Thành phố Huế



Điểm tham quan tại Thành phố Huế

II. Du lịch tôn giáo tại Thành phố Huế



  • 1. Nhà thờ dòng chúa Cứu Thế
  • 2. Chùa Diệu Ðế
  • 3. Lăng Đồng Khánh
  • 4. Chùa Từ Hiếu
  • 5. Chùa Từ Ðàm
  • 6. Thế Miếu
  • 7. Nhà thờ Chính tòa Phú Cam
  • 8. Lăng Dục Ðức
  • 9. Lăng Tự Ðức (Khiêm Lăng)
  • 10. Chùa Thiên Mụ

1. Nhà thờ dòng chúa Cứu Thế

Nhà thờ dòng chúa Cứu Thế

Địa chỉ: Đường Nguyễn Huệ, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Nhà thờ nằm ở cuối đường Nguyễn Huệ, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Nhà thờ dòng chúa Cứu Thế kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Tây Phương và Đông Phương.

Nhà thờ dòng chúa Cứu Thế, đỉnh có chóp nhọn vươn thẳng lên trời, phần thân nhà thờ được lợp ngói có mái, kết hợp hài hoà giữa kiến trúc Tây phương và Ðông phương. Ðây là một ngôi nhà thờ có kiến trúc đẹp ở Tp. Huế. Nhà thờ bắt đầu được xây dựng vào năm 1937 và đến năm 1942 thì xong.

Ðiều đặc biệt của kiến trúc ngôi nhà thờ này là cửa rộng và không có vách. Phần hiên của thánh đường được thiết kế rộng để khi đông người đến dự lễ, có thể mở cửa và tạo cho người ở ngoài hiên vẫn có cảm giác đang ở trong lòng thánh đường.


2. Chùa Diệu Ðế

Chùa Diệu Ðế

Địa chỉ: Phường Phú Cát, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vị trí: Chùa Diệu Đế thuộc địa phận phường Phú Cát, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Diệu Ðế là ngôi quốc tự thứ ba, được vua Thiệu Trị coi là một trong hai mươi thắng cảnh của đất kinh đô Huế.

Chùa được vua Thiệu Trị truyền lệnh xây dựng với qui mô lớn vào các năm 1842, 1844 khi mới lên ngôi vài năm, trên vùng đất nhà vua đã ra đời. Khuôn viên chùa nằm gọn giữa bốn con đường: phía trước là đường Bạch Ðằng chạy dọc theo một nhánh sông Hương, phía sau là đường Tô Hiến Thành gần chùa Diệu Hỷ, bên trái là con đường mang tên chùa Diệu Đế và bên phải là đường chùa Ông.

Kiến trúc ban đầu của chùa rất qui mô. Tuy không đẹp bằng chùa Thiên Mụ, nhưng chùa Diệu Ðế có vẻ độc đáo riêng, có bốn lầu (hai lầu chuông, một lầu trống và một lầu bia). Chính điện là đại giác, tả hữu chính điện là Thiền Đường, phía trước điện dựng gác Ðạo Nguyên hai tầng ba gian, sau gác Ðạo Nguyên có hai lầu chuông trống xây cân đối ở hai bên, chính giữa là lầu Hộ Pháp, sân trong có La Thành, sân trước có hai nhà lục giác, nhà bên tả đặt hồng chung, nhà bên hữu dựng bia lớn khắc bài văn do vua Thiệu Trị soạn.

Hệ thống La Thành ngoài chùa Diệu Ðế xây dựng kiên cố, bề thế, trước có Phượng Môn ba cửa, hai bên có cổng nhỏ, ngoài bờ sông có xây bến thuyền khoảng mười bậc lên xuống. Trước đây, chùa Diệu Ðế có nhiều tượng Phật do được chuyển từ chùa Giác Hoàng, sau sự kiện Kinh đô thất thủ (1885).


3. Lăng Đồng Khánh

Lăng Đồng Khánh

Địa chỉ: thôn Thượng Hai, xã Thuỷ Xuân, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vị trí: Lăng Ðồng Khánh được xây dựng trên vùng đất thuộc làng Cư Sĩ, nay là thôn Thượng Hai, xã Thuỷ Xuân, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Lăng Đồng Khánh được xây dựng trong 4 đời vua (1888 - 1923) nên vừa mang lối kiến trúc xưa vừa chịu ảnh hưởng của kiến trúc Tây Âu.

Sau khi lên ngôi tháng 2/1888, Ðồng Khánh cho xây dựng ở bên cạnh lăng mộ vua cha ngôi điện đặt tên Truy Tư để thờ cúng cha. Công việc đang triển khai thì vua Ðồng Khánh mắc bệnh đột ngột và qua đời.

Vua Thành Thái lên kế vị và cho đổi điện Truy Tư thành Ngưng Hy để thờ vua Ðồng Khánh. Thi hài nhà vua được mai táng đơn giản trên quả đồi có tên là Hộ Thuận Sơn, cách Điện Ngưng Hy 30m về phía tây. Toàn bộ khu lăng tẩm được gọi là Tư Lăng.

Năm 1916, Khải Ðịnh - con trai của Ðồng Khánh lên ngôi, cho tu sửa điện thờ, xây cất lăng mộ cho cha mình và cho đến tháng 7/1917, mới xong phần cơ bản và đến năm 1923 thì hoàn tất.

Quá trình xây dựng lăng Ðồng Khánh diễn ra trong 4 đời vua (1888 - 1923), vì vậy lăng Ðồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử khác nhau.


4. Chùa Từ Hiếu

Chùa Từ Hiếu

Địa chỉ: xã Thủy Xuân, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vị trí: Chùa tọa lạc tại núi Dương Xuân, xã Thủy Xuân, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Chùa được xây theo kiểu chữ “khẩu”, chùa chính ba căn, hai chái. Chính điện phía trước thờ Phật, phía sau thờ Tổ.

Chùa được xây theo kiểu chữ khẩu, chùa chính ba căn, hai chái. Chính điện phía trước thờ Phật, phía sau thờ Tổ. Nhà hậu là Quảng Hiếu Đường, ở giữa thờ Đức Thánh Quan, bên trái thờ Hương Linh Phật Tử tại gia, bên phải thờ các vị thái giám..., bên tả sân hậu là Tả Lạc Thiên (nhà tăng) và bên hữu là Hữu Ái Nhật (nhà khách).

Cổng chùa xây theo kiểu vòm cuốn hai tầng, phía trên chính giữa thờ tượng Hộ pháp. Trong cổng tam quan có hồ bán nguyệt thả hoa sen, hoa súng và cá cảnh. Hai bên sân có hai lầu bia để ghi lịch sử xây dựng chùa.

Năm 1894, hoà thượng Cương Kỷ tiếp tục trùng tu và kiến thiết toàn cảnh với sự giúp đỡ của vua Thành Thái, các giám quan và nhiều phật tử. Năm 1931, hoà thượng Huệ Minh tiếp tục trùng tu và xây hồ bán nguyệt. Năm 1962, hòa thượng Chơn Thiệt tiếp tục trùng tu chùa. Chùa được Thượng tọa Chí Niệm cho trùng tu cửa tam quan, hồ bán nguyệt và những nhà cửa bị hư hỏng. Chùa là một trong những ngôi cổ tự lớn ở cố đô Huế.


5. Chùa Từ Ðàm

Chùa Từ Ðàm

Địa chỉ: Phường Trường An, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vị trí: Chùa tọa lạc ở phường Trường An, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Từ Đàm là một trong những ngôi chùa lớn ở Huế, được xây theo kiểu cấu trúc "chùa hội".

Chùa do Hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung sáng lập vào cuối thế kỷ 17, đời Lê Hy Tông. Ðến năm Thiệu Trị Nguyên Niên (1841) chùa đổi tên là Từ Ðàm. Chùa đã được trùng tu nhiều lần.

Kiến trúc của chùa theo kiểu “chùa Hội”. Ở sân chùa có cây bồ đề được chiết cành từ cây bồ đề nơi đức phật đắc đạo được mang từ Ấn Ðộ sang trồng vào năm 1936.

Năm 1951 chùa là nơi họp Ðại hội Phật giáo thống nhất toàn quốc. Chùa hiện đặt văn phòng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế.


6. Thế Miếu

Thế Miếu

Địa chỉ: , Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Thế Miếu nằm trong kinh thành Huế, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Thế Miếu là nơi thờ cúng các vua Nguyễn. Đây là một trong những công trình to lớn bậc nhất so với các miếu, điện ở Việt Nam.

Năm 1804, Gia Long cho xây dựng miếu Hoàng Khảo ở vị trí của Thế Miếu ngày nay để thờ cha mình là Nguyễn Phúc Luân. Sau khi vua Gia Long mất, Minh Mạng lên nối ngôi, năm 1821 ông đã cho dời miếu Hoàng Khảo lui về phía sau vài chục mét, đổi thành Hưng Miếu, còn xây Thế Miếu vào vị trí ấy vào năm 1821 - 1822 để thờ vua Gia Long, và các vua kế vị về sau.

Thế Miếu được xây dựng trên mặt bằng 1.500m² , cũng là toà nhà kép theo kiểu "trùng thiềm, trùng lương" như Ðiện Thái Hoà. Tiền doanh ( nhà trước) có 11 gian và chính doanh (nhà sau) có 9 gian.


7. Nhà thờ Chính tòa Phú Cam

Nhà thờ Chính tòa Phú Cam

Địa chỉ: phường Phước Vĩnh, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vị trí: Nhà thờ Chính toà Phú Cam thuộc phường Phước Vĩnh, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Đây là nhà thờ xây theo lối kiến trúc hiện đại, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế.

Nhà thờ Chính toà Phú Cam được xây theo quan niệm vật lý kết cấu mới. Các trụ đỡ được đúc sát vào tường, chạy uốn cong dần về phía trước, mềm mại. Bốn góc, mỗi góc có ba trụ đỡ vươn dần ra, tạo thành một không gian đủ rộng ôm kín cung thánh và bàn thờ.

Lòng nhà thờ được xây theo truyền thống cổ điển có hình thánh giá Latin cộng với lòng căn hai cánh mở rộng. Có hai dãy cửa gương màu nằm ở phần trên bên trong lòng nhà thờ, phía giữa có hình thánh giá bằng xi măng cốt sắt. Cung thánh là một hình tròn có các cấp đi lên, trên cung là một hình tròn nhưng nhỏ hơn với bàn thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối.


8. Lăng Dục Ðức

Lăng Dục Ðức

Địa chỉ: Phường An Cựu, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vị trí: Lăng Dục Đức tọa lạc ở phường An Cựu, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Lăng có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn. Đây cũng là nơi yên nghỉ của vua Thành Thái và Duy Tân.

So với các lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Ðức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn hơn. Khu lăng mộ hình chữ nhật có diện tích 3.445m², bên trong không có Bi Đình và tượng đá. Vào lăng phải đi qua cổng tam quan khá lớn xây bằng gạch, trên có mái giả.

Sau cửa là Bái Ðình không có tượng đá mà chỉ xây lan can bằng vôi gạch. Kế đó là một cửa tam quan 3 tầng cũng xây mái giả và trang trí hình ảnh hoa lá bằng cách đắp nổi sành sứ...

Chính giữa Bửu Thành có một nhà hình ốc được xây trên nền hình vuông mỗi cạnh khoảng 8m, mái lợp ngói hoàng lưu ly bên trong có bàn và sập đá thanh dùng để bày hương án và lễ vật khi cúng kỵ. Hai bên tả hữu là mộ vua Dục Ðức và Hoàng hậu Tư Minh nằm đối xứng nhau. Tấm bình phong trước mộ vua có đắp nổi hai chữ “hỷ” ghép lại với nhau, đối xứng với “song hỷ” là hình ảnh chữ “thọ”.

Ðiện Long Ân: ở trung tâm khu vực tẩm, được xây dựng theo khuôn mẫu của các ngôi điện ở Huế. Bên trong có ba án thờ bài vị các vua: Dục Ðức (và vợ thờ ở giữa), Thành Thái (bên trái) và Duy Tân (bên phải).

Phía sau điện Long Ân là nơi yên nghỉ của hai ông vua Thành Thái, Duy Tân. Trong khu vực này còn có nhiều ngôi mộ của những người trong quyến thuộc các vị vua trên.

Lăng Dục Ðức cũng mang quy cách kiến trúc chung của các lăng khác nhưng có một số nét nghệ thuật cá biệt riêng. Lăng Dục Ðức làm phong phú thêm cho sắc thái và chất lượng của quần thể kiến trúc lăng tẩm.


9. Lăng Tự Ðức (Khiêm Lăng)

Lăng Tự Ðức (Khiêm Lăng)

Địa chỉ: , Phường Thuỷ Biều, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Lăng Tự Ðức tọa lạc tại xã Thủy Biều, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Lăng được xây dựng vào năm 1864 và hoàn thành vào năm 1867 trên diện tích 475ha. Khác với các lăng được xây dựng cân đối, lăng Tự Đức được xây dựng phóng khoáng, hài hoà với thiên nhiên có sẵn phản ánh tâm hồn lãng mãn của vị vua thi sĩ này.

Qua khỏi Khiêm Cung Môn, cửa tam quan hai tầng dựng trên một thế đất cao, người ta bước vào một hệ thống cung điện gồm vài chục tòa nhà lớn nhỏ và các công trình kiến trúc phụ thuộc.

Tòa ngang dãy dọc nơi đây đã được dành cho vua và đoàn cung nữ tùy tùng thỉnh thoảng lên ở lại vui chơi. Minh Khiêm Ðường - nhà hát cổ xưa và mang giá trị nghệ thuật kiến trúc trang trí. Ðiện Hòa Khiêm - nơi thờ đế và hậu, hiện còn chứa nhiều đồ ngự dụng và các tác phẩm mỹ thuật đương thời. Lăng Tự Ðức là một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình, gợi cho du khách một "hồn êm thơ mộng" (une douce rêve).


10. Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ

Địa chỉ: , Phường Hương Long, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Vị trí: Chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khê, xã Hương Long, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm: Chùa là một trong những kiến trúc tôn giáo cổ nhất và đẹp nhất ở Huế.

Năm 1601, chùa được xây dựng. Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu. Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả đại hồng chung cao 2,5m nặng 3.285kg, và năm 1715, chúa lại cho xây dựng tấm bia cao 2,58m đặt trên lưng con rùa bằng cẩm thạch. Vào thời Nguyễn, các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Thành Thái đều cho trùng tu chùa.

Ðiện Ðại Hùng là ngôi chính điện trong chùa, một công trình kiến trúc đồ sộ nguy nga. Trong điện, ngoài những tượng phật bằng đồng sáng chói còn treo một khánh đồng được đúc năm 1677 và một bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng do tự tay chúa Nguyễn Phúc Chu đề tặng năm 1714. Hai bên chùa có nhà trai, nơi các sư tĩnh dưỡng và nhà khách để đón khách đến vãn cảnh chùa.



Điểm tham quan du lịch khác tại Thành phố Huế




Cẩm Nang Du Lịch Thành phố Huế