Phú Yên



Điểm tham quan tại Phú Yên


1. Địa đạo Gò Thì Thùng

Địa đạo Gò Thì Thùng

Địa chỉ: , Xã An Xuân, Huyện Tuy An, Phú Yên

Vị trí: xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách Tp.Tuy Hoà khoảng 45km về phía bắc.

Đặc điểm: Địa đạo là kỳ tích của quân và dân Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Được khởi công xây dựng vào ngày 10/5/1964 và hoàn thành vào tháng 8/1965, địa đạo Gò Thì Thùng nối với vùng căn cứ địa cách mạng của tỉnh Phú Yên bởi các xã Sơn Long, Sơn Định (huyện Sơn Hòa). Đây là vị trí quân sự có tầm chiến lược, án ngữ cửa ngõ phía nam của vùng căn cứ, tạo cơ sở vững chắc cho bộ đội và dân quân du kích địa phương đánh tan nhiều cuộc tấn công của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh cục bộ, làm nên những chiến công vang dội lịch sử. Đặc biệt, với trận địa liên hoàn bao gồm: hầm chông, cọc nhọn, giao thông hào…, địa đạo Gò Thì Thùng đã giúp quân dân ta bẻ gãy kế hoạch “Năm mũi tên” trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 – 1966 của đế quốc Mỹ đánh vào đồng bằng Khu 5.

Nằm ở độ cao 400m so với mực nước biển, địa đạo Gò Thì Thùng có đường hầm dài 2km, sâu 4,5m, rộng 0,8m, cứ khoảng 15m lại có ngách cán chỏ làm chỗ tránh. Các lỗ thông hơi trong đường hầm được khoét từ dưới lên xuyên vào các hốc cây để tránh bị địch phát hiện. Miệng hầm được trổ từ dưới lên để khỏi bị lở khi gắn nắp hầm. Nắp hầm địa đạo được thiết kế giống hầm bí mật, dùng tre cật đan dày hoặc trồng cỏ lên trên, cứ 20m có một nắp hầm. Trong địa đạo có hệ thống hầm chỉ huy, hầm chứa lương thực, vũ khí, nước uống dự trữ… có thể chống được đạn pháo và bom loại nhỏ. Xung quanh địa đạo là hệ thống giao thông hào dài 10km.

Ngày 3/2/2009, địa đạo Gò Thì Thùng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.


2. Ghềnh Đá Đĩa

Ghềnh Đá Đĩa

Địa chỉ: , Xã An Ninh Đông, Huyện Tuy An, Phú Yên

Vị trí: xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Từ thành phố Tuy Hòa, xuôi theo quốc lộ 1A về hướng bắc khoảng 30km, sau đó đến thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) rẽ phải về hướng đông khoảng 12km, du khách sẽ đến ghềnh Đá Đĩa (hay còn gọi là gành Đá Đĩa). Năm 2010, con đường vào ghềnh Đá Đĩa được trải nhựa hoàn toàn với những biển chỉ dẫn cụ thể, giúp du khách dễ dàng tìm đến danh thắng này.

Đặc điểm: đây được xem là kiệt tác của đá mà tạo hóa ban tặng cho Phú Yên.

Theo các nhà khoa học, đá ở ghềnh Đá Đĩa là loại đá bazan hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa ở vùng cao nguyên Vân Hòa (Phú Yên) cách đây gần 200 triệu năm và cách vị trí ghềnh Đá Đĩa ngày nay khoảng 30km theo đường chim bay. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa, gặp nước lạnh đông cứng lại, kết hợp với hiện tượng di ứng lực khiến các khối nham thạch bị đông cứng rạn nứt đa chiều một cách tự nhiên. Phần lớn đá nứt theo mạch dọc, tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên, cũng có những đường xiết ngang cắt cột đá thành những hình dạng khác nhau. Trên thế giới, ngoài Phú Yên chỉ có một vài nơi khác có hiện tượng này như là các ghềnh đá Giant''s Causeway (Ireland), Los Órganos (Tây Ban Nha), Fingal (Scotland)...

Với chiều rộng hơn 50m và dài khoảng 200m, nhìn từ xa, ghềnh Đá Đĩa như một tổ ong khổng lồ, ánh lên màu đen huyền bí nổi bật giữa một vùng trời biển trong xanh. Càng tiến lại gần, du khách sẽ càng ngỡ ngàng khi trước mắt hiện ra hàng chục nghìn cột đá có tiết diện hình lục giác, hình vuông hoặc hình tròn, lớp nọ xếp nối lên lớp kia, liền khít nhau như có sự sắp đặt của bàn tay con người. Có những chỗ đá xếp cao và thẳng, có chỗ lại xếp trải dài hoặc nghiêng, trông như chồng bát đĩa. Theo dòng chảy thời gian cùng những đợt sóng dồn từ biển, các cột đá ở đây không hề tách rời hay đứt gãy mà cứ bám vào nhau, lớp nọ nối tiếp lớp kia vươn mình ra biển lớn.

Năm 1998, ghềnh Đá Đĩa đã được Nhà nước cấp chứng nhận danh thắng cấp quốc gia và được tỉnh Phú Yên đưa vào khai thác du lịch. Với vẻ đẹp hoang sơ và tạo hình ấn tượng, ghềnh Đá Đĩa ngày càng được nhiều du khách biết đến, trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến với mảnh đất Phú Yên.


3. Tháp Nhạn

Tháp Nhạn

Địa chỉ: , Phường 1, Thành phố Tuy Hoà, Phú Yên

Vị trí: Tháp Nhạn nằm bên bờ bắc sông Đà Rằng, gần quốc lộ 1A, thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Đặc điểm: Tháp là nơi thờ phụng thần linh của người Chăm cổ.

Tháp Nhạn được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 11, đầu thế kỷ 12 trên một khu đất tương đối bằng phẳng gần đỉnh núi Nhạn. Chung quanh việc xây dựng ngọn tháp trên núi Nhạn, có truyền thuyết kể rằng, thuở ấy quân của ông Lương Phù Già (tức Lương Văn Chánh) giao tranh với quân Chăm (Chiêm Thành). Chiến trường diễn ra ở phần đất thành phố Tuy Hoà ngày nay. Quân của ông Phù Già đóng ở núi Nựu, quân Chiêm đóng ở núi Nhạn để cố thủ. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt không phân thắng bại. Để tránh thiệt hại về người và của cho lương dân, hai bên giao ước với nhau sẽ cùng xây tháp, bên nào hoàn thành trước thì thắng cuộc, còn bên thua cuộc sẽ phải tự động rút quân khỏi Phú Yên. Hai địa điểm được hai bên lựa chọn là: quân Chăm trên núi Nhạn, quân ông Phù Già trên núi Cổ Rùa, một phần nhô ra của núi Nựu.

Quân Chăm dốc toàn sức lực ngày đêm xây đắp cho đến khi sắp hoàn thành thì ngọn tháp của ông Phù Già đã xây xong, đứng sừng sững một góc trời. Quân Chăm đành phải chấp nhận thua cuộc. Sau đó, quân ông Phù Già thách Chiêm Thành đốt tháp, tháp bên nào cháy trước thì bên đó thắng cuộc và bên kia phải rút binh. Tháp của ông Phù Già chỉ sau một đêm đã cháy sạch trong khi ngọn tháp bên núi Nhạn vẫn đứng vững. Lương Văn Chánh mang đại quân đến chân núi Nhạn buộc quân Chăm phải rút quân qua khỏi bên kia đèo Cả.

Vật liệu xây dựng tháp đều bằng gạch nung với nhiều kích cỡ khác nhau tuỳ theo vị trí của từng mảng tường, từng tầng tháp và được xếp liền khít, không thấy mạch hồ song kết dính rất vững chắc. Những hàng gạch bên trên hơi lùi vào so với hàng gạch bên dưới cho đến khi khép kín vòm. Tháp Nhạn có phong cách kiến trúc như tháp Chăm Pô Nagar ở Nha Trang, đó là xây dựng theo hình thức tầng cao. Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại so với tầng dưới, nhưng vẫn theo phong cách tầng dưới. Tháp cao gần 23,5m, mỗi cạnh chân tháp dài 10m.

Tháp Nhạn là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử cao của người Chăm và đây cũng là một thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Phú Yên. Tháp Nhạn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 16/11/1988.


4. Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh

Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh

Địa chỉ: Thôn Đồng Bé, Xã Hòa Tâm, Huyện Đông Hòa, Phú Yên

Vị trí: Danh thắng Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh thuộc địa phận thôn Đồng Bé, xã Hoà Tâm, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên), cách thành phố Tuy Hoà (Phú Yên) khoảng 35km về phía đông nam.

Đặc điểm: Đây là nơi hội tụ nhiều nét đẹp của thiên nhiên với rừng, biển, suối và núi đồi. Nơi đây còn có ngọn hải đăng tỏa sáng hàng đêm giúp tàu thuyền qua lại trên biển và vào vịnh Vũng Rô.

Du khách có thể đến Bãi Môn – Mũi Đại Lãnh bằng hai cách: Từ thành phố Tuy Hòa, theo quốc lộ 1A khoảng 23km về phía đông nam hoặc từ thành phố Nha Trang, theo quốc lộ 1A khoảng 100km về phía đông bắc, du khách sẽ tới lưng chừng đèo Cả. Tiếp tục theo con đường Phước Tân - bãi Ngà và xuyên qua những rừng dừa bạt ngàn khoảng 12km, sẽ đến Mũi Đại Lãnh. Mũi Đại Lãnh được tạo ra nhờ dãy núi Đại Lãnh - một nhánh của dãy Trường Sơn, đâm ra biển Đông.

Ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng vào năm 1890 với mục đích định hướng cho tàu thuyền hoạt động trên biển và vào vịnh Vũng Rô. Ngọn đèn biển hoạt động được 55 năm thì ngừng và đến năm 1961, nó được chính quyền Sài Gòn trước đây khôi phục hoạt động trở lại. Tuy nhiên, ngọn hải đăng hoạt động chưa được bao lâu thì phải tạm dừng bởi Mũi Đại Lãnh nằm trong khu vực căn cứ Miền Đông của cách mạng, là hành lang đón các con tàu không số. Để ngăn chặn tuyến đường tiếp tế trên biển của cách mạng vào Vũng Rô, Mỹ đã ném bom dày đặc vào núi rừng khu vực vịnh Vũng Rô, phá hủy cả trạm hải đăng. Tháng 8/1996, Nhà nước đã cho sửa chữa, tu bổ và ngọn hải đăng chính thức hoạt động trở lại vào năm 1997.

Dưới chân Mũi Đại Lãnh là Bãi Môn. Đây là một bãi biển vẫn còn khá hoang sơ, có hình vầng trăng khuyết với đường bờ biển dài khoảng 400m, độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn, nước trong vắt như pha lê. Ở phía tây của Bãi Môn có một con suối nước ngọt. Sau khi len lỏi qua nhiều vách đá và khu rừng nguyên sinh Bắc Đèo Cả, con suối này chảy ngang qua bãi tắm rồi đổ ra đại dương mênh mông.

Sự phối hợp tinh tế giữa thiên nhiên và con người tại Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn đã tạo nên một quần thể danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp được nhiều tạp chí trong nước và quốc tế biết đến, thực sự là tài sản quý giá của tỉnh Phú Yên.

Tháng 8/2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 67/2008/QĐ-BVHTTDL, xếp hạng danh lam thắng cảnh Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh (Mũi Điện) là di tích cấp Quốc gia.


5. Vũng Rô

Vũng Rô

Địa chỉ: , Xã Hòa Xuân Nam, Huyện Đông Hòa, Phú Yên

Vị trí: Vũng Rô nằm cuối tỉnh Phú Yên, bên đường quốc lộ, cách thành phố Tuy Hòa 25 km.

Đặc điểm: Vũng Rô là một trong những vịnh đẹp nổi tiếng không chỉ của Phú Yên mà là của cả khu vực ven biển miền Trung.

Vũng Rô được các dãy núi Đèo Cả, Đá Bia, Hòn Bà che chắn cả 3 hướng bắc, đông, tây. Phía nam là cửa biển có đảo Hòn Nưa cao 105m như một pháo đài canh gác cho tàu bè ra vào.

Ven bờ Vũng Rô có nhiều bãi cát vừa và nhỏ, một số bãi có thể hình thành những khu nghỉ ngơi, tắm biển tuyệt đẹp như bãi Chùa, bãi Bàng, bãi Lau... Trong lòng biển của Vũng Rô có nhiều loài hải sản, dưới đáy biển là những rạn san hô màu rất hấp dẫn cho các loại hình du lịch câu cá, bơi, lặn.


6. Đầm Ô Loan

Đầm Ô Loan

Địa chỉ: , Huyện Tuy An, Phú Yên

Vị trí: Nằm ngay dưới chân đèo Quán Cau, thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa về phía bắc khoảng 22 km.

Đặc điểm: đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia

Theo truyền thuyết, thuở xưa trên trời có nàng tiên rất xinh đẹp nhưng tính tình tinh nghịch và bướng bỉnh tên là Loan. Một ngày nọ, nàng mượn con chim Ô thước bay xuống trần gian dạo chơi khắp nơi mà không hề để ý chim đã mỏi cánh, đói và khát. Khi ngang qua Tuy An, chim không còn đủ sức để bay nên đã hạ cánh xuống dãy núi Từ Bi – một nhánh nhỏ của đèo Quán Cau. Sau này, người dân quanh vùng đã ghép chung tên chim Ô thước và nàng Loan, gọi tắt là Ô Loan để đặt tên cho đầm.

Vì là đầm nước lợ nên Ô Loan có rất nhiều hải sản như hàu, sò huyết, tôm, mực, sứa, rau câu, điệp, cua… Đến Ô Loan thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và thưởng thức những món hải sản đậm đà hương vị miền Trung, du khách mới có thể cảm nhận hết được vẻ đẹp của vùng đất Phú Yên thơ mộng.Với diện tích mặt nước hơn 1.500 ha, đầm Ô Loan được thiên nhiên ban tặng cho một vẻ đẹp thanh bình với không gian thoáng đãng và khí hậu trong lành, mát mẻ. Từ đỉnh đèo Quán Cau nhìn xuống, du khách sẽ thấy núi Từ Bi, nơi có con suối Từ Bi chảy ngoằn ngoèo qua các khe núi rồi đổ ra đầm, tạo nên cảnh quan thơ mộng. Quanh đầm là núi Đồng Cháy, núi Cẩm và cồn An Hải với những ghềnh đá nhô ra ngoài đầm tạo thành những mỏm đá với nhiều hình dạng khác nhau. Nằm men theo bờ nước của đầm là những rừng phi lao - nơi trú ẩn của các loài chim như le le, bồ nông, cò, vịt…


7. Khu du lịch Đại Lãnh

Khu du lịch Đại Lãnh

Địa chỉ: i tỉnh Phú Yên

Vị trí: Nằm kề ranh giới của hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang về phía bắc khoảng 80km.

Đặc điểm: Là khu du lịch kì thú với núi non, biển cả tuyệt đẹp, được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những thắng cảnh đẹp nhất ở Đông Nam Á.

Theo quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam, chỉ cần vượt qua đèo Cả, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp như tranh họa đồ của khu du lịch Đại Lãnh. Phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng của Đại Lãnh từ xưa đã được liệt vào hàng danh thắng của nước nhà. Năm 1836, vua Minh Mạng đã cho thợ chạm hình phong cảnh Đại Lãnh vào một trong chín đỉnh đồng lớn trang trí trước sân Thế Miếu của đất đế đô. Năm 1853, dưới triều Tự Đức, Đại Lãnh có tên trong từ điển quốc gia do triều đình biên soạn.

Đại Lãnh có bãi biển được coi là một trong những bãi biển lí tưởng và đẹp nhất ở Việt Nam. Bãi biển Đại Lãnh rộng và dài, cong cong hình lưỡi liềm, cát trắng phau và mịn màng. Nước biển trong vắt, độ thoải lớn, có thể lội ra xa bờ. Kề bãi biển là rừng phi lao xanh, gió thổi vi vu hòa cùng tiếng sóng biển rì rầm tạo thành bản nhạc du dương say đắm lòng người. Khu du lịch có những nhà hàng thủy tạ nép mình dưới những tán phi lao rất thơ mộng, những chiếc lều tranh xếp thành hàng dài cho du khách nghỉ ngơi, hóng mát.

Nơi đây thích hợp với các loại hình du lịch: tắm biển, câu cá, leo núi, khám phá bí mật của các đảo, dã ngoại, thể thao, nghỉ dưỡng... Sau khi kết thúc các hoạt động vui chơi, giải trí, du khách có thể thưởng thức những món ăn hải sản tươi ngon như: cá mú hấp, gỏi ốc, tôm hùm nướng, ghẹ luộc, mực xào…


8. Núi Đá Bia

Núi Đá Bia

Địa chỉ: xã Hòa Tâm, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên

Vị trí: Núi Đá Bia thuộc xã Hòa Tâm, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm dọc quốc lộ 1A trên dãy núi Đèo Cả, cách thành phố Tuy hòa 23km về phía Nam.

Đặc điểm: Năm 1471 vua Lê Thánh Tông sau khi thu phục kinh đô Chà Màn đã qua đây khắc chữ lên mặt đá làm bia phân định ranh giới Đại Việt - Chiêm Thành.

Ði từ chân núi Ðá Bia lên đến đỉnh 2.280m, đá bia chỉ ở độ cao khoảng 706m. Theo tương truyền, năm Tân Mão, niên hiệu Hồng Ðức thứ 2 (1471), sau khi thu phục kinh đô Chà Màn, vua Lê Thánh Tông thừa thắng tiến đến đây cho khắc chữ lên mặt đá, làm bia định ranh giới giữa hai nước Ðại Việt - Chiêm Thành. Ðại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Ðình Toái ghi lại công lao mở mang bờ cõi của vua Lê Thánh Tông:

Mở mang Quảng Nam, đặt Trấn Nanh

Ðề phòng muôn dặm, uy linh ai bì

Kỷ công núi có đá bia

Thi văn các tập Thần khuê còn truyền.

Không những Ðá Bia có một lịch sử của ngàn xưa mà đây còn là một thắng cảnh tuyệt đẹp. Ðường lên đỉnh Ðá Bia có nhiều trạm nghỉ để du khách dừng chân chiêm ngưỡng phong cảnh. Phóng tầm mắt nhìn về bốn hướng du khách sẽ thấy non xanh nước biếc, làng mạc, quê hương như một bức tranh hùng tráng. Nhìn xuống phía đông, Vũng Rô hiện ra phẳng lặng, huyền ảo dưới những đám mây bồng bềnh. Hướng tây đường lên Ðèo Cả như những dấu hỏi, dấu ngã, những nét vẽ ngoằn ngoèo ngộ nghĩnh; từ quốc lộ 1A những khúc quanh Hảo Sơn như những nét chấm phá tương phản với biển, hồ, với dòng Bàn Thạch loang nước. Thỉnh thoảng hiện ra những ô ruộng mới sạ vuông vắn của cánh đồng bát ngát dưới chân núi.

Ðỉnh Ðá bia là một ước vọng lớn và là một nỗi đam mê tột cùng của người dân Phú Yên. Từ lâu người dân hình dung ra đá bia là một cái gì đó thiêng liêng (dân gian kính trọng gọi là Ông Bia). Kính trọng Ông Bia để chiêm ngưỡng, tạo ra một nơi thờ phụng trên ngọn Ðá Bia để các thế hệ con cháu lên tế lễ tiền nhân và những anh hùng liệt sỹ hy sinh trong vùng này bỏ mình vì đất nước. Quy tụ hoa thơm cỏ lạ trên khắp dãy núi Ðèo Cả trồng thành một vườn hoa trên núi Ðá Bia tạo ra các lối đi để du khách chiêm ngưỡng trời đất.


9. Khu rừng cấm Bắc đèo Cả

Khu rừng cấm Bắc đèo Cả

Địa chỉ: xã Hòa Xuân Nam và Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên,

Vị trí: thuộc xã Hòa Xuân Nam và Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 30km về phía nam.

Ðặc điểm: Đây được coi là điểm du lịch sinh thái và leo núi lý tưởng của tỉnh Phú Yên.

Khu rừng cấm Bắc đèo Cả có hệ động thực vật phong phú. Theo thống kê của ngành Kiểm lâm, khu rừng cấm bắc Đèo Cả với diện tích tự nhiên khoảng 8.780ha đang bảo tồn hàng trăm loài động thực vật, trong đó có những loài đặc hữu và quí hiếm. Rừng có những cây gỗ quý và đặc trưng như chò, trâm, dẻ, cà ná, cẩm, thị. Động vật có các loài thú như trĩ sao, khỉ mặt đỏ, gấu ngựa, gấu chó, tê tê, báo hoa, nhím, khỉ, sóc và nhiều loài chim.

Nằm trong địa phận rừng cấm Bắc đèo Cả có ngọn núi Đá Bia cao 706m, là địa điểm khá lý tưởng cho loại hình du lịch thể thao leo núi. Du khách có thể leo lên đỉnh núi Đá Bia theo lối mòn dài khoảng 2,2km. Từ trên đỉnh núi, du khách sẽ nhìn thấy toàn cảnh vùng đất Phú Yên như một bức tranh sơn thủy đầy màu sắc với những đồng lúa trải dài miên man, những cánh rừng, eo biển, vịnh, đảo xanh ngút ngàn tầm mắt.

Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu trong lành, mát mẻ, khu rừng cấm Bắc đèo Cả đang ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn.


10. Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai

Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai

Địa chỉ: huyện Sơn Hòa, cách thành phố Tuy Hòa

Vị trí: Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai thuộc địa phận hai xã Krông Trai và Krông Pa, huyện Sơn Hòa, cách thành phố Tuy Hòa 80km theo trục đường quốc lộ 25.

Đặc điểm: Là nơi có hệ sinh thái chuyển tiếp từ Tây sang Đông của dãy Trường Sơn nên hệ động thực vật ở đây phong phú đa dạng.

Khu rừng cấm Krông Trai rộng khoảng 22 290ha. Theo thống kê Krông Trai có khoảng 236 loài thực vật, 50 loài thú, 182 loài chim và 22 loài bò sát, trong số đó có nhiều loài động và thực vật quí hiếm có giá trị cao cho nghiên cứu khoa học, tham quan tìm hiểu.

Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai còn là nơi bảo tồn các văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của các đồng bào dân tộc ít người như đồng bào Ê Đê, Ba Na với các lễ hội: đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ hội mùa, kể khan, nghệ thuật nhà mồ.

Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, điều kiện ví trí thuận lợi kết hợp với văn hóa truyền thống, Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, là nơi thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.


11. Chùa Từ Quang

Chùa Từ Quang

Địa chỉ: xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

Vị trí: Chùa tọa lạc trên núi Xuân Đài thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 35km về phía bắc, cách quốc lộ 1A khoảng 500m.

Đặc điểm: Chùa có khu mộ tháp các hòa thượng được đánh giá là một trong những công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo hàng đầu ở các tỉnh duyên hải miền Trung.

Chùa nằm trên núi, giữa một vùng toàn đá trắng nên còn được gọi là chùa Đá Trắng hay chùa Bạch Thạch. Chùa được xây dựng từ năm 1797 dưới triều vua Quang Toản (nhà Tây Sơn), do thiền sư Pháp Chuyên, đời thứ 36 phái Lâm Tế khai sơn. Trước đó, vào năm 1793, thiền sư đã dựng một thảo am tại đây để dịch kinh Hoa Nghiêm và bốn năm sau cho dựng chùa Từ Quang. Đến năm 1929, chùa bị hoả hoạn, các công tình kiến trúc bị thiêu rụi hoàn toàn. Sau đó, chùa được xây dựng lại theo nguyên mẫu chùa cũ và được trùng tu nhiều lần.

Nằm ở độ cao 100m so với mực nước biển, chùa có tổng diện tích khoảng 5.000m², lưng dựa vào dãy núi Xuân Đài, mặt hướng về phía nam, nhìn ra con sông Cái (sông Ngân Sơn) và sông Nhân Mỹ. Đứng ở sân chùa, có thể nhìn bao quát cả một vùng sông, núi xanh biếc tuyệt vời. Xung quanh chùa là vườn xoài đã đi vào thơ ca Phú Yên như một sản phẩm đặc trưng của vùng đất này: “Xoài Đá Trắng, sắn phường Lụa”. Hàng năm, đến vụ xoài, người dân thu hoạch, chuyển về kinh thành dâng Vua nên xoài Đá Trắng còn có tên là xoài Ngự, xoài Tiến cung.

Trên một khu đất rộng ở phía tây ngôi chùa có 8 ngôi tháp thờ các vị hòa thượng đã khai sáng và trụ trì chùa. Tại chùa còn có quả chuông Đại hồng nặng 330 cân, do hoà thượng Pháp Ngũ cho đúc ở Huế vào năm 1915. Đặc biệt, chùa đã từng là căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Chùa Từ Quang đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1997.


12. Bãi biển Mỹ Á (Long Thuỷ)

Bãi biển Mỹ Á (Long Thuỷ)

Địa chỉ: xã An Phú, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Vị trí: Thuộc địa phận xã An Phú, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Đặc điểm: Bãi biển Mỹ Á được xem là bãi tắm đẹp nhất Phú Yên.

Bãi biển Mỹ Á có cát trắng phau phau trải dài theo mép nước. Nước biển ở đây trong xanh, đáy thoai thoải, trải dài dưới bóng dừa xanh mát. Rừng dừa Mỹ Á hết sức thơ mộng, có thể ru hồn khách lãng du trong những đêm trăng thanh gió mát.

Ngoài khơi biển Mỹ Á là các đảo lớn, trong đó có đảo Hòn Chùa với diện tích 0,22km², nơi có cảnh quan đẹp với hệ sinh thái biển phong phú thuận lợi cho các hoạt động du lịch biển.



Cẩm Nang Du Lịch Phú Yên