Hải Dương



Điểm tham quan tại Hải Dương


1. Đảo Cò Chi Lăng Nam

Đảo Cò Chi Lăng Nam

Địa chỉ: , Xã Chi Lăng Nam, Huyện Thanh Miện, Hải Dương

Vị trí: Nằm giữa lòng hồ An Dương, thuộc địa bàn xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

Đặc điểm: Đảo Cò Chi Lăng Nam đã trở thành điểm du lịch sinh thái "độc nhất vô nhị" của miền Bắc.

Đến Đảo Cò vào những ngày đất trời lập đông, ấn tượng đầu tiên là cảm giác choáng ngợp trước một cảnh tượng thiên nhiên hy hữu. Hàng vạn chú cò, vạc đậu san sát trên các ngọn tre, cành cây, trông xa như những cành hoa điểm đầy bông trắng.

Người dân Chi Lăng Nam vẫn truyền cho nhau nghe về truyền thuyết vùng đất này. Truyện kể rằng vào đầu thế kỷ 15, những trận đại hồng thuỷ đã làm dải đê lớn ven sông Hồng trải qua 3 lần vỡ đê liên tiếp. Đến lần vỡ đê thứ hai thì tạo thành hòn đảo nổi giữa hồ. Rồi "đất lành chim đậu", từng đàn cò, vạc, chim nước đủ loại từ khắp nơi đổ về đây cư trú. Theo nhịp thời gian, cò, vạc sống trên đảo ngày càng đông về số lượng cá thể và đa dạng về thành phần loài. Hiện nay, với diện tích hơn 3.000m2, đảo Cò đã tập trung tới 15.000 con cò và hơn 5.000 con vạc.


2. Đền thờ Chu Văn An

Đền thờ Chu Văn An

Địa chỉ: , Phường Văn An, Thị xã Chí Linh, Hải Dương

Vị trí: Tọa lạc trong khu di tích Phượng Hoàng, thuộc địa phận phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội khoảng hơn 80 km về phía đông.

Đặc điểm: Đền mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn, thờ thầy giáo Chu Văn An (1292 - 1370).

Vùng đất Chí Linh được người xưa coi là một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, với thế đất “Lục thuỷ tứ linh”, sáu con sông giao hoà một mối gọi là Lục Đầu Giang. Bốn dãy núi trùng điệp xếp lại thành một bức tranh tuyệt hảo gọi là tứ linh: Long-Ly-Quy-Phượng. Nơi đây còn có dãy núi Phượng Hoàng bao gồm 72 ngọn, tượng trưng cho 72 con chim phượng hoàng tung cánh. Phượng Hoàng là biểu tượng cho trí tuệ và tài năng, còn gọi là “Tiều ẩn cổ bích” (tường nhà cổ), nơi ở ẩn của thầy giáo Chu Văn An mà theo sách “Phượng Sơn từ chí lược” của Nguyễn Định Phủ viết “Chu Văn Trinh tiên sinh ẩn cư sứ”.

Trong không gian quần thể đền Chu Văn An uy nghi, thanh tịnh nằm ẩn mình giữa khu rừng thông xanh ngút ngàn, nổi bật lên hàng chữ “Vạn thế sư biểu”, đặc biệt là bảng khắc chữ “Học” rất lớn theo nét bút thư pháp ở trên con đường vào đền. Đây là sự thể hiện tấm lòng tri ân của bao thế hệ người Việt đối với người thầy giáo mẫu mực Chu Văn An. Một điểm rất khác biệt nữa ở đền Chu Văn An, mỗi khi du khách vào đền, ngoài việc dâng lễ chay, lễ mặn còn dâng cả bút, sách, vở để cầu công danh, thi cử, học hành.

Đền đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1998.


3. Đền Kiếp Bạc

Đền Kiếp Bạc

Địa chỉ: , Xã Hưng Đạo, Thị xã Chí Linh, Hải Dương

Vị trí: Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Vạn Kiếp và Dược Sơn, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội khoảng 80km, và cách khu di tích danh thắng Côn Sơn 5km.

Đặc điểm: Đền được dựng vào đầu thế kỷ 14, thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo).

Khu vực đền Kiếp Bạc nằm trong một thung lũng trù phú, xanh tươi, ba phía có dãy núi Rồng hình tay ngai với hai nhánh Nam Tào và Bắc Đẩu bao bọc, phía còn lại là Lục Đầu Giang (nơi hội tụ của sáu con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính của sông Thái Bình). Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi. Đây cũng là đầu mối huyết mạch giao thông thủy bộ trấn giữ cửa ngõ phía đông Kinh thành Thăng Long xưa (Hà Nội ngày nay).

Đền có 3 tòa điện lớn. Tại vị trí trang trọng nhất – tòa điện ở giữa đặt tượng thờ Trần Hưng Đạo đường bệ, uy nghi. Tòa điện ngoài cùng đặt tượng thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão (con rể Trần Hưng Đạo). Tòa điện trong cùng đặt tượng thờ Quốc mẫu Thiên Thành công chúa (phu nhân của Trần Hưng Đạo) và hai con gái là Đệ nhất Khâm từ Hoàng hậu Quyên Thanh công chúa (vợ vua Trần Nhân Tông), Đệ nhị Nữ hoàng Anh Nguyên quận chúa (phu nhân của tướng quân Phạm Ngũ Lão). Trong đền còn đặt 4 bài vị thờ 4 con trai của Trần Hưng Đạo.


4. Khu di tích Phượng Hoàng

Khu di tích Phượng Hoàng

Địa chỉ: , Phường Văn An, Thị xã Chí Linh, Hải Dương

Vị trí: Thuộc địa phận phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội khoảng hơn 80km về phía đông.

Đặc điểm: Đây là vùng đất đặc biệt linh thiêng, là nơi có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và nhiều công trình kiến trúc đặc sắc như: đền Chu Văn An, điện Lưu Quang, Miết Trì,…

Núi Phượng Hoàng từ lâu đã nổi tiếng là nơi có phong cảnh đẹp như tranh vẽ với rừng thông bát ngát, suối chảy róc rách, chim hót líu lo, đặc biệt là 72 ngọn núi hình thế như 72 con chim Phượng Hoàng đang tung cánh. Bởi thế, sách “Chí Linh huyện sự tích” của Viện nghiên cứu Hán Nôm đã viết: “Quần sơn la liệt trận bày/ Tả hữu tung cánh, Phượng bay ngang trời”. Các dãy núi ở đây kiến tạo thấp dần theo hướng đông bắc – tây nam, nối tiếp với đồng bằng phù sa và soi mình xuống sóng nước mênh mang của Lục Đầu Giang. Trên núi Phượng Hoàng còn có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như Huyền Thiên cổ tự, Kỳ Lân cổ tự, Tinh Phi cổ tháp…, đặc biệt là quần thể di tích Phượng Hoàng gắn bó mật thiết với cuộc đời thầy giáo Chu Văn An gồm: đền Chu Văn An, điện Lưu Quang, Miết Trì, Giếng Son, khu lăng mộ.


5. Khu di tích danh thắng Côn Sơn

Khu di tích danh thắng Côn Sơn

Địa chỉ: , Phường Cộng Hoà, Thị xã Chí Linh, Hải Dương

Vị trí: Khu di tích danh thắng Côn Sơn thuộc phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội khoảng 80km về phía đông.

Đặc điểm: Đây là nơi gắn liền với cuộc đời nhiều danh nhân đất Việt, nổi bật nhất là Nguyễn Trãi. Nơi đây cũng là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm Đại Việt được Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ 13.

Côn Sơn là nơi có phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình với núi, rừng, suối, hồ, đan xen hòa hợp. Phía bắc Côn Sơn giáp núi Ngũ Nhạc, cao 238m, trên đỉnh có miếu "Ngũ Nhạc linh từ" thờ thần núi. Tháng 2/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm danh thắng Côn Sơn. Tại đây, Người đã đọc văn bia trước cửa chùa Côn Sơn bằng sự trân trọng, thiêng liêng và niềm giao cảm đặc biệt với cố nhân.

Côn Sơn gắn liền với tên tuổi của nhiều danh nhân đất Việt. Tuy nhiên, khi nói đến Côn Sơn là nói đến Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi - người đã gắn bó cả cuộc đời, sự nghiệp của mình ở đây. mỗi sự vật, di tích đều lấp lánh ánh sáng của Nguyễn Trãi – Sao Khuê.


6. Làng gốm Chu Đậu

Làng gốm Chu Đậu

Địa chỉ: xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương

Vị trí: xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội khoảng 70km về phía đông

Đặc điểm: là một trong những cái nôi của nghề gốm Việt Nam

Làng gốm Chu Đậu được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 14 và phát triển rực rỡ vào thế kỷ 15, 16. Sau đó, do chiến tranh loạn lạc nên nghề gốm cổ Chu Đậu đã bị thất truyền. Năm 2001, gốm cổ Chu Đậu được nghiên cứu, phục hồi lại chất men, kỹ thuật sản xuất, kiểu dáng sản phẩm, từ đó, làng nghề gốm Chu Đậu dần hồi sinh và phát triển như hiện nay.

Sản phẩm gốm Chu Đậu từ xưa đến nay, từ khâu nặn, đúc đến trang trí hoa văn đều được làm thủ công với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những nghệ nhân dày dạn kinh nghiệm. Điều này khiến cho gốm Chu Đậu không thể lẫn với các loại gốm khác.

Một trong những điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là các đường nét hoa văn phản ánh đời sống, tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn người Việt, trong đó chủ yếu là hình ảnh hoa sen, hoa cúc, chim Lạc Việt. Đặc biệt, hoa văn trên gốm Chu Đậu được trang trí theo phương pháp vẽ dưới men, tức là trang trí hoa văn trước rồi tráng men sau. Men gốm Chu Đậu được làm từ vỏ trấu, đa phần là men trắng trong, hoa lam, men lục, xanh nâu, tam thái.


7. Câu lạc bộ golf Ngôi sao Chí Linh

Câu lạc bộ golf Ngôi sao Chí Linh

Địa chỉ: Phường Thái Học, thị xã Chí Linh, Hải Dương,

Vị trí: Phường Thái Học, thị xã Chí Linh, Hải Dương, 48km từ Hà Nội, trên đường tới vịnh Hạ Long.

Đặc điểm: sân golf Chí Linh được đánh giá là một sân golf hàng đầu không chỉ tại Việt Nam mà cả vùng Đông Nam Á.

Trải rộng trên diện tích 325 ha trong lòng một thung lũng tuyệt đẹp với một hồ nước tự nhiên nép mình bên những dải đồi xanh hùng vĩ bao quanh, sân golf Ngôi Sao Chí Linh được xây dựng 36 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế AAA. Những thảm cỏ xanh được chăm sóc, xén tỉa mỗi ngày, những con đường nhỏ uốn mình vòng quanh mép hồ, các rặng cây, các dốc thoải ven đồi, là điểm dừng chân với những quán nhỏ đơn sơ nép mình trong tán cây thơ mộng...


8. Chùa Thanh Mai

Chùa Thanh Mai

Địa chỉ: xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Vị trí: Chùa Thanh Mai tọa lạc trên sườn núi Phật Tích, nay là núi Tam Bảo (cao khoảng 200m) thuộc địa phận xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Đặc điểm: Chùa được khởi dựng dưới thời nhà Trần, gồm một hệ thống các công trình kiến trúc rất độc đáo, đó là: Viên Thông Bảo Tháp, tháp Phổ Quang, tháp Linh Quang…

Chùa Thanh Mai được xây dựng vào năm 1329 do Thiền sư Pháp Loa tôn giả - vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm sáng lập và đây cũng là nơi Thiền sư Pháp Loa tôn giả tu hành. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa đã bị hư hại nặng. Từ năm 1980 trở đi, chùa đã được khôi phục dần dần theo từng hạng mục. Năm 1992, chùa Thanh Mai đã được Bộ Văn hóa, Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.


9. Văn Miếu Mao Điền

Văn Miếu Mao Điền

Địa chỉ: xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương;

Vị trí: Văn Miếu Mao Điền thuộc địa phận xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; cách thành phố Hà Nội khoảng 42km về phía đông, thành phố Hải Dương khoảng 16km về phía tây.

Đặc điểm: Đây là nơi thờ Khổng Tử và 8 vị Đại khoa Nho học hàng đầu của Việt Nam thời phong kiến: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Vũ Hữu, Nguyễn Thị Duệ, Phạm Sư Mạnh, Tuệ Tĩnh.

Theo sử sách ghi lại, Văn miếu trấn Hải Dương được khởi dựng vào thời Lê Sơ (1428-1527), tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay là xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) để thờ Khổng Tử. Công trình này gồm 5 gian bái đường và 3 gian chính tẩm đặt trên một gò đất cao. Cùng thời điểm này, do muốn đẩy mạnh việc phát triển Nho giáo, triều đình đã cho xây dựng thêm một số trường học, trường thi, trong đó có trường thi Hương tại xã Mao Điền, tổng Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là xã Cầm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).


10. Chùa Kính Chủ

Chùa Kính Chủ

Địa chỉ: Xã An Sinh, làng Dương Nham, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Vị trí: Xã An Sinh, làng Dương Nham, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Đặc điểm: Chùa được tạo từ cảnh quan tự nhiên của động Kính Chủ.

Chùa thờ Phật, thiền sư Minh Không, vua Lý Thần Tông, Huyền Quang. Các tượng trong chùa đều được tạc bằng đá. Cửa chùa về phía trái có khắc bài thơ của vua Lê Thánh Tông đề vịnh khi ngài tới vãn cảnh chùa. Gần chùa có núi Yên Phụ, thờ đức An Sinh Vương Trần Liễu là thân phụ của Hưng Đạo Vương.


11. Đền Nguyễn Trãi

Đền Nguyễn Trãi

Địa chỉ: phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương,

Vị trí: Đền nằm trong khu di tích danh thắng Côn Sơn, thuộc phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội khoảng 80 km về phía đông.

Đặc điểm: Đền thờ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380-1442).

Đền tọa lạc trên một vị trí đặc địa có diện tích 10.000m² dưới chân núi Ngũ Nhạc nằm trong khu vực Thanh Hư Động và gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần Thị Thái – than mẫu của Nguyễn Trãi, với lưng tựa vào Tổ Sơn, hai bên tì vào hai dãy núi Ngũ Nhạc và Kỳ Lân tạo thế tả Thanh long, hữu Bạch hổ. Minh đường của đền nhìn ra hồ Côn Sơn, nơi có núi Phượng Hoàng, Chúc Thôn chầu vào.

Đền bao gồm 15 hạng mục công trình như: đền chính, nhà Tả vu, nhà Hữu vu, nghi môn nội, nghi môn ngoại, cầu Thấu Ngọc, miếu Giải oan, hồ Nhân Nghĩa, nhà bia, am hoá vàng, hệ thống sân vườn... Trong đó, đền chính được xây dựng trên diện tích khoảng 200 m², theo hình chữ công (工), gồm 3 gian tiền tế, trung từ và hậu cung. Tiền tế bài trí ban thờ Công Đồng ở chính giữa, bên trái là ban thờ Sơn Thần, bên phải là ban thờ Thổ Địa. Trung từ có ban thờ tôn vinh đạo học. Trong hậu cung đặt tượng thờ Nguyễn Trãi bằng đồng cao 1,4 m, nặng 600 kg cùng hai tượng song thân phụ mẫu của ông. Các bức cốn, đầu dư ở đền chính mang phong cách kiến trúc thời hậu Lê, được làm từ những vật liệu quý như gỗ lim, đá xanh Thanh Hóa…

Cùng với kiến trúc đặc sắc, đền chính còn lưu giữ những bức hoành phi, câu đối do Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm, tuyển chọn mang nội dung thể hiện tâm hồn, cốt cách cao đẹp, tài năng, công đức lớn lao của Nguyễn Trãi và tấm lòng thành kính, biết ơn của nhân dân đối với ông.

Đền Nguyễn Trãi là công trình kiến trúc bề thế góp phần tô điểm thêm cho không gian thiên nhiên đầy thơ mộng, hữu tình của khu di tích danh thắng Côn Sơn.



Cẩm Nang Du Lịch Hải Dương