Điểm tham quan tại Đà Nẵng

III. Du lịch làng nghề & Văn hóa truyền thống Đà Nẵng



1. Làng cổ Phong Nam

Làng cổ Phong Nam

Địa chỉ: Quốc lộ 1A, thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng

Vị trí: Làng Phong Nam gần quốc lộ 1A, thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 10km về phía tây nam.

Đặc điểm: Đây là một trong số ít ngôi làng còn giữ được nét đặc trưng của một làng quê Việt Nam truyền thống: đồng lúa xanh ngát được bao quanh bởi những lũy tre, con đường đất quanh năm mát rượi; những ngôi nhà bình dị của nhà nông đôi khi tưởng chỉ còn trên sách vở.

Làng Phong Nam chiếm một phần lớn địa phận xã Hòa Châu, gồm các thôn Nam Thạnh, Tây An, Đông Hòa, Bàu Cầu. Trước kia, Phong Nam chỉ là một phần phía nam của làng Phong Lệ rộng lớn và nổi tiếng với một bề dày lịch sử lâu đời. Đó là một vùng đất được khai thác sớm từ thời Chàm. Thời Trần, Lê, Phong Lệ từng là đất huyện lỵ của Điện Bàn. Có nhiều hiện vật Chàm đã được tìm thấy ở địa phận làng Phong Lệ nay vẫn còn được trưng bày ở bảo tàng điêu khắc Chàm - Đà Nẵng.

Giá trị hấp dẫn của làng Phong Nam là các công trình kiến trúc cổ như đình, chùa, miếu, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ các tộc họ... Ngày xưa, Phong Nam còn nổi tiếng với Lễ hội Mục Đồng, một lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, lễ hội tôn vinh nghề nông và cũng là để cầu cho những vụ mùa sắp đến sẽ bội thu. Ở đây còn nhiều giai thoại về tên đất, tên làng, về tài năng của Ông Ích Khiêm, về những cuộc viếng thăm của Cao Bá Quát và cả câu đối của cụ Phan Bội Châu tặng cho làng...


2. Làng bánh khô mè Cẩm Lệ

Làng bánh khô mè Cẩm Lệ

Địa chỉ: Làng Cẩm Lệ, phường Khuê Trung, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Vị trí: Làng Cẩm Lệ thuộc phường Khuê Trung, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Đặc điểm: Bánh khô là đặc sản của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng có lẽ bánh khô mè sản xuất tại làng Cẩm Lệ là nổi tiếng thơm ngon hơn cả.

Bánh khô mè được làm từ bột gạo, bột nếp, đường kính, gừng, và mè. Bột gạo pha với bột nếp được cho vào khuôn, hấp cách thủy, nướng khô, “tắm” đường, “tắm” mè... Bánh tắm bằng nếp rang gọi là bánh khô nổ, tắm bằng mè thì gọi là bánh khô mè. Bánh ngon có ruột xốp dòn, đường dẻo, mè rang đủ độ chín thơm, lúc bẻ đường kéo thành sợi tơ vàng mảnh. Bánh khô mè thường được dâng cúng ông bà tổ tiên trong những ngày giỗ tết. Hiện nay bánh được sản xuất, tiêu thụ quanh năm cả trong và ngoài nước. Làng có 6 lò làm bánh khô mè, hơn 50 lao động, trong đó người đi “tiên phong” là bà Huỳnh Thị Điểu, tên thường gọi là bà Liễu. Bánh khô mè mang nhãn hiệu bà Liễu ngày nay khá nổi tiếng trên thị trường.


3. Làng chiếu Cẩm Nê

Làng chiếu Cẩm Nê

Địa chỉ: Xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Vị trí: Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 14km về phía tây nam, làng chiếu Cẩm Nê thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Đặc điểm: Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với các loại chiếu hoa truyền thống.

Chiếu hoa Cẩm Nê đã từng được hiện diện ở nội triều các vua nhà Nguyễn, những nghệ nhân Cẩm Nê xưa cũng đã từng được các triều đại vua sắc phong, ban thưởng. Theo lời những vị cao niên của địa phương, nghề chiếu Cẩm Nê có nguồn gốc từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa truyền vào miền nam khoảng từ thế kỉ 15, lúc vua Lê Thánh Tôn chiến thắng Chiêm Thành, sát nhập thành Đồ Bàn vào Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ đó đến nay, trải qua bao thăng trầm, thử thách bởi chiến tranh ly tán, có lúc bị cạnh tranh dữ dội do các loại chiếu nilông ngoại nhập, chiếu hoa Cẩm Nê vẫn âm thầm tồn tại bền bỉ.

Bằng những nguyên liệu đơn giản như lát (cói), đay và với một khung dệt kết cấu tinh tế, mỹ thuật, nghệ nhân làng Cẩm Nê đã cung cấp cho khắp nơi trong nam, ngoài bắc những tấm chiếu hoa đủ cỡ với những hoa văn trang trí đẹp. Ưu điểm của chiếu hoa Cẩm Nê là dày hơn, bền hơn, nằm êm lưng hơn so với chiếu của các địa phương khác. Đặc biệt mùa hè nóng bức, nằm trên chiếu Cẩm Nê sẽ cảm được cái mát lạnh, và vào mùa đông chiếu tỏa ra hơi ấm cùng với mùi hương đồng cỏ nội thơm dịu.


4. Chợ Hàn

Chợ Hàn

Địa chỉ: Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Vị trí: Chợ Hàn thuộc quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, nằm giữa bốn đường phố Trần Phú, Bạch Đằng, Hùng Vương và Trần Hưng Đạo.

Đặc điểm: Chợ Hàn vốn có lịch sử từ lâu, ban đầu chỉ là một tụ điểm buôn bán nhỏ tự sản, tự tiêu. Nhưng với điều kiện thuận lợi về giao thông đường bộ và đường thuỷ nên dần dần trở thành một chợ lớn, do nằm bên cạnh sông Hàn nên có tên là chợ Hàn.

Chợ được xây dựng đưa vào hoạt động vào những năm 1940. Tại đây, Pháp cho xây dựng ga xe lửa trung chuyển Tourane marché để chuyên chở hàng hoá đến ga chính. Theo đà buôn bán phát triển, một số thương gia người Hoa và người Việt đã xây dựng quanh chợ một khu thương mại khá sầm uất với các cửa hiệu tạp hóa, vàng bạc, thuốc bắc... Năm 1989, chợ được xây mới hoàn toàn, gồm hai tầng khang trang với diện tích 28.000m². Kiến trúc chợ đẹp và thoáng, cách bày trí hàng hoá gọn gàng tạo cho những người đi chợ không có cảm giác mệt mỏi.

Thời trước dân Đà Nẵng gọi chợ Hàn là “chợ nhà giàu” vì khách mua thường là những người thuộc giới thượng lưu, còn bây giờ mọi người đều thích đến đây để mua sắm. Hoạt động buôn bán diễn ra nhộn nhịp suốt cả ngày, hàng hoá phong phú và nổi tiếng với thực phẩm tươi sống (gà, vịt và thuỷ hải sản...), các loại hoa tươi và trái cây tươi. Chợ Hàn còn nổi tiếng với sự đa dạng các mặt hàng vải, áo quần và giày dép, đặc biệt là những gian hàng mắm du khách thường thích mua về làm quà - món ăn rất đặc trưng và gần gũi của người dân miền Trung.

Ngoài ra, sức hấp dẫn của chợ Hàn còn ở giá cả hàng hoá tương đối rẻ, bởi lẽ đây là chợ đầu mối cung cấp hàng sỉ cho các chợ nhỏ lẻ khác.


5. Chợ Cồn

Chợ Cồn

Địa chỉ: Phường Hải Châu II, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Vị trí: Chợ Cồn thuộc phường Hải Châu II, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, nằm ở ngã tư đường Hùng Vương - Ông Ích Khiêm và tiếp giáp với những mạch máu giao thông quan trọng.

Đặc điểm: Chợ Cồn đã phát huy được khả năng và thế mạnh của một khu mua bán lớn nhất Tp. Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Lượng khách đến với chợ Cồn hiện nay không chỉ đơn thuần để mua sắm mà đây còn là điểm tham quan hấp dẫn đối với những ai một lần đến thăm Đà Nẵng. Chợ Cồn hôm nay đã và đang thay đổi theo từng bước đi lên của thành phố qua từng ngày, từng đêm và qua mỗi chuyến hàng.

Hàng hoá ở chợ phong phú, đa dạng với đủ các mặt hàng từ phổ thông đến cao cấp theo phương thức bán sỉ và lẻ. Tuy không phải là chợ đêm nhưng chưa đêm nào vãn bóng người. Những chuyến xe chở đầy ắp trái cây từ mọi miền đất nước tranh thủ về chợ khi thành phố còn chìm đắm trong giấc ngủ say.


6. Cảng cá - Chợ cá Thuận Phước

Cảng cá - Chợ cá Thuận Phước

Địa chỉ: Số 15 Thuận Phước, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng

Địa chỉ: 15 Thuận Phước, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng.

Đặc điểm: Cảng cá Thuận Phước - nơi diễn ra các hoạt động mua bán nhộn nhịp suốt ngày đêm và là điểm đầu mối cung cấp hải sản tươi sống cho các đơn vị chế biến thuỷ sản tại địa phương, một số tỉnh lân cận và các chợ nhỏ lẻ trong thành phố.

Cảng cá Thuận Phước do Xí nghiệp Khai thác Cảng cá Thuận Phước quản lý. Vào cuối thập niên 19, nơi đây nguyên là một cồn cát trắng, các ghe thuyền chèo tay như thuyền rớ, ghe câu nhỏ, ghe lưới chài... neo đậu bán cá cho cư dân địa phương. Sau ngày giải phóng đất nước, chợ được xây dựng khá thông thoáng và trở thành bến đỗ cho các ghe, thuyền sau những chuyến đánh bắt trở về. Năm 2002, chợ được xây dựng mới thành cảng cá.


7. Làng cổ Tuý Loan

Làng cổ Tuý Loan

Địa chỉ: , Xã Hòa Phong, Huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng

Vị trí: Làng Túy Loan nằm ở hướng tây nam thành phố Đà Nẵng, thuộc địa phận xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Du khách đi theo quốc lộ 14B khoảng 15km sẽ đến địa phận làng cổ.

Đặc điểm: Làng Tuý Loan đã hình thành trên 500 năm, mang đậm dấu ấn của lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam.

Dân làng Tuý Loan đã xây dựng đình làng để thờ các vị tiền hiền, tổ tiên. Đình Tuý Loan là một di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng quốc gia, một địa chỉ nghiên cứu, tìm hiểu và tham quan hấp dẫn. Đình làng Tuý Loan được xây ở vị trí trung tâm, vào năm Thành Thái thứ nhất (1889) với diện tích trên 110m² trong khuôn viên rộng hơn 8.000m², thoáng đãng, hướng quay ra sông, nhìn về thế núi, sát đường lớn và đặc biệt có cây đa cổ thụ cành lá xum xuê chắc đã có hơn trăm tuổi gây ấn tượng và cảm xúc khó quên. Tại văn bia đặt trong đình còn có bài ký của Tam giáp tiến sĩ Nguyễn Khuê người huyện Thanh Trì (Hà Nội) ghi lại việc lập đình. Bài ký có đoạn: “Đình gồm một tòa chính tẩm, một tòa tiền đường đều làm bằng gỗ quý và lợp ngói'”. Văn bia ở Nhà ngũ tộc trong làng ghi rằng năm vị tiền hiền Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê được chiếu vua Lê Thánh Tôn đi mở mang bờ cõi về phương nam (năm Hồng Đức nguyên niên 1470). Năm vị dừng chân chọn nơi đây để lập nghiệp khai khẩn làm ăn và đặt tên cho làng là Tuý Loan.


8. Làng đá mỹ nghệ Non Nước

Làng đá mỹ nghệ Non Nước

Địa chỉ: , Phường Hoà Hải, Quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng

Vị trí: Làng đá mỹ nghệ Non Nước thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Đặc điểm: Đây là nơi sản xuất đồ mỹ nghệ bằng đá cẩm thạch nổi tiếng khắp trong và ngoài nước.

Có lẽ không ai đến Ngũ Hành Sơn mà lại không ghé thăm làng đá mỹ nghệ Non Nước. Làng được hình thành vào thế kỷ 18 do nghệ nhân người Thanh Hóa tên là Huỳnh Bá Quát khai phá. Sang thế kỷ 19 thì cả làng đều sinh sống bằng nghề này.

Nguyên liệu để làm ra các sản phẩm mỹ nghệ là đá cẩm thạch trước đây được khai thác ở núi Ngũ Hành Sơn. Đá núi Ngũ Hành Sơn nhiều vân ngũ sắc, vẻ đẹp cao sang, là mặt hàng được ưa chuộng trong xây dựng và kiến trúc. Từ đất đá vô cảm, người nghệ nhân làng đá mỹ nghệ đã thổi vào đó tâm hồn của con người.

Quá trình này diễn ra ở nhiều công đoạn, và có cả những công đoạn vất vả, nhọc nhằn vô cùng nhưng niềm hạnh phúc trước một tác phẩm đã thành hình, thái độ ngưỡng mộ của người thưởng thức đã giúp cho người dân làng nghề mỹ nghệ này ngày càng gắn bó với công việc của mình.

Sản phẩm mỹ nghệ bằng đá cẩm thạch khá phong phú: tượng Phật, tượng thánh, tượng người, tượng muông thú…, vòng đá đeo tay trơn láng đầy mầu sắc chạm trổ tinh xảo, công phu. Đến Ngũ Hành Sơn, du khách có thể chọn lựa thoải mái khi mua những đồ lưu niệm bằng đá do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân địa phương thực hiện.



Điểm tham quan du lịch khác tại Đà Nẵng



Cẩm Nang Du Lịch Đà Nẵng