Vũng Tàu






Điểm tham quan tại Vũng Tàu




  • 1. Thích ca Phật Đài
  • 2. Núi Nứa
  • 3. Khu di tích đình thần Thắng Tam
  • 4. Bãi Dứa
  • 5. Hải đăng Vũng Tàu
  • 6. Bãi Vọng Nguyệt
  • 7. Di tích nhà Lớn (đền ông Trần)
  • 8. Niết Bàn Tịnh Xá
  • 9. Bãi Dâu
  • 10. Bãi Sau (Thùy Vân)
  • 11. Linh Sơn Cổ Tự
  • 12. Bãi Trước (Tầm Dương)
  • 13. Chùa Quan Thế Âm Bồ Tát
  • 14. Bạch Dinh
  • 15.Tượng chúa Jêsus

1. Thích ca Phật Đài

Thích ca Phật Đài

Địa chỉ: , Thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu

Vị trí: Thích ca Phật Đài tọa lạc ở tây bắc sườn núi Lớn thuộc T.p Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đặc điểm: Vẻ đẹp của ngôi chùa chính là sự kết hợp giữa kiến trúc tôn giáo và phong cảnh thiên nhiên.


Là ngôi chùa lớn ở Tp. Vũng Tàu, được dựng năm 1941, rộng khoảng 6ha nằm trên sườn núi Lớn, cách trung tâm thành phố khoảng 3km. Ðáng chú ý ở ngôi chùa này là ngọn tháp Bát Giác cao 19m và tượng Phật Thích Ca ngồi thiền trên toà sen. Toàn bộ tượng cao 10,2m, đường kính khoảng 6m. Tượng và tháp đều màu trắng và được dựng ở lưng chừng núi cao, đứng từ xa cũng chiêm ngưỡng được.


2. Núi Nứa

Núi Nứa

Địa chỉ: xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu

Vị trí: Quần thể núi Nứa nằm ở phía đông của xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu

Đặc điểm: Tên gọi là núi Nứa do trước kia trên khắp đảo có nhiều cây nứa (một họ với tre) mọc thành rừng.

Có chiều dài hơn 6km, chiều ngang có nơi rộng nhất hơn 2km, quần thể núi Nứa là đoạn cuối cùng của dãy núi Phước Hòa nhô ra biển. Nơi đây có nhiều tảng đá lớn với nhiều hình dáng khác nhau, cùng nhiều cột đá chọc thẳng lên trời. Quần thể núi Nứa có ba đỉnh, cao nhất là đỉnh Bà Trao (183m), tiếp đến là đỉnh Núi Rồng (120m), về phía nam có đỉnh Hố Vong (hơn 100m). Trên đỉnh Bà Trao có một cột đá cao 5m gọi là Hòn Một. Trong khu vực này còn có hai khối đá dài bắc ngang tựa như con tàu biển, nên được gọi là Hòn Tàu. Nơi này là điểm dã ngoại khá lý thú dành cho các bạn trẻ thích vui sống cùng thiên nhiên, biển trời núi non.

Vào dịp lễ hội, du khách tới tham quan Hòn Một sẽ được tham gia làm lễ thỉnh cầu Thiên Địa và có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng biển trời thoáng rộng. Dưới chân núi Nứa về phía tây có hồ chứa nước ngọt Mang Cá trồng nhiều hoa sen tỏa hương thơm ngát, còn về phía đông là di tích nhà Lớn - đền ông Trần.


3. Khu di tích đình thần Thắng Tam

Khu di tích đình thần Thắng Tam

Địa chỉ: phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu

Vị trí: Khu di tích nằm tại đường Hoàng Hoa Thám, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu

Đặc điểm: Là một quần thể bao gồm đình thần Thắng Tam, miếu Ngũ Hành và lăng Cá Ông, khu di tích đình Thắng Tam ẩn chứa những giá trị văn hóa quý báu của cư dân miền biển Vũng Tàu.

Đình thần Thắng Tam được xây dựng từ đời vua Minh Mạng thờ chung cả ba người đã có công xây dựng nên ba làng ở Vũng Tàu, đó là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền. Vào thời vua Gia Long, bọn hải tặc thường hay đột nhập cửa sông Bến Nghé đón đường cướp bóc tiền bạc, hàng hoá. Để bảo vệ thương thuyền của người Việt, vua Gia Long liền phái ba đội quân đi trên ba chiếc thuyền bảo vệ sự thanh bình của bờ biển cửa ngõ, và khai hoang lập ấp, làm ăn sinh sống.

Đình có kiến trúc theo lối nối tiếp gồm bốn ngôi nhà nối liền nhau bằng một lối đi bên hông, đó là Tiền Hiền – Hội Trường – Đình Trung – Sân khấu võ ca. Trong đình bài trí nhiều đồ lễ chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Ngôi Tiền hiền được lợp bằng ngói âm dương, trên mái có hình “lưỡng long chầu nguyệt” đắp nổi. Đầu các đòn tay, xà gồ, cột đều chạm khắc hình rồng. Nội thất nhà Tiền Hiền bày 4 bàn thờ gồm bàn thờ thổ công, Tiền Hiền, Hậu Hiền và Tiền Vãng - Hậu Vãng.


4. Bãi Dứa

Bãi Dứa

Địa chỉ: 24-66 Hạ Long, Phường 2, Thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu

Vị trí: Bãi Dứa nằm ở khoảng giữa của bãi Trước và bãi Sau bên chân núi Nhỏ, gần mũi Nghinh Phong, thành phố Vũng Tàu.

Đặc điểm: Người xưa kể lại rằng sở dĩ có tên bãi Dứa vì trước đây trên triền núi nhô ra biển có rất nhiều những cây dứa dại (một loại cây có hương thơm như gạo nếp hoặc nàng hương) tỏa hương thơm ngát một vùng.

Bãi Dứa là một trong những bãi biển đẹp và thu hút nhiều du khách của Vũng Tàu. Cái đẹp ở đây không ồn ào tấp nập mà là một vẻ đẹp mộng mơ, thầm kín. Biển len lỏi trong các hõm núi, ghềnh đá, tạo nên các vũng biển nhỏ ôm ấp những mạch nước ngầm trong suốt, thoang thoảng mùi thơm đồng nội.

Phía trên triền núi bãi Dứa, dọc theo đại lộ Hạ Long là các nhà nghỉ, khách sạn theo kiểu biệt thự đầy đủ tiện nghi, những ngôi chùa, miếu với những khu cây cảnh đầy vẻ u tịch, thần bí. Nghỉ ngơi, du ngoạn nơi đây sẽ làm tâm hồn du khách nhẹ nhàng, thoải mái sau những ngày làm việc căng thẳng.


5. Hải đăng Vũng Tàu

Hải đăng Vũng Tàu

Địa chỉ: thành phố Vũng Tàu

Vị trí: Hải đăng nằm trên đỉnh núi Nhỏ thuộc thành phố Vũng Tàu. Nằm ở độ cao 170m so với mực nước biển để báo hiệu, chỉ dẫn cho tàu thuyền qua lại cửa Cần Giờ, hải đăng Vũng Tàu là ngọn hải đăng được xây dựng sớm nhất ở Việt Nam.

Đặc điểm: Thả bộ theo con đường nhỏ ven triền núi để lên cao hưởng không khí trong lành, mát mẻ là thú vui của cả người dân địa phương lẫn du khách khi đến với Vũng Tàu. Thú vị hơn nữa là khi leo lên đỉnh núi, du khách còn được thưởng ngoạn một công trình kiến trúc đặc sắc tại đây. Đó là ngọn hải đăng Vũng Tàu.

Được xây dựng lần đầu tiên và khánh thành vào ngày 15/8/1862, sau đó được người Pháp xây lại vào năm 1913, hải đăng Vũng Tàu vẫn giữ nguyên được kiểu dáng, kiến trúc cổ điển. Kiến trúc ngọn đèn biển này là một tháp hình trụ, sơn trắng, cao 18m, đường kính 3m, bên trong có cầu thang xoắn ốc lên gần tới đỉnh và có lối dẫn ra ban công bên ngoài để quan sát toàn cảnh non nước Vũng Tàu.

Ngọn hải đăng được nối liền với khu nhà ở của nhân viên bằng một đường hầm kiên cố. Xung quanh là khuôn viên với những cây sứ cổ thụ hàng chục năm tuổi tỏa bóng mát rượi, thơm ngát. Hải Đăng Vũng Tàu không chỉ là người bạn tin cậy và trung thành của những người đi biển mà còn trở thành biểu tượng của thành phố biển Vũng Tàu


6. Bãi Vọng Nguyệt

Bãi Vọng Nguyệt

Địa chỉ: Phường 2, Thành phố Vũng Tầu, Bà Rịa - Vũng Tàu

Vị trí: Bãi Vọng Nguyệt thuộc mũi Nghinh Phong hũng vĩ nhô ra biển Đông.

Đặc điểm: Bãi tắm hẹp, nước lúc nào cũng sạch, sóng gió dồn dập, ba bề vách đá cheo leo vô cùng hùng vĩ.

Vọng Nguyệt có nghĩa là đón trăng. Những đêm vào mùa trăng mọc, hay lúc hoàng hôn, biển ở đây sáng rực như được dát một lớp bạc óng ánh. Bên tiếng sóng rì rào, trước mặt biển sáng bạc mênh mông, du khách sẽ có cảm giác cái mênh mông bao la của trời mây sóng nước, của vũ trụ vô cùng, vô tận, lâng lâng bay bổng trong tâm hồn.

Nước biển ở đây rất trong và sạch. Bờ biển ít thoải, sâu hơn các bãi tắm khác ở Vũng Tàu, phù hợp với những người thích cảm giác mạnh từ những ngọn sóng dồn dập. Không ồn ào, náo nhiệt như ở bãi Trước. Không thoáng đãng, dữ dội như ở bãi Sau. Bãi Vọng Nguyệt không dài nhưng đủ để đi vào tiềm thức của người dân Vũng Tàu qua bao thế hệ bởi sự nên thơ, kỳ bí. Nhất là khi đứng từ tượng Chúa Kitô trên đỉnh núi Tao Phùng nhìn xuống, du khách sẽ có cảm giác biển ở đây xanh hơn những nơi khác, lộng gió và mát mẻ lạ thường.


7. Di tích nhà Lớn (đền ông Trần)

Di tích nhà Lớn (đền ông Trần)

Địa chỉ: Thôn 5, xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu

Vị trí: Thôn 5, xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu

Đặc điểm: Kiến trúc nhà Lớn là biểu hiện sinh động và ấn tượng về sự pha trộn tín ngưỡng dân gian địa phương với Nho giáo và Lão giáo.

Với diện tích khoảng 2ha, nhà Lớn là một quần thể kiến truc uy nghi gồm ba phần là khu đền thờ; một khu quần thể các di tích nhà Long Sơn hội, trường học, chợ, nhà mát, nhà bảo tồn, các dãy phố và lăng mộ của ông Trần.

Khu đền thờ quay mặt về hướng đông, toạ lạc trên diện tích gần 10.000m², gồm cổng Tam quan, vườn hoa Bát quái, nhà Thánh, lầu Trời, lầu Tiên, lầu Phật với hệ thống nhà gỗ hai tầng, tám mái thờ rất nhiều đối tượng của Đạo giáo, Nho giáo, ông Trần và những người trong gia tộc họ Lê.

Nơi đây còn lưu giữ nhiều bộ sưu tập cổ vật quý báu như: bộ bàn ghế bát tiên gồm 8 ghế và 1 bàn hình chữ nhật đã trên 200 năm tuổi, tương truyền là bộ bàn ghế của vua Thành Thái. Bên cạnh đó, còn có nhiều cổ vật trang trí nội thất thờ tự như bao lam, hoành phi, câu liễn sơn son thếp vàng... đặc biệt là bộ tủ thờ gồm 33 cái, được cẩn xà cừ, chạm khắc tinh xảo. Tất cả cổ vật nơi đây thể hiện khả năng nghệ thuật điêu khắc, trang trí của các nghệ nhân từ nhiều nơi trên đất nước.


8. Niết Bàn Tịnh Xá

Niết Bàn Tịnh Xá

Địa chỉ: đường Hạ Long, phường 1, Tp. Vũng Tàu.

Vị trí: Niết Bàn Tịnh Xá tọa lạc ở đường Hạ Long, phường 1, Tp. Vũng Tàu. đường Hạ Long, phường 1, Tp. Vũng Tàu.

Đặc điểm: Đây là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Vũng Tàu với những đường nét kiến trúc hiện đại.

Chùa "Niết Bàn Tịnh Xá" còn gọi là chùa "Phật Nằm" được xây dựng trên sườn núi Nhỏ, hướng mặt ra biển. Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1969 và khánh thành vào năm 1974 bằng tiền quyên góp của đồng bào phật tử. Thượng tọa Thích Thiện Huệ đại diện đứng ra lo toan việc xây dựng. Đây là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Vũng Tàu với những đường nét kiến trúc hiện đại.

Ở phía trước chùa là một cột cờ cao 21m, được làm thành 42 bậc biểu tượng cho 42 trang kinh phật đầu tiên được lưu truyền vào Việt Nam vào thế kỷ thứ 2. Cổng chùa có 4 chữ "NIẾT BÀN TỊNH XÁ" tức là nơi thanh cao nhất của đạo Phật.


9. Bãi Dâu

Bãi Dâu

Địa chỉ: thành phố Vũng Tàu

Vị trí: Bãi Dâu nằm ở phía tây núi Lớn và phía bắc trung tâm thành phố Vũng Tàu. Từ bãi Trước, theo đường Trần Phú, đi quá di tích Bạch Dinh chừng 3km là tới bãi Dâu.

Đặc điểm: Trước kia bãi Dâu còn được gọi là Vũng Mây do nơi đây có nhiều mây rừng.

Bãi Dâu là một bãi biển kín gió với nhiều ghềnh đá kỳ thú, thơ mộng. Hai đầu bãi có nhiều mỏm đá lớn nhô ra ngoài biển, sau lưng bãi là địa hình lòng chảo được cây cối um tùm bao bọc tựa vào triền núi Lớn.

Chân núi Lớn ở bãi Dâu dốc đứng và ăn ra sát biển. Giữa màu xanh thẳm của biển và cây rừng nổi bật tượng đức mẹ Maria cao gần 30m và những tòa nhà sáng trắng.

Bãi Dâu là bãi biển đẹp, yên bình và dường như tách hẳn với không khí ồn ào, náo nhiệt của trung tâm thành phố Vũng Tàu.


10. Bãi Sau (Thùy Vân)

Bãi Sau (Thùy Vân)

Địa chỉ: thành phố Vũng Tàu

Vị trí: Bãi Sau nằm ở đông nam thành phố Vũng Tàu, dài khoảng trên 8km từ chân núi Nhỏ đến Cửa Lấp.

Đặc điểm: Đây là một trong những bãi biển du lịch đẹp và lớn nhất của Việt Nam.

Bãi Sau còn được gọi là bãi Thùy Vân. Trước mặt là biển Đông, bãi Sau nằm tựa lưng vào những đồi cát trắng và rừng phi lao ngút ngàn. Chỉ cần một luồng gió nhẹ, những cành lá phi lao nhỏ li ti lại cùng reo lên bản nhạc lạ kì. Dưới rừng phi lao thấp thoáng những căn nhà nghỉ bằng gỗ, được thiết kế theo kiểu nhà rông Tây Nguyên với đầy đủ tiện nghi, vừa hiện đại, vừa dân dã.

Mặt biển bãi Sau phẳng lặng vào mùa gió nam như­ng lại sóng to, gió lạnh vào mùa gió bắc. Với không khí trong lành, thoáng mát, cảnh đẹp hữu tình, bãi Sau sẽ tạo nên cảm giác thoải mái cho du khách sau những ngày làm việc mệt nhọc.


11. Linh Sơn Cổ Tự

Linh Sơn Cổ Tự

Địa chỉ: số 61 đường Hoàng Hoa Thám, Phường 2, thành phố Vũng Tàu.

Vị trí: Chùa Linh Sơn Cổ Tự tọa lạc ở số 61 đường Hoàng Hoa Thám, Phường 2, thành phố Vũng Tàu.

Đặc điểm: Tuy không đồ sộ, rộng lớn nhưng Linh Sơn Cổ Tự là ngôi chùa lâu đời nhất ở Vũng Tàu.

Lúc đầu chùa được xây dựng trên triền núi Nhỏ nhưng đến năm 1919 khu vực này bị thực dân Pháp chiếm dụng để xây biệt thự cho hoa tiêu Pháp. Ngay sau đó một ngôi chùa khác đã được xây dựng và tồn tại cho đến ngày hôm nay. Trong chánh điện có thờ một tượng Phật cao 1,2m bằng đá thếp vàng được điêu khắc rất khéo léo tạo nên vẻ từ bi và sống động trên nét mặt của đức Phật.

Truyền thuyết kể lại rằng cách đây hơn một trăm năm có đoàn ghe chài từ miền Trung vào đánh cá ở bãi Trước. Trong khi đi kiếm củi ở núi Lớn tình cờ họ phát hiện hai pho tượng Phật bằng đá nằm vùi dưới đất trên sườn núi gần bãi Dâu. Họ cùng nhau đào lên rồi chờ đến hôm sau làm lễ xin đem về. Dân địa phương biết tin vội kéo đến xem và cho rằng đó là di tích lịch sử của địa phương nên cương quyết đòi giữ lại. Nhóm dân chài miền Trung năn nỉ mãi mới lấy được pho tượng nhỏ đem đi. Pho tượng lớn còn lại được dân chài rước về thờ, chính là pho tượng hiện nay ở chùa Linh Sơn Cổ Tự.


12. Bãi Trước (Tầm Dương)

Bãi Trước (Tầm Dương)

Địa chỉ: thành phố Vũng Tàu

Vị trí: Bãi Trước nằm giữa hai ngọn núi Lớn và núi Nhỏ của thành phố Vũng Tàu theo một đường vòng cung khá đều.

Đặc điểm: Bãi Trước còn được gọi là bãi Tầm Dương, có nghĩa là "Tìm ánh mặt trời". Vào buổi bình minh và hoàng hôn, mặt trời đỏ rực như tan vào nước biển mênh mông.

Bãi Trước như một nửa vầng trăng tựa lưng vào đất liền, hai đầu là hai ngọn núi Tương Kỳ và Tao Phùng. Thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, là bến đậu cho những con tàu trở về sau những chuyến hải trình.

Dọc Bãi Trước trồng rất nhiều dừa vì vậy trước đây nó còn có tên là vịnh Hàng Dừa. Giờ đây những hàng dừa vẫn rợp bóng và được điểm tô thêm màu xanh của những cây bàng, cây sứ. Bên dưới những bóng cây xanh rợp mát là một khu công viên đầy hoa dành cho khách bộ hành hóng mát... nghe tiếng sóng biển du dương.


13. Chùa Quan Thế Âm Bồ Tát

Chùa Quan Thế Âm Bồ Tát

Địa chỉ: thành phố Vũng Tàu

Vị trí: Chùa Quan Thế Âm Bồ Tát nằm trên đường vòng núi Lớn, thành phố Vũng Tàu, cách bãi Dâu 500m.

Đặc điểm: Quan Thế Âm Bồ Tát chỉ là một ngôi chùa nhỏ được xây dựng vào năm 1976, nhưng nổi bật ở giữa khu vực chùa là một pho tượng Phật Bà Quan Âm trắng toát.

Pho tượng cao 16m làm bằng xi măng cốt thép sắt theo hình tượng một phụ nữ hiền hòa, đức độ, mặt hướng ra biển, tay cầm bình Cam Lồ, đứng trên tòa sen. đây là một pho tượng đẹp và cũng là điểm tham quan của khách du lịch ở Vũng Tàu.


14. Bạch Dinh

Bạch Dinh

Địa chỉ: số 10 đường Trần Phú, thành phố Vũng Tàu.

Vị trí: Bạch Dinh tọa lạc tại số 10 đường Trần Phú, thành phố Vũng Tàu.

Đặc điểm: Bạch Dinh được Pháp xây dựng từ năm 1898 đến năm 1916 dùng làm nơi nghỉ mát cho toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.

Bạch Dinh được gọi là Villa Blanche theo tên con gái yêu của Paul Doumer. Nghĩa tiếng Việt của từ này lại trùng với dáng sắc bên ngoài của nó nên dân địa phương quen gọi là Bạch Dinh, tức là Biệt thự trắng. Sau đó nhiều đời toàn quyền Đông Dương vẫn thích dùng Bạch Dinh làm nơi giải trí nên được gọi là Dinh toàn quyền. Dưới thời Mỹ, Bạch Dinh cũng là nơi an nghỉ và hội họp của tổng thống và các tướng lĩnh Sài Gòn. đây cũng chính là nơi giam lỏng vua Thành Thái (từ 1909-1910), một vị vua có tư tưởng yêu nước, chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp.

Bạch Dinh nằm ở phía nam núi Lớn, trên pháo đài Phước Thắng cổ xưa, cao gần 30m so với mực nước biển. Từ tiền sảnh Bạch Dinh nhìn xuống, du khách sẽ có cảm giác như đang ở tầng lầu của một cao ốc xây dựng trên mặt nước biển, có thể dõi tầm mắt bao quát cả trung tâm thành phố Vũng Tàu.


15. Tượng chúa Jêsus

Tượng chúa Jêsus

Địa chỉ: thành phố Vũng Tàu.

Vị trí: Tượng chúa Jêsus nằm trên đỉnh núi Nhỏ, thành phố Vũng Tàu.

Đặc điểm: Tượng được dựng vào năm 1972, cao 32m, đứng giang hai tay, mặt hướng ra biển.

Trong lòng tượng có một cầu thang xoáy trôn ốc đi từ bệ lên cổ tượng gồm 133 bậc. Hai bên vai tượng được thiết kế như hai cái ban công, mỗi bên có đủ chỗ cho khoảng 6 người đứng ngắm cảnh thành phố Vũng Tàu.



Cẩm Nang Du Lịch Vũng Tàu