Ninh Thuận



Điểm tham quan tại Ninh Thuận


1. Tháp Hòa Lai

Tháp Hòa Lai

Địa chỉ: Thôn Ba Tháp, Xã Tân Hải, Huyện Ninh Hải, Ninh Thuận

Vị trí: Tháp Hoà Lai thuộc địa phận thôn Ba Tháp, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Đặc điểm: Tháp được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 9, trước đây gồm có 3 tháp, nhưng còn lại 2 tháp là tháp Bắc và tháp Nam.

Tháp Bắc có 4 trụ bổ tường, mỗi trụ được trang trí rất đẹp, phía dưới các trụ còn thể hiện những mảng điêu khắc đẹp và hình tượng chim Garuda giang rộng cánh. Trên mỗi đầu các trụ bổ của các mái chìa có các diềm mũ để trang hoàng. Các cửa giả được trang trí với những vòng cung và những hình người được thể hiện trong tư thế ngồi. Hình thức trang trí ở tháp Nam đơn giản hơn, cũng có 4 trụ bổ tường với những đường nét bên dưới và những diềm mũ với các hoa văn trang trí ở mái chìa, các cửa giả được trang trí vòng cung lớn nhưng không tỉ mỉ như tháp Bắc. Tháp có 3 tầng mái, mỗi tầng có một hốc giả trang trí bởi các vòng cung. Các tháp này sau một thời gian dài bỏ phế, người Chăm đã không cúng bái. Nay tháp đang được trùng tu và bảo quản.


2. Tháp Pôrômê

Tháp Pôrômê

Địa chỉ: Thôn Hậu Sanh, Xã Phước Hữu, Huyện Ninh Phước, Ninh Thuận

Vị trí: Tháp Pôrômê thuộc thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Đặc điểm: Tháp Pôrômê được coi là một bản sao không hoàn hảo của tháp Pôklông Garai. Công trình là một tổng thể hai tháp: tháp chính thờ vua Pôrômê và tháp phụ thờ Hoàng Hậu.

Tháp Pôrômê toạ lạc trên một ngọn đồi cao, cách thị xã Phan Rang - Tháp Chàm 15km về phía nam. Tháp được xây dựng ở đất Champa vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17. Mặt chính của tháp quay về hướng đông, trên cửa chính có các tầng hình vòng cung, dưới các hình vòng cung được trang trí bởi hình tượng thánh Siva và hình ngọn lửa, ở các cửa giả có hình các vị thần bằng đá trong tư thế ngồi, khuôn mặt các vị thần mang đậm nét bản địa. Tháp có ba tầng mái tuân theo mẫu cổ, mỗi tầng có 4 tháp góc, trên đỉnh mỗi tháp góc có trang trí búp sen bằng đá và hình ngọn lửa trang trí ở 4 góc. Trong mỗi hốc giả là hình ảnh một vị thần đang ngồi chắp tay trong tư thế cầu nguyện. Bên trong tháp chính có thờ hình tượng vua Pôrômê được tạo từ một Linga có 8 tay. Bên góc lối đi vào tháp có tượng thần bò Nadin được tạc từ một phiến đá xanh đen. Công trình ở phía sau tháp là nơi thờ hoàng hậu. Khu mộ táng của vua Pôrômê rất gần với công trình phụ này. Ðây là nơi chôn cất do chính vua Pôrômê chọn. Năm 1992, tháp Pôrômê đã được công nhận di tích.


3. Làng du lịch Cà Ná

Làng du lịch Cà Ná

Địa chỉ: , Huyện Ninh Phước, Ninh Thuận

Vị trí: Làng du lịch Cà Ná nằm sát bờ biển, cách thành phố Phan Rang-Tháp Chàm 32km, cách thành phố Phan Thiết 114km.

Đặc điểm: Làng du lịch Cà Ná lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển, rất thuận tiện cho du khách đi đường bộ và đường sắt.

Không khí trong lành mát mẻ, du khách ngồi xe ngựa tới các thắng cảnh của Cà Ná, Mũi Dinh, những hang động: hang Ông Phật, ghềnh Ông Nồng, giếng Đục, núi Bạc. Khách có thể tham gia môn thể thao leo núi hoặc vào rừng dạo chơi, tắm biển, đi ca nô trên mặt biển ngắm nhìn trời mây, nước xanh và quang cảnh núi rừng.

Một làng du lịch với những ngôi nhà nho nhỏ đủ tiện nghi cho 2 người hoặc 4 người nghỉ lại đã mọc lên sát biển tạo thành một làng du lịch Cà Ná.


4. Làng gốm Bầu Trúc

Làng gốm Bầu Trúc

Địa chỉ: , Thị trấn Phước Dân, Huyện Ninh Phước, Ninh Thuận

Vị trí: Nằm ven quốc lộ 1A Làng gốm Bầu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10km về hướng nam.

Đặc điểm: Là một trong hai làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á, Bầu Trúc còn được coi như một bảo tàng mang đặc tính gốm truyền thống của dân tộc Chăm.

Thôn Bầu Trúc có khoảng 400 hộ có đến 85% trong số đó vẫn thủy chung với nghề gốm. Theo truyền thuyết, nghề làm gốm do vợ chồng ông tổ Poklong Chanh dạy cho phụ nữ trong làng từ ngàn xưa. Để tưởng nhớ công ơn của tổ nghề, bà con lập đền thờ tổ chức cúng tế Poklong Chanh vào dịp lễ hội Katê hàng năm.

Ðất đai vùng Bầu Trúc từ xa xưa đã dành sẵn cho cư dân kho báu để khai sinh và nuôi sống nghề gốm; đó là mỏ đất, mỏ cát riêng biệt mà chỉ phù sa sông Quao mới có: Ðất mịn, dẻo lạ lùng; cát cũng rất mịn, hạt nhỏ li ti. Mỗi thứ đồ gốm, tùy công năng mà pha trộn cát với đất, nhưng trộn với tỷ lệ cát cao nhất, gốm ra lò vẫn bóng mịn, hầu như không sản phẩm nào rạn, nứt.

Ở nhiều nơi người ta dùng bàn xoay để nặn gốm, còn các nghệ nhân gốm Chăm vẫn dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những tác phẩm tuyệt vời với mẫu mã phong phú. Các hoa văn trang trí trên gốm Bầu Trúc là những đường khắc vạch hình sông nước, chấm vỏ sò và hoa văn thực vật; có cả hoa văn móng tay trên vai cổ gốm rất mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng. Sản phẩm gốm được nung lộ thiên ở nhiệt độ khoảng từ 500 - 6000C trong vòng 6 giờ, sau đó được lấy ra để phun màu (loại màu này được chiết xuất từ trái dông, trái thị ở trên rừng) rồi được tiếp tục nung lại trong vòng 2 giờ. Vì vậy, gốm Bầu Trúc có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, mang theo vẻ "lung linh của nền văn hóa Chămpa".

Đến với làng gốm Bầu Trúc du khách sẽ thấy được vẻ đẹp riêng so với gốm những nơi khác. Nếu du khách muốn tự tay mình làm ra một sản phẩm, người dân nơi đây rất sẵn lòng hướng dẫn: Du khách sẽ từ việc đập đất khô cho tơi, nặn thành hình, trang trí, đến khâu nung sản phẩm.


5. Khu du lịch Vĩnh Hy

Khu du lịch Vĩnh Hy

Địa chỉ: , Xã Vĩnh Hải, Huyện Ninh Hải, Ninh Thuận

Vị trí: Vĩnh Hy thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Đặc điểm: Vĩnh Hy được ví như nơi nối rừng với biển. Nới đây có làng chài Vĩnh Hy cạnh đó là ốc đảo Vĩnh Hy quyến rũ bởi địa thế hiểm trở, một mặt là biển và 3 bề rừng núi bạt ngàn.

Khởi hành từ thị xã Phan Rang theo tỉnh lộ 702, du khách sẽ luồn qua những cung đèo xuyên rừng mai và khộp lá vàng, đặc trưng cho khí hậu khô nóng miền cực nam. Đâu đó một làng chài ẩn hiện, xóa tan sự tĩnh mịch của núi rừng.

Du khách có thể thám hiểm vịnh Vĩnh Hy với một chiếc thuyền nhẹ, chở được 4 người. Chèo thuyền men theo vách núi ăn ra sát biển, khách sẽ thăm thú được toàn bộ vịnh. Giữa làn nước trong xanh tĩnh lặng, từng đàn cá cơm bạo dạn bơi lội quanh thuyền. Xa xa về phía nam là những doi cát chạy dài, ôm cong bờ biển.

Sau khi thám hiểm, du khách có thể thả mình trong bãi tắm hoang sơ, vắng vẻ hoặc vào làng chài và tìm hiểu sinh hoạt của họ với những nghề làm mắm, hấp cá và cùng ngư dân kéo lưới, thưởng thức các đặc sản biển.

Rời vịnh, vượt qua 1 cầu treo và sau 15 phút đi bộ, khách sẽ gặp khu bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa. Chuyến du khảo thú vị sẽ đưa du khách đến với làn nước mát lạnh của suối Lồ Ô, bắt nguồn từ những dòng nhỏ, luồn lách trong các khe rừng rồi chụm lại đây. Hai bên suối là các phiến đá bằng phẳng, được che mát bởi những tán cổ thụ rậm rạp. Vào những ngày quang đãng, ánh sáng mặt trời bị khúc xạ bởi bọt nước trong không trung tạo nên cầu vồng rất kỳ thú.


6. Tháp Pôklông Garai

Tháp Pôklông Garai

Địa chỉ: thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận

Vị trí:Tháp nằm ở phía tây thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận gần ga xe lửa mang tên ga Tháp Chàm, cách trung tâm thành phố khoảng 7km.

Đặc điểm: Tháp Pôklông Garai: được xem là trung tâm điểm rực rỡ nhất của nền văn minh Chăm, do vua Chế Mân chỉ đạo xây dựng từ cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 đạt đỉnh cao trong kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc của dân tộc Chăm.

Ðây là một nhóm gồm 6 tháp nay còn lại 4 tháp tương đối nguyên vẹn. Tháp chính thờ vua Pôklông Garai (1151 - 1205). Ông đã có nhiều công lao to lớn đối với dân tộc Chăm ở vùng đất phía nam mới được khai khẩn, nhất là trên lĩnh vực thuỷ lợi (đập Nha Trinh, đập Sông Cấm ở phía tây Phan Rang). Hơn thế nữa dưới triều vua Pôklông Garai trị vì, đất nước Chăm được hưng thịnh, nhân dân được ấm no. Theo truyền thuyết, đây là ông vua bị bệnh hủi nhưng rất dũng cảm.

Tháp này còn khá nguyên vẹn có hình tứ giác. Tháp cao 21,59m. Trong quá trình khai quật nghiên cứu và tu sửa tháp trước kia người Pháp đã tìm thấy một số bát bằng vàng, bạc và đồ trang sức. Gần đầy khi tu sửa tháp, ngành khảo cổ Việt Nam cũng tìm thấy một số bát vàng.

Ở mỗi cạnh, mỗi tầng và mỗi mặt của từng tháp được trang trí bằng các họa tiết đá, gốm với đủ loại hình người, hình đuôi rồng, hình lá, hình bò thần...

Tháp Pôklông Garai còn lại tương đối nguyên vẹn, quý và hiếm trên đất nước ta và trên thế giới về loại hình kiến trúc này và đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận di tích năm 1979.


7. Vườn quốc gia Núi Chúa

Vườn quốc gia Núi Chúa

Địa chỉ: huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận

Vị trí: Vườn quốc gia Núi Chúa nằm phía đông bắc tỉnh Ninh Thuận, thuộc huyện Ninh Hải, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chừng 20km.

Đặc điểm: Vườn quốc gia Núi Chúa là nơi có hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng hiếm thấy của Việt Nam được mệnh danh là “Rừng khô hạn châu Phi ở Việt Nam” với nguồn tài nguyên động thực vật phong phú đa dạng về số lượng cũng như chủng loại.

Vườn quốc gia Núi Chúa có tài nguyên rừng phong phú, đa dạng, diện tích rừng nguyên sinh khoảng 29.865 ha.

Với khí hậu khô hạn, mưa ít, cát bỏng thế nhưng nằm trong quần thể Vườn Quốc gia Núi Chúa, "Hồ treo" trên vách núi đá, mặt hồ có đường kính 70 - 80m, quanh năm có nước trong xanh và nhiều động, thực vật sinh sống. Ven hồ có nhiều vỉa đá nổi nhấp nhô như một "hòn non bộ" do thiên nhiên tạo thành. Len lỏi trên những sườn núi cao, nhiều dòng suối chảy xiết, tung bọt trắng xóa, Suối Lồ Ồ là thắng cảnh nằm giữa vách núi đá với làn nước trong xanh, mát lạnh.

Càng lên cao theo dốc núi, cây cối càng trở nên xanh tươi hơn, chủ yếu là cây bụi gai mọc liên kết thành từng mảng. Điều bất ngờ là ở khu vực này còn có một góc rừng mọc toàn là mai. Nấp mình bên khe đá, hút dinh dưỡng của đất khô cằn nhưng tết đến là mai nở vàng rực cả một góc núi, làm ngẩn ngơ những người đi rừng.

Ở độ cao 1.000m, quần thể núi Chúa Anh và ba núi Chúa Em nhờ được hứng toàn bộ nước mưa nên nơi đây rất phong phú các loài động thực vật rừng. Núi Chúa Anh có độ cao 1.039m so với mặt biển, nơi có 1.265 loài thực vật bậc cao, đặc hữu quý hiếm; 306 loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài được ghi vào sách đỏ: như chà vá chân đen, gấu ngựa, gấu chó, beo lửa...


8. Bãi tắm Ninh Chữ

Bãi tắm Ninh Chữ

Địa chỉ: xã Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Vị trí: Bãi tắm Ninh Chữ thuộc địa phận xã Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Đặc điểm: Bãi biển Ninh Chữ có chiều dài 10km, bờ biển hình vòng cung bằng phẳng.

Cách thị xã Phan Rang 5km về phía đông (theo hướng đường Ngô Gia Tự kéo dài xuống Ninh Hải), bãi biển Ninh Chữ là bãi tắm đẹp, xung quanh là rừng dương và các núi Ðá Chồng, núi Tân An, núi Cà Ðú... rất thích hợp cho các hoạt động du lịch như tắm biển, lướt ván, câu cá, du thuyền, leo núi, săn bắn. Khí hậu Ninh Chữ mát mẻ, nắng ấm quanh năm. Tại đây có khách sạn quốc tế Ninh Chữ (2 sao) của công ty du lịch Ninh Thuận và các dịch vụ khác phục vụ du khách.



Cẩm Nang Du Lịch Ninh Thuận