Cao Bằng



Điểm tham quan tại Cao Bằng


1. Di tích Pắc Bó

Di tích Pắc Bó

Địa chỉ: , Xã Trường Hà, Huyện Hà Quảng, Cao Bằng

Vị trí: Di tích Pắc Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách TP. Cao Bằng 55km về phía bắc.

Đặc điểm: Pắc Bó là di tích cách mạng nổi tiếng, nơi Bác Hồ làm việc và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tên Pắc Bó còn có nghĩa đen là “miệng nguồn”.

Pắc Bó có hang Cốc Bó được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài trở về Tổ quốc (08/02/1941) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Các di tích ở khu này gồm có:

- Hang Bo Bam, bãi Cò Rạc, Hang Cốc Bó

- Suối Lê-nin, núi Các Mác.

- Suối Nậm: Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp huấn luyện cán bộ và tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng của Trung ương.

Ði trên những tảng đá nhám rêu phong dọc bờ suối là nơi Bác Hồ thường ngồi làm việc và câu cá sẽ đến một chiếc cầu gỗ bắc ngang cửa khe Cốc Bó. Ðây là nơi khởi nguồn của suối Lê-nin. Hang Pắc Bó hiện ra bên sườn núi đá lởm chởm. Ðứng ngoài cửa hang nhìn xuống, trên vách đá tranh tối tranh sáng còn thấy được dòng chữ của Người: "Ngày 8 tháng 2 năm 1941". Ðấy là ngày Bác đến ở hang này, một cái hang nhỏ, ẩm và lạnh, nằm sâu trong khe núi, chẳng mấy ai để ý tới.

Phía trước cửa hang Pắc Bó khoảng 1.000m, có một lán nhỏ bên sườn núi Khuổi Nậm. Nơi đây Bác Hồ triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, ra nghị quyết chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, thành lập Việt Minh và Chiến khu cách mạng. Cách cái lán nhỏ này vài bước chân là đường biên giới Việt Trung - cột mốc 108. Nơi đây, Bác Hồ đã cúi xuống ôm hôn mảnh đất Tổ quốc thân thương sau bao năm xa cách. Khi đó Bác đã 50 tuổi, mái tóc đã pha sương.


2. Động Ngườm Ngao

Động Ngườm Ngao

Địa chỉ: , Xã Đàm Thuỷ, Huyện Trùng Khánh, Cao Bằng

Vị trí: Động Ngườm Ngao thuộc địa phận bản Gun, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, cách Thác Bản Giốc 3km.

Đặc điểm: Động Ngườm Ngao với vẻ hoang sơ, quyến rũ mang đậm sắc thái Việt Bắc đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là danh thắng quốc gia đã và đang thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Động Ngườm Ngao là một động lớn được hình thành từ sự phong hoá lâu đời của đá vôi. Ngườm Ngao (tiếng dân tộc Tày có nghĩa là hang Cọp hay còn gọi “hang giữa thung lũng đá”) do người dân địa phương phát hiện năm 1921, nhưng đến 1996 mới được tỉnh khai hoang, đầu tư cơ sở hạ tầng khai thác du lịch.

Theo số liệu khảo sát của đội khảo sát Hoàng gia Anh năm 1995, động Ngườm Ngao có chiều dài 2.144m, gồm 3 cửa chính: cửa Ngườm Lồm quanh năm mát lạnh nằm ẩn mình dưới những khối đá dưới chân núi; cửa Ngườm Ngao cách chân núi vài trăm bậc thang và cửa Bản Thuôn phía sau núi, kề cận bản Thuôn của người Tày.

Hiện nay tỉnh đưa vào khai thác du lịch khoảng hơn 900m. Thông thường, khi đón khách tham quan hang động, hướng dẫn viên địa phương khởi hành từ cửa Ngườm Lồm và trở ra bằng cửa Ngườm Ngao, qua đó khách sẽ chiêm ngưỡng hầu hết cảnh đẹp tuyệt vời trải khắp chiều sâu hang động. Bước vào động ta như bước vào một thế giới kỳ ảo, choáng ngợp trước những dải thạch nhũ muôn màu muôn sắc từ trên các vòm đá cao rủ xuống. Những tượng đá quyến rũ với nhiều kiểu dáng khác nhau mang dáng dấp hình người, cây rừng, súc vật, nhiều nơi giống như một căn phòng “trướng rủ màn che” với nàng tiên đang nghiênh mình chải tóc, và cả dáng vẻ của một ông tiên hiền từ, rồi búp sen khổng lồ, cột chống trời…

Vòm động khép lại rồi lại mở ra, tạo cho người xem một sự thích thú bất ngờ. Nhũ đá mọc từ dưới lên, thả từ trên xuống, nhũ thẳng đứng, nhũ to, nhũ nhỏ…tất cả đan xen tạo thành một mê cung kỳ diệu.

Từ Hà Nội đi theo quốc lộ 3 lên đến Tx. Cao Bằng (khoảng 272km), đến TT. Quảng Uyên thì rẽ sang tỉnh lộ 206 là đến động Ngườm Ngao. Hiện ngành du lịch địa phương đã đầu tư làm con đường tráng nhựa nối từ tỉnh lộ 206 vào khu du lịch Ngườm Ngao. Và một con đường bêtông tỏa khắp thung lũng, hang động đi cùng hệ thống chiếu sáng cũng đã được hoàn tất từ đầu năm 2006.


3. Chùa Sùng Phúc

Chùa Sùng Phúc

Địa chỉ: Làng Huyền Ru, Thị trấn Thanh Nhật, Huyện Hạ Lang, Cao Bằng

Vị trí: Chùa Sùng Phúc ở làng Huyền Ru, xã Thanh Nhật, huyện Hạ Lang.

Đặc điểm: Chùa Sùng Phúc là sự kế tiếp của chùa Sùng Khánh, được xây dựng khoảng giữa thế kỷ 13. Sùng Phúc có ý nghĩa là sự suy tôn và sùng bái phúc đức, hướng tới điều thiện.

Ngày 15,16 tháng giêng hàng năm nhân dân trong vùng kéo nhau đến đây để trẩy hội xuân với các trò chơi dân gian vui nhộn độc đáo. Chùa đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá.

Bên trong chánh điện thờ Thành Hoàng, Quan Thế Âm Bồ Tát, chàng Vi Đồ và ông Thổ Thần. Chùa là nơi sinh hoạt văn hoá cổ truyền của nhân dân quanh vùng.


4. Khu di tích Đông Khê

Khu di tích Đông Khê

Địa chỉ: , Huyện Thạch An, Cao Bằng

Vị trí: Khu di tích Đông Khê thuộc huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

Đặc điểm: Tháng 8 năm 1950, Bác Hồ đã trực tiếp ra mặt trận chỉ huy trận đánh đồn Đông Khê, mở màn cho chiến thắng chiến dịch Biên giới thu - đông năm 1950, tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Chiến dịch đồn Đông Khê vang dội cùng những tấm gương dũng cảm đã vào sử sách như Lý Viết Mưu, La Văn Cầu, Trần Cừ… thể hiện sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân ta trong kháng chiến.

Cụm di tích Đông Khê, đường số 4 có một điểm di tích đặc biệt là núi Báo Đông, nơi đây Bác Hồ trực tiếp quan sát chỉ huy mặt trận biên giới. Đường lên núi có 845 bậc đá chắc chắn được chia thành 79 cung bậc, tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác. Trên đỉnh là tượng đài Bác ngồi quan sát trận đánh. Tượng Bác cao 2,8m, nặng 418 kg, toàn bộ bức tượng đặt trên bệ đá ốp gạch lát hoa. Đứng trên núi Báo Đông có thể nhìn thấy phong cảnh thị trấn Đông Khê.


5. Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo

Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo

Địa chỉ: , Xã Tam Kim, Huyện Nguyên Bình, Cao Bằng

Vị trí: Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, nằm ở hướng Tây Nam cách thành phố Cao Bằng 50km.

Đặc điểm: Khu rừng là khu di tích nơi đây đã ghi dấu ấn truyền thống trong lịch sử dân tộc, đó là nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944).

Đội gồm 34 chiến sỹ được chọn lọc trong hàng ngũ các đội du kích Cao - Bắc - Lạng, đó là những chiến sỹ kiên quyết, hăng hái, đội do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Đây là một bước ngoặt quan trọng trên con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc và của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngay khi mới thành lập, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã dành thắng lợi trận Phai Khắt ngày 25/12/1944 và trận Nà Ngần ngày 16/12/1944, mở đầu truyền thống đánh thắng trận đầu, chỉ sau một tuần đội đã nhanh chóng phát triển thành đại đội. Từ đó đến nay dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân đội ta ngày càng lớn mạnh lập nên những chiến công hiển hách, sát cánh cùng nhân dân chiến đấu giải phóng hoàn toàn đất nước và bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Rừng Trần Hưng Đạo là khu rừng nguyên sinh vẫn giữ được vẻ hoang sơ, khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 15-20 độ C. Khung cảnh thiên nhiên nơi đây rất lý tưởng cho các chương trình nghiên cứu, du lịch sinh thái đối với du khách trong và ngoài nước.


6. Thác Bản Giốc

Thác Bản Giốc

Địa chỉ: , Xã Đàm Thuỷ, Huyện Trùng Khánh, Cao Bằng

Vị trí: Thác Bản Giốc thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Đặc điểm: Bản Giốc là thác nước cao hùng vĩ và đẹp nhất của Việt Nam.

Ngay từ xa du khách đã nghe thấy tiếng thác nước réo ào ào. Từ độ cao trên 30m những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi. Giữa thác có một mô đá rộng phủ đầy cây đã xẻ dòng sông thành 3 luồng nước như ba dải lụa trắng. Ngày đêm thác nước cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng làm tung lên vô vàn hạt bụi trắng toả mờ cả một vùng rộng lớn. Vào những ngày nắng, làn hơi nước còn tạo thành cầu vồng lung linh huyền ảo. Dưới chân thác Bản Giốc là mặt sông rộng, phẳng như gương. Hai bên bờ là những thảm cỏ, vạt rừng xanh ngắt, lác đác điểm những chùm hoa phong lan, những đàn trâu, bò ung dung gặm cỏ làm cho cảnh sắc càng thêm sinh động.

Thác Bản Giốc đã đi vào nghệ thuật tạo hình với những tác phẩm hội hoạ và nhiếp ảnh đặc sắc. Cùng với núi, sông và các hang động kỳ thú ở xung quanh, thác Bản Giốc không chỉ là một điểm du lịch hấp dẫn mà còn là một nguồn thủy điện lớn trong tương lai.Ðộng Ngườm Ngao ở ngay bên cạnh thác, dài khoảng 3km được đánh giá là một trong những hang động đẹp của Việt Nam.


7. Chùa Đà Quận

Chùa Đà Quận

Địa chỉ: làng Đà Quận, xã Hưng Đạo, huyện Hoà An, Cao Bằng

Vị trí: Chùa Đà Quận nằm ở làng Đà Quận, xã Hưng Đạo, huyện Hoà An, xưa là thôn Đà Quận.

Đặc điểm: Chùa mang tên Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn, một danh tướng của nhà Mạc, được xây dựng từ thời vua Mạc Kính Cung (1594 - 1625) thờ Phật bà Quan Âm.

Trong chùa có hai quả chuông treo ở hai bên lầu gác đền thờ Hồng Liên công chúa cao bốn thước, năm tấc, chu vi tám thước chín tấc, ước nặng nghìn cân. Mỗi kỳ tế lễ xuân thu thì gõ chuông, chuông vang như sấm, chấn động trăm dặm. Trên chuông thần có đúc bài minh bằng chữ Hán ca ngợi vẻ đẹp của châu Thạch Lâm lúc bấy giờ và sự phục hồi của chùa Viên Minh sau khi nhà Lê khôi phục lại đất Cao Bằng. Chuông chùa Đà Quận là một di sản văn hoá quý báu của dân tộc, một di tích xứng đáng được gìn giữ và lưu truyền. Hàng năm nhân dân Cao Bằng đều đi trẩy hội chùa Đà Quận vào mùng 9 tháng Giêng.


8. Chùa Giang Động

Chùa Giang Động

Địa chỉ: xã Hồng Việt, huyện Hoà An, Cao Bằng

Vị trí: Chùa Giang Động cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 20km, thuộc xã Hồng Việt, huyện Hoà An.

Đặc điểm: Trong chùa có một cái trống và một cái chuông to.

Chùa là một nơi rất linh thiêng, thờ thần đá và thần sông được xây dựng vào khoảng năm 1429. Trong chùa có một cái trống và một cái chuông to. Lễ hội chùa Giang Động diễn ra vào ngày 15 tháng giêng âm lịch, đây là dịp để nhân dân trong vùng đến cầu may, cầu phước mỗi độ xuân về.


9. Chùa Vân An

Chùa Vân An

Địa chỉ: làng Chùa, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng

Vị trí: Chùa Vân An toạ lạc tại làng Chùa, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc.

Đặc điểm: Chùa gồm hai toà nhà to cao và đẹp. Cổng chùa mở ra phía bờ sông Gâm, trước cửa ra vào có dòng chữ Hán “Vân An Tự”.

Chùa được xây dựng tương đối kiên cố, mái lợp ngói máng, trên nóc có đôi rồng chầu ngọc. Các vì kèo, quá giang, thượng lương trên mái đều được chạm trổ hoa văn công phu, hài hoà với khung cảnh thiên nhiên.

Bên trong toà nhà thứ nhất, chính giữa là bàn thờ công chúa Vân An thời nhà Lê, trước bàn thờ trang trí các loại ô, lọng, rèm…bằng vải, hai bên có đôi thiên nga bằng sứ, bên cạnh là chiếc kiệu dát vàng. Phía sau bàn thờ công chúa là bàn thờ Ngọc Hoàng, tượng Ngọc Hoàng ngồi tay cầm thanh kiếm, hai bên có tượng Nam Tào và Bắc Đẩu. Bên trái bàn thờ công chúa còn có một bàn thờ gồm nhiều tượng xếp thành nhiều hàng.

Toà nhà thứ hai kiên cố với cấu trúc toàn bộ bằng gỗ nghiến, có bệ thờ cao dài, trên bệ là tượng Phật Bà Quan Âm. Bên cạnh là nhiều tượng bằng đồng như tượng Vương Mẫu, Như Lai, Tích Ka Lý Phật toạ trên toà sen.


10. Đền Vua Lê

Đền Vua Lê

Địa chỉ: làng Đền, xã Hoàng Tung, huyện Hoà An, Cao Bằng

Vị trí: Đền Vua Lê nằm ở phía Tây Bắc, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 11km, thuộc làng Đền, xã Hoàng Tung, huyện Hoà An.

Đặc điểm: Đền được xây dựng trên một gò đất cao phía bắc thành Nà Lữ. Đền thờ vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi Cao Hoàng Đế).

Trong thành Nà Lữ có bốn gò đất nổi lên được các triều đại phong kiến đặt tên cho 4 gò là Long, Ly, Quy, Phượng. Giữa thành có ao sen và ruộng bàn cờ. Dưới triều đại phong kiến đền vừa là cung điện, vừa là trung tâm hoạt động kinh tế - văn hoá, quân sự của các vua quan.

Trước Cách mạng Tháng tám và trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đền vua Lê cũng là một di tích lịch sử gắn liền với những hoạt động của Đảng ta trong thời kỳ vận động cách mạng dân tộc, dân chủ. Tại đây đồng chí Hoàng Đình Giong đã đứng ra thành lập “Đoàn thanh niên phản đế” (năm 1936).

Hiện nay, đền Vua Lê được xem là một di tích có giá trị đặc biệt về mặt kiến trúc nghệ thuật và là nơi tập trung lễ hội, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của nhân dân nơi đây. Lễ hội đền vua Lê được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch.


11. Đền Kỳ Sầm

Đền Kỳ Sầm

Địa chỉ: xã Vĩnh Quang, huyện Hoà An, Cao Bằng

Vị trí: Đền Kỳ Sầm thuộc xã Vĩnh Quang, huyện Hoà An, cách trung tâm thành phố Cao Bằng theo đường Pác Bó 5km.

Đặc điểm: Đền được xây dựng để thờ danh nhân lịch sử Đại Vương Nùng Trí Cao, người dân tộc Tày, đời vua Lý Thái Tông (thế kỷ 11).

Nùng Trí Cao được vua phong Thái Bảo và cho trấn giữ châu Quảng Nguyên. Sau khi ông mất vua lại phong cho là Khâu Sầm Đại Vương. Câu chuyện về Nùng Trí Cao đã trở thành huyền thoại, liên quan đến sự nghiệp mở nước ở thời Lý. Công lao của ông đã được người đời sau tưởng nhớ và lập đền thờ.

Hàng năm lễ hội được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng giêng âm lịch, đây là một lễ hội lớn thu hút mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh đến trảy hội, vui xuân, với nhiều trò chơi như: tung còn, đấu vật, đấu võ, đá bóng, múa sư tử, múa rồng, múa lân...


12. Đồn Phai Khắt

Đồn Phai Khắt

Địa chỉ: xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng

Vị trí: Đồn Phai Khắt thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình.

Đặc điểm: là nơi trưng bày hiện vật bảo tàng và là điểm thăm quan mang tính giáo dục sâu sắc.

Trận đánh đồn Phai Khắt vào lúc 17 giờ ngày 25/12/1944 là trận đánh đầu tiên của đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã đi vào lịch sử như một trang vàng đầu tiên của quân đội ta. Hiện nay, đồn Phai Khắt là nơi trưng bày hiện vật bảo tàng và là điểm thăm quan mang tính giáo dục sâu sắc.


13. Khu di tích anh hùng liệt sỹ Kim Đồng

Khu di tích anh hùng liệt sỹ Kim Đồng

Địa chỉ: làng Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng

Vị trí: Khu di tích nằm tại làng Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng.

Đặc điểm: Đây là nơi ghi nhớ anh hùng liệt sỹ Kim Đồng, người có công bảo vệ cán bộ cách mạng trong thời kỳ chống Pháp.

Kim Đồng (tên thật là Nông Văn Dền) sinh năm 1929. Ngày 15/5/1941, đồng chí Đức Thanh là cán bộ cách mạng quyết định thành lập Đội nhi đồng cứu quốc tại làng Nà Mạ, gồm có 4 đội viên: Kim Đồng, Cao Sơn, Thanh Thuỷ, Thuỷ Tiên do Kim Đồng làm đội trưởng.

Tháng 8/1942, Kim Đồng vinh dự được gặp Bác Hồ tại hang Nộc Én ở trên núi sau làng Nà Mạ. Bác khen ngợi đội trưởng Kim Đồng mưu trí, nhanh nhẹn, dũng cảm. Bác khuyên Kim Đồng cùng đội viên hãy giúp đỡ, tích cực bảo vệ cách mạng, vừa hoạt động vừa học văn hoá, chính trị để sau này nước nhà giành được độc lập, góp phần xây dựng đất nước. 5 giờ sáng ngày 15/2/1943, trong lúc đang làm nhiệm vụ canh gác cuộc họp của ban Việt Minh, khi phát hiện giặc lùng sục đến gần, Kim Đồng đã nhanh trí đánh lạc hướng để bảo vệ cán bộ cách mạng, địch nổ súng, Kim Đồng bị trúng đạn và đã hy sinh, khi đó vừa tròn 14 tuổi.

Kim Đồng đã được Đảng và nhà nước phong tặng anh hùng liệt sỹ năm 1997. Khu di tích Kim Đồng được xây dựng ngay trên quê hương anh gồm có mộ anh Kim Đồng và tượng đài khang trang tại chân rặng núi đá cao đồ sộ, bên cạnh rừng cây nghiến xanh biếc, luôn toả bóng mát với những làn gió vi vu, như ru anh yên nghỉ.

Tượng đài anh Kim Đồng với bộ quần áo nùng và tay nâng cao con chim bồ câu đưa thư, trước tượng đài có 14 bậc đá và 14 cây lát vươn cao xanh ngắt. Nơi đây có một khoảng sân rộng, hàng năm thiếu niên và nhi đồng của tỉnh Cao Bằng, cả nước thường tụ hội tại đây cắm trại, vui chơi ca hát.


14. Di tích lưu niệm Hoàng Đình Giong

Di tích lưu niệm Hoàng Đình Giong

Địa chỉ: làng Nà Toàn, xã Đề Thám, huyện Hòa An, Cao Bằng

Vị trí: Di tích Hoàng Đình Giong nằm tại làng Nà Toàn, xã Đề Thám, huyện Hòa An.

Đặc điểm: Đây là nơi sinh ra và nuôi dưỡng đồng chí Hoàng Đình Giong. Đồng chí là người dân tộc Tày, sinh năm 1904 là một trong những Đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng và cũng là người trực tiếp rèn luyện và xây dựng Đảng bộ Cao Bằng.

Năm 1925 - 1926 đồng chí là thanh niên yêu nước tiêu biểu của nhân dân các dân tộc Cao Bằng, khi theo học tại trường Bách Nghệ tại Hà Nội, đồng chí đã hoà mình vào cuộc đấu tranh của thanh niên tri thức cả nước đòi thả cụ Phan Bội Châu. Năm 1926-1927 ở Cao Bằng đã có Hội đánh Tây ở Hoà An, Hà Quảng. Đồng chí đã có những hoạt động yêu nước, tiếp thu truyền đạt chủ nghĩa Mác - Lê Nin, đem ánh sáng cách mạng đến với nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, nên bị thực dân Pháp theo dõi, truy nã; đồng chí đã tìm đường sang Quảng Tây - Trung Quốc, năm 1928 đồng chí được kết nạp vào tổ chức tại Trung Quốc rồi trở về tuyên truyền gây dựng cơ sở cách mạng ở Cao Bằng.

Đồng chí Hoàng Đình Giong người con của dân tộc Cao Bằng, quá trình hoạt động trong và ngoài nước, kể cả trong nhà tù đế quốc, luôn hướng tới mục tiêu độc lập và phút hy sinh vẫn kiên cường, bất khuất.


15. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến dịch Biên giới 1950

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến dịch Biên giới 1950

Địa chỉ: xã Đức Long huyện Thạch An, Cao Bằng

Vị trí: Khu di tích tại Nà Lạn, xã Đức Long huyện Thạch An, cách thành phố Cao Bằng 60 km đi theo đường quốc lộ số 4.

Đặc điểm: Đây là một khu di tích gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950, do Bộ Tư lệnh Quân khu, Quân khu I, Quân khu II và tỉnh Cao Bằng phối hợp xây dựng.

Khu di tích được đưa vào sử dụng ngày 19/05/2004, thể hiện đạo lý cao cả ”Uống nước nhớ nguồn “ đối với vị lãnh tụ thiên tài, vị cha già kính yêu của dân tộc. Khu gồm có: Nhà tưởng niệm được thiết kế với kiến trúc nhà sàn hiện đại, trưng bày những hình ảnh, hiện vật liên quan tới hoạt động của Bác trong chiến dịch và Cụm tượng đài Bác Hồ ngồi quan sát trận đánh trên núi Báo Đông.

Tượng đài Bác Hồ được mô phỏng theo bức ảnh của nghệ sỹ Vũ Năng An chụp, làm bằng vật liệu compozit giả đồng, cao 2,8 m, nặng 418 kg, cột bê tông cốt thép, toàn bộ bức tượng đặt trên bệ đá ốp gạch lát hoa. Đi qua 845 bậc đá, được chia thành 79 cung bậc, tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác là đến tượng đài.


16. Phja Đén

Phja Đén

Địa chỉ: huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Vị trí: Vùng Phja Đén – Phja Oắc bao gồm các xã Thành Công, xã Phan Thanh, xã Quang Thành và thị trấn Tĩnh Túc huyện Nguyên Bình.

Đặc điểm: Phja Đén nằm ở vị trí giao lưu của nhiều tuyến đường giao thông và là nơi đầu nguồn của nhiều con sông, có địa hình núi cao, nhiều hang động, và vẫn còn giữ được diện tích rừng nguyên sinh.

Huyện Nguyên Bình là một huyện miền núi vùng cao nằm ở phía tây của tỉnh Cao Bằng, cách Hà Nội 240km có nguồn tài nguyên du lịch giá trị với tổng diện tích tự nhiên của toàn vùng là 24.631ha. Là vùng sinh thái đặc thù với nhiều tiềm năng chưa được khai thác đã tạo cho Phja Đén - Phja Oắc nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái. Hệ sinh thái đa dạng có tính sinh học rất cao với nhiều loại động thực vật quý hiếm như hà thủ ô đỏ, tam thất, gà đen, các loại rau quả ôn đới, các loại côn trùng dùng cho nghiên cứu khoa học và sưu tập...

Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng Phja Đén-Phja Oắc một môi trường khí hậu mát mẻ trong lành, với độ cao từ 1500m -2500m so với mặt biển, nhiệt độ trung bình từ 18-25ºC, thảm thực vật phong phú lại có rất nhiều sản vật quý hiếm đã tạo tiền đề quan trọng cho phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như: du lịch sinh thái, du lịch văn hoá... Nơi đây vẫn còn lưu giữ một số địa danh nghỉ mát của người Pháp được nhiều người biết đến như: khu nhà nghỉ mát cuối tuần của người Pháp (Tài Soỏng), khu nhà Đỏ (Tatsloom). Đồng bào dân tộc sinh sống nơi đây chủ yếu là dân tộc Dao có nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, có cấu trúc nhà ở và ngành nghề riêng biệt.


17. Hồ Thang Hen

Hồ Thang Hen

Địa chỉ: xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng.

Vị trí: Hồ Thang Hen thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng.

Đặc điểm: Đây là một hồ đẹp trong số 36 hồ nằm ở trên núi của nước ta, độ cao so với mặt biển 1.000m.

Hồ Thang Hen ở giữa một vùng núi non và màu xanh của cây vươn mình trên các vách đá cheo leo soi bóng xuống mặt nước trong, uốn lượn theo lòng lũng mấp mô những mỏ đá ngầm. Hồ Thang Hen có hình thoi chiều rộng chừng từ 100m đến 300m, chiều dài từ 500m đến 1.000m tùy theo mực nước, giữa rừng trám trắng, trám đen nhô lên những khối đá tai mèo. Phía đầu nguồn là một cái hang rộng, từ trong hang nguồn nước chảy ra suốt ngày đêm. Đặc biệt nước hồ Thang Hen hàng ngày lại có hai đợt “thủy triều” lên và xuống. Vào mùa lũ trong khi các hồ khác nước đỏ lựng thì nước hồ Thang Hen vẫn luôn trong xanh. Mùa cạn nước sâu chừng 10m.


18. Làng rèn Phúc Sen

Làng rèn Phúc Sen

Địa chỉ: xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.

Vị trí: Làng rèn Phúc Sen thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.

Đặc điểm: Làng rèn Phúc Sen là một làng nghề truyền thống, có cách đây khoảng hơn 1.000 năm.

Phúc Sen là một vùng sơn cước, vùng núi đá. Bước chân vào làng, ở đâu cũng thấy lò rèn. Những lò rèn đã góp phần đáng kể trong đời sống hàng ngày không những cho người dân nơi đây mà còn phục vụ cho cư dân ở nhiều vùng lân cận. Sản phẩm nghề rèn của làng làm ra là các công cụ cầm tay có chất lượng cao phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Điều đặc biệt, những công cụ bằng sắt thép được tạo nên ở đây, không phải bằng những lò luyện kim cao tần mà chỉ sử dụng các lò rèn thủ công, bằng mắt, bằng đôi bàn tay cùng kinh nghiệm lâu năm trong nghề.

Người thợ rèn có thể xác định được độ chín của từng sản phẩm trong lò than để kịp đem nhúng vào chậu nước bên cạnh bễ thụt hơi. Chỉ như vậy mà những con dao quắm, cái rìu, cái kéo đều đạt độ cứng, dộ dẻo cần thiết phù hợp với công dụng của nó. Những công cụ cầm tay của làng nghề Phúc Sen có mặt ở nhiề chợ trong và ngoài tỉnh Cao Bằng, được bà con trong vùng rất tin dùng.



Cẩm Nang Du Lịch Cao Bằng