Cà Mau



Điểm tham quan tại Cà Mau


1. Chùa Quan Âm

Chùa Quan Âm

Địa chỉ: Số 84/4 đường Rạch Chùa,, Phường 4, Thành phố Cà Mau, Cà Mau

Vị trí: 84/4 đường Rạch Chùa, phường 4, Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Đặc điểm: Kiến trúc chùa hiện nay do Hoà thượng Thiện Tường và Thiện Đức xây vào năm 1936. Trong chùa có bia dựng "Sắc tứ Quan Âm cổ tự" và tháp Hoà thượng Trí Tâm.

Chùa do Hoà thượng Tô Quang Xuân dựng vào khoảng giữa thế kỷ 19, lúc bấy giờ chỉ là một am nhỏ để ngài tu hành và chữa bệnh cho dân. Sau ngài về tu ở chùa Kim Chương (Gia Định) lấy pháp hiệu là Trí Tâm. Năm 1842 vua Thiệu Trị sắc phong Hoà thượng cho ngài và sắc tứ cho chùa Quan Âm.


2. Vườn chim trong thành phố

Vườn chim trong thành phố

Địa chỉ: , Thành phố Cà Mau, Cà Mau

Vị trí: Vườn chim trong thành phố nằm ở Công viên văn hóa (còn gọi là Lâm Viên 19/5), thuộc Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cách trung tâm thành phố chừng 2km về phía tây.

Đặc điểm: Vườn chim trong thành phố là nơi hội tụ nhiều loài chim.

Công viên văn hóa có diện tích chừng 18,2ha, ngoài các khu vui chơi giải trí: tượng đài, vườn hoa, cây khế, cụm nhà sàn và ao cá Bác Hồ, Lâm Viên 19/5 còn nuôi nhiều loài sinh vật đặc trưng của rừng ngập mặn: cá sấu, khỉ, kỳ đà, trăn, rắn, ba ba... Đặc biệt, vườn chim là khu vực thu hút đông khách nhất. Từ nhiều năm nay cứ chiều đến hàng ngàn con chim, cò bay về khu rừng có diện tích chừng 2ha của công viên này. Thời gian sau có một số loài chim khác như mồng, két, le le, vịt nước... cũng lấy nơi đây làm nơi cư ngụ và sinh sản. Khu rừng dành cho chim được mở rộng tới 6ha có rào quây thành khu sinh thái biệt lập, gồm ao nước, rừng cây nhiều tán lá, cây lúp xúp ven hồ, là nơi chim tụ hội, sinh sôi và phát triển ngày càng đông.


3. Mũi Cà Mau

Mũi Cà Mau

Địa chỉ: , Huyện Ngọc Hiển, Cà Mau

Vị trí: Mũi Cà Mau thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách Tp. Cà Mau 118km bằng đường thủy.

Đặc điểm: Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam du khách thấy mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở biển phía Tây.

Đất mũi Cà Mau – nơi cực Nam của đất nước là vùng đất được khai phá vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 gắn liền với cuộc sống quần tụ của ba dân tộc: Việt, Hoa, Khmer. Do vậy mà có sự giao thoa những nét sinh hoạt văn hoá đa sắc tộc thể hiện qua nhiều phong tục, tập quán phong phú và đặc sắc.

Với một vùng đất phù sa mầu mỡ có những khu rừng ngập nước quanh năm; dưới tán rừng có nhiều loài chim, thú, thủy sản sinh sống đã tạo cho Cà Mau một cảnh quan đặc sắc mang nét riêng của vùng đất trẻ đầy hoang sơ, mới lạ. Trước hết phải nói tới rừng ngập mặn với hệ động thực vật vô cùng phong phú. Đặc biệt bãi bồi đất mũi là vùng giao lưu của triều biển Đông và biển Tây, như một hiện tượng tự nhiên, hàng năm mở rộng diện tích ra biển tới vài trăm hecta. Cây mắm, cây bần, cây đước cứ theo thế mà phát triển mở rộng dần diện tích rừng ngập mặn đem lại nguồn lợi to lớn về tôm cá và nhiều loại thủy sinh khác.

Nằm sâu trên đất liền là các loại rừng ngập nước với rừng tràm và các trảng cỏ ngập nước theo mùa. Với 239 loài thực vật cổ rừng tràm và rừng ngập mặn, 36 loài thú thuộc 17 họ, 194 loài chim, 260 loài cá và nhiều loài lưỡng cư, bò sát, trong số đó có những loài quý hiếm như: khỉ đuôi dài, rái cá lông mượt, mèo cá, sóc chuột lửa, cá sấu hoa cà, rùa, kỳ đà hoa, trăn gấm...

Vâng, mũi Cà Mau – nơi tận cùng phương Nam thao thức gọi mời những bước chân lữ hành. Khi bạn có mặt, chung quanh sẽ là đước, trước mặt là biển; đầu đội trời chân đạp đất, nghe lặng thầm điệu ru đất nước dầu dãi 300 năm lớp con Rồng cháu Lạc đi mở cõi xứ này đặt tên mũi Cà Mau.

Từ Mũi Cà Mau có thể nhìn thấy cụm đảo Hòn Khoai trên biển, cách đất liền chừng 20km. Đây là cụm đảo đẹp gồm các Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Khô, Hòn Lớn, Hòn Đồi Mồi. Lớn nhất và cao nhất là Hòn Khoai, rộng khoảng 4km², đỉnh cao 318m, có ngọn hải đăng quan trọng của khu vực biển Đông, vịnh Thái Lan


4. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

Địa chỉ: , Huyện Ngọc Hiển, Cà Mau

Vị trí: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, phần trên đất liền thuộc địa phận hành chính của các xã: Đất Mũi, Viên An và Đất Mới, thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau khoảng 100km và cách thành phố Hồ Chí Minh gần 400km về phía tây nam.

Ðặc điểm: Đây là một hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên có giá trị rất cao về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hóa và lịch sử; là một phần của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào tháng 5/2009.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được thành lập năm 2003 khi Khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi được chuyển thành Vườn quốc gia trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Đây chính là điểm cực Nam nơi có cột mốc cuối cùng của Việt Nam trên đất liền. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên là 41.862 ha, trong đó diện tích phần trên đất liền là 15.262 ha, diện tích phần ven biển là 26.600 ha. Có một điều thú vị là hàng năm diện tích mặt đất của vườn quốc gia này luôn được mở rộng một cách tự nhiên, mỗi năm Mũi Cà Mau lại lấn ra biển hàng chục mét. Đây cũng là một nét hấp dẫn thu hút nhiều du khách đến với vùng đất này.

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có mục tiêu bảo tồn lâu dài mẫu chuẩn sinh thái có tầm quan trọng quốc gia, khu vực và thế giới; phục vụ các hoạt động tham quan, du lịch sinh thái và hợp tác quốc tế, xây dựng và thực nghiệm các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn, phát huy giá trị và chức năng kinh tế của hệ sinh thái đất ngập nước; bảo vệ đa dạng sinh học.

Đây là một vùng đất ngập mặn có hệ sinh thái rất đa dạng, với quần thể thực vật chiếm ưu thế là cây đước. Động vật có rất nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Ngoài ra có nhiều loài chim di trú từ các nơi trên thế giới về đây, trong đó có nhiều loài thuộc loại quý hiếm như chim Sen, Chẳng bè.

Việc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập nước, bảo tồn các giá trị nhân văn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cũng như tăng thêm sức hấp dẫn đối với du khách gần xa đến thăm quan.


5. Hòn Đá Bạc

Hòn Đá Bạc

Địa chỉ: xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau,

Vị trí: Hòn Đá Bạc nằm sát bờ biển tây, thuộc địa phận xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau khoảng 50km đường thủy, 42km đường bộ.

Đặc điểm: Đây là một cụm đảo đẹp và kỳ thú với nhiều nét hoang sơ.

Hòn Đá Bạc với diện tích khoảng 6,43ha, là một cụm đảo đẹp bao gồm ba hòn lớn, nhỏ nằm gần nhau là: Hòn Ông Ngộ, Hòn Đá Lẻ và Hòn Đá Bạc. Trong cụm 3 hòn này, hòn cao nhất phải đến 50m so với mực nước biển. Theo nhiều tài liệu ghi lại, Hòn Đá Bạc có niên đại khoảng 180 triệu năm (thuộc kỷ Jura giữa - Trung sinh).

Hòn Đá Bạc, đậm nét hoang sơ và ngoài hình thù kỳ thú của cụm ba hòn, nơi đây còn có vô số những viên đá granit xếp chồng lên nhau và nhờ có bàn tay tạo hóa nhào nặn mà thành những hình thù hết sức độc đáo như: sân tiên, giếng nước tiên, bàn chân tiên, bàn tay tiên... Đặc biệt hơn, nơi đây còn hội tụ nhiều giá trị tâm linh của người dân miền biển như: Lăng Ông Nam Hải - nơi trưng bày bộ xương cá voi khổng lồ và ghi lại câu chuyện huyền bí về cá Ông cứu người bị nạn trên biển. Bên cạnh đó, ở Hòn Đá Bạc còn có cả một hệ sinh thái rừng vô cùng phong phú, đa dạng với các mảng rừng và thảm thực vật nguyên sinh quý hiếm. Đây chính là nét chấm phá kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho riêng tỉnh Cà Mau.

Tháng 6/2009, Hòn Đá Bạc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.


6. Đảo Hòn Khoai

Đảo Hòn Khoai

Địa chỉ: huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

Vị trí: Hòn Khoai thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách đất liền 14,6km, nằm về phía tây nam thị trấn Năm Căn.

Đặc điểm: Hòn Khoai là đảo đá, đồi và rừng còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quí, động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã lôi cuốn.

Nếu đi tàu 90CV từ Rạch Gốc (cửa ngõ của huyện Ngọc Hiển ra biển Đông), thì chỉ sau 3 giờ vượt biển, du khách đã có thể chiêm ngưỡng được Hòn Khoai - một trong những hòn đảo đẹp nhất miền cực nam của Tổ quốc.

Thật ra địa danh Hòn Khoai không chỉ có một đảo; trái lại, ngoài hòn Khoai là đảo lớn nhất, còn có thêm 5 hòn đảo xinh xắn khác vây xung quanh.

Đến Hòn Khoai, ngoài việc du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ của những bãi biển đầy đá cuội tròn như trứng ngỗng, du khách còn có dịp leo núi, băng rừng, trực tiếp ngắm nhìn một thảm rừng nguyên sinh cực kỳ quý hiếm ở nước ta với hơn 1.000 loại thực vật và hàng trăm giống chim thú vẫn còn nguyên vẹn.

Trên đỉnh cao nhất của hòn Khoai, hiện nay vẫn còn một cây hải đăng do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Nơi đây, vào những năm 40, khi bị thực dân Pháp lưu đày ra Hòn Khoai, thầy giáo Phạm Ngọc Hiển đã lãnh đạo một nhóm tù nhân nổi dậy giết chết tên chúa đảo và chiếm ngọn hải đăng, làm nên chiến công Hòn Khoai lừng lẫy đến tận ngày nay. Ngọn hải đăng và địa danh Hòn Khoai đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mà cụ thể là cuộc khởi nghĩa của thầy giáo Phạm Ngọc Hiển (sau này tỉnh Minh Hải đã đặt tên Ngọc Hiển cho huyện Năm Căn trước đây).

Từ trên ngọn hải đăng, du khách còn có dịp được các chiến sĩ biên phòng cho phép thông qua kính viễn vọng, nhìn một trong 5 hòn đảo vây quanh hòn Khoai là hòn Đồi Mồi với thảm thực vật xanh biếc, giống hệt con đồi mồi đang bơi giữa biển xanh. Đặc biệt, bạn có thể hướng kính viễn vọng về mũi Cà Mau để một lần trong đời được chiêm ngưỡng từ xa cái mũi đất thiêng liêng của tận cùng tổ quốc, mà không dễ có ai ngắm được nếu không ra Hòn Khoai.


7. Sân chim Ngọc Hiển

Sân chim Ngọc Hiển

Địa chỉ: huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Vị trí: Sân chim Ngọc Hiển thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Đặc điểm: Sân chim Ngọc Hiển là điểm du lịch sinh thái và nghiên cứu về các loài chim trong môi trường sinh thái tự nhiên được bảo vệ tốt của Cà Mau.

Sân chim Ngọc Hiển có diện tích tự nhiên rộng 130ha. Là một trong những sân chim tự nhiên lớn nhất nước. Sân chim Ngọc Hiển có dòng sông Bảy Háp chảy qua cùng với hệ thống kênh ngòi chằng chịt, với thảm thực vật phong phú và xanh tươi quanh năm đã là môi trường thiên nhiên trong lành chưa bị con người huỷ hoại, nơi trú ngụ của các loài chim bay đến hàng năm.


8. Rừng U Minh

Rừng U Minh

Địa chỉ: tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.

Vị trí: Rừng U Minh nằm sát vịnh Thái Lan, thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.

Đặc điểm: Rừng U Minh là kiểu rừng rất đặc thù, được xếp hạng độc đáo và quí hiếm trên thế giới.

Rừng U Minh gồm phần trên là U Minh Thượng, phần dưới là U Minh Hạ. Giữa U Minh Thượng và U Minh Hạ là sông Trẹm và sông Cái Tàu. Nơi đây thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ.

Rừng U Minh được coi là nơi có giá trị sinh khối cao nhất so với các kiểu rừng với khoảng 250 loài thực vật, chủ yếu là cây tràm mọc khắp nơi, hơn 180 loài chim, hơn 20 loài bò sát... Sinh cảnh của rừng U Minh còn là hiện trường và hệ quả của tiến trình diễn biến động thái của những hoạt động kiến tạo địa chất.


9. Vườn chim Cà Mau

Vườn chim Cà Mau

Địa chỉ: huyện Đầm Dơi, thành phố Cà Mau

Vị trí: Thuộc huyện Đầm Dơi, cách thành phố Cà Mau khoảng 45km về phía đông nam.

Đặc điểm: Đây là nơi cư ngụ của các loại cò.

Các loài chim ở đây thường làm tổ trên các cây cao và dành cả buổi sáng để đi kiếm thức ăn. Đây chính là cơ hội rất tốt để du khách có thể quay phim, chụp ảnh.


10. Đình Tân Hưng

Đình Tân Hưng

Địa chỉ: Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau

Vị trí: Đình Tân Hưng thuộc ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cách trung tâm Tp. Cà Mau 4km về phía nam, trên tuyến kênh rạch Rập, đường đi huyện Cái Nước.

Đặc điểm: Đình được bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích năm 1992.

\Đình được xây dựng năm 1907, trải qua thời gian chiến tranh, đình bị hư hỏng toàn bộ. Trên nền đó, người dân địa phương cho dựng một ngôi đình khác nhỏ hơn gồm một gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, trên nóc đúc hai rồng chầu. Phía trước đình có bức bình phong bằng gạch đắp hình hổ, hai bên có hai trụ gạch vuông, đỉnh trụ đắp hình hai bông sen. Hai bên sân có hai miếu thờ nhỏ.

Đình Tân Hưng là nơi treo cờ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên tại Cà Mau (năm 1930). Đây còn là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy Mặt trận Tân Hưng, mặt trận chống Pháp tại Cà Mau.

Sau khi được xếp hạng, di tích sẽ được qui hoạch xây dựng phần sân thành vườn hoa và xây bia lưu niệm. Riêng công trình nhà chính sẽ được sửa chữa trùng tu để tổ chức các sinh hoạt văn hoá, kể truyện truyền thống.



Cẩm Nang Du Lịch Cà Mau