hiếu kỳ và đặc biệt hấp dẫn các khách du lịch đến với Sa Pa.

Các sản phẩm hàng hoá làm ra ở đây được "xuất khẩu tại chỗ" bằng cách bán trực tiếp cho khách hoặc có thể bán gián tiếp cho du khách thông qua việc cung cấp các mặt hàng này cho các quầy thổ cẩm ở chợ văn hoá dân tộc, các cửa hàng bán đồ lưu niệm của thị trấn Sa Pa. Tiếng tăm thổ cẩm Tả Phìn đã được vang xa qua những lần triển lãm thổ cẩm ở các hội chợ tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Nhiều tổ chức, cá nhân từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đă đặt hàng làng thổ cẩm Tả Phìn để bán lại cho khách. Thổ cẩm Tả Phìn còn được xuất khẩu sang cả các thị trường ngoài nước như Mỹ, Pháp, Ðan Mạch...


8. Bản Phố

Bản Phố

Địa chỉ: huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Vị trí: Bản Phố là một xã vùng cao thuộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Đặc điểm: Đến đây, du khách vừa được thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng vùng cao vừa được thưởng thức đặc sản Bản Phố, đặc biệt là rượu ngô Bản Phố.

Bản Phố là địa danh quần cư lâu đời của người Mông, có khoảng hơn 500 hộ gia đình với trên 3.000 nhân khẩu. Theo tiếng Quan Hoả - thứ ngôn ngữ chung của một số dân tộc sống trên dải biên cương phía bắc, từ “Phố” dùng để chỉ nơi tập trung dân cư và có hàng quán.

Người Mông Bản Phố sống ở nhà trệt với cấu trúc theo lối xứ lạnh: Họ làm nhà ở trên cao, bám vào vách đá hay sườn núi, nền nhà của họ thường thấp hơn và kín gió, nguyên liệu làm nhà chủ yếu là bằng gỗ; trong nhà luôn có lò sưởi, có thịt sấy ăn quanh năm, có món "mèn mén", món "thắng cố" độc đáo.

Điểm đặc biệt khi đến Bản Phố, khi du khách bước vào bếp của người Mông trong lúc họ đang nấu rượu, du khách sẽ thấy ở trên trần bếp treo lủng lẳng nhiều xâu thịt đủ loại: trâu, bò, dê, lợn... Đây là thứ thịt xông khói rượu có hương vị cực kỳ đặc biệt mà có lẽ không đâu có được. Không những thế, chủ nhà còn rất ân cần mời du khách thưởng thức ly rượu vừa mới cất xong vẫn còn hơi ấm với đồ nhằm là đĩa thịt hun khói rượu.

Cùng với mận Tam Hoa, lê, đào, rượu ngô Bản Phố đã theo chân du khách khắp mọi miền đất nước, dù chỉ uống một lần hẳn nhớ mãi không quên.


9. Chợ phiên Cán Cấu

Chợ phiên Cán Cấu

Địa chỉ: xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai

Vị trí: Chợ phiên Cán Cấu thuộc địa phận xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai; cách Tp. Lào Cai gần 100km về phía đông bắc, cách thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai gần 30km về phía bắc.

Đặc điểm: Đến đây, du khách vừa có dịp được biết về phiên chợ vùng cao nhiều màu sắc vừa có dịp tìm hiểu thêm về các sinh hoạt đời thường của người dân vùng cao.

Từ Tp. Lào Cai, xuôi theo quốc lộ 4D, du khách sẽ đến xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Tiếp tục xuôi theo tỉnh lộ 153, qua thị trấn Bắc Hà, du khách sẽ đến với chợ phiên Cán Cấu.

Chợ phiên Cán Cấu là chợ của người Mông Hoa và người Giáy nhưng lại thực hiện theo lối buôn bán của người Dao. Chợ họp vào ngày thứ bảy hàng tuần và các ngày lễ, tết trong năm.

Chợ được chia thành những khu riêng dành cho đủ mọi mặt hàng. Những mặt hàng như: các loại rau quả, dược thảo, gia vị, đồ dùng trong gia đình và các sản phẩm thổ cẩm đủ màu sắc thể hiện tài năng khéo léo của phụ nữ Mông Hoa, tập trung thành một khu và được bày lên những tấm nilon dải trên mặt đất. Tuy nhiên, nổi bật nhất có lẽ lại là khu vực bán gia súc, gia cầm; vì người Mông Hoa, người Giáy rất thích gia súc và muốn chọn được giống gia súc tốt phục vụ nông nghiệp. Không khí trong khu vực này thật náo nhiệt, người mua, kẻ bán, đứng, ngồi rải rác và cùng thỏa thuận mua bán với nhau.


10. Chợ Pha Long

Chợ Pha Long

Địa chỉ: xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Vị trí: Chợ Pha Long thuộc địa phận xã vùng biên Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Đặc điểm: Du khách đến đây vừa có dịp được mua bán và trao đổi hàng hóa vừa có dịp được gặp gỡ, giao lưu với đồng bào các dân tộc ở đây.

Chợ Pha Long như đẹp hơn bởi người và hàng hóa. Mọi người mua bán hàng hóa ngay tại các lều, trại và cả ở hai bên đường. Người đông chen nhau đến chóng mặt: chen nhau mà thấy vui, mà mua bán, bắt chuyện, làm quen... Có đủ các dân tộc tụ họp về đây như: người Mông, Lô Lô, Tày, Nùng, Giáy...

Náo nhiệt, ồn ào và bắt mắt nhất là nơi bán hàng thổ cẩm. Xuống chợ, ai cũng muốn chọn cho mình những bộ váy áo đẹp nhất, vì thế chị em chọn lựa, ướm thử rất kỹ càng. Bên hàng ăn, người ta dễ bị choáng ngợp bởi hương vị quyến rũ của một số loại ẩm thực như: chảo thắng cố từ thịt trâu, thịt ngựa, thịt bò... của người Mông, hơi men cay nồng của thứ rượu đặc sắc: rượu Cốc Ngù của người Pa Dí, được vắt ra từ những hạt ngô của miền biên ải... Tuy nhiên, có lẽ tĩnh lặng nhất vẫn là dãy hàng thịt, tất cả đều là thịt lợn đen - loại lợn ngon nổi tiếng ở Mường Khương.


11. Chợ Lùng Phình

Chợ Lùng Phình

Địa chỉ: xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai,

Vị trí: Chợ Lùng Phình thuộc địa phận xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai khoảng 70km.

Đặc điểm: Đến đây, du khách sẽ có dịp được tận hưởng sự giao thoa bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống trong vùng đất này.

Từ Tp. Lào Cai, xuôi theo quốc lộ 4D, du khách sẽ đến xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Tiếp tục xuôi theo tỉnh lộ 153, qua thị trấn Bắc Hà khoảng 10km, du khách sẽ đến với Lùng Phình.

Lùng Phình - một địa danh hình thành từ rất lâu đời, nằm trong một vùng thung lũng có hình lòng chảo mà bao quanh là đồi núi trùng điệp ngút tầm mắt. Theo tiếng quan hỏa - thứ ngôn ngữ chung của một số tộc người trên dải biên cương phía bắc, Lùng Phình có nghĩa là Rồng Bằng.

Chợ Lùng Phình họp vào ngày chủ nhật hàng tuần, ngay bên cạnh con đường 153 - con đường độc đạo nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên ải Si Ma Cai (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai).


12. Chợ Cốc Ly

Chợ Cốc Ly

Địa chỉ: xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Vị trí: Từ Tp. Lào Cai, theo quốc lộ 4D, du khách sẽ đến xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Tiếp tục xuôi theo tỉnh lộ 153, du khách sẽ đến cầu Bảo Nhai, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Từ đây, xuôi theo dòng sông Chảy khoảng 10km bằng thuyền, du khách sẽ đến chợ Cốc Ly.

Đặc điểm: Đến đây, du khách sẽ có dịp được biết thêm về đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân vùng tây bắc vừa có dịp được thưởng thức những món ăn đặc sản của họ.

Chợ Cốc Ly là chợ của đồng bào dân tộc sống ở phía tây bắc huyện Bắc Hà. Chợ họp ngay bên cạnh chiếc cầu treo bắc qua sông Chảy. Mỗi tuần chợ chỉ họp một phiên vào ngày thứ ba.

Nhìn từ xa, chợ Cốc Ly giống như một bức tranh thủy mặc và rất sinh động: Dòng nước lững lờ trôi một cách nhẹ nhàng theo năm tháng, xung quanh là núi rừng Bắc Hà xanh mướt một màu thấp thoáng qua từng làn sương mỏng. Điểm tô cho khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp đó, từng tốp người Mông, Dao, Tày, Nùng... súng sính trong những bộ trang phục đặc trưng với hoa văn tinh tế từ khắp các bản làng trong vùng nô nức kéo nhau về chợ: người đi bộ, người đi ngựa mang theo các sản phẩm dệt may, nông sản và gia súc...


13. Chợ Sa Pa

Chợ Sa Pa

Địa chỉ: Thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Vị trí: Thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Đặc điểm: Chợ Sa Pa là chợ của người H'Mông, người Dao được họp vào tối thứ bảy hàng tuần.

Chợ Sa Pa là một hoạt động kinh tế văn hóa rất độc đáo, đây là nơi trao đổi mua bán nhiều loại hàng hóa, sản phẩm địa phương, đồng thời là dịp cho bà con vùng cao đi chợ phiên và thanh niên nam nữ các dân tộc hẹn hò gặp gỡ, ca hát giao duyên để tìm hiểu bạn đời qua khúc hát tỏ tình, qua tiếng sáo, tiếng khèn, đàn môi...

Khi chiều xuống, trong khu vực chợ đã thấy chỗ này, chỗ kia túm tụm dăm bảy trai gái người H'Mông, người Dao đầu mày, cuối mắt nhìn nhau. Rồi khi màn đêm buông xuống, tù mù dưới bóng điện vàng nhạt, họ ngồi bên nhau ca hát, trò chuyện thâu đêm. Khi đã tìm được bạn tâm tình, họ trao kỷ vật cho nhau để rồi hẹn chợ sau gặp lại. Hoạt động văn hóa này đã có từ ngàn xưa và nay vẫn còn gìn giữ được. Chợ Sa Pa là nơi hấp dẫn khách du lịch thích tìm hiểu văn hóa các dân tộc.


14. Chợ Mường Hum

Chợ Mường Hum

Địa chỉ: huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai

Vị trí: Thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai khoảng 44km.

Đặc điểm: Du khách lên tỉnh biên giới cực Bắc Lào Cai mà bỏ qua chợ phiên Mường Hum thì thật là tiếc. Như các chợ phiên khác ở đây, chợ Mường Hum họp vào chủ nhật hàng tuần, là ngày nhộn nhịp nhất của vùng núi cao Bát Xát.

Chợ Mường Hum nằm dưới thung lũng nhỏ, kề bên là suối nước trong vắt, xung quanh là những dãy núi cao ngất trùng mây. Cái chợ phiên cuối tuần ven suối Mường Hum này là nơi gặp gỡ, giao lưu, mua bán và vui chơi của bà con các dân tộc Hà Nhì, H’Mông, Hoa, Giáy, Dao Ðỏ, Dao Tuyển, Hán...

Ngày thường, ai đến đây cũng thích ngắm cảnh Mường Hum sơn thuỷ hữu tình, còn vào ngày chợ phiên cảnh bắt mắt du khách nhất là đoạn suối ven chợ. Bên bờ suối, bầy ngựa đợi chủ vào chợ tập trung bên suối với đủ sắc lông, thỉnh thoảng chúng cất tiếng hí vang khiến bức tranh sơn cước càng thêm sinh động, rất hiếm thấy ở nơi khác. Những chiếc cầu treo hay cầu đá bắc qua suối lúc nào cũng có người dắt ngựa qua lại...

Bên trong chợ ồn ào, tấp nập và khách không khỏi trầm trồ trước những bộ y phục "loá mắt" của các cô thiếu nữ dân tộc. Những cô gái, chàng trai ở bản làng đi chợ đâu chỉ để mua bán mà còn đi để tìm hiểu, để vui chơi, tìm bạn tình, vì thế ai cũng làm đẹp chẳng kém gì đi dự ngày hội. Các thiếu nữ H’Mông váy hoa gợi cảm, lại đội thêm mái tóc giả bằng len sợi nhuộm màu rực rỡ trông giống như một bông hoa biết đi, lung linh khoe sắc. Ðẹp không kém là bộ trang phục Dao đỏ: các thiếu nữ mặc áo quần màu chàm đen điểm xuyết hoa văn trên ngực tựa như những cánh bướm và đội chiếc khăn đỏ rực được kết thêm rất nhiều món trang sức bằng bạc, lúc nào cũng lấp lánh. Cả các em bé dân tộc Dao, dù còn được địu trên lưng mẹ nhưng cũng được mẹ chăm chút áo quần, khăn mũ và các em được mọi người thích ngắm nhất...


15. Bản Dền

Bản Dền

Địa chỉ: , Xã Bản Hồ, Huyện Sa Pa, Lào Cai

Vị trí: Bản Dền thuộc xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Đặc điểm: Đến đây, du khách sẽ được khám phá thiên nhiên kỳ vĩ, tìm hiểu những nét văn hoá độc đáo của người dân bản địa và được sống trong không khí ấm cúng, thân mật, hoà quyện giữa con người và thiên nhiên.

Xã Bản Hồ nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa gần 30km về phía tây nam. Ở đó có 5 dân tộc anh em: Mông, Dao, Tày, Giáy và Nùng (chiếm đa số là người Tày) cùng chung sống. Tuy không có được lợi thế gần trung tâm du lịch như các bản làng khác ở Sa Pa nhưng Bản Hồ lại có khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, những thác, ghềnh nhuốm màu huyền thoại và nhiều di sản văn hoá độc đáo khác. Bản Hồ đang là điểm đến của nhiều du khách đặc biệt là du khách nước ngoài.

Tiêu biểu là thôn Bản Dền của xã Bản Hồ. Tiềm năng văn hoá của bà con thôn Bản Dền thể hiện qua những câu hát, điệu múa cổ và nhiều nghi lễ truyền thống. Đối với người Tày, lễ hội xuống đồng, hát giao duyên, các điệu múa sạp, múa xoè là những nét văn hoá đặc trưng, thực sự cuốn hút du khách. Các nghề thủ công truyền thống đã được khôi phục và có xu hướng mở rộng. Nổi bật nhất là nghề trồng bông, trồng dâu nuôi tằm và dệt thổ cẩm. Thổ cẩm truyền thống của Bản Dền được người phụ nữ Tày dệt nên thành những bộ trang phục đẹp mắt cùng nhiều sản phẩm trang trí trong gia đình và dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Nghề dệt thổ cẩm không chỉ tạo nên những món hàng lưu niệm độc đáo mà còn là nơi dệt vải, sản xuất chăn, ga, gối để du khách thập phương tham quan, chiêm ngưỡng sự khéo léo của những người phụ nữ vùng cao.


16. Chợ Cao Sơn

Chợ Cao Sơn

Địa chỉ: , Xã Cao Sơn, Huyện Mường Khương, Lào Cai

Vị trí: Chợ Cao Sơn nằm trên địa phận xã Cao Sơn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, cách Tp. Lào Cai khoảng 80km.

Đặc điểm: Đến đây, du khách sẽ có dịp được giao lưu, trò chuyện và tìm hiểu thêm về đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc sống ở 4 bản lớn nhất của huyện Mường Khương.

Từ Tp. Lào Cai, theo quốc lộ 4D, du khách sẽ đến xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Tiếp tục đi theo tỉnh lộ 153, du khách sẽ đến bến thuyền chân cầu Bảo Nhai, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Từ đây, ngược dòng sông Chảy lên phía bắc khoảng 31km, du khách sẽ đến chợ Cao Sơn.

Chợ Cao Sơn là chợ của đồng bào dân tộc Mông, Phù Lá, Dao và Hán đen sinh sống ở 4 bản lớn nhất của huyện Mường Khương. Mỗi tuần chợ chỉ họp một phiên vào ngày thứ tư.

Khi vào phiên chợ, ngay từ sáng sớm, trên khắp mọi nẻo đường đã thấy người người từ các bản nối tiếp nhau về chợ. Họ đi thành từng đoàn, từng nhóm, từng cặp và có khi là từng người một. Người thì gùi hàng, người thì dùng ngựa để thồ hàng, người thì xuống chợ bằng xe máy, xe đạp… Váy áo xúng xính, những chiếc ô xoè ra như nấm trên đầu các thiếu nữ Mông, Dao... với những hoa văn tinh tế, màu sắc sặc sỡ, tạo nên bức tranh đầy sinh động và quyến rũ.


17. Dinh Hoàng A Tưởng (Lâu đài Hoàng Yến

Dinh Hoàng A Tưởng (Lâu đài Hoàng Yến

Địa chỉ: , Thị trấn Bắc Hà, Huyện Bắc Hà, Lào Cai

Vị trí: Dinh Hoàng A Tưởng nằm ở trung tâm huyện lỵ Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Ðặc điểm: Kiến trúc Dinh Hoàng A Tưởng theo phong cách Á - Âu kết hợp, tạo sự hài hoà, bố cục hình chữ nhật liên hoàn khép kín.

Dinh Hoàng A Tưởng được xây dựng từ năm 1914 và hoàn thành năm 1921, chủ nhân là Hoàng Yến Chao dân tộc Tày, bố đẻ của Hoàng A Tưởng. Trải qua hơn 80 năm tồn tại cùng thời gian, phủ bao lớp rêu phong cổ kính vẫn đứng uy nghi nổi trội giữa một nơi dân cư đông đúc, phố xá tấp nập.

Trước năm 1945, Bắc Hà là xã hội thuộc địa nửa phong kiến, có giai cấp thống trị và bị trị, người bóc lột và kẻ bị bóc lột, trong đó tầng lớp bóc lột là các thổ ti mà điển hình là cha con Hoàng Yến Chao - Hoàng A Tưởng.

Trong suốt thời gian trị vì, được thực dân Pháp ủng hộ, cha con Hoàng Yến Chao - Hoàng A Tưởng đã ra sức bóc lột nhân dân, chiếm giữ các vùng đất màu mỡ, bắt dân bản phục dịch hầu hạ nộp các hiện vật có giá trị, đồng thời độc quyền bán muối, hàng tiêu dùng, khai thác lâm thổ sản, thuốc phiện và lương thực, thực phẩm cho các đồn binh Pháp và bọn tay sai. Dựa vào tiềm lực kinh tế, thổ ti Hoàng Yến Chao cho xây dựng một dinh thự bề thế và mời thầy địa lý chọn đất, hướng nhà với hai kiến trúc sư người Pháp và Trung Quốc thiết kế và trực tiếp thi công.


18. Làng Cát Cát ở Sa Pa

Làng Cát Cát ở Sa Pa

Địa chỉ: , Thị trấn Sa Pa, Huyện Sa Pa, Lào Cai

Vị trí: Làng Cát Cát thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thị trấn Sa Pa 2km.

Ðặc điểm: Làng Cát Cát là bản lâu đời của người Mông, còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải và chế tác đồ trang sức. Đặc biệt nơi đây còn giữ được khá nhiều phong tục độc đáo mà ở các vùng khác không có, hoặc không còn tồn tại nguyên gốc.

Ở làng Cát Cát, nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc, đồng đã có từ lâu đời và tạo ra những sản phẩm tinh xảo. Quy trình chế tác bạc gồm nhiều công đoạn. Một điều hấp dẫn du khách khi đến Cát Cát là người Mông ở đây còn giữ được khá nhiều phong tục tập quán độc đáo, chẳng hạn như tục kéo vợ. Khi người con trai quen biết và đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ tổ chức làm cỗ mời bạn bè và nhờ các bạn lập kế hoạch "kéo" cô gái về nhà một cách bất ngờ, giữ cô trong ba ngày. Sau đó, nếu cô gái đồng ý làm vợ chàng trai thì sẽ tiến hành lễ cưới chính thức. Nếu cô từ chối thì họ cùng nhau uống bát rượu kết bạn và mọi việc trở lại bình thường như chưa có điều gì xảy ra. Lễ cưới người Mông ở Cát Cát thường được tổ chức từ 2 đến 7 ngày.

Làng Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19, các hộ gia đình cư trú theo phương thức mật tập: dựa vào sườn núi và quây quần bên nhau, các nóc nhà cách nhau chừng vài chục mét. Họ trồng lúa trên ruộng bậc thang, trồng ngô trên núi theo phương pháp canh tác thủ công, sản lượng thấp. Phần lớn nhà cửa đều đơn giản, chỉ có một cái bàn, cái giường và bếp lửa nấu nướng...


19. Chợ phiên Bắc Hà

Chợ phiên Bắc Hà

Địa chỉ: , Thị trấn Bắc Hà, Huyện Bắc Hà, Lào Cai

Vị trí: Thuộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai khoảng 60km.

Đặc điểm: Bắc Hà là chợ phiên thuộc loại lớn nhất vùng cao biên giới.

Trước đây, chợ Bắc Hà họp trên một quả đồi thoai thoải, sau này chợ được xây mới trên nền bê tông và được chia ra từng khu vực bán hàng nên đã phần nào mất đi vẻ đẹp nguyên sơ. Chợ Bắc Hà là nơi bày bán đủ mọi sản vật của vùng cao, những vật dụng cần thiết cho người dân tộc: cày, cuốc, xẻng, dao các loại rau, hoa quả, mật ong.

Nhưng thu hút phụ nữ dân tộc và khách du lịch nhiều nhất chính là khu bán các đồ trang sức, váy, áo, vải thổ cẩm và cả những chiếc gùi bằng mây duyên dáng. Tại đây, bạn có thể tùy ý lựa chọn những sản phẩm thổ cẩm, hoa mắt với những sắc màu rực rỡ của váy áo các thiếu nữ dân tộc Mông, Dao đỏ. Khách du lịch nước ngoài thường trầm trồ trước những bức tranh được dệt thủ công với những họa tiết sinh động, màu sắc hài hòa và đẹp mắt.

Đối với đàn ông vùng cao thì chợ cũng là nơi để một tuần họ có thể gặp gỡ cùng uống rượu bên chảo thắng cố. Thắng cố không lúc nào vơi trong chảo cũng như rượu không lúc nào cạn trong bình. Rượu đặc sản của người Mông bản Phố, được nhiều người biết đến bởi độ nặng và vị gắt rất đặc trưng. Khu bán ngựa là nơi thu hút nhiều đàn ông nhất, họ đến từ các bản làng xa xôi, thậm chí cả những người từ các tỉnh Bắc Giang, Hà Tây... cũng lên đây để buôn ngựa về xuôi.


20. Thành cổ Nghị Lang

Thành cổ Nghị Lang

Địa chỉ: , Huyện Bảo Yên, Lào Cai

Vị trí: Thành nằm ở thung lũng Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Ðặc điểm: Thành cổ Nghị Lang được xây dựng vào những năm 1527 – 1533 là một trung tâm kinh tế, chính trị lớn của cả vùng sông Chảy đầu thế kỷ XVI.

Hiện nay thành còn nhiều dấu tích. Phía đông là sông Chảy – một chiến hào tự nhiên nước chảy xiết cuồn cuộn, từ ngòi Lự đến ngòi Ràng là những đoạn luỹ cổ, tre ken dày và bên kia sông Chảy là bãi soi Bầu (từ cổ nghĩa là bề trên, chỉ anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật ). Tương truyền đó là bến thuyền, là căn cú quân sự của các chúa Bầu, ở đó có đồi khao quân. Phía bắc thành một bên dựa vào núi cao hiểm trở, chân núi là ngòi Ràng - một con suối rộng từ 6 – 8m làm chiến hào chở che. Ngang bờ chiến hào, các chúa Bầu còn cho trồng luỹ tre theo hình tam giác ken chặt bờ thành. Phía nam và tây thành đều dựa vào các dẫy núi cao. Trong thành có lầu chỉ huy, có xưởng rèn vũ khí, sản xuất gạch ngói, có trại lính và hệ thống chợ búa trường học.

Đặc biệt, thành còn có ngôi chùa Phúc Khánh quy mô lớn nhất vùng. Chùa nằm trên một ngọn đồi. Hiện nay nền ngôi chùa vơí nhiều tảng đá kê cột chùa vẫn còn. Ở đây còn lưu giữ một bia đá lớn hình chữ nhật khổ 33x55mm có con rùa đội bia, trên bia nổi bật hàng chữ “Phúc Khánh Tự”.

Lịch sử đã sang trang, nhưng dấu tích oanh liệt hùng cứ một phương chống nhà Mạc, bảo vệ biên cương của các chúa Bầu vẫn luôn in đậm trong truyền thống người dân.



Điểm tham quan du lịch khác tại Lào Cai



Cẩm Nang Du Lịch Lào Cai