Điểm tham quan tại Thanh Hóa

I. Du lịch văn hóa - Di tích lịch sử Thanh Hóa



1. Khu di tích danh thắng Hàm Rồng

Khu di tích danh thắng Hàm Rồng

Địa chỉ: phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá,

Vị trí: Di tích thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá, cách thành phố 3km về phía bắc, trên trục quốc lộ 1A.

Đặc điểm: Là quần thể danh lam thắng cảnh - di tích lịch sử văn hoá gắn liền với chiến công hiển hách của quân và dân Thanh Hóa trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khu di tích danh thắng Hàm Rồng là quần thể có núi, hang, động.

Núi Hàm Rồng chạy từ làng Dương Xá, xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, men theo hữu ngạn sông Mã về đến chân cầu Hàm Rồng, dài khoảng trên 2km. Núi Hàm Rồng tức núi Long Hạm, tên cũ là Đông Sơn, vừa dài vừa uốn lượn uyển chuyển liên tiếp như hình rồng 9 khúc nhấp nhô, đến khúc cuối thì phình to ra như một cái đầu có miệng khổng lồ, vì thế, dân gian đặt tên là núi Hàm Rồng. Đặc điểm địa hình độc đáo đã vô tình tạo nên một cứ điểm phòng không vững chắc góp phần tạo ra huyền thoại về chiếc cầu Hàm Rồng không thể bị đánh sập trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Dãy núi Hàm Rồng bao quanh những đồi thông ngút ngàn và những thung lũng thơ mộng, cuối cùng nổi lên một ngọn núi cao, lớp đá chồng chất, trên núi có động Long Quang và động Tiên Sơn.

Ngày nay Hàm Rồng được xây dựng thành khu du lịch văn hóa Hàm Rồng với các công trình được xây dựng gắn liền với quang cảnh tự nhiên của làng cổ Đông Sơn, núi Cánh Tiên, núi Ngọc, động Tiên Sơn, hang Mắt Rồng, đền thờ Trần Khát Chân, Lê Uy, chùa Tăng Phúc và các di tích lịch sử văn hóa của Hàm Rồng – Nam Ngạn.


2. Thành phố Sầm Sơn

Thành phố Sầm Sơn

Sầm Sơn là thành phố đồng bằng ven biển của tỉnh Thanh Hoá, cách TP. Thanh Hoá 16km về phía đông nam theo đường quốc lộ 47, phía bắc giáp huyện Hoằng Hoá, phía nam và phía tây giáp huyện Quảng Xương, phía đông giáp Biển Đông.

Thành phố Sầm Sơn có địa hình tương đối bằng phẳng, là vùng đất sơn thuỷ hữu tình với khí hậu trong lành, thích hợp cho việc phát triển du lịch. Đây cũng là một trong những trung tâm du lịch biển nổi tiếng ở Việt Nam.

Với chiều dài khoảng 6km từ cửa Hới đến chân núi Trường Lệ, bãi biển Sầm Sơn từ lâu đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Biển Sầm Sơn có 3 bãi tắm là bãi A, bãi B và bãi C với bờ cát thoai thoải, mịn, sóng êm, nước trong và nồng độ muối vừa phải, rất tốt cho sức khoẻ con người. Sầm Sơn còn nổi tiếng với nhiều loại hải sản quý như mực ống, tôm he, cua gạch; các loại cá chim, thu, nụ, đé... Ngoài ra, đến đây, du khách còn có thể đi xích lô hoặc thuê xe đạp đôi để dạo chơi ngắm biển biển.

Sầm Sơn còn có nhiều danh lam - thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng như: núi Trường Lệ, hòn Trống Mái, đền Ðộc Cước, đền Cô Tiên... Mỗi di tích đều gắn với một truyền thuyết được người dân lưu truyền cho đến ngày nay.

Sầm Sơn còn được biết đến với các lễ hội có quy mô lớn như: lễ hội cầu phúc (16/1 âm lịch); lễ hội bánh chưng, bánh dày (12/5 âm lịch); lễ hội cầu ngư (15/5 âm lịch)…

Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, Sầm Sơn đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.


3. Thành phố Thanh Hóa

Thành phố Thanh Hóa

Thành phố nằm trên trục đường quốc lộ 1A, cách thủ đô Hà Nội 153km về phía nam, cách thành phố Hồ Chí Minh 1.537km về phía bắc, cách bãi biển Sầm Sơn 16km về phía tây và cách biên giới Việt Lào (thuộc địa phận huyện Quan Hóa) 135km về phía đông.

Nằm bên bờ sông Mã, thành phố Thanh Hóa là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh Thanh Hóa, phía bắc giáp huyện Hoằng Hóa, phía nam giáp huyện Quảng Xương, phía tây giáp huyện Đông Sơn, phía đông giáp huyện Hoằng Hóa và Quảng Xương. Thành phố có vị trí, cảnh quan sinh thái rất thuận lợi, khí hậu khá ôn hòa.

Nằm trên trục giao thông Bắc Nam, gần biển, với số giờ nắng cao, thời tiết khí hậu thuận lợi, tại thành phố Thanh Hoá có đến 80% thời gian trong năm thích hợp cho các hoạt động tham quan du lịch, nghiên cứu tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa. Thành phố Thanh Hoá là nơi tập trung nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng với 20 di tích cấp quốc gia và hơn 30 di tích cấp tỉnh.

Nằm ở cửa ngõ phía bắc thành phố là quần thể sơn thủy hữu tình, khu thắng cảnh Hàm Rồng, với sông, núi, hang động... Có thể kể đến hồ Kim Quy, động Tiên, động Long Quang (hang Mắt Rồng), núi Phượng, núi Voi, núi Rồng, làng cổ Đông Sơn với trống đồng Đông Sơn nổi tiếng, di tích văn hoá núi Đọ, cầu Hàm Rồng, đền thờ danh tướng Lê Uy - Trần Khát Chân và nhiều di tích khác. Thắng cảnh Hàm Rồng gắn liền với chiến công hiển hách của quân và dân Thanh Hóa trong những năm chống Mỹ cứu nước.

Phía nam thành phố là khu di tích thắng cảnh đẹp mà trung tâm là núi Mật Sơn với các hòn non bộ bao quanh như núi Long, núi Hổ, núi Kim Đồng, Ngọc Nữ... và các di tích lịch sử khác như chùa Đại Bi, và đặc biệt là Thái Miếu nhà hậu Lê - một di tích lịch sử văn hóa quốc gia, nơi đặt tượng đồng Lê Thái Tổ, Lê Lai, Nguyễn Trãi và bài vị thờ các vị vua nhà Hậu Lê.

Phía tây thành phố là núi Nhồi với hòn Vọng Phu nổi tiếng là hình ảnh người mẹ ôm con chờ chồng.

Trung tâm thành phố có quảng trường Lê Lợi, quảng trường Lam Sơn, công viên văn hoá trung tâm, khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo tàng tổng hợp Thanh Hóa, chùa Thanh Hà, nhà thờ chánh xứ...

Thành phố Thanh Hóa có nhiều chợ và công viên như: chợ Vườn Hoa, Phú Thọ, Tây Thành, Nam Thành, Đông Thành, Điện Biên..., công viên Hồ Thành, Thanh Quảng… thuận tiện cho du khách mua sắm, thư giãn.

Thành phố còn là nơi có nhiều lễ hội truyền thống. Các trò diễn dân gian như: múa đèn Nam Ngạn, múa hát chèo chải, trò chơi Tứ Linh, trò Ngô Tú Huần làng Thọ Hạc, kéo quân xếp chữ cướp cù làng Vệ Yên, trò múa rối làng Nam Ngạn… các làn điệu dân ca độc đáo mang nét đặc trưng của người dân xứ Thanh như: điệu hò Sông Mã ở làng Nam Ngạn, hát bội ở làng Vĩnh Yên, hát ghẹo ở làng Yên Biên…

Hàng ngày có các tuyến xe khách Thanh Hóa – Hà Nội xuất phát tại bến xe khách liên tỉnh phía bắc (phố Bà Triệu, P. Trường Thi, Tp. Thanh Hóa) và các tuyến xe khách đi trong tỉnh xuất phát tại bến xe nội tỉnh phía tây (340 Nguyễn Trãi, P. Phú Sơn, Tp. Thanh Hóa).

Ngoài ra còn có tuyến tàu hỏa Thanh Hóa – Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh tại ga Thanh Hóa (4 Dương Đình Nghệ, P. Phú Sơn, Tp. Thanh Hóa)


4. Đền Độc Cước

Đền Độc Cước

Địa chỉ: thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa,

Vị trí: Đền Độc Cước tọa lạc trên đỉnh núi mang tên hòn Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ ở thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ngay cạnh bãi tắm Sầm Sơn.

Đặc điểm: Đền mang tên Độc Cước (nghĩa là một chân), gắn liền với sự tích chàng trai khổng lồ đã tự xé đôi thân mình để vừa đánh giặc quỉ biển ngoài khơi và đánh giặc trong đất liền cứu dân làng.

Tưởng nhớ công ơn của chàng, người dân Sầm Sơn đã lập đền thờ chàng ngay bên tảng đá có vết lõm dấu chân khổng lồ tương truyền là bàn chân của chàng và sau này là đền Độc Cước.

Muốn lên đền phải qua 40 bậc đá. Đền được lập từ đời Trần (1225-1400), dựng lại vào thời Lê và đã qua trùng tu nhiều lần. Phía sau đền có Môn Lâu dựng năm 1863 bằng gỗ. Trong đền có tượng thần Độc Cước bằng gỗ chỉ có một tay, một chân. Chân tượng dựng vững chắc trên hòn đá tảng, tay tượng có cây búa ở tư thế đang vung về phía sau chiến đấu với loài quỷ biển. Đền có hai pho tượng ngựa đúc bằng đồng, cặp tượng phỗng tạc bằng đá khối, nhiều câu đối chữ nho ca ngợi công đức của thần Độc Cước.

Độc Cước không chỉ là một ngôi đền đẹp mà còn là một di tích của Sầm Sơn. Đền rất hấp dẫn đối với du khách trong nước và nước ngoài khi đến tắm mát, nghỉ ngơi ở Sầm Sơn.


5. Đền Bà Triệu

Đền Bà Triệu

Địa chỉ: , Huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa

Vị trí: Đền thờ bà Triệu được dựng trên núi Gai (còn gọi là núi Ải) sát đường quốc lộ 1A, thuộc làng Phú Điền, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách Hà Nội 137km.

Đặc điểm: Hiện nay lăng tháp vẫn còn, tuy đơn sơ, giản dị nhưng rất trang nghiêm. Trên đường thiên lý ra Bắc vào Nam, khách bộ hành thường dừng chân, lên núi Gai, tưởng niệm vị nữ tướng anh hùng, viếng lăng và thưởng ngoạn cảnh đẹp.

Tên thật của bà là Triệu Thị Trinh, nhưng nhân dân quen gọi là Bà Triệu với lòng kính cẩn, nhớ công ơn bà đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Ngô thế kỷ thứ 3.

Qua cổng là hồ sen, bốn bề kè đá. Tiếp theo là nhà Tiền đường gồm 5 gian, cột đá mài vuông cạnh. Sau nhà Tiền đường là một khoảng sân nhỏ, hai bên tả hữu là nhà tiếp khách và sửa lễ. Cuối sân là 3 gian hậu cung, dựng trên mặt bằng cao hơn, dựa vào vách núi. Đối diện với đền trên là núi Gai, ở phía bên kia quốc lộ 1A là núi Tùng - nơi có lăng Bà Triệu.


6. Di tích Đông Sơn

Di tích Đông Sơn

Địa chỉ: phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa.

Vị trí: Di tích Đông Sơn nằm bên bờ sông Mã, thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa.

Đặc điểm: Nơi đây, những cuộc khai quật năm 1924 đã phát hiện dấu vết của văn hoá đầu tiên ở Việt Nam.

Địa danh này (Đông Sơn) đã được đặt tên cho một nền văn hoá tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam thời kỳ dựng nước. Văn hoá Đông Sơn là nền văn hoá khảo cổ nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.


7. Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng

Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng

Địa chỉ: , Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Vị trí: phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Đặc điểm: đây là địa danh gắn với chiến thắng Hàm Rồng vang dội trong lịch sử

Với tổng diện tích 568ha, khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng bao gồm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cách mạng và công trình văn hóa tâm linh như: cầu Hàm Rồng, núi Hàm Rồng, động Tiên Sơn, động Long Quang, núi Ngọc, núi Cánh Tiên, đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, làng cổ Đông Sơn...

Với những trang sử oai hùng và cảnh quan của một vùng núi sông kỳ vĩ, khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng sẽ là thắng tích trường tồn mãi cùng chiều dài lịch sử dân tộc.


8. Đền Đồng Cổ

Đền Đồng Cổ

Địa chỉ: Thôn Ðan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Ðịnh, Thanh Hóa

Vị trí: Ðền Ðồng Cổ thuộc thôn Ðan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Ðịnh, cách thành phố Thanh Hóa 40 km về phía tây bắc.

Đặc điểm: Đền Đồng Cổ thờ vị thần Trống Đồng có công hộ quốc dưới thời Hùng Vương.

Đền Ðồng Cổ, nơi vừa có phong cảnh hữu tình, vừa có những huyền thoại gắn với nhiều giai đoạn trong lịch sử đất nước. Thuở xưa, đường bộ còn xa xôi cách trở, đường sông là phương tiện đi lại chủ yếu, ngôi đền nằm bên bờ hữu sông Mã này trở thành điểm dừng chân của nhiều tao nhân mặc khách trên đường thiên lý. Có lẽ, nhờ thế mà danh tiếng của ngôi đền càng bay xa thêm với những câu chuyện hư hư thực thực.

Tương truyền, có một vị vua khi đi đánh giặc qua đây có nghỉ lại một đêm trên bến Trường Châu ở khúc sông Mã gần đền (có sách nói là vua Lý Thái Tông, cũng nguồn nói là vua Hùng Vương đời thứ nhất đi dẹp giặc). Trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần xưng là Ðồng Cổ báo mộng bày cách dẹp giặc loạn. Khi vua tỉnh giấc còn nghe vang vọng tiếng chuông đồng vọng từ ngôi đền dưới chân ba ngọn núi.

Theo báo mộng của thần, khi ra trận vua cho dùng dùi đồng gõ vào trống đồng, giặc loạn sợ hãi bỏ chạy. Nhà vua sau đó đã quay lại để tạ ơn thần và cho tu bổ đền khang trang hơn. Tên đền Ðồng Cổ được dân làng gọi theo từ đó.

Ba ngọn núi đá vững chãi bao bọc ngôi đền được gọi là Tam Thái Sơn. Trước cửa đền, bên kia hồ bán nguyệt, có hai tấm bia trên vách đá núi Xuân. Một tấm bằng chữ Hán khắc lại bài văn bia do Nguyễn Quang Bàn viết năm 1802, ca ngợi phong cảnh sơn thủy hữu tình của nơi đây và kể lại chuyện một chiếc trống đồng cổ được tìm thấy và cúng tiến vào đền. Tấm kia bằng tiếng Pháp, khắc năm 1889, nội dung chép lại bài văn dân làng Ðan Nê tỏ lòng sùng kính với ngôi đền.

Tấm bia chữ Hán chép rằng: năm Canh Tuất (1790) Tuyên công Nguyễn Quang Bàn (con vua Quang Trung) vâng mệnh vua cha vào làm quan đặc sai đốc trấn Thanh Hóa. Một đêm nọ, ông nghỉ tại xã Ðan Nê, có vào cầu khấn trong miếu thờ Ðồng Cổ Sơn Thần. Sau đó ứng nghiệm bằng việc ông bỗng thấy bên bờ Nam sông Mã xuất lộ một chiếc trống đồng cổ rộng 9 thước, cao 4 thước. Năm Nhâm Tuất (1802) lại có dịp đi qua miếu, Nguyễn Quang Bàn sai đem chiếc trống đồng tìm được dạo trước hiến cho đền, đồng thời viết bia (lúc đó là bia gỗ) ghi lại để đời sau được rõ.


9. Thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ

Địa chỉ: , Huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Vị trí: Thành Nhà Hồ thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách Hà Nội khoảng 150km.

Đặc điểm: Thành do Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397 bằng những khối đá xanh rất lớn và kiên cố.

Thành nhà Hồ nằm ở vùng ranh giới hành chính giữa 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thành nhà Hồ có rất nhiều tên gọi như: Thành An Tôn, Tây Đô, Tây Kinh, Tây Giai, Thạch Thành. Thành được Hồ Quý Ly cho xây dựng trong 3 tháng, từ tháng Giêng đến tháng Ba năm Đinh Sửu (1397). Đến năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi, đặt tên nước là Đại Ngu, thành nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô từ năm 1400 – 1407 với tên gọi Tây Đô.

Thành Tây Đô gồm có la thành, thành nội và hộ thành hào. Ngày nay, chỉ còn thành nội là còn nhiều di tích cổ. Thành nội được xây dựng trên một dải đất gần như hình vuông, cạnh đông – tây dài 877 m, nam – bắc dài 880 m, diện tích 771.760m2. Tường thành phía ngoài được xây bằng 7 hàng đá xếp ngang, 2 hàng đá chìm dưới đất tạo thành móng, 5 hàng nổi trên mặt đất. Kích thước của 5 lớp đá nổi trên mặt tính từ trên xuống là 0,4m - 0,6m - 0,8m - 1,0m - 1,1m. Các phiến đá nặng khoảng từ 10 đến 20 tấn. Theo như tính toán, thì toàn bộ phần tường đá có thể tích là 25.000m3, phần tường đất khoảng 80.000m3, tổng diện tích bề mặt đá đo được là 10.111.000 m2.

Thành nội có bốn cổng được xây dựng theo kiến trúc hình vòm gồm có: Nam, Bắc, Đông, Tây với độ cao trung bình từ 6 đến 8 m. Cổng Nam là cổng chính được xây ba cửa, còn các cổng khác chỉ có một cửa. Trong sách sử để lại có miêu tả thành nội có các công trình kiến trúc như: Điện Hoàng Nguyên, cung Nhân Thọ, cung Phù Cực, Đông cung, Đông Thái miếu, Tây Thái miếu. Hiện nay, di vật còn lại là: đôi rồng bậc thềm làm bằng đá với những nét điêu khắc rất tinh xảo, nền móng kiến trúc thành nội, đường lát đá Hoa Nhai, bi đá, đạn đá, đồ gốm sứ, khuôn viên cửa Nam và nhiều hiện vật có giá trị đặc trưng cho văn hóa Trần - Hồ.

Tại Thành Tây Đô, vương triều nhà Hồ đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử của dân tộc như; lập đàn Xã Tắc năm Đinh Sửu (1397), đắp đàn Nam Giao và cử hành lễ tế năm Nhâm Ngọ (1402), tổ chức hai kỳ thi thái học sinh (tương đương với thi Đình) vào năm Canh Thìn (1400), Ất Dậu (1405). Cả hai lần có 190 người thi đỗ, trong số đó có danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi – Người anh hùng dân tộc của đất nước Việt Nam.

Khu di tích thành nhà Hồ đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1962.


10. Di tích lịch sử Lam Kinh

Di tích lịch sử Lam Kinh

Địa chỉ: , Xã Xuân Lam, Huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa

Vị trí: Thành Lam kinh thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 51km về phía tây.

Đặc điểm: Được xây xựng bởi vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), thành Lam Kinh còn có tên là Tây Kinh.

Thành điện Lam kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu (gọi là du sơn) mặt nam nhìn ra sông - có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây. Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam - Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ vương. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía Bắc hình cánh cung có bán kính 164m, thành dày 1m.

Ở xứ Thanh nguời ta không nói "đến" Lam Kinh mà thường nói "về" Lam Kinh. Về nhà, về với khu di tích lịch sử, về với nơi khởi nguồn của những chiến tích hào hùng. Về Lam Kinh nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai. Một đêm năm Bính Thân (1416) 18 người con của đất nước hừng hực ý chí đứng trước đống lửa ngùn ngụt cháy, thề đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi.

Hàng năm vào dịp tháng 8 âm lịch, lễ hội Lam Kinh lại bắt đầu. Ngày giỗ của Lê Lợi (22/8/1433) được cử hành trọng thể. Tiếng cồng chiêng âm vang rừng núi. Các điệu múa dân gian: Múa Xéc bùa, múa đèn Ðông Anh, múa rồng uyển chuyển bay lượn. Các trò chơi: Ném còn, dựng cây nêu, hát trò Xuân Phả náo nức lòng người.



Điểm tham quan du lịch khác tại Thanh Hóa



Cẩm Nang Du Lịch Thanh Hóa