Điểm tham quan tại Bình Thuận

I. Du lịch văn hóa - Di tích lịch sử Bình Thuận



1. Di tích trường Dục Thanh

Di tích trường Dục Thanh

Địa chỉ: số 39 đường Trưng Nhị, thành phố Phan Thiết,

Vị trí: Thuộc làng Thành Đức, nay là số 39 đường Trưng Nhị, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Đặc điểm: Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và dạy học năm 1910 trước lúc Người vào Sài Gòn để ra đi tìm đường cứu nước.

Năm 1909 Nguyễn Tất Thành (tên Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó) trên đường vào nam đã tìm tới nhà yêu nước Trương Gia Mô ở Bình Thuận, người vừa mới được ra khỏi nhà tù thực dân Pháp. Trương Gia Mô giới thiệu Nguyễn Tất Thành với Nguyễn Quý Anh lúc đó đang làm hiệu trưởng trường tiểu học Dục Thanh. Số phận và con đường cách mạng buổi bình minh của cuộc đời đi tìm đường cứu nước đã đưa Người đến với ngôi trường nhỏ Dục Thanh nằm kín đáo sát con sông Cà Ty để giờ đây Dục Thanh trở thành một di tích lịch sử mà có lẽ không người Việt Nam nào không biết tới.

Năm 1910 Nguyễn Tất Thành trở thành thầy giáo trẻ nhất. Năm đó Người tròn 20 tuổi. Tại đây Nguyễn Tất Thành đã nhận dạy Quốc Văn, Hán Văn và kiêm nhiệm môn thể dục. Ngoài ra thầy còn nhận dạy tiếng Pháp khi giáo viên Pháp văn vắng mặt.

Ngày nay trong khu trường Dục Thanh còn giữ lại được gần như nguyên vẹn những kỷ vật cách đây gần ngót thế kỷ. Trong đó có nhà Ngự - nơi các thầy giáo và học trò ăn ở nội trú; Ngọa Du Sào; cây khế sau vườn - nơi thầy Thành hay tưới nước cho vườn cây vào những buổi chiều.

Khu di tích trường Dục Thanh đã trở thành một trong những nơi gắn liền với thân thế và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người đã trở thành danh nhân văn hóa thế giới, vô cùng gần gũi thân yêu đối với mỗi người Việt Nam.


2. Đền thờ Pôklông - Mơh Nai

Đền thờ Pôklông - Mơh Nai

Địa chỉ: thôn Lương Bình, xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận,

Vị trí: Nằm trên đỉnh đồi cát thuộc thôn Lương Bình, xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 60km về phía bắc.

Đặc điểm: Ðền thờ được xây dựng để thờ vua Chăm Pôklông - Mơh Nai, một trong những vị vua cuối cùng của Vương quốc Chămpa trước khi Vương quốc này tan rã.

Ðối lập với nền nghệ thuật và kỹ thuật xây dựng tháp Chăm từ thế kỷ 17 trở về trước, từ thế kỷ 17 trở về những thế kỷ sau khi đất nước bị suy kiệt, nhân tài vật lực và kỹ thuật bị thất truyền mà việc thờ phụng tổ tiên và tôn giáo vẫn là nhu cầu thường trực nên người Chăm chuyển sang xây dựng dạng kiến trúc đền thờ như một ngôi chùa đương thời và sử dụng vật liệu gỗ, ngói, vôi như người Việt. Tiêu biểu cho dạng kiến trúc này là đền thờ vua Chăm Pôklông - Mơh Nai.

Ðền thờ gồm có 5 gian thờ xây dựng theo hình chữ T. Dãy nhà 3 gian dùng để thờ phụng: gian giữa thờ tượng vua Pôklông - Mơh Nai; gian bên phải thờ tượng bà thứ phi người Việt, công chúa con của một vị chúa Nguyễn, cùng một số tượng Kút con của bà; bên trái là gian thờ hoàng hậu Popia Sơm, vợ cả của vua, cùng một số tượng Kút chạm khắc đẹp là con của bà. Dãy nhà trước gồm 2 gian lớn để trống dùng làm nơi chờ đợi và thực hiện nghi lễ bên ngoài trước lúc vào đền thờ.

Ðền thờ Vua Chăm Pôklông - Mơh Nai đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1991.


3. Nhóm di tích tháp cổ Pô-Sha-Nư

Nhóm di tích tháp cổ Pô-Sha-Nư

Địa chỉ: phường Thanh Hải, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Vị trí: Nhóm di tích tháp cổ Pô-Sha-Nư, hay còn gọi là tháp Phú Hải, thuộc phường Thanh Hải, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Đặc điểm: Nhóm di tích tháp cổ Pô-Sha-Nư là cả một tổng thể kiến trúc đền tháp của người Chăm - thờ các tiểu tiên nữ con gái thần mẹ Pô Nagar.

Đây là tuyệt tác của dân tộc Chăm để lại cho nhân loại. Nhóm tháp này gồm 3 tháp và nhiều tháp bị đổ khác nay chỉ còn lại phế tích và nền móng. Ba ngôi tháp hiện còn phân bổ trên 2 tầng đất, quay mặt về hướng đông. Cả ba ngôi tháp đều là tháp vuông nhiều tầng, có niên đại thế kỷ 8, ở phong cách Mỹ Sơn E1 (phong cách kiến trúc Chăm cổ). Có một số yếu tố kiến trúc như cột trụ tròn ở các cửa giả, mi cửa...tương tự như ở các đền tháp Khmer.

Nhóm tháp Chàm Pô-Sha-Nư toạ lạc trên một ngọn đồi có tên "Lầu Ông Hoàng", cách thành phố Phan Thiết 6km về phía đông bắc.

Hàng năm vào tháng giêng âm lịch, các lễ hội Rija Nưga, Poh Mbăng Yang được tổ chức dưới chân tháp. Nhân dân làm lễ cầu mưa, cầu xin những điều tốt lành.

Bên cạnh khu tháp Pô-Sha-Nư là các di tích "Lầu Ông Hoàng", chùa Bửu Sơn, núi Cố nơi có mộ nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông. Tiếp tục cuộc hành trình dọc bãi biển đến đá Ông Địa, biển Mũi Né... du khách sẽ bị lôi cuốn vào bức tranh giàu hương vị biển mặn mà, độc đáo.


4. Chùa Cổ Thạch

Chùa Cổ Thạch

Địa chỉ: Kdl C.cổ Thạch xã B.thạnh, Bình Thạnh, Tuy Phong, Bình Thuận

Vị trí: nằm trên ngọn đồi cao thuộc vùng núi đá Cổ Thạch, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Đặc điểm: có kiến trúc độc đáo, nhiều am, điện được xây trong các hang đá tự nhiên.

Cổ Thạch là một vùng núi đá rộng lớn, bao gồm rất nhiều khối đá có hình thù kỳ thú nằm gác hoặc xếp chồng lên nhau, cũng có khi ăn sâu vào núi tạo ra những hang động kỳ bí. Năm 1835, thiền sư Bảo Tạng thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 40 đã khai sơn một khu vực nhỏ nằm trong vùng núi đá Cổ Thạch để lập thảo amthờ Phật. Ban đầu, thảo am chỉ có vài hang động được bao quanh bởi phía đông nam là biển Đông, phần còn lại là những dải đá và rừng nguyên sinh nên còn được gọi là chùa Hang.Trải qua thời gian, chùa Hang đã được chỉnh trang,mở rộng thêm và đổi tên thành Cổ Thạch, tên chữ là "Cổ Thạch tự" (nghĩa là "chùa đá xưa").

Tại vùng núi Cổ Thạch có một đỉnh núi gọi là đỉnh Linh Thứu, dựa theo tên gọi một đỉnh núi thiêng trong điển tích Phật giáo.Từ đây có thể quan sát cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục của vùng biển Cổ Thạch mênh mông xanh biếc với rất nhiều tảng đá xếp chồng lên nhau tạo thành nhiều hình thù đẹp mắt. Hướng về phía đông, du khách sẽ thấy thấp thoáng bãi đá Cà Dược (bãi đá 7 màu) với vô số những viên đá sỏi, đá cuội có kích thước khá đồng đều, màu sắc đa dạng (nâu, vàng, tím, xanh lam, trắng, đỏ...) lấp lánh trong ánh nắng. Phía tây nam của chùa có một eo biển khá rộng với bãi cát vàng óng ả, là nơi lý tưởng để tắm biển, nghỉ ngơi.

Chùa Cổ Thạch được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 1993.


5. Chùa Núi Tà Cú

Chùa Núi Tà Cú

Địa chỉ: , Xã Tân Lập, Huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận

Vị trí: Chùa Núi Tà Cú tọa lạc trên núi Tà Cú, thuộc địa phận xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 30 km về phía đông nam.

Đặc điểm: Chùa Núi Tà Cú mang vẻ cổ kính giữa miền duyên hải Bình Thuận.

Núi Tà Cú cao 649m, chùa Núi Tà Cú nằm lưng chừng núi ở độ cao hơn 400m. Chùa Núi được xây dựng năm 1879, nhưng trước đó nhiều năm đã có chùa thờ Phật bằng mái tranh vách đất. Chùa Núi do nhà sư Trần Hữu Ðức trụ trì, nơi xây dựng chùa do nhà sư chọn, ở đó quanh năm có cây xanh, suối chảy, chim vượn ở ngay cạnh chùa. Về sau, một chùa nữa được xây ở phía dưới, chùa Dưới này có tên là Long Ðoàn và chùa cũ gọi là chùa Trên với tên gọi là Linh Sơn Trường Thọ, gọi chung là Chùa Núi.

Toàn thể cảnh chùa là một tổng thể kiến trúc bao gồm: Tam Quan, điện thờ, tượng Phật, tháp mộ, hang Tổ,… ẩn mình dưới rừng cây cổ thụ xanh tươi bốn mùa.

Núi Tà Cú xưa kia là một ngọn núi lửa thuộc đệ nhất nguyên đại nên trong đất có vàng sa khoáng và sulfur, trong nước suối có hoạt chất của các loại rễ cây thuốc như ngũ gia bì, thần xạ, đỗ trọng bắc... rất tốt để chữa một số bệnh.

Chùa Núi Tà Cú hiện là một trong những điểm du lịch khá nổi tiếng ở Bình Thuận. Cảnh chùa cổ kính, tượng phật trầm tư và dấu thiêng của sư tổ từ buổi khai sơn cách đây trên một trăm năm luôn làm du khách ngỡ ngàng. Vào các mùa trong năm lúc nào cũng có khách thập phương đến viếng Phật, ngắm cảnh chùa và rừng núi, nhất là dịp Xuân về Tết đến và ngày giỗ Tổ Hữu Đức hàng năm (mùng 5 tháng mười âm lịch).

Chùa Núi Tà Cú cùng với những cánh rừng trong khu Bảo tồn thiên nhiên đã được Nhà nước xếp hạng thắng cảnh cấp quốc gia năm 1993. Nơi đây đã có hệ thống cáp treo để đưa du khách lên xuống tham quan được thuận tiện hơn.


6. Thành phố Phan Thiết

Thành phố Phan Thiết

Phan Thiết là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, Phan Thiết là một trong những thành phố du lịch hấp dẫn của Việt Nam.

Nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm của miền Đông Nam Bộ, Phan Thiết là đầu mối giao thông quan trọng, có đường quốc lộ 1A nối thành phố Hồ Chí Minh (cách 198km), quốc lộ 55 nối với Vũng Tàu, quốc lộ 28 nối với Tây Nguyên, có tuyến đường sắt Bắc Nam và đường hàng hải đi qua.

Thành phố Phan Thiết nằm bên bờ biển với hệ thống resort, khách sạn và cửa hàng ăn uống phục vụ thức ăn nhanh, hải sản kiểu Việt Nam, Ý, Mỹ, các quán bar được thiết kế theo phong cách châu Âu, hàng lưu niệm, internet, giặt ủi, cho thuê xe đạp đôi, xe máy… Những resort hiện đại ở Mũi Né, có không gian yên tĩnh, với nhiều dịch vụ hấp dẫn, cung cấp các trò chơi, giải trí cho du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài như xuồng cao su, ván lướt sóng, phao bơi với đội ngũ cứu hộ chuyên nghiệp.cát thấp, đồng bằng hẹp ven sông, có bờ biển trải dài 57,40 km và giữa trung tâm thành phố có con sông Cà Ty chảy ngang chia thành phố thành 2 ngạn: phía nam sông là khu thương mại, phía bắc sông là các cơ quan hành chính và quân sự.

Thành phố Phan Thiết có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử như: tháp nước Phan Thiết- biểu tượng của thành phố, Mũi Né, Hòn Rơm, bãi tắm Đồi Dương, đồi cát Mũi Né, tháp Chăm Po Sah Nư, trường Dục Thanh, lầu Ông Hoàng, Vạn Thủy Tú, chùa Liên Trì, hải đăng Khe Gà, chùa Ông (Quan Đế Miếu), chùa Bà Thiên Hậu, chùa Phật Quang, chùa núi Tà Cú…

Đến với Phan Thiết du khách không nên bỏ qua thú vui đi dạo khu phố Tây, tham quan thành phố bằng xích lô du lịch, thưởng thức các đặc sản như mực một nắng ăn với nước mắm Phan Thiết, cá mú hấp, dông 7 món, bánh rế, bánh căn, gỏi cá (cá suốt, cá mai, cá đục), mỳ quảng Phan Thiết, bánh canh cá, cá bò hấp hoặc nướng …



Điểm tham quan du lịch khác tại Bình Thuận


Cẩm Nang Du Lịch Bình Thuận