Hội An



Điểm tham quan tại Hội An



  • 1. Chùa Ông
  • 2. Chùa Phước Lâm
  • 3. Làng rau Trà Quế
  • 4. Làng hoa trái Đại Bường
  • 5. Làng gốm Thanh Hà
  • 6. Hội quán Quảng Đông
  • 7. Khu phố cổ Hội An
  • 8. Chùa Viên Giác
  • 9. Cầu Nhật Bản (Chùa Cầu)
  • 10. Chùa Chúc Thánh
  • 11. Hội quán Phước Kiến
  • 12. Làng mộc Kim Bồng
  • 13. Nhà cổ Tấn Ký
  • 14. Đèn lồng Hội An
  • 15. Du lịch sinh thái Thuận Tình
  • 16. Cù lao Chàm
  • 17. Bãi biển Cửa Đại
  • 18. Di tích K20
  • 19. Cẩm Nam - Khu du lịch miệt vườn

1. Chùa Ông

Chùa Ông

Địa chỉ: 24 đường Trần Phú, Thành phố Hội An, Quảng Nam

Vị trí: Số 24 đường Trần Phú, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Đặc điểm: Chùa Ông thờ Quan Vân Trường, một biểu tượng về trung - tín - tiết - nghĩa, nên còn có tên gọi là Quan Công Miếu.

Chùa Ông được xây dựng năm 1653 và đã qua 6 lần trùng tu vào các năm: 1753, 1783, 1827, 1864, 1904, 1906. Chùa Ông được xây theo kiểu chữ “Quốc” do nhiều nếp nhà hợp lại. Các nếp nhà mái lợp ngói ống có men màu, bờ nóc được gắn hoa chanh đắp hình rồng, nghê bằng các mảnh sứ màu. Hiện nay chùa còn lưu giữ được một số hiện vật quý như: biểu sắc phong, 30 bức hoành phi, trên 10 bộ câu đối, tượng Quan Công, Quan Bình, Châu Thương và nhiều văn bia. Chùa Ông là di tích kiến trúc tôn giáo có giá trị lớn đống thời là điểm tham quan cho du khách trong và ngoài nước.


2. Chùa Phước Lâm

Chùa Phước Lâm

Địa chỉ: , Phường Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Vị trí: Phường Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Đặc điểm: Chùa do sư tổ Minh Lượng (một trong hai vị sư tổ đến Hội An đầu tiên) khởi dựng vào cuối thế kỷ 17 để thờ Phật

Chùa được xây theo phong cách Á Đông cổ, theo hình chữ "Môn" gồm các hạng mục: tam quan, sân, chính điện, nhà đại đường, nhà thờ tổ. Chính điện xây 3 gian, 2 chái, hai bên là 2 lầu chuông hình tháp. Trong nhà đại đường còn lưu giữ nhiều cổ vật quý như bộ bình bát của sư tổ Minh Lượng, những bản kinh Phật khắc gỗ. Chùa Phước Lâm là một di tích tôn giáo góp phần làm phong phú loại hình kiến trúc Phật giáo và quá trình truyền bá ảnh hưởng của đạo Phật ở Hội An.


3. Làng rau Trà Quế

Làng rau Trà Quế

Địa chỉ: Thôn Trà Quế, Xã Cẩm Hà, Thành phố Hội An, Quảng Nam

Vị trí: Cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 2km về phía Đông Bắc, nằm giữa con sông Đế Võng và đầm rong Trà Quế , Làng rau Trà Quế thuộc thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An.

Đặc điểm: Rau Trà Quế nổi tiếng từ rất lâu với nhiều sản phẩm rau được trồng trên đất đai màu mỡ, bón bằng loại rong lấy từ sông nên có hương vị đặc trưng riêng.

Từ xưa đến nay, làng rau Trà Quế nổi tiếng vì có trên 20 chủng loại rau ăn lá và rau gia vị, đặc biệt là có nhiều loại rau không nơi nào thơm ngon bằng như: húng, é, tía tô... Khi trộn lẫn các loại rau vào nhau sẽ hội đủ 5 vị cay, chua, ngọt, đắng, chát. Nhờ hương vị đặc biệt ấy mà rau Trà Quế đã góp phần làm nổi tiếng các món ăn dân dã riêng có ở Hội An và Quảng Nam.

Với diện tích đất trồng rau chỉ khoảng vài chục hécta nhưng trồng rau đã trở thành một nghề chính của cư dân trong làng qua nhiều thế hệ. Kể từ khi du lịch Hội An bắt đầu khởi sắc, cũng là lúc làng rau phát triển thịnh vượng nhất.


4. Làng hoa trái Đại Bường

Làng hoa trái Đại Bường

Địa chỉ: Xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam

Vị trí: Làng hoa trái Đại Bường nằm về phía hữu ngạn sông Thu Bồn, thuộc xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cách Hội An khoảng 20km.

Đặc điểm: Đây là một ngôi làng trù phú, cung cấp cây trái cho Đà Nẵng và Hội An.

Đại Bường giống như một bán đảo có đồi thấp, đồng ruộng, làng mạc, dòng sông và được bao bọc bởi hàng tre xanh. Làng như một chấm xanh ẩn trong lòng đầy quả lành trái ngọt giữa bàng bạc sông nước Thu Bồn

Đặc sản của làng Đại Bường là trái trụ lông, hình dáng như trái bưởi nhưng lạ lắm. Từ khi còn non, đến già rồi chín, trái được bao phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng, múi dày, tép lớn, tách ra không ướt nước như hầu hết các loại bưởi thường thấy mà khô, có thể tách rời từng tép, vị ngọt dìu dịu thanh khiết, mùi ý vị rất khó quên. Ngoài ra, còn có giống bòn bon trái nhỏ, một đặc sản của xứ Quảng, mọc trên vùng núi phía tây Quảng Nam cũng khá phổ biến trong vườn nhà Đại Bường. Tương truyền, lúc bị anh em nhà Tây Sơn đuổi chạy, Nguyễn Ánh lạc vào rừng. Trong lúc đói lòng, ông gặp trái bòn bon và ăn để lấy sức. Lúc lên ngôi, Gia Long đã phong tước cho loại trái cây này là “trái cây tiến vua”. Mùa nào quả ấy, ghe thuyền thương hồ ngược xuôi, tấp nập về đây chở đầy cây trái xuôi về Đà Nẵng, Hội An...


5. Làng gốm Thanh Hà

Làng gốm Thanh Hà

Địa chỉ: , Phường Thanh Hà, Thành phố Hội An, Quảng Nam

Vị trí: Làng gốm Thanh Hà thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ðặc điểm: Các sản phẩm của gốm Thanh Hà mang nhiều hình dáng, màu sắc, độ bền rất riêng biệt.

Nghề gốm của làng có nguồn gốc từ Thanh Hoá, sau khi đã tiếp thu một số kỹ thuật làm gốm của đất Quảng đã hình thành nên một làng nghề với các sản phẩm gốm phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh... Với nguyên liệu chính là đất sét với tài chế tác ở đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân các sản phẩm gốm có nhiều nét riêng biệt.


6. Hội quán Quảng Đông

Hội quán Quảng Đông

Địa chỉ: 17 đường Trần Phú, Thành phố Hội An, Quảng Nam

Vị trí: Số 17 đường Trần Phú, thành phố Hội An.

Đặc điểm: Hội quán được Hoa Kiều Quảng Đông xây dựng vào năm 1885, thoạt đầu để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền.

Nghệ thuật sử dụng hài hòa các chất liệu gỗ, đá trong kết cấu chịu lực và họa tiết trang trí đã đem lại cho hội quán vẻ đẹp đường bệ, riêng có. Hiện nay hội quán còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ như: 4 bức hoành phi lớn, 1 lư trầm lớn bằng đồng cao 1,6m rộng 0,6m, 1 cặp đôn sứ men ngọc Trung Quốc... Hàng năm, vào ngày Nguyên Tiêu (15/1 âm lịch) và vía Quan Công (24/6 âm lịch), hội quán lại tổ chức lễ hội rất linh đình, thu hút nhiều người tham gia.


7. Khu phố cổ Hội An

Khu phố cổ Hội An

Địa chỉ: Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam

Vị trí: Thuộc Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ðặc điểm: Với những giá trị nổi trội mạng tính toàn cầu, tại kỳ họp thứ 23 từ ngày 29/11 đến ngày 4/12/1999 ở Marrakesh (Morocco), Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO đã công nhận Đô thị cổ Hội An là Di sản văn hoá thế giới.

Khu phố cổ Hội An là mẫu hình tồn tiêu biểu về một cảng thị truyền thống Đông Nam Á trong giai đoạn thế kỷ 15 - 16. Cảng thị này có mầm mống sơ khai từ trước Công nguyên với nền văn hoá Sa Huỳnh được tiếp tục phát triển dưới thời Chăm (thế kỷ 2 sau CN - thế kỷ 15) và cực thịnh trong thời Đại Việt, Đại Nam (thế kỷ 15 - thế kỷ 19). Bên cạnh các di tích, di chỉ khảo cổ có niên đại trên 2000 - 3000 năm là một số lượng lớn di tích kiến trúc, chủ yếu làm bằng gỗ, có niên đại phổ biến từ thế kỷ 17 - 19.

Năm 1999, đã có 1360 di tích, danh thắng với nhiều loại hình được thống kê. Đó là những đình, chùa, lăng, miếu, mộ, cầu, giếng, nhà thờ tộc, thánh thất, hội quán, nhà ở ... phân bố theo những trục đường truyền thống nhỏ hẹp, vừa mang đậm sắc thái địa phương Việt Nam, vừa thể hiện rõ sự giao lưu hội nhập văn hoá mạnh mẽ với các nước phương Đông và phương Tây.

Liên tục trong nhiều thế kỷ, những giá trị văn hoá truyền thống của nhân dân Hội An cùng với phong tục tập quán, các sinh hoạt, vui chơi, giải trí, cũng như các món ăn xưa vẫn được giữ gìn, và phát huy tương đối tốt.


8. Chùa Viên Giác

Chùa Viên Giác

Địa chỉ: 42 đường Phạm Phú Quốc, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Vị trí: số 42 đường Phạm Phú Quốc, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Đặc điểm: Tiền thân của chùa Viên Giác là một ngôi chùa mang tên Cẩm Lý nằm ở Xuyên Trung. Do nằm sát bờ sông, bị xói lở nên dân làng dời về vị trí hiện nay và đổi tên là Viên Giác Tự (1814).

Cổng tam quan của chùa Viên Giác có hai cánh cửa sắt, chung quanh được xây tường xi măng. Trước chùa là hai hàng dừa xanh tươi. Chùa còn có hai cây đa cổ thụ phủ bóng mát quanh năm.


9. Cầu Nhật Bản (Chùa Cầu)

Cầu Nhật Bản (Chùa Cầu)

Địa chỉ: đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Vị trí: Cầu bắc ngang con lạch chảy ra sông Thu Bồn giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ðặc điểm: Đây là cầu cổ duy nhất còn lại ở Hội An - cầu “Lai Viễn”. Cầu được người Hội An quen gọi là chùa Cầu, một di tích quen thuộc đã trở thành biểu tượng của đô thị Hội An.

Chùa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 do các thương nhân Nhật Bản thực hiện.

Chùa Cầu là một di tích có kiến trúc khá đặc biệt. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu dài 12m. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ. Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái thờ tự từ cổ xưa. Phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm cầu mong mọi điều tốt đẹp. Chùa được trùng tu vào các năm 1763, 1817, 1865, 1915, 1986


10. Chùa Chúc Thánh

Chùa Chúc Thánh

Địa chỉ: phường Thổ Cẩm - Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam

Vị trí: Chùa Chúc Thánh nằm tại phường Thổ Cẩm - Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và cách trung tâm phố cổ Hội An chừng 2km (theo đường Huỳnh Thúc Kháng).

Ðặc điểm: Chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ 17(1671), do Minh Hải Thiền Sư sáng lập. Chùa Chúc Thánh nổi tiếng bởi là nơi khai sinh ra chi phái Thiền Chúc Thánh của Thiền Lâm Tế.

Chùa được xây theo mô hình chữ tam, có phong cách kiến trúc tổng hợp của truyền thống Trung Quốc và Việt Nam với nhiều tượng lớn, trạm trổ cầu kỳ. Ở chính điện thờ Tam Thế Phật, Di Lặc, 18 vị La Hán, trước sân có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngoài ra trong chùa còn có nhiều ngôi tháp của Tổ sư Minh Hải, thiền sư Thiết Thọ (đời 35), Ấn Bích (đời 39), Thiện Quả,...Từ đó đến nay chùa đã được trùng tu 2 lần vào năm 1956 và năm 1964.


11. Hội quán Phước Kiến

Hội quán Phước Kiến

Địa chỉ: Số 46 đường Trần Phú, Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Vị trí: Số 46 đường Trần Phú, Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ðặc điểm: Hội quán Phước Kiến do nhóm người Phước Kiến (Trung Quốc) đến Hội An sinh sống tạo dựng vào năm 1759. Hội quán này là nơi thờ thần, Tiền hiền và hội họp đồng hương của những người Phước Kiến.

Đến tham quan di tích này, du khách hẳn sẽ ngạc nhiên về bàn tay khéo léo của người xưa đã tạo nên một công trình nguy nga tráng lệ, vừa tinh xảo, vừa sâu lắng. Hội quán có kiến trúc kiểu chữ "Tam" kéo dài từ đường Trần Phú tới đường Phan Chu Trinh (sâu 120m) theo các trật tự: cổng - sân - hồ nước - cây cảnh - hai dãy nhà đông và tây - chính diện - sân sau - và hậu diện. Chính điện thờ Thiên hậu Thánh Mẫu (nữ thần cứu người đi biển gặp nạn), Quan Thế Âm Bồ Tát, Thần Tài, ba Bà Chúa sanh thai và 12 bà mụ. Trong chùa còn có nhiều tượng thờ, trống đồng, chuông đồng, lư hương lớn, 14 bức hoành phi và nhiều hiện vật có giá trị khác.

Hội quán Phước Kiến là một di tích tôn giáo tín ngưỡng, là điểm tham quan thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước.


12. Làng mộc Kim Bồng

Làng mộc Kim Bồng

Địa chỉ: phường Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Vị trí: Thuộc phường Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ðặc điểm: Làng Kim Bồng đã nổi tiếng từ rất lâu với nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ.

Nghề mộc của làng có nguồn gốc từ miền Bắc. Qua quá trình giao lưu, các nghệ nhân mộc Kim Bồng đã tiếp thu một số nét tinh hoa của các truyền thống điêu khắc chạm trổ Chiêm Thành, Trung Hoa, Nhật Bản... kết hợp với tài nghệ điêu luyện của riêng mình để làm nên những tác phẩm mang đầy tính mỹ thuật và triết học. Các sản phẩm của làng mộc Kim Bồng đã có mặt ở nhiều địa phương trong nước.


13. Nhà cổ Tấn Ký

Nhà cổ Tấn Ký

Địa chỉ: 101 Nguyễn Thái Học, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Vị trí: Tại 101 Nguyễn Thái Học, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ðặc điểm: Nhà cổ Tấn Ký không phải là một ngôi nhà cổ xưa nhất ở Hội An mà là ngôi nhà cổ có kiến trúc đặc trưng của loại nhà phố ở Hội An, được xây dựng cách đây gần 200 năm.

Đến nay chủ nhà vẫn giữ cách bày trí nội thất và sử dụng các vật dụng cổ kính có từ thời xưa. Nhiều vật chứng của thời kỳ thương mại phồn thịnh ngày xưa và sự giao lưu văn hoá giữa các dân tộc Hoa - Nhật - Việt rất phổ biến trong giai đoạn sau thế kỷ 17 hiện vẫn được giữ gìn. Đây cũng là ngôi nhà cổ đầu tiên được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp bằng công nhận "Công trình Văn hoá" cùng hai di tích khác tại Hội An từ năm 1985.


14. Đèn lồng Hội An

Đèn lồng Hội An

Địa chỉ: Thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Vị trí: Thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Đặc điểm: Đèn lồng truyền thống là một trong những sản phẩm độc đáo của Hội An - di sản văn hóa thế giới.

Đến Hội An, ngoài việc tìm hiểu và chiêm ngưỡng phố cổ, thưởng thức cao lầu đặc sản hay tìm chút thư giãn với dòng nhạc cổ điển ... khi màn đêm buông xuống, du khách còn được tận hưởng những sắc màu lung linh huyền ảo, trữ tình của những chiếc đèn lồng giăng kín các ngả đường vào phố cổ.

Người Hội An rất tự hào về những chiếc đèn lồng do chính tay mình làm nên. Để làm lồng đèn, tre phải là tre già ngâm với nước muối 10 ngày để chống mối, mọt sau đó phơi khô, vót mỏng tùy theo kích cỡ của loại đèn. Vải bọc phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, có độ dai để khi căng không bị rách và người thợ căng vải cần có kỹ thuật để thẳng góc ở những đoạn cong.

Đèn lồng Hội An khá đẹp, nhẹ và quan trọng là có thể thu gọn lại bằng cách xếp khung theo nếp để mang đi. Vì vậy không ít du khách mua vài chiếc đèn lồng như là sự lưu giữ kỷ niệm về một phố cổ nên thơ, đồng thời làm quà tặng thật ý nghĩa cho người thân. Đèn lồng Hội An đã trở thành nét văn hóa riêng của phố cổ.


15. Du lịch sinh thái Thuận Tình

Du lịch sinh thái Thuận Tình

Địa chỉ: Thuận Tình, Hội An - Quảng Nam

Vị trí: Nằm gần cửa biển Cửa Ðại, nơi sông Thu Bồn và Trường Giang gặp nhau trước khi đổ ra biển.

Ðặc điểm: Thuận Tình là một ốc đảo có những ngôi nhà nghỉ bằng gỗ ẩn giữa rừng dừa nước bạt ngàn hướng ra sông đón làn gió mát lạnh.

Trong không gian khoáng đạt của vùng sông nước là rừng dương chạy dài tít tắp là thảm cỏ xanh mởn như nhung dưới chân du khách... Nơi đây rất thích hợp với những chuyến dã ngoại cuối tuần, cắm trại, sinh hoạt tập thể. Theo tour du lịch sinh thái do Công ty Du lịch Thuận Tình tổ chức, đến đây du khách có thể đi thuyền trên sông, tìm hiểu đời sống của dân chài lưới hoặc tự tay mình buông câu, quăng lưới.

Ngoài ra du khách còn tham gia các chương trình văn hóa văn nghệ mang tính cộng đồng, các trò chơi dân gian hấp dẫn: hứng trứng, đập om... Xe xuất phát tại Ðà Nẵng lúc 6h và kết thúc lúc 6h cùng ngày. Giá trọn gói 100.000đồng/người.


16. Cù lao Chàm

Cù lao Chàm

Địa chỉ: xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam

Vị trí: Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách Cửa Đại khoảng 15km, cách phố cổ Hội An khoảng 18km về phía đông.

Đặc điểm: Đây là một trong số rất ít đảo của Việt Nam còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ tương đối lớn, là nơi cư trú của nhiều loại động vật quý hiếm trên bờ, dưới biển.

Từ cảng Cửa Đại (Hội An), chỉ mất khoảng 20 phút bềnh bồng trên những con sóng bằng tàu cao tốc du lịch vượt 18km đường biển, du khách sẽ đến với hòn đảo xinh đẹp Cù Lao Chàm. Du khách cũng có thể đến đây bằng thuyền gỗ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, xuất phát từ bến Bạch Đằng nằm ngay trong khu phố cổ.

Theo các nhà địa chất, Cù Lao Chàm hay còn gọi là Chiêm Bất Lao,Tiêm Bích La, là phần kéo dài về phía đông nam của khối đá hoa cương (granit) Bạch Mã - Hải Vân - Sơn Trà được hình thành cách đây khoảng 230 triệu năm. Hệ thống đứt gãy này đã tạo điều kiện cho sự mở rộng các thung lũng, làm nên nhiều hồ chứa nước trên sườn đồi và hàng trăm hang, hốc sâu.

Với diện tích khoảng 15km², Cù Lao Chàm là một cụm đảo bao gồm 8 đảo lớn, nhỏ, nối tiếp nhau theo hình cánh cung, đó là: hòn Lao, hòn Dài, hòn Mồ, hòn Khô Mẹ, hòn Khô Con, hòn Lá, hòn Tai, hòn Ông và trên đảo có hơn 3.000 cư dân sinh sống.


17. Bãi biển Cửa Đại

Bãi biển Cửa Đại

Địa chỉ: phường Cẩm An, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Vị trí: Thuộc phường Cẩm An, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ðặc điểm: Là một bãi tắm đẹp ở Quảng Nam.

Cửa Đại nằm cách đô thị cổ Hội An 5km về phía đông theo đường 608 nối dài. Đây là một bãi tắm lý tưởng, rộng khoảng vài chục héc ta với dải cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng nhỏ và luôn được mặt trời chiếu sáng. Cửa Đại là nơi thích hợp để xây dựng khu du lịch với nhiều loại hình vui chơi giải trí hẫp dẫn: tắm biển, thể thao nước, nghỉ dưỡng.


18. Di tích K20

Di tích K20

Địa chỉ: khối phố Đa Mặn, phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Vị trí: Khu di tích nằm trên địa bàn khối phố Đa Mặn, phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, trên tuyến đường từ trung tâm thành phố đến khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và phố cổ Hội An.

Đặc điểm: Với hơn 3 nghìn dân, rộng 3km², K20 là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong chiến tranh.

Khu Di tích lịch sử cách mạng K20 là tên gọi do Quận ủy Quận III đặt để làm mật hiệu liên lạc thời chống Mỹ. Sau khi chiếm giữ Đà Nẵng năm 1954, Mỹ Ngụy đã xây dựng nhiều đồn bót quanh Đa Mặn, hình thành bộ máy kìm kẹp nhân dân, ngăn cản lực lượng cách mạng ngay từ bên ngoài vào thành phố. Chính trong điều kiện đó chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân Đa Mặn đã được phát huy cao độ, trở thành bài học quý báu cho phong trào cách mạng địa phương. Trong đó, nhiều sự kiện, cột mốc lịch sử vẫn còn được lưu truyền sinh động trong nhân dân và đi vào sử sách. Đáng kể là sự kiện năm 1962, nơi đây đã tổ chức được lực lượng du kích mạnh, làm nhiệm vụ “diệt ác phá kìm”, đến năm 1964 phát triển tới 27 đội viên, tiêu diệt 12 tên ác ôn, phá hủy nhiều ấp chiến lược... Hầu hết các gia đình ở Đa Mặn thời đó đều có hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ.

Nhà truyền thống được xây dựng khang trang, hiện đang lưu giữ tương đối đầy đủ các hiện vật của một thời đấu tranh ngoan cường, bất khuất. Những địa chỉ đỏ, hầm bí mật, chiến hào xưa đang được đưa vào các chương trình tham quan, giáo dục truyền thống. Mỗi hiện vật, mỗi sự tích đều gắn liền những con người có thật, trong đó có người đang còn sống, đang xây dựng cuộc sống mới ngay tại mảnh đất lịch sử này.


19. Cẩm Nam - Khu du lịch miệt vườn

Cẩm Nam - Khu du lịch miệt vườn

Địa chỉ: thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam

Vị trí: Phía nam thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Đặc điểm: Cẩm Nam nổi tiếng khắp vùng bởi món bắp luộc (ngô luộc) thơm ngọt và dẻo như nếp nương. Cẩm Nam còn nổi tiếng với nghề cào hến cùng cách chế biến món hến. Chẳng thế mà bà con địa phương còn gọi địa danh này bằng một cái tên dân dã, dễ thương “Cồn Hến”

Từ phố cổ Hội An nhìn về bên kia cầu, Cẩm Nam như một hòn đảo xinh đẹp được bao bọc bởi luỹ tre xanh. Theo gia phả của các tộc họ và lời kể của các vị cao niên trong làng, thì Cẩm Nam (trước đây gọi là làng Cẩm Phô) ra đời tương đối sớm so với các vùng khác của thành phố Hội An.

Cùng với phố cổ Hội An, du lịch ở thành phố Hội An lại có thêm một sản phẩm mới - du lịch sinh thái miệt vườn.



Cẩm Nang Du Lịch Hội An