Bạc Liêu



Điểm tham quan tại Bạc Liêu


1. Khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Bạc Liêu

Khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Bạc Liêu

Địa chỉ: , Xã Hiệp Thành, Thành phố Bạc Liêu, Bạc Liêu

Vị trí: Khu bảo tồn thuộc xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, cách thành phố Bạc Liêu 6km về phía nam

Đặc điểm: Với tính đa dạng sinh học rất cao, vườn chim Bạc Liêu đã được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên vào năm 1986.

Với hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên trên diện tích khoảng 385ha, trong đó có 19ha rừng nguyên sinh, khu bảo tồn có 104 loài thực vật thuộc 50 giống, 46 bộ. Tầng cao của rừng là Trà Là (chiếm 50%) , Giá (30%) còn lại là Cóc, Lâm Vồ. Thảm thực vật thấp là cỏ và các loài giây leo. Đây cũng là nơi cư trú của khoảng 46 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm như Giang Sen, Điên Điển, Cò Ruồi…; 109 loài thực vật thuộc 90 chi của 46 họ; 150 loài động vật, trong đó có 58 loài cá, 7 loài ếch nhái, 10 loài có vú, 8 loài bò sát và một số động vật khác.

Vườn chim Bạc Liêu là nơi làm tổ quan trọng của nhiều loài chim nước, điển hình là các loài le le, cò, diệc, vạc, còng cọc, quắm đen và nhiều loài khác. Các loài chim thường tụ tập nhiều vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Chúng làm tổ trên cây đến khoảng tháng 1 rồi bay đi nơi khác và quay trở về đây vào tháng 5 hoặc tháng 6.

Vườn chim luôn tạo ra những bất ngờ sửng sốt cho du khách đến tham quan. Khi mới bước chân vào đây, du khách sẽ nhìn thấy ngay cảnh náo nhiệt của một sân chim tự nhiên. Những trứng chim nằm rải rác đó đây trên mặt đất như hòn cuội trắng. Thú vị nhất là đứng trên tháp canh cao bằng ngọn cây rồi mơ màng ngắm cảnh. Đó là lúc đàn chim đi ăn xa về tổ. Từ hướng biển Đông tím rịm sắc chiều, từ cánh đồng Bạc Liêu vàng rượm lúa chín... những đàn chim lũ lượt bay về tổ. Chúng bay thật trật tự, tách biệt giữa sắc lông và chủng loại. Có đội hình thì như mũi tên lao về phía trước, đội hình khác thì mang hình trái tim, lại có đội hình lưa thưa tản mạn. Màu trắng tinh kia là của nhóm cò Ngàng, màu đen như dầu hắc là của bọn Còng Cọc. Chúng quần đảo đen đặc trên ngọn cây như che kín bầu trời. Rừng bỗng dậy ào ào như có bão với đủ loại âm thanh: tiếng gió rít, tiếng cánh vỗ, tiếng cây lá rùng mình, tiếng chim mẹ gọi con.


2. Chùa Quan Đế

Chùa Quan Đế

Địa chỉ: , Xã Vĩnh Trạch, Thành phố Bạc Liêu, Bạc Liêu

Vị trí: Chùa Quan Đế nằm ven sông Bạc Liêu, thuộc địa phận xã Vĩnh Trạch, Tp. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Đặc điểm: Chùa Quan Đế là một kiến trúc đình chùa mang đậm bản sắc dân tộc Hoa.

Người Hoa ở Bạc Liêu coi Chùa Quan Đế như một biểu tượng văn hoá của dân tộc mình. Chùa được xây năm 1835, do ông chủ tô muối Châu Quai đứng ra vận động đóng góp. Bên trong chùa còn giữ được khá nhiều bức hoành lớn. Một số được các nghệ nhân người Hoa chạm khắc từ những năm 1865 - 1897. Ngoài ra chùa Quan Đế còn có một án thư quí giá.

Chùa thờ Quan Vân Trường thời Tam Quốc. Trong điện thờ chùa Ông có bức tượng Quan Công mặc giáp trụ uy nghi, hai bên là Quan Bình và Châu Xương. Theo người Hoa ở Bạc Liêu, họ chọn thờ Quan Công bởi họ coi trọng chữ tín trong làm ăn buôn bán, Chùa Ông là nơi họ đến cầu khẩn, thậm chí giao kèo với nhau trong mua bán. Ngoài ra trong chùa còn thờ Thiên Hậu, Thần Tài. Chùa Ông là một trong những điểm tham quan ở thành phố Bạc Liêu.


3. Khu nhà công tử Bạc Liêu

Khu nhà công tử Bạc Liêu

Địa chỉ: Số 13, đường Điện Biên Phủ, Phường 3, Thành phố Bạc Liêu, Bạc Liêu

Vị trí: Gần bờ sông Bạc Liêu, số 13 Điện Biên Phủ, Phường 3, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Đặc điểm: khu nhà là nơi gắn liền với tên tuổi của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy – công tử nổi danh nhất xứ Nam Kỳ đầu thế kỷ 20.

“Khu nhà công tử Bạc Liêu (còn có tên gọi là nhà Lớn) được xây dựng năm 1919. Hầu hết các vật liệu xây dựng ngôi nhà, từ thép đúc, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí đến ốc vít đều có khắc chữ “P” chìm, như minh chứng cho nguồn gốc xuất xứ tại thủ đô Paris hoa lệ. Sau khi hoàn thành, đây được xem là ngôi nhà bề thế nhất Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.

Khu nhà gồm 2 tầng nổi bật bởi màu trắng sang trọng cùng kiến trúc Pháp lộng lẫy, bề thế. Tầng trệt của căn biệt thự có 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh khá rộng và cầu thang dẫn lên lầu. Tầng lầu có 3 phòng ngủ, 2 đại sảnh, trong đó phòng công tử Trần Trinh Huy được trang bị đầy đủ tiện nghi với giường đôi, tivi, điện thoại, máy lạnh, tủ áo, bàn viết...


4. Chùa Xiêm Cán

Chùa Xiêm Cán

Địa chỉ: , Xã Hiệp Thành, Thành phố Bạc Liêu, Bạc Liêu

Vị trí: Chùa Xiêm Cán thuộc xã Hiệp Thành, Tp. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Đặc điểm: Chùa Xiêm Cán là một ngôi chùa của người Khmer, có kiến trúc giống những ngôi chùa Khmer khác ở Trà Vinh và Sóc Trăng.

Được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, chùa Xiêm Cán mang kiến trúc Angkor của người Campuchia, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang. Đối với chùa Khơ-me, chánh điện thường quay về hướng Đông vì họ cho rằng con đường tu hành của Phật đi từ Tây sang Đông.

Người Khơ-me tu theo thuyết của Phật Thích Ca nhưng theo hướng của Phật giáo Tiểu Thừa nên trong Chánh điện thờ Phật Thích Ca là chính. Một điều đặc biệt nữa là xung quanh 4 bức tường của chánh điện bày trí rất nhiều hình vẽ giải thích quá trình tu hành khổ luyện của Đức Phật từ lúc sinh ra, đến lúc làm Thái tử cho đến khi vào cõi Niết bàn. Đối diện chánh điện là cột trụ biểu, là hình tượng của con rắn 5 đầu, dùng để thắp nến vào những ngày lễ ngụ ý rằng giáo lý Phật pháp sẽ soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn đã thiện.


5. Quảng trường Hùng Vương

Quảng trường Hùng Vương

Địa chỉ: Phường 1, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Vị trí: nằm trong khu trung tâm hành chính tỉnh, thuộc Phường 1, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Đặc điểm: đây là một trong những quảng trường đẹp nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Được khởi công xây dựng vào năm 2013 và chính thức đi vào hoạt động năm 2014, quảng trường Hùng Vương có tổng diện tích sử dụng trên 85.000m2, trong đó mặt bằng sân quảng trường là trên 40.000m2. Toàn bộ sân được lát bằng đá tự nhiên màu xám nhạt xen kẽ xám đậm trông như những nốt nhạc rất sinh động. Khu vực quảng trường bao gồm nhiều công trình kiến trúc được bố trí thành một quần thể hài hòa, có tính thẩm mỹ cao và độc đáo, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị của thành phố Bạc Liêu.

Quảng trường Hùng Vương đã trở thành địa điểm tổ chức các cuộc mít tinh, những sự kiện lớn của tỉnh, đồng thời là nơi vui chơi, giải trí cho người dân thành phố.


6. Quần thể kiến trúc nhà tây

Quần thể kiến trúc nhà tây

Địa chỉ: Thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

Vị trí: Thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

Đặc điểm: Hiện nay, Bạc Liêu còn khoảng gần 30 dinh thự, biệt thự lớn nhỏ nằm tập trung ở hai bên bờ sông. Nó đã trở thành một di sản có giá trị tinh thần, một niềm tự hào của người dân Bạc Liêu.

Không giống với một số tỉnh, thành phố khác như Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu hiện nay còn khá nhiều dinh thự, biệt thự xây theo kiến trúc phương Tây ở thành phố Bạc Liêu. Chỉ có những tòa nhà của công tử Bạc Liêu dọc bờ sông bị hư hại trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến. Còn lại là công viên hàng me với những dinh thự, công sở trang nghiêm: tòa Hành chánh, tòa án, dinh bố (nhà thự quan chủ tỉnh), nhà huyện Sỏn, nhà hội đồng Trạch… Các vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch… đều được chở từ Pháp qua.

Các ngôi nhà tây có kiến trúc của những năm đầu thế kỷ 20; mỗi nhà đều có không gian thoáng đãng xung quanh, phần đằng trước đối xứng nhau, mái lợp ngói. Mái ngói hình bát giác, các xà nối ngang như ở chùa. Nhìn chung các ngôi nhà có nét đường bệ, nền đúc cao, quét vôi vàng. Bên trong nhà thường là những hành lang, vòm trần cao vút. Vì vậy, quần thể kiến trúc nhà tây ở Bạc Liêu mang một sắc thái riêng khác hẳn những nhà biệt thự Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt…


7. Chùa Minh

Chùa Minh

Địa chỉ: phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

Vị trí: Chùa Minh tọa lạc tại phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

Đặc điểm: Với tên chữ là Vĩnh Triều Minh Hội Quán (nơi phụng tự của người Minh Hương), chùa Minh có lối kiến trúc mang đậm chất cung đình Trung Quốc thời Minh.

Chùa Minh được xây dựng từ năm 1890, do Hương Cả Trần Thiết Thuận, là người đứng đầu làng Vĩnh Hương khởi xướng (ngày nay là địa phận chợ Bạc Liêu).

Nhìn tổng thể, chùa Minh có kiến trúc hình chữ Quốc. Từ bờ sông Bạc Liêu nhìn vào cổng tam quan được lắp ghép từ đá xanh rất công phu, du khách sẽ thấy cửa chính của chùa đề 3 đại tự “Vĩnh Triều Minh” chạm khắc trong đá, sơn son thếp vàng. Hai cột trụ chính trước tam quan được chạm khắc các họa tiết tinh xảo, tỉ mẩn theo thế “long ẩn vân”. Đặc biệt ở hai đầu rồng, các thợ chạm đã khắc miệng rồng ngậm viên ngọc trân châu. Những du khách khi đến đây tham quan đều ngạc nhiên đến sững sờ và cho là “độc nhất vô nhị” ở đồng bằng sông Cửu Long. Trên bức tường cửa chùa có chạm nhiều trích đoạn khung cảnh sinh hoạt cung đình xưa.

Bên trong chùa có nhiều hiện vật cổ, rất quý hiếm như các cột bằng gỗ quý chạm khắc các phù điêu, bức hoành... với các họa tiết “lưỡng long tranh châu”, “kỳ lân hàm ngọc”… Ngoài ra còn có bộ lư đồng mắt tre và 16 loại binh khí chiến trận của các vị thành hoàng.


8. Tháp cổ Vĩnh Hưng

Tháp cổ Vĩnh Hưng

Địa chỉ: xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Vị trí: Tháp cổ Vĩnh Hưng thuộc xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.Theo quốc lộ 1A, từ Bạc Liêu hướng Cà Mau 5km, đến cầu Sập, rẽ theo lối đi chợ Vĩnh Hưng là đến tháp Vĩnh Hưng.

Đặc điểm: Tháp là di tích kiến trúc cổ duy nhất mang dáng dấp nghệ thuật kiến trúc thời Ăng Ko của người Khmer còn được bảo tồn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Tháp Vĩnh Hưng được dựng trên một doi đất, chân tháp hình chữ nhật, một cạnh dài 5,6m; cạnh kia dài 6,9m, cao 8,9m xây bằng gạch ghép khít lại (không nhìn thấy vữa kết dính). Tháp có cấu trúc khá đơn giản, có một gian hình chữ nhật, tường dày, nóc cao uốn thành vòm với một cửa chính. Trong tháp có: một bàn tay tượng thần bằng đồng; một phần thân dưới của tượng nữ thần; tượng nữ thần bằng đá xanh; tượng nữ thần Brahma mặt bằng đồng; đầu tượng Phật bằng đồng... và một số vật thờ khác.

Mỗi ngày nhà sư trong chùa tháp tụng kinh hai lần bằng tiếng Việt vào lúc 4 giờ sáng và 4 giờ chiều. Hàng năm nhân dân địa phương tổ chức giỗ lớn tại tháp vào ngày 15 tháng giêng âm lịch. Đây là dịp có đông Phật tử trong và ngoài tỉnh đến cúng bái.



Cẩm Nang Du Lịch Bạc Liêu