Điểm tham quan tại Hà Nội

II. DU LỊCH DI SẢN DI TÍCH ĐÌNH CHÙA HÀ NỘI



1.Chùa Tây Phương

Chùa Tây Phương

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Xã Thạch Xá , Huyện Thạch Thất

Điện Thoại: (+84) 243.368.3888

Email: ttvhtt_thachthat@hanoi.gov.vn

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi hoặc xe khách là tiện nhất

Được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt năm 2015, chùa Tây Phương, huyện Thạch Thất từ lâu đã nổi tiếng là một di tích danh thắng vào loại bậc nhất trong vùng.

Chùa có tên chữ là Sùng Phúc tự, tọa lạc trên núi Câu Lậu, thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Căn cứ vào các thư tịch cổ, núi Tây Phương còn gọi là núi Câu Lậu. Đại Nam nhất thống chí viết: “Núi Tây Phương cách huyện Thạch Thất 3 dặm về phía Nam, có tên là Câu Lậu sơn, huyện lỵ đóng ở chân núi. Núi Câu Lậu có giống trâu lặn ở dưới nước thường lên bờ chọi nhau khi nào mềm lại xuống nước”. Các nhà nghiên cứu cho rằng: trong tâm thức của người Việt, gọi đây là núi Trâu - xa xưa phát âm là Klâu, rồi dần phiên âm Hán Việt thành Câu Lậu.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, diện mạo kiến trúc hiện nay của chùa vẫn giữ được dáng dấp, bố cục từ thời Lê, được tu bổ lớn vào các gia đoạn sau với các hạng mục: Tam quan hạ, Tam quan thượng, Miếu Sơn Thần, Tiền đường, Trung đường, Thượng điện, Nhà Tổ - Nhà Mẫu và Nhà khách.

Di tích chùa Tây Phương được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt 31/12/2014. Hệ thống tượng Phật chùa Tây Phương gồm 34 pho có niên đại thời Tây Sơn đã được công nhận Bảo vật quốc gia 14/01/2015.


2. Chùa Đậu

Chùa Đậu

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Gia Phúc, Xã Nguyễn Trãi , Huyện Thường Tín

Điện Thoại: (+84) 242.245.4640

Email: pvhtt_thuongtin@hanoi.gov.vn

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi hoặc xe khách là tiện nhất

Chùa Đậu là một ngôi chùa nổi tiếng nằm tọa lạc tại thôn Gia Phúc xã Nguyễn Trãi huyện Thường Tín (xưa là phủ Thường Tín - tỉnh Hà Đông). Chùa thờ thần linh nông nghiệp sau đó phát triển thành một sản phẩm của sự giao thoa văn hóa nhiều chiều trong lịch sử. Các vị thần thuộc hệ thống Tứ Pháp (như Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi - Pháp Điện) làm ra các phép như mây, mưa, sấm, chớp phục vụ mùa màng nông nghiệp lúa nước của nhân dân, điều đó vốn có sẵn trong tâm thức người dân bản địa. Do ảnh hưởng của Phật giáo mà các vị thần này đã được hóa Phật và tôn thờ. Tất cả các tượng chính (mỗi chùa 1 tượng) đều có màu mận sẫm, đó là màu gắn với nguồn nước, ảnh hưởng và liên quan tới màu của thần Siva thuộc đạo Bà La Môn – đạo thờ Tứ pháp nguyên thủy, trong đó có chùa Đậu.

Ngôi chùa được xây dựng với một quy mô tổng thể rất lớn, kết cấu theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Nghĩa là trong khuôn viên chùa, các công trình kiến trúc thờ tiền Phật, hậu thánh, được bố cục giống như hình chữ công, xung quanh được quây kín bởi các cụm kiến trúc khác tạo thành hình chữ “国” (quốc)theo mẫu chữ hán. Tổng thể khuôn viên chùa Đậu bao gồm: Tam quan, nhà tả vu – hữu vu, tiền đường, tam bảo, nhà tổ...

Chùa Đậu, là một quần thể kiến trúc đặc biệt ngôi chùa mang nhiều những nét nghệ thuật của các vương triều theo dòng thời gian của lịch sử dân tộc, đã đánh dấu một bước phát triển của tín ngưỡng văn hóa dân gian, đồng thời đây được coi là 1 kiến trúc lớn còn giữ được nhiều dấu vết nghệ thuật của nhiều giai đoạn lịch sử (Lý - Trần – Lê - Nguyễn). Chùa xứng đáng là một điểm sáng trong hệ thống di tích của huyện Thường Tín nói riêng và của cả nước nói chung, cũng là chốn linh thiêng được người dân nhiều nơi về lễ cầu đảo.


3. Chùa Trăm Gian

Chùa Trăm Gian

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Tiên Lữ, Tiên Phương, Chương Mỹ Xã Tiên Phương , Huyện Chương Mỹ

Điện Thoại: (+84) 243.386.6080

Email: pvhtt_chuongmy@hanoi.gov.vn

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi hoặc xe khách là tiện nhất

Chùa Trăm Gian có tên chữ là Quảng Nghiêm tự, còn gọi là chùa Tiên Lữ (theo tên thôn), hay chùa Trăm Gian (vì có nhiều gian). Chùa nằm trên núi Sở có hình con ngựa, cạnh đó có núi So hình con hổ, các gò đồi xung quanh có các tên là con Mộc, con Hỏa, con Long…

Cũng giống như chùa Bối Khê ở Thanh Oai, chùa Trăm Gian thuộc chùa tiền Phật hậu Thánh (trước thờ Phật sau thờ Thánh).

Tục truyền rằng: Đức thánh Nguyễn Bình An quê ở Bối Khê (Thanh Oai), Vào thời nhà Trần, ở làng Bối Khê có một người phụ nữ nằm mộng thấy đức Phật giáng sinh, rồi có mang, sinh ra đứa con trai. Năm lên 9 tuổi, sau khi bố mẹ mất, người con trai ấy bỏ nhà vào tu ở chùa Đại Bi trong làng. Lên 15 tuổi thì đến thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương thấy cảnh đẹp, người xin yết kiến và theo học kinh kệ với vị trưởng lão tu tại ngôi chùa trên núi. Sau mười năm học đạo, người thanh niên đó hiểu thấu mọi phép linh thông. Vua Trần nghe tiếng, sắc phong là Hòa Thượng, đặt hiệu là Đức Minh rồi mời về tu ở chùa trong kinh đô.

Sau khi vị trưởng lão ở chùa Tiên Lữ viên tịch, Hòa Thượng Đức Minh xin về làng dựng ngôi chùa mới. Năm 95 tuổi, ngài ngồi vào một cái khám gỗ, từ biệt đệ tử rồi siêu thoát. Một trăm ngày sau, đệ tử mở cửa khám, kim thân từ tỏa mùi thơm nức, ngào ngạt gần xa. Dân Bối Khê cũng lên rước thi hài Người về quê nhưng không được, đến ngày 12 bèn xin duệ hiện và rước bát nhang về thờ vọng, từ đó dẫn đến việc kết chạ giữa hai dân Bối Khê - Tiên Lữ. Dân làng Tiên Lữ và đệ tử xây tháp để gìn giữ kim thân và tôn thờ là đức Thánh Bối.

Chùa Trăm Gian như hiện nay đã được trùng tu và xây dựng thêm qua nhiều thời đại. Đây là một quần thể kiến trúc độc đáo. Theo cách tính cứ 4 góc cột là một "gian" thì chùa có cả thảy 104 gian, chia thành 3 cụm kiến trúc chính:

Cụm thứ nhất gồm 4 cột trụ và 2 quán, trước đây là nơi đánh cờ người trong ngày hội, tiếp đó là nhà Giá Ngự nhìn ra mặt hồ sen, nơi đặt kiệu thánh để xem trò múa rối nước.

Chùa có hơn 150 pho tượng, phần lớn bằng gỗ, một ít đắp bằng đất. Đặc biệt ở gian giữa thượng điện có một bệ bằng đất nung đỏ hình khối chữ nhật. Trên là đài sen, xung quanh trang trí nhiều hình động vật và hoa lá, ...


4. Chùa Thầy và cụm di tích Sài Sơn

Chùa Thầy và cụm di tích Sài Sơn

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Đa Phúc, Xã Sài Sơn , Huyện Quốc Oai

Điện Thoại: (+84) 98.284.3661

Email: ttvhtttt_quocoai@hanoi.gov.vn

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi hoặc xe khách là tiện nhất

Chùa Thầy và núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách là một phức thể kiến trúc tôn giáo nằm dàn trải trên địa bàn rộng lớn với các điểm di tích dầy đặc gồm đình, đền, chùa… Việc thờ Phật ở đây gắn liền với tên tuổi của thiền sư Từ Đạo Hạnh, vị tổ sư thứ 24 của dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi. Giới nghiên cứu Phật học cho rằng trung tâm điểm của quần thể di tích này in đậm dấu ấn của Mật Tông.

Chùa được dựng ở khu đất Hàm Rồng, sân trước chùa là lưỡi rồng thè ra uống nước, hai cầu Nhật - Nguyệt ví như hai râu rồng và nhà thuỷ đình là viên ngọc mà rồng vờn. Đây là thế đất phù hợp với quan niệm của thuyết phong thuỷ: phía trước, bên kia hồ có núi Long Đẩu làm án, hai bên có hai dải núi ôm bọc như thế tay hổ, trước mặt có hồ nước mang tư cách não thuỷ, phía sau có núi đá được xem như là hậu chẩm…


5. Đình Tây Đằng

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Thị trấn Tây Đằng , Huyện Ba Vì

Điện Thoại: (+84) 243.396.1908

Email: tttd_bavi@hanoi.gov.vn

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi hoặc xe khách là tiện nhất

Đình Tây Đằng thờ Tam vị Thánh Tản (Tản Viên, Cao Sơn, Quí Minh) làm Thành hoàng làng, mang tư cách như những anh hùng văn hoá, biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc trong việc đánh thắng giặc nước và giặc ngoại xâm. Đình Tây Đằng có niên đại khởi dựng vào thế kỷ XVI (Hà Văn Tấn, Vũ Tam Lang, Trần Lâm Biền). Đình nằm trên một khu đất đẹp, cao ráo giữa trung tâm của làng Tây Đằng, tựa lưng phía sau là khu cư trú của thôn Đông, phía trước hướng về núi Ba Vì (Tản Viên) hùng vĩ, cách núi khoảng 10 km.

Lễ hội Đình làng Tây Đằng được quy định 5 năm tổ chức một lần, vào các năm có số cuối là 5 và 0. Lễ hội chủ yếu tập trung vào kỳ lễ Giao Điệt từ 10 đến 15 tháng Giêng với nghi thức trang trọng, giản tiện. Các năm không tổ chức hội chỉ có kiệu lễ và kiệu văn đi rước ở chầu (thôn) về đình tế.


6. Đình Chèm

Đình Chèm

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Làng Chèm, Thụy Phương, Bắc Từ Liêm

Điện Thoại: (+84) 243.224.2098

Email: pvhtt_bactuliem@hanoi.gov.vn

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi hoặc xe khách là tiện nhất

Đình Chèm thờ Thượng đẳng thiên vương Lý Ông Trọng, tên húy là Lý Thân. Tương truyền, ông xuất thân từ một gia đình danh giá, là một cậu bé khôi ngô, khí tướng lạ kỳ, cao lớn khác thường. Lớn lên, ông văn giỏi, võ tài, tính tình hiếu nghĩa, cương trực. Bấy giờ phía tây nam có giặc hay quấy nhiễu biên thùy. Nhà vua xuống chiếu cầu người tài đức ra dẹp giặc cứu nước. Phủ Quốc Oai bèn tiến cử Lý Thân. Ngài đổi tên là Ông Trọng và được phong làm Chỉ huy sứ, lĩnh ý đi dẹp tan giặc, lập được nhiều công lớn. Cuối đời Duệ Vương, đất nước Văn Lang bị quân Tần xâm lược, ông phò tá Thục Phán cùng quân dân Văn Lang đánh cho chúng tan tác tháo chạy, sau đó vua Hoàng Duệ Vương truyền ngôi cho Thục An Dương Vương và đổi tên nước là Âu Lạc.

Đình Chèm là một trong những ngôi đình cổ nhất ở Việt Nam, có lịch sử hơn nghìn năm, Đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu. Hiện nay Đình Chèm còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao như: 16 cuốn sách chữ Hán, 3 đạo sắc phong của các vua Nguyễn, 4 tấm bia đá, 10 tượng thờ, 8 bức hoành phi, 15 câu đối, 2 chuông đồng đúc thời Nguyễn; các đồ khí tự có giá trị như: 8 sập thờ, 4 nhang án, long ngai bài vị, bát hương, cây đèn cây nến, bát bửu, lọng thờ, hạc thờ, chóe sứ, hũ gốm, lọ hoa sứ,…đặc biệt Đình Chèm vẫn còn lưu giữ chiếc lư hương ngàn năm tuổi, cây thiên mệnh rất quý hiếm; có hệ thống máng dẫn nước mưa được đúc bằng đồng vào các năm 1748, 1756, thời vua Lê Hiển Tông và thời vua Minh Mệnh (nhà Nguyễn) năm 1824. Tổng thể các di vật đồ thờ trong đình được xếp theo trục hoàng đạo Đông, Bắc, Tây, Nam.

Lễ hội Đình Chèm có từ xa xưa để tưởng nhớ ngài Lý Ông Trọng. Hội diễn ra hàng năm, chính hội là ngày 15/5 âm lịch. Khai hội, phần lễ diễn ra trang trọng với hoạt động rước nước, rước mã, rước văn, lễ mộc dục, lễ phát tấu. Phần hội cũng được tổ chức quy mô với các cuộc thi và trò chơi truyền thống đặc sắc như: thi làm chè kho, thi bơi, thi vật, thi bắt vịt nước, chơi cờ người, tổ tôm điếm, đấu vật… thu hút sự tham gia của cộng đồng nhân dân và để lại ấn tượng với du khách thập phương. Tham gia việc tổ chức hội là nhân dân ở ba làng kết nghĩa anh em với nhau: làng Chèm (hiện nay là phường Thụy Phương), làng Hoàng Xá và làng Hoàng Liên (hiện nay thuộc phường Liên Mạc). Làng Chèm (thờ chính) được gọi là anh cả, làng Hoàng Xá (thờ vọng) được gọi là anh hai và làng Hoàng Liên (thờ vọng) được gọi là anh ba. Cách xưng hô giữa ba làng gọi nhau là anh cả, anh hai, anh ba để thể hiện sự tôn trọng.

Lễ hội Đình Chèm gắn liền với truyền thuyết sự tích Ngài Lý Ông Trọng. Ngài là người đã có công lớn với hai triều đại Hùng Duệ Vương và An Dương Vương. Những sử sách xưa nhất của nước ta như Lĩnh Nam chích quái, Đại Việt sử kí toàn thư, Việt Điện u linh tập, Thiên Nam ngũ lục, Khâm Định Việt sử thông giám cư mục… đều có ghi chép về nhân vật lịch sử quan trọng này.

Lễ hội Đình Chèm được tổ chức thường xuyên chính là cách thức giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa của địa phương và quốc gia một cách sinh động, thiết thực nhất. Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, Lễ hội Đình Chèm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 13/6/2016.


7. Đền Và

Đền Và

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Xã Trung Hưng , Thị xã Sơn Tây

Điện Thoại: (+84) 243.383.3453

Email: pth_sontay@hanoi.gov.vn

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi hoặc xe khách là tiện nhất

Đền Và - Đông cung thờ Tản Viên Sơn Thánh thuộc thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, còn gọi là Đông Cung trong hệ thống tứ cung của xứ Đoài. Đền đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ năm 1964. Ngôi đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, trong đó có lần trùng tu lớn vào năm 1884. Sự mở rộng quy mô của đền gắn với sự thành lập và phát triển của tỉnh Sơn Tây thời Pháp thuộc.

Vị thần được thờ phụng ở đền Và là Tam vị Tản Viên Sơn Thánh, đứng đầu trong tứ bất tử và là "Thượng đẳng tối linh thần", "Đệ nhất phúc thần" (弟 一 福 神), "Nam thiên thần tổ" 南 天 神 祖)... là người anh hùng văn hoá sáng tạo trong tư duy nông nghiệp, người anh hùng trị thuỷ, chống giặc, biểu tượng của khối đoàn kết bộ tộc, là phúc thần trừ tai hoạ cho dân. Từ thời Hậu Lê, nơi có đền Và là lỵ sở của huyện Tùng Thiện cũ, đền Và trở thành trung tâm tín ngưỡng hàng huyện nên người dân quan niệm ở đó thiêng hơn những nơi khác cũng thờ Thánh Tản Viên.

Đền Và nằm giữa một đồi cây có diện tích khoảng 17.500 m², không gian này đã gần với tự nhiên thoáng như mang tâm hồn Thiền và Lão trang, khiến cho đền Và như là một mảnh đất thánh thiện lạc xuống trần gian. Quanh khuôn viên này được trống rất nhiều những cây lim cổ thụ, bên cạnh đó là cây mít, thông, đại, muỗm… mang nhiều ý nghĩa về mặt tâm linh.

Đền Và là một trong những trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng thờ Tản Viên với lễ hội chính được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng. Cứ ba năm thì mở hội lớn một lần vào các năm Tý - Mão - Ngọ - Dậu. Ngoài hội xuân, ở đền Và còn có hội Thu vào rằm tháng 9 cũng nức tiếng một vùng lễ hội đánh cá trên sông Tích. Trong hội này, lễ vật đặc biệt được chế biến từ các món cá: cá luộc, cá nướng, gỏi cá, món nham cá...

Lễ hội truyền thống đền Và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào tháng 01/2016.


8. Đền Hát Môn

Đền Hát Môn

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Xã Hát Môn , Huyện Phúc Thọ

Điện Thoại:

Email: vanhoahatmon@gmail.com

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi hoặc xe khách là tiện nhất

Đền Hát Môn hiện là đền thờ Hai Bà Trưng. Trước đây được gọi là Đền Quốc tế vì các triều đình trước đã cử các tổng đốc, bố chính, án sát... thay mặt nhân dân cả nước về tế. Đền được khởi dựng từ triều Lê, di tích đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa lớn, được lưu dấu tích trên các văn bia tại di tích. Từ ngoài vào, các công trình kiến trúc của đền bao gồm: Quán Tiên, đền tạm ngự; Nghi môn, nhà phương đình, đàn thề, tam quan, nhà Tiền tế, Đại bái, Hậu cung, hai tả - hữu mạc, Gò giấu ấn, nhà khách, khu phụ.


9. Đền Phù Đổng

Đền Phù Đổng

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Xã Phù Đổng , Huyện Gia Lâm

Điện Thoại: (+84) 243.878.5383

Email:

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi hoặc xe khách là tiện nhất

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng gồm 8 điểm di tích thành phần, phân bố trên địa bàn 3 thôn của xã Phù Đổng, với tổng diện tích 60.343,7m², đã được Bộ Văn hóa ra quyết định xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia và xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt.

Giá trị nổi bật ở hội Gióng chính là một hiện tượng văn hóa được bảo lưu toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Mặc dù ở gần trung tâm thủ đô và đời sống cộng đồng trải qua nhiều biến động do chiến tranh, do sự xâm nhập và tiếp biến văn hóa, hội Gióng vẫn tồn tại một cách độc lập và bền vững, và đặc biệt là không bị thương mại hóa.


10. Đền Sóc

Đền Sóc

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Vệ Linh, Phù Linh, Sóc Sơn

Điện Thoại: (+84) 243.595.1061

Email: bqldldtdss_socson@hanoi.gov.vn

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi hoặc xe khách là tiện nhất

Khu di tích đền Sóc được nhà nước xếp hạng khu di tích lịch sử văn hoá vào năm 1962, được xây dựng từ thời Tiền Lê (năm 980), đến nay đã trải qua 13 lần trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên được kiểu dáng kiến trúc, quy mô và vị trí của các công trình. Trong thế kỷ XX, mặc dù đã phải trải qua hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm ác liệt nhưng hầu như các di tích trong khu vực không bi ảnh hưởng. Khu di tích lịch sử đền Sóc vẫn giữ được nhiều giá trị lịch sử văn hóa vô giá, góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam, được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa cấp quốc gia. Năm 2014 được công nhận là khu di tích quốc gia đặc biệt.

Khu di tích đền miếu Sóc Sơn gồm có 6 công trình kiến tạo, mỗi công trình có một giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật riêng biệt. gồm: Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Trình (Đền Hạ), Chùa Đại Bi, Chùa Non và khu nhà bia (nơi có lăng bia đá 8 mặt). Quần thể di tích này trải từ chân núi lên đỉnh núi Vệ Linh, nằm trong địa bàn thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.


11. Đền Hai Bà Trưng

Đền Hai Bà Trưng

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Hạ Lôi, Xã Mê Linh , Huyện Mê Linh

Điện Thoại: (+84) 24.381.6921

Email: bqlditichhaibatrung@gmail.com

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi hoặc xe khách là tiện nhất

Di tích lịch sử Đền Hai Bà Trưng là nơi thờ hai vị liệt nữ - anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị - là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán vào năm 1940 (sau Công nguyên). Muốn tới thăm di tích, du khách có thể đi bằng nhiều tuyến đường khác nhau, nhưng thuận tiện hơn cả là đi theo tuyến: Từ trung tâm thủ đô Hà Nội theo đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài đến ngã tư Nam Hồng lên cầu vượt rẽ trái theo đường 23B qua xã Tiền Phong khoảng 2km rẽ trái đi thẳng khoảng 1km là tới đền thờ Hai Bà Trưng.

Di tích Đền thờ Hai Bà Trưng được khởi dựng từ năm nào không rõ. Di tích hiện nay nằm trên một khu đất cao, rộng, nhìn ra đê sông Hồng với diện tích 129.824.0m2, Các hạng mục kiến trúc này được làm mới những năm gần đây, hài hòa, đăng đối với cảnh quan sân vườn. Những tượng voi đá, ngựa đá, suối vòi voi, hồ tắm voi… đều gợi lên những hình ảnh xa xưa khi Hai Bà oai dũng cưỡi voi ra trận.

Hàng năm, nhân dân tổ chức lễ hội từ ngày 4 đến ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch, chính hội là ngày mồng 6. Di tích đền Hai Bà Trưng huyện Mê Linh đã được xếp hạng cấp Quốc gia 09/12/2013.


12. Khu Di Tích Thờ Tản Viên Sơn Thánh Núi Ba Vì

Khu Di Tích Thờ Tản Viên Sơn Thánh Núi Ba Vì

Khu vưc: Ngoại thành

Địa Chỉ: Xã Minh Quang và xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội

Điện Thoại: (+84) 243.386.3018

Email: pvhtt_bavi@hanoi.gov.vn

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi hoặc xe khách là tiện nhất

Khu di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh núi Ba Vì nằm trên địa bàn hai xã Minh Quang và Ba Vì được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2008, gồm ba ngôi đền: đền Thượng, đền Trung và đền Hạ.

Đền Thượng

Đền Thượng hay còn gọi là Chính cung Thần điện, toạ lạc trên đỉnh núi Ba Vì ở độ cao 1.227m, thuộc địa phận xã Ba Vì. được xây theo hướng Bắc - Nam, có kiến trúc khá độc đáo, một mái lộ thiên lợp ngói nghiêng bên cửa hang, mái sau ngầm dưới lòng tảng đá lớn tạo ra ngôi đền có một vị thế vững chãi, thâm nghiêm. Đền có quy mô nhỏ, chỉ có điện chính, không có các hạng mục phụ trợ khác. Những năm đầu thế kỷ XXI, di tích đã được đầu tư trùng tu lớn và có diện mạo như hiện nay. Lễ hội tại cụm di tích đền Thượng được tổ chức vào Rằm tháng Giêng hàng năm, lễ hội thờ Tam vị thánh Tản Viên tổ chức trong 3 ngày từ 14 đến 16 tháng Giêng Âm lịch.

Đền Trung:

Đền Trung tọa lạc ở lưng chừng núi phía tây Ba Vì (khoảng cốt 400m) thuộc xã Minh Quang. Nằm ở sườn núi trên một cánh rừng tương đối bằng phẳng, cửa đền nhìn về hướng tây, đối diện là núi Chàng Rể, phía dưới là dòng sông Đà như một dải lụa trắng vắt ngang, lại càng tôn lên vẻ linh liêng hùng vĩ. Hai bên có hai dòng suối lấy nước từ núi Tản đổ xuống khe sâu hợp thành suối Cái. Từ đền Trung phóng tầm mắt sang bên kia sông Đà là núi Lưỡi Hái, chân núi là đất xã Trung Nghĩa (thuộc tỉnh Phú Thọ), nơi có đền Lăng Xương thờ thân mẫu của Đức Thánh Tản.

Đền Hạ

Đền Hạ còn gọi là Tây Cung, nằm dưới chân núi Tản trên bãi đất bằng phẳng ven bờ sông Đà thuộc địa phận xã Thủ Pháp xưa, nay là xã Minh Quang. Đền Hạ có ba dãy nhà ngang, nhiều hạng mục lớn như cổng Tam quan, Đại bái, Tiền tế, Hậu cung, nhà thờ Mẫu. Đền có hai pho tượng Hộ pháp dáng oai phong, tay cầm giáo trấn giữ hai bên. Trên mái cổng Tam quan có lưỡng long chầu nguyệt, hai tầng, tám mái đao cong, lợp ngói ri. Giữa hai tầng mái là bốn chữ Hán "Quốc sơn từ Hạ" cùng nhiều các bức tranh chạm trổ mô phỏng hình tượng mặt trời, tia sét, chim phượng, con nghê, đao mác, lửa v.v... theo phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 18. Phía trên gian giữa treo bức cuốn thư chữ Hán: “Tản Viên Sơn Linh Thánh” cùng một số câu đối viết bằng chữ Hán.


13. Đền Bạch Mã

Đền Bạch Mã

Khu vưc: Nội thành

Địa Chỉ: Số 76-78 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm

Điện Thoại: (+84) 243.828.9216

Email: vanthu_hoankiem@hanoi.gov.vn

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi là tiện nhất

Là một trong “tứ trấn” của kinh thành Thăng Long. Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, hay còn gọi là Tô Lịch giang thần, thành hoàng Hà Nội. Đền Bạch Mã trấn cửa Đông kinh thành Thăng Long. Ngựa trắng từ đền ra, đi một vòng từ đông sang tây rồi lại quay về đền. Đó là biểu tượng sự vận động biểu kiến của mặt trời, mặt trời mọc đằng đông, lặn ở đằng tây rồi lại quay về đông (trong câu chuyện Cổ Loa, rùa vàng cũng hiện ra ở cửa đông kinh thành). Phía đông là đền Bạch Mã, phía tây là đền Voi Phục, phía Bắc là Đền Trấn Võ, phía nam là đền Cao Sơn. Đó chính là “Thăng Long tứ trấn” trong quan niệm cổ truyền.

Đền đã được sửa chữa nhiều lần, cuối thế kỷ XVII được tôn nền cũ và mở rộng. Năm 1781, chúa Trịnh cho dân các giáp Mật Thái, Bắc Thượng, Bắc Hạ thuộc phường Hà Khẩu chung quanh đền Bạch Mã được "tạo lệ" (sắm lễ vật tế, không phải sưu sai, tạp dịch khác). Năm 1829, sửa chữa đền thêm tráng lệ. Năm 1839, dựng văn chỉ ở bên trái đền, dựng Phương đình để làm nơi cúng lễ các tuần tiết.

Đền còn lưu giữ được 15 tấm bia đá cổ ghi lại việc sửa đền, nhiều sắc phong của các triều vua từ thời Lê, Tây Sơn đến triều Nguyễn, trong đó cổ nhất là tấm bia có niên đại Chính Hoà thứ 8 (1867) cùng nhiều đồ thờ tự quý khác. Ðền đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1986.


14. Đình Kim Liên

Đình Kim Liên

Khu vưc: Nội thành

Địa Chỉ: Số 148A Kim Hoa, Phương Liên, Đống Đa

Điện Thoại: (+84) 91.237.2770

Email: ppl_dongda@hanoi.gov.vn

Bản đồ : Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi là tiện nhất

Đình và đền Kim Liên (hay còn gọi là đền Cao Sơn) là trấn phía nam trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa, gồm bốn ngôi đền: Đền Quán Thánh (trấn giữ phía bắc kinh thành); Đền Bạch Mã (trấn giữ phía đông kinh thành); Đền Voi Phục (trấn giữ phía tây kinh thành); Đền Kim Liên (trấn giữ phía nam kinh thành). So với ba ngôi đền kia thì đền Kim Liên được xây dựng muộn hơn (khoảng thế kỷ 16 - 17).

Đền Kim Liên thờ Cao Sơn Đại Vương. Tại di tích có tấm bia đá với bài tựa "Cao Sơn đại vương thần từ bi minh" do sử thần Lê Tung soạn năm 1510, nói về công lao của thần Cao Sơn. Nội dung cho biết: Khi vua Lê Tương Dực cầm quân dẹp loạn, khôi phục cơ nghiệp của vua Lê Thái Tổ, có ba vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ và Nguyễn Văn Lữ cùng đem quân đi chinh phạt. Đến địa phận huyện Phụng Hoá (nay là di tích đền Láo, xã Văn Phương, Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thì thấy cảnh núi rừng rậm rạp có ngôi đền cổ ghi bốn chữ "Cao Sơn đại vương". Rất lấy làm lạ, vua quan bèn khẩn cầu thần phù trợ. Quả nhiên sau mười ngày đã thành công. Vì thế, vua Lê Tương Dực cho xây dựng đền thờ thần Cao Sơn ở Phụng Hóa. Sau vì nhớ ơn thần đã ngầm giúp dẹp loạn ở Đông Đô, năm 1509, vua cho xây dựng lại đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa gần Thăng Long thời bấy giờ (nay là Kim Liên).

Đình được xây dựng trên một gò đất cao ở phía đông đầm Kim Liên. Cổng đình và cửa chính điện đều hướng về phía tây, trông ra đầm Kim Liên (đầm này nay không còn do bị lấp đi để làm đường vành đai 1). Kiến trúc của đình bao gồm hai phần: phần phía trước gò có một cổng trụ biểu, hai dãy giải vũ hai bên sân gạch rộng và phần kiến trúc chính của di tích nằm trên gò đất cao. Đi hết khoảng sân trên thì qua chín bậc gạch cao được xây bằng những viên gạch vồ có kích thước lớn thời Lê Trung Hưng nối hai bộ phận kiến trúc trên.

Di vật quan trọng tại đình Kim Liên ngoài tấm bia đá "Cao sơn Đại Vương thần từ bi minh" còn có 39 đạo sắc phong cho thần Cao Sơn Đại Vương, trong đó có 26 đạo thời Lê Trung Hưng, 13 đạo thời nhà Nguyễn, sớm nhất trong số đó là sắc phong có niên đại Vĩnh Tộ năm thứ hai (1620).

Hội đền và đình Kim Liên được tổ chức vào ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm. Trước đây, lễ hội đình Kim Liên thường diễn ra từ ngày 11/3 đến 16/3 âm lịch nhưng nay chỉ gói gọn trong hai ngày 15 - 16/3, chính hội là ngày 16 (ngày sinh của Thần). Ngoài lễ chính còn các lễ sóc vọng hàng tháng, lễ Kỳ an và lễ kỷ niệm ngày hoá của thần vào ngày 12 tháng 8 âm lịch.

Năm 1990 đình và đền Kim Liên đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.


15. Chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc

Khu vưc: Nội thành

Địa Chỉ: Thanh Niên, Yên Phụ, Ba Đình

Điện Thoại: (+84) 243.753.3249

Email: vhtt@tayho.gov.vn

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi là tiện nhất

Chùa Trấn Quốc được coi là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam và là ngôi chùa cổ nhất của Thăng Long Hà Nội với hơn 1500 năm tuổi, chùa Trấn Quốc nổi tiếng không chỉ bởi vẻ đẹp cổ kính mà còn bởi không gian thoáng mát tươi xanh đã tạo nên một tổng thể kiến trúc, lịch sử văn hóa và thiên nhiên hoàn hảo.

Nằm trên một hòn đảo phía Đông của Hồ Tây, chùa Trần Quốc luôn được xem như một trong những danh thắng bậc nhất ở kinh thành Thăng Long, nay thuộc quận Tây Hồ.

Do nhiều lần trùng tu, sửa chữa nên kiến trúc chùa là sự tiếp biến phong cách kiến trúc của các thời kỳ như: Trong các năm 1624, 1628 và 1639 (thời Chúa Trịnh), chùa được trùng tu, mở rộng; Trải qua thời Tây Sơn, chùa bị rơi vào cảnh hoang phế, khi đó cư dân địa phương đã xin được tu sửa lại chùa. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm Ất Hợi, niên hiệu Gia Long 14. Năm 2010, tu bổ để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ 6 tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11/2010.

Giống như hầu hết những ngôi chùa khác ở nước ta, kết cấu và nội thất chùa Trấn Quốc có sự sắp xếp gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện theo hình chữ Công.

Ngôi chùa cổ kính này hiện còn lưu giữ khá nhiều hiện vật có giá trị như bộ tượng thờ ở thượng điện. Đây là những pho tượng được tạo tác tỉ mỉ, trau chuốt và mang nét đẹp đặc trưng riêng. Đáng nói nhất là pho tượng Thích Ca nhập Niết bàn được đánh giá là một trong những bức tượng Niết bàn đẹp nhất ở Việt Nam.

Bằng vào những giá trị kiến trúc, cảnh quan và lịch sử, trước kia, Viện Viễn Đông Bác Cổ đã từng xếp chùa Trấn Quốc là công trình lịch sử thứ 10 trong Toàn xứ Đông Dương. Năm 1962 chùa được công nhận xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 313VH-VP ngày 28/4/1962.

Chùa Trấn Quốc từng được du khách nước ngoài ca ngợi là một trong những công trình tôn giáo đẹp nhất thế giới, từ xa nhìn lại trông giống như đóa sen đang nở. Nằm trong không gian cảnh quan Hồ Tây, vào mỗi mùa, đến đây du khách lại được cảm nhận những vẻ đẹp khác nhau của chốn thiền môn. Mùa xuân, ngôi chùa là nét chấm phá trong bức tranh toàn cảnh Hồ Tây lung linh cảnh sắc tươi đẹp. Mùa hạ, những làn gió mát tràn ngập khắp không gian khiến du khách cảm nhận rõ nét sự biến đổi không gian, như được cửa thiền tắm mát tâm can. Mùa thu đến chùa, nắng gió hanh hao khiến tâm ta tĩnh lại, tưởng vọng, sám hối cõi trần tục. Mùa đông, những làn sương mỏng khắp mặt hồ, bao trùm không gian cảnh quan khiến chùa trở nên thâm u, tĩnh mịch.


16. Chùa Một Cột Hà Nội

Chùa Một Cột

Khu vực : Nội Thành

Địa Chỉ: Chùa Một Cột, Đội Cấn, Ba Đình

Điện Thoại: Tel: (+84) 243.762.5069

Email: pvhtt_badinh@hanoi.gov.vn

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi là tiện nhất

Chùa được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào mùa đông tháng Mười (âm lịch) năm Kỷ Sửu 1049, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ nhất.

Văn bia tại chùa được dựng năm Cảnh Trị thứ 3 (1665), đời vua Lê Huyền Tông, do Tỳ Khưu Lê Tất Đạt khắc ghi. Tại vị trí chùa Một Cột ngày nay, vào thời nhà Đường (năm Hàm Thống thứ nhất) một cột đá trên có ngôi lầu ngọc (với tượng Phật Quan Âm ở trong) đã được dựng giữa một hồ nước vuông. Vua Lý Thái Tông thường đến cầu nguyện, được hoàng tử nối dõi, liền tu sửa lại thành chùa, xây thêm một ngôi chùa bên cạnh chùa Một Cột (cách 10 m về phía Tây Nam) và đặt tên cả quần thể chùa này là Diên Hựu tự - tức là "phúc lành dài lâu".

Năm 1954, quân đội Viễn chinh Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã cho đặt mìn để phá chùa Một Cột. Sau khi tiếp quản thủ đô, Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành trùng tu lớn chùa Một Cột (chùa Diên Hựu), xây dựng lại chùa Một Cột theo kiến trúc cũ.

Chùa Một Cột chỉ có một gian nằm trên một cột đá ở giữa hồ Linh Chiểu nhỏ có trồng hoa sen. Truyền thuyết kể lại rằng, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054) và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Vào năm 1049, vua đã mơ thấy được Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy, nhà vua kể chuyện đó lại với bầy tôi và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên dựng chùa, dựng cột đá như trong chiêm bao, làm toà sen của Phật bà Quan Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng và cho các nhà sư đi vòng quanh tụng kinh cầu kéo dài sự phù hộ, vì thế chùa mang tên Diên Hựu.


17. Đền Quán Thánh Hà Nội

Đền Quán Thánh

Khu vực : Nội Thành

Địa Chỉ: Thanh Niên, Quán Thánh, Ba Đình

Điện Thoại: (+84) 243.762.5069

Email: pvhtt_badinh@hanoi.gov.vn

Bản đồ : (Xem bản đồ)

Giao Thông: Chọn đi taxi là tiện nhất

Đền Quán Thánh thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa (Thăng Long tứ trấn). Bốn ngôi đền đó là: Đền Bạch Mã (trấn giữ phía Đông kinh thành); Đền Voi Phục (trấn giữ phía Tây kinh thành); Đền Kim Liên (trấn giữ phía Nam kinh thành); Đền Quán Thánh (trấn giữ phía Bắc kinh thành). Đền Quán Thánh nằm bên cạnh Hồ Tây, cùng với chùa Kim Liên và chùa Trấn Quốc tạo nên sự hài hoà trong kiến trúc cảnh quan và trong văn hoá tín ngưỡng đối với cả khu vực phía Tây Bắc của Hà Nội.

Đền được xây dựng vào đầu thời nhà Lý. Từng trải qua nhiều đợt trùng tu vào các năm 1618, 1677, 1768, 1836, 1843, 1893, 1941 (các lần trùng tu này được ghi lại trên văn bia). Đợt trùng tu năm Đinh Tỵ niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 tức đời vua Lê Hy Tông: Trịnh Tạc ủy cho con là Trịnh Căn chủ trì việc xuất của kho để di tạo Trấn Vũ Quán và pho tượng Thánh Trấn Vũ. Vị quan trực tiếp chỉ huy đúc tượng Thánh Huyền thiên Trấn Vũ là Vũ Công Chấn. Ông cho đúc tượng Huyền thiên Trấn Vũ bằng đồng hun, thay cho pho tượng bằng gỗ trước đó. Năm Cảnh Thịnh 2 (1794) đời vua Quang Toản, viên Đô đốc Tây Sơn là Lê Văn Ngữ cho đúc chiếc khánh đồng lớn.

Đến thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng khi ra tuần thú Bắc Thành đã cho đổi tên đền thành Chân Vũ quán. Ba chữ này được tạc bằng Hán tự trên nóc cổng tam quan của đền. Tuy nhiên, trên bức hoành trong Bái đường vẫn ghi làTrấn Vũ quán. Năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm đền và ban tiền đúc vòng vàng đeo cho tượng Trấn Vũ. Đền được công nhận di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia đợt đầu năm 1962.



Điểm tham quan du lịch khác tại Hà Nội



Cẩm Nang Du Lịch Hà Nội