Yên Bái


Điểm tham quan tại Yên Bái


1. HỒ THÁC BÀ

HỒ THÁC BÀ

Địa chỉ: , Huyện Lục Yên, Yên Bái

Vị trí: Hồ thuộc 2 huyện Lục Yên và Yên Bình.

Đặc điểm: Đây là một trong ba hồ nước nhân tạo rộng nhất Việt Nam, được hình thành khi xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà.

Hồ Thác Bà là hồ nước nhân tạo có diện tích là 23.400ha, trong hồ có 1.331 đảo với thảm thực vật và cảnh quan sinh thái đa dạng. Nước hồ trong xanh, in bóng những vạt rừng già bao quanh hồ. Hàng ngàn đồi đảo trên hồ với các hang động như hang Hùm, hang Cẩu Cuôi, động Bạch Xà... và đền Thác Bà luôn tạo nên sự cuốn hút đối với du khách. Có dãy núi Cao Biền soi bóng ven hồ. Hồ Thác Bà còn là một di tích lịch sử. Tại đây vào năm 1285 đã diễn ra trận Thu Vật do Trần Nhật Duật chỉ huy đánh tan một đạo quân Nguyên Mông.

Ở vùng thượng hồ còn có một số nơi là cơ sở hoạt động của các cơ quan trung ương thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Giữa hồ Thác Bà có động Mông Sơn là nơi Tỉnh ủy Yên Bái làm việc trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hồ Thác Bà là một thắng cảnh đẹp, nơi đang có kế hoạch phát triển thành một trung tâm du lịch sinh thái, kết hợp giữa giải trí trên hồ và leo núi, thám hiểm rừng.


2. RUỘNG BẬC THANG MÙ CANG CHẢI

RUỘNG BẬC THANG MÙ CANG CHẢI

Địa chỉ: , xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái.

Vị trí: Mù Cang Chải là một huyện miền tây tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội khoảng 300km về phía Tây Bắc, phía bắc giáp huyện Văn Bàn của tỉnh Lào Cai, phía nam giáp huyện Mường La của tỉnh Sơn La, phía tây giáp huyện Than Uyên của tỉnh Lai Châu, phía đông giáp huyện Văn Chấn cùng tỉnh Yên Bái.

Đặc điểm: Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là những thửa ruộng trải trên các triền núi lớp nọ gối tiếp lớp kia.

Từ Hà Nội đến Mù Cang Chải đi theo quốc lộ 32, vượt qua đèp Khau Phạ dài 27km vào những ngày tháng 10 du khách không khỏi ngạc nhiên khi trước mắt hiện ra một màu vàng của lúa trải dài trên các triền núi, lớp nọ gối tiếp lớp kia như bất tận. Lên đến bản Trống Tông xã La Pán Tẩn nhìn xuống du khách mới phần nào cảm nhận được sự diệu kỳ của ruộng bậc thang nơi đây. Những mâm xôi vàng của lúa hiện lên hoành tránh giữa núi rừng xanh ngắt; từng bậc ruộng nối tiếp nhau đổ từ trên cao xuống như chiếc cầu thang vàng mời gọi người trần gian lên trời.

Đồng bào Mông ở đây làm ruộng bậc thang vào vụ xuân và vụ mùa. Trong đó, tháng 10 dương lịch là thời điểm đẹp nhất. Do độ dốc lớn, ruộng bậc thang có chiều ngang hẹp (chỉ được vài đường bừa), độ chênh từ thửa ruộng trên với thửa ruộng dưới từ một đến một mét rưỡi, trong khi đòi hỏi mặt bằng ruộng và nguồn nước ngâm chân lúa phải đồng đều, sao cho khi có nước vào thì một bậc thang đều có cân bằng sóng. Vì vậy, khi san ruộng người Mông dùng cuốc bướm cào thành bờ đất, dùng chân dẫm và dùng gáy cuốc đập mạnh nén chặt bờ.

Các điểm đón nước cho ruộng được lấy từ các nguồn khe phía trên, nếu vượt qua điểm trũng thì dùng cây to bổ đôi, khoét ruột làm máng dẫn nước. Để tạo đường đồng mức cho từng mảnh ruộng, đồng bào dùng nước làm một đường cân bằng sóng, chỗ trũng thì dùng cuốc bướm cào bằng thêm; chỗ cao thì san bớt lên bờ, vì vậy cả thửa ruộng quanh quả đồi đều có nước và độ cao giống nhau, tạo ra các bậc thang đều khắp. Ngay trong cách chia nước, đồng bào Mông chỉ sẻ nước từ bờ trên xuống bờ dưới theo cách không nối liền mạch (thửa đầu sẻ đầu bờ thì thửa dưới phải sẻ ở giữa bờ, thửa kế tiếp sẻ đường nước thoát ở cuối bờ) nhằm hạn chế tối đa khi mưa lũ tạo dòng chảy mạnh gây vỡ bờ và rửa trôi hết màu.

Những năm gần đây, Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Ngày 18/10/2007 Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia.


3. THÀNH PHỐ YÊN BÁI

THÀNH PHỐ YÊN BÁI

Thành phố Yên Bái là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Yên Bái. Phía bắc và phía đông giáp huyện Yên Bình, phía tây giáp huyện Trấn Yên, phía nam giáp tỉnh Phú Thọ.

Thành phố Yên Bái trong suốt chiều dài lịch sử đã trải qua nhiều lần thay đổi về địa danh và địa giới hành chính. Thời các Vua Hùng, mảnh đất này nằm trong bộ Tân Hưng, thời phong kiến Bắc thuộc nằm trong vùng đất Tượng Quân, Giao Chỉ rồi Phong Châu. Đến thế kỷ 11 (thời nhà Lý) thuộc châu Đăng. Thế kỷ 15 (đời Lê Thánh Tông) nằm trong lộ Quy Hoá thuộc tỉnh Hưng Hoá. Cuối thế kỷ 16 là một làng nhỏ bé trong tổng Bách Lẫm, phủ Quy Hoá thuộc tỉnh Hưng Hoá.

Thành phố nằm bên tả ngạn sông Hồng, với cấu tạo địa hình gồm dải phù sa ven sông, đồng bằng phù sa, các đồi núi thấp, các thung lũng, khe suối xen kẽ đồi núi và cánh đồng chạy dọc theo triền sông.

Các yếu tố khí hậu của thành phố mang đặc trưng khí hậu chuyển tiếp của miền Tây Bắc và Việt Bắc. Nhiệt độ trung bình cả năm là 230C, mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10, mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Lượng mưa trung bình năm là 1.755,8 mm. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Thành phố Yên Bái có số giờ nắng trung bình một năm là 1.278 giờ, độ ẩm trung bình năm là 87%.

Thành phố Yên Bái có quần thể di tích tôn giáo, tín ngưỡng gồm đền Tuần Quán là một ngôi đền cổ có từ thế kỷ 14 thời nhà Lê, đền - chùa Bách Lẫm, chùa Ngọc Am, nhà thờ Yên Bái.

Trên địa bàn thành phố còn có các di tích được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia là: Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học và lễ đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học có các hạng mục như khu lăng mộ, khu tượng đài, bia tưởng niệm, nhà đón khách và khuôn viên cây cảnh. Phần tượng đài có nhóm tuợng đài của 5 nghĩa sĩ (Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Nguyễn Thị Giang, Ngô Hải Hoàng) đứng trên một đám mây lịch sử cách điệu. Đây là các anh hùng trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 với câu nói nổi tiếng: “Không thành công cũng thành nhân”. Các tượng đài đều làm bằng chất liệu bê tông phủ kẽm với chiều cao trung bình các nhân vật là 6m. Xung quanh còn có cây cảnh, hồ nước tạo nên một vẻ đẹp trang trọng của khu di tích. Lễ đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi trong các ngày kỷ niệm trọng đại, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức tập thể, cá nhân tới tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ và báo công với Bác.


4. HUYỆN MÙ CANG CHẢI

HUYỆN MÙ CANG CHẢI

Huyện Mù Cang Chải là huyện vùng cao nằm ở phía tây tỉnh Yên Bái, có tọa độ địa lý từ 21º39’ đến 21º50’ vĩ độ bắc; từ 103056’ đến 104º23’ kinh độ đông. Phía bắc Mù Cang Chải giáp huyện Văn Bàn - tỉnh Lào Cai; phía nam giáp huyện Mường La - tỉnh Sơn La; phía đông giáp huyện Văn Chấn; phía tây giáp huyện Than Uyên - tỉnh Lai Châu.

Huyện Mù Cang Chải nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.700m so với mặt biển, địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc trung bình toàn huyện là trên 40º, có nơi dốc đến 70º.

Trên địa bàn huyện không có sông lớn mà có hàng chục khe suối bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn, tạo nên mạng khe suối dày đặc. Trong số đó có suối Nậm Kim chảy xuyên suốt chiều dài huyện theo hướng Đông Nam - Tây Bắc đổ xuống sông Đà. Suối Nậm Kim quanh năm nước chảy rì rầm, chia Mù Cang Chải thành tả ngạn và hữu ngạn, mang lại vẻ đẹp thơ mộng hiếm có cho vùng cao Mù Cang Chải. Ngoài ra có suối Nang Khú (xã Chế Tạo) dài 35km, suối Ta Sa (xã Nậm Có) dài 28km, suối Tư Sang (xã Nậm Có) dài 25km, suối Lao Chải dài 27km, suối Nậm Khắt dài 20km, suối Đình Hồ dài 12km... Cùng với hệ thống khe, suối là hàng loạt các thác nhiều tầng như: thác Nậm Mơ (Mồ Dề), Dề Thàng (Chế Cu Nha)…

Người Mông ở Mù Cang Chải có 4 nhóm: Mông Đơ (Mông Trắng); Mông Đu (Mông Đen); Mông Lình (Mông Hoa); Mông Si (Mông Đỏ) với truyền thống văn hóa đặc sắc. Đồng bào Mông thường cư trú ở những sườn núi cao từ 800 đến 1.700m, với kinh nghiệm làm ruộng bậc thang và một số nghề thủ công truyền thống như: nghề rèn đúc, dệt vải bằng sợi lanh, làm đồ trang sức…

Trong những năm gần đây, Mù Cang Chải đã và đang trở thành điểm đến của nhiều du khách, nhiều nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia. Đến với Mù Cang Chải dù chỉ một lần du khách cũng cảm nhận được sự giàu có của thiên nhiên, sự đặc sắc của văn hóa, sự ấm áp của tình người.

Mùa xuân đến với Mù Cang Chải, du khách sẽ được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên của những rừng thông cao vút bạt ngàn, của sắc hồng hoa đào, của sắc trắng hoa ban, hoa mận…


5. ĐỀN ĐẠI CẠI - NÚI HẮC Y

ĐỀN ĐẠI CẠI - NÚI HẮC Y

Địa chỉ: , xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, Yên Bái

Vị trí: Quần thể di tích đền Đại Cại tọa lạc bên tỉnh lộ 134, thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, cách thành phố Yên Bái 80km.

Đặc điểm: Cụm di tích này bao gồm có đền Đại Cại, thành Nhà Bầu, núi Hắc Y.

Đền Đại Cại nằm dưới chân núi Vua áo đen, bên hữu là sông Chảy, trước mặt là suối Ðại Cại. Tương truyền đền được xây dựng hơn 300 năm trước, thờ bà Vũ Thị Ngọc Anh - một nữ tướng văn võ song toàn dưới thờ hậu Lê. Bà được triều đình phong chức Tổng binh, sau này được nhà vua phong sắc nữ tướng. Bà là người đắp luỹ xây thành chống lại giặc nhà Mạc và cũng là người lập ra chợ búa cho nhân dân vùng này.

Ðền có kiến trúc đẹp, có đủ các đồ thờ tự như bát nhang đồng, ngai thờ sơn son thếp vàng. Ðặc biệt, những tảng đá kê cột đình, cột đền được chạm trổ hình mặt trăng, hoa sen, lá đề, mỗi tảng nặng hơn 100kg. Ðền có chiêng đồng, chuông đồng, có sắc phong của vua Cảnh Phong và vua Tự Ðức.

Năm 2001 đền được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Hàng năm cứ vào ngày 16 tháng riêng, lễ hội đền Đại Cại được tổ chức.


6. KHU CHÙA THÁP HẮC Y

KHU CHÙA THÁP HẮC Y

Địa chỉ: , xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, Yên Bái

Vị trí: Chùa toạ lạc trên đỉnh đồi Hắc Y thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, cách thành phố Yên Bái 80 km.

Đặc điểm: Chùa mang kiến trúc độc đáo thời Trần.

Trên đồi Hắc Y có tháp Hắc Y, thành đất, bãi quần ngựa, đấu đong quân,... những dấu ấn một thời oanh liệt trong lịch sử đấu tranh giữ nước.

Khu di tích này còn có tháp Hắc Y, đình Bến Lăn, núi thần áo Đen, đền Đại Cại. Các di tích này phần lớn đã bị đổ nát đang được phục chế. Đình Bến Lăn hiện chỉ có những tảng đá kê chân cột đình đường kính 0,72 m. Núi thần áo Đen là một dãy núi đá cao, trên đỉnh có ao cá, vườn cây, dấu tích của công trình tôn giáo thời Lý - Trần. Đền Đại Cại dựng cạnh bờ sông Chảy, mặt chính của đền nhìn ra ngã ba sông và đồi Hắc Y. Đền được dựng trong một khuôn viên rộng, có nhiều cây xanh và đường ven sông tạo vẻ đẹp thâm nghiêm, cổ kính. Tại khu vực Đại Cại, Bến Lăn còn tìm được nhiều công cụ đá cuội có đặc trưng văn hoá Sơn Vi.


7. ĐỀN ĐÔNG CUÔNG

ĐỀN ĐÔNG CUÔNG

Địa chỉ: , huyện Văn Yên, Yên Bái

Vị trí: Đền nằm ở huyện Văn Yên, cách thành phố Yên Bái khoảng 50 km.

Đặc điểm: Đền được xây dựng ở nơi có phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, núi sông hoà hợp nên vừa là di tích, vừa là thắng cảnh đẹp của tỉnh Yên Bái.

Đền còn có tên gọi là đền thờ thần Vệ quốc vì bên cạnh việc thờ Mẫu Thượng Ngàn, đền còn thờ các vị có công với nước chống giặc Nguyên - Mông (thế kỷ 13), đó là một số tướng người dân tộc ở địa phương.

Thời phong kiến, Chư thần Đông Cuông được bốn đời vua phong sắc về công lao bảo vệ đất nước, che chở nhân dân và xã Đông Cuông được đặc cách chuẩn y cho phụng thờ các vị chư thần tại đền.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đền Đông Cuông chịu nhiều sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên và chiến tranh. Sau nhiều năm tôn tạo, tu bổ, đền Đông Cuông toạ lạc khang trang trên nền cũ. Kiến trúc đền Đông Cuông mang dáng dấp kiến trúc đền chùa thời Lý Trần với mái ngói cong và hình lưỡng long chầu nhật. Các cột đền làm bằng gỗ tứ thiết được sơn son thếp vàng hình rồng cuốn trang nghiêm. Trên các đầu dư, đầu bẩy, xà ngang, cốn nách, câu đầu... được trạm khắc tỷ mỷ hình tứ linh và hoa lá. Các bức trạm khắc tinh vi đạt trình độ cao cả về kỹ thuật phục chế và mỹ thuật.



Cẩm Nang Du Lịch Yên Bái