Bến Tre



Điểm tham quan tại Bến Tre


1. Khu di tích Đồng Khởi

Khu di tích Đồng Khởi

Địa chỉ: Xã Định Thủy, Huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre

Vị trí: Từ thành phố Bến Tre qua cầu Hàm Luông theo Quốc lộ 57 khoảng hơn 10km đến thị trấn Mỏ Cày Nam, tiếp tục rẽ trái khoảng 4km, du khách sẽ đến khu di tích Đồng Khởi.

Đặc điểm: nơi lưu giữ chứng tích của phong trào Đồng Khởi mở đầu cho cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam đầu những năm 1960


Điểm nhấn của khu di tích là Nhà truyền thống Đồng Khởi được khánh thành và đưa vào hoạt động từ ngày 17/01/2000. Khu nhà có diện tích gần 5.000m2 được xây dựng trên nền của tòa dinh tỉnh trưởng trước đây, bao gồm một tầng trệt và một tầng lầu. Tại đây trưng bày những hình ảnh, hiện vật, di vật có liên quan đến cuộc đồng khởi lịch sử năm xưa và quá trình đấu tranh cách mạng vẻ vang của quân dân huyện Mỏ Cày nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung như: chiếc mõ dừa, thanh mã tấu, súng ngựa trời, bom mìn tự tạo, mũi chông cau, mô hình làng chiến đấu…

Trên nóc Nhà truyền thống Đồng Khởi đặt biểu tượng ngọn đuốc đồng khởi cao 12m, đường kính 4,5m, có 3 cánh thể hiện sự tấn công địch bằng 3 mũi giáp công của quân dân ta và sự nổi dậy của nhân dân 3 dãy cù lao tại Bến Tre. Phía tay phải Nhà truyền thống có một hòn đá màu đỏ, đẹp và lạ mắt, bề mặt khắc tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phong tặng cho nhân dân và các lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre: “Anh dũng Đồng Khởi, thắng Mỹ diệt ngụy”. Trong khuôn viên còn trang trí nhiều loại hoa kiểng, tạo không gian tươi mát và khoáng đạt cho khu nhà.

Khu di tích Đồng Khởi được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 07/01/1993.


2. Sân chim Vàm Hồ

Sân chim Vàm Hồ

Địa chỉ: , Huyện Ba Tri, Bến Tre

Vị trí: Sân chim Vàm Hồ thuộc địa phận hai xã Mỹ Hoà và Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, cách Tx. Bến Tre khoảng 52km, cách Tp. Hồ Chí Minh 120km đường bộ, 100km đường thủy.

Đặc điểm: Vàm Hồ là vùng đất ngập mặn, nhiều loại cây hoang dã mọc thành rừng, là nơi trú ngụ của hàng nghìn con cò, vạc và nhiều loại chim khác.

Quần thể chim ở sân chim Vàm Hồ gồm: 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ. Khách đến tham quan mỗi năm trên 2.000 lượt người, đông nhất là vào thời gian chim về cư trú sinh sản từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch.

Vàm Hồ là vùng đất ngập mặn, nhiều loại cây hoang dã mọc thành rừng. Ở tầng cao có dừa nước (trước đây rất nhiều, nên nơi này còn gọi là Cù lao Lá), chà là, đước, mắm, là nơi lý tưởng cho chim ở. Ở tầng thấp có cây ô rô, cóc kèn, lau sậy... là thảm thực vật cho cò, vạc làm tổ sinh sản. So với các sân chim ở đồng bằng sông Cửu Long, sân chim Vàm Hồ còn rất trẻ. Chim mới về Vàm Hồ từ tháng 5/1986. Đây chính là đàn chim trước ở Cù lao Đất, xã An Hiệp, huyện Ba Tri di cư tới đây.

Hàng ngày, cứ tầm 4, 5 giờ chiều, nhìn về hướng tây, từ phía chân trời xa xa, những chấm nhỏ li ti di động ngày càng rõ dần, giây lát sau là đàn cò hàng ngàn con đang vỗ cánh bay qua sông Ba Lai, lượn lờ dưới ánh hoàng hôn rồi nhẹ nhàng đáp lên thảm rừng chà là xanh biếc. Chim về, cả cánh rừng xao động bởi tiếng chim con đói mồi hòa lẫn với từng tiếng kêu oang oác rất to của những chú cò bực bội.


3. Đình Bình Hòa

Đình Bình Hòa

Địa chỉ: , Thị trấn Giồng Trôm, Huyện Giồng Trôm, Bến Tre

Vị trí: thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, cách TP. Bến Tre 16km về phía đông nam.

Đặc điểm: là một trong 20 ngôi đình lớn và đẹp của tỉnh Bến Tre và cũng là ngôi đình cổ nhất ở cù lao Bảo (gồm một phần huyện Châu Thành, huyện Giồng Trôm, huyện Ba Tri và Tp. Bến Tre).

Đình Bình Hòa được xây dựng vào năm 1831 bằng những nguyên vật liệu đơn sơ như cây, lá… Năm 1903, ban khánh tiết của đình đã đứng ra tổ chức, vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của để xây dựng lại đình với quy mô lớn hơn và sau 10 năm (1903 - 1913) thì hoàn thành công trình. Đình được xây dựng bằng chất liệu chính là gỗ tứ thiết, kết cấu gắn bằng mộng, chốt.

Điểm nổi bật trong kiến trúc của đình chính là nghệ thuật chạm khắc gỗ độc đáo, tinh xảo, kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố nghệ thuật cung đình với nghệ thuật tôn giáo và được dân gian hóa ở mức độ nhất định thể hiện ở những đề tài lân, long, quy, phụng, chim muông, hoa lá… trên những vì, kèo, xuyên, trính, hoành phi… Toàn bộ những tác phẩm điêu khắc, chạm trổ mỹ thuật ở đình Bình Hòa là di sản văn hóa quý báu, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng là sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Hiện đình còn lưu giữ hơn 100 hiện vật điêu khắc gỗ, gồm những bức hoành phi, liễn đối, bao lam, phù điêu, hương án, đồ lễ bộ... Hàng năm, tại đình diễn ra lễ cúng đình vào Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Chạp.


4. Mộ Nguyễn Đình Chiểu

Mộ Nguyễn Đình Chiểu

Địa chỉ: , Xã An Đức, Huyện Ba Tri, Bến Tre

Vị trí: Mộ Nguyễn Đình Chiểu thuộc xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Đặc điểm: Mộ Nguyễn Đình Chiểu được nhân dân Bến Tre xây dựng để tưởng niệm Ông.

Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ yêu nước nổi tiếng của miền Nam và cả nước. Ông sinh ra tại Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh). Năm 1861, Cần Giuộc thất thủ ông về Ba Tri ở ẩn và mất tại đó năm 1888. Đền thờ ông được xây năm 1969. Hàng năm, vào ngày 1 tháng 7 (ngày sinh của ông), nhân dân huyện Ba Tri nói riêng và toàn tỉnh Bến Tre nói chung thay mặt đồng bào cả nước tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm nhà thơ rất trang trọng.


5. Chùa Tuyên Linh

Chùa Tuyên Linh

Địa chỉ: , Xã Minh Đức, Huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre

Vị trí: Chùa Tuyên Linh ở xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.

Đặc điểm: Chùa Tuyên Linh được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 20/7/1994. Ngày 19/5 hàng năm, ở chùa đều diễn ra ngày hội với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa và mít-tinh kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ.

Chùa Tuyên Linh được xây năm Tân Dậu (1861), dưới triều Tự Đức năm thứ 14. Lúc đầu, chùa có tên là Tiên Linh do Hòa thượng Khánh Phong trụ trì và được làm bằng tre, lá để thờ bà Sầm.

Năm 1907, nhà sư Lê Khánh Hòa, pháp danh là Thích Như Trí, quê ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri về trụ trì tại chùa này. Là một cao tăng rất tinh thông Phật học, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã thuyết giảng giáo lý nhà Phật, đào tạo môn sinh. Nhờ hiểu rộng, đi nhiều nơi, có vốn nho học lại biết cả chữ quốc ngữ nên ông được các tín đồ, cư sĩ Phật giáo tín nhiệm và có hơn 90% người dân địa phương theo đạo. Hòa thượng Lê Khánh Hòa còn là người sáng lập ra Nam kỳ Phật học hội và Lưỡng Xuyên Phật học hội quy tụ nhiều cao tăng, cư sĩ Phật giáo ở Nam kỳ lúc bấy giờ. Đồng thời nhà sư còn là chủ bút tạp chí Từ bi âm, Giám đốc Phật học tùng thư.


6. Cồn Phụng (Cồn Đạo Dừa)

Cồn Phụng (Cồn Đạo Dừa)

Địa chỉ: , Xã Tân Thạch, Huyện Châu Thành, Bến Tre

Vị trí: Khu du lịch Cồn Phụng nằm trên một cù lao nổi giữa sông Tiền thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, ngay cửa ngõ tỉnh Bến Tre, cách trung tâm Tx. Bến Tre 12km (đường bộ) và 25km (đường sông).

Đặc điểm: Cồn Phụng có diện tích 50ha, dân cư sống chủ yếu bằng nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ từ cây dừa và trồng cây ăn trái.

Cồn Phụng có di tích Đạo Dừa trên diện tích chừng 1.500m², hiện được bảo tồn nguyên trạng các hạng mục kiến trúc được xây dựng từ thời giáo chủ Đạo Dừa là Nguyễn Thành Nam: sân 9 con rồng; tháp Hoà bình (cửu trùng đài) - nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo, toà tháp có kiến trúc lạ mắt với những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén; một đỉnh lớn.

Nguyễn Thành Nam tự xưng là "Xứ giả của hòa bình", chủ trương mang lại hoà bình từ mọi tôn giáo, sống bằng hoa trái (không ăn các sản vật khác). Tại đây có nhiều món đồ lưu niệm: từ những chiếc mặt nạ xanh đỏ, khung ảnh, chiếc xe ba gác, đến đồ dùng nhà bếp như chén, bát, muỗng, thìa... hầu hết được chế tác từ dừa.

Đến Cồn Phụng du khách có thể đi xuồng máy dọc cồn thăm các cơ sở sản xuất kẹo dừa, sản xuất đồ lưu niệm từ cây, vỏ trái dừa... lên xe ngựa thăm vườn cây ăn trái, dừng chân ngồi nghỉ dưới ngôi nhà lợp lá dừa để uống trà với mật ong và quất, thưởng thức các món ăn trái cây miền nhiệt đới, nghe nhạc đờn ca tài tử.


7. Làng cây kiểng Cái Mơn

Làng cây kiểng Cái Mơn

Địa chỉ: , Xã Vĩnh Thành, Huyện Chợ Lách, Bến Tre

Vị trí: Từ thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, du khách qua cầu Rạch Miễu, theo tỉnh lộ 884 đến chợ Tiên Thủy thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Tại đây có thuyền du lịch cao tốc đón khách và chỉ một giờ đồng hồ rong ruổi sông nước, du khách sẽ đến rạch Cái Mơn, một vùng quê xanh mát bạt ngàn hoa trái.

Đặc điểm: Cái Mơn là vùng đất nổi tiếng, được ví như là một “vương quốc” của cây cảnh.

Trong tên Cái Mơn, từ Cái có nghĩa là con rạch lớn, Mơn là từ nói chệch của từ Mum (tiếng Khmer có nghĩa là mật ong). Theo các tài liệu khảo cứu về văn hóa Nam Bộ của nhà văn Sơn Nam thì ngày xưa, hai bờ con rạch ở xứ Cái Mơn này có rất nhiều ong mật vì đây là vùng đất cây trái sum suê, quanh năm đều có hoa nở. Và cái tên Cái Mơn bắt nguồn từ đó.

Có một điều kỳ thú của thiên nhiên là trong khi mọi dòng sông, kênh, rạch đều chảy một hướng thì dòng chảy của rạch Cái Mơn lại đổ từ hai đầu lại. Chỗ giáp của 2 dòng nước được người dân địa phương gọi với một cái tên đầy tính huyền bí là rốn Rồng. Đoạn này con rạch phình ra, nước lặng hình thành nên một chợ nổi cây kiểng nhộn nhịp, thuộc một trong những khu chợ nổi đẹp nhất ở vùng sông nước Cửu Long. Vào lúc sáng sớm, người dân miệt vườn từ hai đầu sông Cổ Chiên và Hàm Luông dong xuồng đi chợ. Đến cuối ngày, lúc dòng Cái Mơn chia đôi ngả chảy ngược về hai đầu cũng là thời điểm dong xuồng ghe về hai đầu dòng nước kết thúc một ngày làm việc.

Ở Cái Mơn có rất nhiều điểm nghỉ ngơi, giải trí theo mô hình du lịch nhà vườn. Du khách có thể tham quan các khu vực trồng, ươm giống và chế tác cây cảnh. Làng hoa kiểng Cái Mơn có hàng ngàn hộ trồng các loại hoa truyền thống như: vạn thọ, hoa giấy, cúc đại đóa, cúc mâm xôi, thược dược, cẩm chướng… Đặc biệt, Cái Mơn còn là nơi lưu giữ được hàng chục giống hoa hồng: hồng nhung đỏ thắm, mượt mà; hồng lay-ơn màu tím sen; hồng Elizabeth phơn phớt; hồng Korokit màu gạch tôm, rồi hồng vàng, hồng đỏ, hồng cam, hồng phấn…


8. Cồn Qui

Cồn Qui

Địa chỉ: huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre

Vị trí: Nằm trên sông Tiền Giang giữa 2 xã Tân Thạch và Quới Sơn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cách trung tâm Tx. Bến Tre 22km đường sông.

Đặc điểm: Trên Cồn Qui là các khu vườn trồng cây ăn trái như: sa-pô-chê, nhãn, bưởi... Dạo chơi sông Tiền, du khách thường ghé vào Cồn Qui để thưởng thức trái cây thơm ngon và các loại tôm cá.

Cồn Qui là cồn nhỏ nhất của Bến Tre, được khai thác từ những năm đầu thập kỷ 1960. Vào năm 1955, ông Phạm Cao Thăng là người đầu tiên đến đây khai hoang lập ấp. Ông trồng nhiều cây bần để giữ đất không bị trôi. Hàng năm, nhờ lượng phù sa bồi đắp nên Cồn Qui ngày càng được mở rộng. Vì vậy, ngày càng có nhiều hộ dân đến đây sinh sống và khai thác đất trồng hoa màu và nhiều loại cây ăn trái.

Là vùng đất mới nên Cồn Qui vẫn còn giữ được những nét hoang sơ. Những bông bần trắng tím là đà mặt nước, đung đưa trong gió. Những rặng dừa nước xanh um chạy dọc triền sông đến hút mắt, lả lơi trong sóng. Những mái nhà lá đơn sơ thấp thoáng trong những vườn cây nặng trĩu trái. Những cô thôn nữ mặc áo bà ba, quẫy mạnh mái chèo hoặc điều khiển máy đuôi tôm chở trái cây ra chợ bán...


9. Cồn Tiên

Cồn Tiên

Địa chỉ: xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre

Vị trí: Cồn Tiên ở trên sông Hàm Luông thuộc xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cách trung tâm Tx. Bến Tre 23km (đường bộ), 15km (đường sông).

Đặc điểm: Cồn Tiên có diện tích 7ha, là một bãi cát đẹp.

Hàng năm vào ngày 5 tháng 5 âm lịch, hàng vạn người đến tắm và vui chơi. Khu này dự kiến sẽ liên doanh xây dựng thành làng du lịch trong tương lai.


10. Cồn Ốc (Cồn Hưng Phong)

Cồn Ốc (Cồn Hưng Phong)

Địa chỉ: xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre,

Vị trí: Cồn Ốc thuộc xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, cách Tx. Bến Tre khoảng hơn 10km.

Đặc điểm: Cồn Ốc dài 8,3km, rộng hơn 1km. Trên Cồn có nhiều vườn dừa và vườn cây ăn quả.

Cũng giống như ở các cù lao An Bình (Vĩnh Long), Cồn Thới Sơn (Tiền Giang), Cồn Ốc phối hợp với các điểm du lịch khác tạo thành một chương trình du lịch đa dạng đưa du khách đến thăm quan và tìm hiểu cuộc sống của dân miệt vườn.



Cẩm Nang Du Lịch Bến Tre