Bắc Ninh



Điểm tham quan tại Bắc Ninh


1. Làng gốm Phù Lãng

Làng gốm Phù Lãng

Địa chỉ: , Xã Phù Lãng, Huyện Quế Võ, Bắc Ninh

Vị trí: xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 60km về phía bắc

Đặc điểm: là một trong những làng nghề truyền thống sản xuất gốm của đất Kinh Bắc xưa

Khác với những sản phẩm gốm có chất liệu đất sét xanh của Thổ Hà (Bắc Giang), đất sét trắng của Bát Tràng (Hà Nội), gốm Phù Lãng được tạo nên từ đất sét đỏ hồng lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang). Sau khi đất được lấy về, người thợ phải phơi cho đất bạc màu, rồi trộn lẫn các lớp đất với nhau, đập thành những viên nhỏ. Sau đó, đất được cho "ngậm" nước và nề, xéo cho đến khi thành từng khoanh với độ dẻo, mịn nhất định rồi cho lên bàn xoay tay để nắn thành sản phẩm. Hoạt động xung quanh bàn xoay cần phải có 2 người, một người chuyên ngồi chuốt và một người vần bàn xoay, đồng thời lăn đất thành đòn để chuốt (còn gọi là xe đòn). Sản phẩm sau khi được tạo hình xong, để cho se dần, sờ tay vào không thấy dính, lúc bấy giờ người thợ tiến hành nắn sản phẩm thành hình các đồ vật và để ráo. Tiếp đó là ve, nạo và tráng men, tạo màu sắc cho sản phẩm.

Gốm Phù Lãng được phủ một lớp men đặc trưng với các tên gọi độc đáo như da lươn, quả duối, hạt na, cua đá... Chất liệu để làm men tráng bao gồm tro của cây rừng, vôi sống, sỏi ống nghiền nát và bùn phù sa trắng. Sau khi sơ chế, 4 chất liệu này được trộn đều với nhau theo một tỷ lệ nhất định rồi để khô, đập nhỏ cho vào nước, gạn qua rây bột, từ đó chế thành một chất lỏng quánh, vàng như mật ong. Khi sản phẩm còn ẩm, người thợ dùng chổi lông quét một lớp men mỏng lên mặt ngoài của sản phẩm rồi đem phơi.

Ngoài việc tạo ra loại men tráng riêng, gốm Phù Lãng còn mang nét độc đáo, khác biệt bởi kỹ thuật nung bằng củi, nhờ sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm mà không phương pháp nung nào có thể thay thế được. Sau công đoạn tráng men và tạo màu, phơi khô, sản phẩm được đưa vào lò nung ở 1.0000C trong 3 ngày 3 đêm liên tục. Đất sét màu hồng nhạt khi nung ở nhiệt độ cao sẽ chuyển sang màu gan gà với hai màu men chủ đạo là nâu vàng và nâu đen (thường gọi là men da lươn). Những sản phẩm gốm đạt tiêu chuẩn phải có màu da lươn vàng óng hay màu cánh gián, khi gõ có tiếng vang; dáng gốm đơn giản, mộc mạc nhưng khỏe khoắn và đậm nét điêu khắc tạo hình. Hoa văn trên gốm Phù Lãng được đắp nổi các đề tài truyền thống như: tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), phong cảnh làng quê…

Các sản phẩm gốm Phù Lãng thường tập trung vào 3 loại hình chính là gốm dùng để thờ cúng (lư hương, đài thờ, đỉnh...); gốm gia dụng (lọ, bình, ang, chum, vại, bình vôi, ống điếu...) và gốm mỹ thuật (bình, ấm hình thú như ngựa, voi...).

Đến làng gốm Phù Lãng, du khách sẽ có dịp tìm hiểu lịch sử nghề làm gốm Phù Lãng và được tự tay tạo ra các sản phẩm gốm cho riêng mình.


2. Đền Đô

Đền Đô

Địa chỉ: , Phường Đình Bảng, Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh

Vị trí: Đền Đô nằm ở làng Đình Bảng, xã Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Đặc điểm: Là nơi thờ 8 vị vua nhà Lý. Đó là: Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009 - 1028); Lý Thái Tông (1028 - 1054); Lý Thánh Tông (1054 - 1072); Lý Nhân Tông (1072 - 1128); Lý Thần Tông (1128 - 1138); Lý Anh Tông (1138 - 1175); Lý Cao Tông (1175 - 1210) và Lý Huệ Tông (1210 - 1224).

Đền Đô có diện tích 31.250m², gồm 21 hạng mục công trình lớn nhỏ. Trung tâm là điện thờ, nơi đặt bài vị và tượng của Tám vị vua nhà Lý, xung quanh có nhà chuyền Bồng, nhà Tiền tế, nhà Phương Đình, nhà để kiệu, nhà để ngựa, nhà Thuỷ Đình... Kiến trúc Đền đô được chia làm hai khu vực nội thành và ngoại thành.

Đền Đô kiến trúc tuyệt vời Đền Đô với kiến trúc độc đáo mang tính giá trị nghệ thuật, cảnh trí hữu tình và mang trong mình một giá trị lịch sử văn hoá đậm nét của Vương Triều Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Đền Đô xứng đáng với lời ngợi ca "Thăng Long đẹp nhất, đẹp người ngàn năm”

Di tích lịch sử văn hoá đền Đô đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia theo Quyết định số 154 ngày 25/01/1991 của Bộ Văn hoá Thông tin.


3. Đình làng Đình Bảng

Đình làng Đình Bảng

Địa chỉ: , Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh

Vị trí: Đình làng Đình Bảng thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Đặc điểm: Đình làng Đình Bảng là một ngôi đình cổ kính và nổi tiếng nhất của đất Kinh Bắc. Là quê hương của Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ) người lập ra triều Lý và khai sáng kinh đô Thăng Long (năm 1010). Đình Bảng có cụm di tích văn hóa, nhất là những di tích về thời Lý, tạo thành một khu lưu niệm độc đáo, âm vang lịch sử, có tầm cỡ quốc gia, đủ cả: Đình, đền, chùa, lăng, tẩm,... đặc trưng của một văn hóa làng Việt Nam.

Đình làng Đình Bảng được xây dựng năm 1700 và đến năm 1736 mới được hoàn thành, do công đầu của của quan Nguyễn Thạc Lương, người Đình Bảng và bà vợ rất đảm đang Nguyễn Thị Nguyên quê ở Thanh Hóa đã mua gỗ lim về dâng làng, xây dựng ngôi đình có thế trường tồn. Đình thờ 3 vị thành hoàng: Cao Sơn đại vương (Thần Đất), Thuỷ bá đại vương (Thần Nước) và Bạch lệ đại vương (Thần Trồng Trọt).

Toà Bái Đường của đình có hình chữ nhật, dài 20m, rộng 14m, chia làm bảy gian, hai chái nằm trên nền cao bó đá xanh có bậc cấp. Vẻ đồ sộ của đình thể hiện qua phần mái toả rộng và những cột lim hiếm thấy ở những ngôi đình khác. Có khoảng 60 cột lim lớn nhỏ có đường kính từ 0,55 - 0,65m.

Hoa văn trang trí trên các cấu kiện kiến trúc rất đa dạng, chạm trổ tinh vi, chau chuốt, hài hoà. Kết cấu bộ khung đình khá vững chắc, gắn với nhau bằng các loại mộng. Mỗi bức chạm khắc ở đình là một tác phẩm nổi tiếng độc nhất vô nhị. Càng chiêm ngưỡng, càng thêm bị cuốn hút: Bức Bát mã quần phi, tám con ngựa nhởn nhơ chơi trên đồng cỏ, đất nước thanh bình, con vật cũng vui. Bức lưỡng nghê phục chầu, con đực, con cái, mỗi con một vẻ. Những bức chạm rồng tuyệt xảo: Long vân đại hội, Ngũ long tranh châu, Lục long ngự thiên... từng bức, từng bức gợi tả bao điều.


4. Chùa Bút Tháp

Chùa Bút Tháp

Địa chỉ: , Xã Đình Tổ, Huyện Thuận Thành, Bắc Ninh

Vị trí: Chùa Bút Tháp tọa lạc ở phía tây thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Đặc điểm: Chùa Bút Tháp có nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cổ độc đáo tài tình, có nhiều tượng Phật và cổ vật quý.

Nói đến Bắc Ninh, ta không thể không nói đến chùa Bút Tháp. Ðây là một ngôi chùa cổ, mặc dù đã trải qua những lần trùng tu, sửa chữa nhưng chùa vẫn giữ được những nét nguyên sơ hấp dẫn của nó.

Chùa được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ 17). Theo lịch sử, chùa được bà Trinh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thánh Tông) cùng hai nhà sư người Việt gốc Hoa thiết kế. Chùa có tên chữ là "Ninh Phúc Thiền Tự" được xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Ngoài cùng là Tam Quan, tiếp đến là gác chuông rồi đến Tiền Ðường, tiếp theo là Thượng điện - gian đẹp nhất cả kiến trúc lẫn điêu khắc.

Phía ngoài Thượng điện có lan can bằng đá xanh bao quanh, chạm khắc các hình động vật, điểm xuyết thêm mây, trời, hoa, lá...

Ðến với chùa là đến với một điểm du lịch mang tính nhân văn cao. Trong chùa, có nhiều cổ vật quý, nhiều tháp to, nhỏ rất đẹp là nơi đặt xá lị của các thiền sư xưa. Tháp Bảo Nghiêm, trên đỉnh có hình nậm rượu, 5 tầng, 8 mặt, cao 13m, là nơi đặt xá lị của thiền sư Chuyết Chuyết; tháp Tôn Ðức 5 tầng, cao 10m là nơi đặt xá lị thiền sư Minh Hành, vị tổ thứ hai của chùa.


5. Chùa Dâu

Chùa Dâu

Địa chỉ: Thôn Khương Tự (còn gọi là làng Dâu), Xã Thanh Khương, Huyện Thuận Thành, Bắc Ninh

Vị trí: Chùa Dâu thuộc thôn Khương Tự (còn gọi là làng Dâu), xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Đặc điểm: Là ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam, được khởi dựng vào đầu thế kỷ thứ 3.

Từ những thế kỷ đầu công nguyên, chùa Dâu đã là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng trong nước và ngoài nước. Từ cuối thế kỷ thứ 4, Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi đã mở đạo tràng thuyết pháp tại chùa, lập nên thiền phái đầu tiên ở Việt Nam.

Chùa được ông Mạc Ðĩnh Chi đứng ra dựng lại với qui mô lớn vào thế kỷ 14, và trùng tu nhiều lần ở các thế kỷ tiếp theo. Hiện nay ở sân chùa có tháp Hòa Phong 3 tầng cao khoảng 17m. Trong tháp có chuông lớn đúc dưới triều Cảnh Thịnh (1793), khánh lớn bằng đồng đúc năm Minh Mạng 18. Ngoài ra, còn có tượng Bà Pháp Vân, tượng Kim Ðồng và Ngọc Nữ.


6. Chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích

Địa chỉ: , Xã Phật Tích, Huyện Tiên Du, Bắc Ninh

Vị trí: Chùa Phật Tích nằm ở sườn núi Lạn Kha (Rìu Mục), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Đặc điểm: Chùa Phật Tích xưa kia là nơi có nhiều nhà tu hành tu luyện. Theo sử sách để lại thì chùa Phật Tích chính là nơi Phật ngự.

Chùa Phật Tích còn gọi là chùa Vạn Phúc, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 7 đến thế kỷ 10. Chùa được hoàn chỉnh vào triều Lý Thánh Tông (1057) và tu bổ khang trang vào năm 1686. Vào năm 1057, vua Lý Thánh Tông đã cho dựng cây tháp báu và đúc pho tượng Phật mình vàng.

Chùa được xây dựng đại qui mô vào thế kỷ thứ 17. Năm 1947, do chiến tranh, chùa bị phá huỷ hoàn toàn. Năm 1958, chùa được dựng lại sơ sài. Năm 1991, chùa được xây dựng dần theo qui mô kiến trúc cổ.

Hiện tại di vật của chùa còn lại là bức tượng Phật A-di-đà bằng đá, ngồi thiền định trên toà sen, cao 1,85m (tính cả bệ đá là cao 3m). Chân cột chùa chạm trổ hoa sen và dàn nhạc, các nghệ nhân chơi sáo, tiêu, nhị, đàn tranh, đàn bầu, trống cơm...


7. Hội Lim

Hội Lim

Thời gian: Ngày 13/1 âm lịch

Địa điểm: Đồi Lim, thuộc thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 18km.

Đối tượng suy tôn: Vua Bà và ông Hiếu Trung Hầu, tương truyền là hai vị tổ của các làn điệu dân ca Quan họ

Đặc điểm: Hát Quan họ trên đồi, trên thuyền, tại nhà.

Hội Lim là lễ hội văn hoá nghệ thuật đặc sắc của những làng quê quan họ, hình thành từ xa xưa. Ngày hội đã thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi từ khắp nơi về trẩy hội vui xuân, trong đó phần đông là trai thanh gái lịch. Đến hẹn lại lên, họ đến với nhau để ca hát, với người lớn tuổi thì đến hội là dịp tìm về tuổi xuân, với nam thanh nữ tú thì hội là dịp tìm bạn, tìm duyên. Sự kiện văn hoá độc đáo này trở thành tài sản vô giá trong kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam.

Cũng như các lễ hội truyền thống khác, hội Lim cũng có những hoạt động nghi lễ trang nghiêm, thành kính nhằm tôn vinh công đức các vị thần như lễ rước, lễ tế hay các trò hội dân gian mua vui, thi tài. Sáng sớm ngày 13 là lễ rước kinh từ chùa Trũng tới chùa Hồng Ân, sau những nghi thức tế lễ, đoàn rước đón nước thiêng từ chùa Hồng Ân trở về chùa Trũng. Kết thúc lễ rước, vào lễ khai hội.

Mấy khi khách đến chơi nhà,Nhưng đến Hội Lim khách trảy hội đều muốn xem, nghe và được hát quan họ với các liền anh liền chị, đó cũng là đặc trưng cơ bản nhất của lễ hội này.

Quan họ là loại dân ca đặc sắc của vùng Kinh Bắc xưa (nay là tỉnh Bắc Ninh). Dân ca quan họ nổi tiếng không chỉ ở lời ca trữ tình, nồng nàn yêu cuộc sống và tình yêu đôi lứa, hay với 200 làn điệu âm nhạc đặc sắc mà còn do những đặc điểm khác hiếm thấy ở dân ca các vùng khác. Từ lời ăn tiếng nói đến lối ứng xử hàng ngày hay trong ngày hội, "người Quan họ" đều từ tốn, khiêm nhường.

Hội hát Quan họ thường gắn với hội chùa. Cho nên chùa là nơi tụ hội và đón nhận khách Quan họ. Có tới 49 làng hát quan họ, phân bố trong bốn huyện, thị phía nam tỉnh Bắc Ninh. Nhưng nói tới Quan họ, người ta nghĩ ngay đến hội Lim. Lim là tên nôm của xã Lũng Giang xưa. Hội mở trên đồi, nơi có chùa Lim (chùa Hồng Ân). Hội Lim đông vui và nổi tiếng nhất trong các hội Quan họ. Hội mở vào ngày 13 tháng giêng, đúng phiên đầu năm của chợ Lim.

Đến hội Lim, khách du xuân được xem và nghe hát trên đồi, hát sau chùa, hát trên thuyền và hát trong các tư gia (hát trong nhà); lại có thể nghe hát đối từng cặp (đôi nam, đôi nữ), hoặc "bọn" nam, nữ. Khách hành hương, trẩy hội Lim còn được xem nhiều hoạt động văn hoá truyền thống khác của địa phương, hay tham dự các trò chơi đu bay, chọi gà, chọi chim, đấu vật, tổ tôm điếm... vốn là những trò chơi của hội làng cổ truyền mà hội Lim vẫn giữ lại như một di sản.


8. Chùa Tổ (Phúc Nghiêm tự)

Chùa Tổ (Phúc Nghiêm tự)

Địa chỉ: Làng Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, Tỉnh Bắc Ninh

Vị trí: Làng Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, Tỉnh Bắc Ninh. Chùa Tổ còn có tên chùa Phúc Nghiêm tự, thuộc làng Mãn Xá – Xa Hà Mãn – huyện Thuận Thành – Bắc Ninh.

Đặc điểm: Là nơi thờ Phật Mẫu Man Nương.

Chùa xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên năm 25 - 187. Chùa Tổ gắn liền với lịch sử phật giáo Việt Nam và là nơi xuất hiện sớm nhất các công trình kiến trúc nghệ thuật cổ như giếng nước, chuông, khánh đồng, bia đá và nhiều bản khắc gỗ. Tại chùa hiện vẫn còn một giếng cổ tương truyền do Man Nương cắm cây gậy tích trượng của Đức Khâu Đà La tạo thành để cứu mùa màng khỏi khô hạn.

Từ mọi miền xa xôi trên đất nước ta các thiện nam, tín nữ hàng năm cứ đến ngày 8 tháng 4 (âm lịch) tấp nập hành hương về dự lễ hội chùa Tổ.

Chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cỡ quốc gia vào ngày 20-4-2001.


9. Làng Đình Bảng

Làng Đình Bảng

Địa chỉ: Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh,

Vị trí: Làng Đình Bảng thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 20km về phía bắc.

Đặc điểm: Làng Đình Bảng có mười lăm xóm họp lại thành một làng, cả làng thành một xã.

Theo chiều dài lịch sử, Đình Bảng là một làng trù phú, kinh tế văn hoá phát triển, thuận lợi giao thông thủy và bộ. Nằm ở vị trí tiếp giáp, nối liền miền đồi núi đông bắc với đồng bằng phía nam cho nên Đình Bảng là nơi hội tụ và đón nhận ảnh hưởng của cả phương bắc, phương nam, phía đông và phía tây.

Bước chân vào làng Đình Bảng, ta như vào một đô thị sầm uất, nhộn nhịp nhưng vẫn thấy cái riêng của một làng quê có truyền thống lịch sử và văn hoá. Mỗi tên xóm, tên thôn, tên đất đều mang một dấu ấn lịch sử. Đình Bảng là đặc trưng tiêu biểu của làng xã Việt Nam vừa mang đậm tính dân tộc, vừa có vóc dáng của làng xã văn minh hiện đại.


10. Làng tranh Đông Hồ

Làng tranh Đông Hồ

Địa chỉ: xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Vị trí: Làng tranh Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Đặc điểm: Là làng nghề vẽ tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam.

Ðông Hồ - một cái tên làng quen thuộc, xinh xắn, nằm bên bờ sông Ðuống, từ lâu, đã đi vào cuộc sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam bằng những bức tranh dân gian nổi tiếng, đậm đà sắc thái dân tộc.

Tranh làng Ðông Hồ không phải vẽ theo cảm hứng nghệ thuật mà người dùng ta dùng ván để in. Ðể có những bản khắc đạt đến trình độ tinh xảo phải có người vẽ mẫu. Những người vẽ mẫu và bản khắc ván đòi hỏi họ phải có lòng yêu nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ, đặc biệt phải có trình độ kỹ thuật cao. Công đoạn in tranh có lẽ không khó lắm bởi lẽ ai cũng có thể phết màu lên ván rồi in.

Giấy dùng in tranh là loại giấy dó mịn mặt. Trước khi in, giấy được bồi điệp làm nền, chất điệp óng ánh lấy từ vỏ con sò, con hến đã tạo nên chất liệu riêng biệt của tranh dân gian Ðông Hồ.

Tranh dân gian Ðông Hồ không áp dụng chặt chẽ về cơ thể học, các nguyên tắc về ánh sáng hay luật xa gần của tranh hiện đại. Những nghệ sĩ sáng tác tranh dân gian mang nhiều tính ước lệ trong bố cục, trong cách miêu tả về màu sắc. Tất cả đều sử dụng lối vẽ đơn tuyến bình đồ để thể hiện, do đó xem tranh dân gian ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô đơn giản nhưng hợp lý, hợp tình.

Không chỉ có người Hà Nội và cư dân một số tỉnh thành trong nước sành điệu, yêu thích tranh dân gian Ðông Hồ về tham quan tìm hiểu và chọn mua, mà không ít du khách, những người trong lĩnh vực hội hoạ, mỹ thuật của nước ngoài cũng đến để nghiên cứu về nghệ thuật tranh dân gian nổi tiếng của làng Hồ.



Cẩm Nang Du Lịch Bắc Ninh