Điểm tham quan tại Gia Lai

I. Du lịch văn hóa - Di tích lịch sử Gia Lai



1. Di tích lịch sử - văn hóa Tây Sơn Thượng

Di tích lịch sử - văn hóa Tây Sơn Thượng

Địa chỉ: thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.

Vị trí: Di tích lịch sử - văn hóa Tây Sơn Thượng đạo thuộc vùng rừng núi An Khê, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.

Đặc điểm: Quần thể Tây Sơn Thượng đạo gồm 6 di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Cuộc khởi nghĩa nông dân vĩ đại do anh em họ Nguyễn lãnh đạo bùng nổ năm 1771. Vùng núi rừng An Khê của Gia Lai trở thành căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa. Chính từ căn cứ Tây Sơn Thượng đạo ở An Khê, đại quân của cuộc khởi nghĩa đã tràn xuống đồng bằng cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Đống Đa lẫy lừng, quét sạch 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, giành lại độc lập cho tổ quốc. Đây là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử truyền thống đấu tranh yêu nước của nhân dân các dân tộc Gia Lai.

Các anh em nhà Tây Sơn mà tiêu biểu là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đã lập được mối quan hệ anh em giữa người Kinh và người Thượng, tập hợp được các dân tộc Bắc Tây Nguyên ở vùng Tây Sơn Thượng đạo như người Ba Na, Gia Rai vào cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Ngày 14/6/1991, quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo đã được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng di tích lịch sử văn hóa, quần thể gồm 6 di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của người Anh hùng áo vải Quang trung - Nguyễn Huệ: An Khê Đình, Gò Chợ, hòn đá Ông Bình, hòa đá Ông Nhạc, Vườn mít - Cánh đồng Cô Hầu, kho tiền - nền nhà ông Nhạc.


2. Chùa Bửu Nghiêm

Chùa Bửu Nghiêm

Địa chỉ: Đường Lý Thái Tổ, Thành phố Pleiku, Gia Lai

Vị trí: Đường Lý Thái Tổ, Thành phố Pleiku, Tỉnh Gia Lai. Chùa nằm ở đường Lý Thái Tổ cách chợ Mới khoảng 200 m về hướng tây.

Đặc điểm: Nơi thờ Phật và cũng là Văn phòng ban trị sự Phật giáo của tỉnh Gia Lai.


Chùa được xây dựng vào năm 1964 với diện tích 3.565m2. Chùa đã qua nhiều lần trùng tu, như năm 1978 trùng tu ngôi chánh điện. Gần đây nhất là lần trùng tu quy mô lớn vào năm 2004 do Hoà thượng Từ Hương phụ trách.

Cổng chùa gồm có cổng chính và cổng phụ. Cổng phụ bên trái của cổng chính. Riêng cổng chính có tam quan, cột cổng làm bằng bêtông, cửa được làm bằng sắt tương đối kiên cố. Trên tam quan có hai cặp câu đối, nền vàng chữ đỏ.

Toà tam bảo có kiến trúc ba tầng mái. Khuôn viên bên ngoài có hai tầng tháp hai bên, tháp bên phải bên trong có quả chuông nặng một tấn cao 1,60 m được đúc vào năm 1974. Trước là Phật Bà Quan Âm đứng giữa với chiều cao khoảng 2m làm cho khuôn viên chùa càng trở nên uy nghiêm. Tầng một chùa là nhà thờ tổ; nơi thờ Tổ Sư Đạt Ma cùng các Linh Nam và Linh Nữ. Tượng Phật Chuẩn đề Vương Bồ tát với 18 tay, được thờ ở vị trí chính giữa tầng. Trên tầng hai với một diện tích rất rộng là chánh điện thờ Phật Thích Ca, hai bên thờ Văn Thù và Phổ Hiền. Đây cũng là nơi giảng kinh thuyết pháp cho các phật tử mỗi khi đến ngày vía các chư Phật, các vị Tổ sư và ngày lễ của đất nước.

Chùa Bửu Nghiêm đã đóng góp nhiều công tác phật sự quan trọng cho phật giáo tỉnh nhà. Hiện tại do Đại đức Thích Quang Phúc trụ trì.


3. Nhà tù Pleiku

Nhà tù Pleiku

Địa chỉ: phường Diên Hồng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Vị trí: Nhà tù Pleiku thuộc phường Diên Hồng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Đặc điểm: Nhà tù Pleiku là nơi giam giữ tù chính trị dưới thời Pháp, Mỹ (trước 1975), nhiều hình thức tra tấn hiện đại và dã man được áp dụng tại Nhà lao này.

Di tích ở trung tâm Tp Pleiku, cách Bưu điện tỉnh Gia Lai khoảng 300m về phía nam, có thể đến Di tích bằng các loại phương tiện xe ôtô, môtô hoặc đi bộ.

Năm 1925, người Pháp cho xây cất Nhà lao Pleiku để giam giữ tù thường phạm, chủ yếu là người dân tộc. Đến năm 1940 phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc phát triển mạnh mẽ, lúc bấy giờ thực dân Pháp đã dùng nơi này để giam giữ những người yêu nước. Tháng 6/1948 chi bộ Nhà lao Pleiku được thành lập.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ vẫn sử dụng Nhà lao Pleiku làm nơi giam giữ tù chính trị, nhiều hình thức tra tấn hiện đại và dã man được áp dụng tại Nhà lao này, nhưng các chiến sĩ cộng sản bị giam giữ tại Nhà lao này vẫn giữ vững phẩm chất cách mạng, tiếp tục tham gia các phong trào đấu tranh trong Nhà lao,...

Ngày 15/3/1975, trước khí thế hừng hực sôi động của chiến dịch Tây Nguyên, vào lúc 17h tù chính trị tại nhà lao Pleiku đã phá ra ngoài và tổ chức một bộ phận ra vùng ven, đón một cánh quân ta từ ngã ba Trà Bá vào cùng quân dân địa phương giải phóng thị xã Pleiku.

Ngày 12/12/1994, Bộ Văn hóa – Thông tin đã Quyết định số 321/QĐ-BT công nhân di tích lịch sử: Nhà lao Pleiku.


4. Làng kháng chiến Stơr

Làng kháng chiến Stơr

Địa chỉ: thị trấn KBang, huyện KBang, tỉnh Gia Lai.

Vị trí: Làng kháng chiến Stơr thuộc thị trấn KBang, huyện KBang, tỉnh Gia Lai.

Đặc điểm: Làng Stơr và Anh hùng Núp đã thực sự trở thành biểu tượng của "Đất nước đứng lên" mà tiếng vang còn vòng đến tận Tây Bán cầu.

Cách thành phố Pleiku khoảng 70km về hướng đông, làng Stơr là nơi anh hùng Núp được sinh ra và lớn lên, tại đây anh Núp đã phát động và lãnh đạo bà con dân làng đứng lên đánh Pháp, mô hình "làng kháng chiến" từ chiến trường Gia Lai ra đời. Làng Stơr và Anh hùng Núp đã thực sự trở thành biểu tượng của "Đất nước đứng lên" mà tiếng vang còn vòng đến tận Tây Bán cầu.

Lịch sử Đảng bộ Gia Lai đã ghi: "Trước cách mạng tháng 8/1945, ông đã chỉ huy thanh niên Stơr tổ chức dân làng chiến đấu chống Pháp xâm lược gìn giữ núi rừng, buôn làng..., bằng những vũ khí đơn sơ như: Chông tre, bẫy đá, cung tên... đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, nêu tấm gương sáng chói cho các dân tộc Tây Nguyên noi theo, đứng lên chống giặc ngoại xâm, gìn giữ quê hương, đất nước. Từng tháng 9/1950 đến tháng 2/1951 quân Pháp đã tổ chức 10 cuộc hành quân đánh lên làng Stơr, có lần (12/1950) chúng đã sử dụng tới một lực lượng gồm 400 quân vây quét, suốt lúa, phá rẫy, đốt làng, quyết phá cho được dấu tích làng Stơr. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng và thôn trưởng Núp, dân làng Stơr đã dựa vào núi rừng hiểm trở, tổ chức đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch."

Cuộc đời cách mạng của ông đã trở thành thiên anh hùng ca bất tử, ông là người Tây Nguyên đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, là người được bạn bè quốc tế mến phục.

Ngày 23/3/1993, làng Stơr đã được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng di tích lịch sử văn hóa: Làng Kháng chiến Stơr.


5. Làng voi Nhơn Hòa

Làng voi Nhơn Hòa

Địa chỉ: xã Nhơn Hòa, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai,

Vị trí: Làng voi Nhơn Hòa thuộc xã Nhơn Hòa, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku khoảng 65km về phía nam, trên quốc lộ 14, Pleiku - Buôn Ma Thuột.

Đặc điểm: Thú vui khi được ngồi trên lưng voi, tận hưởng cảm giác lắc lư, bồng bềnh, du khách có dịp thưởng ngoạn không khí trong lành, thuần khiết của núi rừng trên dọc đường đi.

Voi ở Nhơn Hòa không phải được săn bắt ở rừng về rồi thuần dưỡng như ở Buôn Ðôn (Đắk Lắk) mà voi được người dân nơi đây mua lại từ Buôn Ðôn về sau khi chúng đã được thuần dưỡng để phục vụ sản xuất, kéo gỗ, chuyên chở hàng hoá... Khác với trâu, bò hay các loại gia súc, gia cầm khác được nuôi thả trong nhà, trong vườn, trong chuồng..., voi được nuôi cột trong rừng bằng xích sắt, không chuồng trại, tự kiếm ăn trong phạm vi bán kính dây xích cột cho phép. Chỉ đến khi có nhu cầu, nài voi (người chủ của voi) mới tới dẫn đi.

Chặng nghỉ chân trong rừng của du khách là dưới chân thác La Nhí - một thác nước tự nhiên đẹp với độ cao cột nước hơn 50m. Tại đây du khách dùng bữa trưa, đắm mình đùa giỡn dưới làn nước xanh mát, hay thư giãn và nghỉ ngơi dưới tán rừng...trước khi lên lưng voi trở về điểm xuất phát.


6. Làng Đê K’Tu

Làng Đê K’Tu

Địa chỉ: xã Kong Dong, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.

Vị trí: Thuộc xã Kong Dong, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.

Đặc điểm: Làng Đê K'Tu có chừng 100 hộ với gần 500 khẩu đồng bào dân tộc Ba Na, định canh định cư ở đây từ lâu.

Làng Đê K'Tu không những có màu xanh của ruộng lúa, nương ngô, đường làng sạch đẹp mà còn có những nét đẹp văn hóa truyền thống bản làng được gìn giữ và phát huy. Vào cổng làng, chúng ta gặp ngay nhà rông cao sừng sững, uy nghi, thể hiện ý chí, sức mạnh phi thường của cộng đồng văn hóa người Ba Na và được coi là đẹp nhất ở Gia Lai. Làng còn lưu giữ được 2 bộ cồng chiêng, mỗi bộ có 18 chiếc, vang dền âm thanh núi rừng trong các ngày hội. Các loại đàn dân tộc như Tơ rưng, Goong... được cất giữ tại nhà rông để lưu truyền cho các thế hệ sau.



Điểm tham quan du lịch khác tại Gia Lai



Cẩm Nang Du Lịch Gia Lai