Cát Bà



Điểm tham quan tại Cát Bà


  • 1. Làng chài cổ Cái Bèo
  • 2. Vườn Quốc gia Cát Bà
  • 3. Động Quả Vàng
  • 4. Ao Ếch
  • 5. Quần đảo Cát Bà
  • 6. Đảo Khỉ
  • 7. Các Bãi Tắm Tại Cát Bà
  • 8. Pháo Đài Thần Công
  • 9. Vịnh Lan Hạ
  • 10. Động Thiên Long

1. Làng chài cổ Cái Bèo

Làng chài cổ Cái Bèo

Nằm cách trung tâm thị trấn Cát Bà 1,5km về phía đông nam, di chỉ Cái Bèo nằm trong thung lũng bằng phẳng, có dãy núi Áng Thảm và Bù Nâu chạy vòng cung ôm lấy ba mặt di chỉ, tạo thế tay ngai, phía đông trông ra vùng biển nhiều tôm cá. Với vị trí khá kín gió, biển không ồn ào, phong cảnh hữu tình, thuận cho việc sinh sống và khai thác thủy sản.

Làng chài Cái Bèo (hay còn gọi là làng chài Vụng O, thuộc quần đảo Cát Bà, huyện đảo Cát Hải) là một trong những ngôi làng nổi cổ lớn nhất cả nước thời tiền sử, với khoảng 300 hộ dân sinh sống. Cuộc sống của cư dân làng chài Cái Bèo gắn liền với hoạt động đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng trong vịnh, chủ yếu là các loại cá: lăng, dò, hồng, song, đú… (ảnh 1)

Làng chài gồm nhiều nhà thuyền kết liền với nhau thành nhóm. Không chỉ có những con thuyền, trên vịnh Cái Bèo còn có những ngôi nhà nổi kết lại san sát với nhau bằng những lồng bè nuôi cá. Từ nhà này có thể dễ dàng bước sang nhà kia trên một chiếc cầu nhỏ bắc ngang hay trên những thanh lồng. Chiếc thuyền vừa là phương tiện kiếm sống của người dân nơi đây lại vừa là nhà. Người dân ở đây đi lại, trao đổi, mua bán mọi thứ từ tấm lưới đánh cá, cho đến đồ dùng vật dụng thường ngày, kể cả trẻ con đi học, đi chơi cũng đều bằng một phương tiện duy nhất là thuyền. Những đứa trẻ làng chài vì thế trở nên dạn dĩ hơn để thích nghi với cuộc sống quanh năm sông nước. Khi trời yên, biển lặng, dân chài neo thuyền, thả lưới, buông câu, bắt tôm cá. Khi biển động, sóng to thì vào vịnh, về đất liền cư trú đợi lúc bình yên lại ra khơi. Hoạt động kinh tế này không chỉ giúp cư dân làng chài có cuộc sống đủ đầy, mà còn tạo nên một nét đẹp riêng của cuộc sống trên vịnh Bến Bèo. (ảnh 2)


2. Vườn Quốc gia Cát Bà

Vườn Quốc gia Cát Bà

Vườn Quốc gia Cát Bà được Chính phủ Việt Nam ký quyết định thành lập cách đây gần 30 năm, hiện tổng diện tích 16.196,8ha. Vườn mang nét đặc trưng của cả 3 hệ sinh thái (HST) điển hình của Việt Nam là: HST trên cạn, HST đất ngập nước và HST biển. Đây là các HST có tính đại diện cao về đa dạng sinh thái và nguồn gen quý hiếm, nhiều loài có giá trị kinh tế cao, gồm cả các loài đặc hữu có giá trị nổi bật toàn cầu…

Sự đang dạng về động thực vật cộng với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trong lành, chính là điều kiện lý tưởng để hàng năm Vườn quốc gia Cát Bà đã đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các đoàn học sinh, sinh viên đến tham quan và học tập, nghiên cứu. Các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá Vườn quốc gia Cát Bà chứa đựng giá trị cao về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, là nơi có số lượng kiểu thảm thực vật đa dạng vào bậc cao so với các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, là nơi có quần thể Voọc Cát Bà là một loài linh trưởng đặc hữu duy nhất trên thế giới chỉ có ở Cát Bà - Việt Nam. Ngoài những giá trị về đa dạng sinh học, còn nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ như hệ thống hang động, các di chỉ, di tích lịch sử nổi tiếng, hệ thống núi đá vôi độc đáo với nhiều hình thù riêng biệt tạo cảnh quan độc đáo.

Vườn quốc gia Cát Bà có vai trò hết sức quan trọng trong việc quản lý bảo vệ, bảo tồn và phục hồi tài nguyên đa dạng sinh học, phát triển và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng, tuyên truyền giáo dục bảo vệ tài nguyên môi trường, triển khai các chương trình giám sát tài nguyên đa dạng sinh học, các hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, tổ chức quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn các nguồn gen động thực vật rừng, biển và các cảnh quan thiên nhiên trên quần đảo Cát Bà nhằm xây dựng quần đảo Cát Bà xứng đáng là nơi học tập thí nghiệm, giữ gìn và phát huy tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng.


3. Động Quả Vàng

Động Quả Vàng

Một hang động được đánh giá là đẹp nhất khu vực vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà. Động Quả Vàng được phát hiện trong trạng thái nguyên sơ, chưa có sự tác động, xâm hại của con người. Động có độ cao khoảng 25 - 30m, rộng hơn 30m, sâu gần 100m. Chính quyền địa phương đánh giá đây là một trong những động đẹp nhất ở khu vực vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà bởi tính đa dạng của kiến trúc thiên tạo.

Động được chia làm hai khoang, mỗi khoang có một kiểu nhũ đá khác nhau còn giữ nguyên vẹn như vốn ban đầu của nó. Khoang ngoài với các khối thạch nhũ lung linh phát sáng khi có luồng ánh sáng chiếu qua, mặt sàn của động bằng phẳng, vách và trần hang là vô vàn hình khối thạch nhũ. Khoang thứ hai tựa như một phòng triển lãm trưng bày các tác phẩm điêu khắc tạo hình của các danh họa hết sức tài hoa và điêu luyện.

Đặc biệt, đường từ khu trung tâm du lịch Cát Bà tới động Quả Vàng phải đi qua khu rừng nguyên sinh với những tầng, tán lá của hàng trăm thứ thảo dược quý hiếm.

Quần đảo Cát Bà có rất nhiều hang, động đẹp được phát hiện và đưa vào khai thác phục vụ du lịch như động Thiên Long, động Trung Trang, động Quân Y, động Đá Hoa và các hang như hang Ông Chừng, hang Bà Đón, hang Ánh Mả, hang Dáng... mỗi năm thu hút hàng vạn khách du lịch đến tham quan, đem lại lợi ích kinh tế cho khu du lịch này.


4. Ao Ếch

Ao Ếch

Nằm giữa Vườn quốc gia Cát Bà, trên tuyến đường bộ xuyên rừng từ trung tâm Vườn quốc gia đến xã Việt Hải (huyện Cát Hải), Ao Ếch là điểm đến thú vị đối với nhiều du khách. Sau quãng đường dài leo đèo vượt dốc, chợt thấy trước mặt mở ra một vùng mặt nước mênh mông, từng làn gió mang theo hơi nước mát lạnh phả vào mặt, bao mệt nhọc dường như tan biến…

Ao Ếch nằm lưng chừng núi, ở độ cao 80 mét so với mực nước biển, nước ao trong nhìn thấy đáy. Ao có diện tích 3,2 héc-ta và thay đổi theo mùa. Mùa khô, lòng ao thu hẹp lại, nhưng chẳng bao giờ cạn nước. Còn mùa mưa, nước từ những khe đá chảy xuống làm ao rộng hơn, nhìn chỉ thấy mênh mông một màu trời, màu rừng và màu nước. Ao không sâu lắm, chỉ chừng 50-60 cm, đáy ao là lớp bùn dày do cành, lá cây khô rụng xuống phân hủy mà thành. Từ đáy ao, vươn lên hàng nghìn cây Và Nước- loài cây chỉ có ở Ao Ếch mà không tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Cây cao 5-10 mét, thân to chừng bắp đùi người lớn, vỏ xù xì, mọc thành cụm, có khi đứng một mình. Mùa đông, nước ao tương đối ấm, còn mùa hè, lại mát lạnh. Vì thế, sau chặng đường dài mệt nhọc, vốc nước lên rửa mặt, tay, chân, không có gì thú bằng.

Ngoài ếch, ở Ao Ếch còn có loài cá dầm đất sinh sống. Cá to hơn ngón tay một chút, thân lẳn, bụng trắng, lưng ánh xanh và dài chừng 7-8 cm. Đặc biệt, Ao Ếch có rất nhiều cua đồng. Cua bò lổm ngổm nơi đáy ao, cua lấp ló trong những khe đá, hốc cây. Thậm chí, có con còn “nổi hứng” trèo lên cả cành cây để phơi nắng. Khác so với cua sinh sống tại đồng ruộng, cua ở đây có màu sẫm hơn. Thi thoảng, người dân trong vùng vào đây câu cua. Một cành cây nhỏ, một đoạn dây có buộc miếng da lợn hoặc giẻ, câu chơi một buổi cũng được 5-7 kg. Cua đem về nấu canh, nấu riêu, thơm ngon chẳng kém gì canh cua đồng.


5. Quần đảo Cát Bà

Quần đảo Cát Bà

Đã từ lâu Cát Bà được xem như một kiệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho Hải Phòng bởi kiến trúc độc đáo với những dãy núi đá vôi xen lẫn những tùng áng, vụng vịnh và nhiều hang động kỳ bí. Không chỉ là một vùng thắng cảnh sơn thủy hữu tình, Cát Bà còn mang trong mình những tiềm năng, giá trị sinh thái đa dạng, phong phú và quý hiếm.

Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) gồm 367 đảo nhỏ, trong đó đảo chính Cát Bà (hay còn gọi là đảo Ngọc). Với khí hậu trong lành, nhiệt độ trung bình 25o C, nhiều bãi biển đẹp và những khu rừng nguyên sinh, Cát Bà là một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực.

Quần đảo Cát Bà còn là trung tâm đa dạng sinh học cao của thế giới có giá trị toàn cầu được Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp loại. Tiêu biểu là sự có mặt của 3.860 loài thực vật và động vật trên cạn và dưới biển. Có tới 130 loài được xác định là các loài quý hiếm, được đưa vào sách đỏ Việt Nam và thế giới, trong đó có 76 loài nằm trong dach mục quý hiếm của IUCN, 21 loài đặc hữu. Ngoài các loài thú, còn có nhiều nhóm động vật độc đáo và nguy cấp khác cư trú trên đảo: 62 loài bò sát và lưỡng cư, trong đó có 12 loài quý hiếm và nguy cấp, 155 loài chim bản địa và chim di cư, với loài Cốc đế là loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam và IUCN; bước đầu đã xác định được khoảng 274 loài côn trùng, tạo nên sức hấp dẫn về đa dạng và nhiều sắc màu cho quần đảo.

Do môi trường đặc biệt của địa chất Caxto, nơi đây còn tồn tại nhiều loài thích nghi với các hang động đá vôi như dơi, cua, thân mềm, nhện… có 19 loài dơi đã được ghi nhận, trong đó có tới 4 loài nằm trong danh lục sách đỏ IUCN. Đặc biệt, loài cua hang Tiwaripotamon edostilus cũng là loài đặc hữu chỉ tìm thấy ở các một số hang động như Hoa Cưong, Thiên Long ở Cát Bà. Bên cạnh đó, khu hệ sinh vật biển của quần đảo Cát Bà cũng hết sức phong phú. Cho đến nay, đã phân loại được 177 loài san hô, trong đó có 166 loài san hô cứng và 11 loài còn lại thuộc các nhóm các bộ san hô bò, san hô mềm, san hô sừng. Bên cạnh đó, vùng biển Cát Bà còn là nơi sinh sống và phát triển của 196 loài cá biển, 102 loài rong biển, 131 loài động vật phù du, 400 loài thực vật phù du và 658 loài động vật đáy…


6. Đảo Khỉ

Đảo Khỉ

Đảo Khỉ nằm cách thị trấn Cát Bà khoảng 1 km đường chim bay. Để đến đảo khỉ, khách du lịch thường đi thuyền từ bến Bèo mất khoảng 10 phút đi qua làng chài Cái Bèo, qua mấy hòn đảo nhỏ rồi tiến thẳng ra đến đảo khỉ. Đảo khỉ có chu vi khoảng 3 km. Đây là một hòn đảo cấu tạo dạng núi có bãi cát được tạo thành qua hàng triệu năm sóng và gió đưa cát, đá, san hô, các loại vỏ sinh vật biển như vỏ ốc, vỏ sò, tôm, cua vào chân núi tạo thành bãi cát trải dài hàng km.

Đảo Khỉ cũng sở hữu 2 bãi tắm tự nhiên rất đẹp là bãi Cát Dứa 1 và Cát Dứa 2. Cát Dứa 1 là bãi tắm chính, dài và rộng hơn, thường tập trung đông du khách. Bãi Cát Dứa 2 hẹp hơn nhưng rất đẹp và hiện đại, chi phí dịch vụ cao, là nơi nghỉ dưỡng yêu thích của những khách "chịu chi". Đặc biệt, nước ở đảo Khỉ sạch và trong vô cùng, khiến đây trở thành nơi tắm biển lý tưởng cho du khách.

Đến đảo khỉ, du khách thích khám phá có thể trèo lên phần lưng chừng núi, thậm trí lên đến tận đỉnh núi để phóng tầm mắt ra xa bao quát toàn cảnh vịnh Lan Hạ với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ mọc lên trên làn nước trong xanh điểm xuyết những bãi cát trắng mịn ở xa xa tầm mắt. Với bãi tắm còn khá hoang sơ nên khách du lịch thường xuyên ra đây nghỉ ngơi, thăm quan và tắm biển. Hằng năm, đảo Khỉ đón nhiều lượt khách đến. Nhiều khách du lịch nước ngoài đến đây thừa nhận phong cảnh tại đảo Khỉ ít nơi nào có được, rất phù hợp với phát triển du lịch sinh thái.


7. Các Bãi Tắm Tại Cát Bà

Các Bãi Tắm Tại Cát Bà

Danh sách các bãi tắm biển đẹp của Cát Bà. Du khách có thể lựa chọn tắm tại bãi tắm Cát Cò 1, Cát Cò 2, Cát Cò 3 hoặc bãi tắm Tùng Thu ( cách trung tâm 2 km). Ngoài ra du khách có thể tắm tại các bãi tắm nhỏ trong vịnh Lan Hạ hoặc bãi tắm tại đảo Khỉ ( đảo Cát Dứa).

* Bãi tắm Cát Cò 1, 2, 3

Ở Cát Bà có đến hàng trăm bãi tắm lớn nhỏ, nhưng cụm bãi tắm Cát Cò (Cát Cò 1, 2, 3) là nơi được nhiều du khách đến nhất bởi cảnh quan thiên nhiên phong phú.

Bãi tắm Cát cò 1 rộng nhất, nằm vòng theo núi, quanh năm sóng vỗ, không khí trong lành và làn nước trong xanh, là nơi được nhiều du khách đến nghỉ ngơi và tắm. Bãi tắm Cát Cò 2 lại thanh bình và pha chút huyền bí. Bãi tắm Cát Cò 3 mang màu sắc khá hiện đại.

Tắm biển xong, nằm thư giãn trên bãi cát uống nước hoặc thưởng thức đặc sản biển, du khách sẽ cảm nhận hết vẻ đẹp của biển, nhất là lúc hoàng hôn.

* Bãi tắm đảo Khỉ ( đảo Cát Dứa)

Đảo Khỉ là một hòn đảo nhỏ nằm cách thị trấn Cát Bà 2Km. Bãi tắm có chiều dài khoảng 1 km, nằm trên đảo Khỉ, bãi tắm có tên gọi là Cát Dứa. Đây thực sự là bãi tắm đẹp của vịnh Lan Hạ. Đến đây, du khách mới có cảm giác thực sự của tắm biển trong vịnh bởi nước biển ở đây tuyệt đối trong và sạch.

Để đến được Đảo Khỉ, du khách đi thuyền từ bến Bèo, cách thị trấn Cát Bà khoảng 2 km. Thực tế, tại đảo khỉ có một bãi tắm nhỏ hơn gọi là Cát Dứa 2. Bãi tắm này chủ yếu dành cho khách du lịch cao cấp bao gồm khách Việt Nam và khách quốc tế. Tại đây có khu nghỉ dưỡng kiểu Resort – Monkey Island Resort với những khu nhà truyền thống ( tranh, tre, nứa, lá). Nếu bạn không muốn ồn ã thì đây chính là điểm đến lý tưởng của đảo Cát Bà.

* Bãi tắm Tùng Thu

Đây là một bãi tắm đang được đầu tư đưa vào sử dụng. Bãi tắm ở đây có sóng nước lăn tăn và yên ả hơn các bãi tắm Cát Cò. Bãi tắm Tùng Thu cách thị trấn Cát Bà khoảng 2 km đi về phía đi rừng Cát Bà.

* Các bãi tắm khác:

Ngoài các bãi tắm chính kể trên, du khách còn có thể thuê thuyền đi thăm vịnh Lan Hạ và ghé vào tắm tại các bãi tắm tại các hòn đảo trong vịnh như bãi tắm đảo Vạn Bội, bãi tắm Vạn Bội Con, bãi tắm Ba Trái Đào, bãi tắm Nam Cát...


8. Pháo Đài Thần Công

Pháo Đài Thần Công

Những chứng tích lịch sử còn ghi lại trên vùng đất này, ngoài hai khẩu pháo thần công còn là một hệ thống đài quan sát và hầm hào phức tạp. Ðược xây dựng ngay trên đỉnh núi, những công trình vẫn còn gần như nguyên vẹn dù đã trải qua chiến tranh và thời gian.

Pháo đài thần công trên cao điểm 177 còn khá mới mẻ với nhiều du khách đến Cát Bà (Hải Phòng). Một lần đặt chân tới đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước công trình quân sự ấn tượng của tuyến phòng thủ Cát Bà. Cũng từ điểm cao này, du khách có thể ngắm nhìn, chiêm ngưỡng thiên nhiên bốn bề khoáng đạt của Cát Bà.

Nhiều người đến đây có chung cảm nhận được gần gũi với thiên nhiên, nơi giao hòa của trời và đất, núi và biển. Khung cảnh hùng vĩ và thơ mộng cùng cảnh vật nguyên sơ, chứng tích hào hùng của con người làm lay động cảm xúc mỗi du khách.

Từ trung tâm thị trấn Cát Bà, chừng 10 phút xe chạy, du khách tận hưởng cung đường quanh co, bên này là núi non cây cỏ, bên kia là vịnh Cát Bà, bến Bèo xanh ngắt tạo cảm giác thú vị cho mỗi du khách.

Bước chân lên đỉnh núi, ở cao điểm 177, một pháo đài thần công hiển hiện gần như nguyên vẹn bởi hệ thống hầm hào quân sự đặc trưng, phức tạp và hệ thống quan sát. Ngoài những đoạn hào đắp lên bằng những khối đá to dày và thô ráp, các đoạn đường hầm đồ sộ với mái vòm đi sâu vào lòng núi có không gian lớn, đủ cho cả đoàn người đi xuyên qua.


9. Vịnh Lan Hạ

Vịnh Lan Hạ

Vịnh Lan Hạ nằm ở phía Đông đảo Cát Bà, trông ra cửa Vạn, liền kề vịnh Hạ Long. Đây là một vùng vịnh rất êm ả hình vòng cung với khoảng 400 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một bức tranh khổng lồ khắc hoạ lại cảnh tiên. Khác với Hạ Long là tất cả 400 hòn đảo lớn nhỏ ở Vịnh Lan Hạ đều được phủ đầy cây xanh hay thảm thực vật, cho dù chỉ là hòn đảo bé tí như một hòn non bộ.

Khác với vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ có tới 139 bãi cát vàng nhỏ nhắn, xinh xắn và hoang vắng như những “eo biển xanh” gọi mời du khách khám phá. Nhiều bãi cát trải dài giữa hai núi đá, yên tĩnh không có sóng lớn, thực sự là những bãi tắm lý tưởng. Dưới làn nước trong xanh là những bãi san hô nhiều mầu sắc như bãi Vạn Bội, Vạn Hà…Những vùng biển lặng nước như ở đảo Sến, đảo Cù, đảo Khỉ…, chính là nơi du khách có thể lặn ngắm san hô.

Bằng thuyền nhỏ, du khách có thể lách qua các khe núi du ngoạn trong áng, vịnh nhỏ thăm các hang động, nghỉ ngơi trên các bãi tắm giữa biển như áng Vẹm, hang Tùng Gấu, bãi Cát Dữa. Bãi Cát Dứa ( đảo Khỉ) hiện nay có nuôi khỉ cho khách tham quan và có nhà nghỉ cho khách ngủ qua đêm ( Monkey Island Resort). Đặc biệt du khách có thể tham quan các cơ sở nuôi ngọc trai đang phát triển ở đây.


10. Động Thiên Long

Động Thiên Long

Động Thiên Long được anh Đặng Đình Hỏa-người xã Phù Long phát hiện khi anh khai thác đầm nuôi thuỷ sản.Thấy động kỳ thú, anh mở một con đường mòn nhỏ trong rừng sú vẹt để lấy lối vào hang. Ai đến đây cũng phải trầm trồ trước vẻ đẹp sống động lung linh muôn hình vạn trạng của Thiên Long-một trong quần thể hang động của Đảo Cát Bà- khu Dự trữ sinh quyển Thế giới.

Động Thiên Long được chia thành 3 gian chính-Nhất Động,Nhị Động và Tam Động. Nhất Động sau cửa hang, ngước lên là bức rèm tuyệt đẹp bằng nhũ đá óng ánh.Trong ánh sáng mờ ảo phía trên ta nhìn thấy hình tượng Phật quan âm Bồ tát đứng chắp tay dõi xuống trần gian. Dưới chân tượng Phật là vô số hình thù kỳ lạ như con trăn đá đang ngậm con rắn nhỏ. Cạnh đó là chú Cá Sấu dữ tợn đối đầu với con trăn đất khổng lồ.Dưới chân Nhất Động còn rất nhiều những hình thù kỳ dị như con Sư tử,con Cú mèo,con Ếch Xanh,con Rùa, cái Bắp ngô… Vào giữa Nhất động là hình thù các ông Phúc,Lộc,Thọ uy nghi trước bức trướng lấp lánh bằng đá.Dưới chân ông Thọ là 2 trái đào tiên, cạnh đó là chú voi con đang phủ phục.Đặc biệt đập vào mắt mọi người là 2 sợi dây thừng dài,đen tuyền .Đó là rễ của cây si mọc xuyên từ trên đỉnh núi tạo thành chiếc võng mềm đong đưa mềm mại.



Cẩm Nang Du Lịch Cát Bà