Điểm tham quan tại Hải Phòng

I. Du lịch văn hóa - Di tích lịch sử Hải Phòng



1. Đền Nghè

Đền Nghè

Địa chỉ: , Phường An Biên, Quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng

Vị trí: thuộc phường An Biên, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, cách Nhà hát Thành phố Hải Phòng khoảng 600m.

Đặc điểm: là điểm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu của thành phố Hải Phòng, nổi bật với nghệ thuật chạm khắc trên gỗ, đá.

Đền Nghè thờ nữ tướng Lê Chân – vị tướng tài ba trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thế kỷ 1 (40 - 43) – người đã đến vùng đất ngã ba sông Tam Bạc – sông Cấm lập ấp Vẻn, sau đổi là An Biên Trang, tiền thân của Tp. Hải Phòng ngày nay. Tương truyền, khi nữ tướng Lê Chân gieo mình xuống sông tự vẫn thì hoá đá trôi trên mặt sông. Từ đoạn sông vùng Đông Triều (Quảng Ninh) - quê cũ của Bà - đến bến Đá (nay là bến Bính) thì bập bồng xoay tròn trên mặt nước. Nhân dân làng An Biên biết Bà đã hiển thánh, liền khiêng đá thiêng về thờ, đến khu vực đền Nghè hiện nay thì trời bỗng nổi cơn giông gió làm đá rơi. Dân làng bèn chọn khu đá rơi ấy để dựng đền thờ Bà và hàng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ ngày sinh (8/2 âm lịch) và ngày hóa (25/12 âm lịch) của Bà.

Hậu cung của đền gồm 3 gian được thiết kế theo kiểu 2 tầng mái, bên trong thờ tượng nữ tướng Lê Chân ngồi trên ngai, đặt trong một khám lớn sơn son, thếp vàng với dáng vẻ uy nghi, đôn hậu, xinh đẹp; hai bên thờ song thân Bà. Tòa bái đường 5 gian được nâng đỡ bởi 16 cột gỗ lim, kê trên 16 viên đá tảng đục đẽo công phu, tỉ mỉ; chính giữa đắp nổi hàng chữ Hán lớn “An Biên cổ miếu”. Giữa hậu cung và bái đường là nhà thiêu hương 2 tầng với mái tâm đầu đao.

Cách đền Nghè khoảng hơn 100m về phía tây bắc là tượng đài nữ tướng Lê Chân được đúc bằng đồng, cao 7,5m, nặng 19 tấn, đặt tại vườn hoa trung tâm thành phố. Tượng được khởi công xây dựng vào tháng 11/1999 và khánh thành vào ngày 31/12/2000.

Năm 1975, đền Nghè đã được Nhà nước xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.


2. Pháo đài Thần công

Pháo đài Thần công

Địa chỉ: , Thị trấn Cát Bà, Huyện Cát Hải, Thành phố Hải Phòng

Vị trí: thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng

Đặc điểm: Nơi có thể ngắm nhìn đảo Cát Bà từ trên cao

Pháo đài Thần công là di tích lịch sử nằm trên đỉnh ngọn đồi có độ cao 177m so với mực nước biển. Được xây dựng từ năm 1942 bởi người Pháp, Pháo đài có chức năng quan sát nhằm bảo vệ vùng biển tiền tiêu của Việt Nam. Theo tài liệu còn ghi chép lại, thời đó, Pháp đưa 3 khẩu pháo thần công 1, 2, 3 sang Hải Phòng, rồi từng bộ phận của pháo được kéo lên núi bằng sức người, sau đó mới lắp ráp lại hoàn chỉnh. Trước khi rút về nước sau thất bại năm 1945, thực dân Pháp đã phá hủy kim khai hỏa của tất cả các khẩu pháo này để bộ đội ta không thể sử dụng được chúng nữa. Tuy nhiên, bộ đội ta đã chế tạo lại thành công kim khai hỏa và đã bắn cháy được một tàu chiến của địch trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954).

Nhờ vào vị trí đắc địa, trường quan sát nhô ra 3 phía hướng biển, điểm cao thu trọn một dải biển Đông trong tầm mắt, sau lưng là những dãy núi trùng điệp làm điểm tựa, Pháo đài Thần công trở thành nhân chứng lịch sử đồng hành cùng quân và dân Cát Bà trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.

Công trình quân sự này hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, trong đó nổi bật là hai khẩu pháo thần công đối hải cỡ lớn. Xuyên qua pháo đài là những đoạn đường hầm được xây bằng những khối bê tông rắn chắc với mái vòm đi sâu vào lòng núi. Ẩn dưới những tán cây, luồn lách theo sườn núi là các lô cốt nằm, hầm công sự trực chiến dẫn vào trung tâm chỉ huy. Bên cạnh đó là rất nhiều hiện vật được trưng bày tại phòng truyền thống của pháo đài như máy đo tầm, bao chứa đạn, la bàn...

Từ Pháo đài Thần công, du khách có cơ hội ngắm vẻ đẹp của quần đảo Cát Bà từ nhiều góc độ, thưởng ngoạn vẻ hoang sơ tuyệt đẹp của những hòn đảo, bãi tắm thơ mộng. Nằm ngay dưới chân núi là hai bãi biển đẹp nhất Cát Bà: Cát Cò 1 và Cát Cò 2. Xa xa ẩn hiện là hòn Guốc, đảo mắt rồng Long Châu, Hòn Hài, Hòn Bắn, núi Voi Phục, Cát Ông, Áng Thảm, đảo Khỉ… Ở độ cao này, vịnh Cát Bà còn hiện lên sống động và sầm uất với hàng trăm con tàu đánh cá neo đậu và nhà nổi trên biển.


3. Biệt thự Bảo Đại

Biệt thự Bảo Đại

Địa chỉ: , Phường Vạn Hương, Quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng

Vị trí: phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng

Đặc điểm: là một công trình kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử đặc sắc

Biệt thự Bảo Đại được Toàn quyền Đông Dương Pafquiere cho xây dựng từ năm 1928 với hình bát giác theo kiến trúc Pháp. Năm 1932, sau khi du học Pháp trở về, Vua Bảo Đại đã được mời đến thăm nơi này. Do thích lối kiến trúc độc đáo và vẻ đẹp cảnh quan ở đây nên được Toàn quyền Đông Dương Pafquiere nhượng lại. Từ đó, tòa nhà này có tên là Biệt thự Bảo Đại. Vua Bảo Đại đã sử dụng nơi này từ năm 1933 đến năm 1954 để làm việc và nghỉ ngơi cùng gia đình mỗi khi ra Bắc. Từ tháng 5/1955, Biệt thự Bảo Đại thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng Việt Nam. Năm 1984, Bộ Quốc phòng giao lại ngôi biệt thự này cho Công ty du lịch Hải Phòng (nay là Công ty cổ phần Du lịch Đồ Sơn) quản lý, tu sửa lại theo mô hình kiến trúc năm 1928 và bắt đầu mở đón du khách tới tham quan từ năm 1997.

Biệt thự Bảo Đại có khuôn viên rộng 3.700m2, trong đó, diện tích sử dụng khoảng 1.000m2, xung quanh là hoa viên và rất nhiều cây xanh. Ở độ cao gần 40m so với mực nước biển, công trình có tầm nhìn hướng ra biển và toàn bộ bán đảo Đồ Sơn. Biệt thự có 1 tầng hầm và 2 tầng nổi. Tầng hầm có các không gian bếp nấu, kho, phòng kỹ thuật, phòng gia nhân. Tầng 1 có phòng khách, phòng làm việc, phòng ăn, phòng ngủ của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Tầng 2 là phòng ngủ của các công chúa, hoàng tử và 1 phòng của quan Ngự tiệc văn phòng Nguyễn Đệ - người thân cận của Vua Bảo Đại trong suốt thời kỳ đương nhiệm. Tại các phòng ngủ, hiện vật vẫn được giữ nguyên vị trí.


4. Chợ Sắt

Chợ Sắt

Địa chỉ: , Quận Dương Kinh, Thành phố Hải Phòng

Vị trí: Chợ Sắt nằm bên bờ của ngã ba sông Cấm và sông Tam Bạc, thành phố Hải Phòng.

Ðặc điểm: Khi thành phố được thành lập (1888), chợ được xây dựng với những gian nhà lớn, vật liệu chủ yếu là sắt thép, nền xi măng, có tháp nước, vì thế được gọi là "chợ Sắt". Chợ Sắt là chợ lớn nhất thành phố Hải Phòng. Trước kia, nơi đây là chợ phiên An Biên tấp nập người đến mua, kẻ bán.

Tháng 5/1992 chợ Sắt được xây dựng thành một trung tâm thương mại, dịch vụ sáu tầng. Diện tích mặt bằng 13.210m2; diện tích sử dụng 39.824m2. Tầng 1, 2, 3 là nơi buôn bán với hơn 2.000 gian hàng. Tầng 4, 5 và 6 là khách sạn, nhà hàng, vũ trường và các văn phòng đại diện khác.

Chợ Sắt hàng ngày không chỉ tiếp đón khách hàng đến mua và bán mà đây cũng là địa chỉ hấp dẫn du khách mỗi khi có dịp đến Hải Phòng.


5. Đình Hàng Kênh

Đình Hàng Kênh

Địa chỉ: Số 55 phố Nguyễn Công Trứ, Phường Hàng Kênh, Quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng

Vị trí: tọa lạc tại số 55 phố Nguyễn Công Trứ, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

Đặc điểm: là một trong những ngôi đình cổ của Hải Phòng.

Đình Hàng Kênh tên chữ là Nhân Thọ đình. Theo các nguồn tài liệu nghiên cứu, đình Hàng Kênh được khởi dựng vào đầu thế kỷ 18, đời vua Lê Dụ Tông. Trải qua hàng trăm năm biến động, đình được tu bổ, dựng lại vào năm Tân Hợi đời Tự Đức (1851).

Đình có kiến trúc hình chữ công bao gồm: Đại đình, tòa ống muống và hậu cung. Ngoài kiến trúc chính còn có hai tòa giải vũ, hồ bán nguyệt.

Tòa đại đình là phần kiến trúc trọng yếu nhất của ngôi đình. Khung tòa nhà làm theo kiểu vi biến thể “Giá chiêng chồng rường con nhị” với 6 hàng cột. Toàn bộ khung chịu lực có 7 bộ vi với 42 cây cột cao hơn 5m, chu vi cột cái gần 2m, được kê trên những chân tảng đá xanh chạm nổi một bông sen xòe cánh, tạo cảm giác như kiến trúc được nở ra trong một đầm sen. Mái đình lợp ngói mũi hài, với 4 đầu đao cong vút như nâng bổng các tàu mái nặng nề bay lên.

Với những giá trị đặc sắc, hiếm có, đình Hàng Kênh được nhà nước xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1962.


6. Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Địa chỉ: Làng Trung Am, Xã Lý Học, Huyện Vĩnh Bảo, Thành phố Hải Phòng

Vị trí: làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Tp. Hải Phòng

Đặc điểm: là nơi thờ và trưng bày hiện vật về thân thế, sự nghiệp của danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) có tên chữ là Hanh Phủ, tên hiệu là Bạch Vân cư sĩ, sinh ra trong một gia đình vọng tộc tại thôn Cổ Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Vĩnh Bảo, Tp. Hải Phòng). Năm 1535, ông thi đỗ Trạng nguyên và ra làm quan cho nhà Mạc, giữ chức Tả thị lang. Năm 1543, trước cảnh quan lại lộng quyền, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dâng trảm sớ đối với 18 đình thần biến chất, mưu phản song không được nhà vua chấp thuận. Ông bèn cáo quan về ở ẩn nơi quê nhà, lập am Bạch Vân, mở trường dạy học, làm thơ, nghiên cứu kinh sử. Học trò của ông nhiều người trở thành danh tướng, Trạng nguyên như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền... Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là nhà triết học lớn của Việt Nam. Ông cũng tinh thông về thuật số, được dân gian truyền tụng và suy tôn là “nhà tiên tri” số một của Việt Nam với hàng loạt những lời tiên tri cho hậu thế mà người đời gọi là “Sấm Trạng Trình”.

Để tưởng nhớ và khắc ghi những đóng góp của Nguyễn Bỉnh Khiêm, con cháu và dân làng đã xây dựng một khu di tích gồm nhiều hạng mục công trình để thờ cúng và trưng bày hiện vật về thân thế, sự nghiệp của ông.

Ngày nay, khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được xây dựng khá khang trang, là nơi tổ chức các lễ hội lớn kỷ niệm ngày sinh (10/4 âm lịch) và ngày mất (28/11 âm lịch) của danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến dâng hương tưởng niệm.


7. Đền Bà Đế

Đền Bà Đế

Địa chỉ: , phường Ngọc Hải, Quận Đồ Sơn, Tp. Hải Phòng.

Vị trí: Đền Bà Đế nằm ở chân núi Độc, thuộc phường Ngọc Hải, Quận Đồ Sơn, Tp. Hải Phòng.

Đặc điểm: Đền Bà Đế là một trong những đền nổi tiếng về danh thắng và linh thiêng.

Ðền thờ bà Đế - vợ chúa Trịnh Giang. Ðền bà được vua Tự Ðức về thăm và ban sắc phong “Ðông Nhạc Ðế Bà - Trịnh chúa phu nhân”. Ðền có cấu trúc giản dị nhưng thanh thoát và trang nhã, nép mình vào lưng núi, trước mặt là biển khơi bao la, tạo nên một kỳ quan thiên nhiên độc đáo không thua gì “Nam thiên đệ nhất động - Chùa Hương”.

Vào năm 1736, chúa Trịnh Giang về kinh lý Ðồ Sơn. Chúa cùng đoàn người dạo thắng cảnh bằng thuyền rồng trên núi Ðộc. Xúc động trước tiếng hát mượt mà, chúa truyền cho quân lính đi tìm người hát. Khi gặp được bà với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, chúa yêu mến và quyến luyến không rời. Khi về kinh đô, chúa có hẹn ngày về đón bà. Bà mang thai, trong lòng rất lo sợ, ngày đêm trông ngóng thuyền hoa của chúa. Hàng Tổng biết chuyện đòi phạt tiền. Nhà nghèo không có tiền nộp phạt, hàng tổng đem bà ra khu núi Ðộc rồi dìm bà xuống biển.

Trước khi chết, bà ngửa mặt lên trời khóc than rằng: "Phận gái thân cô, gặp chúa yêu thương tôi đâu dám chống, nhìn mẹ cha, hàng xóm tôi đâu dám quên. Xin trời phật chứng giám cho lòng con. Khi con bị dìm xuống nước, nếu có oan ức, trời phật cho con nổi lên ba lần".

Quả nhiên bà nổi lên ba lần, mọi người ai nấy đều kinh sợ. Sau một tháng, thuyền hoa của chúa về rước bà về kinh. Biết chuyện oan khuất, chúa Trịnh Giang cho xây đền, lập đàn giải oan cho bà. Ðền bà được vua Tự Ðức về thăm ban sắc phong: Ðông Nhạc Ðế Bà - Trịnh chúa phu nhân.


8. Chùa Dư Hàng

Chùa Dư Hàng

Địa chỉ: , 121 phố Dư Hàng, phường Hồ Nam, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

Vị trí: tọa lạc ở số 121 phố Dư Hàng, phường Hồ Nam, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

Đặc điểm: là ngôi danh lam cổ tự bậc nhất Hải Phòng.

Chùa Dư Hàng (tên chữ là Phúc Lâm tự) được xây dựng từ thời Tiền Lê (980-1009) theo kiến trúc cổ với tam quan, Phật điện, nhà Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà phương trượng, tăng xá. Cuối thời Vua Lê Đại Hành đã có vị sư tổ đến đây thuyết pháp, khai sáng giáo lý nhà Phật. Đến thời Trần (1225-1400), các vị sư tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Trần Nhân Tông sáng lập cũng đã có mối quan hệ với chùa. Vào các đời Vua Lê Gia Tông (năm 1672) và Vua Thành Thái nhà Nguyễn (năm 1899), chùa được trùng tu lại, bổ sung thêm gác chuông. Năm 1917, chùa được xây thêm thư các, vườn tượng, sửa sang vườn tháp và kiến trúc chùa được duy trì cho tới ngày nay.

Chùa Dư Hàng không chỉ là trung tâm Phật giáo lớn ở Hải Phòng trong nhiều thế kỷ mà còn là nơi hoạt động cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945. Năm 1926, đông đảo tăng ni, phật tử và học sinh, người lao động đã tập trung tại chùa để làm lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), chùa còn là nơi diễn ra lễ ra mắt của Hội Tăng gia cứu quốc Hải Phòng, tổ chức “Tuần lễ vàng”…

Năm 1986, chùa Dư Hàng đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.


9. Nhà hát lớn (Tp. Hải Phòng)

Nhà hát lớn (Tp. Hải Phòng)

Địa chỉ: , phố Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng.

Vị trí: Nằm trên phố Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng.

Đặc điểm: là nơi tổ chức những hoạt động văn hóa, chính trị lớn của thành phố Hải Phòng.

Nhà hát thành phố Hải Phòng còn có tên gọi là Nhà hát Lớn Hải Phòng, được người Pháp xây dựng vào năm 1904 trên nền một khu chợ cũ của làng cổ An Biên và được hoàn thành vào năm 1912. Nơi đây được coi là khu vực trung tâm của thành phố Hải Phòng, nơi tiếp điểm của khu người Âu, người Hoa và người Việt theo quy hoạch của chính phủ Pháp lúc bấy giờ.

Cùng với Nhà hát Lớn Hà Nội và Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Lớn Hải Phòng là một trong số ít những nhà hát được Pháp xây dựng tại Việt Nam trong giai đoạn đương trị. Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đến nay, Nhà hát thành phố cơ bản vẫn giữ được thiết kế ban đầu, là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng, thu hút nhiều khách tham quan mỗi khi có dịp đến với thành phố Hải Phòng.


10. Quán Hoa

Quán Hoa

Địa chỉ: , Đường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng.

Vị trí: Đường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng.

Đặc điểm: Là nơi bán rất nhiều loại hoa phong phú, đa dạng.

Quán hoa được xây dựng vào năm 1944 do đốc lý người Pháp Luyxiani chủ trì và chánh lộ Gôchiê thiết kế mỹ thuật. Mặc dù vậy, quán hoa vẫn mang phong cách kiến trúc nghệ thuật phương Đông truyền thống.

Quán hoa bao gồm 5 quán, mỗi quán cách nhau 6m, có diện tích rộng khoảng 20m², cao gần 4m. Nhìn từ xa, Quán hoa như những Thủy đình, Quán thơ hay Lầu vọng nguyệt… tạo nên một không gian văn hóa Đông - Tây hài hòa đậm chất thi ca. Quán được thiết kế bởi 4 cột gỗ lim tạo nên thế cân đối; hệ thống kèo theo kiểu chồng rường; 4 mái lợp ngói vẩy rồng với bờ nóc có hình hoa chanh 4 cánh toả ra 4 phía; bờ dải chạy từ nóc xuống tạo thành một góc nhọn vươn lên cao, cong vút.

Ngay từ những ngày đầu xây dựng, Quán hoa đã được sử dụng với mục đích bán hoa để phục vụ những ngày hội, ngày lễ hay những buổi biểu diễn tại Nhà hát lớn (nay là Nhà hát thành phố). Hoa được lấy từ Lũng - một làng hoa nổi tiếng ở ngoại thành Hải Phòng, Đà Lạt hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Hà Lan... Quán hoa không chỉ đơn thuần là nơi bán hoa mà còn ẩn chứa nét đẹp văn hoá, con người Hải Phòng.

Quán hoa là điểm nhấn đặc sắc trong quần thể kiến trúc trung tâm thành phố Hải Phòng và cũng là điểm đến hấp dẫn đối với những ai yêu hoa, muốn thưởng lãm cái đẹp.



Điểm tham quan du lịch khác tại Hải Phòng



Cẩm Nang Du Lịch Hải Phòng