Sa Pa



Điểm tham quan tại Sa Pa

I. Du lịch văn hóa - Di tích lịch sử Sa Pa



  • 1. Đá vợ đá chồng
  • 2. Bãi đá cổ Sa Pa
  • 3. Nhà thờ đá Sa Pa
  • 4. Tả Van Giáy
  • 5. Làng thổ cẩm Tả Phìn
  • 6. Chợ Sa Pa
  • 7. Bản Dền
  • 8. Làng Cát Cát ở Sa Pa

1. Đá vợ đá chồng

Đá vợ đá chồng

Địa chỉ: xã Hầu Thào, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Vị trí: Đá vợ đá chồng nằm trong khu di tích Bãi đá cổ Sa Pa, thuộc thung lũng Mường Hoa, xã Hầu Thào, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Ðặc điểm: Đá vợ đá chồng là một cặp đá có tư thế đang hướng về nhau, đang tìm đến nhau. Hai tảng đá có liên quan đến truyền thuyết về mối tình thủy chung của đôi trai gái vượt lên mọi gian nan, thử thách, mong tìm đến với nhau và được sống hạnh phúc, nhưng khi sắp sửa gặp nhau thì họ đều đã bị hóa đá.

Phía đầu bãi đá khắc cổ cạnh con đường trục chính liên xã (cũ) có một tảng đá nằm dưới vùng sình lầy. Hòn đá có hình người nằm phủ phục, đầu quay xuống phía hạ huyện. Ở cuối bãi đá đó, cách chừng 2km, có tảng đá lớn cũng hình người nằm phủ phục, đầu quay lên, hai tảng đá có hình dáng giống nhau.

Đồng bào H’Mông ở quanh vùng Hầu Thào - Tả Van có kể lại: Từ lâu lắm rồi, ở mãi phương Bắc xa xôi đã xảy ra một cuộc chiến thảm khốc giữa hai bộ tộc. Kẻ chiến thắng là một tộc trưởng tàn ác, hắn còn có một tên phù thủy gian manh làm quân sư. Tên quân sư gian manh rắp tâm chiếm đoạt người con gái độc nhất của tộc trưởng.

Nàng tiểu thư xinh đẹp - con gái tộc trưởng lại đem lòng yêu chàng trai con tộc trưởng chiến bại trong cuộc chiến tranh vừa qua. Những ngày hai bộ tộc còn chung sống hòa bình thì tình yêu của đôi trai gái đẹp biết bao. Nghe lời xúc xiểm của tên quân sư, chiến tranh giữa hai bộ tộc đã xảy ra. Dù vậy, đôi trai gái vẫn quyết tâm bảo vệ hạnh phúc và họ đã cùng nhau trốn chạy về hướng nam mong rằng sẽ tìm được hạnh phúc ở nơi xa lạ.

Được tin, tộc trưởng huy động quân lính đuổi theo. Tên phù thủy quân sư uất ức nguyện rằng: “Nếu hai đứa trẻ đến suối Kim Hoa mà thoát vào đêm thứ mười thì hắn sẽ chọn thất bại. Nếu ngày mười một mà chưa qua suối Kim Hoa thì đôi trẻ sẽ hóa đá”

Đêm thứ mười đôi trai gái đến thượng nguồn suối Kim Hoa (nay là đất Tả Van - Hầu Thào) thì cô gái không may sa xuống bãi sình lầy còn chàng trai đã vượt qua bãi sình lầy, không thấy cô gái, chàng trai liền quay lại để tìm, chạy được một quãng, mệt quá, chàng gục xuống. Trời sáng, chàng hóa đá đầu vẫn quay về phương Bắc - nơi người vợ còn ở đó. Còn cô gái cũng đã hóa đá đầu quay về hướng nam như cố chạy theo chồng. Vì thế, tảng đá chồng lớn hơn tảng đá vợ và chúng có hình dạng giống nhau.

Người già trong vùng nói rằng hai tảng đá hình như vẫn lần tìm đến nhau. Ở phía phải và trái của hai tảng đá vẫn tồn tại hai cánh rừng nhỏ, cả hai cánh rừng đều có những cây cổ thụ và có hai miếu thờ, một của đồng bào Giáy, một của đồng bào H'Mông thờ mối tình chung thủy của chàng trai, cô gái.


2. Bãi đá cổ Sa Pa

Bãi đá cổ Sa Pa

Địa chỉ: xã Hầu Thào, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai,

Vị trí: Bãi đá cổ Sa Pa nằm trong thung lũng Mường Hoa, xã Hầu Thào, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách thị trấn Sa Pa khoảng 8km về phía đông nam.

Ðặc điểm: Đây là di sản của cư dân người Việt cổ, gồm những khối đá với các hình chạm khắc từ xa xưa, nằm rải rác trên những thửa ruộng bậc thang của người dân bản Pho.

Bãi đá cổ Sa Pa được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga Glubev của trường Viễn Đông Bắc Cổ phát hiện vào năm 1925. Bãi đá trải rộng 8km² với gần 200 khối đá có kích thước, hình khắc khác nhau như: tranh vẽ tả thực, hoa văn trang trí, hình người đang toả hào quang, hình người cách điệu và một số mô tuýp khác về hình người, hình kiểu bản đồ mô tả thung lũng Mường Hoa... Đặc biệt, có các tảng đá được khắc trên đó những khối chữ vuông giống với chữ Nôm Dao.

Các nhà khoa học giả thiết đó là hình bản đồ cổ của người Mông hoặc gần như là cuốn sách cổ giới thiệu về những trận đánh ngày xưa... Có rất nhiều cách giải mã khác nhau của các nhà khoa học khi đến nghiên cứu Bãi đá cổ Sa Pa. Tuy nhiên, tất cả những cách giải mã đó mới chỉ dừng lại ở giả thiết. Bãi đá cổ Sa Pa vẫn nằm đó ẩn dấu những bí ẩn của người cổ xưa, thách thức các nhà khoa học. Từ tháng 10/1994, Bãi đá cổ Sa Pa được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Hiện nay, di tích này đang được nhà nước đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.


3. Nhà thờ đá Sa Pa

Nhà thờ đá Sa Pa

Địa chỉ: thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Vị trí: thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Đặc điểm: là công trình kiến trúc cổ mang dấu ấn của người Pháp

Tọa lạc ngay trung tâm thị trấn Sa Pa, phía sau có núi Hàm Rồng che chắn, nhà thờ đá Sa Pa được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp tại đây. Cùng với hai công trình khác cũng do người Pháp xây dựng là biệt thự Chủ Cầu (nay là khách sạn Hoàng Liên) và khu huyện ủy cũ (nay là trụ sở của Trung tâm Thông tin du lịch Sa Pa) tạo thành một tam giác kiến trúc cân đối, hài hòa giữa không gian trầm mặc của thị trấn Sa Pa. Được xây dựng từ năm 1895 với dáng vẻ cổ kính, rêu phong, nhà thờ đá Sa Pa trở thành hình ảnh điểm nhấn mà bất cứ ai đến thị trấn Sa Pa đều muốn ghé thăm.

Tọa lạc trên một khu đất rộng với diện tích khoảng 6.000m2, nhà thờ đá Sa Pa mô phỏng hình thập giá, được xây theo lối kiến trúc Gothique La Mã. Mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn... đều là hình chóp, tạo cho công trình nét vững chãi mà bay bổng, thanh thoát. Toàn bộ nhà thờ (tường, nền nhà, tháp chuông, sân, bờ kè xung quanh) được xây bằng đá đẽo, liên kết với nhau bằng hỗn hợp của cát, vôi và mật mía. Mái lợp ngói, trần bằng vôi rơm, các cửa sổ bằng khung kính màu mô tả cuộc đời của Đức Chúa. Phần tường của cánh thánh giá bên phải được tạo nhám như nhũ đá chảy xuống làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên cho không gian bên trong nhà thờ.


4. Tả Van Giáy

Tả Van Giáy

Địa chỉ: xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Vị trí: Thôn Tả Van Giáy thuộc xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Đặc điểm: Đến đây, du khách sẽ có dịp được tìm hiểu thêm về phong cách, lối sống của người Giáy vừa truyền thống vừa hiện đại.

Từ thị trấn Sa Pa, xuôi theo con đường mòn uốn lượn trên lưng chừng núi khoảng 10km, du khách sẽ đến xã Tả Van. Tiếp tục rong ruổi trên con đường vòng vèo, dốc xuống tận chân núi Hoàng Liên Sơn, du khách sẽ đến với thung lũng Mường Hoa. Tại đây, hướng tầm mắt ra phía xa xa, du khách thấy thấp thoáng trong làn sương mỏng một chiếc cầu treo vắt vẻo bắc qua suối Mường Hoa - đường vào thôn Tả Van Giáy, với hai bên đầu cầu là những bụi lau, sậy; những vạt hoa đỗ quyên... đang đu đưa trong gió và điểm đáng chú ý là ngôi miếu thờ 3 gian - nơi mà người Giáy tổ chức lễ hội “Nào Cống”, được dựng ngay ở đầu cầu treo; pha lẫn trong khung cảnh thiên nhiên đó, du khách sẽ thấy thoang thoảng bên tai mình tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim rừng đang gọi bạn tìm nhau...

Đường vào thôn Tả Van Giáy nhỏ, hẹp và là đường đất. Hai bên đường là những thửa ruộng bậc thang màu mỡ được tổ điểm bởi màu xanh của ngô và lúa non. Khi tới thôn Tả Van Giáy, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp bình dị, mộc mạc pha lẫn vẻ khang trang, lịch sự của những ngôi nhà trong thôn.


5. Làng thổ cẩm Tả Phìn

Làng thổ cẩm Tả Phìn

Địa chỉ: huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Vị trí: Làng thổ cẩm Tả Phìn thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 17km về hướng đông.

Ðặc điểm: Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc thông qua các lễ hội như tết nhảy của người Dao đỏ, lễ ăn thề, lễ mừng nhà mới của đồng bào các dân tộc, Tả Phìn còn được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến bởi ở đó có một làng nghề thổ cẩm nổi tiếng.

Sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Tả Phìn đủ kiểu dáng và sắc màu trông thật bắt mắt. Một vài sản phẩm chính có thể kể đến là: những chiếc ba lô, túi khoác du lịch, những chiếc khăn, túi xách tay, ví đựng tiền, các tấm áo choàng thổ cẩm... với đủ sắc màu rực rỡ. Những sản phẩm này hoàn toàn do bàn tay khéo léo tài hoa của các chị em người Mông, người Dao tạo nên với những đường nét hoa văn được thể hiện qua các họa tiết cây cỏ hoa lá, chim muông thật tinh tế luôn gây được sự tò mò hiếu kỳ và đặc biệt hấp dẫn các khách du lịch đến với Sa Pa.

Các sản phẩm hàng hoá làm ra ở đây được "xuất khẩu tại chỗ" bằng cách bán trực tiếp cho khách hoặc có thể bán gián tiếp cho du khách thông qua việc cung cấp các mặt hàng này cho các quầy thổ cẩm ở chợ văn hoá dân tộc, các cửa hàng bán đồ lưu niệm của thị trấn Sa Pa. Tiếng tăm thổ cẩm Tả Phìn đã được vang xa qua những lần triển lãm thổ cẩm ở các hội chợ tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Nhiều tổ chức, cá nhân từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đă đặt hàng làng thổ cẩm Tả Phìn để bán lại cho khách. Thổ cẩm Tả Phìn còn được xuất khẩu sang cả các thị trường ngoài nước như Mỹ, Pháp, Ðan Mạch...


6. Chợ Sa Pa

Chợ Sa Pa

Địa chỉ: Thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Vị trí: Thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Đặc điểm: Chợ Sa Pa là chợ của người H'Mông, người Dao được họp vào tối thứ bảy hàng tuần.

Chợ Sa Pa là một hoạt động kinh tế văn hóa rất độc đáo, đây là nơi trao đổi mua bán nhiều loại hàng hóa, sản phẩm địa phương, đồng thời là dịp cho bà con vùng cao đi chợ phiên và thanh niên nam nữ các dân tộc hẹn hò gặp gỡ, ca hát giao duyên để tìm hiểu bạn đời qua khúc hát tỏ tình, qua tiếng sáo, tiếng khèn, đàn môi...

Khi chiều xuống, trong khu vực chợ đã thấy chỗ này, chỗ kia túm tụm dăm bảy trai gái người H'Mông, người Dao đầu mày, cuối mắt nhìn nhau. Rồi khi màn đêm buông xuống, tù mù dưới bóng điện vàng nhạt, họ ngồi bên nhau ca hát, trò chuyện thâu đêm. Khi đã tìm được bạn tâm tình, họ trao kỷ vật cho nhau để rồi hẹn chợ sau gặp lại. Hoạt động văn hóa này đã có từ ngàn xưa và nay vẫn còn gìn giữ được. Chợ Sa Pa là nơi hấp dẫn khách du lịch thích tìm hiểu văn hóa các dân tộc.


7. Bản Dền

Bản Dền

Địa chỉ: , Xã Bản Hồ, Huyện Sa Pa, Lào Cai

Vị trí: Bản Dền thuộc xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Đặc điểm: Đến đây, du khách sẽ được khám phá thiên nhiên kỳ vĩ, tìm hiểu những nét văn hoá độc đáo của người dân bản địa và được sống trong không khí ấm cúng, thân mật, hoà quyện giữa con người và thiên nhiên.

Xã Bản Hồ nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa gần 30km về phía tây nam. Ở đó có 5 dân tộc anh em: Mông, Dao, Tày, Giáy và Nùng (chiếm đa số là người Tày) cùng chung sống. Tuy không có được lợi thế gần trung tâm du lịch như các bản làng khác ở Sa Pa nhưng Bản Hồ lại có khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, những thác, ghềnh nhuốm màu huyền thoại và nhiều di sản văn hoá độc đáo khác. Bản Hồ đang là điểm đến của nhiều du khách đặc biệt là du khách nước ngoài.

Tiêu biểu là thôn Bản Dền của xã Bản Hồ. Tiềm năng văn hoá của bà con thôn Bản Dền thể hiện qua những câu hát, điệu múa cổ và nhiều nghi lễ truyền thống. Đối với người Tày, lễ hội xuống đồng, hát giao duyên, các điệu múa sạp, múa xoè là những nét văn hoá đặc trưng, thực sự cuốn hút du khách. Các nghề thủ công truyền thống đã được khôi phục và có xu hướng mở rộng. Nổi bật nhất là nghề trồng bông, trồng dâu nuôi tằm và dệt thổ cẩm. Thổ cẩm truyền thống của Bản Dền được người phụ nữ Tày dệt nên thành những bộ trang phục đẹp mắt cùng nhiều sản phẩm trang trí trong gia đình và dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Nghề dệt thổ cẩm không chỉ tạo nên những món hàng lưu niệm độc đáo mà còn là nơi dệt vải, sản xuất chăn, ga, gối để du khách thập phương tham quan, chiêm ngưỡng sự khéo léo của những người phụ nữ vùng cao.


8. Làng Cát Cát ở Sa Pa

Làng Cát Cát ở Sa Pa

Địa chỉ: , Thị trấn Sa Pa, Huyện Sa Pa, Lào Cai

Vị trí: Làng Cát Cát thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thị trấn Sa Pa 2km.

Ðặc điểm: Làng Cát Cát là bản lâu đời của người Mông, còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải và chế tác đồ trang sức. Đặc biệt nơi đây còn giữ được khá nhiều phong tục độc đáo mà ở các vùng khác không có, hoặc không còn tồn tại nguyên gốc.

Ở làng Cát Cát, nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc, đồng đã có từ lâu đời và tạo ra những sản phẩm tinh xảo. Quy trình chế tác bạc gồm nhiều công đoạn. Một điều hấp dẫn du khách khi đến Cát Cát là người Mông ở đây còn giữ được khá nhiều phong tục tập quán độc đáo, chẳng hạn như tục kéo vợ. Khi người con trai quen biết và đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ tổ chức làm cỗ mời bạn bè và nhờ các bạn lập kế hoạch "kéo" cô gái về nhà một cách bất ngờ, giữ cô trong ba ngày. Sau đó, nếu cô gái đồng ý làm vợ chàng trai thì sẽ tiến hành lễ cưới chính thức. Nếu cô từ chối thì họ cùng nhau uống bát rượu kết bạn và mọi việc trở lại bình thường như chưa có điều gì xảy ra. Lễ cưới người Mông ở Cát Cát thường được tổ chức từ 2 đến 7 ngày.

Làng Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19, các hộ gia đình cư trú theo phương thức mật tập: dựa vào sườn núi và quây quần bên nhau, các nóc nhà cách nhau chừng vài chục mét. Họ trồng lúa trên ruộng bậc thang, trồng ngô trên núi theo phương pháp canh tác thủ công, sản lượng thấp. Phần lớn nhà cửa đều đơn giản, chỉ có một cái bàn, cái giường và bếp lửa nấu nướng...



Điểm tham quan du lịch khác tại Sa Pa




Cẩm Nang Du Lịch Sa Pa