Tuyên Quang



Điểm tham quan tại Tuyên Quang


1. KHU DI TÍCH LỊCH SỬ TÂN TRÀO

KHU DI TÍCH LỊCH SỬ TÂN TRÀO

  • Địa chỉ: Thôn Tân Lập, Xã Tân Trào, Huyện Sơn Dương, Tuyên Quang

  • Vị trí: Tân Trào thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, cách thị xã Tuyên Quang khoảng 41km về phía tây bắc, cách Hà Nội 200km.

  • Đặc điểm: Tân Trào là căn cứ địa của cách mạng Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.

  • Điện thoại: 0207 0207 3830 264

  • Email: dulichtantraotq@gmail.com.vn

  • Website: www.dulichtantrao.com.vn

Khu di tích lịch sử Tân Trào - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nằm trên địa bàn các xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương); Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa, Phú Thịnh (huyện Yên Sơn). Đây cũng là địa bàn giáp gianh giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.

Tổng diện tích tự nhiên của toàn khu là 561,1km2, với 18 di tích và cụm di tích tiêu biểu, đã được xếp hạng di tích quốc gia:

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt của khu di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Tân Trào (huyện Sơn Dương và huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012).


2. THÁC MƠ

THÁC MƠ

Địa chỉ: , Thị trấn Na Hang, Huyện Na Hang, Tuyên Quang

Vị trí: Thác mơ thuộc thị trấn Nà Hang, huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hang, cách thị xã Tuyên Quang khoảng 100km.

Đặc điểm: Thác nước hùng vĩ phối hợp với khung cảnh núi rừng trùng điệp đang chờ đón những du khách ưa phiêu lưu, mạo hiểm.

Đường vào thác Mơ tương đối thuận tiện. Từ xa đã nghe thấy tiếng nước đổ ào ào. Càng đến gần thác, khí hậu càng lạnh. Tới thác, du khách dường như đang bước vào chốn bồng lai tiên cảnh. Thác ẩn dưới chân ngọn núi mà dưới đó là một hồ nước trong veo. Du khách sẽ lên một con xuồng nhỏ để tới thác. Ngồi trên xuồng, du khách được dịp thư giãn, thoả sức ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên "núi ôm mây, mây ấp núi".

Một khối nước bạc khổng lồ sẽ hiện ra trước mắt du khách. Thác gồm có 3 tầng, muốn lên tầng thác thứ 2, du khách phải leo khoảng hơn 10m thang dây. Tại chân tầng thác thứ 2 có một hồ nước nhỏ, trong vắt. Lên tầng này, du khách được đắm mình trong khung cảnh kỳ vĩ với những hang động nhũ đá lung linh huyền ảo. Tại tầng thác này nước chảy êm ả hơn, luồn qua những kẽ đá, trên những khối đá to rêu phủ xanh rì trông như những tấm thảm nhung. Bám tiếp thang dây, du khách sẽ tới đỉnh tầng thứ 3 của thác.


3. LÁN HANG BÒNG

LÁN HANG BÒNG

Địa chỉ: làng Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Vị trí: Hang Bòng nằm gần sát chân núi phía tây xã Tân Trào, cách sông Phó Đáy khoảng 300m.

Đặc điểm: là nơi Bác Hồ ở nhiều lần nhất và lâu nhất trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954).

Hang không rộng lắm nhưng có trần cao và thoáng đãng. Trước hang khoảng 50m có một giếng nước tự nhiên được hình thành từ các khe đá. Vị trí của hang không quá khuất nhưng đủ kín đáo, thuận tiện cho việc sinh hoạt, làm việc và quan sát từ xa. Chính vì những lý do đó nên Bác Hồ đã dựng lán tại hang Bòng và ở đây tới ba lần, có lần tới hơn một năm. Lán rộng chừng 20m2, được làm theo kiểu nhà sàn một gian thoáng, hiên lán bằng mái lá, lưng lán tựa vào vách hang. Từ đây có thể nhìn rõ con đường vào trung tâm xã Tân Trào, dòng sông Phó Đáy uốn lượn và cánh đồng làng Bòng trải dài đến đình Hồng Thái.

Di tích hang Bòng có giá trị đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, đồng thời phục vụ quá trình nghiên cứu về lịch sử kháng chiến, lịch sử Đảng, đặc biệt là về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


4. VĂN PHÒNG CHỦ TỊCH PHỦ - THỦ TƯỚNG PHỦ

VĂN PHÒNG CHỦ TỊCH PHỦ - THỦ TƯỚNG PHỦ

Địa chỉ: Thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Vị trí: khu vực thác Rẫng, bên bờ sông Phó Đáy, thuộc thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Đặc điểm: được xem là “đại bản doanh của Chính phủ kháng chiến” trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 – 1954).

Theo Chỉ thị của Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch phủ được đặt tại thôn Hồng Thái (nay là thôn Cả, xã Tân Trào) với bí danh là Trung đội 555, sau đó đổi tên là Ban Thông tin Tháng Tám và Ban Kiểm lâm 13. Giữa năm 1948, sau khi thay đổi nhiều địa điểm, Văn phòng Chủ tịch phủ được chuyển đến đóng tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương. Ở đây, địa thế hiểm trở, nhân dân có tinh thần yêu nước, hết lòng trung thành với Chính phủ, bảo đảm giữ được bí mật, đồng thời tiện liên lạc với nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và các cơ quan khác của Trung ương Đảng và Chính phủ.

Văn phòng Chủ tịch phủ thời gian này được giao nhiệm vụ làm đầu mối để phối hợp với các cơ quan chức năng sắp xếp, bố trí cho các bộ, ban, ngành của Chính phủ và các cơ quan Trung ương về đóng tại một số thôn, bản trong vùng An toàn khu. Đây là cơ quan cuối cùng hoàn thành văn bản để ban hành các sắc lệnh của Chủ tịch nước, các nghị định, thông tư của Chính phủ cũng như các văn kiện của Hội đồng Quốc phòng tối cao; là nơi tổng hợp tình hình và báo cáo của các bộ, ủy ban hành chính các liên khu, các tỉnh để báo cáo lên Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước và Thủ tướng đến các bộ, ngành và địa phương, phục vụ hoạt động đối ngoại của Đảng và Chính phủ.


5. NHA CÔNG AN TRUNG ƯƠNG

NHA CÔNG AN TRUNG ƯƠNG

Địa chỉ: ,thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Vị trí: là hai quả đồi rộng với độ cao thoai thoải (gọi tắt là đồi A và đồi B), phía sau là núi Đền bao bọc. Xung quanh hai quả đồi có nhiều cây cổ thụ cùng hệ thống giao thông hào và các bộ phận phòng thủ, chiến đấu khi có chiến sự.

Đặc điểm: là nơi ở và làm việc của cán bộ, nhân viên Nha Công an Trung ương từ tháng 4/1947 đến tháng 9/1950

Để đảm bảo bí mật, Nha Công an Trung ương bấy giờ có tên gọi là “nhà ông cả Nhã” với khoảng 100 cán bộ, nhân viên. Tổ chức của Nha Công an bao gồm các bộ phận: Ty Chính trị, Ty Tình báo, Ty Tuyên huấn, Ty Trật tự – Tư pháp, bộ phận điện đài, thông tin, làm ảnh căn cước, nhà in Nội san “Rèn luyện” và khu hậu cần. Trong đó, Nội san “Rèn luyện” do đồng chí Lê Giản – Giám đốc Nha Công an Trung ương làm chủ nhiệm. Ngày 21/2/1948, nội san ra số đầu tiên với 14 bản, phát hành hàng tháng. Tháng 10/1950, nội san trở thành một trong những tài liệu nghiên cứu học tập và tranh đấu của Nha Công an Trung ương. Đây cũng chính là tiền thân của Báo Công an nhân dân ngày nay.

Năm 1999, khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương (cơ quan tiền thân của Bộ Công an ngày nay) đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2000, di tích đã được Bộ Công an quan tâm đầu tư, tu bổ và xây dựng mới trên diện tích hơn 30ha với 10 di tích. Trong đó, điểm nhấn là quần thể tượng đài "Vì an ninh Tổ quốc" được làm bằng đá granite nguyên khối lớn, cao 21,6m, đường kính 4,5m, trọng lượng 420 tấn, diện tích gần 3.000m2, mang hình tượng người chiến sĩ tay nâng cao chim bồ câu thể hiện khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, trong quần thể khu di tích còn có khu bảo tàng Công an nhân dân, nơi lưu giữ trên 2.000 hiện vật, là kho tư liệu quý giá của lực lượng Công an nhân dân qua các thời kỳ.


6. CỤM DI TÍCH NÀ NƯA

CỤM DI TÍCH NÀ NƯA

Địa chỉ: Thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Vị trí: thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Đặc điểm: là di tích quan trọng trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945

Cụm di tích Nà Nưa bao gồm các di tích: lán Nà Nưa, lán Cảnh vệ, lán Điện Đài, lán Đồng Minh và lán họp hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng.

Cụm di tích Nà Nưa đã và đang trở thành điểm tham quan, về nguồn của mỗi người dân Việt Nam với mong muốn tìm hiểu về những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi in đậm bóng dáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người Cha già kính yêu của dân tộc.


7. THÁC PÁC BAN

AN TOÀN KHU KIM QUAN

Địa chỉ: ,thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang

Vị trí: nằm trải dài trên khu rừng Nà Lơi thuộc thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang

Đặc điểm: là di tích quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

An toàn khu (ATK) Kim Quan là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan khác của Đảng, Văn phòng Chính phủ trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn từ cuối năm 1953 đến tháng 8/1954.

Đầu năm 1953, Tiểu đoàn Công binh 333 (nay là Lữ đoàn Công binh 239) do đồng chí Lê Trung Ngôn phụ trách đã lên ATK Kim Quan dựng trụ sở làm việc cho các cơ quan Trung ương. Cuối năm 1953, một bộ phận của văn phòng Trung ương Đảng, Chính Phủ đã chuyển từ văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ lên ở và làm việc tại đây. Đầu năm 1954, Bác Hồ cũng chuyển lên Kim Quan. Để đảm bảo an toàn bí mật cho Bác, Trung ương Đảng và Chính Phủ, binh chủng công binh đã đào 3 căn hầm bí mật vào sâu trong lòng núi Nà Lơi. Các căn hầm đều được ốp gỗ 3 mặt, câu móc với nhau bằng đinh đỉa chắc chắn.


8. CÂY ĐA TÂN TRÀO

CÂY ĐA TÂN TRÀO

Địa chỉ: thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Vị trí: thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Đặc điểm: được xem là biểu tượng cách mạng của Thủ đô khu giải phóng

Cây đa Tân Trào là nơi chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, đặc biệt vào thời kỳ tiền khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Dưới gốc đa này, chiều 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó, quân Giải phóng đã làm lễ xuất quân, lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của nhân dân xã Tân Trào cùng 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội.

Cây đa Tân Trào trước đây gồm hai cây mọc cách nhau khoảng 10m, người dân trong vùng quen gọi là "cây đa ông" và "cây đa bà". Theo thời gian và do ảnh hưởng của thời tiết, cây đa Tân Trào dần già cỗi, đến năm 2008 chỉ còn lại một nhánh nhỏ của "cây đa ông" và một cành duy nhất ở hướng đông bắc của "cây đa bà".


9. THÁC PÁC BAN

THÁC PÁC BAN

Địa chỉ: Thôn Nà Pài, xã Vĩnh Yên, huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang,

Vị trí: Thác Pác Ban nằm giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hang, thuộc địa phận thôn Nà Pài, xã Vĩnh Yên, huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, cách thị trấn Nà Hang 4km.

Đặc điểm: Thác Pác Ban hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ kỳ vĩ tựa như một dải mây trắng giữa rừng đại ngàn. Thác đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là thắng cảnh quốc gia năm 2006.

Từ Hà Nội đi xe Tuyên Quang - Na Hang theo quốc lộ 2 khoảng hơn 160km là đến với thác Pác Ban. Trước đây, nếu muốn vào thác, bạn phải đi vòng phía tả ngạn sông Gâm chừng 4km, sau đó, đi thuyền trên hồ nước trong xanh, ngắm cảnh non nước hữu tình và rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú xung quanh. Hoặc cũng có thể men theo con đường nhỏ quanh co dưới chân núi qua những cây cầu tre xinh xắn để đến thăm thác... Còn bây giờ, khi đập thuỷ điện Tuyên Quang đã được xây dựng xong, nước tích thành hồ rộng mênh mông và con đường vào thác thuận lợi nhất là đi thuyền thẳng từ đập thuỷ điện vào tới tầng thác thứ hai.


10. HUYỆN NA HANG

HUYỆN NA HANG

Na Hang là một huyện vùng cao phía bắc của tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm thị xã Tuyên Quang 110km. Phía bắc giáp huyện Bắc Mê - tỉnh Hà Giang, huyện Bảo Lạc - tỉnh Cao Bằng. Phía đông giáp huyện Chợ Đồn- tỉnh Bắc Kạn. Phía nam giáp huyện Chiêm Hoá - tỉnh Tuyên Quang. Phía tây giáp huyện Bắc Quang - tỉnh Hà Giang.

Huyện Na Hang có nhiều rừng nguyên sinh, thảm thực vật tương đối dày đặc, độ che phủ 83% diện tích tự nhiên, nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc biệt là loài Voọc mũi hếch được ghi trong sách đỏ thế giới.

Huyện Nà Hang có 10 di tích được xếp hạng di tích quốc gia nổi bật là:

* Di tích hang Phia Vài (xã Khuôn Hà) là di chỉ khảo cổ điển hình đã được tìm thấy nhiều công cụ lao động có niên đại cùng thời văn hoá Hoà Bình và bộ di cốt người nguyên thuỷ bán hoá thạch.

* Di tích hang Phia Muồn (xã Sơn Phú) nằm trong khu vực phổ biến là những núi đá phiến sét vôi xen kẽ những núi đất, những dải thung lũng hẹp và những thảm rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn. Phia Muồn là một di chỉ cư trú và là khu mộ táng của cư dân thuộc nhiều giai đoạn tiền sử khác nhau.

* Di tích đền Pác Tạ (thị trấn Nà Hang) là một trong những dấu tích còn lại minh chứng cho cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai năm 1285. Nơi đây có đền Pác Tạ được dựng lên để phụng thờ và ngưỡng vọng vị hôn phu (người vợ sắp cưới) của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Ngôi đền nằm ở địa thế cao, bằng phẳng dưới chân núi Tạ Sơn huyền sử, là điểm hợp lưu giữa sông Gâm và sông Năng tạo nên một cảnh sắc “Sơn thuỷ hữu tình”. Đây là một ngôi đền thiêng, mỗi khi du khách qua đây đều ghé lại thắp hương cầu nguyện.

* Di tích chùa Phúc Lâm (xã Thượng Lâm) được khởi dựng thời nhà Trần với những phế tích kiến trúc giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật tôn giáo thời Trần về quy mô, kiểu dáng, vật liệu kiến trúc và phong cách điêu khắc, hoạ tiết hoa văn trang trí...

* Di tích Cơ quan Ấn loát đặc biệt Trung ương (xã Năng Khả). Nơi đây là địa điểm tổ chức in tiền đầu tiên của nhà nước cách mạng Việt Nam.

* Di tích Xưởng Quân khí H52 (xã Thượng Lâm) và địa điểm sản xuất diêm tiêu (xã Năng Khả) là 2 cơ sở trọng yếu khai thác và sản xuất diêm tiêu phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn từ năm 1950 đến 1954.

* Thắng cảnh thác Nặm Me (xã Khuôn Hà) là một con thác lớn tiêu biểu trong vùng, có chiều dài khoảng 4.000m, cao trên 200m so với mặt nước biển với 15 tầng thác lớn, xen giữa các tầng thác lớn là những tầng thác nhỏ với lưu lượng nước khá đều quanh năm. Thác có bề mặt rộng và thoáng, nước chảy bốn mùa len lỏi qua những cánh rừng nguyên sinh và dãy núi đá vôi trùng điệp, cây rừng cổ thụ mang đặc trưng các loại gỗ quý hiếm vùng nhiệt đới, liền kề với mặt hồ thuỷ điện Tuyên Quang tạo nên phong cảnh đẹp và hấp dẫn.

* Thắng cảnh Thượng Lâm (xã Thượng Lâm) với truyền thuyết 100 con chim phượng hoàng và 99 ngọn núi kỳ thú, nguyên sơ bao quanh lòng hồ xanh trong. Nơi đây được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn”.

* Thắng cảnh động Song Long là một hang động đẹp, cách mặt nước hồ thuỷ điện trên 200m, lòng hang có nhiều cột thạch nhũ với các hình thù kỳ thú, màu sắc lấp lánh như hoa cương, chia thành nhiều ngách ngăn nối tiếp nhau, hấp dẫn khách đến tham quan du lịch.

Huyện Nà Hang không chỉ có những nét đặc thù về điều kiện tự nhiên hiếm nơi có được, mà còn phong phú bởi nét văn hóa độc đáo của 15 dân tộc, trong đó chủ yếu là các dân tộc Tày, Dao, Mông, Kinh... với những lễ hội Lồng Tông, mừng lúa mới, lễ cấp sắc... vẫn duy trì. Vào mùa xuân không gian tràn ngập màu sắc của thổ cẩm và tiếng khèn Mèo, tiếng đàn tính.


11. KHU DU LỊCH SINH THÁI NÀ HANG

KHU DU LỊCH SINH THÁI NÀ HANG

Địa chỉ: ,huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang

Vị trí: Khu du lịch sinh thái Nà Hang thuộc huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm thị xã Tuyên Quang 105km về phía bắc.

Đặc điểm: Khu du lịch sinh thái Nà Hang là một điểm đến lý tưởng cho những du khách ưa mạo hiểm, thích khám phá những hang động kỳ thú, những khu rừng nguyên sinh.

Diện tích 15.000ha trong đó diện tích mặt nước là 8.000ha tại 12 xã thị trấn và vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, Nà Hang nơi có những cánh rừng nguyên sinh, dòng sông con suối và những thác nước tuyệt đẹp mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nơi đây. Dòng sông Gâm, sông Năng, những đỉnh núi cao Khuổi Tong, Loong Noòng, Bản Luốc, Pịa, Pắc Tạ... đã từng đi vào thơ, vào nhạc, gắn với các câu chuyện huyền thoại đậm tính nhân văn.

Khu bảo tồn đặc dụng Tác Kẻ - Bản Bung, rộng gần 42km², ôm gọn trong lòng cả 5 xã: Côn Lôn, Khau Tinh, Sơn Phú, Vĩnh Yên, Thanh Tương, với hàng nghìn loài thực vật, động vật quý hiếm. Đặc biệt là loài voọc mũi hếch được ghi trong sách đỏ thế giới.

Ngoài ra, Nà Hang còn rất phong phú bởi nét văn hóa dân tộc, các bản làng với những nếp nhà sàn bằng gỗ, mái lợp lá cọ, đồng bào dân tộc còn lưu giữ được các lễ hội mang đậm bản sắc như: lễ hội Lồng Tồng, mừng lúa mới, lễ cấp sắc. Vào mùa xuân không gian tràn ngập màu sắc của thổ cẩm và tiếng khèn Mèo, tiếng đàn tính.


12. SUỐI KHOÁNG MỸ LÂM

SUỐI KHOÁNG MỸ LÂM

Địa chỉ: ,huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang

Vị trí: Suối khoáng Mỹ Lâm thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm thị xã Tuyên Quang 13km về phía đông nam.

Đặc điểm: Mỹ Lâm có nguồn nước khoáng ngầm rất hữu hiệu cho việc chữa bệnh, có cả dịch vụ tắm nước khoáng và tắm bùn rất được du khách ưa thích.

Từ thị xã Tuyên Quang 13km về phía đông nam, con đường quanh co uốn lượn bên sườn núi dẫn vào khu nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm thật bình yên, thơ mộng. Du khách có dịp đến Tuyên Quang đều mong muốn được một lần đến suối khoáng Mỹ Lâm để đắm mình trong làn nước trong trẻo, ấm áp mà thiên nhiên ban tặng.

Suối khoáng Mỹ Lâm có nguồn nước khoáng sunfua ngầm trong lòng đất, được phát hiện từ thập niên 60. Năm 1965, khu nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm được xây dựng trên ngọn đồi thoai thoải nơi có dòng suối Mỹ Lâm chảy qua thật hữu hiệu cho việc chữa bệnh.

Hiện nay, khu nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm mở rộng phục vụ du khách tắm nước khoáng và tắm bùn; du khách sẽ cảm nhận được rằng thiên nhiên thật ưu ái con người khi ngâm mình trong bồn tắm ngập tràn nước khoáng ấm áp và được ngắm nhìn những khóm hoa rực rỡ đang khoe hương sắc trong ánh ban mai. Nước tắm luôn điều hòa và giữ ấm ở nhiệt độ 40 - 42oC luôn mang đến cho cơ thể du khách cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Tắm và ngâm bùn khoáng sunfua đã chữa khỏi bệnh đau khớp, đau dây thần kinh, mang lại niềm vui và sức khỏe cho biết bao người bệnh.



Cẩm Nang Du Lịch Tuyên Quang