Bình Phước



Điểm tham quan tại Bình Phước


1. Khu du lịch Sóc Xiêm

Khu du lịch Sóc Xiêm

Địa chỉ: , Phường Thác Mơ, Thị xã Phước Long, Bình Phước

Vị trí: Khu du lịch sinh thái Bà Rá – Thác Mơ được quy hoạch xây dựng tại khu vực núi Bà Rá - hồ Thác Mơ, thuộc địa phận hai phường Sơn Giang và Thác Mơ, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 160km về phía tây bắc.

Đặc điểm: Nơi đây không những có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng với núi, rừng, sông, hồ, thác hòa quyện mà còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa có giá trị.

Núi Bà Rá có tổng diện tích 307.325m², cao 732m, được xem là ngọn núi cao nhất ở tỉnh Bình Phước và thứ 3 ở Nam Bộ. Theo tiếng Stiêng, Bà Rá là “Bơnom Brah”, nghĩa là “ngọn núi thần”. Theo truyền thuyết, xưa kia, khu vực núi Bà Rá là một vùng đất bằng phẳng, rồi bỗng nhiên có một mạch nước ngầm phun liên tục làm ngập lụt cả một vùng rộng lớn. Một vị thần đã dùng một cái nắp úp lên mạch nước này. Cái nắp chính là núi Bà Rá bây giờ.

Nằm giữa một vùng đồi núi thấp, địa hình hiểm trở, cây cối mọc um tùm, vào những năm đầu thế kỷ 20, khu vực núi Bà Rá được coi là nơi “rừng thiêng, nước độc”, không người qua lại. Năm 1925, thực dân Pháp đã xây dựng tại đây một nhà tù khổ sai để giam giữ các tù nhân chính trị và những người bị tình nghi là cộng sản nhưng không thành án. Sau đó khi tham chiến tại Việt Nam, Mỹ đã tiếp quản khu vực này và cho xây dựng một căn cứ quân sự hiện đại (có cả sân bay trực thăng) trên đỉnh núi với mục đích kiểm soát toàn bộ vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, với ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân Bình Phước, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã lần lượt phải rút lui khỏi núi Bà Rá. Hiện nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử liên quan đến hai cuộc chiến tranh này như: nhà tù Bà Rá (do Pháp xây dựng), sân bay trực thăng (do Mỹ xây dựng), hang Dơi, hang Cây Sung, hang bà Bảy Tuyết (nơi mà quân và dân Bình Phước từng cư trú để chống Pháp và Mỹ)…

Nằm dưới chân núi Bà Rá là hồ Thác Mơ với diện tích rộng khoảng 12.000ha, sức chứa 1,3 tỉ m3 nước, giữa hồ có 10 hòn đảo lớn, nhỏ, xung quanh hồ rợp bóng cây xanh. Hồ không những có vai trò cung cấp nước cho thủy điện Thác Mơ, điều tiết lũ cho vùng hạ du, tạo môi trường nuôi trồng thủy sản phục vụ đời sống của người dân địa phương mà còn là điểm tham quan lý tưởng gắn kết với núi Bà Rá tạo thành cụm điểm du lịch trên núi, dưới hồ vô cùng thơ mộng.

Với vẻ đẹp thiên nhiên phong phú và dấu tích lịch sử hào hùng, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã ra quyết định 568-VH/QĐ-BVHTT ngày 4/10/1995 công nhận núi Bà Rá là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngày 30/12/2002, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 2535/QĐ-UB về việc phê duyệt quy hoạch khu du lịch sinh thái Bà Rá -Thác Mơ gồm các phân vùng quy hoạch như: khu vực núi Bà Rá (diện tích 1.300ha), đảo Khỉ trên hồ Thác Mơ (diện tích 200ha) và phạm vi bảo vệ sinh thái toàn bộ vùng núi Bà Rá và lòng hồ Thác Mơ (diện tích 1.000ha).

Song song với đó là việc tôn tạo các di tích nhà tù Bà Rá, hang Dơi, hang Cây Sung, hang bà Bảy Tuyết, chùa Bà Rá; xây dựng mới làng kiến trúc trên đảo Khỉ, làng du lịch, cơ sở lưu trú và ẩm thực trên núi Bà Rá, các bến, trạm thông tin du lịch, hệ thống đền, chùa, tượng Phật; trang bị các phương tiện phục vụ du khách trong khu du lịch; phát triển, bảo vệ rừng, núi Bà Rá… đặc biệt là công trình cáp treo núi Bà Rá với chiều dài 2.063m, gồm 32 cabin, chia làm 8 nhóm, mỗi nhóm 4 cabin, các cabin làm bằng khung vỏ hợp kim nhôm, có 6 chỗ ngồi.


2. Khu du lịch sinh thái Bà Rá – Thác Mơ

Khu du lịch sinh thái Bà Rá – Thác Mơ

Địa chỉ: Xã An Phú, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước

Vị trí: Từ thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương theo quốc lộ 13 khoảng 70km về phía bắc đến thị trấn An Lộc, huyện Bình Long, rẽ trái đi tiếp khoảng 10km, du khách sẽ đến Khu du lịch Hồ Sóc Xiêm.

Đặc điểm: Nơi đây rất thích hợp cho loại hình du lịch nghỉ dưỡng bên hồ nước trong xanh, thơ mộng với những thác nước ở giữa vùng rừng đồi cao nguyên.

Nằm trong vùng rừng đất đỏ Trà Thanh với bề mặt rộng 30ha, có nơi sâu tới 14m, hồ Sóc Xiêm như một đóa hoa rừng tươi sắc mang vẻ đẹp nguyên sinh thơ mộng. Hồ trước đây nguyên là một thung lũng với con suối nhỏ chảy qua không bao giờ cạn. Năm 1981, ông Tư Nguyện lập một đội sản xuất cao su ở đây rồi cho đào xới, đắp bờ thành một hồ nước lớn, lấy nước tưới cho 116ha cao su. Dần dần nước dâng thành hồ bao gồm nước suối nguồn và nước từ các mạch nước ngầm phun lên.

Bao quanh hồ Sóc Xiêm có hàng trăm ha rừng nguyên sinh và rừng cao su trên một không gian rộng lớn, vừa trầm tĩnh vừa hài hòa. Cái nắng hè như dịu lại trước hồ nước trong xanh soi bóng mây trời giữa những cánh rừng cao su xanh ngút ngàn. Vào mùa cao su thay lá, từng thảm lá vàng trải rộng tạo thành một bức tranh mùa thu hữu tình.

Bên cạnh hồ Sóc Xiêm quanh năm mát mẻ là thác Số 4 với 4 con thác chảy xiết ngày đêm, khiến khách bộ hành qua đây đều trầm trồ ca ngợi bàn tay của tạo hóa khéo điểm tô nét hùng vĩ cho nơi đây để rồi ban tặng cho con người một cảnh đẹp tuyệt vời.


3. Khu du lịch hồ Suối Lam

Khu du lịch hồ Suối Lam

Địa chỉ: xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước

Vị trí: Khu du lịch Suối Lam thuộc địa phận xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, cách thị xã Ðồng Xoài khoảng 13km.

Đặc điểm: Nơi đây có một hồ nước quanh năm trong xanh, in bóng những rừng cây cao su tươi tốt xung quanh.

Từ thành phố Hồ Chí Minh đến thị xã Đồng Xoài, rẽ trái theo tỉnh lộ 741 khoảng 10km đến ngã ba đường đất đỏ thì rẽ trái, chạy qua đường rừng cao su khoảng 3km, du khách sẽ thấy một hồ nước rộng mênh mông, xanh thẳm hiện ra trước mặt. Đó là hồ Suối Lam.

Người dân ở đây cho biết, vào buổi sáng sớm, sương bay bảng lảng trên mặt hồ được nước hồ phản chiếu tạo nên màu lam huyền ảo, vì vậy người ta gọi tên hồ là Suối Lam. Được bao bọc bởi những cánh rừng cao su thẳng tắp ngút ngàn tầm mắt và những vạt rừng trồng lâu năm, thoạt nhìn Hồ Suối Lam hao hao giống Hồ Xuân Hương ở Đà Lạt. Mặt hồ rộng hơn 100ha luôn phẳng lặng như gương và trong xanh quanh năm. Quanh hồ có rất nhiều loài hoa dại nở, tôn vinh thêm nét đẹp nguyên sơ của hồ.

Hồ sâu khoảng 4m, có nhiều loại cá nước ngọt như: chép, trắm, lóc, mè… Nếu thích làm ngư dân, du khách hãy chuẩn bị cần câu, chắc chắn sẽ câu được nhiều chú cá to. Ven hồ có những tảng đá to, rất thích hợp để ngồi buông câu. Ngoài ra du khách có thể cắm trại trong những rừng cây ven hồ, bơi hoặc chèo thuyền lênh đênh trên mặt hồ để cảm nhận vẻ đẹp, sự trong lành của thiên nhiên với những âm thanh kỳ ảo vốn có của núi rừng, đặc biệt vào lúc ráng chiều, khung cảnh hồ thật yên tĩnh, đẹp như tranh vẽ.

Bên hồ là các công trình phục vụ du khách, đáng chú ý nhất là nhà hàng nổi với nhiều món ăn đặc sản của núi rừng Bình Phước. Khu du lịch hồ Suối Lam là địa điểm tuyệt vời để du khách đến du lịch sinh thái, dã ngoại, kết hợp nghỉ dưỡng.


4. Trảng cỏ Bàu Lạch

Trảng cỏ Bàu Lạch

Địa chỉ: Thôn Bàu Lạch, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng,

Vị trí: Thôn Bàu Lạch, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, cách Tp. Hồ Chí Minh khoảng 160km về phía đông bắc.

Đặc điểm: Trảng cỏ Bàu Lạch là sản phẩm tuyệt mỹ của tạo hóa nằm giữa chốn thâm sơn cùng cốc bao gồm 20 trảng cỏ lớn nhỏ kết dính với nhau như một bức tranh khảm ngọc.

Trảng cỏ Bàu Lạch rộng chỉ 5 - 10ha, nhưng trảng rộng nhất, đẹp nhất lại lên đến gần 100ha gọi là trảng Lớn. Nét độc đáo ở đây là chỉ có độc một loại cỏ kim đan xen cỏ chỉ mọc là là mặt đất xanh tốt quanh năm khiến cho du khách chẳng khỏi ngỡ ngàng trước sự kì diệu của thiên nhiên. Những du khách mới tới đây lần đầu khi trông thấy thảm cỏ trải dài tít tầm mắt như thế đều cảm thấy sung sướng như vừa khám phá ra một tuyệt tác của thiên nhiên. Từ xa, trông trảng giống như được lắp ghép bởi hàng chục sân golf bởi chỗ thì uốn lượn, mấp mô cao thấp, chỗ lại phẳng lì không chút “gợn sóng”. Trên bề mặt trảng lác đác những khóm hoa dại khoe sắc tím sặc sỡ xen lẫn với cỏ non xanh mượt.

Điều tuyệt vời hơn cả là trảng cỏ lại nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng bạt ngàn và ôm trọn trong lòng nó một bàu nước trong xanh rộng hàng chục ha. Hồ nước này quanh năm không cạn và là nơi sinh sống của nhiều loài cá nước ngọt như lóc, chép, trắm, lươn... Ra đến bìa rừng du khách sẽ có thú vui hái trái sim, trái bứa ăn đến tím lè lưỡi. Trong rừng, trên những thân cây cổ thụ cao vút mọc đầy các loại hoa lan. Đi sâu vào rừng khoảng 3km, du khách sẽ được khám phá thác N’Rót dựng đứng cao khoảng gần 20m, ầm ầm đổ nước, tung bọt trắng xóa cả một góc rừng. Đi bộ theo các lối mòn len lỏi giữa rừng, cứ băng qua khoảng 100m rừng là du khách sẽ lại đến với những trảng cỏ xanh mướt và phải mất cả ngày mới khám phá hết được 20 trảng cỏ ở đây.

Sự nguyên vẹn và hoang sơ của thiên nhiên đã biến trảng cỏ Bàu Lạch trở thành một địa điểm du lịch sinh thái thú vị. Tại đây, du khách có thể chèo thuyền hoặc tản bộ ngắm cảnh, câu cá, tắm thác, cắm trại, chơi đá banh trên nền cỏ của trảng…

Buổi tối ở Bàu Lạch khí hậu như cao nguyên. Hình như gió khắp rừng đều trút vào trảng. Nếu du khách muốn cắm trại ngủ qua đêm nhớ mang theo áo ấm. Cá có sẵn dưới bàu, củi có rừng bên cạnh, vào rẫy mua thêm ít ngô khoai là du khách sẽ có một đêm đầy ấn tượng để trải nghiệm cuộc sống du mục vốn chỉ có thể cảm nhận qua sách vở.


5. Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Địa chỉ: Xã Bù Gia Mập, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước

Vị trí: Xã Bù Gia Mập, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước, cách Tp. Hồ Chí Minh khoảng 200km về phía bắc.

Đặc điểm: Vườn quốc gia Bù Gia Mập được coi là nơi bảo tồn các nguồn gien quý hiếm của hệ động, thực vật phong phú ở miền Đông Nam Bộ.

Nằm ở vị trí độc đáo là nơi giao lưu với 4 khu hệ có nguồn gốc địa lý khác nhau: hệ Mianmar - Ấn Độ, hệ Malaysia – Indonesia, hệ Trung Hoa – Hymalaya và hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam – Nam Trung Hoa, vườn quốc gia Bù Gia Mập bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cho các hồ chứa nước của các công trình thủy điện Thác Mơ và Cần Ðôn, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái. Phía bắc và phía tây vườn quốc gia giáp suối Đăk Huýt, phía đông giáp tỉnh Đăk Nông, phía nam giáp với lâm trường Bù Gia Mập.

Với diện tích 26.032ha, đây là nơi có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Bình Phước với đỉnh núi cao nhất là 700m so với mực nước biển. Hệ thống sông suối gồm các dòng suối Đăk Huýt chảy dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia, Đăk Sa, Đăk Ka và Đăk K'me. Hệ thực vật ở vườn quốc gia rất đa dạng và phong phú, quy tụ nhiều loài trong vùng Ðông - Nam Á với 808 loài, 396 chi, 118 họ, 59 bộ của 5 ngành thực vật có mạch. Ðặc biệt rừng nơi đây còn mang đậm nét của rừng nguyên sinh giàu trữ lượng với ưu thế của những cây họ dầu và nhiều cây họ đậu quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, mun, lát hoa, gỗ mật, thạch tùng, giáng hương, trắc và 278 giống cây dùng làm thuốc.

Ðây còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã với 73 loài thú, trong đó có 59 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như gấu chó, báo gấm, sói lửa, bò tót, bò rừng, gấu ngựa, voi, chà và chân đen..., 168 loài chim, trong đó 10 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng như gà lôi, hồng hoàng, hồng tía, dù dì phương Ðông, cu xanh, niệc mỏ vằn, chim công, gà tiền mặt đỏ, chim yến hồng xám..., 30 loài bò sát. Do đặc trưng của rừng ẩm thường xanh, có rừng dầu rụng lá theo mùa, rừng lồ ô xen cây gỗ, nên vườn quốc gia cũng là nơi cư trú của nhiều loại động vật thuộc bộ linh trưởng như khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, voọc ngũ sắc, voọc xám...Không chỉ có vậy, Bù Gia Mập còn là khu di tích lịch sử quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, gắn liền với các trận đánh ác liệt ở miền Ðông Nam Bộ.

Hệ động thực vật phong phú cùng hệ thống hang động Dak Nghen, Đờ Mi, Gióng Min nguyên sinh của vùng đất ba-dan nâu đỏ nơi đây đã thể hiện bao cảnh quan sinh thái đặc hữu của Bù Gia Mập. Những dòng suối lấp lánh nắng vàng luôn reo vang cùng với bản hòa tấu của chim muông, hoa lá, những dòng thác Đạt Mai, Sông Bé trên, Sông Bé dưới, Dak Tôn lớn, Dak Tôn nhỏ, Tà Lin quanh năm tung bọt trắng xóa che kín hang động bên trong được tạo thành bởi những khối đá nhiều vân sắc… Tất cả đã tạo nên một điểm du lịch sinh thái lý tưởng đối với những du khách ưa thích thể thao mạo hiểm và thiên nhiên hoang dã.



Điểm tham quan tại Bình Phước