Điểm tham quan tại Ninh Bình

I. Du lịch văn hóa - Di tích lịch sử Ninh Bình



1. Chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính

Địa chỉ: thôn Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình

Vị trí: Tọa lạc tại vùng đồi núi thuộc thôn Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 12km và cách cố đô Hoa Lư 5km, bên cạnh khu Du lịch Sinh thái Tràng An.

Đặc điểm: Chùa Bái Đính là một trong những ngôi chùa lớn nhất Việt Nam với kiến trúc hoành tráng, đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc Á Đông.

Khu quần thể kiến trúc phật giáo Chùa Bái Đính có diện tích rộng 700ha, bên trên triền núi Bái Đính, các hạng mục kiến trúc có kết cấu mô phỏng ban thờ Phật trong một ngôi chùa truyền thống. Các hạng mục xây dựng trên địa hình từ thấp lên cao, 5 cấp theo đường chính đạo: Tam quan nội, tháp chuông, điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, điện thờ Pháp Chủ và trên cùng là tòa Tam Thế.

Chùa Bái Đính không chỉ là nơi thu hút nhiều tăng ni phật tử khắp nơi mà còn là điểm đến thu hút nhiều du khách hành hương, vãn cảnh.


2. Chùa Nhất Trụ

Chùa Nhất Trụ

Địa chỉ: hôn Yên Thành, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình,

Vị trí: thôn Yên Thành, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách đền thờ Vua Lê Đại Hành khoảng hơn 100m về phía bắc.

Đặc điểm: có cột kinh Phật bằng đá được xếp hạng Bảo vật quốc gia.

Tọa lạc trong khuôn viên rộng hơn 3.000m2, thuộc quần thể Khu di tích Cố đô Hoa Lư, chùa Nhất Trụ được xây dựng từ thời Tiền Lê với kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, bao gồm: chính điện, nhà tổ, phòng khách, nhà ăn, tháp mai táng hài cốt các vị sư trụ trì… Mái chùa cong, lợp ngói nam, trên nóc trang trí rồng chầu. Chính điện chùa có kết cấu kiểu vì kèo trụ chung, kẻ góc, các đầu trụ chạm nổi hình rồng đao mác, mang phong cách chạm khắc thời Lê. Bên trong chính điện có 4 hàng tượng Phật được sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Bên cạnh đó là các bức mê được trang trí hoa lá cách điệu, lá lật, vân xoắn, hoa sen, đường triện, kẻ chỉ.

Tháng 12/2015, cột kinh Phật chùa Nhất Trụ đã trở thành hiện vật đầu tiên của Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Đây là hiện vật độc bản, có giá trị độc đáo về loại hình, hình dáng kết cấu, kích thước, có ý nghĩa lịch sử văn hóa to lớn, là tài liệu nghiên cứu khảo cổ học quan trọng, tư liệu vật chất phản ánh một thời kỳ hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Với những giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt, chùa Nhất Trụ đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1998.


3. Đền vua Lê

Đền vua Lê

Địa chỉ: Trường Yên Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Vị trí: Đền vua Lê ở làng Trường Yên Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Đặc điểm: Đền vua Lê thờ vua Lê Ðại Hành.

Cách đền vua Ðinh chừng 500m là đến đền thờ vua Lê Ðại Hành. Ðền nằm ở làng Trường Yên Hạ nên còn gọi là đền Hạ. Ðền soi bóng xuống mặt nhánh sông Hoàng Long. Trước mặt đền là núi Ðèn, sau lưng là núi Ðìa. Ðền được xây theo kiểu "nội công ngoại quốc" nhưng qui mô nhỏ hơn đền vua Ðinh. Qua Nghi môn ngoại (cửa ngoài) theo đường chính đạo lát gạch, phía bên trái là một hòn non bộ lớn, cao 3m tượng hình chim phượng múa, mỏ quay vào đền, hai cánh như đang bay.

Ðiều đặc biệt ở đền thờ vua Lê Ðại Hành là nghệ thuật chạm khắc gỗ ở thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Ðền được xây dựng để tỏ lòng biết ơn của nhân dân đối với ông vua đã có công lớn lao trong việc xây dựng đất nước vào thế kỷ thứ 10.


4. Chùa Bích Động

Chùa Bích Động

Địa chỉ: thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Vị trí: Chùa tọa lạc tại thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Đặc điểm: Chùa được xây dựng theo kiểu chữ “Tam” trên sườn núi Bích Động.

Năm 1705, có hai vị hoà thượng, pháp danh là Trí Kiên và Trí Thể, quê ở Đông Xuyên, thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định gặp nhau kết nghĩa làm anh em. Hai nhà sư đều có lòng mộ đạo, muốn đi nhiều nơi để truyền bá đạo Phật và xây dựng các ngôi chùa. Đến đây, thấy núi Bích Động có địa thế tuyệt đẹp và đã có chùa, nên hai nhà sư quyết định dừng chân, tự mình sửa sang chùa cũ, đi quyên giáo xây dựng lại thành 3 ngôi chùa: Hạ, Trung và Thượng để tu hành.

Bích Động là một ngôi chùa cổ, dáng nét trang nghiêm mang đậm tính phương Đông. Núi, động và chùa đan quyện, hài hòa lại ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh biếc làm cho cảnh trí ở đây càng thêm thâm nghiêm, huyền hoặc.


5. Đền Thái Vy

Đền Thái Vy

Địa chỉ: thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Vị trí: Đền Thái Vy được xây dựng ở phía tây thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Đặc điểm: Đền thờ Trần Nhân Tông, hoàng hậu Thuận Thiên và Trần Thánh Tông - ông vua có công rất lớn đối với làng Văn Lâm.

Đền Thái Vy được xây dựng theo kiểu ''nội công, ngoại quốc''. Trước đền có giếng Ngọc xây bằng đá xanh. Qua nghi môn phía bên phải là gác chuông hai tầng, tám mái, xây theo kiểu chồng diêm. Gác chuông làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, các đầu đao cong vút như đuôi chim phượng. Bên hông có quả chuông đúc năm 1698.Từ sân rồng bước theo các bậc đá có độ cao 1,2m là đến Ngũ Đại môn (5 cửa lớn), có 6 cột đá tròn song song đều được chạm khắc nổi chầu và chính điện. Qua 5 cửa lớn là đến Bái Đường 5 gian uy nghi cũng có 6 cột đá vuông chạm khắc câu đối ở mặt ngoài, các mặt khác chạm khắc nổi: long, ly, quy, phượng, cá chép hoá long.


6. Đền vua Đinh

Đền vua Đinh

Địa chỉ: Trường Yên Thượng, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Vị trí: Đền vua Đinh ở làng Trường Yên Thượng, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Đặc điểm: Đền vua Đinh thờ vua Đinh Tiên Hoàng.

Ðền toạ lạc trên khuôn viên diện tích chừng 5ha, thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Ðền được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 17, theo kiểu "nội công, ngoại quốc". Lớp ngoài là Ngọ môn quan (cổng ngoài) có 3 gian lợp ngói. Qua một sân ngắn vào đến lớp thứ hai là đến Nghi môn (cổng trong) 3 gian dựng bằng gỗ lim kiến trúc theo 3 hàng chân cột. Bốn góc ngoài của Nghi môn nội có xây bốn cột trụ cao. Ði hết chính đạo, qua hai cột trụ lớn là đến sân rồng. Giữa sân rồng có một long sàng bằng đá xung quanh chạm nổi, dài 1,8m, rộng 1,4m. Hai bên sập rồng có 2 con nghê đá chầu, được tạc trên hai tảng đá xanh nguyên khối đẹp.

Ðền Ðinh Tiên Hoàng là một kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17 - 19. Ðền vua Ðinh nằm giữa các tán cây đại thụ, các vườn cây ăn quả, cây cảnh đan xen nhau càng tạo nên vẻ bề thế, hoành tráng tôn nghiêm của ngôi đền.


7. Thành phố Ninh Bình

Thành phố Ninh Bình

Thành phố Ninh Bình phía bắc và phía tây giáp huyện Hoa Lư, phía nam và đông nam giáp huyện Yên Khánh, phía đông bắc giáp huyện Ý Yên (Nam Định).

Với vị trí nằm chính giữa các tuyến điểm du lịch lớn, giao thông thuận tiện đồng thời việc hình thành nhiều công trình du lịch và khu dịch vụ mới, thành phố Ninh Bình mang đặc trưng của một thành phố du lịch.

Thành phố Ninh Bình vốn xưa là trấn lỵ Vân Sàng của đất Thanh Hoa ngoại, mà trung tâm là làng Đại Đăng, đất kho cũ của nhà Lê. Theo các tài liệu địa lý, lịch sử cũ, dưới triều Nguyễn, năm Gia Long thứ 13 (1814), thành tỉnh Ninh Bình được xây dựng bằng gạch khá kiên cố: Chu vi 393 trượng, 9 thước; tường thành cao 9 thước, thành có 3 cửa: Cửa Trung phía đông, Cửa Tả phía tây, Cửa Hữu phía bắc. Trong thành, trung tâm là Nha môn quan lãnh binh; lại có cả nhà ngục để giam giữ những kẻ phạm tội. Bên ngoài thành, phía trước (phía đông) và bên trái, đều có hào rộng 4 thước, sâu 8 thước, phía sau và bên phải có sông (tức sông Vân Sàng và sông Đáy), núi hộ thành (núi Dục Thuý) làm tường thành bảo vệ.

Thành phố Ninh Bình là đô thị giàu tiềm năng du lịch văn hoá, giải trí, ẩm thực, hội nghị và thể thao. Thành phố nằm chính giữa trung tâm của các khu du lịch nổi tiếng với bán kính chưa đầy 30km như khu hang động Tràng An (huyện Hoa Lư), Tam Cốc – Bích Động, VQG Cúc Phương, nhà thờ Phát Diệm, cố đô Hoa Lư, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, hồ Đồng Thái…

Trung tâm thành phố có nhiều danh thắng và di tích nổi tiếng như núi Non Nước, hồ Kỳ Lân, núi Cánh Diều (Ngọc Mỹ Nhân), bảo tàng Ninh Bình; đền thờ Trương Hán Siêu... Biểu tượng du lịch của thành phố Ninh Bình là hình ảnh "núi Thuý, sông Vân".

Nằm ở vị trí trung tâm vùng cửa ngõ miền Bắc, cách Hà Nội 93km, thành phố Ninh Bình có quốc lộ 1A xuyên Việt và quốc lộ 10 đi các tỉnh duyên hải Bắc Bộ tới Quảng Ninh. Ga Ninh Bình và bến xe khách Ninh Bình đều nằm ở trung tâm thành phố. Khoảng cách từ trung tâm thành phố tới 7 huyện lỵ khác đều dưới 30 km.


8. Cố đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư

Địa chỉ: Xã Trường Yên, Huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Vị trí: Xã Trường Yên, Huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Đặc điểm: Về thăm lại đất Hoa Lư lịch sử là dịp để chúng ta chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc, những nét đẹp hoành tráng của toàn bộ khu di tích, ghi dấu thời kỳ mở nước huy hoàng, độc lập, tự chủ của đất nước Đại Cồ Việt từ ngàn năm về trước..

Kể từ năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế ở Hoa Lư thì kinh đô Hoa Lư tồn tại 41 năm (968 - 1009) trong đó 12 năm là triều đình đại Đinh (Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt) và 29 năm kế tiếp là triều đại Lê (người đầu tiên là Lê Hoàn lên ngôi Hoàng Đế hiệu là Lê Đại Hành).

Hơn ngàn năm trước, Hoa Lư là đế đô thật nguy nga, tráng lệ. Những núi đồi trùng điệp xung quanh vòng đai kinh đô như tấm bình phong; sông Hoàng Long uốn khúc và cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn mênh mông là hào sâu thiên nhiên rất thuận lợi về mặt quân sự.

Khu thành Hoa Lư có quy mô rộng lớn, có nhiều tuyến liên hoàn, rộng đến 300ha. Thành gồm hai khu là khu trong và khu ngoài, thông với nhau bằng một lối đi nhỏ hẹp và hiểm trở. Mỗi khu gồm có nhiều vòng, nhiều tuyến nhỏ. Theo truyền thuyết, cung điện được xây ở thành ngoài. Ở phía Đông có lối đi chính vào thành.

Đến năm 1010 Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Kinh đô Hoa Lư trở thành cố đô.

Ngày nay trên nền cung điện năm xưa là hai ngôi đền cách nhau chừng 500m. Một đền thờ Đinh Tiên Hoàng và một đền thờ Lê Đại Hành. Cũng vì hai ngôi đền thờ hai vị hoàng đế rất gần nhau nên nhân dân quen gọi là đền Đinh - Lê.


9. Nhà thờ Phát Diệm

Nhà thờ Phát Diệm

Địa chỉ: , Thị trấn Phát Diệm, Huyện Kim Sơn, Ninh Bình

Vị trí: Nhà thờ Phát Diệm thuộc thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Đặc điểm: Là nhà thờ mang đậm kiến trúc phương Đông.

Nhà thờ Phát Diệm cách Hà Nội 120km về phía nam, được xây dựng vào những năm 1875 - 1898. Phát Diệm có nghĩa là phát sinh ra cái đẹp, tên Phát Diệm do Nguyễn Công Trứ đặt. Nhà thờ được xây dựng trong suốt thời gian 24 năm liên tục, với trình độ kỹ thuật và điều kiện giao thông của những năm cuối thế kỷ 19 thì chỉ việc vận chuyển hàng nghìn tấn đá, có những phiến nặng 20 tấn, hàng trăm cây gỗ lim về tới Phát Diệm để xây nhà thờ cũng là một kỳ công. Kim Sơn vốn là vùng đất mới khai khẩn, trước đây rất lầy lội, để xử lý độ lún của khu đất trước khi xây dựng người ta đã chuyển cả một quả núi nhỏ cách 40km về Phát Diệm, khách về thăm nhà thờ còn thấy núi Sọ, đấy chính là một phần của trái núi đã được dân rời về Phát Diệm.

Ðây là một quần thể kiến trúc phương Ðông gồm có (từ hướng nam đi vào): Ao hồ, Phương Ðình, Nhà thờ lớn với bốn nhà thờ cạnh ở hai bên, ba hang đá nhân tạo, nhà thờ đá.

Phương Ðình là khu vực đầu tiên trong quy hoạch kiến trúc của nhà thờ Phát Diệm. Ðây là một công trình kiến trúc cao 25m, rộng 17m, dài 24m gồm ba tầng được xây dựng bằng đá phiến, lớn nhất là tầng dưới cùng được xây dựng bằng đá xanh. Nghệ thuật xây dựng Phương Ðình rất đáng khâm phục, với kỹ nghệ thủ công những người thợ địa phương đã ghép những phiến đá nặng hàng nghìn cân, mức độ chính xác rất cao. Các vòm cửa bằng đá được lắp ghép đến trình độ tinh xảo. Giữa Phương Ðình đặt một sập làm bằng đá nguyên khối, phía ngoài và bên trong là những bức phù điêu được khắc chạm trên đá hình ảnh chúa Jêsu và các vị thánh rất đẹp với những đường nét thanh thoát. Tầng thứ hai của Phương Ðình treo một trống lớn. Tầng ba treo một quả chuông cao 1,4m, đường kính 1,1m, nặng gần 2000 kg, quả chuông lớn ở Phương Ðình được đúc vào năm 1890. Mái của Phương Ðình có năm vòm, bốn vòm ở bốn góc thấp hơn, vòm cao nhất là vòm ở giữa tầng ba. Mái của Phương Ðình ở nhà thờ Phát Diệm không cao vút kiểu ngọn tháp như những nhà thờ khác mà là mái cong thấp cổ kính như mái đình, mái chùa.

Nhà thờ lớn: Nhà thờ lớn là nhà thờ chính được xây dựng năm 1891, có năm lối vào vòm đá được chạm trổ. Nhà thờ lớn dài 74m, rộng 21m, cao 15m, có bốn mái. Trong nhà thờ có 6 hàng cột gỗ lim nguyên khối, hai hàng cột giữa cao tới 11m, chu vi 2,35m, mỗi cột nặng khoảng 10 tấn.

Gian thượng của thánh đường có một bàn thờ lớn làm bằng một phiến đá nguyên khối dài 3m, rộng 0,9m, cao 0,8m, nặng khoảng 20 tấn. Mặt trước và hai bên được chạm trổ các loài hoa đặc trưng của bốn mùa làm cho bàn thờ như được phủ một chiếc khăn màu thạch sáng. Hai phía bên nhà thờ có bốn nhà thờ nhỏ được kiến trúc theo một phong cách riêng.

Nhà thờ đá: nhà thờ đá còn được gọi là nhà thờ dâng kính trái tim Ðức Mẹ. Gọi là nhà thờ đá vì tất cả mọi thứ ở nhà thờ này đều được làm bằng đá, từ nền, tường, cột, chấn song cửa... Phía trong được chạm nhiều bức phù điêu đẹp, đặc biệt là bức chạm tứ quý: tùng, mai, cúc, trúc, tượng trưng cho thời tiết và vẻ đẹp riêng của bốn mùa trong một năm. Ðường nét khắc họa những con vật như sư tử, phượng sống động đến lạ thường.

Hang đá nhân tạo: ở phía bắc khu nhà thờ Phát Diệm có 3 hang đá được tạo bằng những khối đá lớn nhỏ khác nhau giữ nguyên dáng vẻ tự nhiên. Trong đó, hang Lộ Ðức là đẹp nhất

Nhà thờ Phát Diệm, một công trình kiến trúc độc đáo có một không hai ở Việt Nam Các công trình kiến trúc nguy nga, tráng lệ nhưng hài hòa với cảnh vật thiên nhiên, mang đậm phong cách kiến trúc Á Đông.



Điểm tham quan du lịch khác tại Ninh Bình



Cẩm Nang Du Lịch Ninh Bình