Điểm tham quan tại Quảng Nam

I. Du lịch văn hóa - Di tích lịch sử Quảng Nam



1. Chùa Ông

Chùa Ông

Địa chỉ: 24 đường Trần Phú, Thành phố Hội An, Quảng Nam

Vị trí: Số 24 đường Trần Phú, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Đặc điểm: Chùa Ông thờ Quan Vân Trường, một biểu tượng về trung - tín - tiết - nghĩa, nên còn có tên gọi là Quan Công Miếu.

Chùa Ông được xây dựng năm 1653 và đã qua 6 lần trùng tu vào các năm: 1753, 1783, 1827, 1864, 1904, 1906. Chùa Ông được xây theo kiểu chữ “Quốc” do nhiều nếp nhà hợp lại. Các nếp nhà mái lợp ngói ống có men màu, bờ nóc được gắn hoa chanh đắp hình rồng, nghê bằng các mảnh sứ màu. Hiện nay chùa còn lưu giữ được một số hiện vật quý như: biểu sắc phong, 30 bức hoành phi, trên 10 bộ câu đối, tượng Quan Công, Quan Bình, Châu Thương và nhiều văn bia. Chùa Ông là di tích kiến trúc tôn giáo có giá trị lớn đống thời là điểm tham quan cho du khách trong và ngoài nước.


2. Tháp Chiên Đàn

Tháp Chiên Đàn

Địa chỉ: , Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam

Vị trí: Bên cạnh quốc lộ 1, thuộc xã Tam An, cách thành phố Tam Kỳ 5km về phía bắc, tỉnh Quảng Nam.

Ðặc điểm: Đó là cụm ba tháp Chàm đứng song song với nhau theo trục bắc - nam, hướng mặt về phía đông.

Chỉ có tháp ở giữa giữ được khá nguyên vẹn, còn tháp phía bắc và phía nam đã mất các tầng phía trên. Ba ngôi tháp có hình dạng giống nhau, đế tháp hình vuông, mái tháp là các tầng thu nhỏ dần lên trên. Trên thân tháp Chiên Đàn không có hoa văn trang trí, các cột ốp tường nhô ra vừa phải. Mỗi tháp có 3 cửa giả và một cửa ra vào, phía trên cửa giả có vòm uốn cong nhọn hình lá đề. Trên các đường diềm mái bằng sa thạch có chạm một dãy mặt Kala.

Tại khu vực này còn có phòng trưng bày hiện vật Chămpa với nhiều bức phù điêu; tượng người: nữ thần, vũ nữ, các chiến sĩ cầm vũ khí; tượng linh vật: rắn Naga, chim thần Garuda, voi, sư tử, bia đá... có giá trị nghệ thuật cao được các nhà nghiên cứu và du khách quan tâm. Những tác phẩm điêu khắc trên mang phong cách nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chiên Đàn, có niên đại vào nửa cuối thế kỷ 10, là giai đoạn chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn và phong cách Bình Định.


3. Chùa Phước Lâm

Chùa Phước Lâm

Địa chỉ: , Quảng Nam

Vị trí: Phường Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Đặc điểm: Chùa do sư tổ Minh Lượng (một trong hai vị sư tổ đến Hội An đầu tiên) khởi dựng vào cuối thế kỷ 17 để thờ Phật

Chùa được xây theo phong cách Á Đông cổ, theo hình chữ "Môn" gồm các hạng mục: tam quan, sân, chính điện, nhà đại đường, nhà thờ tổ. Chính điện xây 3 gian, 2 chái, hai bên là 2 lầu chuông hình tháp. Trong nhà đại đường còn lưu giữ nhiều cổ vật quý như bộ bình bát của sư tổ Minh Lượng, những bản kinh Phật khắc gỗ. Chùa Phước Lâm là một di tích tôn giáo góp phần làm phong phú loại hình kiến trúc Phật giáo và quá trình truyền bá ảnh hưởng của đạo Phật ở Hội An.


4. Làng rau Trà Quế

Làng rau Trà Quế

Địa chỉ: Thôn Trà Quế, Xã Cẩm Hà, Thành phố Hội An, Quảng Nam

Vị trí: Cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 2km về phía Đông Bắc, nằm giữa con sông Đế Võng và đầm rong Trà Quế , Làng rau Trà Quế thuộc thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An.

Đặc điểm: Rau Trà Quế nổi tiếng từ rất lâu với nhiều sản phẩm rau được trồng trên đất đai màu mỡ, bón bằng loại rong lấy từ sông nên có hương vị đặc trưng riêng.

Từ xưa đến nay, làng rau Trà Quế nổi tiếng vì có trên 20 chủng loại rau ăn lá và rau gia vị, đặc biệt là có nhiều loại rau không nơi nào thơm ngon bằng như: húng, é, tía tô... Khi trộn lẫn các loại rau vào nhau sẽ hội đủ 5 vị cay, chua, ngọt, đắng, chát. Nhờ hương vị đặc biệt ấy mà rau Trà Quế đã góp phần làm nổi tiếng các món ăn dân dã riêng có ở Hội An và Quảng Nam.

Với diện tích đất trồng rau chỉ khoảng vài chục hécta nhưng trồng rau đã trở thành một nghề chính của cư dân trong làng qua nhiều thế hệ. Kể từ khi du lịch Hội An bắt đầu khởi sắc, cũng là lúc làng rau phát triển thịnh vượng nhất.


5. Làng hoa trái Đại Bường

Làng hoa trái Đại Bường

Địa chỉ: Xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam

Vị trí: Làng hoa trái Đại Bường nằm về phía hữu ngạn sông Thu Bồn, thuộc xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cách Hội An khoảng 20km.

Đặc điểm: Đây là một ngôi làng trù phú, cung cấp cây trái cho Đà Nẵng và Hội An.

Đại Bường giống như một bán đảo có đồi thấp, đồng ruộng, làng mạc, dòng sông và được bao bọc bởi hàng tre xanh. Làng như một chấm xanh ẩn trong lòng đầy quả lành trái ngọt giữa bàng bạc sông nước Thu Bồn

Đặc sản của làng Đại Bường là trái trụ lông, hình dáng như trái bưởi nhưng lạ lắm. Từ khi còn non, đến già rồi chín, trái được bao phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng, múi dày, tép lớn, tách ra không ướt nước như hầu hết các loại bưởi thường thấy mà khô, có thể tách rời từng tép, vị ngọt dìu dịu thanh khiết, mùi ý vị rất khó quên. Ngoài ra, còn có giống bòn bon trái nhỏ, một đặc sản của xứ Quảng, mọc trên vùng núi phía tây Quảng Nam cũng khá phổ biến trong vườn nhà Đại Bường. Tương truyền, lúc bị anh em nhà Tây Sơn đuổi chạy, Nguyễn Ánh lạc vào rừng. Trong lúc đói lòng, ông gặp trái bòn bon và ăn để lấy sức. Lúc lên ngôi, Gia Long đã phong tước cho loại trái cây này là “trái cây tiến vua”. Mùa nào quả ấy, ghe thuyền thương hồ ngược xuôi, tấp nập về đây chở đầy cây trái xuôi về Đà Nẵng, Hội An...


6. Tháp Khương Mỹ

Tháp Khương Mỹ

Địa chỉ: Xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam,

Vị trí: Di tích tháp Khương Mỹ thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, gần Quốc lộ 1A; cách thành phố Tam Kỳ 2km về phía tây nam.

Đặc điểm: Cụm kiến trúc này gồm 3 tháp liên hoàn nằm liền kề nhau theo trục Bắc-Nam, là kiểu tháp Chămpa truyền thống.

Cửa ra vào của tháp ở hướng đông và 5 cửa giả (1 ở phía tây, phía bắc và nam mỗi bên tường có 2 cửa). Mái tháp gồm 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng có chóp tháp bằng sa thạch, đế tháp gần vuông. Cụm tháp Mỹ Khương chia gồm 3 tháp liên hoàn là: tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam trong đó tháp Bắc là tháp nhỏ nhất, tháp lớn nhất là tháp Nam. Cấu trúc của các tháp tương đối giống nhau: Vòm cuốn trên các cửa uốn hình vòng cung, trang trí hoa văn thảo mộc cách điệu, đầu lá uốn cong xoắn xít, lá xếp thành nhiều tầng, thu nhỏ dần lên trên, tâm của vòm cuốn là một tổ hợp cành lá uốn thành dạng lá đề. Trên mỗi trụ tường có 5 trụ ốp tường, dọc các trụ ốp tường trang trí hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau, xen kẽ với các mảng tường trang trí hình thoi nối tiếp nhau từ chân đến đỉnh tường.

Nhiều tác phẩm điêu khắc tìm thấy ở đây mang tính Visnu giáo nên Khương Mỹ được xem là một khu đền thờ thần Visnu. Phần lớn hiện vật như: đài thờ, tượng, phù điêu… được trưng bầy ở Bảo tàng Điêu khắc Chămpa (Đà Nẵng). Các nhà nghiên cứu xếp chúng vào phong cách riêng, phong cách Khương Mỹ (giữa phong cách Đồng Dương và phong cách Trà Kiệu).


7. Làng gốm Thanh Hà

Làng gốm Thanh Hà

Địa chỉ: , Phường Thanh Hà, Thành phố Hội An, Quảng Nam

Vị trí: Làng gốm Thanh Hà thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ðặc điểm: Các sản phẩm của gốm Thanh Hà mang nhiều hình dáng, màu sắc, độ bền rất riêng biệt.

Nghề gốm của làng có nguồn gốc từ Thanh Hoá, sau khi đã tiếp thu một số kỹ thuật làm gốm của đất Quảng đã hình thành nên một làng nghề với các sản phẩm gốm phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh... Với nguyên liệu chính là đất sét với tài chế tác ở đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân các sản phẩm gốm có nhiều nét riêng biệt.


8. Làng nghề đúc đồng Phước Kiều

Làng nghề đúc đồng Phước Kiều

Địa chỉ: , Xã Điện Phương, Thị xã Điện Bàn, Quảng Nam

Vị trí: Xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Đặc điểm: Phước Kiều là làng nghề đúc đồng nổi tiếng, đặc biệt về kỹ thuật đúc cồng chiêng.

Nghề đúc đồng ở Phước Kiều được hình thành do một người tên là Dương Tiền Hiền di cư từ Thanh Hóa vào truyền dạy. Cuối thế kỉ 18, ở đây đã hình thành hai khu vực là phường tạc tượng Đông Kiều và phường chú tượng Phước Kiều. Đến đầu thế kỉ 19, triều Nguyễn sát nhập 2 phường lại thành “xã hiệu Phước Kiều”, còn được gọi là làng đúc đồng Phước Kiều .

Cũng như các làng nghề đúc đồng khác, để chế tác ra một sản phẩm đồng hoàn chỉnh, người thợ làng Phước Kiều phải tiến hành các công đoạn như: làm khuôn, sơn khuôn, nấu đồng và đúc đồng. Tuy nhiên, họ còn có bí quyết pha hợp kim riêng như: đồng đỏ, đồng thau (đồng pha thiếc), đồng xanh (đồng pha kẽm), đồng thoà (đồng pha vàng)... Ngoài ra, các nghệ nhân Phước Kiểu phải có kỹ thuật thẩm âm để tạo ra sản phẩm có tiếng vang, phù hợp với phong tục, tập quán và văn hóa tâm linh của từng tộc người. Điều này đòi hỏi người thợ Phước Kiều phải có đôi tai tinh nhạy, sự từng trải, am hiểu và kinh nghiệm cảm nhận âm thanh tinh tế.


9. Hội quán Quảng Đông

Hội quán Quảng Đông

Địa chỉ: 17 đường Trần Phú, Thành phố Hội An, Quảng Nam

Vị trí: Số 17 đường Trần Phú, thành phố Hội An.

Đặc điểm: Hội quán được Hoa Kiều Quảng Đông xây dựng vào năm 1885, thoạt đầu để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền.

Nghệ thuật sử dụng hài hòa các chất liệu gỗ, đá trong kết cấu chịu lực và họa tiết trang trí đã đem lại cho hội quán vẻ đẹp đường bệ, riêng có. Hiện nay hội quán còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ như: 4 bức hoành phi lớn, 1 lư trầm lớn bằng đồng cao 1,6m rộng 0,6m, 1 cặp đôn sứ men ngọc Trung Quốc... Hàng năm, vào ngày Nguyên Tiêu (15/1 âm lịch) và vía Quan Công (24/6 âm lịch), hội quán lại tổ chức lễ hội rất linh đình, thu hút nhiều người tham gia.


10. Khu phố cổ Hội An

Khu phố cổ Hội An

Địa chỉ: Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam

Vị trí: Thuộc Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ðặc điểm: Với những giá trị nổi trội mạng tính toàn cầu, tại kỳ họp thứ 23 từ ngày 29/11 đến ngày 4/12/1999 ở Marrakesh (Morocco), Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO đã công nhận Đô thị cổ Hội An là Di sản văn hoá thế giới.

Khu phố cổ Hội An là mẫu hình tồn tiêu biểu về một cảng thị truyền thống Đông Nam Á trong giai đoạn thế kỷ 15 - 16. Cảng thị này có mầm mống sơ khai từ trước Công nguyên với nền văn hoá Sa Huỳnh được tiếp tục phát triển dưới thời Chăm (thế kỷ 2 sau CN - thế kỷ 15) và cực thịnh trong thời Đại Việt, Đại Nam (thế kỷ 15 - thế kỷ 19). Bên cạnh các di tích, di chỉ khảo cổ có niên đại trên 2000 - 3000 năm là một số lượng lớn di tích kiến trúc, chủ yếu làm bằng gỗ, có niên đại phổ biến từ thế kỷ 17 - 19.

Năm 1999, đã có 1360 di tích, danh thắng với nhiều loại hình được thống kê. Đó là những đình, chùa, lăng, miếu, mộ, cầu, giếng, nhà thờ tộc, thánh thất, hội quán, nhà ở ... phân bố theo những trục đường truyền thống nhỏ hẹp, vừa mang đậm sắc thái địa phương Việt Nam, vừa thể hiện rõ sự giao lưu hội nhập văn hoá mạnh mẽ với các nước phương Đông và phương Tây.

Liên tục trong nhiều thế kỷ, những giá trị văn hoá truyền thống của nhân dân Hội An cùng với phong tục tập quán, các sinh hoạt, vui chơi, giải trí, cũng như các món ăn xưa vẫn được giữ gìn, và phát huy tương đối tốt.


11. Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Địa chỉ: Xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam

Vị trí: Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cách thành phố Ðà Nẵng khoảng 70km về phía tây nam, cách Trà Kiệu khoảng 10km về phía tây trong một thung lũng kín đáo.

Ðặc điểm: Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo của vương quốc Chămpa. Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva - Ðấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa.

Vào năm 1898, di tích Mỹ Sơn được phát hiện bởi một học giả người Pháp tên là M.C Paris. Vào những năm đầu thế kỷ 20 này, 2 nhà nghiên cứu của Viễn Đông Pháp là L.Finot và L.de Lajonquière và nhà kiến trúc sư kiêm khảo cổ học H. Parmentier đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm. Cho đến những năm 1903-1904 những tài liệu cơ bản nhất về bia ký và nghệ thuật kiến trúc Mỹ Sơn đã được L.Finot chính thức công bố.

Mỗi thời kỳ lịch sử, kiến trúc mang phong cách riêng, cũng như mỗi đền tháp thờ những vị thần, những triều vua khác nhau tạo nên đường nét kiến trúc đầy dấu ấn, nhưng nhìn chung tháp Chàm đều được xây dựng trên một mặt bằng tứ giác, chia làm 3 phần: Ðế tháp biểu hiện thế giới trần gian, vững chắc. Thân tháp tượng hình của thế giới thần linh, kỳ bí mê hoặc. Phần trên cùng là hình người dâng hoa trái theo nghi lễ hoặc hình cây lá, chim muông, voi, sư tử... động vật gần gũi với tôn giáo và cuộc sống con người.


12. Tháp Bằng An

Tháp Bằng An

Địa chỉ: Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam

Vị trí: Tháp Bằng An thuộc địa phận phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nằm trên đường 14 cách đô thị cổ Hội An khoảng 14 km, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía nam.

Đặc điểm: Nằm trong khuôn viên khu tháp rộng khoảng 4000 m2 ngày nay chỉ còn duy nhất ngôi tháp Bằng An mặt bằng hình bát giác.

Cấu trúc tháp Bằng An được chia làm hai phần: Tiền sảnh và điện thờ. Phần tiền sảnh khá dài, cửa ra vào ở hướng Đông, hai bên tiền sảnh có 2 cửa ra vào phụ (năm 1940 được trùng tu lại thành 2 cửa sổ). Phần đế của tiền sảnh cao 3m loe rộng hơn bằng các đường giật của khối xây, kết thúc bằng các gờ chạy ngang xung quanh. Phần thân tiền sảnh gồm những góc tường thẳng đứng, các khối viền cửa làm cho lòng Tiền sảnh có dạng chữ thập. Phía trên phần thân như một đài hoa được tạo bởi các đường giật của khối xây loe rộng ra bốn phía. Mái tiền sảnh là một khối chóp bốn mặt cong thu dần về phía đỉnh. Toàn bộ tiền sảnh còn lại đến nay khá nguyên vẹn, tuy rằng phần đỉnh đã sạt lở và mất các chi tiết trang chí ở các cạnh.

Phần Điện thờ của tháp Bằng An có mặt bằng bát giác. Nhìn xa, Điện thờ của Bằng An phân ba phần rõ rệt: đế, thân bát giác và mái hình chóp tạo bởi tám mặt cong dần về phía đỉnh. Hình dáng của điện thờ như một khối Linga khổng lồ cao gần 21m, còn mặt bằng của toàn bộ tháp lại gợi lên hình ảnh Yoni.


13. Chùa Viên Giác

Chùa Viên Giác

Địa chỉ: 42 đường Phạm Phú Quốc, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Vị trí: số 42 đường Phạm Phú Quốc, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Đặc điểm: Tiền thân của chùa Viên Giác là một ngôi chùa mang tên Cẩm Lý nằm ở Xuyên Trung. Do nằm sát bờ sông, bị xói lở nên dân làng dời về vị trí hiện nay và đổi tên là Viên Giác Tự (1814).

Cổng tam quan của chùa Viên Giác có hai cánh cửa sắt, chung quanh được xây tường xi măng. Trước chùa là hai hàng dừa xanh tươi. Chùa còn có hai cây đa cổ thụ phủ bóng mát quanh năm.


14. Nhà thờ Trà Kiệu

Nhà thờ Trà Kiệu

Địa chỉ: xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Vị trí: Nhà thờ nằm trong khu vực thành cổ Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Ðặc điểm: Nhà thờ được xây vào năm 1722; đến năm 1865 nhà thờ được di chuyển đến địa điểm hiện nay.

Thánh đường hiện tại do linh mục Phê rô Lê Như Hảo xây vào năm 1971 với kiến trúc nhà thờ phương Tây thời kỳ ánh sáng kết hợp những nét hoa văn mang đậm tính dân tộc. Trước cổng vào thánh đường là 2 con rồng dài 20m uốn lượn theo đường lên hành lang tầng trên vào chính điện nhà thờ. Bên cạnh nhà thờ còn có tu viện Mến Thánh giá (xây dựng năm 1867), nhà truyền thống và nhà thờ Đức Mẹ (xây năm 1898) trên đồi cao 60m.


15. Cầu Nhật Bản (Chùa Cầu)

Cầu Nhật Bản (Chùa Cầu)

Địa chỉ: đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Vị trí: Cầu bắc ngang con lạch chảy ra sông Thu Bồn giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ðặc điểm: Đây là cầu cổ duy nhất còn lại ở Hội An - cầu “Lai Viễn”. Cầu được người Hội An quen gọi là chùa Cầu, một di tích quen thuộc đã trở thành biểu tượng của đô thị Hội An.

Chùa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 do các thương nhân Nhật Bản thực hiện.

Chùa Cầu là một di tích có kiến trúc khá đặc biệt. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu dài 12m. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ. Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái thờ tự từ cổ xưa. Phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm cầu mong mọi điều tốt đẹp. Chùa được trùng tu vào các năm 1763, 1817, 1865, 1915, 1986


16. Chùa Chúc Thánh

Chùa Chúc Thánh

Địa chỉ: phường Thổ Cẩm - Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam

Vị trí: Chùa Chúc Thánh nằm tại phường Thổ Cẩm - Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và cách trung tâm phố cổ Hội An chừng 2km (theo đường Huỳnh Thúc Kháng).

Ðặc điểm: Chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ 17(1671), do Minh Hải Thiền Sư sáng lập. Chùa Chúc Thánh nổi tiếng bởi là nơi khai sinh ra chi phái Thiền Chúc Thánh của Thiền Lâm Tế.

Chùa được xây theo mô hình chữ tam, có phong cách kiến trúc tổng hợp của truyền thống Trung Quốc và Việt Nam với nhiều tượng lớn, trạm trổ cầu kỳ. Ở chính điện thờ Tam Thế Phật, Di Lặc, 18 vị La Hán, trước sân có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngoài ra trong chùa còn có nhiều ngôi tháp của Tổ sư Minh Hải, thiền sư Thiết Thọ (đời 35), Ấn Bích (đời 39), Thiện Quả,...Từ đó đến nay chùa đã được trùng tu 2 lần vào năm 1956 và năm 1964.


17. Hội quán Phước Kiến

Hội quán Phước Kiến

Địa chỉ: Số 46 đường Trần Phú, Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Vị trí: Số 46 đường Trần Phú, Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ðặc điểm: Hội quán Phước Kiến do nhóm người Phước Kiến (Trung Quốc) đến Hội An sinh sống tạo dựng vào năm 1759. Hội quán này là nơi thờ thần, Tiền hiền và hội họp đồng hương của những người Phước Kiến.

Đến tham quan di tích này, du khách hẳn sẽ ngạc nhiên về bàn tay khéo léo của người xưa đã tạo nên một công trình nguy nga tráng lệ, vừa tinh xảo, vừa sâu lắng. Hội quán có kiến trúc kiểu chữ "Tam" kéo dài từ đường Trần Phú tới đường Phan Chu Trinh (sâu 120m) theo các trật tự: cổng - sân - hồ nước - cây cảnh - hai dãy nhà đông và tây - chính diện - sân sau - và hậu diện. Chính điện thờ Thiên hậu Thánh Mẫu (nữ thần cứu người đi biển gặp nạn), Quan Thế Âm Bồ Tát, Thần Tài, ba Bà Chúa sanh thai và 12 bà mụ. Trong chùa còn có nhiều tượng thờ, trống đồng, chuông đồng, lư hương lớn, 14 bức hoành phi và nhiều hiện vật có giá trị khác.

Hội quán Phước Kiến là một di tích tôn giáo tín ngưỡng, là điểm tham quan thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước.


18. Kinh đô cổ của vương quốc Chămpa - Trà

Kinh đô cổ của vương quốc Chămpa - Trà

Địa chỉ: Làng cổ Đồng Dương xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam

Vị trí: Nằm trên bờ sông Thu Bồn, cách thánh địa Mỹ Sơn không xa.

Ðặc điểm: Trong văn bia Chăm đã lưu danh Kinh thành này dưới cái tên Simhapura - tức Kinh thành Sư tử.

Simhapura ra đời dưới triều vua Bhađvarman trị vì Chămpa vào khoảng cuối thế kỷ thứ 4. Tiếc rằng đến nay chúng ta mới trùng tu phần nào về Mỹ Sơn, còn Trà Kiệu hình bóng về kinh đô cổ xưa về vương quốc Chămpa (hay còn gọi là Lâm ấp) nằm trên bờ sông Thu Bồn chỉ còn những chân móng tường thành sụp đổ bị chôn vùi trong đất đá hoặc cô đọng lại trong vài trang sử nhỏ.

Theo một bộ sử cũ có tên là Thủy Kinh Chú của Lý Đạo Nguyên người Bắc Ngụy viết vào thế kỷ thứ 7, kinh thành Sư tử được mô tả khá hấp dẫn: "Thành ấy ở phía tây khúc sông là kinh đô Lâm ấp, lập ở Điển Xung, cách bờ biển 40 dặm. Về phía tây nam giáp núi, phía đông bắc trông ra sông. Nhiều lớp hào bao quanh chân thành, và bên ngoài các hào về phía đông nam sông chảy men bờ thành. Bề đông tây của thành thì dài, bề nam bắc thì hẹp. Phía bắc, sông uốn khúc chảy từ đông tây vào thành. Chu vi 8 lý 120 bộ. Thành xây gạch cao 2 trượng, trên thành có tư­ờng gạch cao 1 trượng, trổ lổ vuông, trên dựng ván, trên ván có gác cất lên, trên gác có mái, trên mái có lầu, lầu cao thì sáu, bảy trượng; lầu thấp thì bốn, năm trượng... Cách kiến trúc mạnh nhưng vụng... Trong thành lại có thành nhỏ chu vi 230 bộ. Nhà họp và điện ngồi đều không trổ cửa về phương nam...".


19. Làng trống Lâm Yên

Làng trống Lâm Yên

Địa chỉ: xã Ðại Minh, huyện Ðại Lộc, tỉnh Quảng Nam

Vị trí: Lâm Yên là vùng tứ châu của bốn địa giới gộp lại: Lâm Tây, Lâm An, Lâm Ðại, Lâm Trung nay là ấp Nam xã Ðại Minh, huyện Ðại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Đặc điểm: Nghề làm trống ở Lâm Yên là nghề phụ nhưng những sản phẩm của họ làm ra rất được khách ưa chuộng. Hằng năm từ 1500 đến 2000 sản phẩm các loại được bán ra thị trường có khi sản phẩm của họ vào tận các tỉnh Tây Nguyên và cả miền Ðông Nam Bộ.

Nghề làm trống ở Lâm Yên có từ bao giờ. Từ bao đời nay khi đến những mùa lễ hội:" Cử chinh cổ" người dân Ðại Lộc nói riêng và vùng lân cận Ðiện Bàn, Duy Xuyên...thường nhắc đến câu ca:" Trống Lâm Yên- Chiêng Phước Kiều"

Hiện tại ấp Nam (Lâm Yên) có một gia tộc họ Phan đã có trên 7 đời làm trống. Vào thời điểm của những năm đầu Trịnh- Nguyễn phân tranh ông Phan Công Thiên từ Hải Dương theo đoàn ngoài cư dân vào khai phá miệt vườn ở Quảng Nam. Ông dừng chân ở Lâm Yên (Ðại Minh- Ðại Lộc ngày nay) và sau đó duy trì được nghề truyền thống của tổ tiên dòng họ Phan và làng trống Lâm Yên tồn tại cho đến hôm nay.


20. Làng lụa Duy Trinh

Làng lụa Duy Trinh

Địa chỉ: Làng Đông Yên-Thi Lai, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Vị trí: Làng Đông Yên-Thi Lai, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Đặc điểm: Duy Trinh là ngôi làng nổi tiếng về nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa.

Lụa ở đây nổi tiếng khó có nơi nào sánh kịp. Trong lịch sử, ở thời điểm hưng thịnh của ngành trồng dâu, nuôi tằm tại địa phương, diện tích dâu lên đến 160ha và gần 200 hộ tham gia nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, dệt vải.

Đến thăm làng nghề du khách sẽ được tận mắt chứng kiến các công đoạn và thao tác để tạo ra những sản phẩm nổi tiếng.


21. Làng chiếu Bàn Thạch

Làng chiếu Bàn Thạch

Địa chỉ: xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Vị trí: Thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Đặc điểm: Từ thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên đi về hướng đông khoảng 5km, du khách sẽ bắt gặp những bãi đay xanh tốt nằm dọc hai bờ hữu ngạn con sông Thu Bồn. Đây là nguồn nguyên liệu chính của làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch.

Sợi đay đơn sơ nhưng qua bàn tay khéo léo, tài hoa của những người phụ nữ Bàn Thạch đã trở thành những chiếc chiếu trắng, chiếu hoa, chiếu trổ, chiếu bông, chiếu nổi... rực rỡ, mịn màng và bền chắc.

Do địa thế nằm trong vùng sông nước Trà Nhiêu có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng với những nhánh sông rộng, uốn lượn dưới những bãi dừa rợp bóng mát, làng dệt chiếu Bàn Thạch đang trở thành một điểm đến của du khách trong chương trình khám phá các làng nghề truyền thống của tỉnhQuảng Nam.


22. Làng mộc Kim Bồng

Làng mộc Kim Bồng

Địa chỉ: phường Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Vị trí: Thuộc phường Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ðặc điểm: Làng Kim Bồng đã nổi tiếng từ rất lâu với nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ.

Nghề mộc của làng có nguồn gốc từ miền Bắc. Qua quá trình giao lưu, các nghệ nhân mộc Kim Bồng đã tiếp thu một số nét tinh hoa của các truyền thống điêu khắc chạm trổ Chiêm Thành, Trung Hoa, Nhật Bản... kết hợp với tài nghệ điêu luyện của riêng mình để làm nên những tác phẩm mang đầy tính mỹ thuật và triết học. Các sản phẩm của làng mộc Kim Bồng đã có mặt ở nhiều địa phương trong nước.


23. Nhà cổ Tấn Ký

Nhà cổ Tấn Ký

Địa chỉ: 101 Nguyễn Thái Học, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Vị trí: Tại 101 Nguyễn Thái Học, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ðặc điểm: Nhà cổ Tấn Ký không phải là một ngôi nhà cổ xưa nhất ở Hội An mà là ngôi nhà cổ có kiến trúc đặc trưng của loại nhà phố ở Hội An, được xây dựng cách đây gần 200 năm.

Đến nay chủ nhà vẫn giữ cách bày trí nội thất và sử dụng các vật dụng cổ kính có từ thời xưa. Nhiều vật chứng của thời kỳ thương mại phồn thịnh ngày xưa và sự giao lưu văn hoá giữa các dân tộc Hoa - Nhật - Việt rất phổ biến trong giai đoạn sau thế kỷ 17 hiện vẫn được giữ gìn. Đây cũng là ngôi nhà cổ đầu tiên được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp bằng công nhận "Công trình Văn hoá" cùng hai di tích khác tại Hội An từ năm 1985.


24. Đèn lồng Hội An

Đèn lồng Hội An

Địa chỉ: Thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Vị trí: Thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Đặc điểm: Đèn lồng truyền thống là một trong những sản phẩm độc đáo của Hội An - di sản văn hóa thế giới.

Đến Hội An, ngoài việc tìm hiểu và chiêm ngưỡng phố cổ, thưởng thức cao lầu đặc sản hay tìm chút thư giãn với dòng nhạc cổ điển ... khi màn đêm buông xuống, du khách còn được tận hưởng những sắc màu lung linh huyền ảo, trữ tình của những chiếc đèn lồng giăng kín các ngả đường vào phố cổ.

Người Hội An rất tự hào về những chiếc đèn lồng do chính tay mình làm nên. Để làm lồng đèn, tre phải là tre già ngâm với nước muối 10 ngày để chống mối, mọt sau đó phơi khô, vót mỏng tùy theo kích cỡ của loại đèn. Vải bọc phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, có độ dai để khi căng không bị rách và người thợ căng vải cần có kỹ thuật để thẳng góc ở những đoạn cong.

Đèn lồng Hội An khá đẹp, nhẹ và quan trọng là có thể thu gọn lại bằng cách xếp khung theo nếp để mang đi. Vì vậy không ít du khách mua vài chiếc đèn lồng như là sự lưu giữ kỷ niệm về một phố cổ nên thơ, đồng thời làm quà tặng thật ý nghĩa cho người thân. Đèn lồng Hội An đã trở thành nét văn hóa riêng của phố cổ.



Điểm tham quan du lịch khác tại Quảng Nam



Cẩm Nang Du Lịch Quảng Nam