Quảng Trị



Điểm tham quan tại Quảng Trị


1. THẮNG CẢNH ĐAKRÔNG

THẮNG CẢNH ĐAKRÔNG

Địa chỉ: , Huyện Đa Krông, Quảng Trị

Vị trí: Huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Đặc điểm: Là tên gọi chung cho một khu vực có khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, trữ tình của vùng núi phía tây Quảng Trị.

Khu danh thắng này có sông Đakrông xinh đẹp ẩn dấu trong mình những huyền thoại đầy chất sử thi và nhân văn, có cầu Đakrông duyên dáng giữa ngút ngàn trời mây, sông nước, núi rừng và có mỏ nước khoáng tự nhiên quý giá.

Nơi đây còn là một điểm nút quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh và quốc lộ số 9, con đường xuyên Á qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đen Sa Vẳn.


2. ĐẢO CỒN CỎ

ĐẢO CỒN CỎ

Địa chỉ: huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị

Vị trí: Từ bãi biển Cửa Tùng thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nhìn ra phía tây ta sẽ thấy một hòn đảo xanh lam nổi lên giữa biển như một chiến hạm đang trấn giữ ngoài khơi; đó chính là đảo Cồn Cỏ, còn có tên gọi khác là đảo Con Hổ, đảo Hòn Mệ.

Đặc điểm: Đảo Cồn Cỏ cách bờ biển Vĩnh Linh khoảng 30km. Đảo như một tiền đồn giữa vĩ tuyến 17 trấn giữ phía đông Tổ quốc. Không chỉ là hòn đảo nổi tiếng kiên cường trong chiến tranh chống Mỹ, Cồn Cỏ còn là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung.

Từ đảo Cồn Cỏ nhìn về phía tây ta sẽ thấy rõ màu xanh của rừng dương ven biển Cửa Tùng và bãi cát trắng phau trước thềm địa đạo Vịnh Mốc. Phía tây nam là một dải bờ nam sông Bến Hải, xa nữa là dãy Trường Sơn tím nhạt chạy dài. Chính nhờ vị trí đó mà Cồn Cỏ giữ một ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng trong cuộc đụng đầu lịch sử khi đất nước ta còn chia cắt hai miền Nam- Bắc.

Đảo Cồn Cỏ có hình dạng tương đối tròn, diện tích khoảng 4km², chu vi 8km, độ cao từ 5- 30m so với mặt nước biển, riêng giữa đảo có một đỉnh đồi nhô lên với chiều cao 63m. Tuy chỉ cách đất liền chưa đến 30km, nhưng với các phương tiện thông thường đã không thể ra đảo được khi gặp gió cấp 6 trở lên. Ấy vậy mà trong những năm đánh Mỹ, hàng trăm chiến sĩ tự vệ của Vĩnh Linh đã quên cả hiểm nguy, bằng phương tiện thô sơ đã chở vũ khí, lương thực từ đất liền ra tiếp tế cho đảo. Rất nhiều người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi vì gió to sóng lớn hoặc vì bom đạn ác liệt của kẻ thù.

Thực vật trên đảo khá phong phú, đảo nhỏ nhưng vẫn có rừng, có đồi tranh rậm rạp chiếm 3/4 diện tích đảo. Rừng trên đảo có những loài cây lạ mà trong đất liền không có; có cây thân cao vằn vèo nhiều đốt; có cây thân thẳng, da nhẵn như cây ổi nhưng rất to cao, gỗ cứng và nặng, khi bị xây xát nhựa chảy ra có màu đỏ như máu nên gọi là cây “dầu máu”. Lại có loài khoai dại, lá to hơn cả lá chuối, góp phần giúp người che nắng, che mưa. Trên đảo còn có cả những rừng bàng, vào mùa thu, lá bàng đỏ ối cả một vùng như điểm tô cho đảo. Các giống cây ăn trái được thì có đu đủ, chuối, dâu da... Giống nào cũng xanh tốt, vừa cung cấp thực phẩm cho lính đảo, vừa làm nơi trú ngụ cho chim trời về góp vui với họ. Để làm phong phú thêm cảnh vật, môi trường trên đảo và cung cấp thêm nguồn thực phẩm cho đảo, năm 1989, Tỉnh đoàn Quảng Trị đã đem 4.000 cây dừa, tượng trưng cho 4.000 năm dựng nước và giữ nước ra trồng trên đảo. Đến nay, dừa đã xanh tốt và cho trái. Với tinh thần tự lực tự cường, các chiến sĩ canh giữ đảo còn trồng thêm rất nhiều loại rau, hoa và cây cảnh, mùa nào thức nấy, làm cho bộ mặt của đảo ngày càng thêm tươi đẹp.

Thế giới động vật trên đảo tuy không nhiều về chủng loại nhưng cũng khá độc đáo. Trên trời thì có chim cu cườm, chim én thay nhau gửi đến con người những tín hiệu bình yên. Dưới đất thì có loài rắn lục xanh nhỏ nhưng rất độc, có thể dùng làm thuốc. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là loài cua đá to gần bằng bàn tay, là nguồn thực phẩm dồi dào và quan trọng trên đảo. Ngoài biển thì có giống rắn biển, còn gọi là con đẻn, dài khoảng một sải tay, độc không kém rắn lục, rượu ngâm đẻn là loại thuốc chữa đau lưng, nhức mỏi rất được nhiều người ưa chuộng. Dưới biển thì có hải sâm đen, trắng to bằng ngón chân cái, dài bằng gang tay, vừa là vị thuốc quý, vừa là món ăn cao cấp, được xếp ngang với yến sào. Ngoài ra, ở bờ biển Cồn Cỏ còn có loài ốc nón, luộc ăn rất ngon, vỏ ốc có thể tận dụng làm đồ trang sức, mỹ nghệ...

Cảnh quan trên đảo cũng luôn được cải tạo. Từ một hòn đảo nhỏ bị bom đạn cày xới không thương tiếc, đến nay đã có rất nhiều ngôi nhà khang trang, có sân chơi thể thao, có đường cấp phối. Từ đảo có thể liên lạc dễ dàng với đất liền bằng điện thoại. Các hạng mục hạ tầng cơ sở trên đảo đã và đang từng bước được hoàn thiện, đáng chú ý nhất là công trình bến đậu- âu tàu.


3. NGHĨA TRANG LIỆT SĨ TRƯỜNG SƠN

NGHĨA TRANG LIỆT SĨ TRƯỜNG SƠN

Địa chỉ: xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị,

Vị trí: Nghĩa trang được xây dựng tại đồi Bến Tắt, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, cách thị xã Đông Hà khoảng 38km về phía tây bắc.

Đặc điểm: Đây là nghĩa trang liệt sĩ quốc gia lớn nhất, quy tập phần mộ các thanh niên xung phong, bộ đội, dân công hỏa tuyến..., những người đã xây dựng và chiến đấu bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Được xây dựng từ ngày 24/10/1975 và hoàn thành ngày 10/4/1977, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có tổng diện tích 106ha, trong đó 46ha đặt 10.327 ngôi mộ liệt sĩ chia làm 5 khu. Khu trung tâm nằm trên một ngọn đồi cao 32,4m có đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghiêm, rỗng ruột và khuyết ba mặt, thể hiện nỗi mất mát vô cùng. Bốn khu đặt mộ liệt sĩ được xếp theo tỉnh, thành phố trải trên năm quả đồi. Xen kẽ các khu mộ là những cánh rừng. Lối đi được lát đá, gạch hoặc tráng xi măng, hoa nở bốn mùa hai bên. Mỗi khu đều có nhà tưởng niệm với kiến trúc phảng phất hình ảnh các vùng quê đất nước.

Hàng năm nghĩa trang đón khoảng 20.000 lượt người trong nước đến viếng mộ liệt sĩ. Nhiều đoàn khách nước ngoài đã vượt hàng vạn dặm đến với nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.


4. THÀNH PHỐ ĐÔNG HÀ

THÀNH PHỐ ĐÔNG HÀ

Thành phố Đông Hà là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Trị, nằm ở tọa độ 16º52’22” vĩ độ bắc, 107º04’24” kinh độ đông, phía bắc giáp huyện Cam Lộ và Gio Linh, phía nam và phía đông giáp huyện Triệu Phong, phía tây giáp huyện Cam Lộ. Đông Hà nằm ở ngã ba quốc lộ 1A nối Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh và quốc lộ 9 trong hệ thống đường xuyên Á; là điểm khởi đầu ở phía đông của trục hành lang kinh tế Đông - Tây, nối với đất nước Lào và Thái Lan, Myanma... qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và các nước trong khu vực biển Đông qua cảng Cửa Việt.

Thành phố Đông Hà có địa hình nghiêng và thấp dần từ tây sang đông với hai dạng địa hình cơ bản. Địa hình gò đồi bát úp ở phía tây và tây nam, chiếm 44% diện tích tự nhiên với độ cao trung bình 5- 100m. Mặt đất được phủ trên nền sa phiến cùng với địa hình gò đồi bát úp nối dài, thích hợp cho việc sản xuất canh tác, trồng cây lâm nghiệp, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế trang trại, sinh thái vườn đồi, vườn rừng. Xen kẽ là những hồ đập có tác dụng điều hoà khí hậu, bảo vệ môi trường. Địa hình đồng bằng có độ cao trung bình 3m so với mực nước biển, được phủ lên mặt lớp phù sa thuận lợi cho phát triển nông nghiệp (trồng lúa, hoa, rau màu...).

Địa bàn Đông Hà có sông Hiếu, Vĩnh Phước, Thạch Hãn, Hói Sòng và hàng chục khe suối, các hồ chứa, và một số hồ đập nhân tạo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi trường và nuôi trồng thuỷ sản.

Thành phố Đông Hà nằm ở khu vực phía đông Trường Sơn nên mang đặc điểm của khí hậu gió mùa và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió phơn Tây Nam nên tạo thành một vùng khí hậu khô, nóng. Chế độ khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô.

Đông Hà chịu ảnh hưởng sâu sắc của 2 loại gió mùa: gió mùa đông bắc hoạt động từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau và gió mùa tây nam hoạt động từ tháng 4 đến tháng 9.


5. THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

Địa chỉ: thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị,

Vị trí: thuộc Phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, cách quốc lộ 1A 2km về phía đông.

Đặc điểm: Thành cổ Quảng Trị vừa là thành luỹ quân sự, vừa là trụ sở hành chính của nhà Nguyễn trên đất Quảng Trị từ năm 1809 đến năm 1945.

Thành cổ Quảng Trị được xây dựng và đắp bằng đất từ đầu thời vua Gia Long (1802) tại làng Tiền Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Đến năm 1809, vua Gia Long cho dời thành đến xã Thạch Hãn (nay là phường 2, thị xã Quảng Trị). Năm 1837, vua Minh Mạng đã cho xây lại thành bằng gạch nung cỡ lớn, kết dính bởi vôi, mật mía và một số phụ gia khác. Thành có dạng hình vuông với chu vi gần 2.000m, cao 9,4m, chân thành dày 12m. Bao quanh tường thành là hệ thống giao thông hào rộng. Bốn góc thành có 4 pháo đài cao, chính giữa 4 mặt thành là các cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu, mỗi cửa rộng 3,4m, được xây theo kiểu vòm cuốn, phía trên có vọng lâu, mái cong, lợp ngói. Trong nội thành có các công trình kiến trúc như: hành cung, dinh Tuần Vũ, cột cờ, dinh Án Sát, dinh Lãnh Binh, Ty Phiên, Ty Niết…


6. BÃI BIỂN CỬA TÙNG

BÃI BIỂN CỬA TÙNG

Địa chỉ: huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Vị trí: Biển Cửa Tùng thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Đặc điểm: Cửa Tùng hấp dẫn du khách với bãi biển đẹp, cát trắng, phẳng mịn cùng các địa danh lịch sử như Vĩ tuyến 17, Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn... ở gần đó.

Cửa Tùng không chỉ là một địa danh lịch sử đơn thuần mà còn là một điểm du lịch nổi tiếng. Bãi biển Cửa Tùng đẹp, cát trắng phau, phẳng mịn, dịu dàng đón những cái hôn ngọt ngào của trời nước bao la. Nơi đây có tám mũi đất Badan đỏ au như ráng chiều cùng chạy xô ra biển, tạo thành một chiếc lược đồi mồi kì vĩ, ngàn đời chải mượt triệu lớp sóng xanh. Ngoài khơi xa, đảo Cồn Cỏ như một con rùa vàng ngoi lên khỏi mặt nước tím biếc gợi cho ta bao ý tưởng về huyền thoại thủa hoang sơ. Ở vào vị trí ấy, cửa Tùng có thể ví như "Nữ hoàng" tựa lưng vào làng biển Vĩnh Quang bốn mùa rợp xanh bóng mát tiêu chè và rừng phi lao rì rào trong gió.

Vào những mùa hè khi cơn gió Lào thổi vào nóng hầm hập, khô khốc qua đồi đất miền Trung thì cửa Tùng thật sự là "Nữ hoàng giầu sang" với những chiếc áo choàng sặc sỡ đủ mầu và một cơ thể trong lành tươi trẻ hấp dẫn không thua kém Sầm Sơn, Non Nước, Nha Trang hay Vũng Tầu...

Cửa Tùng còn hấp dẫn du khách bởi lẽ - đến với cửa Tùng là đến với vĩ tuyến 17, Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, địa đạo Vịnh Mốc, đảo Cồn Cỏ anh hùng... Những cái tên lịch sử ghi dấu một chuỗi thời gian dài gian khổ và hào hùng của dân tộc để xoá đi ranh giới ngăn cách đất nước cho Bắc Nam sum họp một nhà. Những địa danh đó nay trở thành một quần thể du lịch độc đáo.


7. ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC

ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC

Địa chỉ: huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị,

Vị trí: Địa đạo Vịnh Mốc thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, cách quốc lộ 1A 13km về phía đông, cách Cửa Tùng 6km về phía bắc.

Đặc điểm: Địa đạo dài gần 2km gồm 3 tầng sâu dưới mặt đất. Nơi đây từng là pháo đài thép của miền Bắc XHCN trong suốt 7 năm liền chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Địa đạo Vịnh Mốc là một trong những điểm hấp dẫn của tuyến du lịch nổi tiếng DMZ (khu vực phi quân sự), thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những cựu chiến binh Mỹ.

Họ đến để chiêm ngưỡng kỳ tích độc đáo này, một chứng tích tiêu biểu về sự hy sinh chịu đựng và gan góc chiến đấu vì độc lập, tự do của người dân Vịnh Mốc nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Hàng ngàn dòng cảm tưởng của khách nước ngoài tỏ ra vô cùng thán phục tài trí, ý chí của người Việt Nam.

Địa đạo Vịnh Mốc được đào xong trong vòng 2 năm, với khoảng 6.000m3 đất đá. Hệ thống đường hầm có tổng chiều dài gần 2km, chia thành 3 tầng: tầng một sâu dưới mặt đất khoảng 13m; tầng 2 khoảng 15m và tầng 3 sâu trên 23m; gồm 13 cửa ra vào đồng thời cũng là những cửa thông hơi (bẩy cửa thông ra biển và sáu cửa đi lên đồi). Địa đạo được thiết kế như một làng dưới mặt đất với 94 căn hộ gia đình, có giếng nước ngọt đáp ứng sinh hoạt của người dân địa đạo, có hội trường đủ sức chứa khoảng 60 người, bảng tin, nhà hộ sinh, nhà vệ sinh, phòng phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm (loại bếp nấu được dưới lòng đất mà hạn chế khói bốc lên), kho gạo, trạm đặt máy điện thoại, đài quan sát, trạm gác, hầm tránh bom khoan.


8. KHU CĂN CỨ QUÂN SỰ KHE SANH

KHU CĂN CỨ QUÂN SỰ KHE SANH

Địa chỉ: huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị

Vị trí: Khe Sanh nằm trên quốc lộ số 9 thuộc huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, cách thị xã Đông Hà 63km về phía tây.

Đặc điểm: Năm 1965 - 1966, Quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã xây dựng Khe Sanh thành cứ điểm lớn nhất trong tuyến phòng thủ đường 9, một tuyến phòng thủ được coi là “bất khả xâm phạm”.

Khe Sanh nằm trong một thung lũng đất đỏ cao hơn mặt nước biển 400m, bốn bề là đồi núi trùng điệp. Đây là một trong ba "mắt thần" (Khe Sanh, Làng Vây và Tà Cơn) của hàng rào điện tử McNamara. Tại Khe Sanh đã diễn ra những trận đánh lớn trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971. Tổng thống Mỹ Giôn-Sơn đã từng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ ký cam kết bằng máu quyết tâm giữ Khe Sanh.

Cụm căn cứ Tà Cơn với sân bay dã chiến đang lưu giữ nhiều hạng mục về chiến thắng năm 1968: nhà trưng bày, giao thông hào, hầm chỉ huy, hàng rào kẽm gai, đường băng, máy bay, pháo, xe tăng và nhiều hạng mục hạ tầng khác.


9. CỤM DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÔI BỜ CẦU HIỀN LƯƠNG - BẾN HẢI

CỤM DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÔI BỜ CẦU HIỀN LƯƠNG - BẾN HẢI

Địa chỉ: huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị.

Vị trí: thuộc 3 xã Vĩnh Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh và xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Đặc điểm: là biểu tượng về sự rạng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất đất nước.

Khu vực đôi bờ cầu Hiền Lương

Cầu Hiền Lương được khởi dựng lần đầu tiên bằng gỗ vào năm 1928. Năm 1952, Pháp cho xây lại cầu mới gồm 7 nhịp, dài 178m, rộng 4m, trụ cầu bằng bê tông cốt thép, mặt cầu lát gỗ thông, hai bên có lan can cao 1,2m, trọng tải cầu tối đa là 18 tấn.

Đồn công an và cột cờ ở bờ bắc sông Bến Hải

Theo quy định của Hiệp định Genève, dọc đôi bờ sông Bến Hải (sông giới tuyến) có 4 đồn công an. Do đó, ở bờ bắc sông có đồn công an Hiền Lương và Cửa Tùng, ở bờ Nam sông có đồn công an Xuân Hòa và Cát Sơn. Các đồn công an được bố trí khoảng 20 người, trang bị súng ngắn và tiểu liên bộ binh và làm nhiệm vụ giữ gìn quy chế vùng phi quân sự, kiểm soát người qua lại giới tuyến, kiểm soát lẫn nhau trong việc thực thi các điều khoản của Hiệp định và được đặt dưới sự giám sát của tổ chức Quốc tế 76 (gồm đại diện các nước Canada, Ấn Ðộ, Ba Lan).

Sông Bến Hải và các bến đò trên sông Bến Hải

Sông Bến Hải bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn, chảy trênđịa hình dài gần 100km, dọc theo vĩ tuyến 17 từ tây sang đông rồi đổ ra cửa biển Cửa Tùng.

Các bến đò trên sông Bến Hải gồm:Cửa Tùng (bến đò A), Tùng Luật (bến đò B), Lũy (bến đò C), Thượng Đông và Dục Đức. Trong đó, bến đò Cửa Tùng và Tùng Luật là 2 bến đò góp phần quan trọng vào cuộc chiến thắng giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.



Cẩm Nang Du Lịch Quảng Trị