Long An



Điểm tham quan tại Long An


1. Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen

Địa chỉ: , Huyện Tân Hưng, Long An

Vị trí: nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, thuộc địa bàn 2 xã Vĩnh Lợi và Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.

Đặc điểm: là vùng sinh thái đa dạng, tiêu biểu cho vùng đầm lầy ngập nước với quần thể động thực vật hoang dã, có nhiều loài trong Sách đỏ Việt Nam.

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được thành lập vào tháng 1 năm 2004, có diện tích tự nhiên 5.030ha, lấy địa điểm Cái He làm trung tâm của vùng lõi. Khu bảo tồn có một giới hạn tự nhiên khá đặc biệt là cù lao rộng 1.500ha được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ Tây với nhiều sinh cảnh thích hợp cho động thực vật ưa nước và nơi dễ khôi phục các hệ sinh thái đồng cỏ, bãi ăn của nhiều loài chim nước. Sự duy trì thảm thực vật ven sông, đồng cỏ tự nhiên ngập nước theo mùa, đầm lầy và gia tăng diện tích tràm trồng đã làm phong phú quần thể động thực vật cư trú nơi đây. Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, hiện Láng Sen có 156 loài thực vật hoang dã, trong đó có 152 loài xác định được tên khoa học thuộc 60 họ, bao gồm: khuyết thực vật 7 loài, song tử diệp 88 loài và đơn tử diệp 57 loài. Căn cứ vào dạng sinh trưởng, 152 loài thực vật hoang dã ở Láng Sen bao gồm 26 loài cây thân gỗ, 15 loài cây thân bụi, 101 cây thân thảo, 8 loài dây leo, 2 loài ký sinh.

Về động vật, Láng Sen có 112 loài chim; 149 loài động vật có xương sống thuộc 46 họ, trong đó có 13 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam như: trăn đất, rắn ráo, chim bạc má, ác là… Láng Sen còn có cá chạch, cá thát lát, cá rô, cá lia thia, cá linh, cá mè, chốt, lìm kìm trê, lươn, ếch, rắn, rùa, tôm...

Láng Sen nằm giữa vùng Đồng Tháp Mười nên du khách đến đây sẽ cảm nhận được không khí trong trẻo, yên bình của vùng sông nước. Những ồn ào, bụi bặm nơi phố thị nhanh chóng tan biến dưới cái nắng nhè nhẹ và gió mát lành thổi từ những cánh rừng tràm bao bọc xung quanh khu bảo tồn. Ngồi trên chiếc xuồng máy, hàng tràm thẳng tắp chạy dọc hai bờ kênh sẽ dẫn du khách vào bên trong khu đất ngập nước Láng Sen. Điểm dừng chân đầu tiên là cánh đồng sen rộng 50ha, thi thoảng, du khách sẽ bắt gặp những đàn cò trắng thay phiên nhau đáp xuống đồng sen kiếm mồi. Tiếp tục theo những con kênh dọc ngang đến cánh đồng lúa, du khách sẽ không khỏi kinh ngạc khi bắt gặp những đàn chim từ đâu túa ra, lấp loáng trên mặt nước.

Đến khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, du khách còn có dịp thưởng thức ẩm thực đồng quê đặc trưng của vùng sông nước như: ốc luộc, cá trê chiên, cá lóc đồng nướng trui ăn với lá sen non, canh chua cá linh nấu với bông điên điển…

Láng Sen là một vùng đất ngập nước với hệ thống sông rạch tự nhiên và sự đa dạng về địa mạo so với các vùng ngập nước khác của Đồng Tháp Mười. Đây là một trong những yếu tố tự nhiên góp phần cho sự đa dạng về nơi sống, về loài và cảnh quan tự nhiên. Nếu được quản lý và bảo vệ tốt thì Láng Sen sẽ góp phần đáng kể vào việc bảo tồn sự đa dạng sinh học của vùng hạ lưu sông Mê Kông, bảo vệ nguồn gen của các động thực vật quý hiếm, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, hoạt động du lịch sinh thái…


2. Cụm di tích Bình Tả

Cụm di tích Bình Tả

Địa chỉ: , Xã Đức Hòa Hạ, Huyện Đức Hòa, Long An

Vị trí: Cụm di tích Bình Tả nằm tại ấp Bình Tả, xã Ðức Hoà Hạ, huyện Ðức Hoà, tỉnh Long An.

Đặc điểm: Nằm trong một quần thể di tích từ thời tiền sử tới sơ sử được phân bố theo các trục lộ cổ và sông Vàm Cỏ Ðông, cụm di tích này thuộc nền văn hoá Óc Eo - Phù Nam có niên đại từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên.

Có ba di tích trong cụm đã được khai quật: di tích Gò Năm Tước, Gò Xoài và Gò Ðồn được phân bố trên một địa bàn tương đối gần nhau. Ngôi đền Gò Xoài nằm ở độ sâu 1,70 -1,90m có thể coi là địa điểm hành lễ của dân Phù Nam. Ðặc biệt trong bộ sưu tập 26 hiện vật bằng vàng phát hiện ở Gò Xoài có một bản bằng chữ Phạn cổ khắc trên một lá vàng mỏng ghi câu kinh Phật giáo. Nhiều hiện vật được khai quật tại đây có giá trị như các tượng thần Siva, thần giữ đền, tượng Vinu, các linh vật Linga, Yoni.

Nhiều mảnh gốm mịn Óc Eo, mảnh kim loại, đá quí, sa thạch và hàng loạt di chỉ khác về con người từ thời tiền sử xung quanh ngôi đền, trong khoảng bán kính 10km đã được phát hiện.

Các kiến trúc được phát hiện tại cụm di tích Bình Tả là các đền thờ thần Siva, thuộc tôn giáo Bà La Môn, xuất hiện ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên được truyền bá mạnh mẽ vào miền Nam Ðông Dương từ đầu Công nguyên. Nằm trong một tổng thể di chỉ khảo cổ ở Ðồng Tháp Mười và vùng phù sa cổ Ðức Hoà (Long An), di tích Óc Eo - Bình Tả được xây dựng nhằm mục đích tôn giáo đồng thời cũng đóng vai trò là một trung tâm chính trị, văn hoá của Nhà nước Phù Nam - Chân Lạp thời cổ đại.


3. Chùa Tôn Thạnh

Chùa Tôn Thạnh

Địa chỉ: , Xã Mỹ Lộc, Huyện Cần Giuộc, Long An

Vị trí: thuộc ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, cách trung tâm huyện Cần Giuộc khoảng 3km.

Đặc điểm: là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An.

Chùa Tôn Thạnh do thiền sư Viên Ngộ xây dựng vào năm Gia Long thứ 7 (1808) với tên chùa Lan Nhã (đến năm 1841 đổi tên thành chùa Tôn Thạnh). Thiền sư Viên Ngộ húy Tánh Thành thuộc Thiền phái Lâm Tế chi phái Liễu Quán đời thứ 39, từ nhỏ đã một lòng thành tâm hướng Phật với mong muốn cứu khổ cứu nạn chúng sinh. Năm 1846, sau khi nhịn uống nước suốt 49 ngày, ngài đã viên tịch tại chùa. Hiện nay, trong khuôn viên chùa về phía tây còn có bảo tháp thờ Viên Ngộ đại sư.

Điện Phật chùa được bài trí tôn nghiêm. Bàn thờ giữa tôn trí tượng đức Bổn sư Thích Ca, tượng Di Dà Tam Tôn (đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí), tượng Đản Sanh, tượng Di Lặc, tượng Hộ Pháp. Các bàn hai bên thờ tượng Bồ Tát Địa Tạng, Thập bát La Hán…

Ở nhà Tổ của chùa có đặt thờ bài vị các vị Tổ dòng thiền Liễu Quán: Tổ Thiệt Diệu – Liễu Quán (đời thứ 35), Tổ Tế Nhơn – Hữu Bùi (đời thứ 36), Tổ Đại Bửu – Ngọc Sâm (đời thứ 37), Tổ Đạo Tứ – Quảng Thanh (đời thứ 38) và Tổ Tánh Thành – Viên Ngộ (đời thứ 39).

Đặc biệt, chùa Tôn Thạnh chính là nơi cụ Nguyễn Đình Chiểu từng sống, viết văn, dạy học, bốc thuốc cứu người và hoạt động cách mạng (từ năm 1859 đến 1861). Cũng tại đây, ông đã viết bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc hào hùng và hoàn thành nốt những chương đoạn cuối cùng của truyện thơ nổi tiếng Lục Vân Tiên. Hiện, bên phải chùa Tôn Thạnh còn lưu giữ hai tấm bia kỷ niệm được xây dựng vào năm 1973 và 1997 để lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Ngày 27/11/1997, chùa Tôn Thạnh đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia.


4. Làng cổ Phước Lộc Thọ

Làng cổ Phước Lộc Thọ

Địa chỉ: ấp 2, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An,

Vị trí: ấp 2, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cách trung tâm thành phố Tân An hơn 30km về phía đông bắc.

Đặc điểm: nơi tập trung số lượng nhiều nhà cổ và có không gian rộng lớn nhất cả nước.

Làng cổ Phước Lộc Thọ có tổng diện tích khoảng 30.000m². Nơi đây có một dòng sông yên bình, êm ả, thơ mộng chảy qua mang tên Vàm Cỏ Đông đã đi vào thơ ca, lịch sử và cũng từng là nơi sinh sống của người Phù Nam thuộc nền văn hóa Óc Eo cổ xưa.

Làng cổ Phước Lộc Thọ mê hoặc du khách bởi nét cổ kính của các ngôi nhà xưa với nhiều kiểu kiến trúc cổ đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Hầu hết các ngôi nhà ở đây đều được chủ nhân sưu tầm từ Huế, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Quảng Nam... và các tỉnh miền Tây. Đây cũng là không gian lý tưởng để du khách thư giãn, tĩnh tâm và hòa mình vào với thiên nhiên.

Làng cổ được chia làm hai khu riêng biệt: khu tham quan và khu ăn uống, giải trí. Khu tham quan có 22 căn nhà cổ cũng được chia thành các khu vực với những nét đặc trưng riêng biệt. Khu đầu tiên là 15 ngôi nhà gỗ, trong đó có 5 ngôi nhà rường cột theo kiểu dáng miền Tây rộng 5 gian, 3 chái, toàn bộ sử dụng loại gỗ căm xe. Mỗi đòn, kèo, cột trong những ngôi nhà rường được chạm khắc công phu với những đường nét chạm trổ tinh tế. Nhà gỗ có số cột nhiều nhất trong khu này là 114 cột và ít nhất là 36 cột với lối kiến trúc xưa vừa lạ vừa đẹp mắt. Nội thất bên trong được trang trí rất đa dạng, bao gồm các hình khắc: Tứ linh, bát bửu, mai - điểu - trúc - tước, ngô đồng - phụng, liễu - mã, liên - áp, nho - sóc, lựu - thử...

Khu bên cạnh là 1 ngôi nhà được xây dựng theo kiểu miền Trung (kiểu Tửu lầu tứ giác bát dần), mang đậm dáng dấp cung đình. 6 ngôi nhà còn lại là những ngôi nhà sàn bằng gỗ, mang phong cách đặc thù của Tây Nguyên. Trong mỗi ngôi nhà đều trưng bày rất nhiều đồ vật, cổ vật quý từ vật dụng sinh hoạt hàng ngày của vua chúa, quan quân, địa chủ, người dân như: phản, xe ngựa, điện thoại, máy hát đĩa, chén, đĩa sừng bò tót, ngà voi... đến các đồ vật mang tính tâm linh của văn hóa người Việt.


5. Ngôi nhà 100 cột

Ngôi nhà 100 cột

Địa chỉ: xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Vị trí: Ngôi nhà 100 cột tọa lạc tại vùng đất ven biển thuộc địa phận xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Đặc điểm: Được xây dựng vào những năm 1901-1903 bởi một nhóm thợ miền Trung, ngôi nhà 100 cột có kiểu thức thời Nguyễn, về đại thể mang dấu ấn rõ rệt của phong cách Huế.

Với diện tích 882m², ngôi nhà 100 cột tọa lạc trên một khu vườn rộng 4.044m², chính diện quay về hướng tây bắc. Nhà hoàn toàn bằng gỗ (cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật), mái lợp ngói âm dương, nền nhà bằng đá tảng cao 0,9m, mặt nền lát gạch Tàu lục giác. Nhìn trên bình đồ, nhà 100 cột có kiểu chữ quốc, 3 gian, 2 chái.

Nhà gồm có hai phần: phần trước là phần nội tự - ngoại khách, phần sau là phần để ở và sinh hoạt. Kết cấu chính của ngôi nhà là kiểu xuyên trính (còn gọi là nhà đâm trính, nhà rường), khung sườn kiểu bát trụ, định vị theo hướng tây - đông, tiền - hậu. Các bộ phận của kết cấu chính như trính, trổng đều chạy chỉ, uốn cong kiểu nhà rường ở miền Trung. Tiếp giáp giữa bộ phận trính và trổng để đỡ đòn dông nóc nhà được cách điệu hình ''chày cối'', tượng trưng cho âm dương hòa hợp (nên còn gọi là kiểu nhà chày cối). Đây là kiểu nhà truyền thống có nhiều ưu điểm bởi bộ khung rất chắc chắn. Không gian ''rộng lòng căn'' được tạo ra ở giữa nhà do không có hàng cột giữa thích hợp để thờ tự.

Đặc biệt, kiến trúc của ngôi nhà cho thấy nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân ngày trước ở vào trình độ bậc cao. Toàn bộ hệ thống vì kèo, xuyên được chạm nổi, chạm lọng rất công phu các đề tài ''vân hóa long'', ''tứ thời'' kiểu ''dây lá hóa'' rất sắc sảo đặc trưng của Huế. Các gian nội tự và ngoại khách là nơi tập trung cao nhất giá trị thẩm mỹ của công trình mà người xưa đã gửi gấm trên từng nét chạm. Đó là một tập hợp đa dạng, phong phú các đề tài cổ điển như ''tứ linh'', ''tứ thời'','' bát quả'', các mô típ thể hiện Phúc - Lộc -Thọ bên cạnh các đề tài phương Tây như hoa hồng, sóc - nho, cùng các yếu tố Nam bộ như mãng cầu, bình bát, khế, măng cụt đã được các nghệ nhân thể hiện công phu trên các bao lam, các khung ô hộc, vách ngăn, vách lá gió, bàn thờ, ghế nghi, bàn tròn, bàn dài bằng kỹ thuật chạm lọng, chạm nổi, chạm bong kênh, chạm nổi trên nền chạm lọng hết sức điêu luyện và tài tình.

Nét đặc thù trong phong cách chạm gỗ ở đây là bên cạnh phong cách tả thực khéo léo, tỉ mỉ nặng tính sao chép, gò bó bởi những qui phạm phong kiến là phong cách cách điệu phóng khoáng với khối lượng lớn các đồ án dạng ''dây lá hóa'' đã tạo thêm sự phong phú, sinh động, gây xúc cảm cho người thưởng ngoạn. Gian ngoại khách ở ngôi nhà còn được tô điểm bởi các bức hoành phi, đối liễng, sơn son, thếp vàng, cẩn ốc xà cừ nói lên tư tưởng hướng đến cuộc sống an nhàn. Tất cả được bố cục, xử lý một cách hài hòa trong không gian kiến trúc làm toát lên nét trang nghiêm của một ngôi nhà thờ và cũng đầy tráng lệ của một công trình kiến trúc điêu khắc truyền thống.

Năm 1997, nhà 100 cột đã được Bộ Văn Hóa - Thông Tin xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc Gia (số 2890- VH/QĐ/ 27.09.1997).



Cẩm Nang Du Lịch Long An