Điểm tham quan tại Quảng Bình

I. Du lịch văn hóa - Di tích lịch sử Quảng Bình



1. Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Địa chỉ: Thôn Thọ Sơn, Xã Quảng Đông, Huyện Quảng Trạch, Quảng Bình

Vị trí: Khu vực biển Vũng Chùa – Đảo Yến, thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách Quốc lộ 1 hơn 2km về phía đông.

Đặc điểm: Dọc con đường vào viếng mộ Đại tướng có 103 bậc thang bằng gỗ, 103 cây hoa mai và 103 cây hoa ban Điện Biên tượng trưng cho 103 tuổi của Đại tướng

Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013) là đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tổng tư lệnh chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Năm 1984, Tân Bách khoa toàn thư Anh quốc (The new Encyclopedia Britannica), một trong những bách khoa thư đồ sộ nhất thế giới đã bình chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 10 vị tướng kiệt xuất của thế giới.

Vũng Chùa - Đảo Yến nơi đất mẹ Quảng Bình đã được Đại tướng chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng của mình. Vũng Chùa là khu vực có khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ, lưng tựa núi Thọ Sơn, mặt hướng ra biển Đông hùng vĩ với nhiều đảo nhỏ như hòn La, hòn Gió, hòn Nồm (đảo Yến). Phần mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm tại Mũi Rồng – mũi đất vươn ra biển, đối diện với đảo Yến.

Khu mộ Đại tướng được Tiểu đội 1 thuộc Đội cảnh vệ đồn biên phòng 184 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) thay phiên nhau canh gác 24/24h. Lực lượng cảnh vệ được chia làm 3 điểm chốt: một điểm tiếp nhận, ghi chép đón khách; một điểm theo dõi, hướng dẫn khách vào viếng và một điểm hướng dẫn thắp hương tại mộ Đại tướng.

Nhằm tôn tạo cảnh quan khu mộ Đại tướng, 13.000 cây thông và dừa Thanh Hóa được trồng phủ xanh núi Thọ Sơn và dọc theo con đường nhựa ven biển dẫn vào khu mộ. Gần mộ đại tướng có tháp chuông với quả chuông đồng in bốn chữ lớn “Vũng Chùa Hồng Chung”.

Trung bình mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách đến thắp hương, viếng mộ Đại tướng, đặc biệt vào những dịp lễ tết hay cuối tuần.


2. Thành Đồng Hới

Thành Đồng Hới

Địa chỉ: phường Hải Đình, trung tâm thành phố Đồng Hới.

Vị trí: Thành Đồng Hới nằm gần biển, cách cửa biển Nhật Lệ 1,5km, thuộc phường Hải Đình, trung tâm thành phố Đồng Hới.

Đặc điểm: Đây là di tích kiến trúc - nghệ thuật thành lũy quân sự.

Thành Đồng Hới được vua Minh Mạng cho xây dựng năm 1842, được xây theo kiểu thành lũy quân sự có kiến trúc đẹp hình múi khế, 4 múi to, 4 múi nhỏ.

Chu vi của thành là 1.872m, mặt tường thành rộng 1,2m cao 4,6m móng thành dày 2m. Mặt chính của thành quay về hướng tây, thành có 3 cổng lớn, trên cổng có vọng canh 8 mái. Cổng thành xây uốn kiểu tam quan thông ra ngoài bằng chiếc cầu gạch cũng xây kiểu vòm cuốn xinh xắn. Cách chân thành 5-6m là hào rộng khoảng 28m, ngày nay chỉ còn lại khoảng 15-20m.

Tuy ngày nay dấu tích thành Đồng hới chỉ còn lại khoảng 500m nhưng ngay từ ngày đầu xây dựng cho đến nay, thành Đồng Hới luôn mang một ý nghĩa quan trọng là trụ sở của cơ quan đầu não, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của một vùng, một phủ và của tỉnh Quảng Bình.


3. Quảng Bình Quan

Quảng Bình Quan

Địa chỉ: thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Vị trí: Quảng Bình Quan thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Đặc điểm: Là hệ thống thành luỹ cổ được Chúa Nguyễn xây từ năm 1630 để bảo vệ kinh đô Phú Xuân, hiện nay đã được phục chế như nguyên bản.

Quảng Bình Quan là công trình kiến trúc gồm có cổng và hệ thống thành lũy. Do biến thiên của lịch sử và thời gian, Quảng Bình Quan đã bị hư hại nặng. Hiện nay, Quảng Bình Quan đã được phục chế lại như nguyên bản cách đây hơn ba thế kỷ. Du khách ra Bắc vào Nam, ngang qua địa phận tỉnh Quảng Bình sẽ được chiêm ngưỡng Quảng Bình Quan, một di tích kiến trúc có giá trị lịch sử và nghệ thuật, đã đi vào văn thơ.


4. Lũy Đào Duy Từ

Lũy Đào Duy Từ

Địa chỉ: phường Hải Ninh và Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Vị trí: Lũy Đào Duy Từ hay còn được gọi là lũy Thầy, thuộc phường Hải Ninh và Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Đặc điểm: Hệ thống lũy Đào Duy Từ bắt đầu xây dựng từ năm 1630 đến năm 1662 nhằm ngăn chặn quân Trịnh.

Hệ thống lũy Đào Duy Từ gắn liền với nhà quân sự tài ba Đào Duy Từ, ông là người thuộc xã Hòa Trai, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Lũy Đào Duy Từ được xây dựng mang tính chất phòng ngự trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn (thế kỷ 17 - 18) gồm các lũy:

Lũy Trường Dục: lũy dài 10km xây theo hình chữ Hồi và được đắp bằng đất sét, bắt đầu từ chân núi Trường Dục đến đầm phá Hạc Lãi được xây vào năm 1630 có tác dụng ngăn chặn quân Trịnh đánh phá phía Đàng Trong.

Lũy Nhật Lệ: Xây năm 1631 bắt đầu từ cửa biển Nhật đến núi Đâu Mâu dài 12km cao 6m, phía ngoài đóng gỗ lim, trong đắp đất làm 5 bậc.

Lũy Trường Xa: Được xây dựng năm 1633 chạy dọc theo ven biển xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới từ cửa biển Nhật Lệ cho đến xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. Với những giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc quân sự lũy Đào Duy Từ đã được nhà nước công nhận là di tích quốc gia.

Hiện nay, lũy Đào Duy Từ không còn nguyên vẹn như xưa, tuy nhiên một số đoạn của lũy vẫn còn lưu giữ được dấu tích. Ngày nay, lũy Đào Duy Từ cùng với các điểm du lịch khác của Quảng Bình như: Động Phong Nha, bãi biển Nhật Lệ, thành Đồng Hới… đang là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan.


5. Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh

Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh

Địa chỉ: xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Vị trí: Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên một ngọn đồi cao, cây cối thoáng mát của dẫy núi An Mã thuộc xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy.

Đặc điểm: Nguyễn Hữu Cảnh là quan có công lớn dưới thời chúa Nguyễn trong việc đánh giặc, mở cõi, định hình lãnh thổ Việt Nam trong một quốc gia thống nhất.

Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650 tại thôn Phước Long, Chương Tín, huyện Phong Lộc (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Ông được phong tước Lễ Thành Hầu, Khai Quốc Công Thần, liệt vào hạng Thượng Đẳng Công Thần và thờ ở Thái Miếu.Ông mất ngày 9 tháng 5 Canh Thìn (1770), an táng tại Cù Lao Phố cạnh dinh Trấn Biên, Đồng Nai. Đến năm 1802, di hài của Nguyễn Hữu Cảnh được hậu duệ cải về an táng tại xã Trường Thủy.

Hiện nay trong khuôn viên Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh ở Quảng Bình còn tấm bia đá rất có giá trị. Bia mộ Nguyễn Hữu Cảnh cao khoảng 1,2m, được tạc bằng đá xanh (cẩm thạch). Sau khi ông mất nhân dân miền Nam nói chung và nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lập miếu thờ ông ở nhiều nơi.


6. Thành phố Đồng Hới

Thành phố Đồng Hới

Đơn vị hành chính:

- Phường: Bắc Lý, Bắc Nghĩa, Đồng Mỹ, Đồng Phú, Đồng Sơn, Đức Ninh Đông, Hải Đình, Hải Thành, Nam Lý, Phú Hải.

- Xã: Bảo Ninh, Đức Ninh, Lộc Ninh, Nghĩa Ninh, Quang Phú, Thuận Đức.

Đồng Hới là trung tâm kinh tế - văn hoá - chính trị của tỉnh Quảng Bình. Đây là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch biển.

Thành phố Đồng Hới giáp với biển Đông ở phía đông, huyện Bố Trạch ở phía tây và bắc, huyện Quảng Ninh về phía tây nam. Đồng Hới đã từng là nơi chúa Nguyễn xây thành Đồng Hới, lũy Thầy để làm tiền tuyến chống đỡ Đàng Trong trong thời kỳ chiến tranh Trịnh-Nguyễn.

Thành phố cách di sản thiên nhiên thế giới vườn quốc gia Phong nha - Kẻ Bàng 50 km, cách khu du lịch suối Bang 50 km, cách khu cụm cảng biển Hòn La 60 km, cách Hà Nội khoảng 489 km và cửa khẩu quốc tế Cha Lo 180 km.

Nằm ở vị trí rất thuận lợi, có quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh đi qua, có sân bay Đồng Hới với tuyến bay nối Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh của Vietnam Airlines, có cảng Nhật Lệ, cảng Gianh, cảng Hòn La... du khách có thể đến với Đồng Hới bằng nhiều con đường, nhiều phương tiện rất thuận tiện, dễ dàng.

Địa hình, địa chất của Đồng Hới đa dạng bao gồm vùng gò đồi, vùng bán sơn địa, vùng đồng bằng và vùng cát ven biển.

Đồng Hới có 12 km đường bờ biển dài và đẹp, độ nghiêng ít, biển gần bờ cạn, bãi biển thẳng tắp với một màu cát trắng chân mây kéo dài từ Quang Phú đến hết địa phận Bảo Ninh. Ở đây có sự kết hợp sinh thái rừng ven biển - biển, sông- hồ; với hệ thống động, thực vật phong phú đa dạng ở dưới nước cũng như trên cạn.

Các bãi tắm biển của thành phố có lợi thế đẹp, bãi cát phẳng và khá sạch sẽ. Bãi biển Nhật Lệ nước trong xanh biếc, cát óng ánh như dát bạc, bãi biển Quang Phú hiền hoà và trầm lắng nép mình dưới những rặng phi lao kéo dài như vô tận, còn bãi biển Bảo Ninh vẫn còn rất hoang sơ chưa được khai thác nhiều, phần lớn là cho cư dân trong vùng đến chơi và tắm biển.

Thành phố Đồng Hới còn lưu giữ những dấu tích lịch sử như tháp chuông nhà thờ Tam Tòa - một chứng tích tội ác chiến tranh, thành cổ Đồng Hới, Lũy Thầy, tượng đài Mẹ Suốt, khu tái tạo hình ảnh chiến tranh ở Vực Quành, Quảng Bình Quan...



Điểm tham quan du lịch khác tại Quảng Bình



Cẩm Nang Du Lịch Quảng Bình