Bắc Giang



Điểm tham quan tại Bắc Giang


1. Đình Lỗ Hạnh

Đình Lỗ Hạnh

Địa chỉ: , Xã Đông Lỗ, Huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang

Vị trí: Xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang.

Đặc điểm: Là một trong những ngôi đình cổ của vùng Kinh Bắc với tên gọi “Đệ nhất Kinh Bắc”.

Đình Lỗ Hạnh mang giá trị văn hóa đặc sắc với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo và độc đáo các đề tài rồng, phượng, hươu, hoa lá, cảnh sinh hoạt của con người. Hiện đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý như: hai bức tranh sơn mài “Bát tiên” ở gian giữa trước cửa hậu cung, đôi nghè gỗ sơn son thếp vàng từ thế kỷ 17, tượng Phương Dung Tiên Chúa cùng bài vị Cao Sơn Đại Vương..., đặc biệt là bức chạm tiên gảy đàn đáy – một minh chứng cho sự ra đời và phát triển sớm của ca trù ở nước ta.Ban đầu, đình Lỗ Hạnh chỉ có một tòa đại đình hình chữ “nhất”.

Đình Lỗ Hạnh là ngôi đình chung của 5 làng: Chằm, Chúng, Khoát, Chùa và Hạnh, nên còn có tên gọi là đình Cả. Đình được xây dựng vào năm Sùng Khang thứ 11 (1576), thờ Cao Sơn Đại Vương và Phương Dung Tiên Chúa – 2 vị thần có công với nước, với dân thời Vua Hùng.

Ngày 24/12/1982, đình Lỗ Hạnh đã được Bộ Văn hoá (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.


2. Rừng nguyên sinh Khe Rỗ

Rừng nguyên sinh Khe Rỗ

Địa chỉ: , Xã An Lạc, Huyện Sơn Động, Bắc Giang

Vị trí: Từ thành phố Bắc Giang, theo quốc lộ 31 khoảng 80km, đến thị trấn An Châu của huyện Sơn Động rồi đi theo con đường rừng khoảng 20km, du khách sẽ đến khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ.

Đặc điểm: Khe Rỗ là khu rừng nguyên sinh tiêu biểu của vùng Đông Bắc Việt Nam với nhiều loài động, thực vật phong phú, đa dạng.

Với diện tích 7.153ha trong đó có 5.092ha là rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh Khe Rỗ có thảm động thực vật phong phú, đa dạng với 236 loài thực vật và cây lấy gỗ; 255 loài dược liệu quý; 73 loài chim; 18 loài bò sát; 37 loài thú, trong đó có 7 loài thuộc loại động vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, đặc biệt có loài lửng chó mà trên thế giới hiện đã gần như bị tuyệt chủng…

Do ở địa hình núi cao nên vùng rừng Khe Rỗ có khí hậu trong lành, mát mẻ. Vào mùa hè, nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 24 - 280C; đến mùa đông, khu rừng lại như khoác trên mình chiếc áo ấm áp từ sự đan xen của những tán cây rừng rậm rạp.

Rừng nguyên sinh Khe Rỗ có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghiên cứu, du lịch nghỉ dưỡng… Nơi đây cũng chính là một trong những điểm nhấn của du lịch Bắc Giang, thu hút rất đông khách du lịch tới tham quan, tìm hiểu.


3. Khu du lịch Suối Mỡ

Khu du lịch Suối Mỡ

Địa chỉ: , Xã Nghĩa Phương, Huyện Lục Nam, Bắc Giang

Vị trí: Khu du lịch Suối Mỡ thuộc địa phận xã Nghĩa Phượng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang 30km theo quốc lộ 31 và đường tỉnh lộ 293 về phía đông bắc.

Đặc điểm: Đến khu du lịch Suối Mỡ, du khách sẽ cảm nhận được sự linh thiêng, huyền bí của những ngôi đền pha lẫn trong cảnh sắc hữu tình, không khí trong lành, mát mẻ

Suối Mỡ từ lâu đã trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách. Đến đây, du khách không chỉ được ngắm nhìn những con suối chảy róc rách mà còn được khám phá khung cảnh thiên nhiên kỳ thú được bao bọc bởi những dãy núi trải dài trùng điệp.

Ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh do thiên nhiên ban tặng, đến tham quan khu du lịch suối Mỡ, du khách còn như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh với những ngôi đền, chùa nằm tĩnh tại trên mỏm núi. Đền Suối Mỡ bao gồm đền Hạ, Trung, Thượng, nằm dọc theo dòng suối Mỡ đều thờ Thánh mẫu Thượng ngàn – công chúa Quế Mị Nương, con gái vua Hùng Vương thứ 16.


4. Khu du lịch Khuôn Thần

Khu du lịch Khuôn Thần

Địa chỉ: , Huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

Vị trí: Từ Bắc Giang đi ngược lên vùng Đông Bắc 40km (phố Chũ) rồi rẽ trái 10km là tới khu du lịch Khuôn Thần thuộc địa phận huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Đặc điểm: Diện tích hồ Khuôn Thần rộng 240ha, xung quanh là dãy núi được phủ xanh, chủ yếu là thông.

Lòng hồ có 5 đảo nhỏ được trồng thông xanh có tuổi từ 15-20 năm. Diện tích rừng Khuôn Thần khoảng 700ha, trong đó rừng tự nhiên là 300ha, rừng thông 400ha. Xung quanh khu du lịch Khuôn Thần là vườn cây đặc sản: vải Thái Lan, vải thiều, hồng, na… Tại đây còn có đền Từ Mã thờ danh tướng thời Trần đã được nhà nước xếp hạng di tích văn hóa.

Du khách đến đây có thể cắm trại, dạo chơi trên hồ bằng thuyền đạp chân hoặc thuyền máy, thưởng thức những sản phẩm địa phương như mật ong, rượu tắc kè, hạt dẻ…và tham dự các buổi sinh hoạt văn hóa với dân địa phương.


5. Đình Thổ Hà

Đình Thổ Hà

Địa chỉ: Làng Thổ Hà, Xã Vân Hà, Huyện Việt Yên, Bắc Giang

Vị trí: Làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Đặc điểm: Đình thờ Thành hoàng làng Thái thượng lão quân.

Đại đình có chiều dài 27m, rộng 16m, gồm 5 gian 2 chái. Thành phần chịu lực chính của nhà là 48 chiếc cột, trong đó có 8 cột cái, 16 cột quân và 24 cột hiên. Liên kết ngang của ba gian giữa là các bộ vì nóc, vì nách (vì nóc làm theo kiểu giá chiêng, vì nách làm theo kiểu chồng rường), hai gian còn lại là hai bộ vì lửng và hai chái là bộ vì theo kiểu chồng rường. Dọc theo nhà có ba hàng xà kép là xà thượng, xà trung, xà hạ. Giữa các hàng xà được bưng ván gió. Mái nhà được lợp ngói mũi hài với bốn góc mái uốn cong hình đầu đao và có gắn tượng rồng, phượng, nghê… bằng sành nung. Trên bộ khung mái cũng được chạm trổ tinh vi nhiều cảnh trí sinh động. Nền nhà được lát đá xanh.

Ngày 13/1/1964, đình Thổ Hà được Bộ Văn hoá - Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.Ngoài nét kiến trúc đặc sắc tiêu biểu cho nền nghệ thuật điêu khắc từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18.


6. Chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa Vĩnh Nghiêm

Địa chỉ: , Xã Trí Yên, Huyện Yên Dũng, Bắc Giang

Vị trí: Tọa lạc tại thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Đặc điểm: Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những Thánh tích quan trọng bậc nhất của Phật giáo Việt Nam nói chung và của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng. Đây được coi là trường Đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam.

Chùa được hoàn thành vào năm 1016, vị trụ trì đầu tiên là Thiền sư Vạn Hạnh, kế tiếp là các vị: Đạo An, Minh Tâm, Bảo Tánh và Huệ Quang. Đến thế kỷ XIII, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cho sửa sang, trùng tu, tôn tạo lại, đổi tên là chùa Vĩnh Nghiêm (Vĩnh Nghiêm tự) với mong muốn ngôi chùa mãi mãi trường tồn, mãi mãi tôn nghiêm.

Chùa Vĩnh Nghiêm từ lâu đã được nhân dân ta nhìn nhận và tôn vinh là một trong những Trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần mang đậm bản sắc dân tộc, là nơi tổ chức và thành lập mô hình Phật giáo nhất tông trên cơ sở hợp nhất các thiền phái đã có trước đó và cũng là mô hình Giáo hội Phật giáo cho các tổ chức Giáo hội sau này.


7. Chùa Bổ Đà

Chùa Bổ Đà

Địa chỉ: thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Vị trí: Chùa Bổ Đà nằm ở phía bắc chân núi Phượng Hoàng thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Đặc điểm: Chùa Bổ Đà là một trong những trung tâm Phật giáo của phái Trúc Lâm Tam Tổ.

Có từ thời nhà Lý - thế kỷ 11 và được xây lại vào đầu thế kỷ 18, chùa Bổ Đà là một tập hợp di tích gồm chùa chính (Tứ Ân Tự) cùng hai đền thờ Đức Thánh Hóa và Thạch Tướng Đại Vương.

Chùa Bổ Đà rất đẹp và u tịch, xung quanh là tường đất bao phủ, phía xa có núi sông bao bọc. Nhiều người vẫn gọi Bổ Đà là chùa đất bởi không gian trong chùa man mác một màu nâu của đất, từ bể nước, tường, gạch cũ rêu phong... Về đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tượng thờ Trúc Lâm Tam Tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bộ kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị.


8. Đình Bằng Cục

Đình Bằng Cục

Địa chỉ: Thôn Bằng Cục, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Vị trí: Từ thành phố Bắc Giang, qua cầu sông Thương rồi rẽ phải theo tỉnh lộ 398 khoảng 15km, du khách sẽ đến thị trấn Cao Thượng. Từ đây, theo đường tỉnh lộ 295 về phía tây khoảng 6km, qua cầu Xi rồi rẽ phải đến UBND xã Ngọc Châu, tiếp tục theo đường liên xã chừng 3km nữa là tới đình Bằng Cục.

Đặc điểm: Đình thờ Thánh Cao Sơn và Quý Minh - hai vị tướng đã có công đánh tan quân Thục dưới thời Hùng Duệ Vương (vua Hùng thứ 18).

Đình có chiều dài 20,4m, rộng 10,6m, gồm 3 gian, 2 chái. Tường đình được xây bằng gạch chỉ. Mái đình lợp ngói mũi hài. Chính giữa bờ nóc có đắp hình “lưỡng long chầu nhật”. Trước đình là một sân gạch rộng, tạo không gian thoáng mát. Các cột chịu lực trong đình đều được làm bằng gỗ lim và gỗ tứ thiết. Trong 3 gian của đình thì gian chính giữa hội tụ những giá trị điêu khắc tinh tế và độc đáo nhất.

Đây là nơi đặt ban thờ Thánh và thượng cung. Mặt trước thượng cung được chạm khắc toàn hình rồng và long mã ngậm ngọc đang phi, ở chính giữa là hình “lưỡng long chầu nhật”. Đặc biệt, trên hệ thống ván bưng hai hồi của thượng cung chạm hình ảnh tiên nữ đầu đội vương miện diềm cánh sen đang cưỡi rồng. Ban thờ Thánh phía trước thượng cung cũng được chạm lộng hình ảnh tiên nữ cưỡi rồng. Bức cửa võng ở gian giữa là một bức tranh nghệ thuật tuyệt đẹp với hình ảnh chạm khắc toàn rồng, lân.

Ngày 18/11/2015, đình Bằng Cục đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.


9. Đền Suối Mỡ

Đền Suối Mỡ

Địa chỉ: ã Nghĩa Phượng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Vị trí: Nằm trong khu du lịch Suối Mỡ thuộc địa phận xã Nghĩa Phượng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Đặc điểm: Đền Suối Mỡ bao gồm đền Hạ, Trung, Thượng, nằm dọc theo dòng suối Mỡ đều thờ Thánh mẫu Thượng ngàn – công chúa Quế Mị Nương, con gái vua Hùng Vương thứ 16.

Theo truyền thuyết, công chúa Quế Mị Nương được nhiều vương tôn, công tử đến cầu hôn nhưng nàng chỉ đam mê du ngoạn, nay đây mai đó, sống với thiên nhiên, hương trời sắc núi. Vào một ngày đầu xuân, nàng cùng đoàn tùy tùng lên núi Huyền Đinh và một cơn gió mạnh đã cuốn nàng bay bổng lên trời, đưa nàng tới khúc Suối Mỡ. Khi đến đây, thấy đất đai cằn cỗi, dân tình khốn khổ đói rách vì hạn hán, công chúa rất đau lòng. Nàng đã dùng 5 đầu ngón chân ấn xuống đá và lạ thay, một dòng nước mát ào ạt chảy ra thành suối - chính là con Suối Mỡ ngày nay - đưa nước tưới cho đồng ruộng. Từ đó đất đai vùng này trở nên màu mỡ, trù phú, đời sống muôn dân ấm no, hạnh phúc.

Ghi nhớ công ơn của nàng, dân làng đặt tên con suối ấy là Suối Mỡ và lập 3 ngôi đền kế tiếp nhau để thờ nàng. Đền Hạ là ngôi đền có quy mô lớn nhất được xây dựng trong khuôn viên rộng rãi, dưới bóng cây cổ thụ sum xuê. Kiến trúc và cách bài trí của ngôi đền này khá tiêu biểu cho đền thờ Mẫu ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ vào thế kỷ 19 - 20. Ðền Trung có khoảng sân rộng để du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi lấy sức lên Ðền Thượng. Ðền Thượng độc đáo ở dạng sơn miếu, có hậu cung là vòm hang, phía bên ngoài do con người xây dựng. Trong hậu cung có đường bậc thang bằng đá dẫn lên đỉnh núi ngắm làng mạc, núi non hùng vĩ.

Đền Suối Mỡ đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá vào năm 1998.


10. Cây Dã hương

Cây Dã hương

Địa chỉ: thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang

Vị trí: Cây dã hương thuộc địa phận thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Đặc điểm: Cây dã hương được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1989 và là biểu tượng thiêng của trời đất, của nước non.

Cây dã hương đại thụ có gốc và thân xù xì, tán vươn rợp bóng, uy nghi đứng trên bãi đất khá rộng, ngay sau đình Viễn Sơn cổ kính. Cây cao khoảng 30 mét. Thân cây có chu vi chỗ nhỏ nhất là 8,4 mét, chỗ lớn nhất là 17,4 mét, phải 8 người ôm mới kín. Trải qua một lần bị cháy trong ruột hồi đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, giờ thân cây bị rỗng, 10 người đứng trong thân cây vẫn vừa. Cũng theo lời người quản lý, hiện phần đất bồi tôn cao giữ an toàn cho cây phủ mất gốc cũ có chu vi khoảng 30 mét.

Nằm trong cụm di tích chùa Quang Phúc, đền Tiên Lạc, đình Thuận Hòa, đình Viễn Sơn, cây dã hương ngàn năm tuổi đã được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1989, hiện đang là một điểm du lịch hấp dẫn du khách khi có dịp đến Bắc Giang. Vẻ đẹp của điểm di tích này được tôn thêm bởi ngôi đình Viễn Sơn cổ kính hơn 300 năm tuổi (1705), trầm mặc nép dưới tán cây dã đại thụ, thờ sáu vị Thành Hoàng làng. Hội đình Viễn Sơn diễn ra trong hai ngày 19 và 20/3 âm lịch hàng năm thu hút rất đông khách thập phương đến dự lễ hội, cũng là dịp chiêm ngưỡng cây dã hương lớn thứ hai trên thế giới (sau cây dã ở Ấn Độ).


11. Khu du lịch hồ Cấm Sơn

Khu du lịch hồ Cấm Sơn

Địa chỉ: xã Sơn Hải, Hộ Đáp, Tân Sơn và Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Vị trí: Từ thành phố Bắc Giang, theo quốc lộ 1A khoảng 60km về phía đông bắc đến quốc lộ 279; rẽ phải vào đường quốc lộ khoảng 5km

Đặc điểm: Cấm Sơn là hồ nước nhân tạo có phong cảnh non nước hữu tình; đồng thời chứa đựng bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng dân cư địa phương.

Nằm ở độ cao khoảng 300m so với mực nước biển, hồ Cấm Sơn là công trình đại thuỷ nông lớn thứ tư của cả nước (sau hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh, hồ Phú Ninh ở Quảng Nam và hồ Kẻ Gỗ ở Hà Tĩnh), có nhiệm vụ điều tiết, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp khu vực huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) và huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn); điều hoà nguồn nước khu vực đầu nguồn sông Thương; phân lũ, cắt lũ cho vùng hạ lưu ở các huyện: Lạng Giang, Yên Dũng và thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang).

Hồ Cấm Sơn có dung tích 248 triệu m³ nước, diện tích mặt nước trung bình khoảng 2.650ha. Mùa khô, nước cạn, lòng hồ hiện ra những bãi bồi dày phù sa được người dân địa phương tận dụng để trồng ngô và hoa màu đan xen. Mùa mưa, mặt hồ trải rộng với hàng trăm đảo lớn, nhỏ nằm rải rác. Bao quanh hồ là những ngọn núi cao quanh năm xanh ngắt một màu, nhấp nhô, trùng điệp. Vẻ đẹp trời, mây, non, nước hòa quyện làm một khiến cảnh quan nơi đây vô cùng thơ mộng, quyến rũ, chẳng khác nào một vịnh Hạ Long thu nhỏ. Với vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, Cấm Sơn chính là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác ca khúc nổi tiếng “Hồ trên Núi”.


12. Thành cổ Xương Giang

Thành cổ Xương Giang

Địa chỉ: xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Vị trí: Thành cổ Xương Giang nằm ở xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Đặc điểm: Xương Giang là tên ngôi thành cổ do quân Minh xây dựng vào thế kỷ thứ 15.

Các dấu tích còn lại cho biết thành hình chữ nhật, chiều dài theo hướng Đông - Tây đo được 600m, chiều rộng theo hướng Bắc - Nam 450m, diện tích 27ha, tường đắp đất cao dầy, bốn góc có pháo đài, hào rộng bao quanh, mở 4 cửa, cửa chính trông về phía Tây. Đây là nơi diễn ra trận công thành của nghĩa quân Lam Sơn ngày 28/9/1427 và trận diệt viện oanh liệt ngày 3/11/1427 mà Lê Quý Đôn đánh giá:Từ triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc chưa có trận nào lớn như vậy (theo Đại Việt thông sử).

Để kỷ niệm lịch sử chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn tại thành Xương Giang, hàng năm tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội kéo dài trong 2 ngày mùng 6 và mùng 7 tháng giêng.



Cẩm Nang Du Lịch Bắc Giang