Kon Tum



Điểm tham quan tại Kon Tum


1. Nhà thờ gỗ Kon Tum

Nhà thờ gỗ Kon Tum

Địa chỉ: Đường Nguyễn Huệ, Thành phố Kon Tum, Kon Tum

Vị trí: Nhà thờ gỗ Kon Tum nằm trên đường Nguyễn Huệ, Tp. Kon Tum.

Đặc điểm: Nhà thờ được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít, theo phong cách Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na được hoàn thành năm 1918.

Nhà thờ gỗ Kon Tum là một kiệt tác bởi được thiết kế theo kiến trúc Romantic, phối hợp hài hoà kiểu nhà sàn của người Ba Na nên đậm sắc thái văn hóa, tín ngưỡng người dân cao nguyên từ những đường nét họa tiết đến những điểm nhấn trên chất liệu. Nhà thờ là một công trình khép kín gồm: giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông. Ngoài ra còn có cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm, cơ sở mộc.

Công trình này được xây dựng bằng gỗ do những người thợ mộc lành nghề đến từ Bình Định và Quãng Ngãi. Trần và tường nhà thờ được xây bằng đất trộn rơm theo kiểu làm nhà truyền thống của người miền Trung. Trên tường rơm là những bức tranh kính màu về Chúa, Đức Mẹ rực rỡ khi ánh nắng vùng cao xuyên qua…


2. Vườn quốc gia Chư Mom Ray

Vườn quốc gia Chư Mom Ray

Địa chỉ: , Huyện Sa Thầy, Kon Tum

Vị trí: Vườn quốc gia Chư Mom Ray nằm trên địa phận hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cách Tp. Kon Tum khoảng 30km về phía tây bắc.

Đặc điểm: Nơi đây được đánh giá là nơi có vốn rừng vô cùng phong phú và quý giá mà khó có vườn quốc gia hay khu bảo tồn nào ở nước ta sánh được.

Vườn Quốc gia Chư Mom Ray được hình thành trên cơ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mom Ray với diện tích trên 56.000ha. Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có tính đa dạng sinh học cao nhất trong hệ thống các Vườn Quốc gia trên cả nước và là Vườn Quốc gia duy nhất của Việt Nam tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia.

Theo thống kê, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có gần 1.500 loài thực vật thuộc 154 họ và 551 chi, trong đó có 131 loài được xác định là quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như: phong lan, ngành hạt trần, các loài họ dầu, lớp tuế… Bên cạnh đó, có khoảng 2.000 loài thực vật quý hiếm khác như: kim giao, thông tre, trắc, cẩm lai…

Ngoài sự giàu có về khu hệ thực vật, động vật ở đây cũng rất đa dạng. Hiện nay, nơi đây có khoảng 452 loài, trong đó có 115 loài thú, 276 loài chim, 44 loài bò sát và 17 loài lưỡng cư. Điểm nổi bật của Vườn Quốc gia là: Ở đây có khoảng 114 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, cánh đồng cỏ - thung lũng Ja Book, với diện tích rộng hơn 9.000ha thuộc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đã thu hút nhiều loài thú móng guốc và thú ăn thịt quý hiếm như: Trâu rừng, hổ, bò tót, voi, gấu ngựa, beo lửa, mang Trường Sơn… cùng rất nhiều các loài bò sát, lưỡng cư khác tới sinh sống.

Với đặc điểm đa dạng sinh học cao và có nhiều nguồn gen quý, năm 2004, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đã được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là Di sản ASEAN.

Đến với Chư Mom Ray, du khách không những có dịp được khám phá nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tham quan một số địa danh du lịch hấp dẫn như: đường Trường Sơn, địa danh H 67 - căn cứ địa của bộ đội Tây Nguyên anh dũng với đồi Sạc Ly, sân bay Phượng Hoàng, cửa khẩu quốc tế Bờ Y, thuỷ điện Yaly… mà còn có dịp được tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc nơi đây.


3. Ngục Kon Tum

Ngục Kon Tum

Địa chỉ: , Thành phố Kon Tum, Kon Tum

Vị trí: Nhà tù Kon Tum nằm ở phía tây thị xã Kon Tum.

Đặc điểm: Do người Pháp xây dựng để giam giữ tù chính trị, các chiến sỹ cách mạng của ta trong thời kỳ năm 1930 - 1931.

Đến năm 1975 khi chiến tranh kết thúc, nhà ngục Kon Tum trở thành di tích lịch sử của miền Nam Việt Nam. Sau bao năm hư hại, nay chỉ còn bia tưởng niệm và mộ của 8 liệt sỹ cách mạng. Ngục Kon Tum là một điểm tham quan di tích lịch sử cách mạng.


4. Chiến trường Đăk Tô - Tân Cảnh

Chiến trường Đăk Tô - Tân Cảnh

Địa chỉ: huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum

Vị trí: Chiến trường Đắk Tô - Tân Cảnh thuộc huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum, cách thị xã Kon Tum 42km về phía bắc.

Đặc điểm: Nơi diễn ra trận đánh ác liệt trong chiến tranh chống Mỹ vào năm 1972.

Đắk Tô trở nên một địa danh quen thuộc đối với các cựu chiến binh Mỹ đã từng tham gia cuộc chiến tranh tại Việt Nam muốn trở lại thăm chiến trường xưa.

Du khách đến thăm quan sẽ thấy sừng sững giữa trung tâm thị trấn Đăk Tô đài tưởng niệm và tấm bia lớn ghi lại chiến tích lẫy lừng của chiến trường Đăk Tô - Tân Cảnh.

Cách Đắk Tô 5km về phía nam là đồi Charlie cũng là một di tích chiến trường xưa của tỉnh Kon Tum


5. Làng Ba Na

Làng Ba Na

Địa chỉ: tỉnh Kon Tum

Vị trí: Ở Tây Nguyên thuộc tỉnh Kon Tum.

Đặc điểm: Làng Ba Na là những nếp nhà sàn dựng trên nền đất hình vuông hay hình chữ nhật, cầu thang lên nhà thường là một thân cây gỗ, đục đẽo thành nhiều bậc khá công phu.

Dân tộc Ba Na là một trong ba dân tộc bản địa đông người nhất ở Tây Nguyên, họ sống nhiều nhất ở tỉnh Kon Tum. Ba Na Kon Tum là tên cộng đồng người Ba Na tập trung ở thị xã Kon Tum. Theo tiếng Ba Na thì Kon nghĩa là làng, Tum nghĩa là hồ, ao. Kon Tum là làng có nhiều ao, hồ.

Đến thăm làng Ba Na, du khách sẽ nhìn thấy những nếp nhà sàn dựng trên nền đất hình vuông hay hình chữ nhật, cầu thang lên nhà thường là một thân cây gỗ, đục đẽo thành nhiều bậc khá công phu. Người Ba Na là dân tộc đầu tiên ở Tây Nguyên biết dùng chữ viết trong đời sống và dùng trâu bò để cày ruộng. Tuy nhiên họ cũng chưa biết tổ chức cuộc sống khoa học, gạo chỉ giã đủ ăn từng ngày. Trước đây người Ba Na có truyền thống săn bắn giỏi, tới gia đình nào bạn cũng có thể nhìn thấy có vài cái nỏ bằng gỗ rất chắc.

Cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, giữa sàn nhà người Ba Na là bếp lửa luôn luôn đỏ than. Bếp cũng là trung tâm sinh hoạt của mọi thành viên trong gia đình.

Ðàn ông Ba Na thường có vết sẹo ở ngực. Ðó là vết tích do họ tự gây nên bằng cách lấy lửa hoặc than hồng dí vào ngực khi trong nhà có người chết, để tỏ lòng thương tiếc người quá cố.


6. Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh

Địa chỉ: huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum,

Vị trí: Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh thuộc địa phận hai huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, cách thành phố Kon Tum khoảng 150km về phía bắc.

Đặc điểm: Đây là nơi có bầu không khí trong lành, mát mẻ và có hệ động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh có diện tích từ nhiên 41.429 ha, trải dài thuộc địa phận 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei.

Ở khu hệ thú có 91 loài, trong đó có 25 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 20 loài trong Sách đỏ thế giới và 24 loài nằm trong Nghị định 32. Các loài thú quý hiếm như: mang Trường Sơn, mang lớn, chà vá chân xám, chà vá chân đen, gấu chó, gấu ngựa, cu li lớn, khỉ mặt đỏ…

Ở Khu hệ chim có 234 loài, trong đó có 10 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 8 loài trong Sách đỏ Thế giới và 9 loài nằm trong Nghị định 32. Các loài chim quý hiếm như: gà lôi lông tía, gà lôi trắng, khướu Ngọc Linh, khướu đầu xám, trĩ sao…

Ở khu hệ bò sát, ếch nhái có 65 loài, trong đó có 10 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 7 loài trong Sách đỏ Thế giới và 5 loài nằm trong Nghị định 32. Các loài quý hiếm như: rồng đất, rắn hổ mang chúa, ếch gai…

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những con số được phát hiện, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh còn nhiều tiềm năng và bí ẩn đang cần tiếp tục được nghiên cứu và khám phá.


7. Nhà rông Tây Nguyên

Nhà rông Tây Nguyên

Địa chỉ: Tây Nguyên

Vị trí: Nhà rông Tây Nguyên chỉ có ở những buôn làng bắc Tây Nguyên, đặc biệt ở Kon Tum.

Đặc điểm: Mỗi buôn, làng dựng một ngôi nhà sàn lớn được trang trí đẹp ở giữa buôn, làng gọi là nhà rông. Nhà rông là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng: lễ tết, hội làng, đám cưới, lễ cầu nguyện và là nơi hội họp của cả buôn làng già, trẻ, trai, gái...

Nhà rông của mỗi dân tộc đều có những nét riêng trong kiến trúc, tạo dáng, trang trí hoa văn. Nhưng nhìn chung nhà rông vẫn là ngôi nhà to nhất, thường gấp ba, gấp bốn nhà thường, có mái nhọn xuôi dốc và được dựng trên những cột cây to, thường là tám cột bằng cây đại thụ, thẳng, chắc; mái nhọn lợp bằng lá gianh, phơi kỹ cho đến khi vàng óng. Trên những vì kèo được trang trí những hoa văn có màu sắc rực rỡ mang tính tôn giáo thờ phụng, những sự tích huyền thoại của dũng sĩ thuở xưa, những thú vật được cách điệu, những vật, những cảnh sinh hoạt gần gũi với cuộc sống buôn làng. Nổi bật trong trang trí nhà rông là hình ảnh thần mặt trời chói sáng.

Nhà rông càng to đẹp thì càng chứng tỏ buôn làng giàu có, mạnh mẽ.


8. Khu du lịch sinh thái Măng Đen

Khu du lịch sinh thái Măng Đen

Địa chỉ: Huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum,

Vị trí: Từ thành phố Kon Tum, đi theo Quốc lộ 24 khoảng 54km đến trung tâm huyện Kon Plong, đi bộ thêm 1km nữa qua đèo Măng Đen, du khách sẽ đến khu du lịch sinh thái Măng Đen. Măng Đen theo tiếng M’Nông bản địa có nghĩa là vùng đất rộng lớn, bằng phẳng.

Đặc điểm: Là khu du lịch sinh thái hấp dẫn và giàu tiềm năng của tỉnh Kon Tum.

Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển trong vành đai khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm từ 18 đến 20ºC nên Măng Đen được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai” của Tây Nguyên. Bao quanh Măng Đen là những cánh rừng bạt ngàn với hệ động thực vật phong phú, đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng như: sơn dương, hươu, chim trĩ, trăn...; pơ mu, trầm dó, quế… Đặc biệt, nơi đây còn có rừng thông đỏ và thông pơ mu có tuổi đời 30 - 70 được trồng hai bên đường đèo Măng Đen.

Điều kiện khí hậu ở Măng Đen rất thích hợp để trồng các loại nông sản, vì vậy ở đây có một khu vườn thực nghiệm trồng nhiều loại rau và hoa xứ lạnh. Bên cạnh đó còn có vườn thú nuôi nhiều loại thú rừng để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách như: heo rừng, nai, gà, nhím…


9. Nhà mồ Tây Nguyên

Nhà mồ Tây Nguyên

Địa chỉ: tỉnh Tây Nguyên.

Vị trí: Nhà mồ Tây Nguyên có ở hầu hết các tỉnh Tây Nguyên.

Đặc điểm: Nhà mồ Tây Nguyên được xây cất theo phong tục tang lễ ở vùng Tây Nguyên, lúc đầu là chòi nhỏ sơ sài, sau đó một hoặc vài ba năm thân nhân gia đình người chết dựng lại nhà mồ mới khang trang, trang trí nhiều tượng gỗ.

Theo phong tục tang lễ của một số tộc người ở vùng Tây Nguyên, sau khi chôn người chết, người ta làm một chòi nhỏ sơ sài trên nấm mộ để che mưa che nắng cho người chết. Trong chòi thường đặt một số đồ dùng của người đã khuất.

Sau đó một hoặc vài ba năm, thân nhân gia đình người chết phá nhà mồ cũ, dựng nhà mồ mới khang trang hơn, kiên cố hơn, trang trí tượng gỗ, có hàng rào xung quanh nhà mồ.

Tục phá chòi, dựng nhà mồ mới của một số tộc người ở Tây Nguyên thường được tổ chức vào mùa xuân (mùa khô) và được coi như một lễ hội lớn (lễ bỏ mả) của dân bản. Người ta đưa đến nghĩa địa rượu, thịt, cá, các vật cúng tế. Thân nhân người quá cố và dân bản cùng vui mừng, ăn uống, nhảy múa trong một hay nhiều ngày bên nhà mồ để chia biệt vĩnh viễn người quá cố.

Tục bỏ nhà mồ theo quan niệm sau sự kiện này thì người sống hết trách nhiệm trông nom, thờ cúng cho người quá cố và được giải thoát mọi giàng buộc, nếu còn trẻ có thể lấy vợ (hoặc chồng) khác; còn người quá cố sẽ được đầu thai sang kiếp khác…



Cẩm Nang Du Lịch Kon Tum