Điểm tham quan tại Thừa Thiên - Huế

I. Du lịch văn hóa - Di tích kinh thành Huế


Do vua Gia Long xây dựng từ năm 1805 và sau này được vua Minh Mạng tiếp tục hoàn thành vào năm 1832. Tại đó các vua triều Nguyễn đã cho xây dựng khá nhiều thành quách, cung điện và các công trình của hoàng gia. Trải qua gần 200 năm khu kinh thành hiện nay còn hầu như nguyên vẹn với gần 140 công trình xây dựng lớn nhỏ.

Kinh thành hình vuông với chu vi 10km, cao 6,6m, dày 21m, gồm có 10 cửa để ra vào. Xung quanh và ngay trên thành có thiết lập 24 pháo đài để phòng thủ. Ngoài ra còn có một cửa phụ thông với Trấn Bình Ðài gọi là Thái Bình Môn.


1. Ðiện Thái Hoà và sân Ðại Triều Nghi

Ðiện Thái Hoà và sân Ðại Triều Nghi

Địa chỉ: Kinh thành Huế, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vị trí: Ðiện Thái Hoà nằm ngay trên đường xuyên tâm Hoàng Thành nhìn thẳng ra cửa Ngọ Môn trong kinh thành Huế, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Điện Thái Hoà là trung tâm quan trọng nhất của kinh thành, tại đây tổ chức các buổi lễ đại triều.

Ðiện Thái Hoà xây dựng năm 1805 đời Gia Long; năm 1806, Gia Long chính thức tổ chức lễ đăng quang tại điện này. Năm 1833, vua Minh Mạng xây dựng Điện Thái Hoà ở chỗ hiện nay trên một nền cao 2,32m, toà điện dài 44m, sâu 30,5m, cao 11,8m, chính tịch 5 gian, hai chái, tiền tịch 7 gian hai chái, hai nếp nhà ghép lại với nhau, cột sơn son, vẽ rồng vàng, giữa bờ nóc gắn mảnh sứ nhiều màu, mái lợp ngói Hoàng Lưu Ly. Ở gian chính giữa có treo một bức hoành khắc đại tự “Thái Hòa Điện”, phía trong là ngai vàng để trên bệ ba tầng, phía trên trần rủ xuống một cái bửu tán thiếp vàng, thêu hình viên long. Trên trần mỗi lồng căn có treo lồng đèn gương hình lục giác, bát giác, các cạnh đính gương ngũ sắc.

Năm 1839, vua Minh Mạng cho sơn son thiếp vàng bộ tuồng gỗ điện làm tăng thêm phần huy hoàng cho ngôi điện lịch sử này. Năm 1899, vua Thành Thái cho lát gạch hoa theo kiểu Tây phương. Năm 1923, Khải Ðịnh cho làm hai lớp gương ở phía trước và phía sau. (Nguyên thuỷ Điện Thái Hoà để trống, chỉ có những bức sáo che).


2. Lăng Thiệu Trị (Xương Lăng)

Lăng Thiệu Trị (Xương Lăng)

Địa chỉ: làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế,

Vị trí: Lăng Thiệu Trị nằm ở địa phận làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách kinh thành Huế chừng 8km.

Đặc điểm: Đây là lăng duy nhất quay mặt về hướng tây bắc, một hướng ít được dùng trong kiến trúc cung điện và lăng tẩm thời Nguyễn.

Khu lăng: nằm ở bên phải, trước có hồ Nhuận Trạch thông với hồ Ðiện. Sau hồ Nhuận Trạch là Nghi Môn bằng đồng dẫn vào Bái Đình (sân chầu) rộng lớn. Hai hàng tượng đá ở hai bên tả, hữu của sân là tiêu biểu của nghệ thuật tạc tượng nửa đầu thế kỷ 19 ở Huế.

Lăng Thiệu Trị còn đó với vẻ đẹp giản đơn, gần gũi, dựa lưng vào chân núi Thuận Ðạo, gần trước mặt lăng là cả một vùng đất bằng phẳng cây cối xanh tươi, ruộng đồng mơn mởn trải dài từ bờ sông Hương tới tận cầu Lim.


3. Trường Quốc học Huế

Trường Quốc học Huế

Địa chỉ: Đường Lê Lợi, thuộc phường Vĩnh Ninh, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vị trí: Trường Quốc học Huế tọa lạc bên bờ Sông Hương, trên đường Lê Lợi, thuộc phường Vĩnh Ninh, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Trường Quốc học Huế ra đời trong âm mưu nô dịch văn hoá của thực dân Pháp và tồn tại hơn một thế kỷ. Trường từng là nơi học tập của nhiều chiến sĩ cách mạng, nhiều nhà hoạt động văn hóa xuất sắc.

Trường Quốc Học thành lập nhằm đào tạo lớp người phục vụ cho chính quyền thực dân phong kiến, nên trong chương trình khi ấy, Pháp văn là môn học chính; giáo viên phần lớn là người Pháp. Trường đặt dưới quyền kiểm soát của viên Khâm sứ Trung Kỳ. Trong nghị định của Phủ Toàn quyền Ðông dương cũng quy định rõ điều kiện của học sinh được nhận vào trong trường.

Ngày nay trường Quốc học Huế vẫn tiếp tục phát triển truyền thống tốt đẹp trong việc chăm lo đào tạo thế hệ trẻ. Từ nhiều năm nay, trường đã mở các lớp chuyên thu hút các học sinh có năng khiếu cả tỉnh về học tập và bồi dưỡng, góp phần chăm lo đào tạo tài năng cho tỉnh và đất nước.


4. Thái Bình Lâu

Thái Bình Lâu

Địa chỉ: , Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Thái Bình Lâu nằm trong Tử Cấm Thành, kinh thành Huế, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Thái Bình Lâu - Thái Bình Ngự Lãm Thư Lâu là chỗ để vua nghỉ hoặc đọc sách.

Năm 1821, Minh Mạng cho cất một ngôi nhà ở phía tây vườn Thiệu Phương mang tên là Trí Nhân Ðường. Ðến đời Thiệu Trị sửa lại và đặt tên là Thanh Hạ Thư Lâu (nhà làm văn). Năm 1887, Ðồng Khánh cho triệt hạ và dựng lầu mới gọi là Thái Bình Ngự Lãm Thư Lâu. Lầu này dùng sành, sứ khảm trạm rất công phu.

Phía tây lầu trông xuống một hồ vuông trong xếp đá thành non bộ giả cảnh thiên nhiên thật là hấp dẫn. Ở bên trái toà dựng lầu Tứ Phương Vô Ngu, bên phải dựng hành lang Hoá Nhật Thư Trường, rồi ở bên trái đình Bát Phong dựng gác nhỏ gọi là Lục Trì Thần Thông, bên phải dựng phòng Thận Tu, ở phía bắc phòng ấy dựng lầu Lục Giác, bên trái lầu ấy dựng Trạch Trung, phía trước gọi là nhà Ðức Viên. Cầu, hành lang liền nhau, ao hồ nước thông chảy suốt, xem rất nên thơ.


5. Lăng Dục Ðức

Lăng Dục Ðức

Địa chỉ: phường An Cựu, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vị trí: Lăng Dục Đức tọa lạc ở phường An Cựu, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Lăng có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn. Đây cũng là nơi yên nghỉ của vua Thành Thái và Duy Tân.

Khu lăng mộ hình chữ nhật có diện tích 3.445m², bên trong không có Bi Đình và tượng đá. Vào lăng phải đi qua cổng tam quan khá lớn xây bằng gạch, trên có mái giả.

Sau cửa là Bái Ðình không có tượng đá mà chỉ xây lan can bằng vôi gạch. Kế đó là một cửa tam quan 3 tầng cũng xây mái giả và trang trí hình ảnh hoa lá bằng cách đắp nổi sành sứ...

Chính giữa Bửu Thành có một nhà hình ốc được xây trên nền hình vuông mỗi cạnh khoảng 8m, mái lợp ngói hoàng lưu ly bên trong có bàn và sập đá thanh dùng để bày hương án và lễ vật khi cúng kỵ. Hai bên tả hữu là mộ vua Dục Ðức và Hoàng hậu Tư Minh nằm đối xứng nhau. Tấm bình phong trước mộ vua có đắp nổi hai chữ “hỷ” ghép lại với nhau, đối xứng với “song hỷ” là hình ảnh chữ “thọ”.


6. Ðàn Nam Giao

Ðàn Nam Giao

Địa chỉ: , Phường Thuỷ Xuân, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Đàn Nam Giao thuộc xã Thủy Xuân, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Là đàn tế lộ thiên, mô thức kiến trúc mang ý nghĩa vừa tôn giáo vừa chính trị của nền quân chủ phương Đông.

Ngay sau khi lên ngôi (1802), vua Gia Long cho lập đàn ở làng An Ninh vào năm 1803. Sau đó ít năm, triều đình lại bỏ vị trí ấy, cho xây dựng đàn tế khác ở đất làng Dương Xuân phía nam kinh thành Huế (di tích nay đang bảo lưu).

Ðàn tế trời được khởi công xây dựng vào ngày 25/3/1806. Ðầu năm 1807, triều đình Gia Long đã cử hành lễ tế Giao lần đầu tiên tại đây.

Ðàn Nam Giao là đàn tế lộ thiên. Mô thức kiến trúc này mang ý nghĩa vừa tôn giáo vừa chính trị của nền quân chủ phương Ðông. Ðàn Nam Giao gắn với thuyết Thiên mệnh của đạo Nho. Cấu trúc đàn diễn tả quan niệm vũ trụ còn hạn chế của bao triều đại trước: Trời tròn, đất vuông.


7. Văn Miếu Huế

Văn Miếu Huế

Địa chỉ: , Phường Hương Long, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Văn Miếu quay về hướng nam, tọa lạc trên một ngọn đồi thấp, thuộc xã Hương Long, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Văn Miếu được lập ra để tôn vinh các thánh hiền của đạo Nho, đồng thời là nơi đào tạo nhân tài của đất nước.

Trước đây, các chúa Nguyễn xây dựng Văn Miếu tại thủ phủ và thay đổi vị trí qua ba địa điểm khác nhau: làng Triều Sơn, làng Lương Quán, làng Long Hồ.

Năm 1808, Gia Long cùng triều đình quyết định chọn một ngọn đồi thấp phía trên chùa Thiên Mụ, sát tả ngạn sông Hương, tức vị trí hiện tại để xây Văn Miếu mới uy nghi, đồ sộ. Bấy giờ trường Quốc Tử Giám cũng được lập ra ở đây và hoạt động mãi cho đến năm 1908 mới dời về thành nội. Công việc xây dựng Văn Miếu khởi công từ ngày 17/4/1808 đến ngày 12/9/1808 thì hoàn thành.

Hơn nửa thế kỷ nay, chiến tranh và thiên nhiên đã tàn phá Văn Miếu, chỉ còn lại 34 tấm bia đá là những di tích có giá trị nhất về nghệ thuật, văn hoá và lịch sử.

Văn miếu Huế là một di tích lịch sử vô cùng quí giá. Thăm lại Văn Miếu sẽ giúp du khách hiểu thêm về truyền thống ưa chuộng văn tài, coi trọng trí thức và khuyến khích người hiếu học của ông cha ta từ ngàn xưa.


8. Thế Miếu

Thế Miếu

Địa chỉ: , Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Thế Miếu nằm trong kinh thành Huế, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Thế Miếu là nơi thờ cúng các vua Nguyễn. Đây là một trong những công trình to lớn bậc nhất so với các miếu, điện ở Việt Nam.

Năm 1804, Gia Long cho xây dựng miếu Hoàng Khảo ở vị trí của Thế Miếu ngày nay để thờ cha mình là Nguyễn Phúc Luân. Sau khi vua Gia Long mất, Minh Mạng lên nối ngôi, năm 1821 ông đã cho dời miếu Hoàng Khảo lui về phía sau vài chục mét, đổi thành Hưng Miếu, còn xây Thế Miếu vào vị trí ấy vào năm 1821 - 1822 để thờ vua Gia Long, và các vua kế vị về sau.

Thế Miếu được xây dựng trên mặt bằng 1.500m² , cũng là toà nhà kép theo kiểu "trùng thiềm, trùng lương" như Ðiện Thái Hoà. Tiền doanh ( nhà trước) có 11 gian và chính doanh (nhà sau) có 9 gian.


9. Lăng Đồng Khánh

Lăng Đồng Khánh

Địa chỉ: làng Cư Sĩ, nay là thôn Thượng Hai, xã Thuỷ Xuân, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vị trí: Lăng Ðồng Khánh được xây dựng trên vùng đất thuộc làng Cư Sĩ, nay là thôn Thượng Hai, xã Thuỷ Xuân, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Lăng Đồng Khánh được xây dựng trong 4 đời vua (1888 - 1923) nên vừa mang lối kiến trúc xưa vừa chịu ảnh hưởng của kiến trúc Tây Âu.

Sau khi lên ngôi tháng 2/1888, Ðồng Khánh cho xây dựng ở bên cạnh lăng mộ vua cha ngôi điện đặt tên Truy Tư để thờ cúng cha. Công việc đang triển khai thì vua Ðồng Khánh mắc bệnh đột ngột và qua đời.

Vua Thành Thái lên kế vị và cho đổi điện Truy Tư thành Ngưng Hy để thờ vua Ðồng Khánh. Thi hài nhà vua được mai táng đơn giản trên quả đồi có tên là Hộ Thuận Sơn, cách Điện Ngưng Hy 30m về phía tây. Toàn bộ khu lăng tẩm được gọi là Tư Lăng.

Năm 1916, Khải Ðịnh - con trai của Ðồng Khánh lên ngôi, cho tu sửa điện thờ, xây cất lăng mộ cho cha mình và cho đến tháng 7/1917, mới xong phần cơ bản và đến năm 1923 thì hoàn tất.

Quá trình xây dựng lăng Ðồng Khánh diễn ra trong 4 đời vua (1888 - 1923), vì vậy lăng Ðồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử khác nhau.


10. Kỳ Ðài Huế

Kỳ Ðài Huế

Địa chỉ: , Phường Thuận Thành, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Kỳ đài nằm ở chính giữa mặt phía nam của Kinh thành Huế, thuộc phường Thuận Thành, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Kỳ đài là một di tích kiến trúc thời Nguyễn, thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.

Kỳ đài còn gọi là cột cờ, được xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (1807), cùng thời gian xây dựng Kinh thành Huế. Đến thời Vua Minh Mạng, Kỳ đài được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840. Cùng với những thăng trầm của Kinh thành Huế, Kỳ đài là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Thời Nguyễn, trong tất cả các dịp lễ tiết, chầu mừng, tuần du hay cấp báo, Kỳ đài đều có hiệu cờ thông báo. Ngày 30/8/1945, trong lễ thoái vị của vua Bảo Đại, lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được kéo lên, kết thúc sự tồn tại của chế độ phong kiến Việt Nam.


11. Hổ Quyền

Hổ Quyền

Địa chỉ: thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên -Huế.

Vị trí : Hổ Quyền tọa lạc tại thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên -Huế.

Đặc điểm:Hổ Quyền là đấu trường được xây dựng để tổ chức những trận đấu giữa voi và cọp cho vua, hoàng gia và các quan lại đến xem giải trí.

Trường đấu Hổ Quyền được xây dựng năm 1830. Ðây là công trình kiến trúc độc đáo, đồ sộ, kiên cố như một thành trì.

Trường đấu gồm hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm xây bằng gạch vồ, trát vôi vữa. Tường dày 1,1m ở nền và 0,5m ở đỉnh. Ðường kính của vòng tường ngoài là 45m, chu vi 140m, cao 4,5m. Vòng tường trong có đường kính 35m, chu vi 110m, cao 6m. Hai vòng tường cách nhau 4m ở nền và 3m ở đỉnh.

Các cuộc đấu giữa voi và hổ là một thú vui giải trí cho vua chúa có từ lâu đời, dưới thời các chúa Nguyễn. Ngày xưa, các trận đấu tại Hổ Quyền được tổ chức hàng năm. Trận đấu cuối cùng diễn ra vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái.

Ðấu trường Hổ Quyền là một công trình kiến trúc độc đáo hiếm thấy ở Ðông Nam Á. Tuy không đồ sộ như những đấu trường thời đại đế quốc La Mã nhưng nó cũng có dáng dấp đặc sắc và tạo được một không khí thượng võ, uy nghiêm...


12. Cung An Định

Cung An Định

Địa chỉ: Số 97 đường Phan Đình Phùng, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Số 97 đường Phan Đình Phùng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Đặc điểm: Là một công trình thuộc quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Cung An Định trước kia có tên là Phủ Phụng Hóa, được Vua Đồng Khánh (1886 – 1889) cho xây dựng vào đầu thế kỷ 20 bên bờ sông An Cựu để làm quà cho hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo. Năm 1917, Hoàng tử Bửu Đảo sau khi lên ngôi vua lấy niên hiệu Khải Định (1916 – 1925) đã cho xây dựng lại phủ và đổi tên thành cung An Định. Năm 1922, theo ý nguyện của Vua Khải Định, cung An Định được ban cho Hoàng tử Vĩnh Thuỵ, sau này là Vua Bảo Đại (1926 – 1945).

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, gia đình cựu hoàng Bảo Đại đã từ Hoàng cung chuyển qua sống tại cung An Định. Năm 1955, Ngô Đình Diệm sau khi lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã tịch thu cung An Định và trưng dụng làm nơi ở cho một số gia đình công chức địa phương. Sau năm 1975, cung An Định đã được bàn giao lại cho chính quyền cách mạng.

Cung An Định có diện tích gần 24.000m², được bao quanh bởi hệ thống tường thành xây bằng gạch kiên cố. Nhìn từ ngoài vào trong, cung An Định bao gồm các công trình: bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, vườn hoa, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng nuôi thú, hai dãy nhà ngang, vườn cây cảnh và hồ nước, cuối cùng là cổng hậu. Trong đó, nổi bật nhất là cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.


13. Hiển Lâm Các

Hiển Lâm Các

Địa chỉ: , Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Hiển Lâm Các được xây dựng phía trước Thế Miếu, phía tây nam Hoàng Thành, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Hiển Lâm Các là công trình kiến trúc cao nhất trong Hoàng Thành. Đây được coi như một đài lưu niệm ghi công những công thần đã sáng lập ra triều Nguyễn.

Hiển Lâm Các được xây dựng từ năm (1821 - 1822) thời vua Minh Mạng. Hiển Lâm Các được xây dựng trên khối nền cao hình chữ nhật, lát gạch Bát Tràng, xây bó bằng gạch vồ, vôi vữa và đắp nổi mảnh sành để trang trí. Từ dưới bước lên mặt nền bằng hai hệ thống bậc cấp đá Thanh, ở trước và sau mỗi hệ thống có 9 cấp bậc. Hai bên thành bậc cấp đắp hình rồng ở giữa là giới hạn lối đi giành riêng cho vua.

Hiển Lâm Các được kiến trúc bằng gỗ cao tầng. Mặt bằng tầng một chia làm ba gian hai chái. Quanh ba mặt ngoài của hai chái xây tường gạch để gia cố sức chịu lực của các hàng cột quân và bao che bớt phần nội thất. Ở hàng cột 3 tính từ mặt trước, dựng một dãy đố bản, giữa mỗi gian trổ một cửa vòm. Các hệ thống kèo, liên ba, đố bản ở tầng này đều chạm nổi các mô típ hình rồng cách điệu hoá thành dây leo lá cuốn. Trên cửa giữa treo tấm hoành phi lớn đề ba chữ "Hiển Lâm Các" trên nền sơn màu lục, khung chạm 9 con rồng vờn mây sơn son thếp vàng.


14. Cầu ngói Thanh Toàn

Cầu ngói Thanh Toàn

Địa chỉ: xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Vị trí: Cầu ngói Thanh Toàn bắc qua một con mương chảy từ đầu làng đến cuối làng Thanh Toàn, thuộc xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách trung tâm Tp. Huế chừng 8km theo đường bộ về phía đông.

Đặc điểm: Cầu ngói Thanh Toàn vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Cầu ngói Thanh Toàn là một di tích kiến trúc cổ, rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá và còn là một thắng cảnh.

Chiếc cầu được xây dựng cách đây hơn hai thế kỷ, đã bao lần bị gió bão, lụt lội và chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, sau các lần hư hỏng, nhân dân xã đều chung nhau tu sửa, tôn tạo và gìn giữ nó.

Với tinh thần "uống nước nhớ nguồn" và tôn trọng di sản văn hoá, nhiều thế hệ dân làng Thanh Toàn đã gìn giữ một công trình kiến trúc độc đáo của Huế. Tháng 9/1991, cầu được trùng tu lớn theo qui mô cũ và chính thức được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận Di tích quốc gia, trở thành danh thắng quý hiếm của cả nước.


15. Duyệt Thị Ðường

Duyệt Thị Ðường

Địa chỉ: Tử Cấm Thành, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vị trí: Duyệt Thị Ðường nằm về phía đông điện Quang Minh trong Tử Cấm Thành, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Duyệt Thị Đường là nhà hát trong cung đình, được xây dựng năm 1826 thời Minh Mạng. Đây là nhà hát cổ nhất còn lại của ngành sân khấu Việt Nam.

Duyệt Thị Đường vừa được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế khôi phục lại và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2004. Đây là nơi tổ chức biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế phục vụ khách du lịch. Với đội ngũ 70 diễn viên và nhạc công trẻ, Nhà hát hiện phục vụ 4 suất diễn/ngày, thu hút đông đảo khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.

Nhà hát đã sưu tầm và khôi phục 8 trong số 11 điệu múa cổ, 40 bài nhã nhạc và nhiều trích đoạn tuồng cổ, trong đó có nhiều tiết mục được dàn dựng công phu như Trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc), Phú lục địch, Kim tiền (Tiểu nhạc), Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng và các trích đoạn tuồng Kỷ Lan Anh, Ôn Đình chém Tá.

Nhà hát cũng đã sáng tạo, dàn dựng hàng chục tác phẩm mới trên chất liệu cổ, phù hợp với thị hiếu người xem, trong đó có vở "Người khởi nghiệp đàng trong" được công chúng đánh giá cao.


16. Lăng Khải Định (Ứng Lăng)

Lăng Khải Định (Ứng Lăng)

Địa chỉ: , Xã Thủy Bằng, Thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Lăng Khải Định thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách Tp. Huế 10km.

Đặc điểm: Lăng Khải Định có diện tích nhỏ hơn so với lăng của các vua tiền nhiệm nhưng công phu, lộng lẫy hơn; kết hợp tinh xảo hai nền kiến trúc, văn hoá Đông - Tây.

Lên ngôi năm 1916, vua Khải Ðịnh chọn triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) cách Huế 10km để xây dựng lăng mộ. Lăng khởi công ngày 04/9/1920 và kéo dài 11 năm mới hoàn thành.

So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Ðịnh có diện tích nhỏ hơn nhiều (117m x 48,5m) nhưng rất công phu và tốn nhiều thời gian. Nó là kết quả hội nhập của nhiều dòng kiến trúc Á - Âu, Việt Nam cổ điển và hiện đại.

Tổng thể của lăng là một khối nổi hình chữ nhật vươn cao tới 127 bậc và được chia ra: Vào lăng phải vượt qua hệ thống của 37 bậc với thành bậc đắp rồng to lớn nhất cả nước, trên sân có hai dãy Tả - Hữu tòng tự, ở hai bên xây kiểu chồng diêm hai lớp, tám mái, song các vì kèo lại bằng xi măng cốt thép.


17. Cửu Ðỉnh

Cửu Ðỉnh

Địa chỉ: Hoàng Thành, kinh thành Huế, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vị trí: Cửu Đỉnh đặt dưới bóng Hiển Lâm Các, trước sân Thế Miếu ở phía tây nam Hoàng Thành, thuộc Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Cửu Ðỉnh là chín cái đỉnh đồng lớn nhất Việt Nam đúc năm 1836 thời Minh Mạng, mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với miếu hiệu của một vị hoàng đế thờ trong Thế Miếu.

Cao Ðỉnh dành cho vua Thế Tổ Cao Hoàng Ðế (tức Gia Long), Nhân Đỉnh dành cho Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế (tức Minh Mạng), Chương Ðỉnh, Anh Ðỉnh, Nghị Ðỉnh, Thuần Ðỉnh, Tuyên Ðỉnh dành cho các vua kế tiếp là Thiệu Trị, Tự Ðức, Kiến Phước, Ðồng Khánh, Khải Ðịnh. Cho đến năm 1958 trong Thế Miếu chỉ có 7 án thờ nên mới dùng 7 đỉnh, còn hai đỉnh Dụ và Huyền chưa dùng đến.

Mới nhìn 9 đỉnh hình như giống nhau, nhưng trong thực tế chúng đều khác nhau: khác nhau về trọng lượng, khác nhau về bộ chân, cũng như bộ quai ở trên. Nhưng cái khác nhau đặc biệt nhất là 17 hình chạm chung quanh mỗi đỉnh.

Ứng với các án thờ bên trong Thế Miếu, Cửu Ðỉnh từ hồi mới đúc xong đã được đặt vào chỗ như ta thấy hiện nay: Cao Ðỉnh đứng giữa một mình ở hàng trước, các đỉnh khác đứng thẳng hàng ở phía sau theo vị trí cứ một cái bên trái thì đến một cái bên phải đối xứng nhau qua đỉnh trung tâm: Nhân Cương, Anh Nghị, Thuần Tuyên và Dũ Huyền.

Mười bảy hình chạm nổi chung quanh mỗi đỉnh gồm những gì tiêu biểu của đất nước từ Lạng Sơn xuống tận mũi Cà Mau và được qui lại trong các chủ đề: tinh tú, sông núi, biển cả, thuyền bè, xe cộ, các sản vật quí giá trên rừng, dưới biển của nước Việt Nam đầu thế kỷ 20. Minh Mạng đúc Cửu Ðỉnh với mục đích tượng trưng đế quyền của dòng họ.


18. Thái Bình Lâu

Thái Bình Lâu

Địa chỉ: Tử Cấm Thành, kinh thành Huế, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vị trí: Thái Bình Lâu nằm trong Tử Cấm Thành, kinh thành Huế, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Thái Bình Lâu - Thái Bình Ngự Lãm Thư Lâu là chỗ để vua nghỉ hoặc đọc sách.

Năm 1821, Minh Mạng cho cất một ngôi nhà ở phía tây vườn Thiệu Phương mang tên là Trí Nhân Ðường. Ðến đời Thiệu Trị sửa lại và đặt tên là Thanh Hạ Thư Lâu (nhà làm văn). Năm 1887, Ðồng Khánh cho triệt hạ và dựng lầu mới gọi là Thái Bình Ngự Lãm Thư Lâu. Lầu này dùng sành, sứ khảm trạm rất công phu.

Phía tây lầu trông xuống một hồ vuông trong xếp đá thành non bộ giả cảnh thiên nhiên thật là hấp dẫn. Ở bên trái toà dựng lầu Tứ Phương Vô Ngu, bên phải dựng hành lang Hoá Nhật Thư Trường, rồi ở bên trái đình Bát Phong dựng gác nhỏ gọi là Lục Trì Thần Thông, bên phải dựng phòng Thận Tu, ở phía bắc phòng ấy dựng lầu Lục Giác, bên trái lầu ấy dựng Trạch Trung, phía trước gọi là nhà Ðức Viên. Cầu, hành lang liền nhau, ao hồ nước thông chảy suốt, xem rất nên thơ.


19. Lăng Tự Ðức (Khiêm Lăng)

Lăng Tự Ðức (Khiêm Lăng)

Địa chỉ: , Phường Thuỷ Biều, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Lăng Tự Ðức tọa lạc tại xã Thủy Biều, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Lăng được xây dựng vào năm 1864 và hoàn thành vào năm 1867 trên diện tích 475ha. Khác với các lăng được xây dựng cân đối, lăng Tự Đức được xây dựng phóng khoáng, hài hoà với thiên nhiên có sẵn phản ánh tâm hồn lãng mãn của vị vua thi sĩ này.

Qua khỏi Khiêm Cung Môn, cửa tam quan hai tầng dựng trên một thế đất cao, người ta bước vào một hệ thống cung điện gồm vài chục tòa nhà lớn nhỏ và các công trình kiến trúc phụ thuộc.

Tòa ngang dãy dọc nơi đây đã được dành cho vua và đoàn cung nữ tùy tùng thỉnh thoảng lên ở lại vui chơi. Minh Khiêm Ðường - nhà hát cổ xưa và mang giá trị nghệ thuật kiến trúc trang trí. Ðiện Hòa Khiêm - nơi thờ đế và hậu, hiện còn chứa nhiều đồ ngự dụng và các tác phẩm mỹ thuật đương thời. Lăng Tự Ðức là một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình, gợi cho du khách một "hồn êm thơ mộng" (une douce rêve).


20. Ngọ Môn

Ngọ Môn

Địa chỉ: , Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Ngọ Môn là cổng chính vào Đại Nội trong kinh thành Huế, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Ngọ Môn là một trong những công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của miền núi Ngự sông Hương.

Mặc dù đã trải qua hơn một thế kỷ rưỡi với bao cơn bão táp của thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, nhưng nhờ có kỹ thuật xây dựng khéo léo và nhất là nghệ thuật kiến trúc rất thành thạo, cho nên, Ngọ Môn vẫn còn đứng vững với thời gian để trở thành một trong những công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của miền núi Ngự Sông Hương.

Ngọ Môn xây dựng vào năm 1833, khi vua Minh Mạng cho quy hoạch lại mặt bằng và hoàn chỉnh hóa tổng thể kiến trúc trong Ðại Nội.

Về mặt kết cấu kiến trúc, có thể chia tổng thể Ngọ Môn ra làm hai hệ thống: hệ thống nền đài ở dưới và hệ thống Lầu Ngũ Phụng ở trên, cả hai đều đã được thiết kế ăn khớp nhau một cách chặt chẽ và hài hòa với nhau từ tổng thể đến chi tiết.

Ngọ Môn xứng đáng được liệt vào hàng những công trình kiến trúc nghệ thuật xuất sắc nhất của triều Nguyễn nói riêng và của nền kiến trúc cổ Việt Nam nói chung.


21. Phu Văn Lâu

Phu Văn Lâu

Địa chỉ: kinh thành Huế, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vị trí: Phu Văn Lâu nằm ngay trước Kỳ Đài sát đường quốc lộ 1A chạy qua kinh thành Huế, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Phu Văn Lâu là nơi niêm yết những chiếu thư của Vua thời Nguyễn hay bảng kết quả các cuộc thi Hội, thi Ðình.

Phu Văn Lâu làm từ thời Gia Long (1819), nhưng đến đời Minh Mạng mới định thể thức làm nơi công bố những chiếu thư quan trọng của nhà vua. Sau khi đã được tuyên đọc ở điện Thái Hòa hay cửa Ngọ Môn, người ta đặt chiếu thư lên một cái long đình có lọng che để quân lính cung Nghinh ra yết tại lầu. Các quan tỉnh Thừa Thiên theo hàng hàng bô lão cung kính đến lạy các chiếu thư.

Từ năm 1821, sau khi truyền lô, danh sách các khoa danh tiến sĩ được đem niêm yết tại đây. Vì tính cách long trọng như vậy nên hai bên lầu có hai bia đá "khuynh cái hạ mã" nhắc nhở tất cả mọi người đi ngang qua Phu Văn Lâu phải "nghiêng nón xuống ngựa".

Năm 1829 đã từng có một cuộc đấu giữa voi và cọp trước lầu để cho vua Minh Mạng ra xem. Vào các dịp tứ tuần, ngũ tuần của Minh Mạng có nhiều cuộc vui khác được tổ chức ở đây. Về sau các vua Thiệu Trị, Tự Ðức cũng giữ cái lệ ấy nhân những ngày khánh thọ của mình. Vua Thiệu Trị xem sông Hương và lầu Phu Văn là một trong 20 cảnh đẹp ở chốn Thần Kinh. Năm 1843 Thiệu Trị cho dựng một nhà bia bên tay phải lầu để khắc bài thơ Hương Giang Hiểu Phiếm (buổi sớm bơi thuyền trên sông Hương).

Bão năm Thìn (1904) thổi bay lầu Phu Văn, vua Thành Thái cho làm lại giống y như cũ.


22. Lầu Tứ Phương Vô Sự

Lầu Tứ Phương Vô Sự

Địa chỉ: Hoàng thành Huế, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: nằm trên Bắc Khuyết đài của Hoàng thành Huế.

Đặc điểm: là nơi học tập xưa kia của các hoàng tử, công chúa triều Nguyễn.

Lầu Tứ Phương Vô Sự nằm trên trục “thần đạo” tây bắc - đông nam của Hoàng thành Huế, nối thông với các công trình quan trọng nhất Đại Nội: từ điện Kiến Trung, cung Khôn Thái, điện Càn Thành, điện Cần Chánh, điện Thái Hòa đến Ngọ Môn. Đây cũng là công trình hiếm hoi của Hoàng cung quay mặt về phía bắc, và cùng với cửa Hòa Bình (cửa Bắc của Hoàng thành) làm nên một tổ hợp kiến trúc độc đáo, biểu thị cho ước vọng hòa bình của triều đại.

Lầu Tứ Phương Vô Sự gồm hai tầng với diện tích nền 182m². Nền, tường, kĩ thuật xây dựng đều mang phong cách châu Âu. Công trình được xây hoàn toàn bằng gạch và xi măng, sàn lát gạch, trần làm bằng gỗ. Bốn mặt của hai tầng tòa lầu đều mở 2 cửa sổ và 1 cửa ra vào, tầng trên làm ban công vòng quanh, tầng dưới làm hàng hiên. Dãy hành lang có nhiều đèn theo mô típ phương Tây.

Với những đường nét kiến trúc hài hòa, giao thoa giữa phong cách phương Đông và phương Tây, lầu Tứ Phương Vô Sự có giá trị lịch sử và văn hóa nghệ thuật đặc sắc, là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp trong lịch sử kiến trúc Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.


23. Cửu vị thần công

Cửu vị thần công

Địa chỉ: Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Cửu vị thần công được đặt gần cửa Thể Nhơn và cửa Quảng Ðức bên trong kinh thành Huế, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Cửu vị thần công là chín khẩu súng thờ, tượng trưng cho những vị thần linh bảo vệ kinh thành.

Ngày 31/01/1803, Gia Long hạ lệnh thu hết tất cả đồ dùng bằng đồng của triều đại Tây Sơn đúc thành 9 khẩu súng. Ðến cuối tháng Giêng năm 1804 thì công việc đúc hoàn thành. Người ta lấy tên bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Ðông và ngũ hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ để đặt tên cho 9 khẩu súng. Tất cả chín khẩu đều được phong "Thần Oai vô địch thượng tướng quân". Mỗi khẩu dài 5,1m, nặng trên 10 tấn.

Thân súng chạm trổ tỉ mỉ, khắc danh hiệu, vị thứ, trọng lượng, cách dùng súng, bài ký về việc tranh chấp với Tây Sơn cùng việc thu đồng đúc súng.

Chín khẩu súng này chưa hề dùng trong trận mạc, chúng chỉ có tính cách tượng trưng, xem như những vị thần linh bảo vệ kinh thành.

Lúc mới đúc xong, Cửu vị thần công được đặt dưới chân Hoàng Thành, trước cửa Ngọ Môn. Ðến đời Khải Ðịnh mới dời ra vị trí như ta thấy hiện nay.


24. Lăng Minh Mạng

Lăng Minh Mạng

Địa chỉ: , Xã Hương Thọ, Thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Lăng Minh Mạng thuộc địa phận núi Cẩm Kê, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch tạo thành sông Hương chảy qua Tp. Huế. Lăng cách Tp. Huế 12km.

Đặc điểm: Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc quy mô gồm khoảng 40 công trình lớn nhỏ. Lăng Minh Mạng toát lên vẻ đường bệ, uy nghiêm nhưng rất hài hòa giữa các công trình kiến trúc và thiên nhiên.

Tháng 4/1840, vua Minh Mạng đổi tên núi Cẩm Kê thành Hiếu Sơn và gọi tên lăng là Hiếu Lăng. Lăng được khởi công xây dựng vào tháng 9/1840. Ðến tháng 1/1841 công trình đang xúc tiến thì Minh Mạng lâm bệnh mất, vua Thiệu Trị lên nối ngôi và tiếp tục cho xây dựng lăng theo đúng thiết kế cũ. Tháng 8/1841, thi hài vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu Thành. Ðến năm 1843 thì việc xây lăng mới hoàn tất.

Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc qui mô gồm khoảng 40 công trình lớn nhỏ gồm Cung điện, Lâu đài, Đình tạ... được bố trí cân đối trên một trục dọc từ Ðại Hồng Môn (ở ngoài cùng) tới chân tường của La Thành sau mộ vua.


25. Trung tâm văn hóa Huyền Trân

Trung tâm văn hóa Huyền Trân

Địa chỉ: thôn Ngũ Tây, Phường An Tây, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: nằm dưới chân núi Ngũ Phong thuộc thôn Ngũ Tây, xã Thủy An (nay là phường An Tây), TP Huế.

Đặc điểm: là cụm quần thể kiến trúc mang đậm màu sắc văn hóa, tâm linh, lịch sử.

Trung tâm Văn hóa Huyền Trân là một cụm quần thể kiến trúc truyền thống, bốn bề là đồi núi trùng điệp, phong cảnh hữu tình, không gian thâm nghiêm, u tịch. Từ ngoài dẫn vào là bốn trụ biểu lớn, dưới chân có nghê đá phục chầu, tiếp đến là ba bậc sân rất rộng lát gạch Bát Tràng, có hồ nước và cầu bắc qua tương tự như cầu Trung Đạo bắc qua hồ Thái Dịch trước điện Thái Hòa của Đại Nội Huế; tiếp nữa là tam quan, trong cùng là đền thờ Huyền Trân Công chúa. Tất cả nằm trên một trục thẳng. Bên trong đền thờ có pho tượng Công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai được đúc bằng đồng. Tượng cao 2,37m, do các nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của phường Đúc, TP Huế cẩn tác. Hậu điện thiết án thờ Đoàn Nhữ Hài, người tương truyền đã soạn biểu giúp gỡ tội cho vua Trần Anh Tông thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thượng hoàng Nhân Tông; ông còn là vị quan người Việt đầu tiên theo lệnh vua vào trấn giữ và yên dân 2 châu Ô, Lý khi 2 châu này về với Đại Việt...


26. Ðan viện Biển Ðức Thiên An

Ðan viện Biển Ðức Thiên An

Địa chỉ: xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vị trí: Ðan viện Biển Ðức Thiên An toạ lạc trên ngọn đồi Thiên An thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Ðan viện Biển Ðức Thiên An, thường gọi là Ðan viện Thiên An, được thành lập vào mùa hè năm 1940, do các đan sĩ Biển Ðức người Pháp với cái tên “Thiên An” (bình an từ trời).

Ðan viện được bao bọc chung quanh bởi rừng thông bình lặng, nằm giữa khoảng cách của lăng Thiệu Trị và lăng Khải Ðịnh. Ði giữa đồi thông Thiên An, bạn sẽ có cảm tưởng rằng mình đang ở đâu đó trên đất rừng Ðà Lạt. Ðây là hồ Thuỷ Tiên, kia là hồ Lưu Ly càng làm tăng thêm vẻ duyên dáng và thơ mộng, và làm cho đồi Thiên An trở thành điểm du lịch, nơi giải trí và khu cắm trại cho sinh viên, học sinh.

Thiên An là cộng đoàn Biển Ðức đầu tiên tại Việt Nam, sống theo tôn chỉ chung của Hội dòng Biển Ðức trên toàn thế giới. Tôn chỉ đó là: “Cầu nguyện và Lao động”. Các đan sĩ có đời sống chiêm niệm, khổ hạnh trong cô tịch, trong cầu nguyện và một cuộc sống đơn giản, lao động chân tay; Ân cần và chia sẻ những nỗi bất hạnh, khổ đau với tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ. Các Ðan sĩ sống hoàn toàn trong nội vi của Ðan viện, không có những hoạt động với bên ngoài. Ðan viện cũng không phải là nơi tham quan. Trước đây, Ðan viện có quản lý một bệnh xá và một trường học, những người học trò nay đã trưởng thành và trở nên những cán bộ, công tác tập trung chủ yếu ở địa phương.


27. Lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng)

Lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng)

Địa chỉ: , Xã Hương Thọ, Thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Lăng Gia Long nằm trong dãy núi Thiên Thọ, thuộc xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách trung tâm Tp. Huế 16km.

Đặc điểm: Lăng Gia Long là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến. Kiến trúc lăng có vẻ đơn sơ nhưng hoành tráng.

Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi, núi lớn, nhỏ, trong đó có Ðại Thiên Thọ là ngọn núi lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và là tên gọi của cả quần sơn này.

Lăng bắt đầu được xây dựng từ năm 1814 và đến năm 1820 mới hoàn tất. Từ bờ sông Hương đi vào lăng có con đường rộng, hai bên trồng thông và sầu đông cao vút, xanh um, tạo ra một không khí trong mát, tĩnh mịch. Hai cột trụ biểu uy nghi nằm ở ngoài cùng, báo hiệu khu vực lăng.

Ngày Ðinh Mùi tháng 12 năm Kỷ Mão (1819), Gia Long mất, thọ 59 tuổi, ở ngôi chúa 25 năm, ở ngôi vua 17 năm.



Điểm tham quan du lịch khác tại Thừa Thiên - Huế



Cẩm Nang Du Lịch Thừa Thiên - Huế