Quảng Ngãi



Điểm tham quan tại Quảng Ngãi


1. ĐẢO LÝ SƠN


Địa chỉ: , Quảng Ngãi

Vị trí: nằm về phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý (khoảng 24km).

Đặc điểm: giữ một vị trí chiến lược trên vùng biển Đông Việt Nam, chứa đựng tiềm năng du lịch và những tư liệu quý về Hoàng Sa.

Với diện tích tự nhiên gần 999km2, tổng chiều dài đường bờ biển trên 25km, đảo Lý Sơn gồm một đảo Lớn (Cù Lao Ré) và một đảo Bé (Cù Lao Bờ Bãi), cách nhau khoảng 1,67 hải lý. Theo các nhà địa chất, hòn đảo này được hình thành cách đây vài triệu năm do vận động phun trào nham thạch của các núi lửa đã phủ lên nền những nếp gấp tạo sơn, nâng những lớp đá trầm tính nhô khỏi mặt nước biển. Chính các lớp trầm tính nền đảo và san hô phát triển trên bề mặt do tác động xâm thực của nước biển trong thời kỳ biển tiến là cơ sở cho việc hình thành nhiều hang động cổng đá. Còn vết tích của núi lửa là những khối nham thạch nhiều hình dạng chưa kịp phân hủy, cũng như lớp đất đỏ bazan màu mỡ phủ hầu hết khắp đảo, tạo điều kiện cho sự đa dạng và tươi tốt của hệ thực vật che phủ.

Đảo Lý Sơn gồm năm ngọn núi vươn lên giữa biển, khum khum như những bếp than đá khổng lồ đã tắt. Đứng trên một trong số các đỉnh núi này nhìn xuống, du khách sẽ choáng ngợp bởi xung quanh là cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ với một bên là vách núi sừng sững, một bên là trời biển trong xanh; thu tầm ngắm lại một chút là những cánh đồng tỏi, hành xanh mơn mởn. Lý Sơn còn là nơi lý tưởng để khám phá hệ sinh vật biển phong phú, đa dạng với những đàn cá tung tăng bơi lội hay những dải san hô sặc sỡ sắc màu…


2. BÃI BIỂN SA HUỲNH


BÃI BIỂN SA HUỲNH

Địa chỉ: , Xã Phổ Thạnh, Huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi

Vị trí: Bãi biển nằm sát quốc lộ 1A, ở cây số 985, thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Đặc điểm: Bãi biển rất thuận tiện cho du khách đến nghỉ ngơi, tham quan, có motel để du khách dừng chân nghỉ rồi tiếp tục hành trình.

Từ Hà Nội du khách có thể đi ô tô hoặc xe lửa để tới Sa Huỳnh. Nếu đi xe lửa, tàu sẽ dừng tại ga Sa Huỳnh ở cây số 985. Bãi biển nằm sát quốc lộ 1A, thật là một điểm du lịch lý tưởng. Chính vì vậy ngành Du lịch đã cho xây dựng motel Sa Huỳnh để đón du khách dừng chân nghỉ lại đôi, ba ngày tắm biển cho lại sức, rồi tiếp tục hành trình. Nếu đi đường biển, du khách có thể xuất phát từ cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn hay bất cứ cảng nào thuận tiện cho du khách rồi cập bến cảng Sa Huỳnh.


3. NÚI THIÊN ẤN VÀ SÔNG TRÀ KHÚC


NÚI THIÊN ẤN VÀ SÔNG TRÀ KHÚC

Địa chỉ: xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Vị trí: Thiên Ấn là ngọn núi nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Đặc điểm: Núi cao 100m, tựa hình một chiếc ấn, bốn phía sườn có hình thang cân. Giữa thiên nhiên thoáng đãng, ngọn núi như chiếc ấn của trời cao niêm cạnh dòng sông xanh nên người xưa gọi là Thiên Ấn Niêm Hà.

Trên đỉnh núi có ngôi chùa cổ nằm dưới bóng cây cổ thụ, được Chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch vào năm 1716. Cũng trên đỉnh núi còn có một khu bảo tháp gìn giữ thi hài các vị sư tổ trụ trì và mộ nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947).

Núi Thiên Ấn là đệ nhất thắng cảnh và là "núi thiêng" của người Quảng Ngãi. Năm 1990 núi Thiên Ấn - chùa Thiên Ấn - mộ cụ Huỳnh đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích quốc gia.


4. THÀNH CHÂU SA


THÀNH CHÂU SA

Địa chỉ: xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Vị trí: Thành Châu Sa thuộc thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Đặc điểm: Châu Sa là một thành cổ của người Chăm cổ xưa được đắp bằng đất. Theo các nhà nghiên cứu, Châu Sa là thành bằng đất duy nhất của người Chăm đã tìm thấy được.

Ở Quảng Ngãi có một thành cổ của người Chăm. Thành cổ này có tên là thành Ðại La hay thành Châu Sa (vì nằm ở làng Châu Sa, nay là xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh) cách trung tâm thị xã khoảng chừng 7km về hướng đông bắc.

Nếu như Ðồng Dương ở Quảng Nam là Kinh đô của người Chăm thế kỷ thứ 9, 10 thì Châu Sa là thành lũy kiên cố và cũng là "trung tâm kinh tế" ở vùng phía nam. Hiện dấu tích chỉ còn 3km, bờ thành rộng 4m, chiều cao 6m, chu vi chừng 4km được đắp bằng đất. Theo các nhà nghiên cứu, Châu Sa là thành bằng đất duy nhất của người Chăm đã tìm thấy được.

Khuôn viên của thành được bao bọc bởi những bờ hào khá sâu. Thành còn có hai gọng thành (gọi là càng cua) nối thành nội với sông Trà (người Chăm rất giỏi thuỷ chiến nên thường xây dựng thành quách ở gần những con sông lớn). Châu Sa là địa điểm có nhiều ưu thế về phòng thủ nên được các nhà quân sự chọn làm điểm xây thành. Nơi đây vẫn còn sót lại những hào thành có hình bàn cờ nổi với Cổ Lũy vốn là tiền đồn của người Chăm. Vào những đêm tối trời chỉ cần đốt lên một ngọn lửa ở đây là quan quân ở thành Châu Sa sẽ nhận ra tín hiệu cấp báo có quân giặc tới.


5. BÃI BIỂN MỸ KHÊ (Ở QUẢNG NGÃI)


BÃI BIỂN MỸ KHÊ (Ở QUẢNG NGÃI)

Địa chỉ: xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi

Vị trí: Bãi biển Mỹ Khê thuộc thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi, cách thành phố Quảng Ngãi 12km về phía đông.

Đặc điểm: Mỹ Khê là bãi tắm lý tưởng với không gian mênh mông, bãi cát mịn, thoải, được che chắn kín đáo, chạy dài 7km, phía sau là rừng dương xanh thẳm, bên cạnh là con sông Kinh.

Bãi biển Mỹ Khê nằm trên quốc lộ 24B, cách cảng Dung Quất 16km và gần cảng Sa Kỳ, cách khu chứng tích Sơn Mỹ 3km, bên cạnh là con sông Kinh mang vị ngọt của thượng nguồn đổ về và vị mặn của biển đem lại nhiều đặc sản biển phong phú.

Hàng năm du khách đến bãi biển Mỹ Khê ngày càng đông. Ngoài việc nghỉ ngơi, tắm biển và hít thở bầu không khí trong lành, du khách còn có dịp thăm quan tưởng niệm khu chứng tích chiến tranh Sơn Mỹ. Tỉnh Quảng Ngãi đã có qui hoạch tổng thể khu du lịch Mỹ Khê với diện tích 342ha để xây dựng các khu vui chơi, giải trí và nghỉ ngơi như khách sạn Mỹ Khê, khu camping dành làm nơi cắm trại.


6. CHÙA THIÊN ẤN


CHÙA THIÊN ẤN

Địa chỉ: xã Tịnh Ấn Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi,

Vị trí: Núi Thiên Ấn, xã Tịnh Ấn Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, cách TP. Quảng Ngãi khoảng 4km về phía đông.

Đặc điểm: Đây là một trong những ngôi chùa cổ của Quảng Ngãi.

Từ chân cầu Trà Khúc khoảng 20 nhịp, đi theo con đường về phía Cổ Lũy khoảng 2km, du khách sẽ gặp lối đi lên chùa Thiên Ấn. Chùa được khởi công xây dựng vào năm 1694 và hoàn thành vào cuối năm 1695. Đến năm 1716, chùa được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho biển ngạch "Sắc tứ Thiên Ấn tự". Chùa được trùng tu vào các năm 1717, 1827, 1910, 1918, 1959, 1992-1993.

Ban đầu, chùa chỉ là một thảo am, sau đó được mở rộng và đã thu hút nhiều tăng ni phật tử khắp nơi về tu hành. Sư tổ đầu tiên trụ trì chùa là thiền sư Pháp Hóa (1670 – 1754), tục danh Lê Diệt, hiệu Minh Hải Phật Bảo, thuộc dòng thiền Lâm Tế.

Chùa Thiên Ấn có kiến trúc đơn giản, nhà phương trượng của chùa được xây dựng theo kiểu nhà rường. Chùa nằm trên một thế đất thiêng trong tâm tưởng của người dân Quảng Ngãi, đó là đỉnh núi Thiên Ấn. Đứng ở sân chùa, du khách có thể quan sát được cả không gian bao la, rộng lớn xung quanh, đặc biệt là dòng sông Trà Khúc hiền hòa, thơ mộng. Trong khuôn viên chùa có một giếng cổ sâu đến hơn 50 thước, nước trong và ngọt. Tương truyền, sau khi dựng chùa xong, thấy hiếm nước, sư tổ chùa đã tự mình đào giếng suốt 20 năm. Đào xong thì sư mất nên giếng được gọi là Giếng Phật. Trong chùa còn có quả chuông lớn (tục gọi là Chuông Thần), được thỉnh về từ làng đúc đồng Chí Tượng (nay là xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) vào năm 1845. Hiện nay, chuông được treo ở bên trái chính điện của chùa.


7. NÚI RĂNG CƯA


NÚI RĂNG CƯA

Địa chỉ: xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.

Vị trí: Thuộc xã Trà Hiệp, hơi chếch về phía tây bắc huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.

Đặc điểm: Núi Răng Cưa nổi tiếng không chỉ vì độ cao mà chính là vì hình dạng độc đáo như tên gọi của nó.

Về Trà Bồng nói đến núi Răng Cưa thì dân Cor nơi đây ai ai cũng biết. Núi Răng Cưa bên cạnh phía bắc huyện Trà Mi của tỉnh Quảng Nam láng giềng. Núi Răng Cưa nổi tiếng không chỉ vì độ cao mà chính là vì hình dạng độc đáo của nó.

Núi Răng Cưa lại gắn với huyền thoại và như một hình ảnh tiêu biểu của thiên nhiên nơi đây: lớp lớp núi đồi lớm chởm, sông suối chia cắt vùng đất một cách bạo liệt. Nhìn núi Răng Cưa, người ta thấy ngay được đặc điểm của cả vùng sông núi Trà Bồng, cũng như đến Trà Bồng, hình ảnh đập ngay vào mắt, rất ấn tượng, chính là núi Răng Cưa.


8. CHÙA ÔNG


CHÙA ÔNG

Địa chỉ: xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi

Vị trí: Chùa Ông thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, cách thành phố Quảng Ngãi 10km về hướng đông.

Đặc điểm: Chùa Ông còn gọi là chùa Quan Thánh tự thờ ba vị: Quan Công, Chu Thượng và Quan Bình.

Tọa lạc trong khuôn viên rộng 2.730m2, gồm vườn chùa, tam quan, sân chùa và chùa, được bao bọc bằng vòng thành cao 1,2m, dày 50cm kết cấu bằng tam hợp chất và gạch đá.

Chùa Ông do cộng đồng người Hoa sống tại Quảng Ngãi, thuộc tộc họ Minh Hương (dòng Phúc Kiến - Trung Quốc) đứng ra xây dựng vào cuối thể kỷ 18. Kiến trúc của chùa thèo hình chữ tam, nóc trang trí hình chim phượng. Chùa được trùng tu 4 lần năm 1920, 1951, 1991 và 1994, kiến trúc của chùa vẫn giữ nguyên vẹn như xưa theo thứ tự: tam quan, bình phong, biểu trụ, lầu trống, chuông và chùa.

Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo được xây dựng công phu và đẹp. Tất cả các câu đầu, đòn bẩy, xà ngang chạm trổ hình người, hoa lá, cỏ cây sinh động. Khám thờ Quan Công bằng gỗ được chạm khắc công phu, tỉ mỉ toát lên vẻ uy nghiêm thần bí. Trong chùa còn giữ nhiều di vật nhiều pho tượng cổ quí giá.


9. DI CHỈ KHẢO CỔ GIAI ĐOẠN 'HẬU KỲ ĐỒ ĐÁ MỚI'


DI CHỈ KHẢO CỔ GIAI ĐOẠN 'HẬU KỲ ĐỒ ĐÁ MỚI'

Địa chỉ: huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.

Vị trí: Di chỉ khảo cổ Nà Niêu thuộc huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.

Địa điểm: Tại đây đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị, là những tư liệu quý về giai đoạn "hậu kỳ đồ đá mới" ở khu vực Nam Trung Bộ.

Trong một đợt đi điền dã, các cán bộ Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi đã đào thám sát một số điểm tại thung lũng Nà Niêu, huyện Trà Bồng và phát hiện nhiều hiện vật giá trị. Đây là những tư liệu quý về giai đoạn "hậu kỳ đồ đá mới" ở khu vực Nam Trung Bộ.

Từ lâu, tại thung lũng Nà Niêu (cách thị xã Quảng Ngãi khoảng 100km về phía tây bắc), có tin đồn rằng một số đồng bào dân tộc Cơ Ho đã nhặt được "búa trời" cùng nhiều loại đá quý khác. Nhiều người dân đã mài các "búa trời" này để sắc nước uống mỗi khi đau ốm. Cũng theo dân địa phương, phía thượng nguồn sông Tang - một trong ba con sông trong vùng - có một hang động lớn, các vách đá bên trong cửa hang có khắc nhiều hình thù kỳ dị...

Nhận được thông tin trên, các cán bộ nghiên cứu đã tiến hành các cuộc điền dã đào nhiều hố thám sát dọc sông Nước Niêu. Qua cuộc điền dã đoàn phát hiện tại nhà ông Hồ Văn Quyền (thôn Nà Niêu), đang giữ hai chiếc rìu đá. Một chiếc thuộc dạng rìu vai, được chế tác từ chất liệu đá lửa có màu nâu đỏ. Chiếc còn lại là loại rìu vai xuôi, lưỡi sắc, bị mẻ nhiều chỗ. Một số cổ vật khác như khuyên tai bằng đá, cuốc vai xuôi, cũng được tìm thấy tại nhà các ông Hồ Văn Ôn, Hồ Văn Thanh (cùng thôn Nà Niêu).

Sau lần khảo sát đầu, đoàn đã quyết định đào thêm một số hố thám sát. Hiện vật tìm thấy lần này khá phong phú như: gốm, rìu vai, phác vật rìu, bàn mài, cuội lăn gốm... Tuy nhiên, rìu đá phát hiện lần này được làm bằng ngọc thạch, có kích cỡ lớn. Đặc biệt, khi đào đến hố thám sát thứ 3, đoàn đã tìm thấy kiềng đồng và các phác vật công cụ bằng đá cuội xám. Tại hố thám sát thứ 5 là rìu nằm lẫn với gốm. Nhìn chung các hiện vật đá đều xuất hiện ở độ sâu từ 40cm đến 65cm. Theo đánh giá của ông Đoàn Ngọc Khôi, cán bộ bảo tàng, di chỉ khảo cổ này có mối liên hệ mật thiết với văn hóa Biển Hồ vùng Tây Nguyên, cũng như với di chỉ tiền Sa Huỳnh ở Long Thạnh.

Di chỉ hậu kỳ đá mới ở Nà Niêu có niên đại cách đây khoảng 4.000 - 4.500 năm. Phát hiện này sẽ giúp cho các nhà khảo cổ có thêm một địa chỉ để nghiên cứu giai đoạn tiền Sa Huỳnh ở Nam Trung Bộ và Quảng Ngãi.


10. DI TÍCH LỊCH SỬ SƠN MỸ


DI TÍCH LỊCH SỬ SƠN MỸ

Địa chỉ: xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Vị trí: Di tích lịch sử Sơn Mỹ nằm trên địa bàn xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Đặc điểm: Sơn Mỹ là nơi đã ghi lại tội ác dã man của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam. Ngày 16/3/1968, lính Mỹ đã giết hại hàng trăm dân thường vô tội ở đây trong một cuộc hành quân huỷ diệt.

Di tích vụ thảm sát Sơn Mỹ gồm địa điểm thứ nhất ở xóm Thuận Yên (nay là xóm Khê Thuận), nơi lính Mỹ đã giết 47 người thuộc thôn Tư Cung. Ðịa điểm thứ hai ở xóm Mỹ Hội (nay là xóm Khê Hội), nơi lính Mỹ đã giết hại 97 người thôn Cổ Lũy.

Di tích vụ thảm sát Sơn Mỹ cách thành phố Quảng Ngãi 13km về phía đông bắc. Ngày 16/3/1968, một cuộc hành quân huỷ diệt dã man chưa từng thấy, được quân xâm lược Mỹ mưu tính và thực hiện, đánh vào người dân Sơn Mỹ vô tội không một tấc sắt trong tay. Với chủ trương: đốt sạch, phá sạch, giết sạch chúng đã biến nơi này thành vùng đất chết. Vụ thảm sát Sơn Mỹ là đỉnh cao trong muôn vàn tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, bị cả loài người lên án. Khu di tích vụ thảm sát Sơn Mỹ là một tổng thể các địa điểm nơi ghi dấu tội ác của giặc Mỹ đối với đồng bào ta:

Khu chứng tích Sơn Mỹ, diện tích 2,4ha, nằm ở xóm Khê Thuận (thôn Tư cung, xã Tịnh Khê) cạnh tỉnh lộ 24B từ thành phố Quảng Ngãi đi Sơn Mỹ - Mỹ Khê - Sa Kỳ và cách cụm di tích ruộng ông Nhiều, tháp canh, đường làng khoảng 400m. Di tích nằm tách biệt với nhà dân bao gồm các di tích gốc đã được bảo tồn tôn tạo và các công trình về sau này mới được xây dựng như: nhà trưng bày bổ sung, nơi tiếp khách, tượng đài, tượng vườn.

Bên cạnh giá trị lịch sử, khu di tích Sơn Mỹ là nơi ghi tội ác điển hình của giặc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, là nơi tưởng niệm 504 đồng bào ta đã ngã xuống. Sơn Mỹ còn có giá trị về du lịch: nó nằm trong tuyến du lịch Thiên Ấn (khu mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng) - Châu Sa - Sơn Mỹ - Mỹ Khê - Dung Quất. Hàng năm có hơn 5 vạn người đến Sơn Mỹ tham quan. Hiện nay, mỗi tháng có gần 3.300 lượt khách đến tham quan.



Cẩm Nang Du Lịch Quảng Ngãi