Bình Định



Điểm tham quan tại Bình Định


1. Ghềnh Ráng Tiên Sa

Ghềnh Ráng Tiên Sa

Địa chỉ: , Thành phố Qui Nhơn, Bình Định

Vị trí: Từ thành phố Quy Nhơn đi theo quốc lộ 1D khoảng 3km về hướng đông nam, du khách sẽ đến với thắng cảnh Ghềnh Ráng.

Đặc điểm: Bãi biển Hoàng Hậu được đánh giá là bãi biển đẹp nhất ở tỉnh Bình Định.

Ghềnh Ráng về đêm mang một vẻ đẹp huyền ảo. Bầu trời mịn màng như tấm áo choàng được dệt bằng nhung huyền. Dưới chân núi, từng đợt sóng biển ngời ánh lân tinh, hoà quyện với ánh đèn của những chiếc thuyền đi biển ngoài khơi xa cứ lấp lánh dội vào vách đá lúc mờ lúc tỏ. Tiếng sóng biển vỗ nhè nhẹ. Từ đây nhìn ra con đường Quy Nhơn – Sông Cầu, những ánh đèn pha của dòng xe cộ nối đuôi nhau tạo thành một vệt sáng vắt ngang bờ biển cứ như dài ra đến vô tận…

Ghềnh Ráng đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng danh thắng Quốc gia năm 1991.Vượt qua đỉnh dốc Mộng Cầm, rẽ vào con đường dốc bậc thang sẽ là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử, với khuôn viên rừng dương thoáng đãng và gió biển xào xạc thanh tịnh bên tai.


2. Bãi biển Hoàng Hậu

Bãi biển Hoàng Hậu

Địa chỉ: , Thành phố Qui Nhơn, Bình Định

Vị trí: Nằm trong khu Ghềnh Ráng, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 3km về phía đông nam.

Đặc điểm: Bãi biển Hoàng Hậu được đánh giá là bãi biển đẹp nhất ở tỉnh Bình Định.

Tương truyền rằng, trong những lần theo vua Bảo Đại đi kinh lý các tỉnh miền Trung, Nam Phương Hoàng Hậu đã chọn nơi đây làm bãi biển cho riêng mình. Và bãi biển Hoàng Hậu có tên gọi bắt nguồn từ đây.

Bãi biển Hoàng Hậu đẹp một cách kiêu sa, đài các... như tên gọi của nó. Bất cứ ai đến đây cũng đều thấy ấn tượng bởi những hòn đá xanh tròn, nhẵn, trông giống như những quả trứng chim khổng lồ nằm xếp lên nhau trên bãi biển. Phía trước bãi là những bức tường đá thiên nhiên đứng che chắn sóng tạo nên vùng nước lặng. Sau bãi là những ngôi nhà nghỉ xinh xắn nổi bật giữa cỏ cây, hoa lá. Nhà hàng Hoàng Hậu được xây dựng đẹp và khang trang càng làm cho khung cảnh nơi đây thêm thơ mộng.

Tại đây du khách có thể tắm biển, câu cá, leo núi, khám phá những nét đẹp quyến rũ của Ghềnh Ráng hoặc nghỉ ngơi, ngắm trời biển bao la, thưởng thức những đặc sản biển tươi ngon như ốc, sò, ghẹ, cua, mực, tôm, cá...cùng nhiều món ăn độc đáo khác.


3. Suối nước nóng Hội Vân

Suối nước nóng Hội Vân

Địa chỉ: Thôn Hội Vân, Xã Cát Hiệp, Huyện Phù Cát, Bình Định

Vị trí: Từ thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, đi về hướng tây bắc chưa đầy 10km, du khách sẽ đến suối nước nóng Hội Vân.

Đặc điểm: Đây là một trong các nguồn nước khoáng nóng được khai thác để chữa bệnh ở Việt Nam.

Suối được phát nguyên từ vùng núi thấp phía bắc huyện Phù Cát, đến thôn Hội Vân nước chảy vào một hồ rộng khoảng 400m², sâu hơn 1m. Đáy hồ là những tảng đá lởm chởm chen nhau. Từ đó mạch nước nóng phun lên ùng ục, khói tỏa nghi ngút giống như một chảo nước đang sôi. Hồ nằm lọt giữa một thung lũng cát mênh mông, xung quanh có núi non vây bọc.

Nguồn nước khoáng thiên nhiên ở Hội Vân rất dồi dào và giàu khả năng trị liệu đối với nhiều loại bệnh khác nhau. Ngày nay, qua nghiên cứu, người ta đã biết trong nước nóng có chất lưu huỳnh (diêm sinh) và các khoáng chất rất thích hợp cho việc điều trị bệnh ngoài da, thấp khớp, tim mạch.


4. Tháp Đôi

Tháp Đôi

Địa chỉ: , Phường Đống Đa, Thành phố Qui Nhơn, Bình Định

Vị trí: Tháp nằm cạnh cầu Ðôi trên đường Trần Hưng Đạo, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Đặc điểm: Tháp Ðôi còn có tên là tháp Hưng Thạnh, được xếp vào một trong những tháp đẹp "độc nhất vô nhị" của nghệ thuật kiến trúc Champa.

Được xây dựng vào cuối thế kỷ 12, Tháp Đôi là công trình kiến trúc độc đáo gồm 2 tháp nằm cạnh nhau theo trục Bắc – Nam trong đó tháp Bắc cao 20m và tháp Nam cao 18m. Bởi hai tháp đứng gần như song song với nhau nên được gọi là Tháp Đôi. Cả hai ngôi tháp đều không phải là tháp vuông nhiều tầng theo truyền thống của tháp Champa cổ mà được tạo thành gồm 2 phần chính: khối thân vuông và phần mái tháp mặt cong. Vì vậy, thoạt nhìn ngôi tháp này trông giống với đền thờ của người Khơ-me thời kỳ Ăng-co thế kỷ 12.

Trong khi đó toàn bộ phần thân của tháp vẫn giữ nguyên hình dáng, cấu trúc, kiểu trang trí đặc trưng của tháp cổ Champa truyền thống: khối thân hình vuông, mỗi mặt tường bên ngoài được bố trí một cửa giả có vòm trên cao vút lên như những mũi lao, các cột ốp trơn nhẵn chạy dọc thân, giữa hai cột ốp là những đường khối chắc, khỏe, nhô cao, không còn dải hoa văn trang trí trên mặt ngoài của tường tháp... Phần chân tháp được tạo vòng đai bằng các khối đá lớn đỡ toàn bộ ngôi tháp, xen giữa là những hình voi, sư tử và hình người múa.


5. Chùa Long Khánh

Chùa Long Khánh

Địa chỉ: Số 141 đường Trần Cao Vân, Thành phố Qui Nhơn, Bình Định

Vị trí: Số 141 đường Trần Cao Vân, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Đặc điểm: Được xây dựng dưới thời vua Lê Dụ Tông (thế kỷ 18), chùa Long Khánh là nơi truyền bá tín ngưỡng Phật giáo trong vùng thời bấy giờ.

Chánh điện bài trí tôn nghiêm, có tượng đức Phật Thích ca ở giữa bằng đồng, cao 2m, được đúc tại chùa năm 1960. Pho tượng đức Phật A-di-đà ở sân trước chùa cao 17m, được tôn trí vào năm 1972. Hiện nay chùa còn lưu giữ 2 hiện vật quý, đó là:

- Thái Bình Hồng Chung (chuông Hồng Thái) được đúc vào năm 1805, triều vua Gia Long.

- Tấm dấu biểu trưng "Long Khánh Tự" được in vào năm 1813 triều vua Gia Long.


6. Bãi biển Kỳ Co

Bãi biển Kỳ Co

Địa chỉ: , Xã Nhơn Lý, Thành phố Qui Nhơn, Bình Định

Vị trí: nằm dưới chân núi Phương Mai, thuộc địa phận xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 25km về phía đông bắc. Từ trung tâm thành phố Quy Nhơn, du khách có thể đi xe máy hoặc taxi đến Eo Gió cũng thuộc xã Nhơn Lý, sau đó đi canô hoặc ghe ra bãi biển Kỳ Co.

Đặc điểm: được ví như Maldives của Việt Nam với biển xanh, cát trắng, nắng vàng

Bãi biển Kỳ Co trải dài uốn cong hình lưỡi liềm như vầng trăng khuyết với ba mặt giáp núi và một mặt giáp biển, có vị trí tách biệt, ngăn cách với khu vực đất liền phía trong. Từ xa, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ với những tầng cây xanh rợp mát hay những hàng dừa rủ bóng xuống triền cát mang theo vẻ đẹp mộng mơ, đầy quyến rũ. Càng lại gần phía biển, không khí thoáng đãng cùng những làn gió mang theo hơi mặn chát đặc trưng của biển khơi sẽ khiến tâm hồn mỗi người trở nên thư thái, căng tràn sức sống.

Tuy nhiên, điều khiến Kỳ Co thu hút nhất chính là màu nước biển. Từ ngoài khơi vào bờ, nước biển được chia thành các dải màu, chuyển dần từ xanh đậm sang xanh dương rồi đến màu xanh ngọc bích trong vắt. Thả mình vào dòng nước trong xanh như nhìn sâu tận đáy này, du khách sẽ có cảm giác đang bơi giữa một hồ bơi khổng lồ, tuyệt đẹp.

Đặc biệt, hai bên bờ biển có những bãi đá lan ra mặt nước, tạo nên những “hẻm núi” độc đáo, kỳ thú. Có chỗ đá nằm kế tiếp nhau, dựng đứng tạo thành hàng. Lại có vùng đá sụt xuống tạo thành những hố nông, khi thủy triều lên, nước lưu lại khiến nơi này như những hồ nước nhỏ. Một số vùng đá khác do bị nước biển bào mòn, lâu dần tạo thành các lỗ hổng lớn trông như những hang động kì thú.


7. Tháp Dương Long

Tháp Dương Long

Địa chỉ: , Xã Bình Hòa, Huyện Tây Sơn, Bình Định

Vị trí: Từ quốc lộ 1A, tới Gò Găng, cách Tp. Qui Nhơn 40km và Tp. Ðà Nẵng 270km, rẽ theo hướng tây vào sân bay Phú Cát, trước cổng sân bay, rẽ trái, đi tiếp chừng 9km nữa là tới.

Đặc điểm: Tháp Dương Long còn có tên là tháp Ngà, gồm 3 tháp, tháp giữa cao 24m, hai tháp hai bên cao 22m. Ðây là một trong những cụm tháp đẹp nhất còn lại của miền Trung Việt Nam.

Phần thân tháp xây gạch, các góc được ghép những tảng đá lớn và các trang trí điêu khắc đều bằng đá. Cửa tháp quay hướng đông và được nâng lên khá cao, chừng khoảng 1,5m và khung cửa là những khối đá lớn. Nửa phần trên của tháp gần như là những khối đá lớn xếp chồng lên nhau rất khéo. Ở các góc là những mảng chạm lớn với hình những con vật chim thần: Garuda, Voi, Đại bàng... Các mặt phẳng của tường được phủ nhiều bức phù điêu lớn có hình lá đề, mô tả cảnh múa hát, tu sĩ.

Mọi chi tiết trang trí ở tháp này đều rất lớn, trổ trên sa thạch, đường nét rõ ràng và còn giữ được rất tốt. Chỉ riêng những khối đá lớn trên mái đã bị xô lệch nhiều.Những người này được thể hiện có đầu tương đối lớn, đội mũ có chỏm cao. Ðặc biệt là những đỉnh tháp ở đây là những bông sen vĩ đại với nhiều lớp cánh hoa hơi hướng lên trên.


8. Tháp Bánh Ít

Tháp Bánh Ít

Địa chỉ: , Xã Phước Hiệp, Huyện Tuy Phước, Bình Định

Vị trí: Thuộc xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, trên đỉnh một quả đồi nằm giữa 2 nhánh sông Côn là Tân An và Cầu Gành, bên cạnh quốc lộ 1A, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20km.

Đặc điểm: Đây là một quần thể gồm 4 tháp, đứng nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít nên gọi là tháp Bánh Ít.

Tháp chính cao 22m trông giống như chiếc bánh ít lá gai. Chung quanh tháp chính còn có ba tháp phụ, hình dáng thấp và nhỏ bé hơn nhiều. Trong ba tháp này có hai tháp giống như hai chiếc bánh ít ngọt và một tháp giống bánh ít mặn. Mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt mang sắc thái khác nhau. Trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá.

Gần tháp Bánh Ít là tu viện Nguyên Thiều với phật đài lộ thiên uy nghi trên một đỉnh đồi, nhìn xuống giải nước trong xanh của dòng Tân An thơ mộng.

Về phương diện nghệ thuật, trong toàn bộ di tích tháp Chàm còn lại thì tháp Bánh Ít là quần thể kiến trúc độc đáo với nhiều dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao.


9. Bảo tàng Quang Trung

Bảo tàng Quang Trung

Địa chỉ: Làng Kiên Mỹ, Thị trấn Phú Phong, Huyện Tây Sơn, Bình Định

Vị trí: Từ thành phố Quy Nhơn, đi theo Quốc lộ 19 khoảng 45km, du khách sẽ đến bảo tàng Quang Trung ở thị trấn Phú Phong, mảnh đất quê hương của ba anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.

Đặc điểm: Bảo tàng Quang Trung lưu giữ các hiện vật về những chiến tích của vua Quang Trung và trình diễn Nhạc võ Tây Sơn - một môn võ truyền thống của Bình Định.

Được khởi công xây dựng năm 1978 trên một khuôn viên rộng 95.000m² với lối kiến trúc vừa cổ kính, vừa hiện đại, bảo tàng Quang Trung là một không gian văn hoá bao gồm: khu vực bảo tàng, điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, tượng đài Hoàng đế Quang Trung, nhà biểu diễn nhạc võ Tây Sơn, nhà rông văn hoá các dân tộc Tây Nguyên...

Bảo tàng Quang Trung là thưởng thức nhạc võ Tây Sơn với một bộ 12 trống tượng trưng cho 12 con giáp. Một bài trống gồm ba hồi: xuất quân xung trận, hãm thành và ca khúc khải hoàn. Khi nghe bài trống này, du khách sẽ cảm thấy cảnh mưa rào thác đổ, khi nhặt khi khoan, khi dồn dập bức tim, khi hào hùng phấn chấn. Tương truyền ngày xưa, nhạc võ được đánh để kích thích tinh thần của nghĩa quân Tây Sơn.

Hàng năm cứ vào ngày 5/1 âm lịch, nhân dân quanh vùng lại tụ hội về bảo tàng để làm lễ tưởng niệm người anh hùng dân tộc Quang Trung (hay còn gọi là ngày lễ Đống Đa).


10. Thành cổ Hoàng Đế

Thành cổ Hoàng Đế

Địa chỉ: , Xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn, Bình Định

Vị trí:Thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Qui Nhơn khoảng 27km về hướng bắc.

Đặc điểm:Thành Hoàng Đế là nơi đặt đại bản doanh của nghĩa quân Tây Sơn trong giai đoạn đầu và sau đó là kinh đô của chính quyền trung ương Hoàng Đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc.

Thành Hoàng Đế không lớn nhưng có nét đẹp riêng và đặc biệt là mang đậm kiến trúc Chămpa với ba vòng thành: thành nội, thành ngoại và Tử Cấm Thành. Thành ngoại là vòng thành ngoài cùng, hình chữ nhật nhưng các cạnh uốn lượn, không thẳng, có chu vi 7400m. Chân thành có chiều rộng hơn 10m, tường thành cao trên 6m và mặt thành rộng tới trên 4m Thành mở 5 cửa, trong đó tường thành phía nam mở hai cửa là cửa Vệ và cửa Tân Khai. Ba tường thành phía đông, tây, bắc thì mở ba cửa Đông, Tây và Bắc. Thành được đắp bằng đất, phía trong và ngoài bó đá ong. Thành nội có tên là Hoàng thành, được xây chếch về hướng tây nam của thành ngoại. Thành nội hình chữ nhật với chu vi 1600m, chân thành rộng từ 7-9m. Tường thành cũng được đắp bằng đất và bó đá ong hai mặt. Thành nội mở ba cửa trong đó cửa Tiền ở chính giữa tường thành phía nam nhìn thẳng ra cửa Vệ của thành ngoại. Tử Cấm Thành nằm ở trung tâm thành Hoàng Đế, là vòng thành trong cùng, hình chữ nhật, chu vi gần 600m. Tường thành cao 1,8m, riêng góc đông nam cao đến trên 3m, mặt thành rộng khoảng 1,5m. Thành có 4 cửa ở 4 hướng, trong đó cửa ở hướng nam là cửa chính với tên gọi cửa Nam Lâu hay cửa Quyển Bồng.

Thành cổ Hoàng Đế đã được Bộ Văn Hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 1982.


11. Khu du lịch Hầm Hô

Khu du lịch Hầm Hô

Địa chỉ: Thôn Phú Mỹ, Xã Tây Phú, Huyện Tây Sơn, Bình Định

Vị trí: Thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Qui Nhơn khoảng 55km về phía tây bắc.

Đặc điểm: Nơi đây có địa hình đa dạng với sông, hồ, vực, thác, rừng, núi nằm men theo hạ lưu sông Kút.

Với tổng diện tích 42,3ha, khu du lịch Hầm Hô nằm trải rộng trong một thung lũng được bao quanh bốn bề là núi. Theo truyền thuyết, cách đây hàng ngàn năm, ở vùng hạ lưu sông Kôn - sông Kút không năm nào lại không bị hạn hán đe dọa. Vào một hôm hạn hán khốc liệt nhất, chứng kiến thảm hoạ đói khát của các buôn làng, Thần Mưa đã tạo sông, hồ cứu vớt bao sinh linh. Từ đó tên gọi Hầm Hô được hình thành, bắt nguồn từ lễ tế thần linh "hô phong - hoán vũ" để cầu mưa.

Hầm Hô có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, trong đó nổi bật là khúc sông dài khoảng 3km. Trong lòng sông có nhiều tảng đá hoa cương khổng lồ mang hình thù kỳ thú như: hòn Bóng, hòn Đá Đôi, hòn Chuông, hòn Đá Thành, hòn Gõ, hòn Đá Bàn Cờ... Đặc biệt, phía tả ngạn của khúc sông có thác Hầm Hô – kết quả của việc địa hình khúc sông bị gấp khúc đột ngột khiến dòng nước chảy mạnh xuống phía dưới tạo thành thác.


12. Làng đúc đồng Bằng Châu

Làng đúc đồng Bằng Châu

Địa chỉ: Bằng Châu, xã Ðập Ðá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh.

Vị trí: Làng Bằng Châu, xã Ðập Ðá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh.

Đặc điểm: Là làng nghề đúc đồng truyền thống còn lại duy nhất ở Bình Định.

Ông tổ của nghề đúc đồng ở Bằng Châu là thiền sư Dương Không Lộ (1016 – 1094), tên thật là Dương Minh Nghiêm, quê ở làng Hải Thanh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Thiền sư là người rất giỏi văn chương và y học. Thời đó, thái tử nhà Đường (Trung Quốc) bị bệnh nặng, không ai chữa khỏi nên vua Đường phải cho mời ông sang. Do chữa khỏi bệnh cho thái tử nên ông được vua Đường ban thưởng tùy ý nhưng chỉ nhận đồng đen mang về. Về nước, ông mở nghề đúc đồng rồi sau đó đi khắp nơi để truyền nghề, trong đó có làng Bằng Châu. Vì vậy, dân làng đã tôn ông làm tổ nghề.

Để chế tác ra một sản phẩm đồng hoàn chỉnh thì người thợ phải tiến hành các công đoạn như: làm khuôn, sơn khuôn, nấu đồng và đúc đồng. Để làm khuôn, người thợ đem đất sét, đất phù sa, trấu sống, bột than trấu, bột sạn chịu lửa, giấy dó… giã nhỏ, rây kỹ, sau đó đem ủ kín trong lu, vò hay thùng. Sau 1 ngày đêm, nguyên liệu được đem ra đánh tơi, kiểm tra lại độ mịn rồi dùng để đúc khuôn.


13. Cù Lao Xanh

Cù Lao Xanh

Địa chỉ: xã đảo Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn,

Vị trí: Thuộc xã đảo Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 28km về phía đông nam. Đi thuyền từ bến Hàm Tử, thành phố Quy Nhơn khoảng gần 2h, du khách sẽ đến Cù Lao Xanh, đến để hòa mình vào thiên nhiên và khám phá nhiều điều thú vị khác.

Đặc điểm: Một không gian xanh bất tận của biển, trời và đảo. Đó chính là Cù Lao Xanh, món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Bình Định.

Ðêm đêm, từ bờ biển Quy Nhơn, phóng tầm mắt ra khơi xa, giữa hàng trăm đốm sáng lung linh tựa hoa đăng, du khách sẽ bị cuốn hút vào một ngọn đèn lúc ẩn, lúc hiện, vừa huyền diệu, vừa bí ẩn ... Ðó là ngọn hải đăng Cù Lao Xanh trên đỉnh một ngọn núi ở độ cao 120m.

Hải đăng Cù Lao Xanh là sự hòa quyện tuyệt diệu giữa hai phong cách kiến trúc gô-tich của phương Tây và kiến trúc phương Ðông. Kết cấu của hải đăng gồm 3 phần chính, phân bổ hài hòa, hợp lý. Phần chân tháp gồm 32 bậc thang được xây bằng gạch vồ; phần thân tháp hình trụ, bên trong có một cầu thang lượn hình xoắn ốc 58 bậc; và cuối cùng là ngọn đèn pha có tầm chiếu sáng 27 hải lý. Chu kỳ vòng quay của đèn là 12 giây gồm 3 tia ngắn, 1 tia dài. Tính từ chân lên đỉnh tháp, hải đăng Cù Lao Xanh cao 19m, nhưng vững chắc, kiên cố vì toàn bộ được xây bằng đá tảng lớn, tường dày hơn 1m. Ngọn hải đăng Cù Lao Xanh sừng sững hiên ngang giữa biển khơi là biểu tượng đẹp đẽ nhất cho tinh thần của người dân Cù Lao Xanh quanh năm sống chung với sóng gió biển khơi.


14. Thành phố Quy Nhơn

Thành phố Quy Nhơn

Quy Nhơn là thành phố tỉnh lị tỉnh Bình Định.

Diện tích: 286 km²

Dân số: 271 nghìn người (2008)

Đơn vị hành chính:

- Phường: Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Cừ, Đống Đa, Thị Nại, Hải Cảng, Ngô Mây, Ghềnh Ráng, Quang Trung, Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu

- Xã: Nhơn Lý, Nhơn Hội, Nhơn Châu, Nhơn Hải, Phước Mỹ

Thành phố Quy Nhơn nằm ở phía đông nam của tỉnh Bình Định, phía đông là biển Đông, phía tây giáp huyện Tuy Phước, phía bắc giáp huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát, phía nam giáp huyện Sông Cầu của tỉnh Phú Yên.

Thành phố Quy Nhơn đa dạng về địa hình; bao gồm đồi núi (như núi Đen cao 361m), rừng nguyên sinh (khu vực đèo Cù Mông), biển (đường bờ biển dài 42km), sông, đầm (đầm Thị Nại), hồ, bán đảo (bán đảo Phương Mai) và đảo (đảo Nhơn Châu – Cù lao xanh). Vùng biển Quy Nhơn có tài nguyên sinh vật biển phong phú với nhiều loại đặc sản quí có giá trị kinh tế cao.

Về khí hậu, Quy Nhơn có 2 mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 1 - 7, mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 12 năm sau; nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 24,5°C.

Vùng biển Quy Nhơn đẹp bởi vẻ hoang sơ, nước biển xanh và cát trắng. Đến với biển Quy Nhơn, hình ảnh thường bắt gặp là những chiếc thuyền nan trên bãi cát. Không khí nơi đây thật dễ chịu, trong lành và tinh khiết. Quy Nhơn trở thành thành phố biển, trung tâm nghỉ mát, tham quan, hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.Các ngành kinh tế chính của thành phố gồm công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ cảng biển, nuôi và khai thác thuỷ hải sản, du lịch.

Đến với thành phố Quy Nhơn du khách có thể thăm khu di tích tưởng niệm nhà thơ Hàn Mặc Tử trong khuôn viên rừng dương thoáng đãng và đến thắp nén hương tưởng nhớ thi sỹ với những bài thơ bất hủ; chiêm ngưỡng tháp Đôi – một trong những tháp vào loại đẹp và đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc Chămpa; vãn cảnh chùa Long Khánh - một trong hai ngôi chùa có niên đại cổ kính nhất ở Bình Định. Nếu là người yêu thiên nhiên hãy ghé thăm Ghềnh Ráng - một bức tranh sơn thủy hữu tình hiếm nơi nào có được; và thăm bán đảo Phương Mai với một hệ thống núi đá xen kẽ những đồi cát chạy dài ra biển.

Quy Nhơn nằm cách Hà Nội 1.065km, thành phố Hồ Chí Minh 690km và thành phố Quy Nhơn có cầu Thị Nại là cây cầu vượt biển lớn nhất nước (dài 6.960m) nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội).Pleiku 176km. Quy Nhơn có cảng Quy Nhơn và sân bay Phù Cát (cách trung tâm thành phố 27km). Vietnam Airlines có các chuyến bay TP.HCM - Quy Nhơn (7 chuyến/tuần) và Hà Nội – Quy Nhơn (3 chuyến/tuần).


15. Làng nghề rượu Bàu Đá

Làng nghề rượu Bàu Đá

Địa chỉ: thôn Cù Lâm Bắc, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Vị trí: Làng rượu Bàu Đá thuộc địa phận thôn Cù Lâm Bắc, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Từ Tp. Quy Nhơn, theo quốc lộ 1A khoảng hơn 10km về hướng bắc, du khách sẽ đến huyện An Nhơn. Đi tiếp theo quốc lộ 19 khoảng 10km nữa về hướng tây, du khách sẽ tới xã Nhơn Lộc.

Đặc điểm: Đây là nơi chế biến ra loại rượu thơm ngon nổi tiếng, sánh ngang với các sản phẩm rượu nổi tiếng khác của Việt Nam.

Về đồ nghề làm rượu, người ta sử dụng củ tre có hình cong, ruột đục rỗng để làm ống dẫn rượu từ lò ra chum. Chum đất hứng rượu phải được bịt kín để tránh rượu bay hơi. Trong thời gian nấu, thông thường người ta chỉ để lửa liu riu, tuy nhiên, vẫn phải thường xuyên lắng nghe giọt rượu nhỏ nhanh hay chậm để thêm hay bớt lửa. Chính vì cách nấu cẩn thận này mà rượu Bàu Đá có hương vị rất tinh khiết và đậm đà.


16. Tháp Cánh Tiên

Tháp Cánh Tiên

Địa chỉ: Nam An, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định,

Vị trí: Tháp Cánh Tiên nằm giữa thành Ðồ Bàn, thuộc làng Nam An, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Qui Nhơn 27km về hướng tây bắc.

Đặc điểm: Tháp xây trên một đỉnh đồi cao chừng vài chục thước, thờ bà Nữ Thần Y A Na.

Tháp Cánh Tiên có bề mặt vuông, nhiều tầng xây bằng gạch, cao gần 20m, trông xa giống như đôi cánh của nàng tiên đang bay lên trời.

Đây là một trong những ngôi tháp điển hình cho phong cách kiến trúc Bình Định. Kết cấu gồm tiền sảnh và điện thờ (tiền sảnh bị đổ sụp). Phía ngoài thân tháp, các mặt tường được trang trí những cột ốp và các khung dọc nhô ra. Khác với các tháp chàm khác, tháp Cánh Tiên được xây dựng một phần bằng sa thạch ở nửa phía ngoài các cột ốp tường và các góc diềm mái. Tại bốn góc ở mỗi tầng của tháp có các chi tiết bằng đá hình đuôi phượng nhô ra.



Cẩm Nang Du Lịch Bình Định