Điểm tham quan tại Quảng Ninh

I. Du Lịch Di Tích Văn Hóa tại Quảng Ninh




1. CỤM DI TÍCH YÊN ĐỨC

CỤM DI TÍCH YÊN ĐỨC

Địa chỉ: Thôn Đồn Sơn, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Vị trí: Cụm di tích Yên Đức thuộc thôn Đồn Sơn, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Đặc điểm: Cụm di tích này bao gồm 5 di tích hợp thành: núi Canh, núi Đồng Thóc, núi Thung, núi Con Chuột, núi Con Mèo, trên vách núi vẫn còn ghi dấu của nhiều bài thơ cổ được khắc

Cụm di tích Yên Đức thuộc thôn Đồn Sơn, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều, gồm 5 di tích tạo thành với những núi đá nhấp nhô muôn hình muôn vẻ như núi Canh (cầy ruộng), núi Đồng Thóc (sự phồn thịnh), núi Thung (cối giã gạo), núi Con Chuột (phá thóc), núi Con Mèo (nằm rình chuột). Tất cả các núi ở đây như được bàn tay tạo hoá xếp đặt thành cảnh sơn thuỷ hữu tình thật đẹp và đều gắn liền với tư duy của cư dân nông nghiệp.

Ngoài ra ở núi Thung còn có nhà thờ 8 vị thuỷ tổ đầu tiên khai căn lập ấp và chùa Cảnh Huống thờ Phật. Lễ hội Yên Đức diễn ra vào ngày 16/1 âm lịch với nội dung phong phú như lễ Phật, lễ giỗ tổ và cũng là ngày lễ giỗ trận của địa phương.


2. KHU DI TÍCH DANH THẮNG YÊN TỬ

KHU DI TÍCH DANH THẮNG YÊN TỬ

Địa chỉ: Xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Vị trí: Quần thể di tích Yên Tử nằm gần đường 18A, cách thành phố Uông Bí 14km và là một điểm du lịch rất hấp dẫn.

Đặc điểm: Khu di tích danh thắng Yên Tử là một quần thể chùa, am, tháp, tượng, rừng cây cổ thụ và cảnh vật thiên nhiên nằm rải rác từ dốc Đỏ theo chiều cao dần đến đỉnh núi.

Khu di tích danh thắng Yên Tử là một quần thể chùa, am, tháp, tượng, rừng cây cổ thụ. Là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm từ cuối thế kỷ 13. Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Đồng ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi ngoạn mục và được liệt vào Danh sơn đất Việt.

Núi Yên Tử có chiều cao 1.068 m từ xưa đã được coi là danh sơn đất Việt. Ngay từ thế kỷ thứ 10, đạo sĩ Yên Kỳ Sinh đã đến tu hành và đắc đạo ở đây, nhưng Yên Tử chỉ thực sự nổi tiếng khi Vua Trần Nhân Tông - một ông vua đang thời thịnh trị (cuối thế kỷ 13) đã từ bỏ ngai vàng đến đây tu hành, nghiên cứu Phật pháp và trở thành vị Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm với Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng .

Vào mùa xuân, khách thập phương thường đến Yên Tử rất đông vừa để hành hương, vừa để vãn cảnh. Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng âm lịch và kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch.


3. BÃI CỌC BẠCH ÐẰNG

BÃI CỌC BẠCH ÐẰNG

Địa chỉ: Xã Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Vị trí: Từ quốc lộ 10, cách thị xã Quảng Yên 2 km có một tấm biển lớn chỉ đường đi tới khu di tích này, nằm ngay cạnh bờ đê sông Chanh.

Ðặc điểm: Bãi cọc này được sử dụng trong trận chiến chống quân Nguyên Mông vào năm 1288. Bãi cọc bao gồm hàng trăm cọc bằng những thân cây gỗ lim cắm sâu dưới bùn, dài từ 3 đến 5m và cách nhau khoảng 1m

Vào năm 1953 ở khu đầm nước xã Yên Giang thị xã Quảng Yên, trong khi đắp đê người ta đã phát hiện ra một bãi cọc lớn. ở đó có hàng trăm cọc làm bằng các thân cây gỗ lim cắm sâu trong bùn dài từ 3m đến 5m, mỗi chiếc cách nhau khoảng 1m. Ðây chỉ là một phần nhỏ trong một bãi cọc rộng lớn mà tướng quân Trần Hưng Ðạo đã bố trí để làm cạm bẫy ngầm dưới lòng sông Bạch Ðằng trong trận thuỷ chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược vào năm 1288.

Sau nhiều thế kỷ, lòng sông đã đổi dòng và khúc sông cũ trở thành đồng ruộng, đầm lầy vì thế nhiều bãi cọc đã mất dấu tích. Hiện nay tại đây còn giữ lại một khu di tích với các cọc gỗ lim vẫn còn đang bị ngâm trong lòng bùn nước suốt hơn 7 thế kỷ làm cho tất cả các du khách đến thãm đều phải ngạc nhiên khâm phục.


4. BẢO TÀNG – THƯ VIỆN TỈNH QUẢNG NINH

BẢO TÀNG – THƯ VIỆN TỈNH QUẢNG NINH

Địa chỉ: Phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Vị trí: nằm trong quần thể các công trình văn hóa khu vực Cột 3, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Đặc điểm: có kiến trúc độc đáo, không gian đẹp, trưng bày nhiều hiện vật có giá trị.

Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Tây Ban Nha Salvador Perez Arroyo, Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh tọa lạc trên tổng diện tích gần 24.000m² với tổng vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng, bao gồm 3 khối nhà được kết nối với nhau bằng hệ thống đường cầu trên cao là bảo tàng, thư viện và khu vực hội thảo, trưng bày. Lấy ý tưởng từ hình tượng than đá – loại khoáng sản đặc trưng của Quảng Ninh, cụm công trình như một biểu tượng trên con đường ven biển đẹp nhất Hạ Long. Đặc biệt, tòa nhà được lắp 14.000m² kính bán cường lực có khả năng chống tự vỡ do biến đổi nhiệt. Bằng những thủ pháp kiến trúc táo bạo, công trình như một tấm gương khổng lồ phản chiếu hình ảnh di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Hiện Bảo tàng – Thư viện Quảng Ninh mở cửa đón khách tham quan từ 9h00 đến 11h30 và 14h00 đến 18h00 các ngày thứ 3 đến thứ 7 hàng tuần. Công trình đã và đang góp phần vào sự nghiệp quảng bá và phát triển văn hóa, du lịch Quảng Ninh tới du khách trong nước và bạn bè quốc tế.


5. CHÙA NGỌA VÂN

CHÙA NGỌA VÂN

Địa chỉ: Thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Vị trí: Nằm ở sườn phía nam của núi Bảo Đài (còn gọi là núi Vây Rồng), thuộc dãy Yên Tử, thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Đặc điểm: là nơi tu hành và nhập cõi Niết bàn của Phật hoàng Trần Nhân Tông thế kỷ 13..

Chùa Ngọa Vân được xây dựng vào thời nhà Trần, là một trong những công trình tiêu biểu nằm trong Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều. Sau thời gian tu hành khổ hạnh và sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm tại Yên Tử, Vua Trần Nhân Tông xuống núi, đi khắp nơi giáo hóa dân chúng thực hành thập thiện, ban thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Tháng 5 năm Đinh Mùi (1307), ngài lên núi Bảo Đài, chọn đỉnh Ngọa Vân dựng am làm nơi tu hành. Giờ Tý ngày mùng 3 tháng 11 âm lịch năm Mậu Thân (1308), ngài hóa Phật tại am Ngọa Vân, kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện của mình. Ngọa Vân vì thế trở thành thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm.

Để đến di tích chùa Ngọa Vân, ngoài hai lối mòn lên núi, du khách còn có thể sử dụng hệ thống cáp treo có chiều dài khoảng 2km. Cùng với đó, tuyến đường kết nối di tích, danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí) với Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, phật tử và du khách thập phương tham quan, chiêm bái thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm.

Chùa – am Ngọa Vân được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2006.


6. ĐỀN CỬA ÔNG

ĐỀN CỬA ÔNG

Địa chỉ: Phường Cửa Ông, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh

Vị trí: Từ thành phố Hạ Long, theo quốc lộ 18 về phía đông bắc khoảng 30km đến thành phố Cẩm Phả, sau đó rẽ phải đi tiếp hơn 100m, du khách sẽ tới đền Cửa Ông.

Đặc điểm: là ngôi đền linh thiêng và có cảnh quan ngoạn mục

Đền Cửa Ông được xây dựng vào thế kỷ 19, ban đầu gọi là miếu Hoàng tiết chế, thờ Hoàng Cần, một người địa phương có nhiều công đánh giặc phá cướp, được các triều vua phong “Khâm sai Đông Đạo Tiết chế”. Sau này, đền thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng (con trai thứ ba của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) - người có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, bảo vệ tuyến biên giới và lãnh hải vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Đền tọa lạc trên một ngọn đồi cao khoảng 100m nhìn xuống vịnh Bái Tử Long, hai bên có hai ngọn đồi nhỏ hộ vệ, phù hợp với quy tắc “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”, sau lưng là dãy núi chạy dài qua Cẩm Phả, Mông Dương. Nơi đây có sự hòa quyện giữa núi, rừng và biển tạo nên cảnh quan hữu tình, hùng tráng nhưng cũng đầy trang nghiêm, tĩnh mịch. Vị trí ngôi đền đã được người xưa ca tụng: “Nghìn trùng nước biếc buông tay áo - Bốn phía non xanh tạc hoạ đồ”.

Đền Cửa Ông được xây bằng các loại vật liệu như: đá đúc, gạch Bát Tràng, vữa hồ pha mật, đất sét nung. Phần trong nhà đền sử dụng các loại gỗ đinh, lim, trắc, gụ. Kiến trúc đền được trang trí theo các điển tích: Long, Ly, Quy, Phượng cùng các bức phù điêu, bức trướng, câu đối sơn son, thếp vàng lộng lẫy.

Từ ngày 3/2 âm lịch đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm, tại đây diễn ra Lễ hội đền Cửa Ông với nhiều nghi lễ trang trọng và hoạt động văn hóa đặc sắc. Năm 2017, đền Cửa Ông đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, góp phần khẳng định giá trị của di tích trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Quảng Ninh và du khách thập phương.


7. CHÙA VẠN LINH KHÁNH

CHÙA VẠN LINH KHÁNH

Địa chỉ: Phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Vị trí: Chùa Vạn Linh Khánh thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Đặc điểm: Chùa được xây dựng từ thế kỷ 18 trên một khuôn viên rộng. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được hơn 50 pho tượng lớn nhỏ và có một cây chay cổ thụ.

Chùa Vạn Linh Khánh còn có tên khác là chùa Nam Thọ. Được xây dựng năm 1775, chùa lạc trên một khuôn viên rộng trên 5.000m2. Trong chùa vẫn còn cây chay cổ thụ, dấu tích của rừng chay mấy trăm năm trước. Trong chùa có trên 50 pho tượng lớn nhỏ. Trong số đó có phật Di Lặc, Phật Bà 12 tay, Quan âm Thị Kính. Đây là ngôi chùa khá nổi tiếng của vùng Đông Bắc. Vào những ngày đầu tháng và rằm, chùa đón tiếp rất đông người đến lễ bái và vãn cảnh chùa.


8. ĐỀN TRÀ CỔ

ĐỀN TRÀ CỔ

Địa chỉ: Phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Vị trí: Đền thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Đặc điểm: Đền có tượng bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, tương truyền là một pho tượng từ biển vào. Đền còn có một cây chay 700 năm tuổi và nổi tiếng linh thiêng.

Đây là ngôi đền cổ xuất hiện cùng với đình Trà Cổ. Lúc đầu đền chỉ là một lán nhỏ trong rừng chay, dần dần đền đã được tu bổ, trở nên khang trang và tọa lạc trên một khu đất rộng. Trong đền có một cây chay cổ thụ có tuổi khoảng 700 năm. Đền có tiếng là linh thiêng nên hàng năm vào dịp lễ hội (ngày 23/3 âm lịch), đền thu hút rất đông du khách từ nhiều vùng đến tham dự.


9. ĐỀN VÀ KHU LĂNG MỘ NHÀ TRẦN

ĐỀN VÀ KHU LĂNG MỘ NHÀ TRẦN

Địa chỉ: xã An Sinh, Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Vị trí: Đền và khu lăng mộ nhà Trần thuộc xã An Sinh, Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Đặc điểm: Đây là một khu di tích rộng, thờ tám vị vua nhà Trần. Khu di tích này đã được trùng tu nhiều lần vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Khu di tích này mang một giá trị lịch sử to lớn trong lịch sử Việt Nam.

Đền và khu lăng mộ nhà Trần nằm rải rác trong một khu đất rộng có bán kính 20km có các di tích lịch sử để thờ "Bát vị Hoàng Đế Trần Triều" được xây dựng từ thời Trần, được trùng tu ở thời Hậu Lê và thời Nguyễn bao gồm một ngôi đền với 8 lăng mộ. Khu đền Sinh thuộc thôn Nghĩa Hưng là nơi thờ chung 8 vị vua Trần và lăng mộ của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Giản Định Đế. Lăng mộ Trần Anh Tông ở khu Trại Lốc, lăng Trần Minh Tông ở khu Khe Gạch, lăng Trần Hiến Tông ở khu Ao Bèo, lăng Trần Dụ Tông ở khu Đống Tròn, lăng Trần Nghệ Tông ở khu Khe Nghệ. Ngoài ra còn có nhiều toà điện miếu lớn để làm nơi tế lễ bái yết. Toàn bộ khu vực này đã trở thành một thánh địa tôn nghiêm qua các triều Trần, Lê, Nguyễn và là một di tích lịch sử có giá trị to lớn trong lịch sử Việt Nam. Từ đường quốc lộ, đến ngã tư phường Đông Triều, rẽ trái có con đường dài 5km dẫn thẳng tới khu di tích này.


10. NHÀ THỜ TRÀ CỔ

NHÀ THỜ TRÀ CỔ

Địa chỉ: phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Vị trí: Nhà thờ Trà Cổ thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Đặc điểm: Nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ 19 và được trùng tu lại năm 1995. Nhà thờ có hàng trăm bức phù điêu và một quả chuông 80 năm tuổi.

Được xây dựng từ những năm 1880, nhà thờ Trà Cổ khá đồ sộ và có kiến trúc đẹp. Trong nhà thờ có một chuông cổ có từ 80 năm trước. Sau một thời gian bị hư hỏng, đến năm 1995 nhà thờ được sửa chữa lớn. Hàng trăm bức phù điêu được khôi phục, trả lại cho nhà thờ dáng vẻ cổ kính như xưa. Nhà thờ là điểm tham quan nổi tiếng của vùng Trà Cổ, Móng Cái.


11. LÀNG CHÀI CỬA VẠN

LÀNG CHÀI CỬA VẠN

Địa chỉ: xã Hùng Thắng, thành phố Hạ Long

Vị trí: Làng nằm trong một vụng biển lặng sóng, xung quanh là núi đá bao bọc có tên Vạ Giá - Cửa Vạn. Khu vực này là một địa điểm lý tưởng cho các loại tàu neo đậu. Làng chài thuộc xã Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, cách bến tàu du lịch khoảng 20km.

Ðặc điểm: Thôn Cửa Vạn có 176 hộ gồm 733 nhân khẩu hầu hết đều sinh sống bằng nghề chài lưới.

Tất cả nhà ở của họ đều nổi trên biển nhưng rất khang trang sạch sẽ. Những gia đình khá giả có nhà lợp ngói trên những bè phao nổi, trong nhà có đủ tiện nghi như đài, ti vi, bàn ghế...

Làng chài trên biển mênh mông này có một cơ sở đào tạo cho trẻ em thôn Cửa Vạn. Trên diện tích 150m2 được neo đậu dưới chân núi Ngọc là bốn phòng học và một vài phòng nhỏ dành cho giáo viên. Đây là những lớp học nổi đầu tiên trên biển dành cho con em làng chài của vùng biển Hạ Long. Hiện nay Cửa Vạn có 7 lớp học, chủ yếu là học sinh lớp một và lớp hai, ít tuổi nhất là 8 và cao nhất là 17 tuổi.

Làng chài Cửa Vạn hiện đang là điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch nước ngoài. Hầu hết các tour thăm vịnh của các hãng du lịch đã chọn làng chài để đưa khách tới thăm.


12. LÀNG NGHỀ NUÔI CẤY NGỌC TRAI

LÀNG NGHỀ NUÔI CẤY NGỌC TRAI

Địa chỉ: huyện đảo Vân Ðồn, tỉnh Quảng Ninh.

Vị trí: Làng nghề nuôi cấy ngọc trai thuộc huyện đảo Vân Ðồn, tỉnh Quảng Ninh.

Ðặc điểm: Nghề nuôi cấy Ngọc trai ra đời cách đây khoảng 40 năm. Ở đây có rất nhiều các loại trai quý và có giá trị xuất khẩu cao như: trai Mã Thị, trai Vỏ Dày, trai Cánh Dài và loài Jamson.

Làng nghề nuôi cấy ngọc trai trên biển đầu tiên của vùng Ðông Bắc Việt Nam thuộc huyện đảo Vân Ðồn, cách thành phố Hạ Long khoảng 60km. Nghề này đã ra đời và phát triển ở đây khoảng 40 năm. Huyện đảo Vân Ðồn có diện tích các bãi triều ngập nước là 10.969ha, cùng hàng vạn ha đất có mặt nước tại các vụng, tùng, vịnh... ẩn khuất trong trùng điệp núi đá, núi đất thuộc vịnh Bái Tử Long là những nơi lý tưởng để phát triển nghề này.

Vân Ðồn là nơi tập trung tới bốn loài trai ngọc có giá trị, gồm trai Mã Thị, trai Vỏ Dày, trai Cánh Dài và loài Jamson. Ðây là những loài trai ngọc rất quí và có giá trị xuất khẩu cao. Với diện tích mặt nước hàng vạn ha, cùng với khí hậu, môi sinh rất thuận lợi cho việc nuôi trai cấy ngọc, tạo nên một vùng nuôi cấy ngọc trai rất lớn ở Vân Ðồn.

Theo tàu ra vịnh, du khách có dịp tới thăm các "ngư trường" nuôi trai cấy ngọc trên biển của “làng” trai ngọc Vân Ðồn. Dưới ánh nắng ban mai lấp loá những giàn phao, lưới lồng nhấp nhô trải dài theo con sóng, chắc bạn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng, thích thú bởi cảnh vật nơi này.


13. CHỢ HẠ LONG

CHỢ HẠ LONG

Địa chỉ: thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Vị trí: Chợ nằm ở trung tâm thành phố Hạ Long.

Đặc điểm: Đây là chợ đầu mối thương mại của tỉnh Quảng Ninh. Hàng hoá ở đây khá phong phú, từ các loại hàng thông thường đến các loại hàng cao cấp, trong đó đa sô là hàng sản xuất từ Trung Quốc.

Chợ được xây dựng khang trang, các sạp hàng sắp xếp trật tự, khoa học; nhờ đó, khách dễ dàng tìm được những mặt hàng theo nhu cầu. Các loại hải sản ở đây tươi ngon và rẻ. Đặc biệt trong chợ Hạ Long có món chả mực, dịch vụ cho món ăn này được bố trí thành dãy dài trong chợ. Đây chính là nét đặc sắc của chợ Hạ Long. Món chả mực rán nóng hổi, toả mùi thơm rất hấp dẫn khiến thực khách khó lòng từ chối nếm thử một lần để rồi nhớ mãi.


14. CHỢ BÌNH LIÊU

CHỢ BÌNH LIÊU

Địa chỉ: huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh

Vị trí: Thuộc huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long khoảng 130km.

Đặc điểm: Đồng bào các dân tộc Kinh (Việt), Dao, Tày, Sán Chỉ tại các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và một số người buôn bán từ khu Đồng Tông - Trung Quốc cũng đi chợ Bình Liêu.

Hàng hoá trao đổi trong ngày chợ chủ yếu là các loại nông, lâm thổ sản do nhân dân trong vùng nuôi trồng được như: gia cầm; các loại dầu quế, hồi, sở; các loại củ, các loại lá thuốc chữa trị bệnh v.v... Đặc biệt hơn cả là mật ong rừng. Đã từ lâu mật ong được coi là thứ hàng đặc sản cho những du khách có dịp qua nơi này. Còn nhân dân Trung Quốc sang hội chợ với các loại hàng gia dụng như giầy, dép, quần áo v.v... và điều thú vị là họ giữ giá bán từ đầu đến tan buổi chợ, không giảm mà cũng không tăng, nếu không bán được thì đem về đợi đến phiên chợ sau.

Về đến chợ, việc đầu tiên người ta mua - bán trao đổi hàng hoá, ăn uống... Còn thanh niên nam nữ thì toả ra các góc chợ để đánh quay, đánh gụ, hát đối “Then”, đối “Soóng Cọ”, đối “Gọi bạn” v.v... Qua lời ca tiếng hát, họ thử tài nhau, tìm hiểu nhau, rồi hẹn nhau, chờ nhau trong ngày hội chợ tới...

Trước đây chợ thường họp vào những ngày lẻ (3, 7, 11, 15, 17... trong tháng ba âm lịch) hàng năm. Ngày nay điều kiện kinh tế của nhân dân trong vùng khá lên, nhu cầu mua bán nhiều hơn nên chợ chuyển sang họp thường xuyên vào những ngày chủ nhật hàng tuần. Thời gian họp chợ từ 9h sáng đến 14h trong ngày.

Trước ngày về chợ, nam nữ chuẩn bị một bộ quần áo thật đẹp, vì với họ về chợ là cả một ngày hội, họ tha hồ thả sức vui chơi giải trí sau một thời gian lao động mệt nhọc, và đây còn là một dịp để tự tình qua lời ca tiếng hát. Không ít những cặp trai tài, gái sắc qua những phiên chợ mà đã nên vợ nên chồng sống trọn đời hạnh phúc bên nhau.


15. TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI BÃI CHÁY

TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI BÃI CHÁY

Địa chỉ: Bãi Cháy, Tp. Hạ Long

Vị trí: Chợ Trung tâm Thương mại Bãi Cháy nằm ở phố Vườn Đào, thuộc khu vực Bãi Cháy, Tp. Hạ Long.

Trước đây là một chợ nhỏ nằm ở phố Vườn Đào, ngày nay Tp. Hạ Long có một phố mới mở thêm gọi là phố Anh Đào nên chợ đã lùi vào phía trong và được đầu tư xây dựng thành một trung tâm thương mại lớn, hiện đại.


16. CHỢ MÓNG


Địa chỉ: Chợ cửa khẩu Móng Cái

Vị trí: Nằm ở phường Hoà Lạc, Chợ cửa khẩu Móng Cái, cách cửa khẩu Bắc Luân 1km.

Đặc điểm: Chợ bao gồm ba khu gọi là chợ Móng Cái 1, chợ Móng Cái 2 và chợ Móng Cái 3.

Chợ cửa khẩu Móng Cái không chỉ là trung tâm thương mại, là nơi mua bán trao đổi hàng hoá mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hoá, gắn bó tình cảm giữa nhân dân địa phương hai nước.

Hàng hoá bày bán ở trong chợ và trao đổi qua biên giới khá phong phú. Hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam chủ yếu là vải, quần áo may sẵn, chăn màn, giầy dép, các đồ điện tử cao cấp, đồ chơi trẻ em, bánh kẹo, hoa quả như táo, cam, lê, nho khô... Hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là cao su sơ chế, hải sản tươi sống, tôm cá đông lạnh, nông sản thực phẩm như chè, cà phê, lạc vừng, đậu... Ở trong chợ nổi lên là các sạp hàng vải, bánh kẹo Trung Quốc. Đặc biệt là các quầy thuốc Bắc, các thầy lang người Trung Quốc vừa bắt mạch vừa kê đơn bốc thuốc tạo nên nét riêng độc đáo ở chợ cửa khẩu Móng Cái.



Điểm tham quan khác tại Quảng Ninh


Cẩm Nang Du Lịch Quảng Ninh