Thái Bình



Điểm tham quan tại Thái Bình


1. ĐỀN TIÊN LA

ĐỀN TIÊN LA

Địa chỉ: Thôn Tiên La, Xã Đoan Hùng, Huyện Hưng Hà, Thái Bình

Vị trí: Từ TP. Thái Bình, theo tỉnh lộ 223 khoảng hơn 30km về phía tây bắc sẽ tới thị trấn Hưng Hà. Từ đây rẽ phải đi 1km là đến đê sông Tiên Hương, rẽ trái đi dọc theo đê khoảng 3km nữa là đến đền Tiên La.

Đặc điểm: Đền thờ Bát Nạn tướng quân (tướng quân phá nạn cho dân) Vũ Thị Thục (thường gọi là Thục Nương) – một nữ tướng của Hai Bà Trưng đã có công đánh quân xâm lược phương Bắc, được phong chiếu “Đông Nhung Đại Tướng Quân”.

Đền Tiên La được xây tại gò Kim Quy (nằm giữa thôn Tiên La) theo đúng nguyên mẫu kiến trúc cổ “Tiền nhất, Hậu đinh”, từ cột, kèo đến đao mái uốn cong với kiểu dáng Lưỡng Long Chầu Nguyệt, trên diện tích gần 6.000m². Mặt trước đền hướng ra sông Tiên Hưng, gần ngã ba đổ ra sông Luộc. Bao quanh đền là những rặng nhãn sum suê, xanh tốt.

Đền gồm các công trình chính như: tam quan ngoại, tam quan nội, Tiền tế, Trung tế và Hậu cung. Qua tam quan ngoại, sân đền là đến tam quan nội, hai bên có Lầu cậu, Lầu cô. Đi tiếp sẽ đến nhà Tiền tế (5 gian), được kiến trúc bằng gỗ tứ thiết, nội thất được chạm trổ công phu các họa tiết như: “Long - Lân - Quy – Phượng” đan xen với “Thông - Trúc - Cúc – Mai”. Tại đây còn có những bức đại tự có nội dung ca ngợi triều Trưng Vương và đức hạnh, tài sắc của nữ tướng Bát Nạn. Kế tiếp là nhà Trung tế được xây dựng theo kiểu nhà phương đình, kiến trúc “chồng diêm cổ các”. Điều đặc biệt là toàn bộ vật liệu xây dựng nhà đều bằng đá như hệ thống cột đá, xà đá, kèo đá… Hệ thống cột, kèo được chạm khắc rất tinh xảo, trong đó 4 cột cái chạm tứ linh, 12 cột quân chạm long vân, tám xà chạm “Thông - Trúc - Cúc - Mai” đan xen “Long - Lân - Quy - Phượng”, sườn cột và tám kèo đá chạm điểm băng hoa dây và chữ triện. Đi sâu vào bên trong sẽ đến Hậu cung được kiến trúc bằng gỗ tứ thiết, gồm 3 gian, trong đó, gian giữa đặt một ban thờ, trên có ngai và tượng thờ Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục, xung quanh thờ các tướng sỹ của Bà; gian bên trái thờ thân phụ, gian bên phải thờ thân mẫu của Bà. Trên nóc Hậu cung treo bức đại tự đề bốn chữ: “Vạn Cổ Anh Linh”. Tương truyền, đây còn là nơi đặt mộ của Bát Nạn tướng quân.

Cùng với kiến trúc đặc sắc, đền còn lưu giữ nhiều đồ tế khí, đồ thờ có niên đại từ thời Trần, Lê, các sắc phong thần như: Ý Đức Đoan Trang Thục công chúa (đời Vua Lê Thánh Tông), Dực Bảo Trung Hưng linh phù chi thần (đời vua Minh Mạng ), Dực Bảo Trung Hưng linh phù Thượng đẳng thần (đời vua Khải Định).

Đền Tiên La được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia ngày 12/11/1986.


2. ĐỀN ĐỒNG XÂM

ĐỀN ĐỒNG XÂM

Địa chỉ: , Xã Hồng Thái, Huyện Kiến Xương, Thái Bình

Vị trí: Đền Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Đặc điểm: Đền Đồng Xâm có thể xem như một tập đại thành của nghệ thuật chạm khắc gỗ, đá, kim loại, đắp vữa của Việt Nam thời Nguyễn.

Đền Đồng Xâm là cả một quần thể di tích có quy mô hoành tráng, rộng lớn trong đó thờ Triệu Vũ Đế, đền thờ Trình thị Hoàng hậu (vợ vua Triệu Vũ Đế) và đền thờ Nguyễn Kim Lâu (vị tổ nghề chạm bạc cổ truyền) cùng hệ thống đền chùa nằm kề sông Vông.

Trung tâm của cụm di tích của đền Đồng Xâm là một tổng thể kiến trúc đồ sộ với gần 10000m2 xây dựng với nhiều công trình kiến trúc hùng vĩ và tuyệt đẹp như Vọng Lâu, Thuỷ toạ, Hoành mã, Sân tế, toà tiền tế, phương đình, toà điện thờ, hậu cung, nhà thờ tổ sư nghề chạm bạc...


3. LÀNG VƯỜN BÁCH THUẬN

LÀNG VƯỜN BÁCH THUẬN

Địa chỉ: , Huyện Vũ Thư, Thái Bình

Vị trí: Làng nằm cách thành phố Thái Bình 20km theo hướng cầu Tân Ðệ đi Nam Ðịnh.

Đặc điểm: Là làng vườn trù phú với những vườn cây ăn quả và cây cảnh.

Ðến Bách Thuận, du khách như lạc vào một công viên thu nhỏ với đủ các gam màu đậm nhạt... Dọc hai bên đường làng là màu xanh thẫm của ngâu và màu xanh tươi của hoè. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Bách Thuận phát triển nghề vườn truyền thống. Ở đây có đủ các loại hoa, quả bốn mùa: táo, ổi, roi, mận, chanh, nhãn, vải, hồng xiêm, cam, quýt, chuối, mít...

Bên cạnh những vườn cây ăn quả là những vườn cây cảnh, cây thế. Mỗi loại cây cảnh đều mang một dáng nét riêng với những tên gọi khác nhau tuỳ theo sự uốn tỉa của chủ nhân.

Bách Thuận còn là một làng quê cổ, tiêu biểu cho các làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nơi đây có chùa Từ Vân và Bách Tính đã được Nhà nước xếp hạng di tích cần được bảo vệ, là một điểm du lịch để du khách tới thắp hương, vãn cảnh. Du khách trong và ngoài nước rất thích thú với cảnh quan, môi trường sinh thái ở làng vườn Bách Thuận.


4. LÀNG CHẠM BẠC ĐỒNG XÂM

LÀNG CHẠM BẠC ĐỒNG XÂM

Địa chỉ: , Xã Hồng Thái, Huyện Kiến Xương, Thái Bình

Vị trí: Làng chạm bạc Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

Đặc điểm: Là làng nghề chạm bạc nổi tiếng với những sản phẩm tinh xảo mang tính nghệ thuật cao.

Làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm (tên cũ là Ðường Thâm) nằm ở bên hữu ngạn sông Ðồng Giang. Những ghi chép trong sách sử cho biết: làng này hình thành vào cuối thời Trần-Hồ, cách chúng ta ngày nay trên 600 năm. Nhưng nghề chạm bạc ở đây thì mãi về sau mới xuất hiện. Làng hiện còn một am thờ và một tấm bia đá ở trong khu chùa Ðường (thôn Thượng Gia ngày nay). Ðó là một văn bia Tổ nghề (dựng năm 1689). Trên văn bia có ghi:

"Hoàng triều Chính Hoà thập niên, Tổ phụ Nguyễn Kim Lâu (...) Bảo Long tụ lạc học nghệ, đáo Ðồng Xâm xứ kiến lập thập nhị phường kim hoàn truyền nghệ."

Tạm dịch: Năm thứ mười dưới triều vua Chính Hoà (1689), vị tổ sư Nguyễn Kim Lâu vốn làm nghề vàng bạc ở Châu Bảo Long, tới xứ Ðồng Xâm lập ra mười hai phường để truyền nghề.

Nguyễn Kim Lâu sống vào khoảng đầu thế kỷ 17. Và như vậy nghề chạm bạc Ðồng Xâm đã tồn tại gần 400 năm nay. Buổi đầu là nghề hàn đồng, gò thùng chậu, đánh dao kéo, chữa khoá, làm quai và vòi ấm tích, điếu bát...về sau mới làm đồ kim hoàn, chuyên sâu về chạm bạc.


5. CHÙA KEO

CHÙA KEO

Địa chỉ: , Xã Duy Nhất, Huyện Vũ Thư, Thái Bình

Vị trí: Từ thành phố Nam Định, qua cầu Tân Đệ, rẽ phải, theo đê sông Hồng, đi khoảng 10km là đến chùa. Nằm ở chân đê sông Hồng giữa vùng đồng bằng, chùa Keo với gác chuông như một hoa sen vươn lên giữa biển lúa xanh rờn.

Đặc điểm: Chùa là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam. Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo.

Chùa có quy mô kiến trúc rộng lớn trên một khu đất khoảng 58.000m². Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Từ cột cờ bằng gỗ chò thẳng tắp cao 25m ở ngoài cùng, đi qua một sân lát đá, khách sẽ đến tam quan ngoại, hồ sen, tam quan nội với bộ cánh cửa chạm rồng chầu (thế kỷ 16). Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Sau chùa Phật có đền thờ Thiền sư Không Lộ, người khai sơn ngôi chùa vào thời Lý.

Công trình kiến trúc nổi tiếng của chùa là gác chuông. Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê. Được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn, gác chuông cao 11,04m, có 3 tầng mái, kết cầu bằng những con sơn chồng lên nhau. Tầng một có treo một khánh đá dài 1,20m, tầng hai có quả chuông đồng cao 1,30m đường kính 1m đúc vào thời Lê Hy Tông năm 1686, tầng ba và tầng thượng treo chuông nhỏ cao 0,62m, đường kính 0,69m đúc năm 1796.


6. KHU DU LỊCH BIỂN ĐỒNG CHÂU

KHU DU LỊCH BIỂN ĐỒNG CHÂU

Địa chỉ: , Xã Đông Minh, Huyện Tiền Hải, Thái Bình

Vị trí: Biển Đồng Châu thuộc huyện Tiền Hải, cách thành phố Thái Bình 35km theo tỉnh lộ đi Kiến Xương - Tiền Hải.

Đặc điểm: Đến với khu du lịch biển Đồng Châu, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành của biển, của bãi tắm luôn lộng gió.

Khu du lịch bao gồm bờ biển thuộc xã Đông Minh; Cửa Lân; hai đảo biển Cồn Thủ và Cồn Vành. Diện tích toàn khu du lịch rộng hàng chục km2, trung tâm của khu du lịch là bãi biển Đồng Châu dài 5km, nơi đây đã hình thành hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ cao tầng phục vụ du khách đến với Đồng Châu tắm biển, nghỉ dưỡng. Điều thú vị là từ bãi tắm Đồng Châu, du khách có thể đi tàu, xuồng gắn máy ra thăm và tắm biển ở Cồn Thủ, Cồn Vành. Cách đất liền 7km, Cồn Thủ và Cồn Vành nổi lên như hai ngọn sóng xanh giữa biển khơi.

Cồn Thủ có bãi cát trắng mịn, có rừng thông, rừng phi lao xanh ngắt, có bãi tắm nhỏ thơ mộng là địa điểm lý tưởng cho du khách đi tắm biển, tổ chức các cuộc picnic và nghỉ dưỡng bằng tầu thuyền với các trò vui chơi, giải trí trên biển như câu cá, lướt ván, bóng chuyền bãi biển ...

Cồn Vành rộng 15km2, có khu bảo tồn rừng ngập mặn là điểm dừng chân của các loài chim quý hiếm như cò thìa, bồ nông, mòng biển ... Hằng năm nơi đây đã thu hút rất nhiều du khách là các nhà nghiên cứu, khách du lịch tới thăm cồn đảo.


7. KHU DI TÍCH CÁC VUA TRẦN

KHU DI TÍCH CÁC VUA TRẦN

Địa chỉ: , xã Tiến Đức và xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Vị trí: Khu di tích các Vua Trần thuộc xã Tiến Đức và xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Đặc điểm: Khu di tích nhà Trần đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa di tích khảo cổ học cấp quốc gia và là nơi liên quan đến cội nguồn dân tộc luôn luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Mảnh đất Hưng Hà - Thái Bình là nơi chứa đựng những dấu ấn lịch sử gắn chặt với triều đại nhà Trần (1226 - 1400), các vua khai sáng nhà Trần đều được sinh ra tại đây, gia tộc nhà Trần dựa vào đây dấy nghiệp. Khi đã thành vương triều Trần, vùng đất này được chọn làm nơi xây dựng các đền thờ, lăng tẩm của Hoàng tộc nhà Trần.


8. ĐỀN ĐỒNG BẰNG

ĐỀN ĐỒNG BẰNG

Địa chỉ: , thôn Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Vị trí: Xuôi đường 10 đi Hải Phòng, dừng chân bên cầu Vật, du khách sẽ bị cuốn hút trước công trình kiến trúc uy nghi, lộng lẫy đứng khiêm nhường bên dòng sông Cổ đầy ắp huyền thoại.

Đặc điểm: Đền Đồng Bằng là một bảo tàng mỹ thuật điêu khắc gỗ tuyệt đẹp, một điểm du lịch hấp dẫn của vùng quê lúa Thái Bình.

Làng Đồng Bằng xưa là trang Đào Động - Một trong những phòng tuyến quân sự của nhà Trần thế kỷ 13. Nơi đây còn âm vang khí thế hào hùng oanh liệt của quốc gia đại Việt chống giặc Nguyên Mông. Tướng quân diện súy Phạm Ngũ Lão đã bái yết cửa đền trước khi xuất trận và lưu bút đền thờ nơi "Tứ cố cảnh Lý Triều" này.

Tục truyền, đền được khởi dựng khá sớm, trải qua các triều đại, thiên nhiên, giặc giã hoành triệt, đền được tu tạo nhiều lần. Công trình kiến trúc hiện nay có niên đại Khải Định năm thứ 10 (1926).Toạ lạc trên một diện tích gần 6000m2, toàn bộ công trình được xây dựng của đền Đồng Bằng gồm có 13 toà, 66 gian, kết cấu theo kiểu tiền nhị hậu đỉnh, liên hoàn khép kín, rất nguy nga bề thế. Các mảng kiến trúc của công trình rất mềm mại, hài hoà với các nét chạm trổ tinh vi, hàng trăm câu đối, đại tự, cuốn thư sơn son thếp vàng với các chủ đề về tứ quí, tứ linh, hiện thực thiên nhiên vừa thần thoại vừa huyền ảo nhưng cũng rất sống động và đời thường.

Có thể nói, đền Đồng Bằng mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống trong văn hoá làng xã Bắc Bộ nhưng lại ảnh hưởng bởi kiến trúc Huế những năm đầu thế kỷ. Đó là nghệ thuật ghép gốm và mái tứ diện chồng diêm, âu cũng là sự giao thoa văn hoá và cũng từ đó càng làm gia tăng vẻ đẹp mê hồn của ngôi đền độc nhất vô nhị trên vùng đất này.



Cẩm Nang Du Lịch Thái Bình