Hà Giang



Điểm tham quan tại Hà Giang


1. Hang Phương Thiện

Hang Phương Thiện

Địa chỉ: , Huyện Vị Xuyên, Hà Giang

Vị trí: Hang Phương Thiện thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, cách thị xã Hà Giang 7km xuôi về phía nam.

Đặc điểm: Là nơi có nhiều phong cảnh đẹp, nhiều hang động tự nhiên rất hấp dẫn.

Tại đây du khách có dịp thưởng thức các loại trái cây đặc sản của vùng như mận, lê, cam, táo… Một thứ đặc sản quý khác là chè tuyết san cổ thụ, giống cây chỉ sống trên độ cao 900m.


2. Cột cờ Lũng Cú

Cột cờ Lũng Cú

Địa chỉ: , Xã Lũng Cú, Huyện Đồng Văn, Hà Giang

Vị trí: xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang Từ trung tâm TP. Hà Giang, vượt qua quãng đường khoảng 160km về phía đông bắc, du khách sẽ tới cột cờ Lũng Cú, xã Lũng Cú - nơi cực Bắc của Tổ quốc.

Đặc điểm: là địa danh mang ý nghĩa lịch sử thiêng liêng, đánh dấu chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Cột cờ được xây dựng trên đỉnh núi Rồng (còn gọi là Long Sơn), ở độ cao gần 1.700m so với mực nước biển.

Cột cờ Lũng Cú đã có từ rất lâu đời. Sử sách truyền rằng, vào thế kỷ thứ 11, sau khi đẩy lùi quân xâm lược phương Bắc sang tận Ung Châu (Trung Quốc), tướng quân Lý Thường Kiệt khi trở về qua biên ải hội quân đã cắm một lá cờ trên đỉnh núi Rồng và nói đại ý: Đất này là của cha ông ta, nơi đây là máu thịt của Tổ quốc, chúng ta phải giữ gìn. Đến thời Tây Sơn, sau đại thắng quân Thanh, Vua Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng lớn tại khu vực này và cứ mỗi canh giờ lại gióng lên ba hồi vang xa như lời khẳng định chủ quyền đất nước. Vì thế, Lũng Cú còn có hàm ý “Long Cổ”, nghĩa là trống của vua; còn theo tiếng Mông nghĩa là “Long Cư” - nơi cư ngụ của rồng.

Năm 1978, đồn biên phòng Lũng Cú dựng một cột cờ cao trên 10m bằng gỗ sa mộc, trên đỉnh treo lá cờ rộng 1,2m². Trải qua nhiều lần trùng tu, nâng cấp và xây mới, đến năm 2010, sau gần 200 ngày thi công, cột cờ Lũng Cú mới đã hoàn thành với chiều cao 33,15m, trong đó phần chân cột cao 20,25m, cán cờ cao 12,9m, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8m. Cột cờ có hình bát giác, 8 mặt ở chân và bệ cột cờ là những phù điêu bằng đá xanh chạm khắc nhiều họa tiết mô phỏng hoa văn trên trống đồng Đông Sơn, các giai đoạn lịch sử của đất nước và tập quán văn hóa của các dân tộc sinh sống tại Hà Giang. Trên đỉnh cột cờ là lá cờ Tổ quốc có diện tích 54m², tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Tại chân cột cờ có nhà lưu niệm trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc ở Hà Giang.


3. Núi đôi Quản Bạ

Núi đôi Quản Bạ

Địa chỉ: , Huyện Quản Bạ, Hà Giang

Vị trí: Núi đôi Quản Bạ nằm bên quốc lộ 4C, cách thị xã Hà Giang chừng 40km, thuộc địa phận huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Đặc điểm: Đó là hai quả núi trông như hai trái đào tiên.

Du khách qua đây đều có dịp chiêm ngưỡng “tác phẩm nghệ thuật” của tạo hoá ban tặng cho vùng đất này. Giữa những núi đá trùng điệp và ruộng bậc thang nổi lên hai trái núi có hình dáng, thế đứng ngồ ngộ khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hoá. Hai trái núi gắn với truyền thuyết “Núi Cô Tiên” rất thi vị.

Với địa thế đẹp, thời tiết trong lành của vùng cao, vùng núi đôi Quản Bạ đang trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn của tỉnh Hà Giang.


4. Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn

Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn

Địa chỉ: , Hà Giang

Vị trí: Nằm trên địa bàn 4 huyện của tỉnh Hà Giang, bao gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn.

Đặc điểm: Cao nguyên đá Đồng Văn là công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam được tổ chức GGN công nhận là thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu.

Từ TP. Hà Giang, du khách đi theo quốc lộ 4C khoảng 43km là tới Quản Bạ. Tiếp tục theo con đường quốc lộ này qua đèo Cán Tỷ hiểm trở, qua những cánh rừng thông đại ngàn, những con dốc quanh co, uốn lượn như những dải lụa, du khách sẽ lần lượt tới Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc để khám phá cao nguyên đá.

Nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600m so với mực nước biển trên diện tích gần 2.350km², cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất. Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau.

Theo khảo sát của các nhà khoa học ở Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản thì cao nguyên đá Đồng Văn đã trải qua tất cả các giai đoạn phát triển của vỏ trái đất, từ Đại cổ sinh, Đại trung sinh đến Đại tân sinh với 13 hệ tầng địa chất đã được phân chia, bao gồm Chang Pung, Lut Xia, Si Ka, Bắc Bun, Mia Lé, Si Phai, Tốc Tát, Lũng Nậm, Bắc Sơn, Đồng Đăng, Hồng Ngài, Sông Hiến và Lân Pảng, trong đó Chang Pung là hệ tầng cổ nhất có niên đại khoảng 540 triệu năm.

Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được ở Đồng Văn 139 biểu hiện Di sản địa chất (DSĐC) thuộc đủ loại, trong đó có 15 DSĐC cấp quốc tế, 68 cấp quốc gia và 56 cấp địa phương. Tại các trầm tích đá có tuổi khác nhau ở Đồng Văn, các nhà cổ sinh vật cũng đã phát hiện rất nhiều hóa thạch thuộc 19 nhóm: Tay cuộn, San hô vách đáy, San hô 4 tia, Lỗ tầng, Bọ ba thùy, Cá cổ, Trùng lỗ, Vỏ nón, Răng nón, Chân rìu, Chân bụng, Chân đầu, Động vật dạng rêu, Huệ biển, Vỏ cứng, Giáp xác cổ, Thực vật thủy sinh, Tảo cổ và Chitinozoa. Các cổ sinh vật hóa thạch này đã giúp các nhà khoa học hoàn chỉnh bức tranh lịch sử phát triển địa chất vùng cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng và địa chất khu vực đông bắc Việt Nam – nam Trung Quốc nói chung.

Do cao nguyên Đồng Văn có sự đa dạng địa chất cao cùng với sự thay đổi của khí hậu nên quá trình tiến hóa karst đã tạo ra các “vườn đá”, “rừng đá” rất đa dạng và phong phú như: vườn đá Khâu Vai (Mèo Vạc) có các chóp đá hình bông hoa, nụ hoa, nhành hoa muôn hình muôn vẻ; vườn đá Lũng Pù (Mèo Vạc) có các chóp đá, tảng đá, tháp đá hình rồng cuộn, hổ ngồi…; vườn đá Vần Chải (Đồng Văn) có các phiến đá tròn nhẵn xếp gối lên nhau, trông tựa như đàn hải cẩu hàng nghìn con nằm nghỉ trên bãi biển... Tuy nhiên, những dãy núi có dạng kim tự tháp đỉnh nhọn, sườn dốc nối tiếp nhau cao ngất trời mới là phổ biến nhất, tạo cho cao nguyên đá Đồng Văn một sự uy nghi hùng vĩ. Hệ thống hang động trên cao nguyên đá Đồng Văn cũng là sản phẩm của quá trình tiến hóa karst và là những điểm tham quan du lịch rất kỳ thú như: hang Rồng ở Sảng Tủng (Đồng Văn), hang Khố Mỷ ở Tùng Vài (Quản Bạ), động Én ở Vần Chải (Đồng Văn)…


5. Dinh thự họ Vương

Dinh thự họ Vương

Địa chỉ: , Xã Xà Phìn, Huyện Đồng Văn, Hà Giang

Vị trí: xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang

Đặc điểm: là công trình kiến trúc đẹp, hiếm có và độc đáo của vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Dinh thự họ Vương là khu biệt thự cổ của Vương Chính Đức, người duy nhất được đồng bào dân tộc Hà Giang suy tôn là vua Mèo vào đầu thế kỷ 20, cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn.

Được xây dựng vào năm 1919, hoàn thành năm 1928, toàn bộ dinh thự có diện tích gần 3.000m2, nằm trên một khu đất nổi cao như hình mai rùa giữa thung lũng, xung quanh là một dải núi hình vòng cung, tạo nên địa thế phòng thủ kiên cố. Dinh được bao bọc bởi hai bức tường thành xây bằng đá, dày khoảng 60cm đến gần 1m, cao từ 2,5 đến 3m. Cả hai vòng thành đều bố trí nhiều lỗ châu mai.

Đoạn đường dẫn vào dinh thự dốc thoai thoải, được lát bằng những phiến đá hoa cương vuông vức, bằng phẳng. Hai bên lối vào là hai hàng cây sa mộc hàng trăm năm tuổi cao vút, thẳng tắp. Bước lên 15 bậc đá vào trong dinh, ngay cổng đầu tiên du khách sẽ thấy tấm hoành phi sơn son, thếp vàng đề chữ “Biên chinh khả phong” (“Chính quyền biên cương này mạnh”) được vua Nguyễn ban phong cho Vương Chính Đức. Vào bên trong, khu dinh thự thu hút du khách bởi kiến trúc độc đáo, có sự ảnh hưởng của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, Pháp và dân tộc Mông Việt Nam.

Được dựng bằng đá xanh, gỗ thông, gỗ pơmu và "ngòi" đất nung, toàn bộ khu dinh thự dài 56m, rộng 20m, cao 10 - 12m, gồm 4 nhà ngang và 6 nhà dọc, đều có kết cấu 2 tầng với 64 phòng dành cho 100 phòng ở. Dinh thự được chia làm 3 khu là tiền dinh, trung dinh và hậu dinh. Tiền dinh là nơi ở của quân lính và người giúp việc, còn trung dinh và hậu dinh là nơi sinh hoạt và làm việc của dòng dõi nhà họ Vương. Tường nhà được xây bằng đá, trong ốp ván, cột kèo gỗ, sàn lát gỗ, mái ngói máng, có hàng hiên lợp ngói ống trang trí hoa văn chữ Thọ. Bố cục khu nhà thấp dần từ ngoài vào trong. Ngôi nhà chính quay mặt ra phía cổng, và còn có các ngôi nhà phụ như: bếp, bể nước, nhà kho và chuồng ngựa... Giữa các dãy nhà là một khoảng sân rộng đầy ánh sáng. Bao quanh khu nhà là vườn cây với nhiều loại cây như sa mộc, quế, đào, lê… Dinh còn có 2 lô cốt để phòng thủ, có kho cất giữ tài sản...

Một trong những nét đặc sắc của dinh thự là nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, nhiều chi tiết được chạm khắc cầu kì, khéo léo mang các biểu tượng thể hiện sự phồn vinh, hưng thịnh.

Năm 1993, dinh thự họ Vương đã được nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu.


6. Chợ vùng cao Đồng Văn

Chợ vùng cao Đồng Văn

Địa chỉ: xã Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Vị trí: Chợ Đồng Văn thuộc xã Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Từ Tp. Hà Giang, theo quốc lộ 4C, ngược lên phía đông bắc khoảng trên 150km, du khách sẽ tới chợ Đồng Văn.

Đặc điểm: Đến đây, du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng phong cảnh núi rừng trùng điệp ngút tầm mắt và tìm hiểu thêm về lối kiến trúc Việt - Hoa của ngôi chợ cổ Đồng Văn.

Đồng Văn là huyện địa đầu cực bắc của tỉnh Hà Giang, nằm trong khu vực cao nguyên đá tai mèo độc đáo vào bậc nhất của nước ta. Tới đây, du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng phong cảnh núi rừng trùng điệp ngút tầm mắt, được biết thêm về đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân Đồng Văn; một trong những điểm mà du khách nên đến là chợ Đồng Văn.

Chợ Đồng Văn là nơi giao thương của đồng bào các dân tộc như: Tày, Nùng, Hán, Mông, Hoa, Dao, Kinh… Chợ họp vào ngày chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ, tết trong năm. Chợ nằm dưới chân núi Đồn Cao, ngay bên cạnh khu phố cổ Đồng Văn. Toàn khu chợ được thiết kế theo lối kiến trúc Việt - Hoa và có sự giao thoa rất tinh tế hợp với phong thủy miền cao nguyên: những dãy cột đá ba bốn người ôm được đục đẽo rất đẹp; khu chợ bề thế, vững chãi giữa lòng chảo thung lũng cao nguyên Đồng Văn như một nét chấm phá đầy ấn tượng. Công trình chợ Đồng Văn với kết cấu hình chữ U thật tráng lệ, thâm trầm lối kiến trúc trên đá được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1925 - 1928.


7. Bãi đá cổ Nấm Dẩn - Vẻ đẹp bí ẩn

Bãi đá cổ Nấm Dẩn - Vẻ đẹp bí ẩn

Địa chỉ: xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.

Vị trí: Bãi đá cổ Nấm Dẩn thuộc địa phận xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.

Đặc điểm: Nơi đây có giá trị đặc biệt về văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng và nghiên cứu khoa học.

Bãi đá cổ Nấm Dẩn được phát hiện vào năm 2004 bởi các nhà khoa học Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hà Giang. Khu di tích đá cổ chạm khắc các hình vẽ có cách đây cả nghìn năm nằm trong một thung lũng rộng thuộc địa phận xã Nấm Dẩn. Khác với di tích đá cổ ở Sa Pa (Lào Cai), bãi đá cổ Nấm Dẩn còn được ít người biết đến nhưng vẻ đẹp của các hình vẽ và những điều bí ẩn xung quanh các phiến đá thì không kém phần hấp dẫn và lôi cuốn.

Các di tích cự thạch này nằm giữa dãy núi Tây Ðản và dãy núi đồi Nấm Dẩn, ngay gần sát với con suối Nậm Khoòng. Nhiều tảng đá trầm tích lớn nằm dọc bờ suối với hình thù đa dạng và độc đáo. Có tảng đá như một bàn cờ phẳng, có tảng lại giống tấm phản nằm hay một chiếc ghế ngồi. Trên bề mặt và ở các rìa cạnh của tấm đá vẫn giữ được nguyên trạng phong hóa tự nhiên.


8. Chợ tình Khau Vai

Chợ tình Khau Vai

Địa chỉ: xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Vị trí: Chợ tình Khau Vai thuộc xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Đặc điểm: Đây là một phiên chợ tình độc đáo của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Cuộc sống ở vùng núi cao thường là rất buồn tẻ. Cả năm mới có một phiên chợ, lại là phiên chợ tình, bởi vậy, có nhiều gia đình cả bố, mẹ, con dâu, con trai dắt díu nhau đến chợ vui như chảy hội. Thậm chí có nhiều cặp vợ chồng lấy nhau từ hơn chục năm nay, đã có với nhau bốn mặt con và sống cách chợ Khau Vai gần hai ngày đường cũng lặn lội đến đây tìm niềm vui...

Những người già nhất xã Khau Vai bây giờ cũng không ai biết chợ tình Khau Vai có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, từ lúc còn để chỏm họ đã thấy có chợ tình rồi. Truyền thuyết bắt nguồn phiên chợ là câu chuyện tình của một người con trai H’Mông và một người con gái Giáy yêu nhau. Song, tình yêu của họ đã gây ra ra hiềm khích giữa hai bộ tộc. Để tránh cuộc đối đầu đẫm máu, họ buộc phải xa rời nhau. Tuy nhiên, chàng trai và cô gái thề nguyền rằng, dù không lấy được nhau và phải lập gia đình với người khác thì mỗi năm họ sẽ gặp nhau một lần vào đêm 26/3 tại chợ Khau Vai bây giờ. Chợ tình Khau Vai được hình thành từ đó, mới đầu chỉ là nơi hẹn hò của những người đã lỡ dở tình duyên với nhau và là đêm chợ truyền thống của người dân tộc H’Mông, nhưng sau đó được các dân tộc khác hưởng ứng. Đến bây giờ Khau Vai đã trở thành phiên chợ hẹn hò, tìm kiếm tình yêu của tất cả mọi người từ thanh niên cho đến người đã có gia đình.


9. Suối Tiên và Động Tiên

Suối Tiên và Động Tiên

Địa chỉ: thị xã Hà Giang

Vị trí: Thắng cảnh Suối Tiên và Động Tiên cách thị xã Hà Giang 2km.

Đặc điểm: Phong cảnh ở đây rất nên thơ, nước suối trong xanh, rất thích hợp cho du khách đến nghỉ ngơi thư giãn, tắm mát, ngắm cảnh.

Trong Động Tiên có Suối Tiên rất đẹp. Tương truyền xưa kia các tiên nữ trên trời vẫn thường xuống đây vui chơi vào dịp Tết nên được đặt tên là Động Tiên. Nhân dân quanh vùng vẫn thường đến Động Tiên lấy nước thiêng cầu may mắn vào lúc giao thừa.



Cẩm Nang Du Lịch Hà Giang