Điểm tham quan tại Bà Rịa - Vũng Tàu

I. Du lịch văn hóa - Di tích lịch sử Bà Rịa - Vũng Tàu



1. Thích ca Phật Đài

Thích ca Phật Đài

Địa chỉ: , Thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu

Vị trí: Thích ca Phật Đài tọa lạc ở tây bắc sườn núi Lớn thuộc T.p Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đặc điểm: Vẻ đẹp của ngôi chùa chính là sự kết hợp giữa kiến trúc tôn giáo và phong cảnh thiên nhiên.


Là ngôi chùa lớn ở Tp. Vũng Tàu, được dựng năm 1941, rộng khoảng 6ha nằm trên sườn núi Lớn, cách trung tâm thành phố khoảng 3km. Ðáng chú ý ở ngôi chùa này là ngọn tháp Bát Giác cao 19m và tượng Phật Thích Ca ngồi thiền trên toà sen. Toàn bộ tượng cao 10,2m, đường kính khoảng 6m. Tượng và tháp đều màu trắng và được dựng ở lưng chừng núi cao, đứng từ xa cũng chiêm ngưỡng được.


2. Nhà tưởng niệm nữ anh hùng Võ Thị Sáu

Nhà tưởng niệm nữ anh hùng Võ Thị Sáu

Địa chỉ: Thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,

Vị trí: Thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách thành phố Bà Rịa 12km về phía đông

Đặc điểm: Nhà tưởng niệm có lối kiến trúc dân dã đặc trưng của làng quê Việt Nam.

Ngôi nhà được che xung quanh bằng các tấm ván gỗ, mái lợp ngói âm dương, nền bằng đất. Nhà dài 10m, rộng 3m gồm 2 phòng nhỏ. Phòng ngoài rộng 5m, ở giữa bài trí tủ thờ gia tiên, kê sát bên vách phải là bộ đồ ván gỗ nơi chị em Võ Thị Sáu thường nằm ngủ. Phòng trong là nơi nghỉ của ông bà song thân. Nối giữa 2 phòng là một hành lang nhỏ thông ra phía sau nhà.

Cách ngôi nhà khoảng 50m về hướng đông là tượng đài chị Sáu đặt trang trọng tại khuôn viên bốn mùa bát ngát hương hoa sứ, ngọc lan, lêkima. Tượng đúc bằng đồng, cao 7m, diễn tả tư thế chị Sáu ung dung ra pháp trường với tà áo tung bay trong gió.


3. Khu di tích đình thần Thắng Tam

Khu di tích đình thần Thắng Tam

Địa chỉ: phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu

Vị trí: Khu di tích nằm tại đường Hoàng Hoa Thám, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu

Đặc điểm: Là một quần thể bao gồm đình thần Thắng Tam, miếu Ngũ Hành và lăng Cá Ông, khu di tích đình Thắng Tam ẩn chứa những giá trị văn hóa quý báu của cư dân miền biển Vũng Tàu.

Đình thần Thắng Tam được xây dựng từ đời vua Minh Mạng thờ chung cả ba người đã có công xây dựng nên ba làng ở Vũng Tàu, đó là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền. Vào thời vua Gia Long, bọn hải tặc thường hay đột nhập cửa sông Bến Nghé đón đường cướp bóc tiền bạc, hàng hoá. Để bảo vệ thương thuyền của người Việt, vua Gia Long liền phái ba đội quân đi trên ba chiếc thuyền bảo vệ sự thanh bình của bờ biển cửa ngõ, và khai hoang lập ấp, làm ăn sinh sống.

Đình có kiến trúc theo lối nối tiếp gồm bốn ngôi nhà nối liền nhau bằng một lối đi bên hông, đó là Tiền Hiền – Hội Trường – Đình Trung – Sân khấu võ ca. Trong đình bài trí nhiều đồ lễ chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Ngôi Tiền hiền được lợp bằng ngói âm dương, trên mái có hình “lưỡng long chầu nguyệt” đắp nổi. Đầu các đòn tay, xà gồ, cột đều chạm khắc hình rồng. Nội thất nhà Tiền Hiền bày 4 bàn thờ gồm bàn thờ thổ công, Tiền Hiền, Hậu Hiền và Tiền Vãng - Hậu Vãng.


4. Nhà tù Côn Đảo

Nhà tù Côn Đảo

Địa chỉ: đảo Côn Lôn, huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Vị trí: Nhà tù Côn Đảo nằm trên đảo Côn Lôn, huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đặc điểm: Được xây dựng vào tháng 3/1862, Côn Đảo là nhà tù đầu tiên mà thực dân Pháp thiết lập ở Việt Nam.

Dưới quyền của thống đốc Nam Kỳ Dupré, hệ thống các cơ sở giam giữ tù nhân ở Côn Đảo được xây dựng dần dần từ năm 1862 đến 1945 gồm 4 trại giam và 15 nhà tù. Đến năm 1955, thiếu tá Aloise Blank bàn giao nhà tù Côn Đảo lại cho ngụy quyền Sài Gòn, chấm dứt gần một thế kỷ tội ác của thực dân Pháp. Trong 20 năm (1955-1975), Mỹ Ngụy đã tăng quy mô nhà tù lên 8 trại giam, mỗi trại rộng khoảng 10.000m², có tường đá bao quanh, 6 dãy chuồng cọp và 45 xà lim. Ngoài khu vực các trại, còn có hàng chục sở tù như sở đập đá, sở lò vôi, sở rẫy là nơi người tù phải lao động khổ sai.

Nhà tù Côn Đảo là địa ngục trần gian, nơi giam giữ và đày đọa những chiến sĩ cách mạng Việt Nam, nhưng những người tù cộng sản đã biến nơi đây thành trường học nung đúc tinh thần vô sản, đưa cách mạng Việt Nam đến ngày thắng lợi cuối cùng giải phóng quê hương.


5. Hải đăng Vũng Tàu

Hải đăng Vũng Tàu

Địa chỉ: thành phố Vũng Tàu

Vị trí: Hải đăng nằm trên đỉnh núi Nhỏ thuộc thành phố Vũng Tàu. Nằm ở độ cao 170m so với mực nước biển để báo hiệu, chỉ dẫn cho tàu thuyền qua lại cửa Cần Giờ, hải đăng Vũng Tàu là ngọn hải đăng được xây dựng sớm nhất ở Việt Nam.

Đặc điểm: Thả bộ theo con đường nhỏ ven triền núi để lên cao hưởng không khí trong lành, mát mẻ là thú vui của cả người dân địa phương lẫn du khách khi đến với Vũng Tàu. Thú vị hơn nữa là khi leo lên đỉnh núi, du khách còn được thưởng ngoạn một công trình kiến trúc đặc sắc tại đây. Đó là ngọn hải đăng Vũng Tàu.

Được xây dựng lần đầu tiên và khánh thành vào ngày 15/8/1862, sau đó được người Pháp xây lại vào năm 1913, hải đăng Vũng Tàu vẫn giữ nguyên được kiểu dáng, kiến trúc cổ điển. Kiến trúc ngọn đèn biển này là một tháp hình trụ, sơn trắng, cao 18m, đường kính 3m, bên trong có cầu thang xoắn ốc lên gần tới đỉnh và có lối dẫn ra ban công bên ngoài để quan sát toàn cảnh non nước Vũng Tàu.

Ngọn hải đăng được nối liền với khu nhà ở của nhân viên bằng một đường hầm kiên cố. Xung quanh là khuôn viên với những cây sứ cổ thụ hàng chục năm tuổi tỏa bóng mát rượi, thơm ngát. Hải Đăng Vũng Tàu không chỉ là người bạn tin cậy và trung thành của những người đi biển mà còn trở thành biểu tượng của thành phố biển Vũng Tàu


6. Chùa Long Bàn

Chùa Long Bàn

Địa chỉ: thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Vị trí: Thôn Long Phượng, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đặc điểm: Chùa còn có tên gọi là Long Bàn Cổ Tự với lối kiến trúc cổ độc đáo và những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc mang đậm nét truyền thống dân tộc.

Được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), do Hòa thượng Hải Chánh - Bảo Thanh (1752-1859) trụ trì đầu tiên và được tôn làm tổ sư, chùa cổ Long Bàn được xây cất theo kiểu chữ tam, nhưng mặt tiền lại có lầu chuông và lầu trống đăng đối vượt cao trên mái hiên. Khuôn viên chùa vừa cao lại bằng phẳng, rộng trên 3.000m² với nhiều cây cao bóng mát, trong đó có cây thốt nốt ngót trăm năm tuổi. Cổng chùa xây năm 1963 bằng đá xanh, bắc ngang phía trên hai trụ cổng là tấm bảng có dòng chữ Hán “Long Bàn Cổ Tự”. Mái chùa lợp ngói ống, đầu ngói có gờ viền bằng gốm phủ men xanh. Trên nóc chùa gắn tượng “Lưỡng long chầu nguyệt” và các tấm phù điêu cảnh vật sơn thủy, hoa lá bằng đất nung men. Bên trong chùa, các cột, kèo, rui, mè và bức hoành đều bằng gỗ tốt và được chạm nổi rất công phu các hình chim thú và phong cảnh.


7. Di tích nhà Lớn (đền ông Trần)

Di tích nhà Lớn (đền ông Trần)

Địa chỉ: Thôn 5, xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu

Vị trí: Thôn 5, xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu

Đặc điểm: Kiến trúc nhà Lớn là biểu hiện sinh động và ấn tượng về sự pha trộn tín ngưỡng dân gian địa phương với Nho giáo và Lão giáo.

Với diện tích khoảng 2ha, nhà Lớn là một quần thể kiến truc uy nghi gồm ba phần là khu đền thờ; một khu quần thể các di tích nhà Long Sơn hội, trường học, chợ, nhà mát, nhà bảo tồn, các dãy phố và lăng mộ của ông Trần.

Khu đền thờ quay mặt về hướng đông, toạ lạc trên diện tích gần 10.000m², gồm cổng Tam quan, vườn hoa Bát quái, nhà Thánh, lầu Trời, lầu Tiên, lầu Phật với hệ thống nhà gỗ hai tầng, tám mái thờ rất nhiều đối tượng của Đạo giáo, Nho giáo, ông Trần và những người trong gia tộc họ Lê.

Nơi đây còn lưu giữ nhiều bộ sưu tập cổ vật quý báu như: bộ bàn ghế bát tiên gồm 8 ghế và 1 bàn hình chữ nhật đã trên 200 năm tuổi, tương truyền là bộ bàn ghế của vua Thành Thái. Bên cạnh đó, còn có nhiều cổ vật trang trí nội thất thờ tự như bao lam, hoành phi, câu liễn sơn son thếp vàng... đặc biệt là bộ tủ thờ gồm 33 cái, được cẩn xà cừ, chạm khắc tinh xảo. Tất cả cổ vật nơi đây thể hiện khả năng nghệ thuật điêu khắc, trang trí của các nghệ nhân từ nhiều nơi trên đất nước.


8. Niết Bàn Tịnh Xá

Niết Bàn Tịnh Xá

Địa chỉ: đường Hạ Long, phường 1, Tp. Vũng Tàu.

Vị trí: Niết Bàn Tịnh Xá tọa lạc ở đường Hạ Long, phường 1, Tp. Vũng Tàu. đường Hạ Long, phường 1, Tp. Vũng Tàu.

Đặc điểm: Đây là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Vũng Tàu với những đường nét kiến trúc hiện đại.

Chùa "Niết Bàn Tịnh Xá" còn gọi là chùa "Phật Nằm" được xây dựng trên sườn núi Nhỏ, hướng mặt ra biển. Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1969 và khánh thành vào năm 1974 bằng tiền quyên góp của đồng bào phật tử. Thượng tọa Thích Thiện Huệ đại diện đứng ra lo toan việc xây dựng. Đây là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Vũng Tàu với những đường nét kiến trúc hiện đại.

Ở phía trước chùa là một cột cờ cao 21m, được làm thành 42 bậc biểu tượng cho 42 trang kinh phật đầu tiên được lưu truyền vào Việt Nam vào thế kỷ thứ 2. Cổng chùa có 4 chữ "NIẾT BÀN TỊNH XÁ" tức là nơi thanh cao nhất của đạo Phật.


9. Miếu An Sơn

Miếu An Sơn

Địa chỉ: đảo Côn Sơn, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Vị trí: Miếu An Sơn nằm trên đảo Côn Sơn thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đặc điểm: An Sơn Miếu là một ngôi miếu cổ. Miếu được xây từ năm 1785, (sau đó được xây dựng lại vào năm 1958) để thờ bà Phi Yến, vợ của chúa Nguyễn Ánh (sau trở thành vua Gia Long)

Ngôi miếu này rất linh thiêng đối với những người dân trên đảo và nó gắn liền với một câu chuyện bi thương của người phụ nữ tài sắc, giàu lòng yêu nước. Năm 1783, sau khi thua quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh mang theo vợ, con và khoảng 100 gia đình thuộc hạ chạy ra đảo Côn Sơn.


10. Khu di tích núi Dinh

Khu di tích núi Dinh

Địa chỉ: huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Vị trí: Núi Dinh nằm trên địa bàn huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đặc điểm: Đây là một quần thể núi non và cây xanh ngút ngàn với những am, chùa, cốc, miếu độc đáo nằm ven các con suối.

Núi Dinh có độ cao khoảng 500m với tổng diện tích toàn khu vực gần 60km² được xem là ngọn núi cao và độc đáo nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ trên đỉnh núi Dinh, dòng Suối Tiên tuyệt đẹp uốn lượn, lúc là những thác nước nhỏ róc rách, lúc phình to thành hồ nước phẳng lặng, trong xanh. Đi ngược dòng, cảnh vật càng lên cao càng đẹp như muốn lôi cuốn bước chân du khách lên cao, lên cao mãi. Bờ suối có khi là thảm cỏ mượt mà xanh, có khi là cây cổ thụ tỏa bóng xum xuê với bộ rễ chằng chịt, có khi là vạt hoa rừng trinh nguyên soi mình bên suối, có khi là những tảng đá hình thù kỳ lạ như tảng đá hình đầu rắn, mẹ bồng con, hổ phục... đứng giữa mênh mông núi đồi, người ta bỗng nhiên thấy mình nhỏ bé, bỗng nhiên có cảm giác choáng ngợp, ngất ngây đến diệu kỳ.


11. Linh Sơn Cổ Tự

Linh Sơn Cổ Tự

Địa chỉ: số 61 đường Hoàng Hoa Thám, Phường 2, thành phố Vũng Tàu.

Vị trí: Chùa Linh Sơn Cổ Tự tọa lạc ở số 61 đường Hoàng Hoa Thám, Phường 2, thành phố Vũng Tàu.

Đặc điểm: Tuy không đồ sộ, rộng lớn nhưng Linh Sơn Cổ Tự là ngôi chùa lâu đời nhất ở Vũng Tàu.

Lúc đầu chùa được xây dựng trên triền núi Nhỏ nhưng đến năm 1919 khu vực này bị thực dân Pháp chiếm dụng để xây biệt thự cho hoa tiêu Pháp. Ngay sau đó một ngôi chùa khác đã được xây dựng và tồn tại cho đến ngày hôm nay. Trong chánh điện có thờ một tượng Phật cao 1,2m bằng đá thếp vàng được điêu khắc rất khéo léo tạo nên vẻ từ bi và sống động trên nét mặt của đức Phật.

Truyền thuyết kể lại rằng cách đây hơn một trăm năm có đoàn ghe chài từ miền Trung vào đánh cá ở bãi Trước. Trong khi đi kiếm củi ở núi Lớn tình cờ họ phát hiện hai pho tượng Phật bằng đá nằm vùi dưới đất trên sườn núi gần bãi Dâu. Họ cùng nhau đào lên rồi chờ đến hôm sau làm lễ xin đem về. Dân địa phương biết tin vội kéo đến xem và cho rằng đó là di tích lịch sử của địa phương nên cương quyết đòi giữ lại. Nhóm dân chài miền Trung năn nỉ mãi mới lấy được pho tượng nhỏ đem đi. Pho tượng lớn còn lại được dân chài rước về thờ, chính là pho tượng hiện nay ở chùa Linh Sơn Cổ Tự.


12. Đền Dinh Cô

Đền Dinh Cô

Địa chỉ: thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Vị trí: Thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đặc điểm: Dinh Cô là một khu đền có kiến trúc hoành tráng với những nét kiến trúc truyền thống in đậm màu sắc văn hóa dân gian.

Dinh Cô có diện tích trên 1.000m2. Cổng Tam quan vào Dinh Cô nằm dưới chân mũi Thùy Vân, đắp nổi “Long hổ hội”, phía trên có “Lưỡng long chầu nguyệt” và song phụng chầu. Lối lên điện Cô là 37 bậc tam cấp.

Chính điện Dinh Cô bài trí 7 bàn thờ. Ngay trung tâm chánh điện là bàn thờ Bà Cô. Nổi bật với bức tượng Bà Cô cao hơn 0,5m, mặc áo choàng đỏ, viền kim tuyến lấp lánh, đội mũ gắn ngọc. Phía sau cạnh bàn thờ Bà Cô là bàn thờ Diêu Trì Phật Mẫu, Chúa Cậu (Nhị vị Công tử, tức là Cậu Tài, Cậu Quý), Ngũ Hành Nương Nương, Tứ Pháp Nương Nương (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), Ông Địa, Thần Tài.


13. Chùa Quan Thế Âm Bồ Tát

Chùa Quan Thế Âm Bồ Tát

Địa chỉ: thành phố Vũng Tàu

Vị trí: Chùa Quan Thế Âm Bồ Tát nằm trên đường vòng núi Lớn, thành phố Vũng Tàu, cách bãi Dâu 500m.

Đặc điểm: Quan Thế Âm Bồ Tát chỉ là một ngôi chùa nhỏ được xây dựng vào năm 1976, nhưng nổi bật ở giữa khu vực chùa là một pho tượng Phật Bà Quan Âm trắng toát.

Pho tượng cao 16m làm bằng xi măng cốt thép sắt theo hình tượng một phụ nữ hiền hòa, đức độ, mặt hướng ra biển, tay cầm bình Cam Lồ, đứng trên tòa sen. đây là một pho tượng đẹp và cũng là điểm tham quan của khách du lịch ở Vũng Tàu.


14. Bạch Dinh

Bạch Dinh

Địa chỉ: số 10 đường Trần Phú, thành phố Vũng Tàu.

Vị trí: Bạch Dinh tọa lạc tại số 10 đường Trần Phú, thành phố Vũng Tàu.

Đặc điểm: Bạch Dinh được Pháp xây dựng từ năm 1898 đến năm 1916 dùng làm nơi nghỉ mát cho toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.

Bạch Dinh được gọi là Villa Blanche theo tên con gái yêu của Paul Doumer. Nghĩa tiếng Việt của từ này lại trùng với dáng sắc bên ngoài của nó nên dân địa phương quen gọi là Bạch Dinh, tức là Biệt thự trắng. Sau đó nhiều đời toàn quyền Đông Dương vẫn thích dùng Bạch Dinh làm nơi giải trí nên được gọi là Dinh toàn quyền. Dưới thời Mỹ, Bạch Dinh cũng là nơi an nghỉ và hội họp của tổng thống và các tướng lĩnh Sài Gòn. đây cũng chính là nơi giam lỏng vua Thành Thái (từ 1909-1910), một vị vua có tư tưởng yêu nước, chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp.

Bạch Dinh nằm ở phía nam núi Lớn, trên pháo đài Phước Thắng cổ xưa, cao gần 30m so với mực nước biển. Từ tiền sảnh Bạch Dinh nhìn xuống, du khách sẽ có cảm giác như đang ở tầng lầu của một cao ốc xây dựng trên mặt nước biển, có thể dõi tầm mắt bao quát cả trung tâm thành phố Vũng Tàu.


15.Tượng chúa Jêsus

Tượng chúa Jêsus

Địa chỉ: thành phố Vũng Tàu.

Vị trí: Tượng chúa Jêsus nằm trên đỉnh núi Nhỏ, thành phố Vũng Tàu.

Đặc điểm: Tượng được dựng vào năm 1972, cao 32m, đứng giang hai tay, mặt hướng ra biển.

Trong lòng tượng có một cầu thang xoáy trôn ốc đi từ bệ lên cổ tượng gồm 133 bậc. Hai bên vai tượng được thiết kế như hai cái ban công, mỗi bên có đủ chỗ cho khoảng 6 người đứng ngắm cảnh thành phố Vũng Tàu.



Điểm tham quan du lịch khác tại Bà Rịa - Vũng Tàu



Cẩm Nang Du Lịch Bà Rịa - Vũng Tàu