Hưng Yên



Điểm tham quan tại Hưng Yên


1. Đền Ghênh

Đền Ghênh

Địa chỉ: Thôn Ngọc Quỳnh, Thị trấn Như Quỳnh, Huyện Văn Lâm, Hưng Yên

Vị trí: Thôn Ngọc Quỳnh, xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên

Đặc điểm: Thờ Bà Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, người phụ nữ tài giỏi, có công với dân với nước dưới thời kỳ nhà Lý.

Đền Ghênh là một công trình kiến trúc mang phong cách triều đại nhà Lý, là nơi lưu dấu ấn lịch sử của Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, một người phụ nữ tài đức vẹn toàn, một bậc mẫu nghi thiên hạ đã suốt đời vì dân, vì nước.

Đền Ghênh nằm ở thôn Ngọc Quỳnh được xây dựng vào năm Ất Mùi (1115). Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, tên thường gọi là Lê Thị Khiết, sinh ngày mùng 7 tháng 3 năm 1044 (Giáp Thân) quê làng Thổ Lỗi (còn gọi là làng Ghênh Sủi), phủ Thuận An, sứ Kinh Bắc xưa, nay là thôn Ngọc Quỳnh, xã Như Quỳnh. Tuy xuất thân trong gia đình lao động, nhưng Bà đã sớm nổi tiếng là một người thông minh xinh đẹp.

Năm bà 18 tuổi, nhân vua Lý Thánh Tông đi tuần du qua vùng này, gặp bà đang làm cỏ ở nương dâu, qua đối đáp, thấy bà là người nết na thông minh xinh đẹp và hiền dịu, vua bèn đưa Bà về Thăng Long và phong làm Ỷ Lan phu nhân. Bà sinh cho nhà Vua hai hoàng nam là Lý Càn Đức và Lý Minh Nhân, sau này Lý Càn Đức nối ngôi Vua hiệu là Lý Nhân Tông. Vua phong cho Ỷ Lan Phu nhân là Thần phi và đổi tên làng từ Thổ Lỗi sang Siêu Loại. Bà là người phụ nữ duy nhất của đất nước đã hai lần nhiếp chính thay vua trị vì đất nước.


2. Đền Đậu An

Đền Đậu An

Địa chỉ: Thôn An Xá, Xã An Viên, Huyện Tiên Lữ, Hưng Yên

Vị trí: Thôn An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, cách TP. Hưng Yên khoảng 12 km về phía đông bắc.

Đặc điểm: Đền được dựng theo phong cách kiến trúc đình, đền của vùng đồng bằng Bắc Bộ, thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Ngũ Lão Tiên ông cùng các vị Thiên tiên, Địa tiên

Đền tọa lạc trên thế đất hình rồng với diện tích khoảng 2,2ha, xung quanh có cây xanh, hồ nước tạo thành nơi Thủy tụ. Đền gồm 3 kiến trúc chính: đền Thượng (đền chính), đền Hội đồng và đền Thánh mẫu. Trong đó, đền Thượng là công trình kiến trúc đặc sắc hình chữ Đinh, gồm 3 tòa: Tiền tế, Thượng điện và Hậu cung. Phần lớn kiến trúc của đền được làm bằng gỗ lim, riêng hai cung Đệ nhất và Đệ nhị của tòa Thượng điện được xây dựng bằng đá tảng nguyên khối có chạm khắc họa tiết rồng, phượng tinh xảo.

Ngoài kiến trúc cổ kính, đặc sắc, đền Đậu An còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị nghệ thuật và tín ngưỡng, điển hình là: tòa tháp Cửu trùng cao 9 tầng bằng đất nung được xây dựng vào thời Lý - Trần với những hoạ tiết mang đậm văn hóa Chăm như: hình cánh sen, chim thần Gara… Đây là biểu tượng của chín tầng mây ở chốn Thiên Đàng, là nơi giao hòa giữa trời và đất, là con đường "thăng thiên, giáng trần" của Ngọc Hoàng Thượng đế và các vị tiên. Ngoài tòa tháp cổ, đền còn có nhang án (bệ hoa sen) bằng đất nung cũng được dựng vào thời Lý - Trần, chuông đồng niên hiệu Cảnh Hưng thứ 35 (1774), khánh đá cổ thời Lê và hai tấm bia đá thời Lý, Nguyễn ghi lại thời điểm dựng đền và những người có công tôn tạo, trùng tu đền.

Hàng năm, từ ngày 6 – 12/4 âm lịch, nhân dân thôn An Xá lại tổ chức lễ hội truyền thống đền Đậu An để tri ân công đức các vị tiền bối. Ngoài các nghi thức tế lễ chính (dâng hương, rước kiệu), lễ hội còn có nhiều trò chơi hấp dẫn như: chọi gà, cờ tướng, hát quan họ..., trong đó có trò chơi “đánh hổ” hay còn gọi là “đánh bệt” mang đậm màu sắc dân gian truyền thống.

Đền Đậu An đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1998.


3. Chùa Nễ Châu

Chùa Nễ Châu

Địa chỉ: , Xã Hồng Nam, Thành phố Hưng Yên, Hưng Yên

Vị trí: Nằm trên đường Phố Hiến, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Đặc điểm: Chùa Nễ Châu gắn liền với tên tuổi bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, vợ vua Lê Đại Hành.

Chùa Nễ Châu có tên chữ là “Thụy Ứng Tự” (chùa Thụy Ứng), được khởi dựng vào thời Tiền Lê (thế kỷ thứ 10). Tương truyền, khi Lê Hoàn đóng quân để chống giặc ngoại xâm nhà Tống ở Nễ Châu, đã cho người xây dựng một ngôi chùa. Khi chùa được xây xong, Lê Hoàn nói: làng nào đủ tiền trả công thợ thì chùa sẽ thuộc về làng đó. Nhờ vào sự giúp đỡ của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh (người làng Nễ Châu), dân làng Nễ Châu đã đủ tiền trả công thợ nên chùa thuộc về làng từ đó.

Năm 1992, chùa Nễ Châu đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.


4. Đền Mẫu

Đền Mẫu

Địa chỉ: Đường Bãi Sậy, Phường Quang Trung, Thành phố Hưng Yên, Hưng Yên

Vị trí: Đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên

Đặc điểm: Thờ Bà Dương Thiên Hậu (Quý phi họ Dương)

Đền Mẫu là một danh lam thắng cảnh đẹp của Phố Hiến “Đệ nhất danh lam Phố Hiến”. Đền được xây trên thế đất “Ngọa Long” nhìn ra hồ Bán Nguyệt với một không gian rộng rãi, tạo nên thế “Sơn Diễu Thủy”. Đền thờ bà Dương Quý Phi, được tán xưng là Dương Thiên Hậu. Theo sử sách và Ngọc Phả lưu truyền lại, thì bà là vợ vua Tống Đế Bính. Năm 1279, quân Nguyên xâm lược nước Tống, Vua và hoàng tộc xuống thuyền chạy về phương Nam. Trên đường chạy, họ bị tướng nhà Nguyên là Trương Hoằng Phạm bắt được. Vua Tống cùng một số phi tần không chịu khuất phục đã nhảy xuống biển tuẫn tiết, xác của Dương Quý Phi trôi vào bãi cát, được nhân dân chôn cất chu đáo và lập đền thờ.

Đền Mẫu đã được xếp hạng di tích văn hóa lịch sử - cấp quốc gia ngày 30/03/1990.Đền Mẫu thực sự là một tác phẩm kiến trúc đẹp, một di tích lịch sử văn hóa vừa uy nghi vừa cổ kính và gần gũi với nhân dân. Lễ hội đền Mẫu được tổ chức rất long trọng từ ngày 10 đến 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, được nhân dân trong và ngoài vùng nô nức tham dự.


5. Phố Hiến

Phố Hiến

Địa chỉ: , Thành phố Hưng Yên, Hưng Yên

Vị trí: Phố Hiến thuộc thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Đặc điểm: Phố Hiến nổi tiếng là một thương cảng từ thế kỷ 13. Ngày nay, phố Hiến còn gìn giữ được một quần thể kiến trúc cổ và đặc sản nổi tiếng là nhãn lồng phố Hiến - Hưng Yên.

Rất nhiều người Việt Nam biết câu "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Kinh kỳ là thủ đô Hà Nội ngày nay. Phố Hiến nay là thị xã Hưng Yên của tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội gần 60km.

Từ Hà Nội đi theo đường số 5, đến phố Nối, rẽ theo đường 39A qua những cánh đồng ngô lúa, những rặng nhãn um tùm là đến Phố Hiến.

Từ thế kỷ 13, Phố Hiến đã là một thương cảng. Thế kỷ 15 trở đi những tàu buôn của Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Anh, Pháp đã cập bến Phố Hiến.

Nhưng vì sông Hồng ngày càng lùi xa, Phố Hiến nhường dần vị trí thương cảng cho Hải Phòng, mà giữ lại cho mình những giá trị văn hoá lâu đời. Phố Hiến ngày nay còn gìn giữ được một quần thể kiến trúc cổ gồm 60 di tích lịch sử, 100 bia ký và nhiều đền chùa. Phố Hiến có một đặc sản nổi tiếng cả nước là nhãn lồng (gọi là nhãn lồng vì cây nhãn rất nhiều quả, người ta phải làm lồng bảo vệ cho chùm quả để chim chóc không ăn được). Nhãn lồng cùi dày, vỏ mỏng, hạt nhỏ, ăn ngọt mát như chè đường. Xưa kia nhãn lồng Phố Hiến đã được chọn để tiến vua. Cây nhãn tổ có từ thế kỷ thứ 16, nay vẫn xum xuê cành lá.

Ðến thăm Phố Hiến, du khách không nên quên vào chợ Phố Hiến, một chợ quê hoàn toàn yên ả như mặt nước hồ bán nguyệt ở trung tâm Phố Hiến.


6. Chùa Hiến

Chùa Hiến

Địa chỉ: Phố Hiến, Phường Hồng Châu, Thành phố Hưng Yên, Hưng Yên

Vị trí: Chùa Hiến thuộc địa phận Phố Hiến Hạ, nay là đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Đặc điểm: Tương truyền chùa được xây dựng từ thời Trần do Tô Hiến Thành, quan đại thần nhà Lý hưng công xây dựng. Chùa Hiến có tên chữ Hán là “Thiên Ứng tự” theo niên hiệu Thiên Ứng của vua Trần Thái Tông (1232-1250).

Chùa Hiến có bố cục kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm tiền đường, thiêu hương, thượng điện và ba mặt là hành lang. Giữa thượng điện là tượng Quan Âm Nam Hải ở thế ngồi, có tám đôi tay, bố trí đăng đối. Đầu tượng đội mũ chạm hoa cúc, sen, phù dung. Phía trước là tượng tứ vị bồ tát ngồi trên tòa sen, khuôn mặt đầy đặn, trang nghiêm. Các pho tượng này đều có niên đại thế kỷ 19. Việc thượng điện đặt ban thờ nổi bật tượng Quan âm cùng tứ vị bồ tát thể hiện tâm lý sùng bái vị thần có nhiều phép cứu giúp chúng sinh trên sông, biển. Đây là đặc điểm khác biệt trong bố cục thờ tự của chùa Hiến so với các chùa khác.

Chùa Hiến còn nổi tiếng có cây nhãn Tổ, chính xác ra tên gọi là cây nhãn tiến, nằm phía trước cửa chùa. Đây là cây nhãn đường phèn có dáng hình đẹp, mã lụa, quả to, cùi dày, hương vị thơm ngon đặc sắc nhất. Mỗi mùa nhãn chín, nhãn thường được chọn hái để dâng đức phật, cúng thần thành hoàng và để quan lại địa phương tiến vua. Thân cây chính đã già cỗi, bọ ruỗng, bị đổ chỉ còn một nhánh được đắp vun gốc, chăm sóc phát triển thành cây “hậu duệ”, hiện diện như một biểu tượng của giống nhãn đặc sản Phố Hiến - Hưng Yên.


7. Đền Chử Đồng Tử

Đền Chử Đồng Tử

Địa chỉ: Thôn Yên Vĩnh, Xã Dạ Trạch, Huyện Khoái Châu, Hưng Yên

Vị trí: Đền Chử Đồng Tử bao gồm 2 đền: đền Đa Hòa thuộc thôn Đa Hoà, xã Bình Minh, và đền Dạ Trạch thuộc thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, Huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Đặc điểm: Cả hai ngôi đền đều thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân.

Đền thờ Chử Đồng Tử có ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Tại huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội chừng 25km theo đê sông Hồng, có hai ngôi đền thờ Đức thánh Chử Đồng Tử, một ngôi đền nằm ở địa phận thôn Đa Hoà, xã Bình Minh, bên dòng sông Hồng nhìn ra bãi Tự Nhiên nơi nàng công chúa Tiên Dung xinh đẹp, con gái vua Hùng thứ 18 kỳ ngộ và nên duyên với chàng Chử nghèo khó; ngôi đền thứ hai thuộc địa phận thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, nơi chàng Chử cùng nhị vị phu nhân hoá về trời.

Tuy hai ngôi đền đều thờ đức thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân, kiểu dáng kiến trúc truyền thống nhưng có sự khác biệt đáng kể.

Ngôi đền Ða Hoà (được nhà nước xếp hạng di tích văn hoá năm 1962) nằm trên một khu đất cao, rộng, bằng phẳng hình chữ nhật có diện tích 18.720m² , cảnh quan đẹp, mặt quay hướng chính tây nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên. Tổng thể kiến trúc có 18 ngôi nhà mái ngói cổ như 18 con thuyền mũi cong tượng trưng cho 18 đời vua Hùng.

Hiện nay đền Ða Hoà còn bảo tồn được nhiều di vật quý hiếm, trong đó có đôi lọ Bách thọ (một trăm chữ thọ không chữ nào giống chữ nào, khắc trên thành lọ bằng gốm), một cổ vật vô giá của dân tộc.

Đền Dạ Trạch nằm trong không gian thoáng đãng cạnh đầm Dạ Trạch (được nhà nước xếp hạng di tích năm 1989). Kết cấu chính từ ngoài vào trong gồm có lầu chuông, hồ bán nguyệt, qua sân là đến điện thờ gồm ba toà nhà. Toàn bộ nội, ngoại thất, kiến trúc ngôi đền toát lên nét cổ kính, linh thiêng.

Lễ hội Chử Đồng Tử được tổ chức từ ngày 10 đến 12 tháng hai âm lịch hàng năm ở cả hai ngôi đền này.


8. Chùa Chuông

Chùa Chuông

Địa chỉ: Thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Vị trí: Từ Hà Nội, theo quốc lộ 5 khoảng 28km về phía đông, du khách sẽ tới thị trấn Phố Nối. Từ đây, đi tiếp theo quốc lộ 39 khoảng 34km về phía nam sẽ tới chùa Chuông.

Đặc điểm: Chùa đã từng được mệnh danh là "Chùa Chuông - Phố Hiến đẹp nhất danh lam".

Chùa Chuông được khởi dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ 15). Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện nay chùa mang kiến trúc kiểu "Nội công ngoại quốc", mặt quay về hướng nam, theo quan niệm của đạo Phật là hướng gắn liền với hạnh phúc và điều thiện. Quần thể kiến trúc trong chùa được bố trí cân xứng, nằm trải dài theo một trục đường thẳng tính từ cổng Tam quan đến nhà Tổ.

Ngoài kiến trúc đẹp, bề thế, chùa Chuông còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: hoành phi, câu đối…, đặc biệt là tấm bia đá “Kim Chung Tự thạch bi ký” được dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711). Trên bia có ghi tên những người công đức tu sửa chùa và mô tả cảnh đẹp, phố phường của Phố Hiến xưa.

Năm 1992, chùa Chuông đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.


9. Văn Miếu Hưng Yên

Văn Miếu Hưng Yên

Địa chỉ: làng Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Vị trí: Văn Miếu Hưng Yên hay còn gọi là Văn Miếu Xích Đằng, tọa trên một khu đất cao, rộng gần 4.000m², thuộc làng Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Đặc điểm: Đây là nơi minh chứng cho truyền thống hiếu học của người Hưng Yên và là nơi lưu danh tên tuổi của các nhà khoa bảng của hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, thuộc các triều đại Trần, Mạc, Lê, Nguyễn.

Văn Miếu Hưng Yên được khởi dựng vào thế kỷ 17, trên nền của chùa làng Xích Đằng, xã Nhân Dục, tổng An Tảo, huyện Kim Động xưa, nay là phường Lam Sơn, Tp. Hưng Yên. Văn Miếu được trùng tu, tôn tạo nhiều nhất vào năm Kỷ Hợi, niên hiệu Minh Mệnh thứ 20 (1839).

Văn Miếu có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Tam, bao gồm: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Hệ thống mái của các tòa được làm liên hoàn kiểu "Trùng thiềm điệp ốc". Văn Miếu có mặt tiền quay hướng Nam, cổng Nghi Môn được xây dựng đồ sộ, bề thế, mang dáng dấp cổng Văn Miếu Hà Nội. Phía trong cổng có sân rộng, ở giữa sân là đường thập đạo, hai bên sân có lầu chuông và lầu khánh cùng 2 dãy tả vu, hữu vu.

Văn Miếu xưa có 2 mùa lễ hội, trọng hội là ngày 10/2 và ngày 10/8 hàng năm. Vào các ngày trọng hội, các vị nho học và quan đầu tỉnh phải đến Văn Miếu để tế lễ, thể hiện nề nếp nho phong, tôn sư trọng đạo, cầu mong sự nghiệp giáo dục ngày càng tiến bộ.


10. Đền Thiên Hậu

Đền Thiên Hậu

Địa chỉ: 56 đường Trưng Trắc, thành phố Hưng Yên

Vị trí: 56 đường Trưng Trắc, thành phố Hưng Yên

Đặc điểm: Thờ Bà Lâm Tức Mặc, được nhân dân gọi là Thần Biển, đền mang đậm nét kiến trúc cổ của Trung Quốc…

Đền Thiên Hậu được 40 dòng họ người Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến ở Trung Quốc xây dựng vào năm 1640. Đền được xây dựng theo lối kiến trúc Trung Hoa trên nhiều phương diện, như Tam quan, nhà tế, mái đền, đao góc và kết cấu vì kèo. Đền được thiết kế, đục đẽo trang trí hoa văn sẵn từ Trung Quốc, rồi chở sang Việt Nam cất dựng.

Đền Thiên Hậu là một trong số rất ít công trình kiến trúc cổ của người Trung Hoa ở Phố Hiến còn bảo tồn tới ngày nay. Với mục đích gìn giữ và tuyên truyền quảng bá tới đông đảo quần chúng nhân dân, tỉnh Hưng Yên đã cho trùng tu đền Thiên Hậu khang trang đẹp đẽ hơn.

Đền Thiên Hậu đã được xếp hạng di tích văn hóa lịch sử - cấp quốc gia năm 1990.


11. Đền Kim Đằng

Đền Kim Đằng

Địa chỉ: Thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Vị trí: Thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Đặc điểm: Đền thờ tướng quân Đinh Điền (một trong những công thần khai quốc Đại Cồ Việt) và phu nhân Phan Thị Môi Nương.

Theo "Đại Nam nhất thống chí”, Đinh Điền là người làng Đại Hữu (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Thuở nhỏ, ông thường cùng Đinh Bộ Lĩnh và những đứa trẻ cùng làng đi chăn trâu ở Thung Lau (nay là động Hoa Lư, xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn) và chơi trò "cờ lau tập trận". Lớn lên, ông cùng Nguyễn Bặc, Lu Cơ, Trịnh Tú phò tá và giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.

Sau khi giang sơn thống nhất một mối, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, xưng là Đinh Tiên Hoàng, đặt Quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư. Đinh Điền được Đinh Tiên Hoàng giao chỉ huy 10 đạo quân đi thu phục các sứ quân khác. Trên đường đi, qua trang Đằng Man, tổng An Tảo, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng (nay là thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), thấy thế đất tựa "Thanh Long, Bạch Hổ chầu về", Đinh Điền liền cho dựng doanh trại và lấy người con gái tên Môi Nương làm vợ.

Đinh Điền mất ngày 17/11 âm lịch năm Kỷ Mão (979). Sau khi ông mất, người dân địa phương đã lập đền thờ trên nền doanh trại để tưởng nhớ công ơn to lớn của ông.

Nhằm phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân công lao của tướng quân Đinh Điền cũng như đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh của người dân địa phương và du khách, lễ hội đền Kim Đằng được tổ chức từ ngày 15 – 17/11 âm lịch hàng năm. Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài các nghi thức như lễ dâng hương, rước kiệu, còn có nhiều trò chơi dân gian truyền thống khu vực đồng bằng Bắc Bộ như: chọi gà, múa lân, hát nói, hát trống quân, múa rối nước...

Đền Kim Đằng đã được Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 20/12/1997.


12. Đền Phượng Hoàng

Đền Phượng Hoàng

Địa chỉ: Thôn Phượng Hoàng, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

Vị trí: Thôn Phượng Hoàng, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

Đặc điểm: Đền thờ Cúc Hoa, một người con gái có nhan sắc, con nhà giàu nhưng biết trọng lẽ phải và thương người nghèo.

Đền có kiến trúc theo hình chữ tam, kiểu chồng giường đấu xen. Hai đầu là hai cột trụ, đầu cột tạo dáng hình búp sen. Hàng kèo chạm hoa dây mềm mại. Trung tâm tòa tiền tế bài trí một bàn thờ, hai bên là hai câu đối ca ngợi công đức của Cúc Hoa. Bên trái treo quả chuông lớn đúc thời Bảo Đại. Tòa trung từ, gian chính điện được đặt một cỡ khám lớn. Trong khám là tượng Cúc Hoa. Hai bên khám thờ Đức ông và Thành Hoàng. Phần trong cùng được kiến trúc theo kiểu chồng diêm, bài trí tượng Phật.



Cẩm Nang Du Lịch Hưng Yên