Điểm tham quan tại Khánh Hòa

I. Du lịch văn hóa - Di tích lịch sử Khánh Hòa



1. Văn miếu Diên Khánh

Văn miếu Diên Khánh

Địa chỉ: Phú Lộc Tây, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Vị trí: Văn miếu Diên Khánh tọa lạc tại khóm Phú Lộc Tây, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Ðặc điểm: Được xây dựng theo truyền thống nho giáo trước đây, nhằm ghi nhận công lao của những người có tài, học giỏi, đã được đỗ đạt.

Năm 1803, vua Gia Long ra chỉ dụ lập Văn Miếu tại xã Phú Lộc, huyện Hoà Châu - thị trấn Bình Hoà, nay thuộc khóm Phú Lộc Tây - thị trấn Diên Khánh - tỉnh Khánh Hoà.

Văn Miếu được xây dựng với quy mô lớn từ năm 1853 và đến năm sau thì cơ bản hoàn thành: phía trước có nhà bi đình, chính giữa có tòa tiền đường và chánh đường cao rộng, làm bằng gỗ xây tường gạch bao, các cột kèo được chạm trổ sơn son thếp vàng đẹp đẽ, uy nghiêm.

Cùng với sự thay đổi của thời gian, khu Văn Miếu đã trải qua bốn lần tu bổ vào các năm 1892, 1904, 1941, 1959, nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu.

Hiện tại, Văn Miếu chỉ còn giữ được 2 tấm bia đá thời Tự Đức 11 (1858) giúp ta hiểu biết hơn về lịch sử, văn hoá, sinh hoạt của nhân dân Khánh Hoà và quá trình hoàn thiện khu Văn Miếu năm 1854. Ngoài ra còn có một Bài minh ở Bái Đường nói rõ hơn về sự đỗ đạt của các vị văn võ, khoa bảng, hào mục, chức sắc và các học sinh địa phương từ đầu triều Nguyễn đến thời Tự Đức.

Với bề dày lịch sử, khu Văn Miếu mang giá trị to lớn về quá trình học tập, tiếp nhận tri thức và biểu hiện sự tôn sư trọng đạo, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hoá dân tộc.

Di tích lịch sử Văn Miếu Diên Khánh đã được Nhà nước công nhận di tích quốc gia, là niềm tự hào về truyền thống văn hiến và lịch sử của nhân dân Diên Khánh.


2. Trung tâm thương mại Nha Trang (Chợ Đầm)

Trung tâm thương mại Nha Trang (Chợ Đầm

Địa chỉ: , 09 Chung cư B - Chợ Đầm - Nha Trang.

Điện thoại Ban Quản lý chợ: (84-58) 822560/ 812352/ 812388

Tổng số kiôt, lô sạp, quầy, tủ, xe: trên 1.500 hộ (không tính trên 500 hộ mua bán nhỏ linh tinh). Ngành hàng kinh doanh: 45 ngành hàng.

Trung tâm mua bán đủ các loại hàng hoá địa phương, trong nước, hàng nước ngoài.

  • Đặc biệt hàng hải sản khô đủ các chủng loại.

  • Cho thuê địa điểm để quảng cáo hàng hoá.


3. Di tích Am Chúa

Di tích Am Chúa

Địa chỉ: xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Vị trí: Am Chúa được xây dựng trên một ngọn núi có tên là núi Ðại An (hoặc núi Dưa), thuộc xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Ðặc điểm: Ðây là nơi thờ Thiên Y Ana Thánh Mẫu, một vị phúc thần rất được kính trọng ở Khánh Hòa.

Theo sự tích được ghi lại trong một tấm bia đá từ năm 1856 ở Tháp Bà, Am Chúa được coi là nơi phát tích của Bà lúc ấu thơ sống với cha mẹ nuôi, còn Tháp Bà Nha Trang là nơi thờ Bà khi đã hiển thánh. Bởi vậy, ngay từ đầu triều Nguyễn, Thiên Y Ana đã được sắc phong là Hồng Nhơn Phổ Tế Linh Ứng Thượng Ðẳng Thần và tại Am Chúa mỗi khi tế lễ thường được tổ chức theo nghi lễ quốc tế do quan đầu tỉnh làm chủ tế. Qua nhiều lần tu sửa, hiện nay ngôi miếu đã khang trang.

Hàng năm vào ngày mồng 1, mồng 2, và mồng 3 tháng 3 âm lịch tại Am Chúa tổ chức lễ hội rất long trọng, đông vui, thu hút khách thập phương xa gần, cả người Chăm và người Việt về dự. Có thể khẳng định, lễ hội Am Chúa là nơi còn bảo lưu được nhiều nhất những nghi thức lễ hội cổ truyền của người Việt ở Khánh Hòa.


4. Lăng Bà Vú

Lăng Bà Vú

Địa chỉ: thị trấn Ninh Hoà, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Vị trí: Lăng Bà Vú nằm ở thôn 3, thị trấn Ninh Hoà, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Ðặc điểm: Lăng Bà Vú là một công trình kiến trúc chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa tiêu biểu và đặc sắc, trong đó yếu tố mỹ thuật chiếm vai trò chủ đạo. Một số yếu tố nghệ thuật cung đình và dân gian đầu thế kỷ 19 đã được thể hiện ở đây khá rõ nét.

Truyền thuyết của nhân dân trong vùng kể lại rằng, thuở trước, khi chúa Nguyễn Ánh đang lúc gian nan và khốn khó, một lần bị quân Tây Sơn đánh bại và truy đuổi gắt gao, quân lính theo hầu không còn mấy người, lương thực cạn kiệt, những tưởng rằng phải bỏ xác lại nơi này, may sao, có một người phụ nữ nhà khá giả ở thôn Mỹ Hiệp (Ninh Hòa) thương tình cho ăn, lại chỉ đường cho trốn chạy thoát được vào Nam. Nhiều năm sau, khi đã chiến thắng được triều Tây Sơn và lên làm vua, nhớ lại công ơn của người đã cứu giúp năm nào, nhà vua bèn sai người về báo đáp thì người xưa đã không còn nữa. Ðể ghi nhớ công ơn của bà, nhà vua xuống chiếu phong tặng cho bà là Nhũ mẫu, đồng thời truyền thợ giỏi đang xây dựng cung điện ở Huế và thợ khéo ở Khánh Hòa đến thôn Mỹ Hiệp để xây lăng cho bà.

Lăng Bà Vú được xây dựng trong 2 năm, đến năm 1804 thì hoàn thành. Lăng được xây dựng trên gò đất cao phía cánh đồng, có không gian rộng, uy nghiêm, các yếu tố phong thủy đã được kết hợp và xử lý một cách hài hòa với không gian xung quanh.

Vì Bà không có con cái gia đình tế tự cho nên vua đã cấp một khu đất rộng cho dân trong vùng cày cấy, không phải nộp thuế để lo nhang khói. Tương truyền ngày giỗ của Bà vào ngày 16 tháng chạp hàng năm.


5. Đền thờ Trần Quý Cáp

Đền thờ Trần Quý Cáp

Địa chỉ: thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Vị trí: Đền thờ Trần Quý Cáp nằm bên cạnh cầu Sông Cạn, thuộc thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Ðặc điểm: Đền thờ Trần Quý Cáp được xây dựng trên phần đất tục danh là Gò Chết chém (gò này có tên từ khi cụ Trần Quý Cáp nằm xuống).

Trần Quý Cáp (1870–1908) Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Thai La, làng Bất Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Lúc tuổi trẻ, ông đã nổi tiếng là một trong sáu học trò lỗi lạc của cụ Đốc học Mã sơn Trần Đình Phong tại trường Thanh Chiêm cùng với Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, và Phan Quang. Ông tham gia phong trào Duy Tân chống Pháp, sau đó bị bắt giam và vào năm 1908, ông chịu án chém ngang lưng.


6. Đình Phú Cang

Đình Phú Cang

Địa chỉ: xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Vị trí: Đình Phú Cang nằm trên địa phận xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Ðặc điểm: Đình toạ lạc trong một khuôn viên rộng, thoáng, có diện tích 1.700m2, và bài trí nội thất theo kiểu thường thấy ở các đình quê.

Quá trình hình thành ngôi đình gắn với thời kỳ đầu người Việt khai khẩn, lập làng vào thế kỷ 17-18. Ngôi đình chính dài 8m, rộng 9m gồm 3 gian, kết cấu theo kiểu tứ trụ với 16 cột gỗ, phân bố 4 hàng, vị trí đều nhau. Đình có bàn thờ thần, bàn thờ bà Thiên Y A Na và bài vị phó tướng Trần Đường - người tập hợp nhân dân theo lời hiệu triệu của vua Hàm Nghi đánh Pháp trên địa phận tỉnh Khánh Hoà.

Mặt trước đình, phần trên cửa có chạm khắc nổi hình linh vật và nhiều hoa văn tinh xảo, trên cửa chính gắn tấm đại tự lớn bằng gỗ chạm 3 chữ: "Phú Cang Đình".

Đình được tặng nhiều sắc phong, tặng vật quý trong đó có sắc phong Thượng Đẳng Thần ghi nhớ công đức của vị Thành Hoàng; một quả chuông cổ và một chiếc trống lệnh.


7. Thành cổ Diên Khánh

Thành cổ Diên Khánh

Địa chỉ: thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Vị trí: Thành cổ Diên Khánh tọa lạc tại thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Ðặc điểm: Thành cổ Diên Khánh được chúa Nguyễn Ánh xây dựng năm 1793, diện tích khoảng 36.000m2, là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến vào thế kỷ 17 - 18 ở Tây Âu.

Tường thành hình lục giác, 6 cạnh không đều nhau, được đắp bằng đất, tường thành chạy uốn khúc theo hình lục giác dài khoảng 2.694m và cao 3,5m. Mặt ngoài thành được đắp hơi thẳng đứng, mặt trong được đắp thoai thoải gồm hai bậc thang dùng làm đường đi. Các góc thành được đắp nhô ra ngoài, có khả năng quan sát được hai bên. Bên trong mỗi góc được đắp thành một khoảng đất rộng dùng làm nơi trú quân. Mỗi góc thành đều đắp một ụ đất cao khoảng 2m dùng để đặt súng đại bác gọi là pháo đài góc, trên thành được trồng nhiều tre hoặc cây có gai. Bên ngoài thành có đào hào sâu từ 3 - 5m, rộng hẹp không đều nhau, tùy theo địa hình. Dưới lòng hào thường xuyên có nước dẫn từ sông Cái vào và có nhiều chướng ngại vật.

Ban đầu thành có 6 cửa (cổng thành), hiện nay chỉ còn 4 cửa Ðông - Tây - Tiền (phía Nam) - Hậu (phía Bắc). Trước đây trong thành có Hoàng cung, bên trái là dinh Tuần Vũ, phía sau là dinh Án Sát, sau nữa là dinh Lãnh Binh, phía dưới là dinh Tham Tri, có nhà kho, nhà lao kiên cố.

Thành cổ Diên Khánh là một trong những di tích quí để nghiên cứu về thành lũy cổ và được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia.


8. Khu tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin

Khu tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin

Địa chỉ: , thành phố Nha Trang và huyện Diên Khánh.

Vị trí: Tỉnh Khánh Hoà có 3 khu tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin tại thành phố Nha Trang và huyện Diên Khánh.

Ðặc điểm: Khu tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin là công trình xây dựng để tưởng niệm nhà bác học tài ba - Alexandre Yersin (1863 - 1943), đã sống và cống hiến hết mình cho khoa học của nhân loại.

Ba khu tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin:

- Thư viện của Bác sĩ Yersin tại viện Pasteur Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

- Chùa Linh Sơn, xã Suối Cát, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (phòng làm việc của Bác sĩ ở Suối Dầu trước đây).

- Phần mộ của Bác sĩ Yersin, xã Suối Cát, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Năm 1891 ông đến Nha Trang xây dựng cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm vi trùng học đầu tiên ở Việt Nam. Ðầu năm 1899 nơi đây đã trở thành Viện Pasteur Nha Trang.

Sau hơn 50 năm sống và làm việc vì khoa học ở Viện Pasteur Nha Trang (1891 - 1943) Yersin đã cống hiến cho khoa học 55 công trình nghiên cứu có giá trị.

Các chức vụ ông đã đảm nhận:

- Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang.

- Viện trưởng Viện Pasteur Ðông Dương.

- Hiệu trưởng Trường Ðại Học Y Khoa Hà Nội.

- Tổng thanh tra các Viện Pasteur Ðông Dương.

- Viện sỹ Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp.

- Chủ tịch danh dự Hội Ðồng Y Khoa Viện Pasteur Pari.


9. Đàn đá Khánh Sơn

Đàn đá Khánh Sơn

Địa chỉ: Huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà.

Vị trí: Đàn đá Khánh Sơn thuộc huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà.

Ðặc điểm: Từ năm 1979, tại Khánh Sơn đã phát hiện ra những bộ đàn đá, một loại nhạc cụ vào loại cổ sơ nhất của loài người (bộ đàn đá đầu tiên trên thế giới được phát hiện năm 1949 tại Tây Nguyên - Việt Nam do ông G.Condominas, kỹ sư người Pháp).

Bộ đàn gồm 12 thanh đá được đẽo gọt với độ lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau, tạo nên những âm thanh khác nhau. Người dân tộc Raglai ở Khánh Sơn đào được và cất giấu trong hang đá hàng chục năm nay. Tại đây, người ta còn phát hiện ra những dấu hiệu chế tác đàn đá tại chỗ, chứng tỏ những cư dân từ xưa ở nơi này - dân tộc Raglai - là những người chủ thực sự của những bộ đàn đá.

Cùng với việc phát hiện ra bộ đàn này, các nhà nghiên cứu sau khi khai quật và khảo sát tại đỉnh núi Dốc Gạo, thuộc địa phận thôn Tô Hạp, xã Trung Hạp còn tìm ra nhiều dấu tích chứng tỏ người xưa đã chế tác đàn đá tại đây với nhiều khối đá và mảnh vụn thuộc loại đá phún trào (ri-ô-lit pooc-phia) có nhiều ở Khánh Sơn, cũng là loại đá để chế tác đàn đá Khánh Sơn.


10. Nhà thờ Đá Nha Trang

Nhà thờ Đá Nha Trang

Địa chỉ: , Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa

Vị trí: tọa lạc trên ngọn núi Bông ở độ cao trung bình 12m so với mặt bằng khu dân sinh, giữa trung tâm thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Đặc điểm: là nhà thờ Công giáo có kiến trúc độc đáo mang phong cách Pháp.

Nhà thờ Đá Nha Trang có tên gọi chính thức là nhà thờ Chánh tòa Kitô Vua, được linh mục người Pháp Louis Vallet, vị quản nhiệm cộng đoàn vùng Nha Trang (thuộc Giáo xứ Chợ Mới - Ngọc Hội) cho khởi công xây dựng dưới sự cố vấn kỹ thuật của kiến trúc sư Nesty vào ngày 3/9/1928. Đến tháng 5/1933, nhà thờ được cung hiến và khánh thành.

Nguyên vật liệu chính xây dựng nhà thờ là bê-tông cốt sắt và đá chẻ, tạo nên một bố cục chắc chắn, vững chãi với những khối lập thể nhỏ dần, vươn từ thấp lên cao. Ðiểm cao nhất của nhà thờ là đỉnh tháp chuông, nơi đặt cây thánh giá (cao 38m tính từ mặt đường). Trên tháp chuông còn treo bộ chuông đồng do hãng chuông nổi tiếng Bourdon Carillond của Pháp chế tạo và cung cấp; ngoài ra còn gắn 1 chiếc đồng hồ lớn, có 4 mặt quay ra 4 hướng.

Nhà thờ có diện tích 720m2, mang phong cách kiến trúc Gothic (Pháp) với đặc điểm nổi bật nhất chính là các vòm cuốn hình múi uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Hoa văn trang trí sử dụng những đoạn thẳng, được bố trí hài hòa, tạo vẻ đẹp giản dị nhưng không kém phần trang nghiêm. Bên cạnh đó, để khai thác hiệu quả ánh nắng mặt trời, nhiều loại kính màu xanh, đỏ đã được lắp vào các cửa vòm, cửa hoa hồng của nhà thờ, tạo nên vẻ đẹp rực rỡ và sang trọng.

Dọc theo lối đi lên nhà thờ trên đỉnh núi Bông là những hộc nhỏ ghép vào tường đá đựng di cốt người quá cố nằm phía bên phải. Phía bên trái kéo dài đến mặt tiền nhà thờ là cụm tượng 14 chặng đường Thánh giá, tượng 12 thánh tông đồ và tượng Chúa Kitô Vua, tượng 24 vị thánh, trong đó có cả tượng Chúa Phục sinh, tạo nên một khu vườn tượng phong phú và đặc sắc.

Nhà thờ Đá Nha Trang được chọn làm nhà thờ Chánh tòa của giáo phận Nha Trang. Nhà thờ không chỉ là nơi để bà con giáo dân TP. Nha Trang đến dự lễ và cầu nguyện mà còn là điểm đến thu hút khách du lịch.


11. Chùa Long Sơn

Chùa Long Sơn

Địa chỉ: , quốc lộ 1A, dưới chân Hòn Trại Thủy.

Vị trí: Chùa Long Sơn nằm ngay trong nội thành Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, bên quốc lộ 1A, dưới chân Hòn Trại Thủy.

Ðặc điểm: Chùa được khai sơn vào cuối thế kỷ 19 và được xây dựng mới vào năm 1940 với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc mang đậm dấu ấn thời hiện đại.

Chùa được cất trên một khu đất cao, thoáng mát, cây cối xanh tươi, gần kề ngay đường giao thông và khu phố đông đúc mà vẫn giữ được vẻ thâm u, tĩnh mịch, uy nghiêm, huyền bí, cao siêu nơi cửa Phật nhờ có sự phối hợp tuyệt vời giữa công trình kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên và những phần tạo dựng do con người.

Đây là một trong những ngôi chùa vào loại lớn nhất và cũng ở vào một địa thế trang nghiêm, đẹp nhất trong các ngôi chùa còn lại ở Khánh Hòa đến nay và cũng là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Nha Trang.


12. Tháp Bà Pô Nagar

Tháp Bà Pô Nagar

Địa chỉ: Đường 2 tháng 4, Phường Vĩnh Phước, Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa

Vị trí: Tháp Bà Pô Nagar nằm trên một ngọn đồi nhỏ, bên cửa sông Cái và quốc lộ 1A, thuộc phường Vĩnh Phước, phía bắc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Ðặc điểm: Tháp Bà Pô Nagar là một công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chăm, đã tồn tại trên 10 thế kỷ.

Tháp Bà Pô Nagar cách trung tâm chưa đầy hai cây số, nằm nép mình bên dòng sông Cái xinh đẹp, sát bên cầu Xóm Bóng, lại ở nơi khu thị tứ đông dân. Dường như bất cứ du khách nào đến Nha Trang cũng được đưa đi thăm Tháp Bà đầu tiên trong cuộc hành trình khám phá thành phố biển này.

Nằm ở ngọn đồi Cù Lao cao trên 20m, theo tài liệu của các nhà nghiên cứu, thì trước đó dưới vương triều Panduranga, cuộc di chuyển kinh đô đã diễn ra, việc xây dựng cụm tháp gồm 5 tháp lớn nhỏ khác nhau, hiện nay có một tháp đã bị mất dấu vết, và những tháp xây dựng đầu tiên đã bị tàn phá do chiến tranh.

Năm 774 cụm tháp được vua Satysuaman tiến hành xây dựng lại và tiếp tục bị tàn phá. Cụm tháp hiện tại được xây dựng vào năm 965 bởi chính vua Jaya Indravarman I. Trong tháp chính cao 22.5m và đặt tượng nữ thần Pô Nagar bằng đá, đó là mẫu tượng trước kia làm bằng vàng đã bị cướp bóc. Tượng cao 2,6m có 10 tay ngồi trên một Yoni lớn vuông vức cạnh 1,5m.


13. Viện Hải Dương Học

Viện Hải Dương Học

Địa chỉ: Số 1 Cầu Đá, Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa

Vị trí: Viện Hải Dương Học nằm trên một khu đất cao ráo, rộng rãi tại số 1, Cầu Đá, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Ðặc điểm: Được thành lập năm 1923, là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học được ra đời sớm nhất ở Việt Nam và được coi là cơ sở lưu trữ hiện vật và nghiên cứu về biển lớn nhất Đông Nam Á.

Đến tham quan bảo tàng, ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hàng trăm loài sinh vật biển nhiệt đới, khách tham quan còn có thể xem xét tìm hiểu hơn 10.000 loài sinh vật ở biển Đông đang được lưu trữ. Bộ mẫu sinh vật biển bao gồm các loài hiện hữu ở biển Việt Nam, Campuchia và các vùng nước lân cận, trong đó có các loài thú biển quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng như Bò biển (Dugong). Đặc biệt, bảo tàng đang lưu giữ, bảo quản trưng bày bộ xương cá voi khổng lồ dài gần 26m, cao 3m đã bị chôn vùi trong lòng đất ở đồng bằng sông Hồng ít nhất hơn 200 năm. Đây thực sự là một di vật lịch sử tự nhiên vô cùng quý giá.

Bảo tàng còn giới thiệu với du khách các đặc điểm tự nhiên của vùng biển Đông, giới thiệu những khoáng sản, tài nguyên quý giá, những cảnh quan môi trường vùng biển ven bờ, các hệ sinh thái giàu có như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển - để lưu ý nhắc nhở mọi người hãy nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, nguồn lợi vì lợi ích của con cháu mai sau. bảo tàng Hải Dương Học đang trở thành trung tâm trưng bày giới thiệu và giáo dục truyền thống chinh phục khai thác và bảo vệ biển Đông của người Việt. Đây thực sự là một trung tâm di sản văn hóa biển rất đáng quý, cần phải bảo quản và phát triển.


14. Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa

Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa

Địa chỉ: , 16 Trần Phú, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Điện thoại: (84-58) 813 654.

Đặc điểm: Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa hiện đang bảo quản gần 10.000 hiện vật gốc, hơn 5.000 tư liệu hình ảnh thuộc về các thời kỳ lịch sử khác nhau, trong đó có nhiều hiện vật thuộc loại quý hiếm.

Bảo tàng tỉnh Phú Khánh (nay là Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa) được thành lập theo Quyết định số 1329/UB-TC, ngày 13/6/1979 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh (cũ).

Bảo tàng đã sưu tập được nhiều hiện vật tiêu biểu như sưu tập rìu đá, đồ trang sức bằng đá thuộc văn hóa Xóm Cồn (cách ngày nay khoảng 3.500 năm); trống đồng Nha Trang (niên đại cách đây 2.000 năm); điêu khắc đá Chăm pa (thế kỷ 9 đến thế kỷ 14); tiền cổ (từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 18); đồ gốm thương mại (từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 18); sưu tập vũ khí trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ...

Hệ thống trưng bày đang giới thiệu các chuyên đề: các văn hóa cổ ở Khánh Hòa; truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa, giai đoạn 1930-2002; thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969); chuyên đề các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Khánh Hòa.

Mỗi năm Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đón tiếp hơn 20.000 lượt khách tham quan trong nước và quốc tế, đồng thời đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như bộ sách nghiên cứu nhiều tập: Khánh Hòa, diện mạo văn hóa một vùng đất, Văn hóa Xóm Cồn... được giới khoa học trong nước đánh giá cao.


15. Làng cổ Phú Vinh

Làng cổ Phú Vinh

Địa chỉ: , xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang

Vị trí: Làng cổ Phú Vinh thuộc xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Ðặc điểm: Làng cổ Phú Vinh có lịch sử trên 200 năm và còn lưu lại trong lòng mình khá nhiều ngôi nhà cổ, mang đậm nét miền Trung

Hiện nay, làng cổ Phú Vinh có 6 ngôi nhà cổ được chọn làm điểm thăm quan đều nằm trên trục đường vòng cung của xã Vĩnh Thạnh. Trong đó, phải nói đến ngôi nhà cổ gần như nguyên trạng của ông Nguyễn Xuân Hải (64 tuổi). Ngôi nhà này đã trải qua sáu đời nhưng gần như chưa hề sửa chữa lần nào. Nhà cổ của ông Hải khá độc đáo ở chỗ nằm lọt trong một khu vườn trên 4.000m². Nhà được xây dựng ba gian, năm chái nối liền nhau và có 36 cột gỗ. Đặc biệt là không khí nhà cổ xưa còn nguyên tại nơi này với những câu liễn xa xưa, thậm chí cả bàn thờ, tủ thờ và cột kèo hay vật dụng gia đình. Ngói âm dương trên mái cũng đã có tuổi đời trên 200 năm và trước sân nhà vẫn còn thềm gạch với những viên gạch cổ được lát cách đây 6 đời người.

Đến làng cổ Phú Vinh du khách sẽ có một cuộc hành trình êm ái trong nhà cổ, giữa mùi rơm rạ, mùi cây cỏ trộn tiếng gà, tiếng trâu kêu. Nơi đây vắng bóng xe cộ và những âm thanh ồn ã đô thị và chẳng có bóng dáng nhà cao tầng. Khái niệm hàng rào bằng hoa dâm bụt càng khiến cho nhiều khách nước ngoài ngạc nhiên.


16. Bia Võ Cạnh

Bia Võ Cạnh

Địa chỉ: Làng Võ Cạnh, Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa

Vị trí: Tại làng Võ Cạnh phía tây thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.

Ðặc điểm: Bia Võ Cạnh có niên đại khoảng cuối thế kỷ 2 đầu thế kỷ 3, được xem là bia ký đầu tiên bằng chữ Phạn ở Đông Nam Á.

Khánh Hoà là vùng đất cổ Chămpa được ghi lại qua dấu tích của bia Võ Cạnh, một di sản văn hoá được phát hiện tại làng Võ Cạnh ở phía tây thành phố Nha Trang và với vô vàn di tích dành sẵn cho những ai say mê sưu khảo.


17. Chợ xóm mới Nha Trang

Chợ xóm mới Nha Trang

Địa chỉ: , ban Quản lý chợ: Phường Tân Lập, Tp. Nha Trang, T. Khánh Hoà.

Điện thoại: (84-58) 515364/ 510262/ 510261

Chợ Xóm Mới nằm giữa nội ô thành phố Nha Trang với khoảng 1.150 tiểu thương chuyên doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, bách hoá gia dụng, lương thực và thực phẩm công nghệ. Đặc biệt, ngành hàng ăn uống của Chợ khá nổi tiếng với các món ăn bình dân ngon, hợp vệ sinh, giá cả hợp lý và ngành hàng thuỷ sản rất phong phú, tươi ngon với các loại cá, tôm, mực,sò… được đánh bắt hoặc nuôi trồng tại Khánh Hoà



Điểm tham quan du lịch khác tại Khánh Hoà



Cẩm Nang Du Lịch Khánh Hoà