Điểm tham quan tại Kiên Giang

I. Du lịch văn hóa - Di tích lịch sử Kiên Giang



1. Mũi Dinh Cậu

Mũi Dinh Cậu

Địa chỉ: khu phố 2, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Vị trí: Dinh Cậu hay còn gọi là miếu thờ Long Vương, được xây dựng trên một mũi đá giống hình con rùa (có niên đại trên 100 năm) nên được gọi là Mũi Dinh Cậu. Mũi Dinh Cậu, tọa lạc tại khu phố 2, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Đặc điểm: Đây là miếu thờ Long Vương - thần sông nước của người dân miền biển để cầu mong mọi sự an lành trong những chuyến ra khơi.

Mũi Dinh Cậu hình thành trong một khung cảnh thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp - sơn thủy hữu tình, liên quan đến đạo thờ Mẫu. Điều này chứng tỏ rằng, người Việt cổ đã đặt chân lên đảo Phú Quốc, khai phá, mở mang và đặt nền móng cho vùng đất này.

Theo tục truyền, thuở xưa, người dân trên đảo Phú Quốc sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới. Đại đa số các ngư dân ra biển đánh bắt cá đều một đi không trở lại, vì khi ra khơi, gặp những cơn bão lớn, họ không thể chống đỡ nổi, do đó họ đã mãi mãi ngủ lại với biển khơi... Bỗng một ngày kia, bên bờ biển Đông xuất hiện nhiều ghềnh đá, đan xen với nhau tạo thành một mũi đá lớn nổi lên giữa nền đại dương xanh thẫm. Vì nghĩ rằng đây là điềm lạ linh ứng, cứu giúp con người thoát khỏi thiên tai, cho nên người dân trên đảo đã lập một ngôi miếu thờ thần sông nước để mong nhận được sự che chở, bình an. Mũi Dinh Cậu (miếu thờ Long Vương) ra đời từ đó.

Mũi Dinh Cậu rất linh thiêng và gắn bó mật thiết với tục thờ Bà Cậu, tức tục thờ Bà Thủy và Cậu Tai (tránh mọi tai họa, tai nạn, tai ương…), con trai út cưng của bà. “Cậu” được cho là vị thần có uy quyền trong việc trị vì sông nước và có thể giúp đỡ cho tàu bè thoát khỏi mọi cơn sóng to, gió lớn, vì thế Mũi Dinh Cậu được người dân vùng biển rất sùng bái. Họ thường đến đây để thắp hương khấn vái, cầu mong mọi sự an lành cho những chuyến đi biển.

Để lên được đến di tích Mũi Dinh Cậu, du khách phải qua 29 bậc thềm bằng đá với hai bên là những cụm cây dại xanh tốt. Khi đã leo hết 29 bậc đá, trước mắt du khách hiện ra một Miếu thờ được bao xung quanh bởi một hàng rào bằng bê-tông khá vững chắc. Đi tiếp đến cổng di tích, du khách sẽ thấy Miếu thờ có kiến trúc khá đẹp. Sân Miếu có đặt bàn thờ ông Thiên. Hai bên hành lang là những hàng cột với những câu liễn đắp nổi bằng chữ Hán như: “Phong điếu vũ thuận dân an lạc” (Nhờ ơn Cậu mà mưa thuận gió hòa dân cư an lạc). “Tọa đại thạch đầu quy danh hiển” (Dinh Cậu nổi tiếng tọa lạc ở đầu của mõm đá giống hình con rùa). “Chấn phong bình lượng bảo lương dân” (Dinh Cậu như tấm bình phong bảo vệ cho muôn dân lành) và “Vạn cổ anh linh thông tứ hải” (Từ xưa anh linh của Dinh Cậu đã vang khắp bốn biển).

Hàng năm, cứ vào các ngày 15 và 16 tháng 10 âm lịch, người dân trên đảo Phú Quốc lại cùng nhau mở hội Mũi Dinh Cậu. Nhờ vậy, Mũi Dinh Cậu ngày càng thu hút được nhiều du khách thập phương. Theo thống kê của huyện đảo Phú Quốc, trung bình mỗi năm, Mũi Dinh Cậu thu hút khoảng trên 100 ngàn lượt du khách đến thăm viếng.


2. Nghề nuôi và sản xuất ngọc trai Phú Quốc

Nghề nuôi và sản xuất ngọc trai Phú Quốc

Địa chỉ: huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Vị trí: huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Đặc điểm: nổi tiếng với nhiều sản phẩm ngọc trai có giá trị kinh tế cao

Phú Quốc là địa danh nổi tiếng với nhiều đặc sản quý hiếm từ biển, trong đó nổi bật nhất là ngọc trai. Thiên nhiên ban tặng cho đảo Phú Quốc những vùng biển lặng sóng, có độ mặn lý tưởng cho nghề nuôi cấy trai lấy ngọc. Hơn 10 năm qua, nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi cấy tiên tiến từ các quốc gia như Úc, Nhật… kết hợp với các điều kiện thiên nhiên phù hợp, nghề nuôi trai lấy ngọc ở Phú Quốc đã thực sự phát triển và lớn mạnh. Ngọc trai Phú Quốc được xếp trong nhóm ngọc trai đẹp nhất thế giới.

Phú Quốc có đầy đủ các viên ngọc chất lượng cao mang nhiều màu sắc, kích thước và hình dáng khác nhau với hàng nghìn sản phẩm độc đáo như chuỗi ngọc màu trắng sữa hoặc đen tuyền, rất sang trọng, những đôi bông tai lấp lánh, những chiếc nhẫn có đính ngọc trai trông rất quý phái, mặt dây chuyền, bộ ngọc..., đáp ứng nhu cầu chữa bệnh, cân bằng huyết áp và đặc biệt góp phần tôn vinh vẻ đẹp rạng ngời của phái đẹp. Ngoài ra, những nghệ nhân khéo tay xứ đảo còn tận dụng vỏ ngọc trai để chế tác thành các món đồ trang trí hoặc làm những mặt dây chuyền hình trái tim, hình cây thánh giá... được giới trẻ đặc biệt yêu thích.

Ngọc trai Phú Quốc được trưng bày rất nhiều tại các gian hàng bán quà lưu niệm ở thị trấn Dương Đông, chợ đêm Dinh Cậu, cảng An Thới, cảng Bãi Vòng – Hàm Ninh… Hiện tại ở Phú Quốc có các cơ sở nuôi cấy ngọc trai lớn như: Ngọc Hiền, Quốc An, cơ sở nuôi cấy ngọc trai của người Nhật và người Úc…


3. Làng chài Hàm Ninh

Làng chài Hàm Ninh

Địa chỉ: xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Vị trí: xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cách thị trấn Dương Đông 20km về hướng đông bắc

Đặc điểm: là ngôi làng cổ với cảnh đẹp hoang sơ và đời sống thanh bình, mộc mạc

Không ai biết làng chài Hàm Ninh có từ bao giờ, chỉ biết rằng, khi đảo Phú Quốc còn hoang vắng, một số cư dân từ xa đã đến đây khai thác hải sản, rồi lập làng sinh sống. Khi cửa biển Dương Ðông vang tiếng sóng thì Hàm Ninh là bến đậu ghe yên tĩnh và an toàn. Các ghe buồm, ghe bầu từ đất liền đến cập bến ở đây để lên hàng hóa rồi chở hải sản đi.

Nằm bên bờ biển phía đông của đảo du lịch Phú Quốc, nép mình dưới chân núi Hàm Ninh, làng chài Hàm Ninh là nơi có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, sau lưng là ngọn núi Hàm Ninh cao 300m so với mực nước biển, trước mặt là biển Hàm Ninh nước trong xanh, dốc thoai thoải. Hướng về phía đông nam, hòn Nghệ mờ mờ trên làn nước biếc, phía nam là mũi ông Đội – mũi đất cuối cùng của đảo Phú Quốc.

Trước khi bước vào làng chài du khách sẽ bắt gặp hình ảnh thơ mộng của chiếc cầu tàu tạm nơi bến cảng Bãi Vòng. Buổi sáng, ngồi ở đây ngắm ánh bình minh dần ló rạng, du khách như bước vào cõi thiên thai với lớp sương giăng mờ và ánh nắng vàng len lỏi dịu nhẹ. Chiều về, nhìn ra xa, màu vàng rực của ánh hoàng hôn như trải một lớp vàng mỏng bao phủ cả một vùng biển yên bình.


4. Làng nghề làm nước mắm Phú Quốc

Làng nghề làm nước mắm Phú Quốc

Địa chỉ: huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Vị trí: huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Đặc điểm: nơi sản xuất nước mắm ngon nổi tiếng trong nước và thế giới

Nước mắm Phú Quốc là một trong những loại nước mắm không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được biết đến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc có lịch sử trên 200 năm. Từ cuối thế kỷ 19, người dân trên đảo đã bán nước mắm sang Campuchia và Thái Lan. Tuy nhiên, nước mắm Phú Quốc chỉ nổi tiếng từ những năm 1950. Thời kỳ này, Phú Quốc có khoảng 20 nhà thùng sản xuất nước mắm, tập trung chủ yếu cạnh mé sông Dương Đông để thuận tiện cho ghe tàu hàng hóa cập bến. Tất cả đều là những doanh nghiệp gia đình cha truyền con nối hay quan hệ bà con ruột thịt.

Đến thăm các làng nghề sản xuất nước mắm, du khách không chỉ được tận mắt chứng kiến những chiếc thùng khổng lồ dùng để ướp cá mà còn được tìm hiểu quy trình tạo ra những giọt nước mắm hảo hạng. Nước mắm Phú Quốc nổi tiếng nhờ độ đạm cao, mang vị mặn dìu dịu, ngọt ngào quyến luyến và thơm lừng mùi cá cơm sóc tiêu đặc sản, chỉ riêng Phú Quốc mới có. Nước mắm cốt nguyên chất có màu nâu sậm, trong vắt và sánh đặc, càng để lâu càng ngon. Chất lượng nước mắm được đánh giá cao qua mùi thơm từ những món nêm, xào, ướp hay nước chấm. Đây là món quà biếu đầy ý nghĩa cho người thân, bạn bè sau chuyến đi đầy lý thú đến hòn đảo xinh đẹp này.


5. Nhà tù Phú Quốc

Nhà tù Phú Quốc

Địa chỉ: , Thị trấn An Thới, Huyện Phú Quốc, Kiên Giang

Vị trí: Thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cách thị trấn Dương Đông khoảng 30km về phía đông nam.

Đặc điểm: Nhà tù Phú Quốc còn được gọi là “Địa ngục trần gian” do tại nơi đây, chính quyền Mỹ - Ngụy đã sử dụng nhiều hình thức tra tấn dã man như đóng đinh, chuồng cọp kẽm gai, lộn vỉ sắt, chôn sống... nhằm khuất phục ý chí chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng.

Năm 1950, thực dân Pháp cho xây dựng tại Phú Quốc trại giam Cây Dừa có diện tích khoảng 40ha, bao gồm bốn khu A, B, C, D, để giam giữ tù binh chống Pháp. Tháng 07/1954, sau Hiệp định Genève, Pháp trao trả cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hầu hết tù binh ở trại giam này và trại Cây Dừa ngưng hoạt động.

Năm 1955, Ngô Đình Diệm (Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa) cho sửa sang trại Cây Dừa cũ thành trại huấn chính Cây Dừa, còn gọi là nhà lao Cây Dừa với mục đích giam giữ tù binh cộng sản. Năm 1966, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cho mở rộng diện tích nhà lao lên 400ha với 4 khu: A, B, C, D gồm 400 nhà giam và đặt tên là Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc (gọi tắt là Nhà tù Phú Quốc). Đến năm 1972, nhà tù Phú Quốc có 14 khu, mỗi khu chia thành 4 phân khu, mỗi phân khu có 11 phòng giam. Tất cả các phòng giam đều có cấu trúc vì kèo sắt, nóc tôn, vách tôn. Nhà tù Phú Quốc trở thành trại giam tù binh lớn nhất của Việt Nam Cộng hòa, được canh giữ rất nghiêm ngặt với hàng rào kẽm gai 10 – 15 lớp bao quanh, 14 pháo đài canh gác có súng đại liên và nhiều vọng gác di động.

Trong khoảng thời gian từ năm 1967 đến 1973, nơi đây đã giam giữ hơn 40.000 tù binh, trong đó hơn 4.000 tù binh đã thiệt mạng, hàng chục nghìn tù binh bị thương tật, tàn phế. Tuy nhiên, với tinh thần anh dũng và ý chí sắt đá, các tù binh tại nhà tù Phú Quốc đã tổ chức thành công 42 cuộc vượt ngục dưới nhiều hình thức: vượt rào, đánh lính áp giải khi ra ngoài làm việc khổ sai, đào hầm ngầm thoát ra…


6. Khu di tích lăng Mạc Cửu

Khu di tích lăng Mạc Cửu

Địa chỉ: , Phường Bình San, Thị xã Hà Tiên, Kiên Giang

Vị trí: Nằm trên đường Mạc Cửu dưới chân núi Bình San, thuộc phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Rạch Giá khoảng 92km về phía tây bắc.

Đặc điểm: Khu di tích lăng Mạc Cửu thờ dòng họ Mạc mà khởi đầu là ông Mạc Cửu, người đã có công khai phá mảnh đất Hà Tiên.

Mạc Cửu là người Quảng Đông, Trung Quốc, vì không chịu để tóc và theo một số tập tục của nhà Thanh nên đã rời bỏ đất nước để ra đi buôn bán thương mại ở một số nước Đông Nam Á. Năm 1680, khi đến Hà Tiên, ông đã dừng lại ở đây để xây dựng và phát triển vùng đất này. Đến 8/1708, nhận thấy vị thế rất mạnh của nhà Nguyễn trong cuộc chiến mở mang bờ cõi phía Nam, Mạc Cửu đã dâng vùng đất Hà Tiên cho nhà Nguyễn và được Chúa Nguyễn là Phúc Chu chấp thuận và phong làm “Tổng trấn Hà Tiên”. Mặc dù đã dâng Hà Tiên cho nhà Nguyễn, nhưng chúa Nguyễn Phúc Chu vẫn cho Mạc Cửu quyền tự chủ tại vùng đất này, duy trì truyền thống cha truyền con nối như một tiểu vương và 7 đời dòng họ Mạc đã đem hết công sức của mình để biến Hà Tiên thành một đầu mối giao thương của nước Đại Việt xưa với các nước trong vùng.

Khu di tích gồm phần đền thờ dòng họ Mạc và phần lăng mộ. Đền thờ nằm ở chân núi Bình San, được nhà Nguyễn cho xây dựng để tưởng nhớ công ơn khai phá mảnh đất Hà Tiên của dòng họ Mạc. Trước đền thờ là 2 ao lớn nở đầy hoa sen mà trước kia Mạc Cửu đã cho đào để lấy nước ngọt cho dân trong vùng dùng trong mùa khô hạn.

Nằm trên đỉnh núi Bình San là đàn xã tắc, nơi hành lễ cúng tế trời đất của Hà Tiên xưa và nay. Nền đàn xã tắc có hình bát quái lớn màu đỏ, ở giữa màu đen, tâm vàng, trên đặt 1 lư hương lớn bằng đồng. Vào ngày 15/1 âm lịch hàng năm, các đàn cúng sẽ được lập nhưng mỗi năm lại khác nhau về giờ cúng.

Núi Bình San đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là thắng cảnh quốc gia vào 21/1/1989. Và để ghi nhận công lao của ông Mạc Cửu trong việc khai phá Hà Tiên cũng như kỷ niệm 300 năm vùng đất này được thành lập, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài danh nhân Mạc Cửu cao 10m vào ngày 7/9/2008 tại quảng trường cạnh cầu Tô Châu - thị xã Hà Tiên.


7. Kênh Vĩnh Tế

Kênh Vĩnh Tế

Địa chỉ: thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang).

Vị trí: nằm song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc (tỉnh An Giang) đến sông Giang Thành, thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang).

Đặc điểm: đây là con kênh đào lớn nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Kênh Vĩnh Tế được khởi công xây dựng vào tháng 12 năm 1819 dưới triều Vua Gia Long (1802 – 1820) và hoàn thành vào tháng 5 năm 1824 dưới triều Vua Minh Mạng (1820 – 1840) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương giữa các địa phương với các nước lân cận. Chỉ huy chính của công trình là Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu (1761 – 1829), người đã có công lớn trong việc đào dòng kênh nối rạch Long Xuyên (An Giang) với hệ thống thủy đạo ở Rạch Giá (Kiên Giang). Tên của ông đã được triều Nguyễn lấy để đặt tên cho dòng kênh là Thoại Hà; đồng thời đặt tên ngọn núi Sập bên bờ phía đông của kênh Thoại Hà là Thoại Sơn.

Kênh Vĩnh Tế là công trình có giá trị to lớn về chính trị, an ninh quốc phòng, đối ngoại cũng như phát triển vùng biên viễn trên toàn bộ khu vực Tây Nam từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Hiện nay, con kênh này vẫn giữ vai trò quan trọng về trị thủy, giao thông, thương mại, biên phòng, thể hiện sức lao động sáng tạo xây dựng đất nước của người Việt và chính sách coi trọng thủy lợi để phát triển của triều Nguyễn.



Điểm tham quan du lịch khác tại Kiên Giang



Cẩm Nang Du Lịch Kiên Giang