Điểm tham quan tại Hà Nội

V. DU LỊCH LÀNG NGHỀ TẠI HÀ NỘI



1. Làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng

Làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Xã Vân Hà , Huyện Đông Anh

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Khách sạn lân cận : https://hotels.com/

Giao Thông: Chọn đi taxi là tiện nhất

Làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 20km về phía Đông Bắc.Ngày 26/2/2010, làng Thiết Úng đã được UBND thành phố Hà Nội trao Bằng công nhận “Làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống”.

Nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ xuất hiện ở Thiết Úng đã từ lâu, vào thời nhà Nguyễn, những nghệ nhân Thiết Úng được triệu vào cung để tham gia xây dựng cung điện, lăng tẩm và nhiều người trong số đó đã được triều đình ban sắc phong.

Các sản phẩm chạm khắc gỗ của làng nghề Thiết Úng rất phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, bao gồm các đồ dùng gia đình, đồ văn phòng, đồ thủ công mỹ nghệ. Nét độc đáo của các sản phẩm này thể hiện ở chỗ, từ hình dáng cho đến các chi tiết minh họa đều toát lên sự đồng bộ, hài hoà, mềm mại và sinh động.Để làm ra một sản phẩm chạm khắc gỗ, công đoạn đầu tiên là xử lý gỗ nguyên liệu. Người thợ phải chọn loại gỗ đảm bảo độ bền, chắc, ít cong vênh, rạn nứt, thớ gỗ phải dẻo mịn.Sau khi được lựa chọn kỹ lưỡng và loại bỏ phần giác, gỗ sẽ được luộc trong nhiều ngày để đảm bảo không bị cong vênh do thời tiết. Công đoạn tiếp theo là pha gỗ theo kích thước phù hợp với từng loại sản phẩm. Việc này thường do các nghệ nhân giàu kinh nghiệm thực hiện bởi nếu pha gỗ không chuẩn thì sản phẩm sẽ có chỗ thừa, chỗ thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng. Những thanh gỗ sau khi pha chế xong sẽ được người thợ đục, khảm để tạo ra những bức tượng hay các hoa văn, họa tiết trang trí nghệ thuật. Đối với những khúc gỗ có vân, người thợ còn phải khai thác tối đa những nét đẹp của đường vân đó để tạo nên những tác phẩm đẹp, có giá trị.

Mỗi gia đình ở Thiết Úng đều có những bí quyết và chuyên về mỗi dòng sản phẩm riêng. Có nhà chuyên làm tượng, nhà lại chỉ chuyên làm rồng phượng cho các đình, chùa, hay các sản phẩm như bàn ghế phòng khách, phòng ăn, nội thất văn phòng và nhiều sản phẩm khác...Các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của làng nghề Thiết Úng không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang các quốc gia có thế mạnh về hàng thủ công mỹ nghệ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Âu


2. Làng dệt lụa Vạn Phúc

Làng dệt lụa Vạn Phúc

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Phường Vạn Phúc , Quận Hà Đông

Điện Thoại: (+84) 243.382.5953

Email: hhln.vanphuchadong@gmail.com

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi là tiện nhất

Làng dệt lụa Vạn Phúc nằm bên bờ sông Nhuệ, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km về phía Tây Nam. Làng Vạn Phúc nổi tiếng về nghề dệt lụa tơ tằm từ ngàn năm trước. Tổ nghề dệt của làng Vạn Phúc là bà A Lã Thị Nương. Theo truyền thuyết khoảng 1.200 năm trước, bà du ngoạn qua đây thấy cư dân thuần thục, phong cảnh hiền hòa bèn lập ấp dạy nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải. Sau khi mất, bà được phong làm Thành hoàng làng. Lụa Vạn Phúc không giống bất kỳ một loại lụa nào được dệt ở các làng khác, bởi chất liệu mềm mại và độ tinh xảo trong từng đường tơ, từng họa tiết trang trí.

Để tạo ra những loại sản phẩm tơ lụa tuyệt hảo nói trên, những thợ dệt thủ công đã phải trải qua một qui trình kỹ thuật phức tạp, nhiều khâu: tơ, hồ lụa, dệt, nhuộm, căng phơi,… Mỗi khâu sản xuất đều phải tiến hành theo những qui trình khá nghiêm ngặt, đòi hỏi kỹ thuật cao và hết sức công phu.

Làng Vạn Phúc hôm nay đã trở thành phường Vạn Phúc thuộc quận Hà Đông. Hàng trăm cửa hàng bán lụa sầm uất mọc lên san sát. Làng lụa vừa duy trì nghề dệt truyền thống của mình, vừa thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu nghề và mua sắm sản phẩm lụa tơ tằm Hà Đông.


3. Điểm du lịch Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân

Điểm du lịch Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội

Điện Thoại: 024.3375.9581

Email: xhv_thuongtin@hanoi.gov.vn

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi là tiện nhất

Làng sinh vật cảnh Hồng Vân nằm ở phía Đông huyện Thường Tín, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Nam. Nằm trong vùng ngoại thành và vành đai xanh của Thủ đô Hà Nội, Hồng Vân hội tụ đầy đủ những nét đẹp thuần khiết, yên bình của một làng quê ven đô với đặc trưng của nền nông nghiệp đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh từ thập niên 80, với nhiều tác phẩm cây cảnh có giá trị lớn nghệ thuật và đội ngũ nghệ nhân trẻ có tay nghề. Khi đến với Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, du khách sẽ được tham quan thưởng thức những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật độc đáo cũng như được giao lưu, trò truyện cùng các nghệ nhân tại Làng nghề.


4. Làng múa rối nước Đào Thục

Làng múa rối nước Đào Thục

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Đào Thục, Xã Thụy Lâm , Huyện Đông Anh

Điện Thoại: (+84) 948.157.973

Email: roinuocdaothuc@gmail.com

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi là tiện nhất

Trang Đào Xá xưa (làng Đào Thục nay) là quê hương của nghề múa rối nước, được cụ tổ Nguyễn Đăng Vinh truyền nghề dạy múa rối nước vào thời vua Lê Dụ Tông (1706 – 1729), nghệ thuật múa rối nước Đào Thục đã có hơn 300 năm tồn tại và phát triển, là sự kết tinh từ quá trình sáng tạo, lao động của người nông dân gắn liền với nghề trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ. Cho đến nay, Phường rối nước Đào Thục vẫn còn lưu giữ nhiều tích trò cổ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gửi gắm khát vọng về cuộc sống bình yên, hạnh phúc, ca ngợi sự cần cù, chịu khó của người nông dân, phản ánh bối cảnh lịch sử, đời sống văn hoá đương thời như: “Trâu đi cày”, “Trâu chui ống”, “Lên võng xuống ngựa”, “Tễu bắt ác”, “Đánh cáo bắt vịt”, “Đốt pháo bật cờ”, “Ba khí giáo trò” vv…

Nghệ thuật múa rối nước Đào Thục lấy mặt nước làm sân khấu, lấy sự tinh tế, công phu trong điều khiển con rối, sự phối hợp nhịp nhàng giữa người điều khiển rối với diễn viên hát, nhạc công tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn. Những nghệ nhân của Phường múa rối nước Đào Thục là những người nông dân, những người thợ thủ công...mang trong mình đam mê với môn nghệ thuật truyền thống của địa phương. Theo thời gian, nghệ thuật múa rối nước Đào Thục được truyền từ đời này sang đời khác; trở thành một sản phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo của Huyện Đông Anh.


5. Làng nghề sơn mài Hạ Thái

Làng nghề sơn mài Hạ Thái

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Hạ Thái, Xã Duyên Thái , Huyện Thường Tín

Điện Thoại: (+84) 24.376.9021

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Khách sạn lân cận : https://hotels.com/

Giao Thông: Chọn đi taxi là tiện nhất

Làng nghề thủ công truyền thống sơn mài Hạ Thái nằm ngay trục quốc lộ 1A cũ, đến gần cầu Quán Gánh, rẽ trái vào đường liên xã Duyên Thái, qua cầu chui dân sinh là đến. Ngày xưa, làng có tên là Cự Tràng trang, làng nghề Hạ Thái có từ khoảng thế kỷ XVII. Đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre… và đặc biệt, là đưa kỹ thuật mài vào, tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo để sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài cũng xuất hiện từ đó. Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai… vẽ trên nền vóc màu đen.

Từ khi cơ chế thị trường mở ra, làng nghề lại phát triển nhưng chủ yếu là các hộ gia đình. Năm 1990, làng có 4 tổ sản xuất là Thành Sơn, Mỹ Thái, Minh Khai và Mai Hương. Năm 1994, 2 tổ sản xuất đã trưởng thành, lập doanh nghiệp tư nhân Thành Sơn và Mỹ Thái, thu hút hàng trăm lao động lành nghề. Đến nay, Hiệp hội Sơn mài Hạ Thái đã có 125 hội viên. Tính chung cả làng nghề Hạ Thái có 800 hộ dân, trong đó có tới gần 90% hộ dân làm nghề sơn mài với khoảng 1.600 lao động và hàng ngàn lao động vệ tinh tại các làng lân cận. Hạ Thái được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là làng nghề năm 2001. Mỗi năm, Hạ Thái sản xuất hàng triệu sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng luôn bóng, mịn, đẹp, độ bền cao, mà còn kết tinh dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa.

Sự ổn định của làng nghề cùng với việc bảo tồn những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của sản phẩm đã góp phần để Hạ Thái trở thành một trong hai làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống trong cả nước được Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn làm điểm chiến lược phát triển làng nghề bền vững đến năm 2010.

Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, người Hạ Thái còn tạo ra hàng nghìn mẫu sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước như bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh khảm... Chất liệu chính của sơn mài Hạ Thái là gỗ, tre, nứa, song mây, gần đây có thêm các chất liệu mới như composite, gốm sứ… càng tạo nên sự phong phú cho sản phẩm. Ngoài việc kế thừa kinh nghiệm truyền thống ông cha để lại, càng ngày, những nghệ nhân trong làng càng phát hiện ra nhiều màu mới với nhiều sắc độ khác nhau. Người Hạ Thái biết sử dụng cách khắc trên sơn để tạo ra những đường nét mềm mại, uyển chuyển, sinh động.

Ngày nay, sản phẩm sơn mài Hạ Thái không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn cả nước ngoài. Nhiều năm nay, Hạ Thái đã trở thành địa chỉ có uy tín với các bạn hàng quốc tế. Hàng của Hạ Thái đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha, Úc, Ý, Nhật, Hàn Quốc... Doanh thu của mỗi hộ trung bình hàng năm cũng đạt khoảng 150 triệu đồng, có doanh nghiệp lớn như Mỹ Thái, Thành Sơn... doanh thu lên đến hàng tỷ đồng.


6. Làng nghề mây tre đan Phú Vinh

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Xã Phú Nghĩa , Huyện Chương Mỹ

Điện Thoại: (+84) 243.386.6095

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi là tiện nhất

Cách trung tâm Hà Nội 27 km theo hướng Tây Nam, làng Phú Vinh được coi là “xứ Mây” nổi tiếng về nghề đan mây tre với lịch sử phát triển nghề lâu đời. Người Phú Vinh cha truyền con nối làm nghề này, sản phẩm từ mây tre đan chủ yếu là đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như thúng, mủng, dần, sàng, túi, hộp...

Hiện nay trên địa bàn xã Phú Nghĩa đã hình thành 16 doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất và kinh doanh các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu, trong đó có 9 doanh nghiệp kinh doanh tập trung tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa đã được quy hoạch, số còn lại là những doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất nhỏ nằm trong các hộ dân.

Với hơn 400 hộ làm nghề năm 2002, Phú Vinh được công nhận là làng nghề truyền thống mây tre đan. Xóm Thượng, xóm Hạ, Đầm Bung, Gò Đậu là điểm đến, đồng thời cũng là nơi dừng chân cho mỗi ai có ý định du lịch làng nghề hay yêu thích đồ mây, tre, giang đan.


7. Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng

Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Xã Sơn Đồng , Huyện Hoài Đức

Điện Thoại: (+84) 243.387.3131

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi là tiện nhất

Sơn Đồng cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km theo hướng Tây bắc. Từ Bờ Hồ đi theo hướng Cửa Nam ra đường Trần Phú, Kim Mã, Cầu Giấy, thẳng lên quốc lộ 32 đến ngã tư Trôi. Từ ngã tư thị trấn Trạm Trôi đi vào khoảng gần 2km là du khách đã đặt chân tới làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, nơi được coi là “thế giới” của những tượng Phật, đồ thờ.

Làng nghề ở Sơn Đồng là làng nghề đục, khắc tượng và làm đồ thờ truyền thống, có lịch sử hình thành và tồn tại hàng trăm năm nay. Kỹ thuật sơn son thếp vàng tinh xảo tại đây được đánh giá cao. Hiện cả xã có hơn 4.000 lao động làm nghề thủ công mỹ nghệ thường xuyên, trong đó có đến hơn một nửa là thợ giỏi và nhiều thợ giỏi được tôn vinh, phong danh hiệu nghệ nhân. Sản phẩm của Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm khoảng trên 50% thị phần toàn quốc về tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc phủ màu hoàng kim, phục vụ mảng đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người dân.


8. Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ

Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Xã Chuyên Mỹ , Huyện Phú Xuyên

Điện Thoại: (+84) 98.594.8921

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi là tiện nhất

Chuyên Mỹ có tới 97% hộ dân sinh sống bằng nghề khảm. Sản phẩm khảm trai ở Chuôn Ngọ phong phú, đa dạng, có đủ loại từ tủ, sập, bàn ghế, đến câu đối, hoành phi trong nhà thờ, đình, đền; những bức tranh treo tường phỏng theo các tích truyện của ta, của Tàu …và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch.

Sản phẩm có giá trị cao đòi hỏi đôi bàn tay thợ giỏi, kết hợp với nguyên vật liệu tốt. Một số sản phẩm được phụ nữ ưa thích như hộp nữ trang, khay, gương, tráp với nhiều họa tiết cầu kỳ, hoa văn tinh xảo đều được bàn tay của người thợ Chuyên Mỹ trau chuốt. Có nhiều khách lại thích các bức tranh đồng quê, bến nước, con đò, hình thần tài, vinh quy bái tổ, các chữ Phúc, Lộc, Thọ, tứ quý tùng, trúc, cúc, đào…

Sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ có 2 mảng:

- Khảm trai trực tiếp trên các sản phẩm từ gỗ, đồng, đồi mồi

- Khảm trai trên các sản phẩm sơn mài.


9. Làng nghề thêu Quất Động

Làng nghề thêu Quất Động

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Quất Động, Quất Động, Thường Tín

Điện Thoại: (+84) 243.385.3103

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi là tiện nhất

Làng nghề thêu tay Quất Động có từ rất sớm, với những sản phẩm mỹ nghệ được cả nước biết tới và ngày nay lan toả tới nhiều nước Châu Á, Châu Âu.

Từ thế kỷ XVII, Quất Động đã phát triển nghề thêu tay với những nghệ nhân có bàn tay vô cùng khéo léo, tạo nên những sản phẩm thêu rực rỡ, sinh động. Người có công truyền dạy cho dân làng nghề thêu là Bùi Công Hành, đời Lê, được dân làng tôn vinh là ông tổ nghề thêu.

Ban đầu, nghề thêu chủ yếu là thêu câu đối, trướng, nghi môn để treo ở đình, chùa và thêu các loại khăn chầu, áo ngự phục vụ trang phục cung đình.

Ngày nay, mặt hàng mỹ nghệ thêu phát triển phong phú. Trên nền vải, người thợ thêu tạo nên chim muông, hoa lá, cỏ cây… với những đường nét và màu sắc sinh động trên các sản phẩm đa dạng như áo gối, khăn bàn, áo quần, bức tranh, chân dung và nhiều sản phẩm khác theo mẫu đặt hàng của khách. Nhiều nghệ nhân say mê nghiên cứu, phục dựng những trang phục của triều đình phong kiến.


10. Làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ

Làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Xã Kiêu Kỵ , Huyện Gia Lâm

Điện Thoại: (+84) 243.874.0800

Email: xbt_gialam@hanoi.gov.vn

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi là tiện nhất

Kiêu Kỵ là làng nghề truyền thống thuộc đất Đông Ngàn, Kinh Bắc xưa, làng duy nhất ở Việt Nam chuyên làm vàng quỳ, nay thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội), có lịch sử trên 400 năm do danh nhân Nguyễn Quý Trị truyền dạy.

Đến Kiêu Kỵ hôm nay, từ xa đã nghe tiếng âm vang khúc nhạc đập quỳ khoan mau, vang qua luỹ tre làng, trải trên các cánh đồng suốt ngày không dứt.

Không chỉ riêng tại làng, người Kiêu Kỵ còn đem theo nghề của mình đi khắp các vùng, miền trên đất nước như: Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Huế… lập nghiệp.


11. Làng nón Chuông

Làng nón Chuông

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Xã Phương Trung , Huyện Thanh Oai

Điện Thoại: (+84) 243.387.3131

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi là tiện nhất

Từ nội thành Hà Nội, theo quốc lộ 6 vào Hà Đông, đến Ba La rẽ trái theo quốc lộ 22B khoảng 15km du khách sẽ gặp cổng làng được xây dựng khá lớn bên phải đường, trên cổng có hàng chữ lớn: Làng Chuông.

Nghề làm nón ở đây xuất phát từ đâu, trong làng không ai biết, chỉ biết răng đã “có từ lâu lắm rồi” và “nón lúc đầu làm chỉ để dùng trong làng, sau ngày càng nổi tiếng, bán khắp nơi, còn là sản phẩm cúng tiến cho các hoàng hậu, công chúa trong cung”.

Nghề làm nón được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chủ yếu là những người phụ nữ bằng sự khéo léo của đôi bàn tay đã tạo ra những chiếc nón xinh xắn, bền đẹp. Cả làng Chuông có gần 4.000 hộ thì từng ấy hộ làm nón. Sự phong phú và đa dạng về mẫu mã chủng loại, cùng với chất lượng đã có uy tín từ lâu khiến nón Chuông không chỉ đến được với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, mà còn xuất sang tận phương Tây, có mặt trong những siêu thị lớn với giá cao.


12. Làng gốm sứ Bát Tràng

Làng gốm sứ Bát Tràng

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Xã Bát Tràng , Huyện Gia Lâm

Điện Thoại: (+84) 243.874.0800

Email: xbt_gialam@hanoi.gov.vn

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi là tiện nhất

Làng gốm Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Xã có hai thôn đều là làng nghề thủ công truyền thống: thôn Giang Cao và thôn Bát Tràng.Sản phẩm làng gốm Bát Tràng rất phong phú, đa dạng tuy cùng chất liệu là đất nung, nổi tiếng hơn cả là gạch và gốm. Tuy nhiên, gạch Bát Tràng là thương hiệu nổi tiếng trước gốm.

Gốm bát Tràng có nhiều kiểu dáng, chủng loại, kích thước, phân loại theo chức năng như sau: đồ thờ cúng có lư hương, chân đèn, chân nến, phù hương, nậm rượu, chóe… Đồ gia dụng có bát, đĩa, ấm chén, vò, lọ, chậu… Gốm Bát Tràng được sản xuất bằng tay trên bàn xoay thủ công, kiểu be trạch do đó xương gốm dày. Sau này với kỹ thuật in trên khuôn gỗ và đổ dót vào khuôn thạch cao xương gốm được làm mỏng và nhẹ hơn. Với dòng men cổ như men lam, men nâu, men rạn đặc trưng cùng các họa tiết trang trí như: hoa, lá, hoa dây, chim muông phù hợp với từng loại sản phẩm. Dòng gốm cổ Bát Tràng được lưu giữ và trưng bày tại nhiều bảo tàng trong nước và quốc tế, được giới chơi đồ cổ sưu tập, sở hữu và rất có giá trên thị trường.



Điểm tham quan du lịch khác tại Hà Nội



Cẩm Nang Du Lịch Hà Nội