Điểm tham quan tại Thừa Thiên - Huế

III. Du lịch các loại hình văn hóa truyền thống khác tại Thừa Thiên - Huế



1. Phân viện Bảo tàng Hồ Chí Minh

Phân viện Bảo tàng Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 6 đường Lê Lợi, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ðiện thoại: (84 – 54) 822 152 / 820 445.

Giờ mở cửa: 7:30 - 16:30 vào các ngày trong tuần; trừ chủ nhật.

Đặc điểm: Phân viện Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế là nơi trưng bày nhiều hiện vật, tranh ảnh nói về sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt giới thiệu về 10 năm Người ở Huế.

Bên trong Phân viện Bảo tàng Hồ Chí Minh có 4 di tích được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá, từng bước được đầu tư, bảo tồn và tôn tạo để phục vụ khách trong nước và quốc tế. Ðó là:

- Nhà ông Nguyễn Sỹ Ðộ, thôn Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và học tập trong những năm 1898 - 1900.

- Quyết định công nhận số 298 QÐ/BT, ngày 26/3/1990, Nhà số 112, đường Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, Tp. Huế nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và học tập trong những năm 1906 - 1908.

- Quyết định công nhận số 298 QÐ/BT, ngày 26/3/1990, Trường Quốc Học, phường Vĩnh Ninh, Tp. Huế, đình làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang.

Sau 2 năm xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thừa Thiên Huế đã chính thức khánh thành, mở cửa trưng bày, đón khách tham quan đúng vào ngày 19/5/2000.

Tới đây, du khách có dịp hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, hiểu thêm về tình cảm kính trọng vô bờ bến của nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Người.


2. Làng làm nón bài thơ Tây Hồ

Làng làm nón bài thơ Tây Hồ

Địa chỉ: xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vị trí: Làng làm nón bài thơ Tây Hồ nằm bên dòng sông Như Ý, thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Làng Tây Hồ là nơi sản sinh ra chiếc nón bài thơ - một vật dụng được xem là mang cả vẻ đẹp của tâm hồn Huế.

Điều làm nên nét đặc biệt nhất của nón lá Tây Hồ so với sản phẩm cùng loại của nhiều làng nón khác ở xứ Huế chính là dáng thanh mảnh, độ mỏng, màu nón nhã nhặn và đặc biệt nhất là những bài thơ chất chứa tâm hồn xứ Huế được cài trong chiếc nón. Vào thập niên 60 của thế kỷ 20, ông Bùi Quang Bặc - một nghệ nhân làm nón lá ở Tây Hồ và cũng là một người rất yêu thơ phú đã nghĩ ra cách ép những câu thơ vào giữa hai lớp lá để tôn lên vẻ đẹp và giá trị tinh thần của nón Huế. Theo đó, người thợ thủ công còn tạc lên những bức tranh mang đậm phong cách Huế với chùa Linh Mụ, cầu Trường Tiền, con đò trên sông Hương cùng hàng chữ mềm mại “Gió đưa cành trúc la đà. Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương…”.


3. Phường đúc đồng

Phường đúc đồng

Địa chỉ: thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vị trí: Phường nằm ở ven bờ nam sông Hương, đoạn từ cầu Giã Viên lên phía Long Thọ, cách thành phố Huế khoảng 3km về phía tây nam, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Nghề đúc đồng là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam.

Phường đúc ở Huế ra đời có nguồn gốc từ tổ chức của những thợ thuyền cùng nghề đúc thời Chúa Nguyễn. Vào thời Chúa Nguyễn, đã ra đời được một công tượng đúc đồng, những người thợ đến từ nhiều nơi làm việc trong những công tượng của Chúa ở Trường Đồng. Phường đúc gồm có 5 xóm, Trường Đồng, Kinh Nhơn, Bổn Bộ, Giang Dinh, Giang Tiền nhưng chỉ có Kinh Nhơn và Bổn Bộ là hai làng nghề đúc đồng lớn nhất và có danh tiếng.

Những người thợ tài hoa phường đúc đã để lại cho cố đô Huế các tác phẩm danh tiếng như Đại Hồng Chung, chùa Thiên Mụ; những chiếc vạc đồng, nghi môn bằng đồng trong Đại Nội; Cửu vị thần công đặt trước Ngọ Môn và đặc biệt là Cửu Đỉnh - bộ tác phẩm nghệ thuật với 162 hình khắc chạm nổi. Đó là những thành tựu rực rỡ nhất của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam 2 thế kỷ trước.

Ngày nay tại phường đúc có tới 60 lò đúc với khoảng 150 người làm nghề này. Ngoài các sản phẩm thông thường như đúc Đại Hồng Chung, lư hương, các mặt hàng mỹ nghệ, các cơ sở đúc đồng ở phường đúc còn có thể sản xuất những chi tiết máy dùng trong công nghiệp và những linh kiện có tính chính xác cao.


4. Tranh làng Sình

Tranh làng Sình

Địa chỉ: xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vị trí: Làng Sình thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Tranh Làng Sình chủ yếu phục vụ cho việc thờ cúng của người dân trong vùng.

Làng Sình nằm đối diện bên kia sông là Thanh Hà - một cảng sông nổi tiếng thời các chúa ở Ðàng Trong, còn có tên là Phố Lở, sau này lại có phố Bao Vinh - một trung tâm buôn bán sầm uất nằm cận kề thành phố Huế. Ðây còn là một trung tâm văn hoá: chùa Sùng Hoá trong làng đã từng là một trong những chùa lớn nhất vùng Hóa Châu xưa. Không biết từ bao giờ, làng nghề in tranh dân gian phục vụ cho việc thờ cúng của người dân khắp vùng.

Tranh Sình có kích thước tùy thuộc vào khổ giấy dó thông dụng. Giấy dó cổ truyền có khổ 25x70cm, được xén thành cỡ pha đôi (25x35), pha ba (25x23) hay pha tư (25x17). In tranh khổ lớn thì đặt bản khắc nằm ngửa dưới đất, dùng một chiếc phết là một mảnh vỏ dừa khô đập dập một đầu, quét màu đen lên trên ván in. Sau đó phủ giấy lên trên, dùng miếng xơ mướp xoa đều cho ăn màu rồi bóc giấy ra. Với tranh nhỏ thì đặt giấy từng tập xuống dưới rồi lấy ván in dập lên.

Bản in đen chờ cho khô thì đem tô màu. Tuy màu tô không tỉa tót và vờn đậm nhạt như tranh Hàng Trống, nhưng mỗi màu đều có chỗ cố định trên tranh, tạo nên sự hòa sắc phù hợp với ý nghĩa từng tranh. Công việc "điểm nhãn" ở một số tranh cũng do thợ chính làm nhằm tăng thêm vẻ sinh động của tranh.


5. Làng nón Phú Cam

Làng nón Phú Cam

Địa chỉ: , Phường Phước Vĩnh, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Làng Phú Cam còn được gọi là phường Phước Vĩnh, ngay ở trung tâm thành phố Huế, bên bờ nam sông An Cựu, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Nón Huế, nón Phú Cam đã xinh ở dáng, lại nhã ở màu, mỏng nhẹ như thấu quang, soi lên ánh sáng thấy rõ những hình trổ giấy về phong cảnh Huế kèm theo lời thơ được cài ở hai lớp lá.

Dáng nón trước hết phụ thuộc vào khung nón, phải giữ kỹ thuật tạo dáng mái, khoảng cách giữa các vành và độ tròn của vành. Sau khung là lá nón sao cho có màu trắng xanh. Phải chọn lá vừa đủ tuổi để chỉ 8 - 9 lá đủ chằm một cái nón. Có lá đúng tuổi còn phải xử lý qua một quy trình công nghệ sấy và ủ phức tạp.

Nón bài thơ là bộ phận của văn hoá Huế, nghề làm nón ở Huế không chỉ là nghề thủ công thuần tuý, mà chính là một hoạt động nghệ thuật, đem lại cho xã hội những sản phẩm nghệ thuật vật chất.


6. Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế

Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế

Địa chỉ: Số 3 đường Lê Trực, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế ở tại số 3, đường Lê Trực, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế là nơi trưng bày các bộ sưu tập đồ đồng, đồ sành, đồ sứ, đồ đá, đồ pháp lam, áo mão và đồ ngự dụng của vua chúa đời nhà Nguyễn.

Tòa nhà chính để trưng bày các cổ vật tiêu biểu có diện tích gần 1.200m². Toà nhà này nguyên là điện Long An được kiến trúc vào năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị. Bản thân toà nhà này là một công trình bằng gỗ tuyệt mỹ, có tới 128 cây cột gỗ quý. Trên toàn bộ các bộ phận bằng gỗ của toà nhà chạm trổ hàng trăm bức tranh cổ điển, các con vật thiêng liêng: rồng, lân, rùa, phụng... và trên 1.000 bài thơ bằng chữ Hán. Nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá đây là một trong những cung điện đẹp nhất ở Việt Nam.

Trong cung điện này, hiện trưng bày khoảng 300 hiện vật cổ quý hiếm bằng vàng, bạc, ngọc, sành, sứ, gỗ...Tại đây, bạn có thể trông thấy bàn, ghế, kiệu, giường, tủ của nhà vua; giày, hia, y phục của vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử...

Tất cả những cổ vật được trưng bày tại bảo tàng là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị được các nghệ nhân thực hiện một cách công phu và tài tình.


7. Chợ Đông Ba

Chợ Đông Ba

Địa chỉ: , Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Chợ Đông Ba nằm dọc theo bờ bắc sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế, cách cầu Trường Tiền khoảng 100m về phía bắc.

Đặc điểm: Chợ Đông Ba là trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế và khu vực.

Những tinh tuý văn hoá vật chất của Thừa Thiên - Huế còn giữ được cho đến nay đều có thể tìm thấy ở chợ Ðông Ba như: nón lá Phú Cam, dao kéo Hiền Lương, đồ kim hoàn Kế Môn, mè xửng Song Hỷ, dâu Truồi, chè Tuần, quít Hương Cần, thanh trà Lại Bằng, sen khô hồ Tịnh, hàng mã hoa giấy làng Sình… và cả những món ăn Huế truyền thống, bình dân như: cơm hến, bún bò, bánh lá, chả tôm, bánh khoái, chè đậu ván...Chợ Ðông Ba đã trở thành trung tâm cung cấp những sơn hào hải vị cho các nhà hàng, khách sạn quốc tế, bán các món đặc sản Huế cho khách du lịch từ bốn bể năm châu đến tham quan di sản thế giới tại Huế.


8. Làng Dương Nỗ

Làng Dương Nỗ

Địa chỉ: , Xã Phú Dương, Huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Làng Dương Nỗ thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách Tp. Huế khoảng 8km.

Đặc điểm: Dương Nỗ là một làng người Việt khai phá xây dựng từ khá sớm. Thuở nhỏ, Hồ Chí Minh đã sống cùng cụ thân sinh khi còn dạy học ở đây. Tại đây hiện còn lưu giữ ngôi nhà kỷ niệm, cùng những kỷ vật gắn bó với tuổi thơ của Người.

Cách đây vài thế kỷ, Dương Nỗ là làng quê sầm uất, giàu có và là mảnh đất có truyền thống văn võ. Ngôi đình làng được xây cất từ lâu đời. Ðình Dương Nỗ khá nổi tiếng bởi kiến trúc quy mô đẹp và thâm nghiêm, một di tích tiêu biểu cho mô hình làng cổ Việt Nam.

Ngôi nhà ở Dương Nỗ dựng theo hướng đông nam, cách bờ sông Phổ Lợi chừng 30m. Ngôi nhà này sau bị hoả hoạn, ông Ðộ cho dựng lại một gian hai chái... Sau ngày miền Namgiải phóng, đất nước thống nhất, nhân dân địa phương đã bảo trì và phục chế lại theo kiến trúc như xưa để làm khu lưu niệm thể hiện tấm lòng kính yêu và ngưỡng mộ của dân tộc đối với Bác Hồ.


9. Làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích

Địa chỉ: , Xã Phong Hòa, Huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế

Vị trí: nằm bên bờ sông Ô Lâu thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Đặc điểm: như một bảo tàng văn hóa làng quê Việt sống động được gìn giữ nguyên vẹn qua hàng trăm năm.

Các công trình kiến trúc của làng từ nhà cửa, đình làng, đền, miếu, nhà thờ họ đều được xây dựng kiên cố theo lối kiến trúc nhà vườn đặc trưng của vùng đất Thuận Hóa xưa (là địa danh hành chính cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế). Trong tổng số 117 ngôi nhà ở Phước Tích thì có đến 37 nhà rường có tuổi trên 100 năm, trong đó, 12 ngôi nhà rường được xếp vào loại đặc biệt quý hiếm, có tuổi từ 150 - 200 năm. Nhà rường ở đây có kiến trúc 3 gian hai chái, cột gỗ đen bóng; vì kèo, xuyên, trếnh, hoành phi, bản khoa, cửa đố… đều được chạm trổ tinh xảo, công phu.

Làng Phước Tích trước đây nổi tiếng với sản phẩm gốm tiến vua có độ bền, đẹp và kỹ thuật chế tác điêu luyện. Đến nay, dấu tích các lò gốm xưa vẫn được gìn giữ. Dân làng Phước Tích đã dành riêng một cồn đất gọi là cồn Trèng để lưu giữ những mảnh gốm cũ như một bảo tàng truyền thống của làng.

Phước Tích còn được mệnh danh là làng khoa bảng, nơi có nhiều người đỗ đạt cao. Chỉ tính riêng trong triều đại nhà Nguyễn (1802 - 1945), làng đã có 19 người đỗ cử nhân, tiến sỹ làm quan trong triều. Dân làng Phước Tích đã xây đền thờ Khổng Tử ở ngay đầu làng nhằm tôn vinh sự hiếu học và khuyến khích con cháu trong làng chuyên cần theo nghiệp bút nghiên.

Làng cổ Phước Tích đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào năm 2009.


10. Cầu Trường Tiền

Cầu Trường Tiền

Địa chỉ: , Phường Phú Hòa, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương, đầu phía bắc thuộc phường Phú Hòa, đầu phía nam thuộc phường Phú Hội, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Đặc điểm: Cầu Trường Tiền là một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng ở Đông Dương theo thiết kế, kỹ thuật xây dựng của phương Tây.

Dưới thời Vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), sông Hương đã có một chiếc cầu làm bằng song mây bó chặt lại có tên là cầu Mây. Về sau cầu được làm lại bằng gỗ, mặt cầu lát ván gỗ lim. Năm 1897, chiếc cầu được Khâm sứ Trung Kỳ Lavécque cho xây dựng lại bằng sắt thép theo thiết kế của kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Gustave Eiffel, người thiết kế nhiều công trình kiến trúc trên thế giới như tháp Eiffel, tượng Nữ thần Tự do…

Trải qua nhiều thăng trầm trong suốt nhiều thế kỷ tồn tại, đặc biệt là hơn 100 năm trở lại đây, cầu Trường Tiền đã trở thành một phần lịch sử của mảnh đất cố đô. Mặc dù có nhiều cây cầu khác bắc qua sông Hương như Bạch Hổ, Phú Xuân, Bãi Dâu… nhưng Trường Tiền vẫn là cây cầu tiêu biểu nhất và được xem như là một biểu tượng của xứ Huế mộng mơ. Từ Festival Huế 2002, cầu Trường Tiền được lắp đặt hệ thống chiếu sáng đổi màu hiện đại để mỗi khi chiều buông cũng là lúc cây cầu hiện lên rực rỡ, huyền ảo trong ánh đèn màu.



Điểm tham quan du lịch khác tại Thừa Thiên - Huế



Cẩm Nang Du Lịch Thừa Thiên - Huế