Điểm tham quan tại Đắk Lắk

I. Du lịch văn hóa Đắk Lắk



1. Buôn Jun

Buôn Jun

Địa chỉ: , Thị trấn Liên Sơn, Huyện Lắk, Đắk Lắk

Vị trí: Thuộc thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk.

Đặc điểm: Nằm tựa mình bên hồ Lăk trong xanh thơ mộng, buôn Jun mang một vẻ đẹp nguyên sơ hiền hòa của buôn làng Tây Nguyên, luôn giữ cho mình những bản sắc truyền thống đã được bảo tồn qua bao thế hệ.

Mặc dù trải qua nhiều biến động của lịch sử, buôn Jun vẫn bảo lưu và phát huy được những nét đẹp văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán cổ truyền mà tổ tiên để lại. Nếp sống và sinh hoạt của đồng bào dân tộc buôn Jun mang một nét đặc trưng riêng vốn đã được định hình từ hàng trăm năm trước.

Đến buôn Jun, nhìn những ngôi nhà sàn theo kiểu kiến trúc cổ truyền của đồng bào Tây Nguyên nép mình dưới bóng cây xanh, ngắm các thiếu nữ buôn làng chăm chỉ cần mẫn bên khung dệt thổ cẩm... du khách sẽ ngỡ như mình đang ngược dòng thời gian trở về với khung cảnh thanh bình, nên thơ đẫm chất huyền thoại đã từng in dấu ấn vào những bản trường ca thuở xa xưa.

Một thú vui khác nữa khi đến với nơi này là du khách được chèo thuyền trên hồ Lăk, thưởng thức cơm lam và những đặc sản của hồ Lăk như: cá, lươn, ốc cùng nhiều món ăn dân dã đậm đà hương vị của đồng quê cao nguyên.

Nếu về buôn Jun vào mùa lễ hội, du khách sẽ được đắm mình trong không khí tưng bừng náo nhiệt bởi âm vang của cồng chiêng, của những lời ca điệu múa truyền thống đầy chất trữ tình và lãng mạn.


2. Tháp Chăm Yang Prong

Tháp Chăm Yang Prong

Địa chỉ: xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Vị trí: Tháp Yang Prong nằm ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Đặc điểm: Tháp còn có tên là tháp Chàm Rừng Xanh thờ thần Siva dưới dạng Mukhalinga (vị thần vĩ đại).

Tháp Yang Prong là ngôi tháp Chăm cổ duy nhất ở Tây Nguyên nằm bên dòng sông Ea H'leo, cách thành phố Buôn Ma Thuột gần 100km. Toàn bộ tháp Yang Prong được xây bằng gạch nung đỏ trên một nền cao bằng đá xanh. Tháp cao 9m, có đáy vuông, mỗi cạnh dài 5m. Chỉ có một cửa ra vào mở về hướng đông, còn ba mặt tường ngoài của tháp đều có 3 cửa giả. Đỉnh tháp nhọn như củ hành khá đặc biệt, khác với các kiến trúc các tháp Chăm thường thấy ở các nơi khác. Tháp Yang Prong là một di tích văn hóa có giá trị ở Tây Nguyên.


3. Buôn Ako Dhong

Buôn Ako Dhong

Địa chỉ: , Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

Vị trí: Buôn Ako Dhong (người ta thường gọi là Cô Thôn) nằm về phía bắc, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng trên dưới 2km.

Đặc điểm: Buôn Ako Dhong có số dân gần 300 người với hơn 30 hộ, đa số là các dân tộc Ê Đê, M'Nông..

"Ako" tiếng Ê Đê có nghĩa là đầu nguồn, "Dhong" là lũng. Ako Dhong là lũng đầu nguồn. “Buôn lũng đầu nguồn” ăn nước con suối Ea Nhôn, có tiếng là buôn giàu có, còn được gọi là "Buôn nhà ngói" hay "Buôn Ama Rin". Đây là một trong những buôn người dân biết cách làm ăn, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào khá cao, là nơi thu hút nhiều lượt khách du lịch đến thăm.

Ako Dhong xưa kia là rừng hoang vu phủ kín, Ama Rin - người chủ buôn - quê ở buôn Ea Mlai thuộc huyện M 'Đrắk là một trong những người đầu tiên góp phần khai hóa đất đai, biến rừng hoang thành buôn Ako Dhong.


4. Chùa Khải Đoan

Chùa Khải Đoan

Địa chỉ: 89A đường Phan Bội Châu, Phường Thống Nhất, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

Vị trí: Chùa Khải Đoan nằm tại 89A đường Phan Bội Châu, phường Thống Nhất, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Đặc điểm: Là ngôi chùa của những người Việt sinh sống ở Ðắk Lắk. Chùa được xây dựng năm 1951-1953 trên một khu đất thoáng và rộng.

Chùa có kiến trúc theo kiểu chữ "tam", trước cổng là tam quan, giữa là chính điện, sau là nhà hậu tổ. Cổng tam quan gồm 2 tầng với ba vòm cửa cao 7m, rộng 10,5m. Ðiện Quan Âm xây tách biệt với bố cục chính của chùa, hình lục giác với 6 cột trang trí hình rồng mây.

Chính điện rộng 320m², được chia làm hai phần. Nửa phần trước kiến trúc theo kiểu nhà dài của Tây Nguyên có cột kèo, nhà rường của người Việt. Nửa sau xây theo lối hiện đại. Chính điện thờ Phật Thích Ca. Chùa có quả chuông nặng 380kg bằng đồng đúc năm 1954.


5. Buôn Đôn

Buôn Đôn

Địa chỉ: , Huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk

Vị trí: Buôn Đôn thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, cách Tp. Buôn Ma Thuột 42km về phía tây bắc.

Đặc điểm: Buôn Đôn từ lâu đã nổi tiếng không chỉ với cảnh quan của núi rừng, các phong tục mang đậm dấu ấn của vùng Tây Nguyên mà còn bởi truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.

Buôn Đôn với những cánh rừng tự nhiên trùng điệp; dòng sông Sêrêpôk hung dữ, nước đổ ầm vang núi rừng. Đến Buôn Đôn là dịp được cưỡi voi leo núi, lội suối, bơi sông; bạn cũng có dịp tham dự nhiều thú vui hấp dẫn chỉ có ở nơi đây: bắn nỏ, nướng cá, uống rượu cần; sống trong những căn nhà đơn sơ, ấm cúng dựng vắt vẻo trên các cây si cổ. Đặc biệt nếu bạn có mặt vào mùa xuân thì tháng ba là mùa lễ hội đua voi... Cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống bình dị nơi đây chắc sẽ làm du khách hài lòng với những ngày sảng khoái, thú vị.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng cũng để lại nhiều địa danh lịch sử như: "Bến đò Giao Liên", "Hòm thư chết", "Đường mòn Hồ Chí Minh".


6. Bảo tàng dân tộc Đắk Lắk

Bảo tàng dân tộc Đắk Lắk

Địa chỉ: thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Vị trí: Thuộc thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Đặc điểm: Bảo tàng dân tộc Đắk Lắk trưng bày các hình ảnh và hiện vật lịch sử, văn hóa đời sống của người dân tỉnh Đắk Lắk.

Bảo tàng dân tộc Đắk Lắk gồm hai tầng:

Tầng 1: Trưng bày những hiện vật, hình ảnh giới thiệu về đặc điểm tự nhiên của Đắk Lắk, về văn hóa hai dân tộc thiểu số: Ê Đê và M'Nông. Các mô hình nhà sàn, trang phục, dụng cụ sản xuất, tượng nhà mồ, các bộ sưu tập ché rượu, gùi, trái bầu...

Tầng 2: Trưng bày những hình ảnh, hiện vật về công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của đồng bào Đắk Lắk.

Ngoài ra bảo tàng cũng trưng bày những hình ảnh về công cuộc sản xuất kinh tế của người dân Đắk Lắk sau ngày giải phóng: sản xuất nông công nghiệp, trồng cao su, cà phê, chế biến mủ cao su, làm thủy điện... các hoạt động y tế, du lịch...


7. Mộ vua săn bắt Voi

Mộ vua săn bắt Voi

Địa chỉ: , Huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk

Vị trí: Mộ vua săn bắt Voi thuộc huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Đặc điểm: Mộ vua săn bắt Voi là lăng mộ của một vị tù trưởng đầy quyền lực và được nhân dân khắp vùng kính phục, người đã khai sinh ra Buôn Đôn, có công lớn trong buổi đầu tạo lập và phát triển nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nơi đây.

Khunjunob, tên thật là N' Thu K' Nul, sinh năm 1828, một vị tù trưởng đầy quyền lực và được nhân dân khắp vùng kính phục, người đã khai sinh ra Buôn Đôn, có công lớn trong buổi đầu tạo lập và phát triển nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nơi đây. Ông đã săn được hàng trăm Voi, trong đó có một con Voi trắng (Bạch Tượng) mà ông đã mang tặng Hoàng gia Thái Lan năm 1861. Vua Thái Lan rất cảm phục và phong tặng ông danh hiệu Khunjunob (Vua Săn Voi). Cả đời mình, ông đã sống, làm việc, lãnh đạo dân làng Buôn Đôn, rồi chọn chốn này làm nơi yên nghỉ cuối cùng, thọ 110 tuổi.

Sau khi ông trút hơi thở cuối cùng, thông tin về cái chết của ông nhanh chóng được truyền đi khắp vùng. Tang lễ của ông được tổ chức rất long trọng với đầy đủ các nghi thức truyền thống kéo dài nhiều ngày với sự tham dự của nhiều sắc tộc gần xa.

Sau khi ông mất, việc hành lễ, bỏ mã, lập mộ cho ông do người cháu (gọi ông bằng cậu) tên là R' Leo K' Nul đứng ra lo liệu. Buôn Đôn lúc bấy giờ đã là một nhóm cộng đồng đa sắc tộc mà thành phần chủ yếu là các dân tộc M' Nông, Êđê và Lào nên R' Leo và dân làng đã quyết định xây dựng mộ ông dựa theo kiến trúc M' Nông - Lào kết hợp để thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với vị tù trưởng quá cố. Kiến trúc nhà mồ theo văn hóa M' Nông - Lào của ngôi mộ ông thể hiện khá rõ qua mô-típ hình khối được trang trí bằng các búp sen trên bốn góc và đỉnh mộ.

R' Leo K' Nul (cháu của Khunjunob) sinh năm 1877, là người kế quyền lãnh đạo buôn làng sau khi tù trưởng Khunjunob qua đời. Ở thời kỳ này, R' Leo tỏ ra là một nhà lãnh đạo xuất sắc, biết phát huy các thế mạnh vốn có của địa phương, góp phần không nhỏ trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.


8. Nhà đày Buôn Ma Thuột

Nhà đày Buôn Ma Thuột

Địa chỉ: , Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

Vị trí: Nhà đày Buôn Ma Thuột nằm ở Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Đặc điểm: Nhà đày Buôn Ma Thuột không những là chứng tích về tội ác của bọn Đế quốc - thực dân mà nó còn là trường học lớn đào tạo và rèn luyện nên những chiến sĩ cách mạng kiên cường của cách mạng Việt Nam.

Nhà đày Buôn Ma Thuột có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc vận động cách mạng Tháng Tám ở Đắk Lắk. Những chiến sĩ cộng sản bị địch giam cầm ở đây đã trở thành những người gieo hạt mầm cách mạng vào mảnh đất cao nguyên đất đỏ này.

Được mở rộng và xây dựng kiên cố thêm trên cơ sở của một Prison (nhà lao) có từ năm 1900 đến năm 1930, nhà lao Buôn Ma Thuột trở thành nơi đày ải những chiến sĩ yêu nước Việt Nam. Giờ đây, đến thăm nhà lao Buôn Ma Thuột, các bạn sẽ nhìn thấy những chứng tích tội ác của bọn thực dân Pháp. Qua đó, bạn có thể hình dung lại toàn bộ nhà đày Buôn Ma Thuột với chế độ cai trị khắc nghiệt và tàn bạo chẳng khác nào địa ngục của bọn thực dân Pháp.

Năm tháng đã qua đi, nhưng những dấu ấn ấy như còn in rõ vào tâm trí của mỗi người. Khi đặt chân đến đây, nhìn lại những chiếc cùm các bạn cũng sẽ thấy đau lòng, bồi hồi xúc động và càng khâm phục những chiến sĩ cộng sản kiên cường không sợ hy sinh, quyết tâm chiến đấu và đã chiến thắng kẻ thù góp phần giải phóng dân tộc thoát khỏi đêm mờ nô lệ.

Những ai đã qua khỏi nhà đày Buôn Ma Thuột còn sống sau này đều trở thành hạt nhân của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và đóng góp nhiều công sức suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhà đày Buôn Ma Thuột được công nhận là di tích lịch sử vào năm 1980.


9. Ngã sáu Buôn Ma Thuột

Ngã sáu Buôn Ma Thuột

Địa chỉ: thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Vị trí: Thuộc thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Đặc điểm: Ngã sáu Buôn Ma Thuột khá thân quen với tên gọi "Ngã sáu Ban Mê" đầy chất thơ, nhạc, không ngừng biến đổi qua thời gian, ghi nhận những thăng trầm của lịch sử khai phá vùng đất cao nguyên Buôn Ma Thuột.

Người Buôn Ma Thuột những năm đầu thế kỷ 20 đã chọn cho mình một địa thế khá bằng phẳng để khai khẩn và lập nghiệp. Ngã sáu Buôn Ma Thuột, nơi giao lộ của những con đường đi lại giữa khu dân cư người Kinh với các buôn làng Ê Đê bản địa và đường về miền trung châu. Con đường xưa đất đỏ, quanh năm lầy lội vào mùa mưa và bụi đỏ về mùa khô, rồi đường được lát đá, bây giờ là đường rải nhựa phẳng lỳ thênh thang. Ngã sáu Buôn Ma Thuột đã có một bộ mặt bề thế mang dáng dấp của một phố thị trẻ, tựa như gương mặt một cô gái ở độ tuổi mới lớn, với quần thể kiến trúc bao quanh như đài tưởng niệm, khách sạn, trung tâm văn hóa, những cơ sở dịch vụ tổng hợp, Công ty Du lịch Đắk Lắk, Đài phát thanh truyền hình...


10. Bia Lạc Giao

Bia Lạc Giao

Địa chỉ: thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk,

Vị trí: Bia Lạc Giao thuộc thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cách Ngã sáu Buôn Ma Thuột khoảng 1km.

Đặc điểm: Trong lòng đồng bào Buôn Ma Thuột, bia Lạc Giao đã khắc sâu vào tâm trí họ một tình cảm thật sâu nặng.

Bia Lạc Giao được dựng dưới bóng cây râm mát, bốn cây đại nằm ở bốn góc nép mình che chắn tấm bia như lòng người dân đối với những người đã khuất. Tấm bia là niềm tưởng nhớ, tri ân của người dân Buôn Ma Thuột đối với sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng vì độc lập tự do của Tổ quốc. Họ yên nghỉ vĩnh hằng với đất đai và non nước ở Buôn Ma Thuột khi tuổi đời còn rất trẻ, tên tuổi họ đã trở thành tên đất nước, họ đã bất tử trong lòng nhân dân. Bia Lạc Giao đã trở thành một chứng tích lịch sử của thành phố cao nguyên này.


11. Hội đua voi ở Tây Nguyên

Hội đua voi ở Tây Nguyên

Thời gian: Tháng ba dương lịch của năm chẵn

Địa điểm: Buôn Đôn hoặc cánh rừng thưa ven sông Sêrêpốk (Đắk Lắk)

Đặc điểm: Ngày hội đua voi ở Tây Nguyên phản ánh tinh thần thượng võ của người M'Nông, một dân tộc giàu đức tính dũng cảm, có kinh nghiệm trong những cuộc săn bắt voi rừng.

Bãi đua là một dải đất tương đối bằng phẳng (thường là khu rừng ít cây to) đủ để 10 con voi giăng hàng đi cùng một lúc, bề dài từ 1-2km.

Một hồi tù và rúc lên, theo lệnh điều khiển, từng tốp voi đứng vào vị trí xuất phát. Khi có lệnh xuất phát thì những chu voi bật lên như chiếc lò xo, phóng về phía trước, tiếng chiêng, trống, tiếng hò reo cổ vũ ầm vang cả núi rừng.

Cuộc đua kết thúc, những chú voi được giải, giơ cao chiếc vòi vẫy chào mọi người rồi ngoan ngoãn bước đi ung dung, đôi tai phe phẩy, mắt lim dim đón nhận những ống đường hoặc khúc mía của những người dự hội.

Ngày hội đua voi là ngày vui lớn ở Tây Nguyên, nó phản ánh tinh thần thượng võ của người M’Nông, một dân tộc giàu đức tính dũng cảm, từng đối mặt với những tình huống hiểm nguy, căng thẳng trong những cuộc săn bắt voi rừng. Khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên Tây Nguyên - nơi diễn ra cuộc đua voi đặc sắc - đã làm tăng lên bội phần chất hùng tráng trong ngày hội cổ truyền của họ.



Điểm tham quan du lịch khác tại Đắk Lắk



Cẩm Nang Du Lịch Đắk Lắk